Tuesday, June 19, 2012

NÀNG CÔNG CHÚA CỦA TÔI

Trên đường bị quân Tây Sơn truy đuổi và tháo chạy về phương Nam, Nguyễn Ánh cùng quân lính đã được một người đàn bà giàu có ở Ninh Hòa nuôi quân ba ngày. Khoảng năm 1804, Nguyễn Ánh lúc bấy giờ là vua Gia Long đã nhớ ơn và cho người tìm về Ninh Hòa phong cho người đàn bà ấy chức danh nhũ mẫu của vua. Khi biết bà đã qua đời, vua cho thợ khéo từ Huế vào xây cho bà một lăng mộ. Thuở nhỏ, ông tôi vẫn thường kể cho tôi nghe về sự tích của lăng Bà Vú và ông nói rằng như vậy đây là cái lăng tẩm cổ xưa nhất của triều đại nhà Nguyễn. 

Tuy nằm rất gần nhà tôi nhưng thuở ấy muốn đến thăm lăng Bà Vú tôi đã phải trải qua một cuộc hành trình gian khổ và đầy chất phiêu lưu, thơ mộng. Lăng Bà Vú nằm cuối Gò Lăng. Gò Lăng là một bãi tha ma với những mả Hời chung quanh chen chúc những nấm mộ đất của người dân Xóm Rượu. Đi hết con đường mòn bé xíu chỉ chứa được lòng bàn chân vắt ngang qua Gò Lăng bụi bờ rậm rịt, nặng nề âm khí tôi mới đến được địa phận Lăng Bà Vú. Bao quanh Lăng Bà Vú là vòng trong vòng ngoài những gai là gai. Gai từ những bụi mắc mèo ma cao quá đầu người, gai từ những bụi quít, bụi cam the dày đan như những tên lính gác bảo vệ cho Lăng Bà Vú được yên nghỉ cách biệt với cuộc sống ồn ào. Thật dễ chịu khi đây đó rực rỡ những bụi trâm rừng với hàng ngàn bông hoa tỏa mùi thơm ngát. Lăng Bà Vú nằm gối đầu trên một đồi đất chằng chịt dây leo, bụi rậm lúc này vẫn chưa lộ diện. Tôi phải tiếp tục cuộc hành trình bằng cách khom người bò qua các bụi gai và trèo lên một thành đất cao. 

Khi tay chân, mặt mũi, áo quần bị cào xướt đến tơi tả, tôi mới nhìn thấy được "Nàng ". Một cảm xúc kỳ lạ dâng ngập tâm hồn tôi. Tôi sững sờ như chàng hoàng tử trong chuyện cổ tích lần đầu tiên nhìn thấy dung nhan nàng công chúa ngủ trong rừng. Lăng Bà Vú lúc ấy kỳ vỹ, u uẩn và đẹp mê hồn. Ninh Hòa quê tôi là một nơi chốn nghèo nàn, cớ sao lại có một viên ngọc quí nằm lăn lóc nơi đây ?? 

Những vòng thành bao quanh lăng cao gấp ba lần chiều cao của tôi lúc ấy cho nên tôi phải vất vả lắm mới xâm nhập được vào bên trong lăng mộ. Ông tôi nói để xây lăng người ta đã dùng vôi, cát, mật mía trộn với nước dâm bụt giã nhỏ. Tôi không quan tâm đến việc nó được xây bằng cách nào tôi chỉ biết say mê cái màu rêu xanh phủ đầy trên tất cả bề mặt của lăng. Lần theo vách thành tôi ngắm nghía những phù điêu với những họa tiết, hoa văn tuyệt đẹp. Những bài thơ chữ Hán lúc ấy vẫn còn nguyên vẹn trên vách lăng. Tôi tiếc rằng mình đã không hiểu được những điều bí ẩn nằm sau những câu chữ ấy. 

Điểm nổi bật của lăng Bà Vú là những con kỳ lân khổng lồ đứng vươn lên trời cao trên những cái bục cao nghễu nghệnh. Những con kỳ lân ấy sinh động và đẹp cho đến nổi tôi cảm thấy rất hãnh diện vì cách đây mấy trăm năm trình độ văn hóa và thẩm mỹ của người dân Việt Nam đã cao đến mức độ như vậy. 

