Wednesday, June 27, 2012

SĂN NẠN NHÂN



Charles An Faiys
Có thể hiểu ngay lập tức rằng: cô ta đây rồi. Với kinh nghiệm, anh nhận ra những người như cô ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thậm chí, anh còn tự giễu cợt là có thể viết cả một cuốn sách về "Nghiệp vụ" của mình. Những cuốn sách nhằm dạy người ta một cách thức gì đó thường bán rất chạy. Con người vốn ưa tìm hiểu, ví dụ chơi golf như thế nào là đúng cách, nên nấu ăn thế nào... Còn trong lĩnh vực của mình, anh đã là một chuyên gia thực thụ.
Pha đầu tiên trong kế hoạch lần này của anh có tên:" Lựa chọn nạn nhân". Người đàn bà đang ngồi đối diện với anh trong nhóm người có số phụ nữ đông hơn nam giới kia có vẻ đầy hứa hẹn. Song chưa đủ. Cần phải có một số điều kiện khác nữa để có thể thành nạn nhân. Quần áo. Dứt khoát phải là các bà lịch sự, càng giàu cócàng tốt. Nếu tài sản của họ do thừa kế, từ đời này sang đời khác, sẽ ko hợp với công việc này. Theo tính toán của anh, phải là những phụ nữ muốn gây ấn tượng mạnh, lịch sự một cách lộ liễu, đeo đủ loại trang sức, tóc để theo kiểu độc đáo, lạ mắt. Họ thuộc hạng người vốn từ lâu khao khát tiền bạc và một khi đạt được nó, họ đều muốn tận hưởng cuộc sống! Chính người phụ nữ đang ngồi kia thuộc hạng người nói trên: quần áo, đồ trang sức và tác phong của cô ta đã khẳng định điều đó. 
Tới đây tạm kết thúc giai đoạn một, hay là pha đầu tiên.
Cần một thời gian vừa đủ để tiến tới giai đoạn hai, đó là :"Làm quen".Chiếc tàu thuỷ mà họ đang cùng đi sẽ du hành trong mấy tháng. Điều này tạo cho anh khá nhiều cơ hội. Ko có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có rắc rối trong giai đoạn này. Với một người đàn ông có ngoại hình khá, trông như đang thành đạt, đã qua mùa xuân thứ nhất, điều đó hoàn toàndễ hiểu. Hầu hết các quý bà, quý cô ngồi một mình trên boong hoặc trong quầy bar trên tàu đều ôm hy vọng làm quen với một ngưòi đàn ông nào đó. Anh đã trải qua một vài cách tiếp cận. Vờ đi ngang chỗ cô ta ngồi, vấp nhẹ chân vào ghế, cúi đầu lịch sẹ xin lỗi rồi nhẹ nhàng bỏ đi. Quan trọng là làm sao để cô ta kịp nhận diện mình. Để sáng hôm sau, khi gặp lại, anh có thể chào:"chúc một buổi sáng tốt lành" thì mọi chuyện xem ra rất tự nhiên.
Nhưng cô ta đã đứng lên sớm hơn dự tính của anh. Cô có vẻ nên nóngnhìn đồng hồ. Chắc cô ta muốn lên boong xem phim. Buổi tối đầu tiên trên sàn, các bà, các cô độc thân thường đi xem phim. ANh đành đi theo cô, nhưng ko dám đến gần quá. Giá như cả hai cùng đi thang máy thì đỡ hơn. Bỗng cô ta mất hút. Anh vừa thất vọng, vừa tức tối, chạy trở lại chỗ cũ. Chợt anh trông thấy cô đứng kia, đang bối rối lo lắng.
- Cô muốn tìm gì chăng?- Anh hỏi, giọng lễ phép.
- Vâng tôi ko biết thang máy ở đâu - Cô trả lời và đỏ mặt.
- Buổi tối đầu tiên thường xảy ra những chuyện như vậy - Anh an ủi cô - Thang máy ở khoang bên kia.
- Cảm ơn ông. Tôi... tôi chưa bao giờ đi tàu thuỷ.
- Tôi hy vọng chuyến hải trình đầu tiên này sẽ làm cô hài lòng.
Anh cúi chào và bỏ đi. Hôm nay như thế là vừa đủ. 
Sang giai đoạn ba, yêu cầu đặt ra là anh phải vào vai một người đối thoại thật xuất sắc, hấp dẫn.
Sáng hôm sau, khi hai người đang nói chuyện vu vơ, anh hỏi thăm phải chăngchồng cô vừa mới mất. Anh được biết là cô chưa có chồng. Anh đáp lại là đã goá vợ. Đó là sự thật. Chỉ có điều anh giữ chặt trong lòng là cô ko phải là bà goá. Chớ nên dính đến các bà goá. Họ quá sành sỏi về đàn ông và rất hay nghi ngờ mấy anh chưa vợ. Còn những người đàn ông đã phải chôn cất vợ mình thườgn làm thức dậy trong lòng phụ nữ sự cảm thông. Từ cảm thông xuất hiện cảm xúc. Còn từ cảm xúc là sự thu hút. Và thế là:xong!
Người phụ nữ kể rằng mẹ cô vừa qua đời. Người mẹ đã chăm sóc và giám sát cô cho tới cuối đời mình. Nhưgn giờ đây, khi có được tự do và tiền bạc, cô lại ko biết phải làm gì với chúgn. Vì thế, cô quyết định đi du lịch. ANh kiên nhẫn lắng nghe cô nói. Phần lớn những người phụ nữ mà anh quen biết từ trước tới nay đều ko biết phải làm gì với bản thân và tiền bạccủa họ. Và anh sẵn sàng giúp họ giải quyết một lúc cả hai vấn đề trên.
Cuộc hành trình vẫn tiếp tục. Càng ngày họ càng hay gặp nhau hơn.
Buổi tối cuối cùng, họ đứng bên nhau trên boong tàu. ánh trăng toả xuống vai họ, tay cô nằm trong tay anh.
- Từ lâu tôi luôn cảm thấy cô đơn, trống trải- Anh xúc động thì thầm và nghỉ lấy hơi một cách đầy ý nghĩ - Chuyến đi này với tôi sẽ là một kỉ niệm đặc biệt. Tôi hy vọng cô cũgn cảm thấy thế.
- Vâng, đúng vậy- Cô khe khẽ đáp.
- Sáng mai, tất cả sẽ chấm hết.
Cô ngước nhìn anh, ánh mắt buồn bã.
- Cô cho phép tôi được gặp lại cô chứ?
- Tôi sẽ rất vui - Cô ko giấu giếm tình cảm của mình.
Vài tuần sau đó khi anh ngỏ lời hỏi cô có đồgn ý cùng anh đi hết mùa thu của cuộc đời ko, thì cô gật đầu với sự kiêu hãnh. Họ quyết định tiến hành hôn lễ, càng sớm càng tốt.
Nhưng ngài Grows xuất hiện. Đó là luật sư của gia đình cô, ông ta rất lo lắng trước những dự định của thân chủ mình.
- Tôi được biết là ông và vợ chưa cưới của ông muốn lập di chúc chung nhau tài sản thừa kế. Điều đó cũng bình thường. Nhưng tôi chưa hề biết ông là ai.
- Đúng như vậy thưa ông Grows. Tuy nhiên, ông cso thể tìm hiểu về tôi qua tài khoản của tôi ở nhà băng. Tôi có đầy đủ cơ sở vật chất để đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp cho vợ tương lai của tôi.
Luận cứ rất chắc chắn và ông luật sư ra về.
Đám cưới diễn ra suôn sẻ. Đó là bước đệm cho giai đoạn cuối cùng. Chỉ còn một bước nữa thôi nên anh ko muốn vội vàng. ANh quyết định đóng vai người chồng hạnh phúc thêm một thời gian nữa. Sao lại ko nhỉ? Vợ anh đã tôn thờ anh. Nàng đáp ứng mọi đòi hỏi thất thường của anh, hết sức chiều chuộng anh. Nàng mang bữa điểm tâm vào tận giường cho anh. Và anh đã ở sát giới hạn "nghề nghiệp"của mình, đã muốn phủ nhận ý nghĩa của đời mình. Anh lặn ngụp trong kế hoạch mà anh đã đặt ra. Đến nỗi một sáng kia, anh ko thể phân biệt được mùi vị lạ trong tách cà phê. Năm phút sau đó thì anh đã hoàn toàn mất hết khả năng để phân biệt nó.
Sau đám tang, Grows đến thăm cô ta, hồ hởi vỗ vỗ bàn tay cô ta:
- Em yêu, lần này thì mình thắng rồi.
- Nhưng hắn chỉ có mỗi 50 ngàn đô- côta giận dữ ngắt lời- chẳng bõ công phải cố gắng đến thế.... 
(Diệu Lý dịch)


