Thursday, June 21, 2012

CÁI HÒM SẮT

Đỗ Thị Hương Bình

Bây giờ tiền hết gạo không
Anh ơi ở lại mà trông lấy hòm
Bao giờ tiền có gạo còn
Bấy giờ tôi lại trông hòm cho anh
 
      Đó là 4 câu ca dao trong kho tàng ca dao Việt Nam. Ở đây trong bài viết này tôi chỉ muốn mượn chữ “hòm” để làm rõ nghĩa cho bài viết, chứ không đề cập gì đến ca dao cả.

       Nếu là nhà phân tích văn chương chắc phải tốn cả trang giấy mực mới tải hết ý nghĩa của từ ‘hòm’trong 4 câu ca dao đó. Riêng bài viết này tôi chỉ muốn hiểu chữ “hòm” một cách nôm na đó là một vật dụng để chứa đựng đồ đạc và nếu dùng theo từ miền Nam thì gọi đó là cái “rương” 2 chữ đều giống nhau cả. Một thời của những năm 50-60 thì cái “hòm” –hay cái “rương” đã có một giá trị tích cực hầu như trong mỗi gia đình bình dân nào cũng đều có. Giờ nó đã thuộc về dĩ vãng về quá khứ, bọn trẻ ngày nay khó mà hình dung được nó là một vật như thế nào.

      Cái hòm của gia đình tôi tính đến nay đã trên 50 năm tuổi. Nó đã theo Bố Mẹ tôi di cư từ Bắc vào Nam năm 1955 tồn tại đến nay đã là đời thứ 3, và tôi nghĩ nó sẽ vĩnh viễn tồn tại trừ khi có một biến động nào đó mà ta chưa thể biết trước được, bởi nó rất cứng, chắc nhẹ mà không bể không rỉ sét với thời gian.

      Cái hòm sắt của gia đình tôi ngoài việc là vật chứa đồ đạc với riêng tôi, nó còn có một ý nghĩa tâm linh sâu nặng đối với tôi nó còn mang cả cái hồn người, cái hồn của Mẹ tôi.

      Một hôm chị chồng em dâu ngồi nhỏ to tâm tình với nhau em dâu tôi khẽ nói ;
- Chị, chị biết không em dấu 1 chỉ vàng trong chiếc áo cũ nhéc tận đáy rương không biết anh H lục lọi gì trong đó mà phác hiện ra được em mất hồn luôn.
- Trời; thật vậy sao em
Nghe những lời em dâu nói xong tôi thẫn mặt đi.
      Sao kỳ cục vậy em; kỳ cục thật Mẹ chồng con dâu 2 cõi âm dương cách biệt chưa từng ai biết mặt ai mà sao lại giống tính nhau như vậy. Có lẽ mẹ đã dấu quyển sách dạy con trong ấy và em đã đọc được phải không ?
Biết tôi đùa nhưng em vẫn hỏi
- Tại sao chị lại nói vậy?
- Bởi em đã lập lại việc làm của mẹ chồng cách nay gần nữa thế kỷ, em có biết không đâu phải vô duyên vô cớ mà chị lại nói như vậy.
Trầm ngâm một lát tôi nhớ lại lời mẹ kể năm xưa.

      Hôm ấy đang ngồi khâu vá ở nhà ngoài bỗng nghe tiếng Bố lục lọi ở nhà trong; mẹ vội gom đồ vào trong ngồi làm. Linh tính của giác quan thứ 6 mách bảo; thay vì lục ít Bố lại lục tung tất cả lên thế rồi việc gì đến cũng phải đến. Một gói tiền được cột kỹ càng và nhét vào trong chiếc áo rách được Bố lôi ra từ trong cái hòm sắt ấy.
Mẹ giật thót mình; tim đập thình thịch nhìn sững bố.
- Gớm; tiền cất tận vào đây, đấy thảo nào đang ở ngoài lại vào đây
- Cái ông này kệ người ta
Nhưng biết tánh lo xa của mẹ nên Bố chỉ cười nói qua loa
- Thật vậy hả chị; - Em cười nói
- Em thật giống mẹ từng li từng tí Mẹ cũng tiện tặn lo xa chịu thương chịu khó vì chồng vì con Chị nhớ hoài những chuyện Mẹ kể lúc còn sống.

