Thursday, June 21, 2012

CÚI MẶT

 
Hang đá Dục Mỹ ngày xưa
 
Kìa ai dong duỗi đường gió bụi
Gánh sầu thương mệt mỏi hai vai
Về đây nấp bóng SAO MAI
Về đây quên hết những ngày truân chuyên
 
Kìa ai thiếu vỗ về người MẸ
Tháng ngày trôi lặng lẽ cô liêu
Về đây mẹ sẽ thương yêu
Về đây MẸ sẽ ban nhiều ơn thiêng..
(thánh ca Kìa ai)
 
      Cho đến bây giờ dù xa quê nhà hơn chục năm, mỗi khi nhớ đến Hang đá Đức mẹ ở nhà thờ Dục mỹ thân yêu, trong trí tôi lại nghe vang vọng những lời hát tha thiết ấy. Đã ăn sâu vào lòng trí tôi những lời gọi mời mà một thời gian nan khổ sở, con cái Mẹ, già trẻ lớn bé ở giáo xứ Dục Mỹ nhỏ bé này đã từng đến đây tìm sự chở che an ủi đỡ nâng từ nơi đấng Từ Bi.
 
      Nhà thờ Dục Mỹ được xây dựng năm 1960 và Hang đá Đức mẹ được xây dựng sau đó không lâu. Có nghĩa là đã gần nữa thế kỹ Hang đá với sụ hiện diện của Mẹ, đã cùng con dân Dục Mỹ trải bao buồn vui thăng trầm...Và tôi cũng như nhiều nhiều người khác ở đây, đã lớn lên với đầy ắp kỷ niệm về Hang đá thân thương này. Hang đá mà dân Dục Mỹ luôn tự hào rằng “Hang đá đẹp nhất giáo phận” và có kẻ còn “nổ” hơn nữa là “Hang đá đẹp nhất nước”...
 
      Lớp học đầu tiên của đời tôi - lớp mẫu giáo trường Trung Tiểu Học Tiến Đức Dục Mỹ- là căn nhà tranh có hình chóp nằm cạnh bênh một “núi đá”, mà đối với tôi lúc ấy núi đá này thật là khổng lồ và đầy kỳ bí. Lớp học này được mọi người ở đây gọi là “nhà dù” vì có hình dáng giống như cái dù, và cái núi đá khổng lồ kia thì được gọi là Hang đá Đức mẹ. Ở một số nơi khác mà sau này tôi đã đi qua thì người ta thường gọi là Núi Đức Mẹ, nhưng ở đây gọi là Hang Đá Đức Mẹ.
 
      Những ngày thơ ấu, mặc dù ở Dục Mỹ cứ ngước mắt lên là thấy núi thấy đồi vây quanh. Núi non ở đây rất hùng vĩ có dáng mẹ bồng con cao chót vót trên ngọn gọi là núi Vọng Phu, nhưng núi xa lắm không làm cho tôi sợ. Còn “núi đá” này thì những ngày đầu đi học tôi chỉ dám nhìn xa xa chứ không dám lại gần. Thế nhưng sau đó, tôi thấy những đứa học trò lớn hơn tôi chui ra chui vô trong lòng hang đá, reo hò rượt đuổi ỏm tỏi như chẳng có gì là đáng sợ hết. Chúng còn leo lên những tảng đá thấp thấp chung quanh hang đá, bứt những cọng rêu xanh xanh có cái đầu tròn tròn đá gà với nhau xem ai bị đứt đầu trước. Có những “con gà” thật là chì và chủ của nó thì “gáy” vang. Nhưng rồi “con gà” đá lâu cũng hết sức nên đứt đầu thế là có một chủ gà mới lên “gáy” còn kẻ bại trận thì ỉu xìu leo lên hang tìm “gà” khác. Cứ mãi theo nhìn các trận đấu, tò mò theo các dân “đá gà”” đi tìm “gà” tôi đã xích lại gần hang đá lúc nào không biết.
 
      Có lẽ không có đứa trẻ nào đã từng học tại trường Tiến Đức mà không mê chơi quanh quẩn bên hang đá. Quanh hang đá bóng mát um tùm, trong lòng có một hang rộng rãi cao như một cái phòng luôn luôn mát lạnh. Đây là nơi thật lý tưởng để bọn trẻ chúng tôi chơi banh thẻ, rải danh, ô quan, năm mười (trốn tìm) trong những giờ ra chơi hay trong những ngày hè, nền của hang ở trong Hang đá bóng lưỡng (có lẽ vì được “lết” quá nhiều). Tôi nhớ năm lớp bốn, cũng trong hang đá mát lạnh này hắn đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ rồi chạy mất. Mở ra xem chỉ vỏn vẹn có mấy chữ viết thật nắn nót Ph. Thương Lan. Tôi ngáo ngáo đem về nhà khoe nên cả nhà tôi đều biết chuyện này (xin lỗi Ph). Hai mươi năm sau, gặp lại Ph vẫn chỉ nói một câu y như vậy trong hơi men chếch choáng... Ba mươi năm sau và cho đến bây giờ mỗi khi đi qua hang đá tôi lại nhớ và cầu nguyện cho Ph được nghỉ yên nơi chốn vĩnh hằng...
 
