Thursday, June 21, 2012

BỤI THIỀN

Chú mục đồng này trong quá trình tìm và chăn con trâu tâm của mình, thỉnh thoảng được nghe qua vài mẫu chuyện ngắn ngắn, xin kể lại cho chư Thiền hữu cùng nghe. Có thể vô tai này lọt qua tai kia cũng không sao, vì bản chất của ngôn ngữ vốn là không danh không tướng, bọt biển, phù du, đốm hoa, trăng nước.
Những câu chuyện này, người ta kể quá nhiều rồi, nhưng dù sao vẫn có người chưa được nghe. Xin kể theo kiểu riêng của mình và miễn bàn luận, vì bảo đảm, sẽ không bao giờ bàn hết ý nghĩa của nó. Hãy để nó y nguyên như là, không nên gán đặt cho nó danh xưng, tên gọi, ý nghĩa… gì cả. Cảm nhận nó như thế nào là việc của người đọc. Tuy nhiên, ở mỗi câu chuyện, xin ghi kèm một bài haiku “không ra mô tê chi” để cho câu chuyện có bạn có đôi, không thì cụt mất. Và xin ngỏ ý, những gì được kể ở đây, chỉ xem như những hạt “bụi Thiền”.

 
Mẫu chuyện 1:
Một triết gia có 80 cái bằng Tiến sĩ, 200 học trò và 1600 học hàm khác nhau được phong, gặp 1 thiền sư chưa xong cái bằng xoá mù chữ ở một ngôi chùa làng:
 - Thầy đang làm gì đó?
 - Ăn cơm.
 - Sau đó làm gì?
 - Rữa chén
 - And...
 - quét chùa
 - Then....?
 - Đi ngủ
 - Trời ạ! Tôi thấy sư sãi các ông uổng phí cuộc đời quá. Hàng khối kho tàng của thiên hạ chưa được khám phá. Các ông thì chỉ ăn với ngủ, không học hành, không nghiên cứu, không trao đổi, không thảo luận để tăng trưởng kiến thức gì hết.
 - Để làm chi vậy? Sư hỏi.
 - Để tìm thấy chân lý của vũ trụ.
 - Sau đó làm gì?
 - Để sống với nó.
 - And...
 - Thể nhập với nó.
 - Then...?
 - Để có cuộc sống hạnh phúc an lạc.
 - Hi hi. Cha nội ơi! Thì tui cũng đang sống an lạc, hạnh phúc đây.
 
Ruỗi dong bao kiếp
Chân lý nơi đâu
Thực tại nhiệm mầu.
 
 
Mẫu chuyện 2:
Một học giả có học vấn cao đến độ triết lý gì cũng biết, đến thăm Thiền Sư Trương Dần để tham khảo về Thiền, Sư mời anh một chén trà. Sư rót trà vào chén, rót nữa, rót đầy, tràn vẫn rót. Anh ta ngạc nhiên:
 - Thưa sư phụ, đầy rồi!
 - Ông cũng như ly trà này. Hàng nghìn quyển sách, hàng triệu tư tưởng trong đó, chỗ đâu nữa để tôi nói Thiền với ông?
 
Rót vào đâu
Một chén thiền trà
Giữa thành kiến bao la.
 
 
Mẫu chuyện 3:
Một Thiền sư đứng trên núi cao. Dưới chân núi có ba chàng thanh niên trí thức, tò mò tiến đến Sư, lần lượt từng người hỏi:
 - Ông đứng đây chờ bạn?
 - Không.
 - Vậy ông đứng đây hóng gió?
 - Không.
 - Hay là ông đang ngoạn cảnh?
 - Không.
 - Vậy chứ ông đứng đây làm chi? Cả ba cùng nổi cáu.
 - Ừ thì tôi đứng để đứng vậy thôi!
 
Bỏ danh xưng tên gọi
Quên được mất hơn thua
Thong thả bốn mùa.
 
 
Mẫu chuyện 4:
Một người mù rời nhà bạn. Bạn trao cho cây đèn lồng để soi đường.
 - Thôi không cần. Với tôi thì sáng cũng như tối.
 - Nhưng ông cứ cầm để người ta thấy mà tránh.
 - Ồ, vậy được!
Anh mù cầm đèn đi. Bỗng “bốp bốp”, có một cú va chạm. Người mù quát:
 - Bộ mày đui à? Sao không thấy ánh đèn?
 - Ông ơi! Đèn của ông tắt ngủm rồi.
 
Mặt trời chưa thức
Ảnh trong gương
Vì ngươi, ta dẫn đường.
 
 
Mẫu chuyện 5:
Có vị khách tăng đến viếng thăm Thiền sư Triệu Châu, Sư hỏi:
- Đã từng đến đây chưa?
- Dạ có! - Tăng đáp
- Uống trà đi! - Sư mời.
Một vị Tăng khác đến viếng, cũng câu hỏi thăm ấy, Tăng đáp:
- Dạ chưa!
- Uống trà đi!
Thị giả thấy thế ngạc nhiên, hỏi:
- Bạch Hòa thượng, sao hai người trả lời khác nhau mà Hòa thượng đều nói y nhau vậy?
Triệu Châu bảo:
- Uống trà đi!
 
Mặc tình lai khứ
Hồng đào năm cũ
Uống trà đi.
 
 
Mẫu chuyện 6:
Ngày xưa, có một bà lão phát tâm xây am và nuôi dưỡng một vị Tăng tu hành. Hằng ngày, bà sai cô con gái trẻ, đẹp mang thức ăn cho Sư. Sau ba năm, một hôm bà bảo con gái sau khi mang cơm, thử ôm Sư xem sao. Cô gái thực hiện kế hoạch của mẹ, Sư bảo:
- Khô mộc hàn nham, tam niên vô lãnh noãn. (Tui như khúc cây khô bên núi tuyết, ba năm không cảm giác nóng lạnh).
Cô gái về kể lại với mẹ, bà nổi giận lên, đuổi Sư đi, vừa đốt am vừa nói:
- Uổng phí! Uổng phí! Suốt ba năm nuôi dưỡng khúc gỗ.
Sau vài năm, Sư trở lại. Bà lại phát tâm như trước, và cũng thử bằng cách cũ. Sư nói với cô gái:
- Đừng cho bà ấy biết nhé!
Bà lão nghe kể lại, hoan hỉ cúng dường tiếp.
 
Nhuốm giọt tinh anh
Mai vàng hé nụ
Toả ngát hương lành.
 
 
Mẫu chuyện 7:
Trò hỏi Thầy:
- Rốt cuộc, Thiền nghĩa là gì?
Thầy nói:
- Khổng Tử bảo: “Ta chẳng dấu chi”. Thiền cũng vậy.
- Con chưa hiểu gì hết.
- Ngươi theo ta ra đây.
Phía sau núi, trăng thanh, gió nhẹ, hương lúa ngất ngây. Thầy hỏi:
- Ngươi có ngửi thấy mùi thơm đồng nội không?
- Yes
- Đó thấy chưa. Ta có dấu gì ngươi đâu.
- !!!
 
Chiều nào cũng Xuân
Ngày đẹp tươi trôi mất
Phút giây ngại ngùng.
 
 
Mẫu chuyện 8:
Một Phật tử hỏi Chu Huệ:
- Căn bản của Đạo Phật là gì?
Chu Huệ bảo:
- Chờ mọi người đi hết, ta chỉ cho.
Chập sau:
- Họ đi hết rồi.
Chu Huệ dắt vị khách ra sau bụi tre, chỉ:
- Nhìn nè! Cây tre này cao, cây tre này thấp.
- !!!
 
Người ngu kẻ trí
Cây thấp cây cao
Khác mấy ti hào!
 
 
Mẫu chuyện 9:
Một tên cướp đột nhập vào am của Thiền sư Shichiri, dí dao vào cổ:
- Tiền ngươi để ở đâu, đưa hết cho ta thì được toàn mạng.
- Cứ tự nhiên! Tiền bỏ trong ngăn kéo kia, nhưng nhớ chừa lại cho tôi vài đồng để mai mua rau.
Tên cướp quén tiền rồi bỏ đi. Sư bảo:
- Khi nhận của người ta cái gì, anh nên cảm ơn.
- Cảm ơn! hứ…!
Ít hôm sau, tên cướp bị bắt. Nhà cầm quyền đem đến hỏi Sư:
- Có phải tên này lấy trộm tiền của thầy không.
- No! tiền tui cho ảnh đó. Ảnh có cám ơn tui đàng hoàng mà.
Vài năm sau, khi mãn hạn tù. Tên cướp đến chùa:
- Xin Thầy nhận con làm đệ tử.
- Cứ tự nhiên!
 
Trong rác có hoa
Dao đồ tể bỏ xuống
Tình thương chan hoà.
 
 
Mẫu chuyện 10:
Đêm nọ, có tên trộm vào nhà Thiền sư Huệ Quang, nhưng đúng là xúi quẩy, gặp phải ông Sư nghèo mạt rệp, chả có gì để chôm. Không để tên trộm tìm kiếm lâu, Sư cởi chiếc áo vá không còn chỗ để vá cho anh:
- Chả lẽ để anh về tay không, thôi anh cầm tạm chiếc áo này vậy.
- ?! (muốn té xỉu)
Tên trộm bỏ đi. Sư lắc đầu tiếc nuối:
- Tội nghiệp hắn! Ước chi ta có thể cho hắn mặt trăng đẹp tuyệt vời kia!
 
Danh lợi mây bay
Tiền tài phấn thổ.
Ngắm ánh trăng đầy.
 
