Thursday, June 21, 2012

TRƯỜNG CŨ THẦY XƯA

Đỗ Thị Hương Bình


Ngày tháng đong đưa nuôi tôi khôn lớn
Thầy cũ trường xưa sống mãi trong hồn.
Có thể nào quên bữa sáng mưa tuôn
Mắt lấm lét, chân ngập ngừng: nhập học.
Vuông lớp nhỏ, êm đềm nằm một góc
Trứng cá bao quanh nép sát chân tường
Thầy tôi đó, da nhăn bạc tóc,
Giọng nói hiền hòa, ôi quá là thương.
Ánh mắt bao dung, ẩn dưới làn gương
Đảo quanh lớp, bạn tôi đều khép nép.
Bạn nhỏ ạ, qua rồi khung cửa hẹp
Bỏ trường xưa, tôi học thói làm sang
Trường lầu cao, lớp học rộng thênh thang
Thầy cô trẻ, bạn bè chi cũng đẹp.
Nhưng bạn ạ! Một lần về quê cũ
Thăm lại trường xưa, mái rũ rêu phong
Tìm lại trường xưa, an giấc ngàn năm
Xúc động dâng lên nghẹn ngào tôi khóc./.

       Ai từng là học trò thì đều có trường xưa, thầy cũ; cũng đều có những ấn tượng sâu xa của tuổi học trò. Ký ức đời người có nhiều ngăn, nhưng những năm tháng làm học trò thì thật là một dấu ấn khó phôi pha, không nhắc nhớ thì thôi, nhắc nhớ làm ta phải chạnh lòng.

       Với thời gian với tôi “Thầy cũ trường xưa” của thuở đầu đời là cái “vuông lớp nhỏ êm đềm nằm một góc”. Vâng đúng vậy, êm đềm một góc sân sau của trường với tàn cây thầu đâu bao quanh rợp mát, đó là phòng học lớp năm (lớp 1 bây giờ) của tôi ngày đó. Dãy trước là 4 phòng và một góc sân trường là phòng hiệu trưởng, sân trường không còn chỗ cho nắng, nhờ bóng mát của 2 cây bàng và những cây keo ngoài hàng rào bảo vệ cho ngôi trường. Một góc khuất bên trái sân còn có một giếng nước trong mát. Đó là Trường tiểu học Mỹ Hiệp của tôi thời ABC đấy.

       Lớp học đầu đời của tôi là đấy, người thầy của tôi là tà áo dài trắng của cô giáo Lợn, tên của cô thật kỳ bạn nhỉ, cô hiền lắm thật hiền và thật dịu dàng, tôi không biết năm đó cô bao nhiêu tuổi, chỉ biết cô không già lắm, dáng nhỏ, đi dạy lúc nào cũng một màu trắng áo dài, cái cảm giác sung sướng khi mỗi chiều nép mình bên cô trên đường đi học về tôi vẫn không quên được, nó lâng lâng và ấm áp lạ thường khi được cô choàng tay qua vai trên đường đi “Cô có ông chồng thật dữ mà sao cô hiền thế không biết”, đó là lời những người lớn nói về cô. Bởi tôi và cô ở cùng làng, nhà cô cuối xóm, nằm biệt lập trong một khu vườn dù rằng làng tôi không phải là làng quê, một cây cầu gỗ bắc ngang trên mương sen trước khi bước vào nhà càng tăng thêm vẻ nên thơ. Tôi mỗi chiều chủ nhật đều xuống ngồi chơi trên cây cầu gỗ đó nhưng không dám vào nhà vì còn có một sân dài cùng 3 con chó Berger cao hơn tôi ngày ấy làm hàng rào án ngữ. Eo ôi sợ lắm. Có lần sơ ý đánh rơi chiếc guốc gỗ mẹ mới mua xuống cầu, lòng tiếc ngẩn ngơ vì không biết làm cách nào để lấy lên được, hôm ấy tôi đã bị mẹ cho một trận đòn nên thân (vì nhà tôi nghèo lắm).

       À, tôi cũng tả thêm tí nữa để bạn hình dung tại sao nhà cô tôi lại nói là nằm biệt lập.
 