HẠNH PHÚC BẤT NGỜ



Nguyễn Thị Huế Xưa 


   Bác sĩ Paul Bissett, nhìn chăm chú vào những con số trên bản tường trình về kết qủa thử máu rồi ông lẩm bẩm …làm sao có thể thế này được? Thật sự câu hỏi không phải là một thắc mắc mà để diễn tả một tuyệt vọng khi ông ngập ngừng đi về phía phòng 714 nơi người bệnh nhân đang chờ ông đến thăm.
Người bệnh là một cô gái ba mươi mốt tuổi mắc phải bệnh tiểu đường (diabetes). Ông nhớ ngày đầy tiên khi gặp cô gái trong phòng mạch cách đây hai năm. Trước mặt ông người bệnh nhân nhỏ nhoi như một đứa bé mười tám với mái tóc thề buông thả ngang vai, đôi mắt to tròn đượm một nét buồn xa vắng. Cô gái có một nét đẹp dịu dàng á đông pha lẫn một chút tây phương với sóng mũi thẳng cao. Ông giật mình nhìn cô gái như có một chút gì quen thuộc từ trong qúa khứ, như có một liên hệ ràng buộc tự đời nào. Nhưng cái cảm giác đó không tồn tại lâu khi ông bắt đầu cuộc phỏng vấn về cuộc đời và qúa khứ sức khỏe của cô (H&P---History and Physical) để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh.
Cô gái đến từ Việt Nam lúc chỉ mới được ba tháng, bố mẹ đều là người Việt.
Bà mẹ rất trẻ bốn mươi tám tuổi, bố năm mươi, cô là con một không có anh chị em gì cả. Ông bà hai bên nội ngoại đều đã mất hết. Gia đình không ai bị tiểu đường hoặc một chứng bệnh hiểm nghèo nào khác. Một lịch sử về y tế bình thường của một gia đình rất lành mạnh. 
Hai năm qua cô gái vẫn đi khám bệnh đều đặn, một năm ba bốn lần vì sự phức tạp của căn bệnh tiểu đường. Trong vòng một năm gần đây cô gái bị đưa vào nhà thương điều trị bốn lần vì những biến chứng của căn bệnh đã ảnh huởng tới thận. Ông vẫn thường tự nhủ là trời không có mắt vì chưa bao giờ ông thấy một bệnh nhân nào trẻ tuổi mà kiên nhẫn và làm theo những lời chỉ bảo của bác sĩ tận tường như cô gái này, vậy mà cô không may vẫn bị biến chứng hành.
Bệnh tiểu đường là căn bệnh nan giải được liệt kê vào hàng thứ sáu có thể hại đến tánh mạng nếu không giữ kỹ. Có những người không theo đường hướng chỉ dẫn thì bị những sự phức tạp của chứng bệnh như mắt bị mờ, áp huyết cao, bị dị chứng tim hoặc là ảnh hưởng tới sự lưu thông của máu và làm hư thận. 
Cô bệnh nhân nhỏ bé này rất chừng mực, một ngày tự thử máu bốn lần trên đầu ngón tay (self testing blood glucose). Vì máu đường không được ổn định nên trong năm qua ông đã đề nghị cô nên mang một cái máy phân phát insulin (insulin pump) trong người để mong lượng máu đường được điều hòa hơn. 
Cái máy này giống như một cái computer nhỏ và nhẹ cỡ bằng một cái máy điện thoại cầm tay. Số lượng của insulin được tính (programming) vào máy dựa trên sự sinh hoạt hàng ngày của từng bệnh nhân và mỗi số lượng đó được đưa vào cơ thể qua một cái kim nhỏ gắn vào bụng. Với phương pháp này bệnh nhân hy vọng sẽ điều hòa được mức độ của đường trong máu và tránh được những đảo lộn của cơ thể và tinh thần mỗi lần máu đường lên qúa cao hoặc xuống qúa thấp. 
Làm bác sĩ đối với ai ông cũng nhiệt tâm săn sóc nhưng riêng với cô gái này ông có một sự lo lắng đặc biệt, một cảm tình sâu sắc hơn mọi người mà chính ông cũng không làm sao giải thích được. 
Ông gõ nhẹ vào cửa phòng. Có tiếng trả lời yếu ớt:
- Xin cứ vào
Mái tóc xõa dài trên gối trắng, khuôn mặt đẹp xanh xao và tấm hình hài nhỏ bé núp dưới làn mền mỏng khiến ông thấy xót xa:
- Andrea có khoẻ không?
Cô gái cố gượng nụ cười:
- Thưa ông vẫn vậy thôi. Ông đã có kết qủa của máu chưa?
Ông đi chậm đến gần và ngồi xuống bên cạnh giường, cầm bàn tay gầy guộc của cô gái nói một cách từ tốn:
- Không được tốt Andrea à!
Đây không phải là lần đầu tiên ông nói một tin không hay với Andrea nhưng lần này giọng nói của ông chất chứa sự lo lắng lẫn thêm một chút hoảng sợ trong đó. Andrea nhìn sững ông chờ đợi ….Ông tiếp tục:
- Có thể phải nghĩ tới chuyện thay thận. 
Bàn tay nhỏ bé của Andrea cấu chặt trong lòng bàn tay ông, rồi cô gục đầu vào lòng ông khóc nức nở. Nước mắt của Andrea thấm ướt bờ ngực ông và làm cho ông bứt rứt. Một kỷ niệm nào rất gần trong trí nhớ với những giọt nước mắt tiễn đưa trong qúa khứ. Có một sợi giây liên hệ thiêng liêng nào đó chập chờn trong tâm tưởng nhưng cảm giác đó rồi cũng chóng qua đi như những linh tính nhẹ nhàng thoảng đi trong hai năm vừa qua ông quen biết và chữa trị cho Andrea.
Ông lấy tờ Kleenex chậm nước mắt cho Andrea :
- Tôi biết Andrea khổ lắm cứ khóc đi cho vơi bớt nỗi đau 
Andrea nghẹn ngào:
- Ông ơi, chuyện gì sẽ xảy đến…
Những ngày sắp tới là một thử thách, ông phải lo cho Andrea lên được trong danh sách chờ đợi (waiting list) của những người chờ nhận thận (kidney transplant). Sự chờ đợi có thể kéo dài hơn thời gian Andrea có thể đợi chờ. Điều có thể cứu vãn tình hình nhanh chóng nhất là bàn tính với những người trong gia đình xem có ai chịu chia xẻ bớt một trái thận cho Andrea không. Nếu có sự đồng ý thì tất cả mọi người đều phải đi thử xem coi loại máu của ai sẽ hạp với máu của Andrea (matching blood type between the donor and the recipient). Ngày mai ông cần gặp ba mẹ của Andrea trong văn phòng. Ông đã gặp ba mẹ của Andrea trong những lần Andrea nằm trong nhà thương, hai người rất mộc mạc và bộc lộ với ông sự ưu tư của họ về căn bệnh hiểm nghèo của đứa con gái. 
- Ừ! Mà ba mẹ tên gì đó Andrea. 
Andrea gạt nước mắt:
- Thúy Mai và Văn 
Ông tiếp tục gợi chuyện:
-Thế Andrea tên Việt là gì?
- Tường Vi
Tên của một loài hoa hồng nhỏ nhắn, dễ thương mà đã có lần trong một vùng trời dĩ vãng ông đã từng yêu thích. Ông thở dài... Hơn ba mươi năm rồi, qúa khứ và hiện tại nhập nhòa trong đời sống làm ông có những bất ổn nội tâm. 
*
Ngày đó ông ba mươi tuổi vừa hành nghề bác sĩ được vài năm thì với chí hướng nhiệt thành của tuổi trẻ ông xin vào binh ngũ, tự nguyện đi qua Việt Nam phục vụ lý tưởng của mình. Ông là y sĩ chiến trường và đã từng chứng kiến biết bao sự đổ máu tàn khốc của chiến tranh trên vùng đất nhỏ bé. Ông nhìn thấy sự chịu đựng vô bờ bến của người dân Việt và từ đó ông đâm ra yêu thương mảnh đất thật thà đó. 
Hơn một năm trước khi Sài Gòn thất thủ, ông được lệnh trở về Biên Hòa làm ở bệnh viện Cơ Đốc và nơi đây là khởi đầu của một chuyện tình muôn thưở không quên của ông. 