 
 
Mẫu chuyện 11:
Bữa nọ, Thầy hỏi các đệ tử:
- Đời người sống được bao lâu?
- Bảy mươi năm - Một đệ tử trả lời. Thầy lắc đầu.
- Năm mươi năm - Một người khác nói. Thầy cũng lắc đầu.
Đồ chúng bắt đầu ngơ ngác.
- Mười năm.
- Làm gì có thế!
- Một năm.
- Được vậy thì đỡ!
- Một ngày.
- Dài quá!
- Một giờ.
- Vẫn không thể!
- Thưa thầy! Con nghĩ, mạng sống con người chỉ bằng một hơi thở thôi ạ.
- Đúng rồi!
 
Mong gì trường cửu
Mộng ước xanh xao
Một hơi thở vào.
 
 
Mẫu chuyện 12:
Thầy hỏi đại chúng:
- Yếu nghĩa của Thiền là gì?
- Bất lập văn tự.
- Ông còn lập đó!
- Giáo ngoại biệt truyền.
- Tôi đang dạy các ông nè!
- Trực chỉ chơn tâm.
- Còn đi lòng vòng mà cứ thích nói chơi!
- Kiến tánh thành Phật.
- Nếu các ông kiến rồi, thành rồi, ta hỏi làm gì?
- Vậy thưa Thầy - Đại chúng xôn xao - Là gì ạ?
- Đơn giản, Thiền là Thiền!
 
Sấm dậy rền vang
Lắng trong vô tướng
Phút giây bàng hoàng.
 
 
Mẫu chuyện 13:
Mãi thắc mắc làm sao phối hợp nhu cương trong một đường quyền, Hoàng Kỳ Anh đến tham vấn Thiền sư trụ trì chùa Vân Hưng (vốn không biết võ thuật) khi ông đang gõ mõ tụng kinh:
- Hoà thượng, sao Thầy chưa nghỉ mà tụng kinh khuya thế ạ?
- Mắt anh có vấn đề hả, tôi đang chép kinh Kim Cang.
- Hở ?!?!?!
Chập sau, Thiền sư cầm bút chép kinh, và hỏi:
- Ngươi nói ta đang làm gì đây?
- Dạ, Thầy đang chép kinh.
“Bốp”, Thiền sư quất cây bút lông lên đầu anh ta một phát:
- Sao ngươi ngớ ngẫn thế, ta đang gõ mõ tụng kinh!
- Thôi được - Kỳ Anh nổi cáu - Tụng kinh thì tụng kinh.
Cười một tràng dài, Thiền sư chê:
- Ăn học bao nhiêu năm uổng phí, rõ ràng là ta đang cầm bút chép, sao bảo là gõ mõ tụng kinh chứ!
 
Chìm trong tên gọi
Vướng bận ngoại hình
Dừng thôi, chớ bất bình!
 
 
Mẫu chuyện 14:
Hữu duyên, cả gần mười Thiền sư nổi tiếng nhất cả nước gặp nhau ở một ngôi chùa. Họ ăn cơm, đàm đạo, tham cứu Thiền, đi ngủ, thức dậy, … và cứ thế.
Một người đến thăm các Thiền sư, hỏi:
- Rất nhiều người bỏ cả gia đình, sự nghiệp… để vào chùa nghiên cứu Thiền học. Họ bỏ nhiều công sức để tập luyện, thực hành. Vậy, cuối cùng, họ có đạt được gì không ạ?
Các Thiền sư đồng thanh đáp:
- Không được gì cả!
 
Cực đoan so sánh
Được mất hơn thua
Chỉ một trò đùa.
 
 
Mẫu chuyện 15:
Một đại tướng hỏi Thiền sư Hải Đăng:
- Có Thiên đàng và Địa ngục không?
Thiền sư hỏi lại:
- Anh làm nghề gì?
- Tôi là một Đại tướng đầy quyền lực và danh tiếng, ông không biết à?
- Ha ha! Cái mặt ông mà cũng được làm Đại tướng, tui thấy ông chẳng khác gì tên đồ tể.
- Aaaaaaaaa… Ta chặt ngươi ra làm trăm mảnh.
- Đây chính là địa ngục!
Như hiểu ra, Đại tướng dịu giọng lại:
- À, ta hiểu rồi. Xin thứ cho tội thất lễ.
- Cửa Thiên đàng đã mở!
 
Có đâu xa
Sáu đường hay ba cõi
Một niệm mà ra.
 
 
Mẫu chuyện 16:
Có lần trời đang mưa, Thiền sư Trần Quang hỏi các đệ tử:
- Bên ngoài tiếng gì vậy?
- Dạ, tiếng mưa rơi.
- Tất cả nhân sinh đều trái ngược, con người không thể tự chủ khi theo đuổi vật chất.
- Con phải cảm nhận thế nào đây ạ?
- Ta là tiếng mưa rơi.
 
Như giọt mưa rơi
Vào ra khắp chốn
Thể nhập muôn nơi.
 
 
Mẫu chuyện 17:
Sau khi tổ sư viên tịch, Thiền sư Khải Ân quải trượng ra đi. Gặp một thiền khách hỏi:
- Ông từ đâu đến thế?
- Từ Châu Di, chỗ Lục tổ.
- Ông đã lãnh hội được điều gì nơi Châu Di?
- Tôi không thiếu thứ gì trước khi tới Châu Di.
- Vậy sao ông đã phải lặn lội đi đến đó?
- Nếu không tới đó, làm sao tôi biết tôi thiếu thứ gì!
 
Ân nghĩa thầy trao:
Khơi nguồn chân lý
Thắp sáng tự thuở nào.
 
 
Mẫu chuyện 18:
Có chàng thanh niên luôn oán trách mình thiếu may mắn, sinh bất phùng thời, cuộc sống thiếu sinh khí. Một ông cụ nhìn thấy dáng vẻ suốt ngày buồn rầu ủ rủ của chàng thanh niên, hỏi:
- Chàng trai trẻ này, có việc gì mà trông con buồn thảm vậy?
Chàng trả lời:
- Con không hiểu tại sao con luôn nghèo khó như thế.
- Nghèo? Con đâu có nghèo! Con giàu lắm cơ mà!
Chàng trai không hiểu, hỏi lại :
- Con mà giàu à? Con có làm được trò trống gì đâu mà giàu?
Cụ già ngỏ lời:
- Này nhé, bây giờ ta cho con 100 đô để chặt đứt một ngón tay của con, con có đồng ý không?
- Oh, no! Never!
- Nếu như ta mua cặp mắt của con với giá 10.000 đô, con có bán không?
- Không bán!
- Thế thì ta biến con thành một ông lão 80 tuổi, con sẽ được 1 triệu đô, con có đồng ý không?
- Cũng không luôn!
- Nếu ta cho con một tỉ đô để đối lấy mạng sống của con, con có chịu không?
- Nhất định KHÔNG!
- Thế đấy, con có tài sản cả hơn tỉ đô la, vậy tại sao con còn than thở mình nghèo chứ?
… Một sự im lặng và một nụ cười.
 
Cùng tử phiêu linh
Quên trong chéo áo mình
Một viên ngọc quý.
 
 
Mẫu chuyện 19:
Chung Hạng đi thăm Thiền sư Bất Hoàn già trên 80 tuổi.
- Sao ngài ngày nào cũng làm việc cực nhọc vậy?
- Có người cần đến
- Sao hắn không tự làm lấy?
- Hắn không tự hòa giải với chính mình.
 
Đâu nguồn cội khổ đau?
Sao không dùng nhân ái
Giúp kẻ cơ cầu.
 
 
Mẫu chuyện 20:
Phước Châu Đại An gặp thiền sư Bách Trượng, hỏi :
- Con khao khát hiểu pháp Phật, đó như cái gì?
- Hệt như cưỡi trâu tìm trâu - Bách Trượng đáp.
- Hiểu rồi thì như thế nào?
- Như người cưỡi trâu về nhà.
- Rồi làm sao giữ cho trước sau khế hợp?
- Như người chăn trâu cầm roi giữ trâu mình đừng phạm đến lúa mạ của người.
 
Đồng xanh mênh mông
Vắt vẻo mục đồng
Dừng lại! Con trâu tâm!
 
 
Mẫu chuyện 21:
Quang Dũng đến tham kiến Thiền sư Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn hỏi:
- Ngươi đến đây làm gì ?
- Đến bái kiến Thiền sư. - Quang Dũng đáp
- Đã gặp Thiền sư rồi chưa?
- Vâng, con đã gặp.
- Dáng vẻ Thiền sư giống lừa hay giống ngựa?
- Con thấy Thiền sư cũng không giống Phật.
Ngưỡng Sơn không chịu buông tha, truy hỏi tiếp:
- Đã không giống Phật, thế thì giống cái gì?
- Nếu có cái giống, thì có khác nào con lừa, con ngựa. - Quang Dũng cũng không kém.
Về sau, Ngưỡng Sơn thường tán thán: “Quang Dũng là Phật sống.”
 
Lắng trong từng giây phút
Chẳng thật chẳng hư
Niệm niệm nhất như.
 
 
Mẫu chuyện 22:
Chu Hữu Phong mang hoa quả đến chùa Đại Phật để dự khóa tụng công phu. Vừa tới, Lý Nam Sơn bên hông chạy ra, đụng ngay người Phong, mâm quả rới xuống, Phong không nhịn nổi, lớn tiếng:
- Không có mắt hả, đi lại như ăn cướp, rơi vãi hết trái cây cúng Phật của ta rồi. Đền đi!
Sơn cũng có vẻ không bằng lòng:
- Đỗ thì cũng đã đỗ rồi, cho tớ xin lỗi là được chứ gì? Chi mà dữ dằn thế!
Phong nổi giận:
- Nói như vậy là thái độ gì? Bản thân sai còn muốn trách cứ người khác hay sao?
Hai người lời qua tiếng lại, tiếng chỉ trích vang lên. Sư trụ trì đi ngang, thấy thế nói:
- Hai còn gà rụng lông.
Pháp tướng không hoa
Bận tâm xao xuyến
Chân như nhạt nhòa.
 