       Bạn biết con mương chỗ cống Huyện chứ. Không biết nó phát nguyên từ đâu, chỉ biết đường từ Huyện thì nhìn thấy nó, chảy men từ cơ quan hành chánh Huyện xuống tận xóm đồng để đem nước tưới mà chiếc cầu gỗ bắc ngang làm ngăn cách mặt mương cũng là giới tuyến bao bọc 3 mặt. Một bên là những lùm tre tiếp giáp đồng ruộng, một bên là ngôi biệt thự xinh như mộng của ông bà thầy Hà, trước mặt là đường cái, còn nhà cô sâu tận bên trong bốn bề cây cối ruộng đồng. Tôi có nên đưa ngôi biệt thự của ông bà Thầy Hà vào bài viết của tôi không nhỉ, bởi nó thơ mộng lắm ông bà Bác sĩ vang bóng một thời ở Quận tôi. Nhưng khi tôi lớn ông đã không còn, thỉnh thoảng tôi thấy bà Thầy Hà đi ngang nhà, dáng đẫy đà quí phái trắng hồng của một phu nhân gốc Huế. Biệt thự giống như vành đai phân giới giữa xóm Mới là xóm tồn ở và xóm Đông phía dưới. Ngôi biệt thự dài và rộng lắm, mặt tiền có 2 cổng hơi uốn theo hình chữ L theo chiều của con đường làng. Một cổng phụ nằm mặt dưới bước vào là thấy nhà xe cổng chính bằng đá trụ to, bước vào là sân Hòn Non Bộ tới gian nhà chính xây theo kiến trúc Pháp tiếp theo những gian nhà sau phân chia ngăn ngủ hợp lý cho mọi sinh hoạt, ôm theo vách dãy nhà là hàng bưởi ngọt hiếm có, cùng với một chiều dài sân đá cuội rào rạo bước chân. Nên thơ hơn là những cây khế nằm xõa mình rạp trên mương sen tiếp giáp bờ nhà cô Lợn.
 
       Tôi lớn lên chỉ là lớp người ngang với con cháu ông bà Thầy Hà, thỉnh thoảng có dịp đến chơi nhìn cảnh tôi lại liên tưởng tới hai câu thơ của bà Huyện Thanh Quan trong “Thăng Long Thành Hoài Cổ”.

“Lối xưa xa ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
 
       Lòng tôi cứ đau đáu nỗi niềm một thời vang bóng của ngôi biệt thự với cái hồn của ông bà Thầy Hà lúc sinh thời … Một thời gian sân đá cuội đã cùng thiên nhiên và khung cảnh thích hợp cho việc mở quán Cafe giải khát lý tưởng góp phần kinh tế gia đình cho lớp con cháu.

       Khi đang học lớp 9, một tin bất ngờ làm mọi người sửng sốt, nhà cô Lợn là căn cứ “cách mạng”, vì sơ ý thế nào người con gái liên lạc để rơi tài liệu, lính gác nhặt được ( những ngày ấy lính gác thường xuyên canh ngang đường trước mặt nhà cô). Còn nhớ khoảng 5 giờ chiều ngày hôm ấy, một tiếng lựu đạn nổ ầm làm rung động cả làng tôi. Người con gái lớn của cô - cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Oanh đã lấy thân mình làm vật hy sinh để cứu căn hầm, một chiến sĩ “cách mạng” hy sinh cộng thêm một cảnh sát quốc gia cũng bỏ mình theo cô. Gia đình từ đó ly tán, và cô bị bắt ở tù, cây cầu gỗ theo thời gian chỉ còn là những mảnh ván hư hỏng chấp nối, nhà cửa quạnh quẽ, cỏ mọc bốn bề, mương sen lâu ngày đã thay thành hoa lục bình cùng rau muống. Sau biến cố Mùa xuân 1975 cô được trở về và cô đã chết trong những ngày tôi ở xa quê.
 