      Lúc nhỏ Mẹ sướng lắm; chỉ biết ăn học. Trước khi qua đời ông bà ngoại lập cho Mẹ cửa hàng tạp hóa. Thích thì bán không thích đóng cửa đánh bài chơi cho vui, Mẹ vừa đẹp lại vừa hiền không se sua ăn diện; biết bao người dòm ngó; biết bao lá thư tình của cánh đàn ông liệng qua khe cửa; không bao giờ đọc; không bao giờ đáp. Ngoài 20 tuổi Mẹ vẫn vô tư; mọi người bảo Mẹ kén Mẹ cũng chỉ cười vô tư. Mẹ mảnh mai thế nào mà mọi người nói nhìn mẹ gió thổi bay. Em biết không Bắc Giang quê Mẹ là 1 trong 9 tỉnh giành được Độc lập đầu tiên của Cách Mạng tháng 8 năm 1945, Xã hội thay đổi cuộc sống đổi thay bán và ăn hết cửa hàng. Mẹ bắt đầu lao vào cuộc sống mới, từ một cô gái liểu yếu đào tơ bây giờ mẹ tập gồng gánh bán hàng sáo; tập sàng hoài hạt gạo lúa vẫn không nhúm chính giữa nhưng Mẹ vẫn sàng; đến cuối đời hạt lúa Mẹ sàng vẫn chưa chịu nhúm. Mẹ không nản chí khi phải gồng gánh nặng trên vai quần nâu áo vải để tránh máy bay địch thường là họp chợ đêm chợ phiên. Mẹ kể có những ngày mưa chân đất bấm chặt đường ruộng nặng trĩu gánh gạo trên vai, ấy vậy mà Mẹ vẫn vô tư vui vẻ. Không biết cái bản chất chịu thương chịu khó tằn tiện chắt bóp đã được hình thành nên từ bẩm sinh hay từ môi trường hoàn cảnh. Cuộc đời Mẹ từ lúc trưởng thành cũng là lúc ông bà ngoại qua đời, Mẹ sống tự lực là chính không nương nhờ dựa dẫm vào ai.

      Lúc Mẹ lấy Bố là lúc Mẹ gần 30 tuổi, Bố khôn lắm nhờ người mối mai nói chuyện với Bác (cậu). Lâu ngày chày tháng bụng đàn bà dạ con nít sau Bố cũng làm Mẹ xiêu lòng gật đầu ưng chịu. Bố không đẹp như mẹ tưởng lấy ai; ai ngờ lấy người vừa cao lêu nghêu, vừa mắt lác ( lé ). Bố chỉ hơi mại một tí thôi nhưng người ta dèm pha cho đậm đà; mẹ nghe mẹ cũng cười, Biết mẹ ghét người uống rượu, thời gian đầu bố cũng chịu khó đóng kịch suốt 1 tháng trời bố chỉ có1 lít rượu nhưng rồi “gà ấp mãi cũng phải nở “; sau biết bố là người “ thơ túi rượu bàu “ phóng khoáng phong lưu mẹ vẫn không hờn trách; bữa ăn nào cũng đầy đủ rượu thịt đồ nhắm cho bố. Nhưng có điều mẹ giữ tiền thì chặt dạ lắm. Mẹ kể có lần Bố đeo chiếc nhẫn của mẹ sau một ngày lội bộ 40 cây số về thăm nhà. Trước lúc ra đi bố làm lơ không đưa lại mẹ; mẹ theo đòi bố cả khúc đường dài bố vẫn không trả tức quá mẹ thốt lên
- Người gì mà lì thế
Bố lặng lẽ tháo nhẫn trả cho mẹ và ngậm ngùi nói:
- Thế thì còn gì là tình nghĩa nữa
   Mặc kệ mẹ vẫn cầm và cười như nắc nẻ mỗi lần kể lại cho các con nghe.

