Thursday, June 21, 2012

DẦM MƯA - GIẪM LỤT

Đỗ Thị Hương Bình

     Dầm mưa – giẫm lụt. Nôm na thì chỉ là vọc nước, nghịch nước, chơi với nước, giỡn với nước, chỉ tổ làm ướt áo, ướt quần ướt mình ướt mẩy, ướt tóc, ướt tai và còn có nguy cơ làm bạn với những trận cảm sốt. Tuy thế mà lại khoái, lại ưa, thế mới buồn cười chứ lỵ.

      Nhớ ngày nhỏ cứ ra ngoài trời tắm mưa. Nhắm mắt đưa mặt hứng những giọt mưa bắn vào rát cả mặt, cay cả mắt, hai tay chà chà, vuốt vuốt rồi lại đưa mặt hứng tiếp, tắm đến khi mặt tái, môi run mới thôi. Và còn nhớ mỗi khi mưa to nước ngập úng sân không rút kịp, ba lại xé giấy thắt thuyền thả xuống làm trò chơi cho con trẻ. Những chiếc thuyền giấy mỏng manh, nhẹ nhàng chứa nặng niềm vui, không thể mang thêm những giọt mưa nên chưa đến được tới giữa giòng đã bị chìm, rồi những chiếc thuyền giấy khác lại được tiếp tục thả xuống như muốn thi đua, thách thức với gió mưa. Mưa vẫn rơi, niềm vui vẫn còn, mưa về niềm vui lại đến theo năm tháng suốt tuổi thơ. Đến khi những chiếc thuyền giấy không còn chứa đủ niềm vui cho con trẻ, ba lại thay vào bằng những chiếc thuyền thau trong mỗi mùa mưa lụt. Lụt về nước tràn ngập đầy sân, đầy nhà, tràn ngập đường xá như một dòng sông, là một phen được ngồi lên những chiếc thuyền thau, được ba đẩy đưa nghe nước chảy rào rạo. Chao ơi sao mà thú vị thế không biết, tưởng không có gì có thể đánh đổi được cái cảm giác, ấy cái trò chơi ấy.

        Mưa vẫn rơi, lụt vẫn về hằng năm, mưa lụt muôn đời vẫn là mưa lụt nhưng tuổi thơ không còn mãi là tuổi thơ. Tự lúc nào không biết, những chiếc thau không còn được đem ra làm thuyền, một đôi khi bất chợt mỉm cười bâng quơ thương nhớ khi nhìn thấy những cái thau được xếp, được theo gọn gàng nằm im. Nhẹ nhàng có lần tôi hỏi:
   - Thau ôi, bạn có nhớ tôi không?
   - Nhớ chứ, tôi nhớ bạn lắm. Bạn thật vô tình, bạn “có mới nới cũ” Đã nhiều năm rồi tôi không có mặt trong những mùa lụt để vui chơi cùng bạn.
   - Thau ơi, bạn đừng trách tội cho tôi. Tôi đâu muốn nghỉ chơi với bạn - Tôi cũng muốn sống hoài với tuổi thơ lắm để vui đùa cùng bạn lắm chứ. Nhưng ông trời cho bạn lớn chỉ một lần, còn tôi cứ lớn dần theo năm tháng. Ngày xưa bạn ôm gọn tôi vào lòng, còn bây giờ bạn thấy không, bạn thật nhỏ bé quá so với tôi bởi vậy nên tôi mới có những người bạn mới.
- Thế đi chơi với những người bạn ấy có vui như chơi với tôi không?
   - Đoạn đời nào, niềm vui nào cũng có ấn tượng không quên cả, nhưng nó lại có màu sắc riêng không thể đem ra so sánh cân lường được.
- Thế bạn kể tôi nghe một vài kỷ niệm trong những lần đi chơi mưa lụt với bạn mới đi. Tôi thấy hình như bạn thích mưa lụt lắm, bởi tôi thường nghe bạn hát “Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt. Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa” phải không ?
   - Không phải tôi thích mưa lụt, mà tôi thích dầm mưa, giẫm lụt thì đúng hơn. Hai người yêu nhau thì họ “lạy trời mưa” để “phong kín đường về”, để có lý do mà họ ngồi với nhau lâu hơn để được tận hưởng hương vị mật ngọt lâu hơn. Còn chúng tôi, không phải là tình nhân cặp tay nhau đi dưới mưa hết con đường này đến con đường khác mà không chán chỉ để được nghe tiếng lộp độp trên lưng áo mưa. Bạn biết không, đôi khi xe máy đi ngang qua những vũng nước lớn, làm bắn tung những hạt nước cao quá đầu, thay vì chạy né, thì chúng tôi lại nghiêng lưng hứng, hứng tiếng nước bắn mạnh trên lưng, để được nghe tiếng lộp độp rào rào mạnh hơn, rồi khoái chí cất tiếng cười vang
   - Bạn lãng mạn thật đấy !
   - Không biết như vậy có gọi là lãng mạn không, nhưng ngày ấy thật vô tư, chỉ thấy vậy là vui, không định hình được đó là cảm giác gì.
   - Bạn kể tiếp đi.
   - Tôi kể cho Thau nghe một kỷ niệm nhớ đời của bọn tôi, của lần giẫm lụt năm 1973 năm đó lụt rất lớn, nhưng khi bọn tôi đi thì nước chưa có là bao, lúc đó khoảng 1-2 giờ trưa. Nghe rủ lên nhà ông Lánh ở Xuân Hòa ăn đám giỗ. Thế là hớn hở đi. Bọn tôi gồm tôi, Tuyết Hoa, Minh Nguyệt, Lê Chí, Võ Phê. Muốn lên Xuân Hòa phải đi qua ải cống Cô Đơn ở Bình Thành. Đoạn nước ở đây lớn và chảy mạnh lắm. Nước mênh mông như mặt biển, từ bên kia chảy qua bên này rồi tuôn mạnh xuống cống ào ào như hệt tiếng thác, bởi lẽ đó mà năm nào sau cơn lụt góc nền nhà của cô mụ Oanh cũng sụt lỡ khủng khiếp mặc dù xây rất chắc chắn. Chúng tôi mới đi đến đầu bờ nước mà đã có cảm giác bị hổng chân, cả bọn phải nắm chặt tay nhau mới đứng vững được. Vừa lúc ấy ngay trước mặt chúng tôi, cách khoảng 50m và cũng là vị trí ngay mặt cống, cũng là đoạn “thác đổ” - một anh lính pháo binh đang lội qua, anh lội một cách vững chải, đủ biết sức anh cũng chắc lắm, còn một khoảng ngắn cở 30m nữa là anh đã qua được con nước.