       Bạn ạ, bây giờ làng tôi mang tên Nguyễn Thị Ngọc Oanh, quê tôi đổi mới nhiều lắm, một đại lộ 40m chạy qua trước nhà cô, mương sen, cây cầu gỗ, ngôi biệt thự của ông bà thầy Hà cũng bị biến mất còn ngôi trường với vuông lớp nhỏ của tôi một thời gian đã thay tên thành Trường mẫu giáo Hoa Sữa tiếp tục nuôi dưỡng những thế hệ măng non trong đó có con tôi và khi tôi viết bài này. Đồng thời cũng là lúc ngôi trường cũng chỉ còn chờ thay da đổi thịt, thay tên đổi họ, bởi một Trường mẫu giáo Hoa Sữa to lớn hoành tráng đã được mọc lên ở đường lên Phong Ấp thuộc xã Ninh Bình rồi.

       Thỉnh thoảng đi ngang, lòng tôi không tránh khỏi chút xao xuyến, không biết có ai còn nhớ tới ngôi trường này không.
 
       Bước lên những năm lớp bốn - ba - nhì - nhất tôi còn nhớ những người thầy cô dạy tôi là Thầy Tịch, cô Trúc, cô Buôn, nhưng sao tôi lại không còn chút ấn tượng nào mạnh cả. Tôi không biết sao ngày ấy tôi hiền thế không biết, đi học những năm cấp 1 tôi chuyên môn lãnh phần thưởng hạnh kiểm, còn thi thì 2 lần thi vào Trần Bình Trọng đều rớt, nghe lời mọi người, mẹ cho tôi học lại một năm tiếp liên Trường Đức Trí (cho cứng). Một năm tiếp liên với thầy Phiệc và thầy Hiệu trưởng Ngô Văn Cử giảng dạy, nhưng tôi cũng chỉ ấn tượng với thầy Cử là nhiều. Toán - Văn thầy dạy đều hấp dẫn chương trình rộng, cách dạy thật ấn tượng, thêm tích cách thưởng - phạt cũng rất khó quên, một năm tiếp liên với những kỷ niệm ăn bánh tráng ỉu tại lò, chơi chắt múa, lò cò, nhảy dây và trò luôn luôn là kẻ bị thua nhiều nhất. Những buổi tan học thì không đi đường chính về nhà mà lại đi ngược ngõ đồng để tung tăng đùa giỡn.

 
       Nếu ký ức của tuổi thơ không phai nhòa thì dấu ấn về những năm tháng tiếp theo của tuổi học trò cũng không ít. Chiếc áo dài trắng khoác lên mình mới ngượng nghịu làm sao. Sau hai lần thi trượt vào trường công mẹ không buồn khi 4 năm liền tôi đều mang về 4 phần thưởng đỏ chót của Trường Trung học Bán Công chưa kể tôi còn được hưởng học bổng của Quân đội Đại Hàn (mà mỗi trường chỉ có 2 học sinh) dành cho những học sinh nghèo hiếu học như tôi.
 
Bốn năm mài đủng quần ở Trường Trung học Bán Công cùng với sự dìu dắt của thầy Hiệu trưởng Bửu Hỹ mà không học sinh nào không nể phục trước cái uy nghi, tác phong dịu dàng ẩn trong giọng Huế nhẹ nhàng của thầy. Cùng công tác đi đưa nhà trường vươn lên trong mọi lãnh vực Văn - Thể- Mỹ là những thầy cô giáo nồng cốt vừa là đội ngũ giáo viên sôi nổi nhiệt tình đầy tâm huyết như thầy Hiến, thầy Độc, thầy Sơn, cô Chiêu, cô Vân…
 
       Ngoài ra, còn có những giáo sư của Trường Trần Bình Trọng cũng được mời qua giảng dạy, nhờ vậy mà tôi được hấp thụ kiến thức cũng như lòng kính trọng, nể phục người thầy dạy văn lớp 9, đó là thầy Cao Đình Đãi, thầy cũng nhỏ người, tầm tầm với cô giáo lớp 1 của tôi ngày xưa, người gốc Diên Khánh - Nha Trang. Giọng nói hiền hòa nhẹ nhàng, gương mặt thon, da trắng, sống mũi thẳng, miệng nhỏ mà hai con mắt đen to biểu lộ một tấm lòng đôn hậu tình cảm. Lớp 9 là những bài văn bình giảng về Kiều, về những nhà nho xưa, là những bài văn nghị luận. Khi thầy giảng tôi nghe thật say sưa vừa ghi chú quanh bài thơ bằng bút chì, sự lột tả của thầy mở ra cho tôi thấy một biển rộng kiến thức văn chương chỉ gói gọn trong một từ, một câu,…