Cái barrack ông làm việc khá yên lành so với những bận rộn tới tấp của chiến trường trong những năm trước. Ông không những chữa bệnh cho những người lính ngoại quốc mà còn chữa bệnh cho những sĩ quan cũng như những người lính Việt Nam.
Một buổi sáng khi ông vào làm thì trong văn phòng ông xuất hiện một bóng dáng làm ông sửng sốt. Bóng dáng nhỏ nhắn của một cô gái với suối tóc mây dài qúa bờ vai, đôi mắt giống như đôi mắt đã diễn tả của Andrea. Cô gái dịu dàng trong tà áo dài tím và đang sắp đặt những lọ thuốc cho có thứ tự trên chiếc kệ gỗ nhỏ. Cô cho biết nhiệm vụ của cô là giúp ông thu xếp chuyện trong văn phòng và thông dịch cho những người bệnh nhân. Từ đó hai người quen nhau và mối tình bắt đầu chớm nở.
Người con gái ông yêu có cái tên rất lạ Lê Thụy Nam, vừa học xong sư phạm nhưng không thích đi dạy, một người anh của cô bạn gái giới thiệu nàng vào làm trong chỗ này.
Thụy Nam hiền lành, ít nói nhưng nàng có những giấc mộng rất lạ lùng so với lứa tuổi của nàng. Đã bao lần nàng bộc lộ ý muốn là một mai sẽ tìm cách gia nhập Red Cross để có dịp giúp đỡ nhân loại. Nàng và ông cùng một chí hướng. 
Tình cảm của cả hai càng ngày càng sâu đậm, hơn năm sau ông ngỏ ý muốn gặp gia đình nàng thì Thụy Nam thẳng thắn từ chối, nàng bảo “anh biết đó là điều không thể nào xảy ra, xã hội của em phong kiến lắm”. Ông năn nỉ “nhưng anh yêu em và anh yêu nước Việt của em, anh sẽ làm tất cả những gì gia đình em mong muốn để được gần em”. Thụy Nam vẫn khăng khăng từ chối “Cha mẹ em còn phong kiến hơn cả xã hội”.
Ông quen với nàng đã hơn một năm mà chưa bao giờ nàng nói với ông về gia đình của nàng ngoài sự khó khăn của cha mẹ. Ông không biết nơi chốn nàng cư ngụ, mỗi lần ông hỏi tới thì Thụy Nam đều đùa “ anh đến Biên Hòa thấy căn nhà nào trồng nhiều hoa hồng Tường Vi nhất thì đó là nhà của em”. Ông không biết sinh nhật của nàng chỉ biết là nàng lúc đó hai mươi hai tuổi.
Nơi Thụy Nam ông thấy sự bướng bỉnh dễ thương, một cương quyết mãnh liệt với tình yêu không lối thốt. Ông tôn trọng đời sống riêng tư của nàng nhưng đồng thời ông rất đau khổ vì không tính tốn được tương lai trước mặt. Thụy Nam vẫn thường trấn an ông “anh đừng lo, em sẽ tìm cách…” 
Thời gian không đủ cho nàng dự định chuyện của hai người, ngày ông vội vã đến báo tin là ông được lệnh trở về nước gấp thì Thụy Nam chỉ biết khóc ngất trong tay ông. Những giọt nước mắt ấm như những giọt nước mắt thơ ngây của Andrea làm lòng ông nhói đau. 
Đêm cuối cùng hai người chia tay ông đã hối hận vì đã để cho sự cuồng nhiệt làm mờ lý trí. Ông và Thụy Nam đã để lại trong đời nhau một kỷ niệm nhức đau ngàn đời bất tuyệt.
Khi Việt Nam rơi vào tay cộng sản, ông đã tìm tòi trong làn sóng người di tản qua bờ đại dương mong tìm được lại bóng hình người ông yêu thương. Ông đã đăng báo, đã loan tin, đã tìm mọi cách nhưng tất cả chỉ là tuyệt vọng.
Ông thất chí trở về học thêm nghành chuyên môn về khảo cứu nghành nội tuyến (Endocrinology), chuyên trị bệnh tiểu đường. Năm tháng qua đi ông vùi đầu vào sự nghiệp, đã một lần tạo dựng gia đình với một bác sĩ đồng nghiệp nhưng rồi cũng thêm một lần nữa dở dang. Năm nay ông đã hơn sáu mươi mà cuộc đời vẫn đơn độc, vẫn ôm hoài hình ảnh nguời con gái phương đông thuở nào.
*
Tiếng của Andrea đưa ông về hiện tại:
-Mệt mỏi qúa rồi ông ơi!
Ông nhỏ nhẹ an ủi:
-Andrea hãy can đảm, tôi sẽ cầu nguyện cho Andrea.
Những ngày kế tiếp ba mẹ Andrea đi qua những cuộc thử máu và hồi hộp đợi chờ. Hôm nay Thúy Mai và Văn lại có hẹn với ông Bissett để biết về kết qủa thử nghiệm đó. 
Đối diện với ông là hai khuôn mặt đượm vẻ lo lắng, bần thần. Ông buồn bã giải thích:
- Máu của hai ông bà đều không hợp với cháu Andrea….
Thúy Mai nghẹn lời :
- Có nghĩa là chúng tôi đành bó tay?
Giọng ông Bissett ngậm ngùi:
- Thưa bà, thông thường thì những người trong gia đình dễ có cơ hội hòa hợp máu với nhau, trong trường hợp này qúa nan giải, phải chờ đợi… một đợi chờ có thể lâu dài
Thúy Mai và Văn nhìn nhau ứa nước mắt, cả hai đều buột miệng:
- Chỉ còn có giải pháp…
Tiếng thì thào của Thúy Mai kể về một câu chuyện làm ông Bissett chống váng. 
Năm 1975, vài tháng sau khi mất nước, người chị độc thân bà con xa của tôi xin về tá túc trong vùng kinh tế mới với gia đình chúng tôi để che giấu đi nỗi tủi hổ vì đã mang bầu mấy tháng. Trong những ngày tháng khổ sở cùng cực đó chị sống nhẫn nhục trong im lặng.
Khi đứa bé gái của chị ra đời được ba tháng thì gia đình ba mẹ tôi thuê được một chiếc tàu khá lớn đi vượt biên và có rủ chị cùng đi. Chị đã khóc lóc với ba mẹ tôi xin đem đứa bé đi để nó có một tương lai còn chị phải trở về nhà lo cho người cha đang bị bệnh nặng. Ba mẹ tôi thấy hoàn cảnh chị rất tội nên nhận lời với một điều kiện là chị đừng bao giờ tìm cách liên lạc với con và cũng đừng bao giờ nói cho chúng tôi biết gì về người cha của nó. Chị đau khổ đồng ý. Tôi lúc đó mới mười bảy tuổi coi đứa bé gái kháu khỉnh như một đứa em. 
Chúng tôi đến California được năm năm thì cha mẹ tôi bị tử nạn xe hơi trong một chuyến đi chơi xa. Từ đó con bé gái là con của tôi, rồi khi tôi và Văn làm đám cưới, chúng tôi không có con được nên chính thức nhận Andrea làm con. Ông thấy đó, Andrea rất xinh đẹp, nó lai hai giòng máu và có những nét giống mẹ.
Bà chị họ xa của tôi vẫn còn ở Việt Nam, sau khi ba mẹ tôi mất tôi có liên lạc và tiếp tục cho chị biết về đời sống của Andrea. 
Chị là người giữ uy tín, thấy chúng tôi không có con mà lại thương yêu Andrea nên không hề đòi hỏi gì ngoài việc cám ơn chúng tôi đã lo lắng chăm sóc cho Andrea. Chị mãn nguyện vì biết con đã sống ở một nơi chốn an lành. Chúng tôi không muốn làm xáo trộn đời sống tinh thần của Andrea nên cũng không bao giờ hỏi tông tích về cha của Andrea. Bây giờ vì sự sống của con, chúng tôi sẽ yêu cầu chị Thụy Nam nói về qúa khứ của chị.
Paul Bissett lặng người, trước mặt ông quay cuồng tà áo tím, mái tóc dài, đôi mắt buồn của Andrea và một vùng trời hạnh phúc xa xưa nhưng rất gần trong tâm tưởng. 
Ngày mai ông đi thử máu biết đâu ông sẽ chia xẻ được một chút đời còn lại của ông cho đứa con lạc lõng đang sống trong tuyệt vọng.