 
Mẫu chuyện 23:
Một Đại tướng điều khiển quân lính ra trận nghinh chiến quân địch đông gấp 10 lần. Dọc đường, ông ghé vào am nhỏ xin keo:
- Ta sẽ dùng đồng tiền này để đoán vận mệnh, hễ ngửa thì ta thắng còn sấp thì ta thua. Định mệnh nằm trong tay trời.
Và, đồng tiền ngửa.
- Ta sẽ thắng trận
- Tiến lên
- Sátttttttt
Quả như tiên đoán, đội quân nhỏ của ông đã thắng đại địch. Vị phó tướng nhận định:
- Không ai có thể cãi mệnh trời.
- Thật sao?
Nói xong ông ta lấy trong túi ra đồng tiền có hai mặt đều ngửa.
 
Chính ta là hải đảo
Bình đẳng đại đồng.
 
 
Mẫu chuyện 24:
Một ngày kia, thiền sư Mokusen đến thăm một ông phú hộ giàu nứt đố đổ vách nhưng lại keo kiệt. Thiền sư đưa nắm tay ra và hỏi:
- Nếu tay ta luôn nắm thế này thì sẽ thế nào?
- Mỏi lắm - Ông phú hộ trả lời mà chẳng cần suy nghĩ.
Thiền sư xoè tay ra rồi tiếp tục hỏi:
- Giả sử tay ta xoè luôn thế này thì sao?
- Cũng vậy, mỏi lắm.
- Chừng nào ngươi còn hiểu được lý lẽ ấy, ngươi sẽ sống hạnh phúc.
Dứt lời thiền sư liền bỏ đi. Từ đó, phú hộ trở lên rộng lượng, vui vẻ bố thí mọi người.
 
Đôi bờ huyễn mộng
Trên một bàn tay.
 
 
Mẫu chuyện 25:
Môn đồ hỏi Mã Tổ Ðạo Nhất:
- Bạch Hòa thượng, vì sao nói: “tức tâm tức Phật?”
- Ðể cho trẻ con khỏi khóc - Sư đáp.
- Lúc trẻ đã nín rồi thì sao?
- Phi tâm, phi Phật.
- Trừ hai câu này ra, nếu có người hỏi Phật nữa thì phải trả lời cách nào?
- Chẳng phải vật.
- Nếu lại có người còn hỏi nữa thì phải trả lời sao?
- Thể nhập đại đạo.
 
Chẳng tức chẳng phi
Trăng sáng biên thùy
Trong ta có Phật.
 
 
Mẫu chuyện 26:
- Thưa sư phụ, nếu con học siêng năng thì bao lâu con học xong nghề đánh kiếm?
- Mười năm
- Cha con già yếu, cần con săn sóc. Nếu con nỗ lực hơn thì bao lâu?
- Ba mươi năm
- Sư phụ! Sao lại thế, con chịu hy sinh khổ cực, cốt học cho chóng xong mà!
- Vậy thì con phải học với ta năm mươi năm.
 
An nhiên không giục tốc
Đạo vốn thảnh thơi.
 
 
Mẫu chuyện 27:
- Hai người đi trong mưa, có một người không bị ướt, các con nghĩ thế nào?
- Bạch sư phụ! Vì một người mặc áo mưa.
- Dạ, có lẽ vì chỗ mưa chỗ không nên có người không ướt.
- Hay một người đi dưới đường, một trên vỉa hè!
- ...
- Các ngươi chỉ tập trung vào câu “một người không bị ướt” nên không khám phá ra sự thật. Nào, ta nói một người không ướt không có nghĩa là ta nói cả hai người bị ướt.
 
Dẫn dụ bằng lời
Như tiêu nguyệt chỉ
Lỡ làng muôn nơi.
 
 
Mẫu chuyện 28:
Chú tiểu A buổi sáng đi hái rau, gặp chú B giữa đường, hỏi:
- Anh đi mô rứa ?
- Ta đi mô bàn chân ta bước - Chú B đáp.
Câu trả lời làm chú A rối óc, quay về cầu thầy trợ giúp làm sao đối lại. Thầy bảo: Hãy hỏi lại “Giả như anh không có chân thì đi mô,” hắn sẽ chịu ngay.
Sáng hôm sau, chú A gặp B lại hỏi như trước, Chú B đáp:
- Ta đi nơi mô gió thổi.
Chú tiểu A lại bù đầu, quay về hỏi, thầy dạy cứ trả lời “Nếu không có gió thì đi mô?” Hôm sau nữa, lại gặp nhau. Chú A hỏi:
- Anh đi mô rứa?
- Ta đi chợ mua rau.
 
Hý luận đôi câu
Chân tâm mù mịt
Không gian bạc đầu.
 
 
Mẫu chuyện 29:
Lục tổ Huệ Năng tới cầu pháp với ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Ngũ tổ bảo:
- Dân phương Nam ngươi, vốn là man ri mọi rợ mà hỏi Đạo gì?
Huệ Năng thưa:
- Người thì có Bắc có Nam, Phật tánh không có Nam Bắc.
Ngũ tổ hoan hỉ, cho xuống bếp giã gạo.
Pháp vốn không nhị biên
Nam Bắc hai miền
Chân như chỉ một.
 
 
Mẫu chuyện 30:
Ngũ tổ cho học trò mỗi người viết một bài kệ trình kiến giải, biết căn cơ của Huệ Năng vượt hẳn Thần Tú, nhưng sợ di hại, nên dùng dép chà lên bài kệ chứng ngộ, bảo đại chúng lột bỏ đi. Hôm nọ, Tổ ghé nhà bếp hỏi:
- Gạo trắng chưa?
- Dạ, đã trắng nhưng chưa sàng sẩy.
Ngũ tổ gõ lên cối xay 3 cái, lê gậy sau lưng bỏ đi. Huệ Năng biết ý, canh ba đi ngõ sau lên thất, được Ngũ tổ giảng trọn bộ kinh Kim Cương, cũng trong đêm truyền y bát cho và khuyên đi về phương Nam. Khi tiễn xuống thuyền, Ngũ tổ định chèo đưa đi, Huệ Năng thưa:
- Khi mê thầy độ, ngộ rồi để con tự độ.
 
Như nước sông Ngân
Hạt gạo trắng ngần
Nguồn tâm phơi phới.
 
 
Mẫu chuyện 31:
Sau 15 năm làm cư sĩ ở ẩn, Huệ Năng đến chùa Pháp Tính ở Quảng Châu. Lúc ấy, có hai thiền sinh cãi nhau:
- Phướn động
- Gió động
Huệ Năng xen vào:
- Chẳng phải gió, chẳng phải phướn, mà tâm các ông động.
Ấn Tông, vị sư trụ trì hỏi:
- Nghe nói y pháp Hoàng Mai đã truyền về phương Nam, phải chăng là hành giả?
Huệ Năng xác nhận. Ấn Tông làm lễ xuất gia cho Lục tổ, rồi xin được làm đồ đệ.
 
Ta đi tự thuở nào
Gió lao xao
Nẻo về muôn vạn lối.
 
 
Mẫu chuyện 32:
- Phùuuu, hú hồn, xuýt mất chiếc ly đáng bạc triệu.
Trong phút giây chớp nhoáng định rút kiếm chém đầu cận vệ, ông chợt nghĩ: “Cứu được cái ly, sao không cứu một người trung thành nhất?!”
Tiện tay, ông tóm cái ly quăng vào tường: “xoảng” và vỗ vai người cận vệ:
- Ta đã điều khiển vạn binh giữa chiến trường không sợ chết, nay há tiếc vì một vật cỏn con này sao.
 
Mất còn tốt xấu
Một cuộc vô thường.
 
 
Mẫu chuyện 33:
Một hôm, Vô Ngôn Thông đang lễ Phật, có một thiền khách hỏi:
- Tọa chủ lễ đó là cái gì?
- Là Phật.
Khách liền chỉ tượng Phật hỏi:
- Cái này là Phật gì?
Không trả lời được, Ngài lên đường tìm đến hỏi đạo với tổ Bách Trượng. Tổ dạy:
- Ðất tâm nếu không, mặt trời trí huệ tự chiếu.
 
Bình đẳng như nhiên
Rạng ngời ánh dương.
 
 
Bách Trượng Hoài Hải lúc nhỏ theo mẹ đi chùa lễ Phật, chỉ tượng Phật hỏi mẹ:
- Ðây là gì?
Mẹ bảo “Phật”. Sư nói:
- Hình dung không khác gì với người, con sau cũng sẽ làm Phật.
Ngài xuất gia, sau đến tham học với Mã Tổ. Một hôm, đang đi dạo, thấy một bầy vịt trời bay qua, Tổ hỏi:
- Ðó là cái gì?
- Con vịt trời - Sư đáp.
Tổ hỏi tiếp:
- Bay đi đâu?
- Bay qua.
Mã Tổ bèn nắm lỗ mũi kéo mạnh, đau quá Ngài la thất thanh. Mã Tổ bảo:
- Có giỏi nói “bay qua” nữa đi!
 
 Vươn lên từ ô trọc
Tỏa ngát hương lành
Một đóa sen xanh
 
 
Mẫu chuyện 35:
- Ta đã già rồi, tặng nhà ngươi quyển sách quý này làm biểu tượng truyền nhân.
- Không, con đã lãnh hội Thiền nơi sư phụ rồi, không cần kiến giải của sách nữa.
- Sách này đã được truyền xuống bảy đời rồi. Con vẫn phải nhận như tiếp vật chức Chưởng Môn.
- Dạ được
- ... (nghe mùi khét) What happen?
 