      Tuy vậy bố vẫn yêu mẹ lắm. Năm 1954 Cách Mạng thành công hiệp định Geneve ký kết; đất nước chia đôi bố bảo thu dọn về quê cho nhà chồng biết mặt nàng dâu bởi quê bố ở Hải Dương là vùng còn bị Pháp chiếm đóng, Bố thoát ly nên mới gặp mẹ, ngày cưới chỉ có Tổ chức đứng ra lo liệu, họ hàng không có ai giờ được về quê chồng mẹ vui mừng hớn hở, đùng một cái mẹ nghe lóm Bố và các Bác thì thầm thủ tục giấy tờ để vào Nam. Mẹ nghe mà choáng váng; miền Nam là một cái gì thật xa xôi mơ hồ; họ hàng bà con làng nước mà bỏ lại thì thật là đau lòng lắm. Thế là lợi dụng dịp đi chợ mẹ ẳm chị cả trốn về quê. Sự việc vỡ lở Bố vẫn không tin, Bố cũng không tin là mẹ có thể am tường thủ tục đổi tiền đổi tàu xe để về được tới Bắc Giang. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Lại một lần nữa Bố cầu cứu tới Bác (cậu).
 
      Với vai trò quyền huynh thế phụ em xin anh hãy giúp em ; nói với cô ấy vài lời để vợ khỏi xa chồng cha khỏi xa con ……viết thư năn nỉ Mẹ. Bố còn viết thêm những lời khiêu khích…..hay là trong những ngày xa vắng lòng dạ đã đổi thay ong bướm ve vãn mà quên đường về……mẹ kể vanh vách từng lời thư bố viết mẹ thuộc lòng những lá thư dài dù đã trên 20 năm mỗi khi nhắc lại chuyện xưa của bố mẹ.  Ấy vậy mà Mẹ vẫn mặc kệ không động lòng. Nhưng một tối khi nhìn con thơ 3 tuổi vui vẻ cùng cả nhà đến khi hỏi Bố đâu, thì ngơ ngác kiếm tìm không biết ai để chỉ; mẹ rơi nước mắt. Thôi thì cứ theo Hiệp Định đã nói đi 2 năm thì về còn hơn để khi ấy bố có vợ khác rồi con phải mất cha. Thế là mẹ khăn gói ẳm chị lên đường Bố mừng rớt nước mắt sau bao đêm khục khịt trong giấc ngủ. Tấm hình mẹ chụp để dán vào hồ sơ mẹ mặc chiếc áo the đen mặc buồn rũ rượi, cũng vì mẹ mãi tới chuyến tàu áp chót 1955 gia đình mới lên tàu. 

Sau cuộc hành trình dài hơn 1000 cây số để vào Nam, ngày sanh chị là lúc ở Huế năm 1956 qua năm 1957 bố vào học khóa sĩ quan ở Thủ Đức; Mẹ kể để có tiền sinh sống mẹ phải đi gánh nước thuê có khi một ngày tới mấy chục đôi, mẹ làm như một bổn phận mẹ rất an phận mình khi làm việc vất vả để chờ ngày bố ra trường.

   Bắt đầu cuộc đời binh nghiệp là sự thuyên chuyển đi nhiều nơi 1959 dừng chân ở Ninh Hòa, Mẹ an nhàn được một thời gian. Tháng 5-1961 mẹ sanh được thằng con trai sau 6 năm chờ đợi. Bố mừng phát điên –Lúc này đơn vị bố đã chuyển vào Nha Trang, Bố tính đợi mẹ con cứng cáp sẽ đưa cả gia đình vào. Nhưng…….sự đời có những biến cố làm đảo lộn thay đổi số phận của cả một gia đình; bởi đàn ông chính là trụ là thuyền; trụ gãy thuyền đắm thì số phận của nhũng thuyền viên cũng lênh đênh Chị còn nhớ hôm ấy lúc 4 giờ sáng mẹ nhận được điện tín báo tin Bố mổ lúc ấy chị đã 6 tuổi nhưng rất hồn nhiên khờ khạo chị nói:
- Bố mổ thì Bố chết
Và thật vậy 7 giờ sáng nhận tin Bố chết.
 