CHA GIÀ GỬI CON GÁI NHÂN NGÀY FATHER'S DAY

Con gái của Ba,
 
Còn bốn tháng nữa con tròn 56 tuổi. Nhưng trong lòng Ba con vẫn còn trẻ như tuổi 15.
Ba nhớ lại cũng ngày nầy 18 năm về trước, cha con mình đùm túm dắt nhau đi vượt biên rồi sang Mỹ.
Ba nói là "đùm túm" vì hồi đó Ba từ trại tù cải tạo về thì con đã gần 40 tuổi.
Khổ. Nghèo. Nhìn con gái Ba héo úa dung nhan mà Ba khóc ròng.
Tại ba! Tại Ba hết thảy! Làm con gái của một "sĩ quan nguỵ" nên từ trường Đại Học ra con không có việc làm.
Hàng ngày, ngồi ở góc chợ Bàu Hoa vùng Ngã Tư Bảy Hiền-Sài Gòn để bán từng tô bún mắm.
Cứ ba tháng một lần lặn lội ra Bắc thăm Ba.
Năm 1975 Mẹ con mới 50 tuổi. Người vẫn nghĩ rằng Ba chỉ đi "học tập ít ngày". Thành ra, nghe Ba đi Bắc, Mẹ con bị shock. Cộng thêm bệnh cao huyết áp sẵn có Mẹ còn "nhất định nằm một chỗ!".Thế là con gái của Ba vừa lo cho Me, vừa lo cho Ba. Ba ở tù 8 năm thì Mẹ con mất. Phải đến 4 năm gian khổ đời con nữa Ba mới được trở về.
Buổi tối đoàn viên ấy, cha con mừng mừng tủi tủi. Nhìn ảnh Mẹ con vẫn như tươi cười Ba tan nát cả lòng.
Nhưng biết nói làm sao" Vận mệnh cá nhân mình gắn liền với vận mệnh quốc gia dân tộc.
Cả thời tuổi trẻ của Ba hầu như đi khắp 4 vùng chiến thuật. Mẹ con cứ bồi hồi theo dõi đường Ba đi. Không biết mình sẽ thành goá phụ lúc nào. Thời gian ở nhà của Ba rất ít. Con là con đầu lòng. Lại là con gái. Cảm ơn con gái của Ba. Một đứa con gái có lòng hiếu thảo. Trong một lần thăm nuôi tại trại tù, con kể Ba nghe: Từ nhà mình tới chợ Bàu Hoa chừng non 1 cây số. Sáng nào con cũng bày hàng bún mắm ra. Mùi mắm kho thơm lừng. Có cả tôm thẻ lột, thịt quay, cà tím. Có cả những rau nhúc, cây bông súng, rau đắng, húng cây, giá sống và bắp cải bào. Khách hàng đông lắm!
Con còn cười vui nói với Ba:
Khi nào Ba về con sẽ mở một tiệm bún mắm và rau VÂN KHANH cho Ba ngồi thu tiền.
Ba nghe với lòng se sắt.
Con gái của Ba,
Trớ trêu thay, lúc Ba về con đã là con gái lỡ thì. Ba buồn lắm. Nhờ ơn Thượng Đế mình vượt biên một lần trót lọt. Ba đặt chân đến đất Mỹ vào cái tuổi người ta sắp nghỉ ngơi. Chính vì vậy mà con lại khổ vì Ba. Con không muốn Ba đi làm ca đêm giữa trời rét buốt. Con nói cái lạnh miền Bắc Việt Nam đã cứa nát thịt da Ba cả chục năm trời cũng đủ lắm rồi. Ba hãy để con lo. Nhưng Ba đâu đành lòng như thế.
Buổi sáng con ra khỏi nhà là Ba cũng đi. Tiệm giặt ủi gần nhà mình quá mà. Ba nhận phần việc ủi và xếp quần áo. Đi tới đi lui xem máy giặt nào ngưng. Máy sấy nào đồ đã khô. Chỉ vậy thôi. Một ngày, tính ra Ba đi cũng gần 5 cây số. Tội ngiệp con gái của Ba. Lúc người ta báo tin Ba bị xỉu thì con khóc ròng. Ba về nhà ở không cho con nuôi tiếp. Thật người xưa nói đúng! "Trẻ cậy cha, già cậy con" mà.
Vân Khanh con,
Cho đến một buổi chiều, con đưa về nhà một trung niên trẻ. Trung niên mà Ba cho là "trẻ". Vì Ba thấy diện mạo anh ta cũng dễ nhìn. Ba mừng vì con của Ba rồi cũng có một bến đợi để neo thuyền. Ba cầu mong cho con hạnh phúc.
Chồng của con cũng là chiến hữu của Ba. Gia cảnh cũng không may mắn giống như Ba. Vợ anh đã chết trong lần đi thăm chồng. Cả chiếc xe lăn xuống vực. Từ đó anh dở dở ương ương. Qua Mỹ rồi anh vẫn sống như người mộng du. Cho tới ngày gặp con. Tình yêu thật là kỳ diệu! Chẳng những khiến cho con gái của Ba trẻ lại mà anh chàng "dở hơi" kia cũng chừng như mới cải lão hoàn đồng. Cứ 4 giờ khuya , anh thức dậy đi bỏ báo. Tới 9 giờ sáng về. Nghỉ ngơi rồi 5 giờ chiều đi vào hãng. 1 giờ đêm mới trở về nhà. Ba cảm ơn Thượng Đế lần nữa vì con có người chồng hiền lành và độ lượng. Chứ vào tuổi của Ba không bị đưa vào nhà dưỡng lão là hiếm lắm. Con nhớ gia đình Bác Th. không" Hai bác cưới vợ cho anh Cảnh từ lúc còn ở Việt Nam. Vậy mà qua Mỹ rồi Bác Thanh bị cô dâu xem như gánh nặng. Nhất định đòi anh Cảnh phải đưa Mẹ vào Nursing home cho đến chết.
Vân Khanh con,
Cả một thời trẻ tuổi của con đã dành để sống cho cha mẹ. Bây giờ con hãy sống cho con đi. Ba rất cảm động mỗi lần khách đến thăm nhà con hay nói: vợ chồng con có phước lắm nên suýt soát tuổi 60 mà vẫn còn có cha để phụng dưỡng. Phải ! Hồi đó ba khó nghĩ mỗi lần nghe người ta cho rằng sự sống con người tính theo công thức: 5 năm, 6 tháng, 7 ngày. Nghĩa là ở tuổi đời 5 bo', tuổi thọ tính theo năm. Đến 6 bó thì tính theo tháng , mà 7 bó thì tính theo ngày. Ba đã 80, chắc phải tính theo giờ quá!
Cảm ơn vợ chồng con đã chăm sóc Ba mỗi ngày.
Con nói: Ba ơi ! Với chúng con ngày nào cũng là Father's Day cả.
Ba thật có lỗi với con. Hồi đó Ba vẫn buồn thầm trong lòng khi mẹ con sinh con là con gái. Ông Nội con sợ Ba chết trận thì không có con trai nối dõi tông đường. Còn nếu Ba già mà yếu đau thì con là gái không thể chăm cho Ba được.
Ca dao có câu:
Trai mà chi" Gái mà chi"
Con nào có nghĩa có nghì thì hơn.
Nói đến đây Ba chợt nhớ loáng thoáng câu chuyện "Tấm đắp mông ngựa" mà Ba đã đọc từ rất lâu:
Chuyện kể :
Một người cha đã đem cả gia tài còn lại của mình cưới cho con cô vợ giàu, trẻ đẹp. Một thời gian đầu sống vui. Rồi những đứa cháu nội lần lượt ra đời. Người cha mỗi ngày một già yếu. Người con trai rất yêu và nể vợ. Dần dần quên đi trong nhà còn có người cha. Mùa Đông lạnh lẽo mà sức già chịu không thấu những ngày giá tuyết phũ phàng.Trong khi những con ngựa nuôi trong chuồng thì được giữ ấm bằng những tấm đắp mông. Đến chừng không thể chịu đựng được nữa người cha bèn gọi con trai để nói rằng:
- Con ơi , hãy cho cha một tấm đắp mông ngựa đễ cha dễ ngủ vì mùa Đông nầy lạnh quá!
Con dâu nghe được bèn nói với chồng:
- Anh hãy lấy tấm đắp cũ ngoài sân kia mà cắt cho cha một nửa.
Người con trai làm theo lời vợ. Trong lúc cố dùng sức cắt đôi tấm đắp ra thì đứa con nhỏ đến gần, hỏi:
-Cha ơi, sao không cho ông Nội cả tấm đi" Cha cắt ra làm chi "
Người cha trả lời:
- Để dành con à.
Hôm sau, người con trai thấy đứa con mình cũng đem tấm đắp mông ngựa khác cắt ra làm đôi. Người con trai giận dữ hỏi:
- Con làm cái gì vậy" Tại sao con cắt nó ra"
Đứa con nhỏ đáp:
- Nửa tấm nầy con cho ông Nội. Còn nửa nầy để dành khi nào cha già con sẽ cho cha.
Người cha giật mình hối hận. Từ đó, hết lòng chăm sóc cha mình cho đến cuối cuộc đời.
Vân Khanh,
Ba ước ao những người cha khác cũng có con hiếu thảo như con gái của Ba.
Ba rất tự hào về con. Trong lúc có biết bao gia đình, cha mẹ ngậm đắng nuốt cay vì những đứa con Việt Nam sống theo kiểu Mỹ. Rất tự do! Thậm chí đã khước từ hai chữ HIẾU KÍNH cha mẹ, làm cho các bậc sinh thành hàng ngày sống "nước mắt chan cơm" thì Ba đã được vợ chồng con hết lòng chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ.
Người xưa nói: "Hiếu thuận huờn sinh hiếu thuận tử. Ngỗ nghịch huờn sinh ngỗ nghịch nhi".
Ba ước nề nếp gia đình mình là như vậy.
Ba của con,
 