Thấy biết là phù vân
Kiến giải bịnh tâm thần
Tri hành hợp nhất.
 
 
 
Mẫu chuyện 36:
Ðặng Ẩn Phong từ biệt Mã Tổ Ðạo Nhất đi gặp Thiền sư Thạch Ðầu. Tổ nói:
- Ðường Thạch Ðầu trơn lắm.
Ẩn Phong vẫn tự tin đi, đến gặp Thạch Ðầu, dộng cây gậy xuống đất hỏi:
- Ấy là tông chỉ gì?
- Trời xanh! Trời xanh!
Ẩn Phong không biết trả lời sao, về thuật lại, Tổ khuyên Ẩn Phong để đối lại câu ấy, chỉ cần khịt mũi “hư! hư!”. Ẩn Phong nghe lời, lại đến Thạch Ðầu, dộng gậy hỏi như trước. Lần này Thạch Ðầu chỉ khịt mũi “hư! hư!”. Ẩn Phong không đáp được, lại trở về thuật lại, Mã Tổ nói:
- Ta đã bảo ngươi rồi, đường Thạch Ðầu trơn lắm.
 
Trời xanh mây trắng
Gió thổi vi vu
Chẳng bận công phu.
 
 
Mẫu chuyện 37:
Một người hỏi Thượng Đế đang “du hạ giới”:
- Thượng Đế ơi! 1000 năm dài không?
Thượng Đế trả lời:
- Đối với ta chỉ là 1 giây
- Thế 1000 đô la? - Anh ta hỏi thế, Thượng Đế đáp ngay:
- Đối với ta chỉ là 1 xu
- Zậy Ngài cho con 1 xu của Ngài nha!
Thượng Đế đáp:
- Được, chờ ta 1 giây.
 
Cát đoạn từng giây phút
Ngã pháp giai không
Thôi chớ hoài mong.
 
 
Nam Nhạc Hoài Nhượng đến Tào Khê, Lục tổ Huệ Năng hỏi:
- Ở đâu đến?
Sư thưa:
- Ở Tung Sơn đến.
Tổ hỏi:
- Vật gì đến?
Sư trả lời không được bèn ở lại, sau tám năm, chợt tỉnh, đến trình Tổ câu trả lời sau:
- Nói một vật là không đúng.
Tổ hỏi:
- Lại có thể đạt được chăng?
- Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được - Sư đáp.
- Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế.
 
Tung Sơn vòi vọi
Mây trắng phủ đầu non
Hào ti mấy chẳng còn.
 
 
Mẫu chuyện 39:
Sau khi từ giã Lục Tổ, Nam Nhạc đến núi Hoành Nhạc trụ trì chùa Bát-nhã, nơi đây, gặp một Sa-môn (chính là Mã Tổ Ðạo Nhất sau này) ngày ngày ngồi thiền. Sư nhìn biết là thượng căn, đến hỏi:
- Ðại đức ngồi thiền làm gì?
- Ðể làm Phật.
Sư lấy một viên gạch, đến trước am của vị này mài liên tục. Sa-môn thấy lạ hỏi Sư:
- Thầy mài gạch để làm gì?
- Mài để làm gương.
- Mài gạch đâu có thể thành gương được?
- Ngồi thiền cũng không thể thành Phật được.
- Vậy làm thế nào mới phải?
- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, phải đánh trâu hay đánh xe?
 
Chẳng nệ ngồi nằm.
Pháp môn không bận tướng
Thủ xả bao năm.
 
 
Thanh Nguyên Hành Tư hỏi Thiền sư Hà Trạch Thần Hội:
- Ở đâu đến?
Thần Hội đáp:
- Từ Tào Khê đến.
- Ý chỉ Tào Khê thế nào?
Thần Hội chỉnh thân rồi thôi. Thanh Nguyên bảo:
- Vẫn còn đeo ngói gạch.
- Ở đây Hòa thượng có vàng ròng chăng?
Sư đáp:
- Giả sử có cho, ông để chỗ nào?
 
Đọng bóng trăng gầy
Tào Khê nước vẫn chảy
Khua gió vờn mây.
 
 
Mẫu chuyện 41:
Bá Nha là tay chơi đàn điêu luyện, Tử Kỳ là người thưởng thức tất cả ngón đàn của ông. Khi chơi khúc cung đình, Tử Kỳ gật gù tán thưởng:
- Ôi! Như nước chảy mây trôi.
Khi chơi khúc du dương:
- Như dòng sông Dương Tử sóng lăn tăn bất tận.
Khi Dương Tử Kỳ chết, không ai còn nghe được tiếng đàn Bá Nha nữa. Một hôm, “bốp”, cây đàn cẩn khảm quý giá của Bá Nha cũng được một ngọn đao chặt lìa.
 
Khó được tri âm
Giữ làm chi
Nửa linh hồn vô tâm.
 
 
Mẫu chuyện 42:
Bàng cư sĩ (Bàng Long Uẩn) theo nghiệp Nho gia, sống cuộc đời rất thanh đạm. Vợ và con gái ông cũng chăm chỉ học Thiền. Lần đầu yết kiến Thiền sư Thạch Ðầu, ông hỏi:
- Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?
Thạch Ðầu liền lấy tay bụm miệng ông, ông bỗng nhiên ngộ nhập.
Một hôm, Thạch Ðầu hỏi:
- Từ ngày ông thấy lão Tăng đến nay, hằng ngày làm việc gì?
- Nếu hỏi việc hằng ngày, làm sao có chỗ mở miệng.
 
Lìa tâm không tướng
Ngôn thuyết tro bay
Làm sao tỏ bày?
 
 
Mẫu chuyện 43:
Bàng cư sĩ đến viếng Thiền sư Ðan Hà. Ðan Hà làm thế chạy, ông bèn nói:
- Vẫn là thế phóng thân, thế nào là thế vững thân?
Ðan Hà liền ngồi. Ông vẽ dưới đất chữ Thất, Ðan Hà vẽ đáp chữ Nhất. Ông nói:
- Nhân bảy thấy một, thấy một quên bảy.
Ðan Hà đứng dậy đi. Ông gọi:
- Hãy ngồi nán một chút, vẫn còn câu thứ hai.
Ðan Hà bảo:
- Làm sao nói được ?
 
Há chờ đợi chăng?
Như con sông băng
Cuồn cuộn chảy
 
 
Mẫu chuyện 44:
Bích Nham Lục kể, Ðan Hà Thiên Nhiên lúc trước học Nho, đi Trường An ứng thí làm quan. Trên đường đi Sư gặp một thiền khách, ông ta hỏi:
- Nhân giả đi đâu?
Sư đáp:
- Ði thi làm quan.
- Thi làm quan đâu có bằng thi làm Phật.
- Thi làm Phật phải đến chỗ nào? - Sư hỏi.
Thiền khách bảo hiện ở Giang Tây có Mã Tổ ra đời, là trường thi làm Phật, nên đến đó ứng thí. Đan Hà liền bỏ thi, tìm đến Giang Tây để ra mắt Mã Tổ.
 
Gió thổi buồm trương
Khi nào về cố thổ
Đây tuyển Phật trường
 
 
Ðan Hà đến Giang Tây, chưa lễ ra mắt đã đi thẳng vào tăng đường, trèo lên cổ tượng Văn Thù ngồi. Mọi người kinh ngạc báo cho Mã Tổ. Tổ đích thân vào nói:
- Con ta, Thiên Nhiên!
Sư bèn bước xuống lễ bái, thưa:
- Cảm tạ thầy ban cho pháp hiệu.
Mã Tổ hỏi:
- Từ đâu đến?
- Từ Thạch Ðầu đến.
Tổ hỏi:
- Ðường Thạch Ðầu trơn, ngươi có trợt té chăng?
- Nếu có trợt té thì chẳng đến đây.
 
Đường sanh tử triền miên
Đã về đã tới
Bổn tánh thiên nhiên
 
 
Mẫu chuyện 46:
Thiền sư Đức Mẫn sau khi ngộ đạo lên núi ẩn tu. Có một khách vãng lai bị lạc lối, gặp Thiền sư hỏi thăm:
- Thiền sư ở đây bao lâu rồi?
- Chỉ thấy khung cảnh xung quanh đổi màu, hết xanh lại vàng, vàng rồi lại xanh.
- Làm ơn chỉ cho tôi lối ra.
- Theo dòng nước chảy.
 
Nguyên thể vốn dễ dàng
 Rối bời luật lệ
Một bước điêu tàn.
 
 
Mẫu chuyện 47:
Một lần, tổ Bách Trượng hỏi Quy Sơn Linh Hựu:
- Ngươi đem được lửa đến chăng?
- Ðem được.
- Lửa đâu?
Quy Sơn cầm một nhánh cây làm vẻ thổi lửa. Bách Trượng gạt qua và bảo:
- Như sâu đục vỏ cây. Nhìn thì như chữ nhưng chẳng có nghĩa gì!
Hôm khác, Quy Sơn vừa đứng hầu, Bách Trượng liền hỏi:
- Ai?
- Con, Linh Hựu!
- Ngươi vạch trong lò xem có lửa chăng? Sư vạch ra thưa:
- Không có lửa
Bách Trượng đứng dậy, đến vạch sâu trong lò được chút lửa, đưa lên chỉ Sư bảo:
- Ngươi bảo không, cái này là cái gì!
 