Một khoảng sân rộng có những phù điêu hoa sen chia sân thành từng ô vuông có lẽ xưa kia là vườn hoa nối khu vực lăng mộ với hồ sen. Đứng trên bờ hồ sen nhìn sâu xuống những bờ thành đã nhiều nơi nứt nẻ, tôi bồi hồi tưởng tượng cảnh những bông hoa sen trắng đã từng nở rộ trên khắp mặt hồ. Một mình lang thang trong lăng Bà Vú tôi choáng váng trong một cảm giác vừa ngây ngất vừa sợ hãi. Ở đây cái chết cũng đẹp đẽ như sự sống. Tất cả đều thiêng liêng, tinh khôi và tan biến vào một niềm cô tịch dịu dàng khôn tả. Vì vậy dầu gian khổ thỉnh thoảng tôi vẫn một mình tìm đến nơi này. 

Một thời gian dài tôi phải sống xa quê hương. Một lần tôi trở lại thăm lăng Bà Vú và tôi đã bàng hoàng đau xót khi nhìn thấy biết bao sự thay đổi ở nơi này. Nàng công chúa của tôi thay vì nằm ngủ ở trong rừng đang phải nằm ngủ giữa chợ !!! Gò Lăng nay đã biến thành khu dân cư. Con đường dẫn xuống Lăng Bà Vú nay phơi đầy bánh tráng. Mùi hoa ngâu rừng, hoa quế đồng đã nhường không gian cho mùi chua chua của nước cơm. Chung quanh lăng Bà Vú gai góc đã dược dọn sạch để nhà cửa mọc lên. Ngọn đồi đất bao quanh lăng là một vựa đất miễn phí để mọi người đến gánh về làm nền nhà !!! Mấy túp lều tranh đã được dựng lên ngay bên trong khu vực lăng tẩm và chủ nhà đã có sáng kiến lợi dụng các bức thành để nhốt vịt. Những đứa trẻ hiếu động trong xóm cũng ngày ngày kéo nhau tới đây để tha hồ đập phá. 

Tôi đau xót nhìn thấy sức tàn phá của con người thật là ghê gớm. Những phù điêu trên vách đã rơi rụng gần hết. Những con kỳ lân đứng chịu trận cho lũ trẻ đánh đập. Người ta chẻ củi chan chát lên bất cứ cấu trúc nào. Đây đó những tảng vôi vửa bễ nát nằm la liệt. Tôi không dám trách những người dân nghèo sống chung quanh lăng Bà Vú. Tôi không thể nói gì với bọn trẻ không được ai dạy cho cách trân trọng một di tích. Tôi chỉ thấy lòng quặn đau như khi nhìn thấy người thân của mình bị hành hạ. 

Từ đó, tôi không bao giờ đến thăm lăng Bà Vú nữa. Từ đó, tôi không còn khoe với ai rằng quê hương tôi có một di tích đẹp. 

Cách đây hai năm, nghe nói lăng Bà Vú được xếp vào hàng Di Tích Lịch sử và đã được trùng tu, tôi vui mừng về thăm. Một lần nữa cảm giác thất vọng đã tràn trề làm tôi muốn khóc. Trùng tu một di tích là một việc khó khăn và cần sự thận trọng. Những người chịu trách nhiệm này cần phải có kiến thức về sử học, về mỹ học và trình độ chuyên môn về tôn tạo di tích. Nếu chưa đủ điều kiện, người ta thường chỉ tìm cách bảo vệ hiện trạng để chờ cơ hội. Nhưng ở đây, người ta đã vội vàng đem hàng tấn xi măng đến trể trét lên tất cả kể cả nền đất, vườn hoa rồi đem sơn đến tô vẽ đủ thứ màu.!!! Những người có trách nhiệm đã lầm tưởng trùng tu di tích là làm cho mới, giản dị như nhà dột thì thay ngói mới, nhà nền đất nay có tiền ta tráng xi măng ??? 

Lăng Bà Vú như một nàng công chúa lâm bệnh nặng. Nàng đang hấp hối và rất cần một thầy thuốc giỏi có lương tâm, chữa bệnh cho nàng làm cho nàng phục hồi, đỏ da thắm thịt. Nhưng ở đây, người ta đã nhúng nàng vào xi-măng rồi tô son đánh phấn cho nàng bằng lớp sơn rẻ tiền và giả tạo. Tôi đã rơi nước mắt khi biết rằng thực sự nàng công chúa của tôi đã chết. 

Xin nàng hãy thứ lỗi cho tôi. Tôi chỉ là một cậu bé tầm thường. Tôi không là một hoàng tử cao quí, tài ba nên nụ hôn của tôi, tình yêu của tôi đã không cứu được nàng. 
 
Ngàn thu vĩnh biệt.
Nguyễn Phan Lê

No comments:

Post a Comment