HOÀNG YẾN

GIỌT NƯỚC MẮT BỊ BỎ QUÊN

PHM HNG ÂN

Vài năm trước, tôi có nhận được cú điện thoại thống thiết của thằng cháu ruột, từ Việt Nam.
- Chú ơi! Hồ sơ của Ba cháu, chú đã mang theo qua Mỹ gần 15 năm rồi. Chú có nộp vào các chương trình nhân đạo của Mỹ chưa chú? Tụi con bây giờ nghèo khổ lắm! Tụi con muốn qua Mỹ làm ăn để phụ giúp gia đình. Ở đây bây giờ khó kiếm việc làm. Muốn vào hãng xưởng, mình phải có thân thế, hoặc có tiền hối lộ ...chú ơi!
Tôi lặng lẽ giây lát, rồi bùi ngùi nói với cháu:
- Hoàn cảnh gia đình cháu không nằm trong diện nào của chương trình nhân đạo Mỹ. Chú đã tìm mọi cách để giúp đỡ các cháu, nhưng cuối cùng đành bó tayHơn nữa, bây giờ kinh tế Mỹ đang bị suy thoái một cách trầm trọng. Tìm kế sinh nhai ở bên này cũng rất khó cháu ạ!
Cú điện thoại chấm dứt, nhưng tôi vẫn còn cầm ống nghe, thẫn thờ như kẻ mất hồn. 17 năm qua, hồ sơ của anh tôi vẫn nằm yên trong ngăn tủ. Một hồ sơ của tên lính, một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa...đã gục ngã ở nơi nào đó trên đường rút quân kinh hoàng vào tháng 3 năm 1975. Tôi đau khổ kéo ngăn tủ. Đây rồi. Tấm ảnh mặc quân phục oai nghi của anh tôi, vừa rơi ra, từ mảnh bằng tốt nghiệp khóa Chiến Tranh Chính Trị. Và kia là bản Tướng Mạo Quân Vụ. Tất cả, với thời gian trôi qua, chất chồng... màu giấy đã xao xác ố vàng. Đại Úy Phạm Hữu Nghĩa, sư đoàn II bộ binh, Bộ Tư Lệnh đóng tại Quảng Ngãi. Với tôi, anh Nghĩa vẫn còn là một quân nhân tại ngũ. Bởi anh chưa trút bỏ quân phục, chưa đào thoát, chưa cam chịu ngục tù, chưa cao bay xa chạy ra nước ngoài. Anh đã hiên ngang nằm xuống cho quê hương, nằm với linh cảm cuối cùng: hy sinh vì đất nước...
Dòng chữ cứng cáp và rõ nét của anh vẫn mồn một trên tờ "sơ mi" màu xanh: ngày 10 tháng 2 năm 1975 thuyên chuyển về Quảng Ngãi, em và các con thân yêu:Vũ, Thụy, Uyển và Ngạn ở lại an bình. Lời viết như một trăn trối cuối cùng. Như một định mệnh trớ trêu, tạo hóa an bài.
Ngày anh về Quảng Ngãi, chị Liên ( vợ anh) vừa sanh cháu Thục Ngạn được 6 tháng. Cháu lớn nhất là Thạch Vũ, chỉ mới 5 tuổi đầu. Bốn đứa con còn quá nhỏ.Chị Liên không đủ sức đùm bọc. May có bà mẹ ở chung, dù Bà đã gần 70, nhưng mỗi sáng vẫn đội thúng bánh chưng trên đầu, khom lưng đi khắp chợ Phú Nhuận để bán dạo.
Tôi vẫn còn nhớ con hẻm chật chội dẫn vào nhà chị Liên trên đường Nguyễn Huỳnh Đức. Con hẻm đã chật chội, nhà chị Liên lại càng chật chội hơn, Căn nhà quá nhỏ bé, chỉ đủ kê được một chiếc giường con, và khoảng trống nhỏ vừa vặn chiếc ghế bố nhà binh cho bà cụ. Anh Nghĩa , chị Liên và cháu út thì được ngủ trên giường. Còn 3 đứa lớn thì nằm lăn xuống nền xi măng, ôm nhau dỗ giấc. Căn nhà may mắn có thêm 1 gác xép tí tẹo. Tất cả mọi vật dụng dồn hết lên đó, kể cả những quyển sách thơ văn của tôi mà anh cố tình giữ lại.
Anh về sư đoàn II vỏn vẹn vài tuần, chưa kịp gửi thư về thăm vợ con, thì chiến tranh bất thần bùng nổ. Sư đoàn đang chuẩn bị chiến đấu, trớ trêu thay, có lệnh rút quân. Quân rút, dân chạy theoCuộc hỗn loạn xảy ra. Cộng quân lợi dụng tình thế bất ổn, trút vào đám đông di tản những tràng pháo kích dã man cùng cực.
Sư đoàn II về được Sài Gòn, sau những ngày rút quân kinh hoàng. Sư đoàn tạm trú trong các trường học trên đại lộ Trần Quốc Toản. Chị Liên bồng bé Thục Ngạn, dắttheo ba đứa con nheo nhóc tìm chồng. Chị hỏi cấp chỉ huy. Chị xuống nước năn nỉ từng người lính vừa từ địa ngục trở về. Ở đâu, người nào cũng chỉ trả lời một cách vắn tắt, mập mờ. Cũng không trách họ được. Họ đang mệt mỏi. Họ mới thoát khỏi cái chết trong đường tơ kẻ tóc. Hơn nữa, họ đang quấn quít, mừng vui xum họp gia đình. Bỏ quên một người đàn bà dẫn bốn đứa con tìm cha, trong lúc này, là điều tất nhiên.
Sư đoàn II tạm trú ở Sài Gòn bao nhiêu ngày thì chị Liên dẫn con đi tìm cha bấy nhiêu ngày. Sáng sớm, chị túm vội ít bánh chưng vào bọc nylon. Rồi, một tay bồng, một tay dắt bầy con leo lên xe buýt, xuống tận cổng tạm trú của sư đoàn II, chờ các xe nhà binh chở lính từ miền trung trở về. Ngày nào chị cũng đứng đợi cho đến khi đèn đường thắp sáng, cho đến khi các đứa con khóc thét dữ dội, chị mới chịu tất tả về nhà.
30 tháng 4 năm 1975. Quân đội Sài Gòn bị bức tử. Tất cả đơn vị tan hàng. Một số ruổi dong ra nước ngoài. Một số tuẫn tiết. Một số rút về rừng sâu, nuôi mộng phục quốc. Số còn lại bị cộng quân lùa vào trại tù, phân tán khắp nơi từ Nam ra Bắc. Tháng 5, trước khi vào trại tập trung, tôi đến thăm các cháu và từ giã chị Liên. Chị Liên ốm hẳn. Xương cổ lồi ra. Hai nhánh tay khẳng khiu như hai que củi. Các cháu đứa khóc, đứa la, đứa xà vào lòng mẹ nũng nịu đòi ăn. Bà Má vừa đội thúng bánh chưng ra khỏi cửa.. Nhìn Bà còng lưng, chậm chạp lê từng bước chân trên con hẻm ngoằn ngoèo, lòng tôi chợt quặn lên một niềm đau khó tả. Giờ này, chị Liên vẫn trông chồng từng phút từng giây. Chị bùi ngùi với hàng nước mắt lã chã trên má:
- Anh tư của em vẫn sống. Nhất định anh tư phải sống. Người ta không dễ gì giết anh ấy được đâu. Chị tin chắc như vậy. Em cũng tin như vậy, phải không?
Ở trại tù vài năm, một hôm, vợ tôi báo cho biết một tin buồn : Mẹ chị Liên giã từ cõi thế. Đêm đó, tôi không tài nào ngủ được. Tôi lo cho số phận chị Liên và các cháu. Làm thế nào các cháu tôi sống an bình, trong một xã hội mất đi nhân tính. Nghề thủ công thêu thùa của chị Liên, liệu có thể nuôi nổi một bầy con còn quá thơ dại? Mất Ngoại. Mất đi một cánh tay mưu sinh đắc lực cho gia đình, các cháu tôi như một bầy gà xao xác, và chị Liên sẽ thui thủi một mình với phần số cô độc.
Vì thế, sau 7 năm tù, khi cộng quân vừa thả ra, tôi vội vã đến thăm chị. Cháu Vũ chỉ 12 tuổi, tiếp tục nối nghề Ngoại : bán bánh chưng nuôi bầy em. Những đứa còn lại, có đứa ở đợ cho hàng xóm kiếm cơm , có đứa đặt vài lọ kẹo bánh ở hiên để bán cho trẻ em qua lại. Chị Liên dẹp nghề thêu, vì dân Sài Gòn bận kiếm ăn, không còn thì giờ để khoe khoang quần là áo lụa nữa.
Chị Liên bây giờ có dạng tâm thần. Tóc tai xổ tung. Áo quần xốc xếch. Gặp tôi, chị hét lên, rồi bù lu bù loa than khóc một hơi. Than khóc xong, chị bỗng dậm chân xuống nền xi măng túi bụi, rồi chỉ thẳng vào mặt tôi, hét lớn:
- Anh tư ở chung tù với em phải không? Hai anh em sống với nhau mấy năm trời mà không cho chị hay biết. Bây giờ, em giấu anh tư ở đâu, nói mau?
Chị nắm áo tôi lôi mạnh. Chị lôi tôi khắp nhà. Vừa lôi, vừa tru tréo thảm thiết. Các cháu chạy vội lại can ngăn, chị mới buông tha, rồi ngồi phịch xuống nền nhà. Chị cúi gầm mặt xuống, lầm thầm:
- Xin lỗi. Chị mệt quá! Chị buồn quá, em ơi!
Cháu Uyển rót cho tôi một ly nước, nức nở kể chuyện về người Mẹ cho tôi nghe:
- Mẹ cháu lúc tỉnh lúc điên chú ạ! Ban đêm, Mẹ trốn nhà, lang thang ngoài đường phố nửa khuya. Có khi, tụi con hay được, bủa nhau đi tìm Mẹ. Mẹ thường ra đống rác ở ngoài chợ ngồi khóc than rên rỉ. Hoặc xuống chân cầu Kiệu la lối, múa taymúa chân trong bóng tối.
Cháu Thụy tiếp lời:
- Tụi con phải cột Mẹ vào chân giường. Đi không được, Mẹ la hét suốt đêm, không ai ngủ được. Hàng xóm than phiền lắm chú ơi!
Vài năm sau, trong lúc tôi đang cầy thuê cấy mướn ở quê vợ, thì nhận một tin buồn từ cháu Vũ gửi tới. Chị Liên bị stroke, liệt nửa người, không còn nói năng như trước nữa. Tất cả gánh nặng gia đình đều dồn lên vai bốn mái đầu xanh. Các cháu vừa bươn chải kiếm sống, vừa khổ sở nuôi thêm một bà mẹ bệnh tật.
Trước khi qua Mỹ, theo diện HO, tôi có ghé thăm các cháu lần cuối. Đêm đó, tôi nằm lăn xuống nền xi măng ngủ với các cháu. Tôi ôm hôn từng đứa, vỗ về chúng kể lể về chính mình. Chẳng có đứa nào than thân trách phận cả. Chúng chỉ nói về Mẹ, dồn tất cả tình thương về Mẹ, và cầu mong Trời Phật giúp Mẹ chúng mau mau lành bệnh. Đêm đó, dưới ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn nhỏ trên bàn thờ Mẹ chị, tôi thấy chị Liên bức tóc xổ tung, la hét khóc than suốt đêm. Tiếng nức nở của chị trong đêm thanh vắng nghe rờn rợn, nghe thê lương ai oán biết chừng nào. Và trước khi leo lên máy bay, tôi gom tất cả giấy tờ còn lại của anh Nghĩa, với mục đích duy nhất là tìm mọi cách để đưa gia đình các cháu qua Mỹ, theo một diện nhân đạo nào đó của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ.
35 năm trôi qua, hồ sơ của anh tôi vẫn còn nằm lạnh lùng trong ngăn tủ. Các diện nhân đạo của chính phủ Mỹ không có diện nào dành cho thân nhân tử sĩ, những thân nhân đang chịu oan khiên và đau khổ cùng cực dưới chế độ cộng quân. Hoàn cảnh các cháu tôi nằm ngoài lề lòng nhân đạo của mọi người, mặc dù thế giới ngày nay, nhân loại đang cổ súy cho TÌNH YÊU THƯƠNG.
Các cơ quan thiện nguyện, các hội đoàn từ thiện, công lý, lương tâm, nhân quyền...mọc lên như nấm trên khắp thế giới. Người ta hảo tâm cho trẻ tật nguyền, trẻ mồ côi, trẻ phạm pháp, thương phế binh, đồng ngũ, đồng hương...còn kẹt lại Việt Nam. Người ta làm phúc cho chùa chiền, nhà thờ, nạn nhân thiên tai...Thậm chí họ còn giúp tiền cho những tay cộng sản gộc , hiện nay vì bất mãn quyền lợi nào đó, nên trở thành đối lập với nhà cầm quyền Hà Nội. Không có ai để ý hoặc ghé mắt đến TỬ SĨ, đến thân nhân cũa họ đang lâm nạn trên chính quê hương mình. Và cứ thế, đã 35 năm trôi qua, những giọt nước mắt như vậy...mãi bị bỏ quên..