Rưới dòng hương nhũ
Lửa bốc ngút ngàn
Rừng xanh mây phủ
 
 
Mẫu chuyện 48:
Một hôm, Thập Ðắc quét sân chùa, vị sư trụ trì hỏi:
- Chú được kêu là Thập Ðắc vì Phong Can mang chú về. Vậy chú tên họ là gì? ở đâu đến?
Thập Ðắc nghe hỏi vậy liệng cây chổi và đứng khoanh tay trước ngực. Sư trụ trì không hiểu. Lúc đó, Hàn Sơn chợt đi ngang qua, đấm ngực kêu:
- Ối! Ối!
Thập Ðắc hỏi:
- Làm gì thế, huynh?
Hàn Sơn bảo:
- Chú có nghe nói “nhà hàng xóm chết, người hàng xóm chia buồn” không?
Rồi cả hai cùng nhảy múa, vừa la vừa cười bỏ đi.
 
Trần gian nóng bức
Thập Đắc mỉm cười
Hàn San đấm ngực
 
 
Mẫu chuyện 49:
Có một vị đạo sỹ và một nhà sư đi qua một con sông, đến bến đò, vị đạo sỹ liền bảo nhà sư :
- Chúng ta cùng bay qua sông nhé.
Nhà sư lắc đầu bảo:
- Tôi sẽ đi đò
Nói rồi nhà sư xuống đò mua vé và sang sông, đến giữa sông, thấy vị đạo sỹ nhún mình một cái đã sang bờ bên kia, lúc lên bờ, vị đạo sỹ nheo mắt cười với nhà sư:
- Ngài dùng thần thông có phải nhanh hơn không?
Nhà sư hỏi vị đạo sỹ:
- Ông cần bao nhiêu năm tập luyện để bay qua con sông?
- 20 năm chuyên cần chăm chỉ.
Nhà sư mỉm cười liền đáp:
- Tôi chỉ mất có 1000 đồng để qua sông.
 
Nhẹ nhàng lướt sóng
Con đò sang sông
Sao há nhọc lòng.
 
 
Mẫu chuyện 50:
Hai nhà sư đi khất thực đến một con suối chảy xiết. Nhìn thấy cô gái đang sợ không dám lội, sư huynh không ngần ngại tới bế cô gái qua suối. Cô gái cám ơn, hai nhà sư tiếp tục lên đường.
Ði được một đoạn, sư đệ lầm bầm trách sư huynh:
- Anh đã tu hành mà vẫn còn tà tâm, ham thích sắc dục. Sao lại ôm ấp đàn bà con gái như thế?
Sư huynh điềm đạm trả lời :
- Ô hay! Anh đã bỏ cô ta lại bên bờ suối rồi, chú vẫn mang theo đến giờ à?
 
Ai còn vướng nợ
Ta thong dong rồi
Buông tay vào chợ.
 
 
Mẫu chuyện 51:
Hai mươi tăng sinh và một ni sinh tên là Eshun, đang tu thiền với một vị thiền sư. Eshun rất đẹp mặc dù đã cạo đầu và khoác áo nâu sòng. Vài tăng sinh đem lòng yêu trộm. Một tăng sinh viết cho cô một lá thư tình và mong được gặp riêng. Eshun không trả lời.
Ngày hôm sau vừa hết buổi giảng của thầy, Eshun đứng dậy tới trước mặt người đã gởi thư cho cô nói lớn:
- Nếu sư huynh yêu tôi thực sự thì ngay bây giờ hãy ôm tôi đi.
 
Thắp sáng lên
Phút giây ta hiện hữu
Giữa luân hồi lênh đênh.
 
 
Mẫu chuyện 52:
Hai huynh đệ cùng tham thiền học đạo, sư huynh giới hạnh trang nghiêm, không bao giờ phạm. Sư đệ lười biếng, ưa thích rượu chè. Một hôm sư đệ đang uống rượu, thấy sư huynh đi ngang, bèn gọi :
- Đại huynh! Vào đây làm một chén nào!
Sư huynh nhìn sư đệ bằng một con mắt khinh thường, mắng:
- Đồ hư đốn, đã xuất gia làm Tăng mà không giới không hạnh!
Sư đệ nghe xong, không nể phục, cũng lớn tiếng nói:
- Người không biết uống rượu, không giống người.
Sư huynh nổi cáu mắng :
- Xin hỏi sư đệ, tôi không giống người vậy giống cái gì?
Sư đệ đáp :
- Giống một ông Phật tôn quý.
 
Giới hạnh trang nghiêm
Sa chân tướng trạng
Hư danh đắm chìm.
 
 
Mẫu chuyện 53:
Hòa thượng Hải Ấn trụ trì chùa Ðịnh Huệ ở Tô Châu tuổi hơn tám mươi. Ngày thường được Chu Phòng Ngữ cúng dường, Sư cũng hay đến nhà này. Một hôm họ Chu hỏi:
- Hòa thượng đời sau có thể thác sanh trong nhà đệ tử chăng?
Sư cười nhẹ bằng lòng, rồi trở về chùa mắc bệnh mấy ngày mà chết. Hôm chôn cất, nhà họ Chu sinh được một cô con gái. Thiền sư Viên Chiếu khi đó ở Thụy Quang nghe được việc này bèn đến thăm. Cô bé vừa đầy tháng được ẵm ra, vừa thấy Ngài liền cười. Viên Chiếu nói:
- Hải Ấn! Ông lầm rồi. Cô bé khóc mấy tiếng rồi chết.
 
Ý hợp tâm đầu
Không nhờ thiện hữu
Biết lạc vào đâu?!
 
 
Mẫu chuyện 54:
Hai thầy trò đi qua một vùng sa mạc, đệ tử ngỏ ý:
- Thế gian chẳng khác sa mạc, nóng bỏng, khô khát. Xin Thầy dạy con điều thiện, giới luật, thiền định, thần thông, giáo lý, kiến thức... để con có thể giải thoát khỏi thế gian.
Lúc đó một đàn lạc đà trên lưng đã chất đầy hàng hóa đi qua trước mặt, vị Thầy chỉ đàn lạc đà nói:
- Những con vật đáng thương sắp bị ngã quỵ kia, chúng có thể ung dung tự tại được khi phải chất thêm nhiều hàng hóa nữa không?
- Thưa không.
- Cũng vậy, con vốn đã nặng nề với nhiều vô minh, ái dục chưa chịu buông xuống sao lại còn muốn học thêm?
 
Trong sa mạc
Anh hùng và lữ thứ
Một cõi mênh mông.
 
 
Mẫu chuyện 55:
- Sư huynh! Đi mô về mà look buồn hiu?
- Đi thuyết pháp về.
- Trước nay chưa đi lần nào?
- Nhiều rồi, nhưng lần này vì tiền đồ.
- ... ?
- Cái giỏ này nè.
- (lắc đầu) Thiệt tình là hổng hiểu.
- Mình là người tu hành, “hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”, chứ đâu phải vì thứ này.
- Cái gì trong giỏ vậy?
- Tiền và đồ
- hảaaaaaaaaaaa ?!
 
Sóng dập lô nhô
Làm sao không phiền não
Vướng bận tiền đồ.
 
 
Mẫu chuyện 56:
Có một Phật tử lên núi nhờ Thiền sư đưa anh ta qua cửa thiền. Sư hỏi:
- Trên đường đến đây, anh đã đi qua một khu rừng trống rỗng đúng không?
- Dạ, đúng ạ.
- Có phải anh đã nghe âm thanh trống rỗng?
- Dạ, có nghe.
- Lúc anh nghe được âm thanh trống rỗng chính là lúc cửa thiền bắt đầu.
 
Hoa nở ngoài hiên
Bên ta hoa tàn héo
Mở rộng cửa thiền.
 
 
Mẫu chuyện 57:
Học giả Thanh Sâm hỏi Thiền sư Sĩ Can tại Tây Tạng:
- Có Thiên Đường và Hỏa Ngục không?
- Có
- Điều đó sai, tôi thọ giáo với Thiền sư Đinh San, ông ta nói không có.
- Ông có gia đình không?
- Có chứ, một vợ và hai con.
- Thiền sư Đinh San có gia đình không?
- Ông í là thầy tu, làm sao có được!
- Nghe này, ông đã có gia đình, ông không thể nói như Đinh San được.
 
Hiện hữu và hư vô
 Định gì mẫu mực
Cơn sóng nhấp nhô.
 
 
Mẫu chuyện 58:
Hai Thiền sinh ở chung một phòng:
- Sư huynh đi đâu mới về vậy?
- Đi shopping ngoài phố.
- Sao cái mặt trông buồn thảm quá?
- Mua nhầm đồ giả.
- Úi giời! Trên đời này có cái gì thật đâu!
- Ò hén... hè hè.
 
Một giọt sương sớm
Một ngôi sao băng
Đóa phù dung vừa chớm.

 
Mẫu chuyện 59:
Ðan Hà đến chùa Huê Lâm, gặp lúc trời lạnh, Sư bèn lấy tượng Phật gỗ đốt để sưởi, Hòa thượng viện chủ trông thấy mất hồn, hỏi:
- Sao lại dám đốt tượng Phật như thế?
Sư lấy gậy bới tro nói:
- Tôi đốt tìm xá-lợi
- Phật gỗ làm gì có xá-lợi?
- Ðã không có xá-lợi thì đốt thêm hai vị nữa.
 
Tìm trong gỗ đá
Lơ lãng tánh linh
Viên xá lợi vô hình.
 
 
Một Ni sư hỏi lục tổ Huệ Năng:
- Con đọc kinh Đại Bát Niết Bàn bao năm rồi mà vẫn chưa hiểu. Xin Sư Tổ soi sáng.
Tổ nói:
- Ta không đọc được chữ, con hãy đọc, ta sẽ giúp con hiểu được.
- Không đọc được sao Ngài hiểu thông nghĩa? - Ni sư thắc mắc.
- Chân lý không dựa vào chữ nghĩa. Nó giống như trăng soi trên trời. Trong trường hợp này chữ nghĩa giống như ngón tay trỏ. Ngón tay chỉ trăng mà nó không phải trăng. Xem trăng có cần ngón tay chỉ không?
 