   Đám tang diễn ra ở Nha Trang mọi việc từ A tới Z đều do đơn vị bố lo hết; mẹ ôm con trai mới 2 tháng tuổi trên tay mẹ khóc nức nở, hình ảnh đó còn in mãi trong trí chị trong khi hình như hai chị không biết khóc là gì.

   Thế rồi mọi sự đổi thay một trang đời mới với bao khó khăn đang đặt ra trước mắt mẹ, một con số không to tướng cùng với một nách ba con thơ. Giờ đây thân cò phải một mình lặn lội bờ sông vừa làm cha vừa làm mẹ nơi đất khách quê người, như em thấy đấy phía ngoại thì ở cả ngoài Bắc; phía nội ngày ấy chị biết có ông Nội và 2 Bác đều ở Vũng Tàu, nhưng không có ai ra và cách đến mấy tháng sau có một Bác ghé ra duy nhất một lần rồi bặt vô âm tín mãi tới giờ. Thế nhưng mẹ lúc nào cũng chứng tỏ được sự đảm đang chịu thương chịu khó. Ngày ấy mẹ chỉ được đơn vị cấp cho một số tiền chỉ bằng 2 tháng lương của Bố. Bắt đầu mẹ quyết định bán hết đồ đạc trong nhà trả nợ vài món lặt vặt như tiền nhà tiền rượu …tiếp đó là những ngày tháng sống chung với những người hàng xóm tốt bụng để khỏi tốn tiền nhà. Khi có tiền mẹ chủ yếu mua gạo đổ đầy thùng cho yên bụng. Tết năm đó được đơn vị Bố mời vô tặng quà Tết gồm 2000 đồng cùng gói rim mứt, chị nhớ hồi đó gạo mua 100 đồng tới hơn 40 bơ mà 2 bơ là 1 ký. Đó là cái lộc cuối cùng của Bố mà mẹ con được hưởng.

   Một năm sau em trai cứng cáp mẹ giao cho chị cả trông coi mẹ bắt đầu tìm cuộc mưu sinh bằng đủ thứ nghề, từ bán bắp bán khoai đến bán xôi bán chè. Ngày ấy chị cả cũng còn tuổi vui đùa mới 10 tuổi mà giữ em cứ để bị té; trán bên phải chưa xẹp thì u bên trái sưng lên mẹ cứ khóc hoài. Có lần một người quen ngày xưa của bố ghé về thăm, thấy hoàn cảnh khó khăn ngỏ ý muốn xin mẹ bớt một người con về nuôi cho mẹ đỡ gánh, mẹ gật đầu nhưng khi đến giờ hẹn mẹ đổi ý nếu không thì giờ này chị em không biết đã ra sao.

   Khi chị học đến lớp 8 thì mẹ mới thực sự đi thuê một căn nhà khang trang để ở chấm dứt gần 10 năm sống chung với những người tốt bụng của xóm làng.
   Mẹ sống tận tụy hy sinh bỏ ngoài tai những ánh mắt dòm ngó của đàn ông bởi dù sao mẹ cũng đẹp lắm em nhìn hình thì biết.

   Cuộc đời Mẹ là cả một chuỗi ngày dài chắt chiu chịu thương chịu khó tằn tiện lo xa y như em hôm nay, mẹ kể khi đang cho em bú mẹ mau đói lắm, nhưng mẹ chỉ ăn có chừng thôi đói và thèm ăn ghê lắm vẫn không dám ăn thêm, chỉ với một nồi chè thôi mà mẹ nuôi con cái ăn học đàng hoàng, chơi huê năm nào cũng để cuối năm trút ống rồi sắm vàng để dành tích lũy mới mua được nhà cho chị em mình có chốn nương thân ngày hôm nay.
 
    Có lẽ Mẹ đã linh thiêng âm thầm đi chọn dâu đấy. Âu đó cũng là phước nhà.



No comments:

Post a Comment