PHẠM HỒNG ÂN
nguồn: nhận từ anh Lê Tấn Lộc

MỘT CUỘC ĐỔI ĐỜI


O. Henry

Một người cai tù đi đến xưởng đóng giầy của nhà tù, nơi Jimmy Valentine đang chăm chỉ may các phần trên thân các đôi giày, và kêu anh đi theo mình đến văn phòng. Người quản đốc trại giam nơi đây trao cho Jimmy lệnh ân xá Thống đốc Bang vừa ký ban sáng. Jimmy nhận lấy tờ giấy với dáng vẻ mệt mỏi. Anh đã bị giam gần mười tháng cho một bản án bốn năm tù. Anh nghĩ mình sẽ chỉ bị tù nhiều nhất là ba tháng. Với một người có nhiều bạn bè bên ngoài như trường hợp của Valentine, khi vào nhà đá là không cần bận tâm đến chuyện cắt tóc.
 
Người quản đốc trại giam nói:
-Này Valentine, anh được trả tự do sáng mai. Tu tỉnh lại đi để thành người tốt. Anh vẫn có một tâm hồn. Đừng đi phá két sắt nữa, sống cho đàng hoàng đi.
Valentine đáp trong vẻ ngạc nhiên:
-Tôi ấy à? Cả đời tôi chưa từng phá một két sắt nào cả!
Người quản đốc cười to:
-À không! Dĩ nhiên rồi. Xem nào. Làm thế nào mà anh lại bị kết án sau vụ làm ăn ở Springfield hở? Anh không thể chứng minh mình vô tội vì sợ liên lụy đến ai đấy trong giới giang hồ phải không? Hoặc là chỉ vì bồi thẩm đoàn có thù hằn gì với anh? Với những nạn nhân vô tội như anh thì thế nào cũng có cớ này cớ nọ.
-Tôi ấy à? Thưa ngài, cả đời tôi chưa bao giờ đặt chân đến Springfield!
Quản đốc trại giam mỉm cười, bảo thuộc hạ:
-Cronin, dẫn anh này trở vào, chuẩn bị quần áo để trả tự do. Bảy giờ sáng mai cho anh này về. Valentine, anh nên nghe lời khuyên của tôi.
 
7 giờ 15 sáng hôm sau, Jimmy đã chuẩn bị xong tại văn phòng quản đốc trại giam. Anh mặc một bộ quần áo loại may sẵn trông khá ngổ ngáo, mang một đôi giày cứng nhắc kêu cót két, tất cả đều do nhà nước cấp phát khi tiễn đưa những khách trọ bất đắc dĩ. Người thư ký trao cho anh một giấy xe lửa và một tờ năm đô la, xem như đây là cách luật pháp muốn giúp anh trở lại thành công dân lương thiện và khá giả. Quản đốc trại giam đưa cho anh một điếu xì gà, rồi bắt tay anh. Valentine, số tù 9762, được ghi vào sổ “Được Thống đốc tha bổng”, và ông James Valentine bước vào ánh nắng bên ngoài.
 
Không màng gì đến tiếng chim ríu rít, cây lá xanh đong đưa và hương hoa trong gió, Jimmy đi ngay đến một quán ăn. Anh ta tận hưởng hương vị đầu tiên của tự do bằng món gà hấp kèm một chai rượu vang trắng, tiếp theo là một điếu xì gà thơm ngon hơn là thứ quản đốc trại giam cho anh. Rồi anh đi bộ nhàn nhã đến nhà ga. Anh ném một đồng 25 cent vào chiếc mũ của một người mù ngồi gần cửa ra vào, và bước lên tàu. Sau ba giờ đồng hồ, anh xuống tàu tại một thị trấn nhỏ gần biên giới của bang. Anh đi đến quán ăn của Mike Dolan và bắt tay anh này đang đứng đơn độc sau quầy rượu. Mike nói:
-Jimmy à, mình tiếc không thể giúp cậu ra khỏi tù sớm hơn. Bọn mình phải đối phó với sự phản đối từ Springfield, và Thống đốc Bang gần như gây cản trở. Mạnh khỏe chứ?
-Khỏe, còn giữ chìa khóa của tôi không?
 