Trăng sáng linh minh
Văn chương trân quý
Đâu là chân kinh   
 
 
Mẫu chuyện 61:
Một đêm, ba vị Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, Tây Ðường Trí Tạng và Mã Tổ Ðạo Nhất đang thưởng ngoạn trăng. Mã Tổ hỏi:
- Lúc này ta nên làm gì?
- Ta nên tụng kinh, niệm Phật - Tây Ðường thưa.
- Ta nên ngồi thiền - Bách Trượng nói.
Gần đó, Nam Tuyền lẳng lặng phất tà áo, bỏ đi ngắm trăng một mình. Mã Tổ nói:
- Tụng kinh mãi thì lạc vào rừng, ngồi thiền thì chìm trong biển. Đi ngắm trăng như Nam Tuyền mới là Đạo tự nhiên của trời đất.
 
Một rừng ngôn ngữ
Một biển hữu hình
Bỏ quên hiện tại.
 
 
Mẫu chuyện 62:
Một thiền sinh qua sông, đi trên chiếc đò của một cô thôn nữ, liếc nhìn thoáng thấy cô chèo đò sao mà xinh xinh thế. Đến nơi, ai cũng trả cô ta 2000 đồng, riêng chàng, cô ta bảo phải trả 4000.
- Sao vậy?
- Tiền liếc nhìn 2000.
Chừng về, chàng lên đò ngồi yên, mắt nhắm nghiền cho đến khi tới bờ.
- Xin thầy cho em 8000 ạ.
- Tui có nhìn cô đâu?
- Nhìn bằng tâm gấp đôi nhìn bằng mắt đấy ạ.
 
Một thoáng thâm trầm
Bận tâm xao xuyến
Bão tố nào đắm chìm.
 
Có vị tăng đến hỏi Mã Tổ Ðạo Nhất:
- Thế nào được ngộ Ðạo?
Sư đáp:
- Ta sớm chẳng ngộ Ðạo.
Tăng lại hỏi:
- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?
Sư liền nắm cây gậy đập và nói:
- Nếu ta không đánh ngươi, các ngươi sẽ chê ta.
 
Cắt đứt mọi ngã đường
Đạo tại vô phương
Có gì chứng ngộ?
 
 
Mẫu chuyện 64:
Có vị tăng hỏi Thạch Ðầu Hi Thiên:
- Thế nào là giải thoát?
Sư đáp:
- Ai trói ngươi?
- Thế nào là Tịnh độ?
- Cái gì làm dơ ngươi?
- Thế nào là Niết-bàn?
- Ai đem sinh tử cho ngươi?
 
Trược ô thanh tịnh
Trói buộc cười hề
Phiền não tức Bồ đề.
 
 
Mẫu chuyện 65:
Đức Phật và thị giả A Nan đi khất thực, thấy một hủ vàng bên đường.
- Rắn độc! Phật nói với A Nan.
- Dạ vâng, rắn độc, bạch Thế Tôn!
Một chàng nông dân đi sau hiếu kỳ, chạy nhanh tới nhìn thấy hủ vàng thì hớn hở:
- Ôi! Vàng ròng thế này mà kêu rắn là rắn thế nào!
Từ đó, anh chàng phất lên giàu nhất xứ. Nhà chức trách nghi ngờ hắn trộm cắp, tới khám xét thì đúng là loại vàng có đóng dấu của triều đình. Thế là chàng được bắt đi. Ngồi trong tù, chàng ngẫm nghĩ:
- Đúng là rắn độc thật.
 
Lợi danh mời mọc
Gát lại bên đường,
Bạc vàng hay rắn độc.
 
 
Mẫu chuyện 66:
Thần Quang (Nhị tổ Huệ Khả) đã từng chặt cánh tay và quỳ trong tuyết suốt đêm trước sân chùa Thiếu Lâm, để xin Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma hóa độ. Tổ hỏi:
- Ngươi muốn gì?
- Xin Ngài an tâm cho con.
- Đưa tâm đây, ta an cho.
 
Pháp tướng vốn không
Thân tâm vô ngã
An hay động chẳng đồng?
 
 
Mẫu chuyện 67:
Có vị tăng hỏi tổ Bách Trượng:
- Như nay thọ giới rồi thân khẩu được thanh tịnh, lại làm đủ các việc thiện, như thế được giải thoát chăng?
- Ðược ít phần giải thoát, chưa được tất cả - Tổ đáp.
- Thế nào là tất cả chỗ giải thoát?
Tổ đáp:
- Chẳng cầu Phật Pháp Tăng, chẳng cầu phước trí, không tình cảm nhơ sạch, chẳng chấp tâm không cầu, chẳng trụ chỗ nào hết, chẳng mến thiên đường chẳng sợ địa ngục, tức thân tâm và tất cả chỗ đều gọi giải thoát.
 
Những là thiện ác
Thôi những phân vân
Giải thoát trọn phần.
 
 
Mẫu chuyện 68:
Am nhỏ trên triền núi xa thẳm, vị Thiền sư hằng ngày ra bờ suối gánh nước với đôi thùng, một chiếc lành lặn một chiếc bị nứt. Dù vất vả gánh về tới nhà còn không được bao nhiêu nước, mà lại không cân hai đầu, nhưng Sư vẫn mỉm nụ an nhiên mỗi ngày. Chiếc thùng lành thấy uất ức trong lòng lắm lắm, nó luôn tìm cơ hội gây sự với chiếc thùng nứt “làm ít mà được ưu đãi như nhau” nhưng vẫn chưa có. Một hôm, nó thưa Thiền sư:
- Thưa Sư phụ! Sao thầy không vứt hắn đi. Cái đồ vô dụng ấy, con cứ đi chung với nó mỗi ngày, thấy xấu hỗ lây ạ!
- Con à! Mỗi ngày trên đường ra bờ suối, con có thấy hoa hai bên đường nở rất tươi không?
- Dạ, có! Con có làm thơ tặng Sư phụ đấy ạ - Thùng lành tỏ giọng nịnh nọt.
- Uhm, nhờ công của thùng nứt tưới mỗi ngày đấy.
 
Người chăm cành nụ
Ta tỉa lá bón phân
Đẹp những ân cần.
 
 
Mẫu chuyện 69:
Thiền đường mùa an cư, giờ tọa thiền đang im lặng. Lão Tăng mở cửa ngõ bước vào, trên tay một cặp vịt còn sống.
- Cạp cạp, cạp cạp.
Sáng hôm sau, một thiền sinh mang khăn gói, hậm hực thưa lão Tăng:
- Con không thể tiếp tục tu hành ở chùa này nữa. Vào giờ tọa thiền, thầy lại đem gà vịt vào chùa, làm ô uế thiền môn, gây động tâm đại chúng.
Lão Tăng với nụ cười khà khà bất hủ:
- Ngồi thiền sao không nghe thiền mà nghe vịt?
- Ồ!
 
Hướng vọng ngoại âm
Vạn tướng ngồi nằm
Cửa thiền đóng kín.
 
 
Mẫu chuyện 70:
Một người vào rừng, bỗng gặp hổ dữ.
- Cứu mạng...!
Chạy tới vực thẳm, đang đu dây rừng tuột xuống, anh ta lại thấy một con hổ khác phía dưới. Trên đầu dây, xuất hiện hai con chuột bắt đầu gặm sợi dây.
- Chết chắc rồi.
Giữa lúc nguy kịch ấy, ngay trước mắt mình, một chùm dâu chín mọng, nứt mùi thơm, anh đưa tay hái bỏ vào mồm:
- Ôi! Ngon tuyệt!
 
Hạnh phúc là đây
Có trong hiện tại
Quả dâu chín ngất ngây.
 
 
Mẫu chuyện 71:
Một người hành nghề đô vật, người rất to khỏe và điêu luyện về chiêu thức. Khi tập luyện, hạ được cả sư phụ, nhưng thi đấu anh ta luôn thua, cả những đô vật hạng nhì. Anh lên núi tìm Thiền sư nhờ chỉ điểm:
- Ngươi tên “Sóng Thần” đúng không? Hãy tưởng tượng mình là cơn sóng thần cuốn trôi tất cả thay vì chỉ là tên đô vật nhát gan.
Sóng Thần ở lại chùa tụng niệm. Ban đầu còn hơi khó, nhưng thời gian sau trong một đêm, sóng bắt đầu cuồn cuộn và cuốn trôi tất cả đồ đạc trong chùa.
- Tỉnh dậy đi! Xong rồi. Bây giờ, không còn gì có thể ngăn cản con.
- Cảm ơn Sư phụ.
Kể từ đó, Sóng Thần trở thành vô địch thiên hạ về đô vật.
 
Cuốn trôi tất cả
Đáp ứng mọi hình hình
Cơn sóng thần vô sinh.
 
 
Mẫu chuyện 72:
Một nhà sư phơi rau dưới nắng mặt trời gay gắt. Khách hỏi:
- Ông bao nhiêu tuổi?
- Năm nay vừa tròn 70.
- Tại sao ông vẫn còn làm việc cực nhọc vậy?
- Tại vì tôi ở đây!
- Nhưng ông làm việc dưới sức nóng mặt trời.
- Tại vì mặt trời ở đó.
 
Soi mình trên cỏ cây
Mặt trời gay gắt
Riêng mình ta ở đây.
 
 
Mẫu chuyện 73:
Thiền sư Phong Duy vẽ rất nổi tiếng. Một vị khách nhờ:
- Hãy vẽ cho tôi bức hình về kiến tánh như trong kinh nói “Thấy được kiến tánh của một người tức là thấy Phật”.
Thiền sư chẳng nói rằng, lấy bút cọ mực quét khắp lên đầu, lên mặt ông ta.
- Ông làm gì vậy?
Vẫn im lặng, Thiền sư lấy tờ giấy trắng vuốt lên mặt ông in ra bức hình, và đưa:
- Xong rồi, đây là kiến tánh.
- Ông có thể vẽ được thiên nhiên nữa chứ?
- Được, nếu ông trao thiên nhiên cho tôi.
 