       Tôi lắng nghe mà lòng chỉ biết thán phục. Thầy giảng sao mà hay quá có lẽ nhờ vậy mà trí tôi được mở ra và bài làm của tôi luôn chiếm điểm số cao của lớp. Năm ấy thầy có ý định sẽ viết sách, nên muốn tập trung bài giảng khỏi bị rơi rớt, thầy xin mỗi lớp một quyển vở học của thầy vào dịp cuối năm. Thầy xin tôi, tôi tiếc những bài giảng của thầy sẽ bị mất nên chép lại một quyển vở khác đưa cho thầy, nét cảm động thân thương truyền qua cái tát nhẹ lên quyển vở vào mặt tôi mà không nói một lời, chỉ cười hiền hòa với học trò. Khi tôi viết bài này thì thầy đã ra người thiên cổ, và thầy ơi, cái hoài bão của thầy đã bị sụp đổ kể từ biến cố Mùa xuân 1975 và giờ đây cũng ngậm ngùi cùng với thầy dưới ba tấc đất rồi phải không thầy. Cam Ranh - Ninh Hòa chỉ hơn 70km mà lại ngăn cản bước chân nên mấy chục năm mà thầy trò không gặp dù rằng tin về cuộc sống của thầy thì học trò ai cũng biết. “Tao chỉ thích một lần đi thăm thầy Đãi thôi mày ạ”, tôi thường nói với bạn bè như vậy.
 
       Rời khỏi tổ ấm 9B của Trung học Bán Công, tôi còn 2 tháng làm quen với trường Trung học Đức Linh ở Ban B ngày ấy rồi mới thi đậu vào Ban C của Trung học Ninh Hòa lúc này trường đã lại đổi tên nên những thầy ở Trường Đức Linh tôi đều biết nhưng chưa có kỷ niệm nào sâu sắc để đời.

       Ngôi trường của thời cấp III của tôi to lớn rộng rãi hơn Bán Công nhiều vì trường bao gồm cả 2 cấp II và III, thầy cô nhiều, buồn vui cũng nhiều, cái tuổi 17 bẽ gẫy sừng trâu cũng lắm kỷ niệm khó quên nhưng thôi cứ cho nó vào ngăn ký ức. Chỉ biết bọn học sinh Bán Công chúng tôi khi nhập chung với học sinh Trần Bình Trọng cũng có nhiều kỷ niệm và sau 3 năm đèn sách tình bạn càng thắm thiết, năm lớp 10 thầy Phạm Văn Trai từ đất Huế về chủ nhiệm và dạy môn chính Anh văn cho chúng tôi, kỷ niệm của thầy còn lại đến bây giờ là tấm hình gia đình 10C4 của chúng tôi gồm đủ tất cả gương mặt, bây giờ lâu lâu tôi còn giở ra xem. Qua năm 11 chúng tôi được thầy Lâm Đức Toản làm giáo sư hướng dẫn. Đây mới là người thầy có nhiều ấn tượng cũng như nhiều kỷ niệm với chúng tôi, thầy giọng Bắc nhẹ nhàng giảng bài (Pháp văn và công dân) nghe thật lôi cuốn, với kiến thức rộng rãi và thầy có tài nói tếu không kém khiến các tiết học của thầy lúc nào cũng toàn tiếng cười.