Jimmy nhận lấy chìa khóa, đi lên lầu, mở cửa căn phòng cuối hành lang. Mọi thứ vẫn còn y nguyên như khi anh đi. Trên sàn nhà vẫn còn chiếc cúc cổ áo của thanh tra Ben Price, sút ra khi vật lộn để bắt giữ anh. Jimmy kéo chiếc giường gấp ra khỏi bức tường, đẩy một tấm chắn trên tường thụt vào phía trong, rồi rút ra một chiếc túi xách phủ đầy bụi. Anh mở nó ra, ngắm nhìn trìu mến bộ đồ lề tinh xảo nhất trong toàn vùng miền Đông dành cho đạo chích. Đấy là một bộ đồ lề đầy đủ, chế bằng thứ thép tinh luyện đặc biệt, gồm các mũi dùi, đục, kẹp, kềm, cùng các món linh tinh khác mà Jimmy tự ra mẫu lấy theo kiểu mới nhất. Anh lấy đó mà hãnh diên. Anh đã tốn bảy trăm đô la để đặt làm bộ đồ lề tại…một cơ xưởng chuyên chế tạo những món như thế.
 
Trong vòng nửa giờ, Jimmy đi xuống. Bây giờ anh đã mặc một bộ vét đúng mốt và vừa vặn, mang trong tay chiếc túi xách đã lau chùi sạch bụi. Mike Dolan hỏi anh thân mật:
-Có chuyện làm ăn hở?
Jimmy đáp một cách ngạc nhiên:
-Tôi ấy à? Tôi không hiểu cậu nói gì. Tôi đang là đại diện thương mại cho hãng bánh kẹo York Almagated và công ty Bánh mỳ Frazzled1.
Câu nói khiến Mike thích thú đến nỗi Jimmy phải nhận uống ngay tại quầy một ly sữa pha nước khoáng. Anh không hề động đến các thức uống làm say xỉn.
 
Một tuần sau khi Valentine, số hiệu 9762, được trả tự do, có một vụ mở két sắt thật gọn gang ở Richmond, bang Indiana, mà không có chứng tích tác giả là ai. Chỉ có tám trăm đô bị phỗng mất. Hai tuần sau, một két sắt tại Logansport, loại hiện đại có bằng sáng chế, bị phá tung như là đồ chơi với một nghìn năm trăm đô không cánh mà bay, riêng mấy mẩu giấy chứng khoán và các món bằng bạc thì còn nguyên. Kế đến là một tủ sắt nhà băng kiểu cổ điển ở thành phố Jefferson bị kích hoạt, tuôn ra năm nghìn đô la tiền mặt. Đến lúc này thì tổng thiệt hại đã lên đến mức lớn lao để nhờ đến công sức của thanh tra Ben Price. So sánh các vụ làm ăn này với nhau có thể thấy ngay những điểm tương tự. Ben Price đến xem xét các hiện trường, và người ta nghe ông lẩm bẩm:
-Đúng là dấu ấn của cái anh ưu tú Jim Valentine rồi. Hắn đã quen đường cũ. Xem cái ổ khóa này – hắn rút ra như người ta nhổ củ cải sau cơn mưa. Chỉ hắn mới có đồ lề để làm ăn như thế. Và nhìn cái ổ khóa này. Jimmy bao giờ cũng chỉ khoan một lỗ duy nhất. Đúng rồi, mình sẽ tìm bắt hắn. Lần sau thì đừng hòng có việc khoan hồng ngu xuẩn.
 
Ben Price biết rõ thói quen của Jimmy. Ông đã nắm mọi mánh lới này từ vụ Springfield. Đi làm ăn thật xa, tẩu tán như chớp, không có đồng bọn, có gu sành điệu của giới thượng lưu – mấy mánh lới này giúp anh Jimmy nhà ta dễ trốn lánh. Thế là Ben Price bắt đầu lần dò theo dấu chân Jimmy, và thiên hạ có két sắt cảm thấy an tâm hơn.
 
***
 
Một buổi chiều, Jimmy và chiếc túi xách lần đến Elmore, một thị trấn ở bang Arkansas, nằm cách đường tàu không đến mười cây số. Jimmy, với dáng vẻ như là một sinh đại học khỏe mạnh vừa từ đại học về thăm nhà, đi dọc theo một hè phố rộng trên đường đến khách sạn của thị trấn.
 
Một cô gái trẻ băng ngang đường, đi qua gần anh, bước vào một cánh cửa với tấm biển ghi “Ngân hàng Elmore”. Jimmy nhìn vào mắt cô gái, quên bẵng mình là ai và trở thành một con người khác. Cô gái cúi mặt, má hơi ửng hồng. Thanh niên với thời trang và ngoại hình như Jimmy thì hiếm ở Elmore.
 
Jimmy làm quen với một cậu bé lảng vảng ngoài cửa nhà băng y như một cổ đông của ngân hang, lân la hỏi chuyện về cái thị trấn nhỏ, thỉnh thoảng lại bón cho thằng nhóc một đồng tiền mười xu. Mãi đến lúc cô gái kia bước ra, với dáng vẻ vương giả không thèm để ý gì đến chàng trai lạ mặt với chiếc túi xách, và đi thẳng.
Jimmy hỏi cậu bé một cách khéo léo đặc biệt:
-Có phải đấy là cô Polly Simpson không?
-Hổng phải. Đó là cô Annabel Adams. Ông già cổ làm chủ nhà băng. Ông đến Elmore làm chi vậy? Cái dây đồng hồ của ông bằng vàng phải hông? Cháu định mua một con chó. Ông có thêm đồng tiền nào nữa hông?
Jimmy đi đến khách sạn Planters, ghi vào sổ tên mình là Ralph D. Spencer để nhận phòng. Anh đứng tựa vào quầy lễ tân để khai báo phương án của mình. Anh bảo anh đến Elmore để tìm một vị trí cho cơ sở làm ăn. Nghề đóng giày thì thế nào? Tôi đang nghĩ đến việc mở một hiệu giày. Ở đây đã có ai mở chưa?
 
Anh lễ tân bị thu hút bởi thời trang và phong thái của Jimmy. Chính anh ta cũng chú ý đến thời trang theo kiểu hàng mã cuả bọn trẻ ở Elmore, và giờ anh cảm thấy mình còn thua xa ông khách. Anh sốt sắng cung cấp thông tin. Vâng, nếu mở một hiệu giày thì sẽ khá lắm. Không có hiệu nào chuyên bán giày ở đây, mà chỉ có các cửa hàng tạp nhạp bán thêm giày. Mọi công việc làm ăn ở đây đều khấm khá. Hy vọng ông Spencer sẽ định cư ở Elmore. Ông sẽ thấy đời sống ở thị trấn này dễ chịu lắm, và dân địa phương sống rất hòa đồng.
 
Ông Spencer nghĩ ông ta sẽ lưu lại đây ít ngày để xem qua tình hình địa phương. Không, không cần lễ tân mang hành lý cho ông. Ông muốn tự mang chiếc túi xách lên phòng vì nó khá nặng.
 
Ông Ralph D. Spencer, giờ như cá chép hóa long, hóa thân do tiếng sét ái tình bất ngờ, lưu lại Elmore, và phát tài. Ông mở một hiệu giày, được đảm bảo một vị trí ăn nên làm ra. Ông cũng thành công về mặt giao tiếp xã hội, có thêm nhiều bạn bè. Và con tim ông đã được toại nguyên. Ông đã làm quen với cô Annabel Adams, càng ngày càng bị cô hớp hồn. Đến cuối năm thì tình hình của ông Spencer là như thế này: ông được dân trong thị trấn trọng vọng, hiệu giày của ông phất lên thấy rõ, thêm nữa là ông và cô Annabel sẽ làm lễ đính hôn trong vòng hai tuần kế tiếp. Cha cô, dân nhà băng phố lẻ chính tông và cần cù, đã chấp thuận cuộc hôn nhân. Về phần Annabel, cô cảm thấy vừa hãnh diện về ông Spencer vừa trìu mến ông hết mực. Ông cảm thấy thoải mái trong gia đình của Annabel và gia đình bà chị của cô như thể ông đã là một thành viên thực thụ trong các gia đình này.
 
Một ngày kia Jimmy ngồi trong phòng khách sạn của mình để viết một bức thư gửi đến địa chỉ an toàn của một anh bạn cố tri ở St Louis như sau:
Anh bạn thâm giao, mình muốn cậu đến quán Sullivan ở Little Rock, tối thứ tư tới, lúc chin giờ. Mình muốn cậu lo ít việc cho mình. Và mình cũng muốn biếu cậu bộ đồ lề của mình. Mình biết cậu sẽ vui sướng lắm khi nhận bộ đồ lề này – dù cậu có chi cả nghìn đô cũng không thể cấp được một bộ như thế. Billy à, mình đã bỏ nghề cũ, từ một năm nay rồi. Mình có một cửa hiệu ăn nên làm ra. Mình đang sống đời lương thiện, trong hai tuần nữa mình sẽ cưới người con gái tuyệt vời nhất thế gian. Mình sẽ chỉ có một cách sống Billy à – sống chân chất. Mình sẽ không chôm chỉa của ai một đô nào nữa. Sau khi thành hôn, mình sẽ bán tất cả rồi đi về miền Tây, nơi mình sẽ không có nguy cơ bị đòi các món nợ ân oán giang hồ. Nói cho bạn biết, cô nàng là một thiên thần. Cô tin tưởng nơi mình, và mình sẽ không làm thêm một chuyện gì lôi thôi nữa. Cố gắng thu xếp đến quán Sullivan, vì mình cần gặp cậu. Mình sẽ mang theo bộ đồ lề.
Bạn thân thiết của cậu, Jimmy.
 