Tìm đâu kiến tánh?
Thiên nhiên đại đồng
Nhìn mặt bắt hình dong.
 
 
Mẫu chuyện 74:
Có bà già mang biệt hiệu “bà khóc”, bởi bà lúc nào cũng khóc. Khi mưa cũng khóc, lúc nắng cũng khóc. Chú tiểu hỏi bà:
- Này bà cụ, sao bà hay khóc vậy?
- Tui có hai đứa con gái, một đứa bán giày, một đứa bán dù. Trời mùa mưa, tui thương đứa lớn bán giày không được; trời mùa nắng, tui khóc vì con nhỏ bán dù không chạy.
- Tại sao trong ngày nắng, bà không nghĩ tốt cho đứa con bán giày? Rồi ngày nào mưa, bà nghĩ tốt cho đứa con bán dù, vậy có phải hơn không?
- Chú nói đúng đó.
Kể từ đó, “bà khóc” không còn khóc nữa mà lúc nào cũng vui vẻ tươi cười.
 
Trong lòng có Phật
Kể chi xấu tốt
Cũng chỉ một cái nhìn.
 
 
Mẫu chuyện 75:
Một đêm, nhà sư Quang Đại đang đọc sách, một tên cướp xuất hiện.
- Anh đến cướp của hay giết người?
- Ta cần tiền.
- Đây, cầm lấy. Nhà sư đưa tiền, tên trộm bỏ đi, ông gọi theo:
- Khoan đã! Khi ra nhớ đóng dùm cửa, kẻo kẻ gian đột nhập.
Ra khỏi cửa, tên cướp rùng mình nghĩ:
- Ta đã đi ăn cướp bao nhiêu năm, hôm nay phải thấy sợ những tiếng nói đó.
 
Gió thổi tre ngã nghiêng
Gió qua tre lại thẳng
Việc đi đến tự nhiên.
 
 
Mẫu chuyện 76:
Xưa, có vị đại tướng rất can đảm, ra trận đánh giặc rất hăng say. Khi về già, chứng kiến nhiều sự thay đổi trong thiên hạ. Ông ngẫm nghĩ:
- Ta phải trở về với đạo Phật thôi!
Sau thời gian học hỏi, ông trở thành một nhà sư an lạc thong dong. Có người hỏi:
- Tại sao đường đời hay thay đổi?
Ông trả lời:
- Núi đồi, đường đi không bao giờ thay đổi, chỉ tại con người đổi thay.
 
Mây trắng vẫn bay
Hoa đàm ngày mỗi chớm,
Lòng người đổi thay.
 
 
Mẫu chuyện 77:
Một đại vương tham vấn thiền sư trong ngôi thiền thất nhỏ:
- Theo Thiền tông thì cái tâm là Phật phải không?
- Nếu ta nói phải thì ông cho ta không hiểu gì, còn nói không thì ta sẽ chối bỏ điều mà mọi người cho là đúng.
- Một người giác ngộ, sau khi chết đi về đâu?
- Tôi không biết.
- Tại sao?
- Bởi vì tôi chưa chết.
 
Tâm Phật Phật tâm
Bao điều mầu nhiệm
Hiện tại thâm trầm.
 
 
Mẫu chuyện 78:
Một đại tướng hồi hưu chào thiền sư Quang Huệ:
- Ngay sau khi trừ khử được những thói hư tật xấu, tôi sẽ trở lại làm đệ tử thiền sư.
- Tốt!
Thời gian sau, một buổi sáng sớm, hắn đã có mặt trước cửa chùa:
- Giờ tôi đã sẵn sàng, mọi tật xấu đã được tẩy sạch thưa Thiền sư!
- Sao con đến sớm thế? Vợ con đang ngủ với trai ở nhà không biết à?
- Thằng đầu trọc, mày dám nhạo báng?
- Tôi nghĩ còn quá sớm để ông trở thành đệ tử nhà Phật. Hãy trở về nhà thực tập tự chế.
 
Lời nói phù không
Rời xa hành động
Quạt nhẹ nổi lửa hồng.
 
 
Mẫu chuyện 79:
Thiền sinh nọ cứ mỗi lần tụng kinh, ngồi thiền là hình ảnh một con nhện to lớn xuất hiện quấy rối tâm trí. Chú thưa sư phụ chỉ giáo:
- Lần sau, con hãy chuẩn bị cây cọ, khi nó xuất hiện, vẽ lên bụng nó một vòng tròn để nhận diện. Thầy sẽ có cách diệt trừ nó cho con.
Thiền sinh vâng lời sư phụ, sau khi vẽ một vòng lên bụng, con nhện biến mất. Chú đến trình sư phụ sự việc xảy ra. Thầy bảo:
- Hãy kéo áo con lên xem.
Trên bụng thiền sinh chính là cái vòng tròn mà chú đã vẽ đêm qua.
 
Khó khăn và lo lắng
Quấy động triền miên
Chính tự thân mình.
 
 
Mẫu chuyện 80:
Một nhà nông cuốc đất trên triền đồi, phát hiện pho tượng Phật bằng vàng thế kỷ 18.
- Ôi! Bằng vàng y!
Thôn xóm, bạn bè rất hồ hởi và xôn xao bàn tán:
- Cả trăm lượng vàng y.
- Đủ ăn chơi một đời.
- Cả dòng họ tiêu ba đời không hết ấy chứ!
Nhưng, riêng hắn vẫn ngồi thừ, buồn thiu.
- Bây giờ, ông là người giàu có nhất rồi, sao lại tỏ vẻ không bằng lòng thế?
- Phải chi tôi bắt được tượng vàng thế kỷ 16 hay 17 thì hay biết mấy.
 
Giàu có hay nghèo nàn
Người sống tự an
Luận gì tiền của.
 
 
Mẫu chuyện 81:
Đại sư trụ trì chùa Quang An là một người đắc đạo, sống rất tự tại, được dân trong vùng biết tiếng. Một buổi chiều tối, đại sư đi dạo trên triền núi. Nhìn thấy mây tan, trăng sáng, khung cảnh thiên nhiên quá tuyệt diệu, đại sư cảm khái cười to:
- Ha ha ha ha a a a...
Tiếng cười thật lớn, vang xa mấy dặm, dân xóm làng ai cũng nghe, họ bàn nhau:
- Đêm qua tôi nghe một tiếng cười thật to nhưng không biết từ đâu.
- Tôi cũng nghe, hình như từ trên núi thì phải.
- Tiếng cười thật sảng khoái.
- Chỉ có thể là của sư phụ chùa Quang An!
Hai chú tiểu đi chợ nghe thế về kể lại và hỏi đại sư đó là tiếng cười gì, ông bảo:
- Cười với trời đất!
 
Quên đi bản ngã
Hòa nhập cùng muôn nơi
Cười bạt đất trời.
 
 
Mẫu chuyện 82:
Thiền sư Huệ Sanh đang tọa thiền, đệ tử thưa:
- Bạch Sư phụ, tất cả đệ tử muốn nghe sư phụ chỉ giáo.
- Được! Đánh chuông tập chúng tại sảnh đường.
Sau khi đại chúng vân tập, thiền sư cũng an vị bảo tòa.
- ...
- (im lặng) ...
- Bạch sư phụ, tại sao không nói một lời nào vậy?
- Đã có các đại sư bên Đạt Ma Đường thuyết giảng Phật pháp, các Luật sư bên Mộc Xoa Đường thuyết giới mỗi kỳ. Nói nữa ích chi?
 
Như thị Thiền môn
Lời nào diễn thuyết
Lui tới vô ngôn.
 
 
Mẫu chuyện 83:
Học giả nổi tiếng Lý Hạo đến thăm thiền sư Huệ Sanh. Gặp lúc đang tụng kinh, thiền sư không chú ý đến sự có mặt của Lý Hạo.
- Hmmm, nghe về ông ta thực sự hơn thấy ông.
- Này ông Lý! Ông tin nơi tai mà lại nghi ngờ nơi mắt?
- Xin thứ lỗi cho sự khiếm khuyết của tôi.
Hồi sau, ông tham vấn:
- Thưa sư phụ, Đạo là gì?
- Mây trên trời, nước trong chai!
 
Mây nước chuyển một vòng
An nhiên theo thời điểm
Xin chớ bận lòng.
 
 
Mẫu chuyện 84:
Một viên chức đến thăm thiền sư Huệ Sanh nhằm lúc ông sắp đi khỏi. Thiền sư yêu cầu 2 đệ tử nội trú:
- Hãy hướng dẫn ông ta tham quan
- Thưa vâng, Sư phụ!
Cùng nhau dạo ra sân chùa ngắm tuyết, viên chức trầm trồ:
- Ah! Tuyệt làm sao, những bông tuyết rơi thật đúng vị trí của nó.
- Có nơi nào khác có thể chăng?
- Trông ngươi kìa, có mắt như mù, có miệng như câm, vậy mà tự xưng con nhà thiền.
 
Trắng xóa bầu trời
Vạn vật riêng có chỗ
Bông tuyết rơi rơi
 
 
Mẫu chuyện 85:
Có chàng trai đến thiền viện Quang Yên xin làm đệ tử.
- Đây là lần đầu tiên con đến chùa này, xin sư phụ mở lượng hải hà dạy cho con phương pháp tu thiền.
- Con đã ăn sáng chưa?
- Dạ ăn rồi.
- Vậy đi rửa chén đi!
 
Tâm đà giác ngộ
Pháp vẫn hành trì
Không tu ai độ?
 