       Những gì còn đọng lại cuối đời học sinh phổ thông của tôi là năm 12 dưới sự dìu dắt của thầy Dương Anh Sơn, với môn Triết học là chính. Bởi lòng nhiệt huyết của người mới ra trường thầy đã truyền thụ cho học sinh bằng tất cả niềm say mê. Ngoài những giờ Triết học khô khan thầy còn tiêm cho chúng tôi những triết lý sống ở đời, những triết lý về chân - thiện - mỹ, những triết lý sống đẹp, sống có hồn, không cầu kỳ, không sân si với thầy là đi cho người ta nhớ, ở cho người ta thương” hoặc “ tất cả sẽ đi qua, chỉ còn là kỷ niệm” Hoặc một câu mà suốt đời chiêm nghiệm lúc nào tôi cũng thấy đúng “người ta không bao giờ tắm hai lần trong một dòng sông” còn… còn nhiều nữa nhưng với lứa tuổi ngày ấy chắc ít ai chịu và suy ngẫm. Đối với thầy tất cả đều là Nhân - Duyên. Được đổi về Ninh Hòa là duyên - được dạy lớp chúng tôi là duyên. Bởi vậy thầy thương lớp chúng tôi lắm (lớp con so mà). Bởi thế sau một chặng đường 28 năm cách biệt, thầy trò chúng tôi mới được gặp lại, dù thời gian có làm thay đổi diện mạo, nhưng khi nhắc đến cái tên thì thầy không quên cái “riêng” của từng đứa, thầy nhắc mà tôi phải giật mình. Hương Bình ngày ấy tóc dài thường ôm cặp trước ngực, lặng lẽ ra về mỗi giờ tan học. Tuyết Hoa mơ màng nhìn về một chân trời xa xăm, Hồ thị Hoa liếng thoáng đốp chát đám bạn trai theo chọc ghẹo, Tô Châu ốm khều khào ưa gục gặc cái đầu, Lệ Hồng lại xưng con với thầy làm thầy phải ngạc nhiên… 28 năm thầy vẫn nâng niu gìn giữ cuốn Đặc San của lớp còn nguyên vẹn. Hôm nay cầm nó trên tay tôi thật xúc động khi nhìn và đọc lại bài viết của mình và bạn năm xưa, tựa hồ như có chiếc gương thần soi rọi quá khứ.

 Thầy Đãi nêu cảm tưởng sau 28 năm xa cách
 
       Giã từ tuổi học trò, giã từ tuổi mộng mơ, mỗi người bị cuốn vào dòng xoáy của cuộc sống, sợi dây ràng buộc tưởng đã không còn. Nhưng cuộc sống có câu “trong tro còn lửa” nên một ngày thật đẹp trời (theo tôi là thế) ngọn lửa đã bùng lên. Các bạn tôi ở Sài Gòn mà điển hình là cặp vợ chồng Hoa - Phê đã làm một cuộc dong ruổi tìm về cội nguồn và đã gặp lúc này thầy đang làm chủ một Đại lý thuốc Tây. Cuộc trùng phùng diễn ra với biết bao vui mừng. Sau đó đã có một cuộc họp mặt ở Sài Gòn (nhưng vì hoàn cảnh nên tôi không có mặt). Thế rồi những cánh thư, những món quà tình nghĩa đã được gói ghém gởi đi vào những Ngày Nhà Giáo. Thế là một sợi dây tình cảm giữa thầy trò, bạn bè Sài Gòn - Ninh Hòa cũng như ở Mỹ. Từ đó đến nay đã được thắt chặt hơn, có những ngày vui diễn ra, có những tiếng cười rộn rã cất lên, kỷ niệm lại có dịp được nhắc, sự già nua hầu như cũng được quên đi trong phút chốc… Và rồi tiếng cười cũng có lúc bị nấc lại khi chúng tôi phải thắp nén nhang tiễn hai người bạn giã từ về cõi vĩnh hằng. Bạn Toan ở Ninh Thân bị ung thư, trước khi nhắm mắt bạn cũng có được một thời gian ngắn ngủi nhận được sự an ủi của thầy trò, bạn bè qua những lần thăm viếng cũng như điện thoại của thầy từ Sài Gòn được bạn bè đưa tiễn vào phút cuối đời và với khoản tiền nho nhỏ (5.000.000đ) để tăng thêm lòng thương mến ở bên kia cuộc sống. Bạn Lệ Hồng trái lại “một cõi đi về” của bạn là sự lặng lẽ âm thầm không một cái vuốt mắt của người thân … vì tai biến hay bạn đã tự chọn sẵn cho mình xác ở Sài Gòn mà hồn tận Cam Ranh. Bù đắp lại thầy trò chúng tôi đã bằng tất cả tâm tình kẻ ở hải ngoại, người trong nước gom góp một khoản tài chánh nho nhỏ (20.000.000đ) dùng vào việc tôn tạo một nếp nhà mới cho những đứa con của Hồng khang trang hơn, cho ấm lòng kẻ ở người đi (còn nhờ thêm sự đóng góp của người thân trong gia đình Hồng) mọi sự nhờ thầy Đãi đứng ra lo liệu. Rồi cái ngày mừng nhà mới đến, một điều kiện được đi Cam Ranh, đồng nghĩa được thăm thầy Đãi, thời điểm thực hiện được ước mơ nung nấu trong lòng bấy lâu nay, một sự bồn chồn nôn nao khi thấy Sơn tôi ấn định 30/04/2005 lên đường, thế là thỏa mãn lòng mày nhé Bình.