       Nhưng số phận nghiệt ngã thay khi sau lưng anh một chiếc xe GMC to đùng đang đi tới, sức nước từ vòng xoáy của bánh xe đã làm thay đổi số phận anh, giống như một cuộn sóng, ẳm anh lên và vất xuống ngay dòng thác đổ, trôi tuột xuống lòng nước xiết. Cả bọn la thấp thanh khi nhìn thấy dáng một con người bay xuống. Cả bọn cũng đã chứng kiến từ đầu đến chót cảnh anh lính đang “thí võ” với sức mạnh của dòng nước xiết. Nước đẩy anh khoảng 10m, anh quay quắt người lại, bơi lên lại, hai tay anh hươ hươ chới với mà không biết bám víu vào đâu, bởi không có gì ngoài nước. Nước lại đẩy anh xuống, anh lại quay quắt người lên lại, bơi lên lại, hai tay lại hươ hươ trên làn nước dữ, không biết lúc ấy anh có đủ tinh thần, đủ tỉnh táo để niệm chú cầu xin phép mầu. Sao con nước lại vô tình ác độc thế không biết, không cứu mà lại còn đẩy mạnh anh xuống tiếp.

       Và đúng là một người lính kiên cường, anh vẫn tiếp tục bơi ngược dòng nước lần thứ 3. Ba lần “thí võ” vẫn không thắng nỗi sự độc ác của thiên nhiên và cũng chẳng có một vị cứu tinh nào hiện ra đổi số cho anh. Ba ngày sau người ta đã vớt được xác anh ngay bụi tre và biết được anh chính là người sống tại dãy phố đối diện bùng binh Huyện, về thăm vợ và đứa con mới chào đời rồi phải lên lại đơn vị ở Dục Mỹ. Giả sử không có chiếc xe GMC đi sau thì anh đâu nếm cái cảm giác vật lôn với tử thần trong làn nước dữ và biết mình đã để lại đứa con mồ côi đỏ hỏn trên đời trước khi chết.
   - Eo ơi ghê quá – rồi tiếp tục đi hay về.
   - Đi chứ - không biết mê ăn giỗ hay mê lội nước mà chúng tôi vẫn hăm hở đi, không lội được thì đi ghe. Lê Chí xung phong đi tìm ghe để đưa chúng tôi qua bờ. Qua được ải đó rồi là không còn trở ngại, cả bọn lại tung tăng nói cười dưới mưa. Và rồi khi tới đầu đường để đi vô ngõ nhà ông Lánh mới lại thấy một trở ngại nữa. Từ đầu đường nhựa nhìn xuống đầu làng là dòng chảy cuồn cuộn như một thung lũng nước. Chúng tôi không dám mạo hiểm, bạn Phê xung phong làm người dẫn đường. Bọn tôi ngồi trên đường nhựa chờ, che dù ngồi nghe mưa với sự bồn chồn nôn nóng – sao mà lâu dữ vậy trời, đứa nào cũng càm ràm Và cuối cùng bóng bạn cũng xuất hiện, mình mẩy ướt như chuột lột, miệng đánh răng bò cạp, mặt mũi tím ngắt, phất tay ra hiệu cho chúng tôi về, không quên chìa ra bị bánh ít.
   - Tui phải bơi mới vào được, xuýt chút nữa nước cuốn tôi luôn. Trong nhà ngổn ngang thóc lúa.