 
Mẫu chuyện 86:
- Loại người nào cần tu hành?
- Kẻ như tôi.
- Ngay cả đại sư phụ đây cũng cần tu sao?
- Tu chẳng khác chi mặc quần áo.
-...?
- và ăn cơm...
- Đó là công việc hằng ngày của tôi mà.
- Chứ nhà ngươi tưởng ta làm gì mỗi ngày?
 
Hành xử nhỏ từng ngày
Thận trọng và nhân ái
Thiền chính ở đây.
 
 
Mẫu chuyện 87:
- Thưa sư phụ, cây Bồ-đề này có Phật tính không?
- Có chứ.
- Khi nào nó thành Phật?
- Khi trời sập.
- Vậy chừng nào thì trời sập?
- ... (chẳng nói rằng, chấp tay ra sau đi thẳng)
 
Tâm hòa cùng vũ trụ
Vạn pháp sum vầy
Phật tính xưa nay.
 
 
Mẫu chuyện 88:
Một vị Tăng hỏi Thiền sư:
- Theo công án xưa nay, tất cả quy về một, một quy về đâu?
- Khi xưa còn ở Quảng Châu, ta có may một cái áo nặng 7 kí lô.
- ?!
 
Đại thể tiểu thể
Có mặt trong nhau
Mưa nguồn chớp bể.
 
 
Mẫu chuyện 89:
Thuở thiếu thời, Thiền sư Giao Châu trụ trì chùa Quan Ấn, ở ngoại thành Giao Châu (cùng tên Thiền sư). Một người hỏi:
- Thưa, Giao Châu là gì?
- Là cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc.
- Đó là Giao Châu thiền hay Giao Châu thành?
- Như nhau í mà.
 
Từ ngõ trọng tâm
Hướng về muôn lối
Giao Châu đến một lần
 
 
Mẫu chuyện 90:
Một thiền khách hỏi đường bà già:
- Nhờ chỉ đường đi đến Giao Châu.
- Cứ đi thẳng tới phía trước, đừng quẹo trái, cũng đừng quẹo phải.
Tới chùa Quan Ấn, thiền khách kể lại:
- Trên đường đi, tôi gặp bà già, dường như mà ấy rất am tường về thiền.
- Để tôi thử xem.
Nói xong Giao Châu đến gặp bà:
- Nhờ chỉ giùm đường đi Giao Châu.
- Cứ đi thẳng tới phía trước, đừng quẹo trái, cũng đừng quẹo phải.
Giao Châu nói với thiền khách kia:
- Bà ta chẳng hiểu gì cả. Chẳng phải Giao Châu đang đứng trước mặt sao!
 
Đời sống chuyển muôn nơi
Làm sao nhất quán
Một câu trả lời.
 
 
Mẫu chuyện 91:
- Phật tổ Đạt ma nghĩa là gì?
- Là cây cổ thụ đằng trước kia.
- Xin đừng dùng dụ để liên hệ vật cụ thể.
- Được, ta sẽ không liên hệ.
- Vậy Phật tổ Đạt ma nghĩa là gì?
- Cây cổ thụ đằng trước kia.
 
Cao xanh thiên nhiên
Âm hưởng suối nguồn
Trước tàn cây cổ thụ
 
 
Mẫu chuyện 92:
- Đệ tử đã buông bỏ hết mọi sự, hai tay không vướng bận, thưa sư phụ!
- Hãy tiếp tục như thế!
- Nhưng đệ tử chẳng có chi, giờ phải làm gì nữa sư phụ?
- Tốt! Hãy giữ như thế.
- ơ ơ... nhưng mà...
- ha ha ha
 
Ý thức chẳng còn lưu
Hai tay trống rỗng
Thật sự buông thư.
 
 
Mẫu chuyện 93:
- Những kẻ thiền tông phương Nam hàm hồ, dám nói trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật!
Đức Sơn Tuyên Giám nói xong, khăn gói lên đường về phương Nam. Gặp một quán nước của bà già, ông ghé vào:
- Cho tôi vài cái bánh ăn điểm tâm.
- Ngài đang mang sách gì vậy?
- Thanh Long Sớ Sao giảng về Kim Cương Bát Nhã.
- Vậy cho tôi hỏi một câu, nếu ngài nói đúng, tôi sẽ bao ăn miễn phí.
- Được a!
- Trong kinh Kim Cương có câu “Tâm quá khứ không thể có, tâm hiện tại không thể có, tâm vị lai không thể có”, vậy Ngài muốn điểm cái tâm nào trong quán của tôi?
- ơ ơ ... Tôi phải trả lời sao đây?
- Xin lỗi, tôi nghĩ Thượng Tọa nên đi nơi khác dùng điểm tâm.
Nói xong bà già quảy gánh hàng đi thẳng. Hỏi ra mới biết, quanh vùng có một đại sư, chính là ngài Long Đầm. Đức Sơn liền đến cầu kiến.
 
Ba thời không thấy tâm
Hóa tro triết lý
Trực chỉ Long Đầm.
 
 
Mẫu chuyện 94:
Lâm Tế Nghĩa Huyền thường dùng tiếng hét để độ kẻ có thiền căn. Chúng đệ tử hay bắt chước, chỉ biết hét ngoài ra chẳng hiểu tiếng hét có nghĩa gì.
- Ta hỏi các ngươi, một người đi từ Đông tới, một kẻ ở Tây sang, khi nào họ cùng hét một lúc?
Chúng đệ tử ngớ ngẩn.
- Bấy giờ, ai là chủ, ai là khách?
- ơ... ơ...
- Nếu không phân biệt được, từ nay các ngươi đừng bắt chước tiếng hét của ta nữa.
 
Thầy trò hữu biệt
Chủ tớ khác dụng công
Đâu cùng tiếng hét.
 
 
Mẫu chuyện 95:
Ngày kia, Lâm Tế thăm ngôi chùa xây để kỷ niệm Tổ Đạt Ma, vị khai sáng Thiền tông.
- Ngài muốn thăm nơi nào trước? Đạt Ma Đường hay Phật Đường?
- Ta chẳng thăm Đạt Ma, cũng chẳng nhìn Phật Tổ.
- Họ đã làm gì Ngài?
Lâm Tế rủ áo cà sa, quay gót đi.
- oh
 
Tìm Phật mất Phật
Phật tổ ở trong tâm
Ngoại tại khôn tầm.
 
 
Mẫu chuyện 96:
Thiền sư Chu Hải ngộ đạo nhờ công án “tất cả trong một ngón tay”. Sau này, ai đến hỏi Thiền sư mọi vấn đề, ngài chỉ đưa một ngón tay lên: “Đây!”
Có một chú tiểu bắt chước sư phụ, ai hỏi gì cũng đưa ngón tay lên. Chu Hải bảo:
- Con chỉ lập lại như con vẹt có ích gì.
Nói xong, ông ta lấy dao chặt đứt ngón tay “bắt chước” kia. Hôm sau ông bất ngờ hỏi chú tiểu:
- Phật tổ nghĩa là gì?
Cả hai người cùng giơ 1 ngón tay, nhưng:
- hơ hơ (vì không còn ngón tay nữa)
Chú tiểu liền tỏ ngộ.
 
Thoạt đà tan biến
Cả thế gian này
Trên một ngón tay.
 
 
Mẫu chuyện 97:
Thiền sư Thiên Ấn nói với các đệ tử:
- Ngày xưa có một người trèo lên cây, và ngậm vào cành, đu trên đó. Có người đi ngang hỏi: “Phật là gì?”
Đại chúng bắt đầu ngơ ngác, hồi hộp. Thiền sư hỏi tiếp:
- Nếu người kia không trả lời thì bị chê bai, nếu trả lời thì té gãy cổ. Các con nghĩ hắn phải xử trí cách nào?
- Thưa sư phụ, ta sẽ không quan tâm điều hắn làm trên cây mà hỏi việc trước khi leo.
- Cứ trả lời, xong chết cũng được. Một thiền sinh khác trả lời.
Sư phụ cười thật lớn: ha ha ha. . .
 
Sự thật không lời
Không qua hý luận
Mở miệng tiêu đời.
 
 
Mẫu chuyện 98:
Đại thi hào Lý Bạch hỏi Ô Sào thiền sư đang ngồi thiền trên “tổ quạ” của mình:
- Làm sao tôi có thể hiệp nhất với Đạo?
Ông trả lời:
- Hãy làm lành, lánh dữ.
- Cái này thì đứa trẻ lên ba nói cũng được vậy.
- Trẻ lên ba nói được nhưng già tám chục chưa chắc làm xong.
 
Sống giữa đời sống
Hiểu biết thật nhiều
Làm chẳng bao nhiêu.
 
 
Mẫu chuyện 99:
Một hôm, Chu Hạng đang pha trà thì Thiền sư Đào Vũ bước vào.
- Pha trà cho ai vậy?
- Có người muốn uống.
- Người đó không biết tự pha lấy sao?
- Tôi chỉ bất ngờ ghé đây thôi!
 
Hiệp nhất đôi phần
Ta người còn chi khác
Chủ khách chẳng gì phân.
 
 
Mẫu chuyện 100:
- Thưa sư phụ! Con nên hành Đạo thế nào cho phải?
- Khi đói thì ăn và khi mệt thì ngủ.
- Những kẻ thế gian họ đều làm thế, có gì khác biệt?!
- Không! không! Không phải mọi người đều làm được như thế đâu.
- ???
- Phần nhiều người ta ăn vì khoái khẩu và mang theo hàng ngàn ưu tư khi đi ngủ.
 
Mãi ưu tư làm chi
Quẳng gánh lo đi,
Bình thường tâm thị đạo.
 
 
 
 
 
 
 
Mục Đồng - Trần Thanh Thiên

  


No comments:

Post a Comment