Vào buổi tối thứ Hai sau khi Jimmy đã gửi bức thư trên, thanh tra Ben Price đi trên một chiếc xe ngựa chạy đường hoàng vào Elmore. Ông đi rảo trên các phố theo cách êm thấm đến khi ông tìm ra được điều muốn tìm. Từ một hiệu thuốc bên kia đường đối diện hiệu giày của Spencer, ông quan sát kỹ người mang tên Ralph D. Spencer. Ông khẽ nói với chính mình:
-Sắp cưới cô con gái chủ nhà băng phải không Jimmy? Hừ, không chắc đâu đấy!
 
Sáng hôm sau, Jimmy đến ăn sáng ở gia đình ông nhạc gia tương lai Adams. Anh sẽ đi Little Rock ngày này để đặt may một bộ trang phục cho lễ cưới và mua món gì đấy hay hay cho Annabel. Đây sẽ là lần đầu tiên anh ra khỏi Elmore từ khi anh đến thị trấn này. Đã hơn một năm từ khi anh làm phi vụ cuối cùng, và anh nghĩ anh có thể ló đầu ra một cách an toàn. Sau bữa ăn sáng, cả bầu đoàn thê tử cùng nhau đi xuống phố - ông Adams, Annabel, Jimmy và chị gái của Annabel với hai đứa con nhỏ, năm và chin tuổi. Họ đi đến khách sạn nơi Jimmy ngụ, anh chạy lên lầu và mang xuống chiếc túi xách. Rồi họ cùng nhau đi đến ngân hàng. Nơi đây đã có sẵn chiếc xe ngựa và Dolp Gibson, người sẽ đánh xe đưa Jimm đến nhà ga. Tất cả đi qua bên trong hàng rào chắn cao bằng gỗ sồi chạm trổ để vào phía trong phòng ngân hàng – Jimmy cũng đi cùng, vì chàng rể của ông Adams được chấp nhận thân tình ở mọi nơi. Các nhân viên nhà băng cảm thấy vui vui khi chàng thanh niên trẻ đẹp trai, có tư cách, mà cũng là ý trung nhân của con gái ông chủ, chào hỏi họ. Annabel, lòng ngập hạnh phúc và tâm hồn tràn đầy sức tươi trẻ, lấy chiếc mũ của Jimmy đội lên đầu mình, và nhấc chiếc túi xách hộ anh.
-Trông em có giống như nhạc công đánh trống nhà nghề không? Ơ này, anh Jimmy, sao mà cái túi này nặng thế? Như là chứa đầy những thỏi vàng vậy!
Jimmy điềm tĩnh trả lời:
-Đấy là mấy cái móng ngựa mạ kền anh dùng để đóng giày. Anh định tự mang đem đi trả lại, để đỡ tiền cước gửi. Anh đang tiết kiệm chi tiêu tối đa đây.
 
Ngân hàng Elmore vừa đặt làm một cái tủ sắt mới. Ông Adams rất hãnh diện về cơ sở này, nhất quyết muốn mọi người đến xem. Cái tủ sắt tuy nhỏ, nhưng có một loại cửa khóa hiện đại được đăng ký bằng sáng chế. Có ba ống khóa bằng thép cứng, cả ba dập lại với nhau bằng một cái cần duy nhất, và có thêm một cái khóa đồng hồ. Ông Adams hớn hở giảng giải cách vận hành cho anh Spencer nghe, nhưng anh này chỉ tỏ vẻ chú ý theo cách lịch sự mà không mấy thông minh. Hai cô con gái nhỏ, Mary và Agatha, đều thích thú với nước kim loại sáng ngời cùng những khóa và chốt thật ngộ nghĩnh. Trong khi mọi người đang chú tâm như thế, Ben Price lẻn vào, lấy tay chống cằm và nhìn vào bên trong một cách xuề xòa. Ông nói với một nhân viên là ông không cần gì cả, ông chỉ đứng chờ một người quen của ông.
 
Thình lình có một hai tiếng rú của mấy người phụ nữ, và có sự nhốn nháo. Không có người lớn để ý trông chừng, Mary, cô chị lên chín, trong khi đùa nghịch đã nhốt cô em Agatha vào trong cái tủ sắt. Rồi cô bé khởi động cần khóa và vặn núm số theo cách cô đã thấy ông Adams làm. Ông chủ nhà băng nhào đến cái cần khóa kéo giật một hồi. Ông hổn hển:
-Cửa này không mở được, chưa ai vặn đồng hồ khóa, mà cũng chưa ai đặt số khóa!
Bà mẹ của Agatha lại kêu rú lên một cách điên dại.
Ông Adams run rẩy đưa tay lên:
-Suỵt. Tất cả giữ im lặng.
Ông cố hết sức nói thật to:
-Agatha! Nghe ông đây!
Trong phút im lặng kế tiếp, mọi người chỉ nghe rất khẽ tiếng cô bé la hét bên trong cái tủ sắt tối đen, trong nỗi hốt hoảng kinh khiếp. Bà mẹ rền rĩ:
-Con gái cưng của tôi! Nó sẽ quá khiếp đảm mà chết! Mở cửa ra, phá nó ra. Mấy người đàn ông không có cách gì hay sao?
Ông Adams trả lời trong tiếng run rẩy:
-Người gần đấy nhất có thể mở tủ sắt này thì ngụ tại Little Rock. Cơ khổ, anh Spencer, ta phải làm gì đây? Đứa nhỏ này – nó không thể chịu đựng được lâu trong đấy. Hơn nữa lại không có đủ không khí, rồi nó sẽ quá kinh hãi mà lên cơn động kinh mất!
Bà mẹ của Agatha, giờ trở nên hoảng loạn, đấm vào cánh cửa với cả hai nắm tay. Có ai đấy điên rồ đề nghị dùng chất nổ. Annabel quay sang Jimmy, đôi mắt to của cô đầy vẻ lo lắng, nhưng không có vẻ tuyệt vọng. Với người mà cô tôn thờ, hình như không có việc gì mà anh không làm được. Cô van nài:
-Ralph, anh có thể làm gì đấy được không? Anh cố thử, được không anh?
Anh nhìn cô với vẻ mặt rất kỳ lạ, với một nụ cười trên môi anh và trong cả đôi mắt anh.
-Annabel, em tặng anh cánh hồng em đang mang, được không?
Cô không tin mình nghe đúng lời anh nói, nhưng cô vẫn tách cánh hoa hồng khỏi ve áo của cô, đặt trong lòng bàn tay anh. Jimmy nhét nó vào túi áo vét, cởi áo choàng ra, xắn hai tay áo sơ mi lên. Với động tác này, Ralph Spencer đã ra đi, và Jimmy Valentine thế chỗ vào. Anh ra lệnh:
-Mọi người hãy dãn ra khỏi cánh cửa.
 
Anh đặt chiếc túi xách lên mặt bàn, mở toang nó ra. Từ lúc ấy, dường như anh không để ý đến sự hiện diện của ai nữa. Anh nhanh nhẹ bày ra các món đồ lề sáng bóng, hình thù kỳ dị, huýt sáo nho nhỏ theo thói quen khi anh làm việc. Trong bầu không khí im lặng tuyệt cùng và bất động, những người khác nhìn anh làm việc như chính họ bị thôi miên. Chỉ trong một phút, mũi khoan của Jimmy đã đi ngọt vào cánh cửa thép. Trong mười phút, phá mọi kỷ lục trộm đạo của chính mình, anh đã ném ra các cần khóa và mở toang chiếc cửa sắt. Agatha gần như bất tỉnh, nhưng an toàn, được bà mẹ ôm vào vòng tay.
 
Jimmy Valentine mặc áo choàng, rồi bước ra hướng cửa chính. Anh nghĩ anh đã nghe tiếng gọi tên anh từ khoảng xa, theo tên giả “Ralph”. Nhưng anh không hề chần chừ. Tại cánh cửa chính, một người đàn ông to lớn đứng ngáng một bên. Vẫn với nụ cười lạ lùng trên môi, Jimmy nói:
-Chào Ben. Cuối cùng rồi cũng đuổi kịp phải không? Thế thì đi nào. Bây giờ tôi thấy ra sao thì cũng thế thôi.
Nhưng rồi Ben phản ứng một cách kỳ lạ. Ông nói:
-Tôi nghĩ ông đã nhầm rồi, ông Spencer. Tôi không nghĩ là tôi quen biết ông. Xe ngựa ông đang chờ đấy, có phải thế không?
 
Và Ben Price quay đi, bước dọc theo hè phố.


 
Chú thích :
1.    Jimmy bông đùa. “Almagated” nghĩa là dính lại thành một khối và “Frazzled” nghĩa là xơ xác.