Ba chị em tôi trong ngày tết năm nào…
 
      Buổi trưa các bà cụ già trong giáo xứ thường rủ nhau vào trong hang ngồi lần chuỗi đọc kinh. Sau giờ kinh các bà thì thầm trò chuyện, chia sẻ cho nhau nghe chuyện gia đình, chuyện con cháu, chuyện buồn chuyện vui, chuyện ưu phiền chuyện lo lắng mà  họ mới vừa thầm thỉ tâm sự với Mẹ trên cao. Có bà tựa vách đá nghe tiếng thì thầm nói chuyện rồi làm một giấc ngủ trưa ngon lành. Đêm đến Hang đá là thế giới của các anh các chị thanh niên. Đã có biết bao lời thề hẹn yêu đương xin Mẹ chứng giám, và cũng đã có biết bao lời kêu xin Mẹ giúp sức để vượt qua những trái ngang cuộc tình. Rồi sau đó đưa nhau đến tạ ơn Mẹ và xin Mẹ dang tay che chở để đi hết con đường tình.
 
 
      Tôi lớn lên Hang đá cũng lớn cùng với tôi trong niềm tin yêu nơi tâm hồn. Luôn khắc sâu trong tâm trí tôi hình ảnh những người mẹ gầy guộc buôn thúng bán bưng vội vã sau buổi chợ trưa. Những người cha lưng bạc trắng mồ hôi tay cày tay cuốc. Những người anh mặt bủng da tái xanh ba lô mốc meo trên lưng sau những ngày dài trên rừng sâu núi thẳm. Những người chị với gánh hàng rong trĩu nặng trên vai. Những đứa trẻ cắp sách đến trường mong kiếm chút chữ nghĩa mà trong bụng trống trơn... Những người này mỗi khi đi ngang qua Hang đá Đức Mẹ, họ đều đặt gánh nặng trên vai xuống chân Mẹ và cúi chào một cách cung kính trìu mến. Đây là một thói quen đẹp của dường như hết mọi người trong giáo xứ. Và lòng tôi luôn bồi hồi xúc động mỗi khi nghe hoặc nhớ đến bài thánh ca “Kìa ai dong duỗi đường gió bụi...” . Vì tại nơi đây bài hát này trong những năm tháng dài gian nan khốn khó theo vận nước đổi thay, con cái Mẹ đã không ngừng cất lên hàng đêm để xin ơn an ủi đỡ nâng...
 
      Thế rồi một ngày... Hang đá được bao bọc bởi một hàng rào chắn. Mẹ vẫn dứng đó nhưng con cái mẹ phải đứng thì thầm với Mẹ từ xa. Thời gian... tuổi tác... Cứ tưởng “núi đá khổng lồ của tuổi thơ tôi” sẽ mãi trơ gan cùng tuế nguyệt. Nhưng nửa thế kỷ dầm sương dãi nắng, không được tu bổ không được bảo trì. Hang đá không còn an toàn để được con người quấn quýt bên cạnh nữa. Nhà thờ thì xây tường bao quanh, cổng nhà thờ mở có giờ có giấc. Sân Hang đá từ đó vắng tiếng trẻ nô đùa, dưới chân Mẹ vắng dần những gánh trần ai...
 
      Dịp về thăm gia đình tết năm 2011, tôi nghe Hang đá Đức Mẹ “hấp hối”. Sau Tết Nguyên Đán một hang đá mới sẽ được xây dựng thế chỗ cho hang đá xưa...Thế có nghĩa là Hang đá Đức Mẹ thân yêu của tôi sẽ bị xóa sổ, sẽ bị vùi chôn vào quá khứ... Không mấy ai hớn hở khi nghe thông báo tin này. Có một số người phản ứng không đồng tình phá bỏ Hang đá, nhưng trùng tu thì quá tốn kém... giáo dân thì còn nghèo... chỉ biết cúi đầu tiếc thương... Cha xứ giải thích, an ủi sẽ xây lại cho anh chị em một Hang đá Đức Mẹ mới chắc chắn, an toàn hơn để mọi người đến cầu nguyện.
 
      Ngày dở bỏ Hang đá nhiều người đã cúi mặt không dám chứng kiến. Rồi đây thế hệ con cháu sẽ đón nhận một Hang đá Đức Mẹ mới, rồi những mối liên hệ gắn bó mới sẽ được thiết lập, “tình sử” mới sẽ mở ra. Còn chúng tôi, cất giữ những kỷ niệm với Hang đá vào sâu trong ký ức.
 
      Tôi biết có rất nhiều người sau khi xa Dục Mỹ, mỗi dịp về thăm lại nơi xưa thì Hang đá Đức mẹ là một trong những nơi được viếng thăm nhiều nhất. Từ nay cảnh cũ không còn trong lòng, sẽ mang nhiều nỗi tiếc thương. Hang đá mới có đẹp gấp trăm lần tôi vẫn không thích bằng hang đá xưa tôi nghe nhiều người nói như thế. Có hiểu không nỗi đớn đau phải dứt bỏ đi những gì đã gắn bó với ta trong một thời gian lâu dài. Đó là quy luật của đời sống ??? cái cũ phải được thay thế bằng cái mới hơn tốt hơn ??? Nhưng có những điều đáng được thay thế mà mình lại phải chờ đợi quá lâu...
 
 

No comments:

Post a Comment