       Sự nôn nao bồn chồn lo lắng nung nấu trong lòng bọn tôi suốt cả tháng trời kể cả thầy Sơn, thầy Đãi cũng vậy. Điện thoại các thầy cứ réo về nhà Lâu (vì đó là điểm tập kết). Rồi cái ngày mừng vui đó cũng đến, sự nôn nao được nhường chỗ cho tiếng nói cười vang dội suốt cả chặng đường hơn 70km…và rồi bóng thầy kia - thầy đứng đón chúng tôi như đã hẹn, vẫn dáng dấp nhỏ nhắn, cầm chiếc mũ vải rộng vành thầy huê tay làm hiệu, miệng cười từ xa thật tươi. Cảm giác đầu tiên của tôi là sao không thấy nét già nua trên gương mặt thầy. Lạ nhỉ 30 năm, năm nay thầy đã 69 tuổi rồi mà, tôi cũng mừng thầm trong lòng, tiến lại gần chúng tôi chào thầy và đố thầy “em là ai”. Nghiêng mặt thầy nhìn cho kỹ à. À! Nói thì thầy nhận ra ngay em, em cũng không khác mấy, sao có đứa nói tên mà thầy cũng không nhớ được lâu quá mà.

 

       Đưa đoàn thầy trò chúng tôi vào nhà, nhà thầy thật đơn sơ và giản dị như con người của thầy (sau thầy còn bảo đó chính là nhà của cơ quan Quân Đội cho mượn), câu đầu tiên của thầy nói tôi còn nhớ mãi:
- “Một lần điện về Ninh Hòa là tao mất ngủ 3 - 4 ngày - nhớ quá”
Thật vậy hả thầy, lòng thầy như vậy mà học trò nào có biết. Tôi nói.
- Ngày xưa nhà gồm có 3 người, giờ cũng đủ 3 thành viên. Thầy giới thiệu tiếp về vợ và con gái của thầy. Cô con gái của thầy thật xinh đẹp với nụ cười thật là duyên dáng - vợ thầy cũng thế, người Huế dáng thật dịu dàng với làn da trắng xinh như con gái nhìn sao nhẹ nhàng thanh thoát, nhìn gia đình thầy tôi thấy ai cũng thoát tục làm sao.
       Thầy dẫn đoàn chúng tôi tới nhà con Hồng vui sướng ngập tràn trên ánh mắt của thầy chúng tôi - thắp nhang, chuyện trò ăn sáng cùng gia đình trong không khí đông vui …
 
       Giã từ ngôi nhà bạn, chúng tôi lên xe về ăn cơm trưa ở Ngọc Sương, thầy trò chúng tôi nói chuyện Đông, chuyện Tây, còn tâm sự chưa vơi mà đã tới lúc vẫy tay giã từ thầy để tiếp tục cuộc hành trình ngược về Ninh Hòa. Tôi không quên vẫy tay và nói:
“Thầy ơi! Đừng mất ngủ nghen thầy”. Tạm biệt Cam Ranh. Thầy trò chúng tôi ghé quán Bốn Mùa ở bờ biển Nha Trang uống cafe và hưởng không khí Nha Trang. Sống Sài Gòn nhiều ra Nha Trang thấy thích lắm. Tôi ngồi đối diện Thầy Sơn và thầy Phách, cũng người Huế bằng tuổi thầy Đãi nhưng lại nhìn thấy nét già nua trên gương mặt. Chắc tại thầy tạng xương, cao, đô, khuôn mặt dài hơi hóp má, sống mũi cao như Tây, miệng rộng và thật có duyên, cũng cặp mắt to đen, hiền hậu. Chuyên môn của thầy là dạy sử thế giới và dạy hay tuyệt vời không chỗ chê.
 