   - Té ra là vậy, dù sao có bị bánh ít cũng đổi lại sự hậm hực. Mưa càng lúc càng nặng hạt, gió phất tung dù trong tay như muốn rủ chúng tôi bay lên cùng chị Hằng. Lúc này cái lạnh mới bắt đầu thấm vào từng tế bào, mặt tái môi run mà miệng nhai vẫn thấy ngon. Vừa rét, vừa run, vừa đi, vừa ăn, vừa nói rồi cũng đến điểm hẹn. Người vắng, đò không, mặt nước còn lớn hơn lúc đi, mưa vẫn rơi, bầu trời xám xịt, không gian nặng một màu chì, bóng đêm thì lấp ló đâu đây dù chỉ 4 giờ chiều. Nỗi sợ nước không bằng nỗi sợ tắc đường về. Làm sao đây? Đêm nay mà không có mặt ở nhà thì chắc chết. Đứa nào cũng nặng trĩu lo âu, mà người run nhất là bạn Tuyết Hoa, bởi ba mẹ bạn nghiêm lắm. Làm sao để gia đình biết tin cho vơi bớt nỗi lo. Ngày ấy đâu có điện thoại như bây giờ. Sự lo âu sợ sệt làm mấy ông nam cũng chạnh lòng. Vậy mà không biết bằng cách nào Lê Chí cùng về báo tin cho gia đình. Còn ông Phê – không nói – Chúng tôi chỉ kịp nghe “chủm” bạn đã bơi đi rồi. Bọn tôi nín thở, đứng trân mà nhìn giống như nhìn cảnh ông lính giấc trưa, dù nhìn thấy sự khỏe khoắn của bạn, nhưng sao nó cũng thật nhỏ nhoi trước sự mênh mông của nước, sự hồi hộp căng lên từng thớ thịt của mỗi đứa. Và rồi – hú hồn – khi thấy bạn Phê chụp được trụ điện ,đứng dậy, đi lại về phía chúng tôi, lúc ấy bọn tôi mới hoàn hồn.

      Đêm ấy bọn tôi đành ngủ nhờ lại nhà một người quen. Thời ấy chưa có điện, ngọn đèn dầu leo lét không khỏa nổi bóng đen của màn đêm, cộng với âm thanh oàm oạp của ếch nhái mà thấy não lòng. Đã vậy, chủ nhà còn hù dọa ở đây đêm đêm mấy ông V.C thường về lắm, làm cả bọn càng bấn loạn nhịp tim, miệng đứa nào cũng “nam mô quan thế âm bồ tát cứu khổ cứu nạn” râm ran rồi mới đi vào giấc ngủ. Hôm sau về nhà, khỏi nói, đứa nào cũng được “ăn lươn” kèm theo bài giảng moral nhớ đời.
   - Bạn kể nghe thú vị quá – giờ những người bạn ấy ở đâu?
   - Bọn tôi giờ mỗi đứa mỗi nơi, đứa ở quê, người ra Thành phố, kẻ sống nước ngoài. Tổ ấm gia đình là niềm vui. Tạo hóa vẽ mỗi người mỗi nét, cuộc đời tạo mỗi người mỗi cảnh, gặp nhau, chỉ nói vội dăm câu, nhưng thông tin về cuộc sống của mỗi đứa đều nắm bắt được. Bạn nào đau ốm, hoặc nhà ai có tang gia ,hỷ sự bọn tôi đều có mặt để chia sẻ, chung vui. Còn bạn Thau của tôi ơi, tuy tôi và bạn không còn ngồi chung thuyền nhưng tôi vẫn luôn quí trọng bạn, quí trọng các gia trị vốn có của bạn, bởi tôi thường xuyên đánh bóng bạn đấy thôi, nếu không, có lẽ giờ này bạn đã làm bạn với phế liệu hoặc đi vào lò tái chế rồi cũng nên.
   - Cám ơn, những lời đầy tình nghĩa của bạn, giờ hiểu ra tôi không còn trách thầm bạn nữa.
   - Tôi cũng vui vì bạn đã ngộ ra. Thôi nhé mình tạm biệt nhé. Khi nào có dip mình sẽ lại tâm sự.
 
                        Ninh Hòa,  tháng 6  năm 2011

No comments:

Post a Comment