       Thấy thầy ốm mà có vẻ khỏe khoắn, tôi nói: “Em thấy thầy ốm mà khỏe phải không thầy”. Thầy sống tuân theo 4 quy tắc: “Qui dục, nghi thực, hoạt hầu, tâm đồng”. (Qui đây là rùa nghe em chứ không phải qui nạp đâu, có nghĩa là phải tiết dục, ăn như kiến, hoạt động như khỉ và tâm phải như trẻ thơ).
Tôi nghe mà cảm nhận như một bài học sống, lúc này đây chúng em vẫn là những đứa học trò vẫn tiếp tục học ở các thầy những điều hay, điều tốt.
Chia tay học trò, các thầy lại về với tổ ấm các thầy, nghe Tuyết Hoa ở Sài Gòn điện về nói thầy Sơn mình vui lắm, nét hớn hở tràn trề trên gương mặt.
Nhưng … đời là vạn ngày sầu, hai tháng sau một tin dữ làm tôi phải choáng váng Diệp Thế Lâu báo tin tôi vào một buổi sáng: Thầy Đãi bị ung thư máu, nằm ở Sài Gòn và sắp chuyển về - tụi mình sửa soạn để đi thăm thầy. Đất trời như ngừng lại, tim tôi như thắt “Thật sao mày”. “Trời ơi”, sao không phải là ai khác, sao không phải là một bệnh khác.
Chuyến xe đưa thầy từ Sài Gòn về, trong đó có Phê và các bạn khác. Chúng tôi thăm thầy tại nhà từ đường, thầy ở Nha Trang. Những hình ảnh này không bao giờ phai nhòa trong tôi.
Thầy nằm đó, đắp một khăn ngang bụng và chỉ một quần đùi mỏng, chắc Thầy nóng trong người lắm, gương mặt Thầy đanh lại nghiêng ra nhìn. Khi thấy chúng tôi bước vào chưa kịp tới gần Thầy đã phát tay đuổi chúng tôi.
- Tụi …mày ..ay …về … đi ..
Giọng Thầy như uốn lưỡi, không nói nhanh như bình thường nhưng sắc giọng lại cứng vô cùng.
Chúng tôi không nói vẫn chậm rãi từng đứa tiến lại. Thầy lại tiếp tục đuổi.
- Tụi … mày ..ay …vêề … đi .. tau … không.. chết.. đâu …
Chúng tôi lẳng lặng bước ra ngoài. Lúc này chỉ có cô bên cạnh săn sóc đút sữa cho Thầy.
Hồi lâu tôi rón rén bước lại gần.
- Thầy. Thầy nhớ em không ?
- Tau … không.. chết.. đâu … tau .. còn .. dề .. Ninh .. Hòa .. nữa
Chúng tôi không dám làm gì. Chuyện trò với cô hồi lâu rồi ra về.
Tuần lễ sau thầy đã được hóa thân thành tro đúng như lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi ....”
 
       Vĩnh viễn và chắc chắn tôi không còn thầy, một phút bi quan tôi thầm nghĩ:
       Thật bất công và cũng thật vô nghĩa. Hạnh phúc cho những ai đã từng có một thời làm học trò. Chúng ta hãy nâng niu quý trọng nó. Và các bạn của tôi ơi! Dù bạn đang có một học vị cao, hoặc đang thành danh ở lãnh vực nào thì bạn cũng nên nhớ rằng chúng ta cũng chỉ là học trò của các thầy thôi. “Tôn sư trọng đạo” mới nên người.
 

No comments:

Post a Comment