Đỗ Thị Hương Bình
Mười Bảy tuổi.
Tôi thấy mình đổi
khác. Có sự đổi thay khác hơn nhiều so với tôi mười sáu tuổi. Người tôi
như nóng hơn, như nghe được dòng chảy trong huyết mạch, một nỗi niềm sâu
lắng trong tâm hồn, có những phút giây suy tư trầm lắng miên man. Một
cái gì đó đang xáo trộn trong suy nghĩ và những nhận định về cuộc sống
mà mười sáu tuổi tôi chưa nhận ra, dù rằng ranh giới giữa mười sáu và
mười bảy tuổi rất mong manh, như một đường kẽ và chỉ sau một giấc ngủ
đêm mọi điều như thay đổi tất cả.
Vâng; chỉ cách một
giấc ngủ đêm thôi mọi chuyện đã khác; thêm một tuổi và thêm những biến
động. Sự Trưởng thành. Hình như như tôi thấy mình đã trưởng thành; thấy
mình đã lớn Tất cả những điều đó bắt đầu từ đâu nhỉ? Có lẽ bắt đầu từ
một biến cố lớn của đời tôi, cái ngày ông Nội tôi qua đời.
Một điều khá lạ lùng
là tại sao tôi lại đổi thay tư biến cố đó mà không phải là ngày tôi chịu
tang Cha mặc dù Cha tôi qua đời khi mới vừa 45 tuổi còn ông nội tôi đã
ngoài 70 và lại chết trước ông tôi một năm.

Nếu hạnh phúc là
những điều bình thường trong cuộc sống thì cũng có thể nói tôi là một
đứa trẻ có hạnh phúc, bởi tôi cũng có đầy đủ cha mẹ chị em nội ngoại.
Trời thương từ ngày sinh tôi ra cha mẹ tôi làm ăn lại khấm khá, việc làm
ăn cứ như diều gặp gió mặc dù cha mẹ tôi chẳng thừa kế gì của ông bà.
Mười một tuổi Mẹ đã biết làm ra tiền giúp ích gia đình và cứ thế đời đã
dạy cho Mẹ tôi biêt phải làm gì –Tôi nào thiếu thứ gì chứ- chưa kể tôi
còn có một bà ngoại chăm lo từng miếng ăn cho gia đình; giặt quần áo;
giày dép cho chúng tôi và một quê Nội với những hàng dừa cong vút cùng
những cánh đồng bao la trù phú thơm lừng mùi lúa; những mương cá ao
sen,...chính những điều này đã sớm làm cho tâm hồn tôi trào dâng cảm xúc
và cũng chính từ những mùa hè quê Nội đã cho tôi những đêm trăng nằm
ngắm chị Hằng, nghe ông bà Nội kể chuyện cổ tích góp phần làm cho giòng
sông tuổi thơ tôi thêm êm đềm thơ mộng.
Muốn về Nội tôi chỉ
đi khoảng 8 km đường quốc lộ và 3 km đường làng.
Tôi rất thích đi bộ
trên con đường đất làng dẫn về nhà Nội nó đã làm dấy lên trong tâm hồn
tôi những niềm xao xuyến lâng lâng. Nó làm tôi quên đi cái chật chội hơi
người và tiếng ồn ào xe cộ của phố thị. Tôi khoan khoái hít thở bầu
không khí trong lành tĩnh lặng; những giấc ngủ đêm cũng vậy, có ở thôn
quê mới tận hưởng hết cái không gian to lớn của gió của trăng chứ không
như ở phố thị cứ bị các tòa nhà chen lấn cản trở.
Ông bà Nội tôi hiền
lắm; cái hiền bộc lộ rõ trên gương mặt. Cô chú tôi cũng vậy cũng sống
tình cảm và gần gũi. Những năm tháng đang thời cực thịnh của cha mẹ tôi
sợi dây tình cảm với phía Nội càng thêm thăm thiết. Một năm tôi có hai
lần được về quê Nội là Tết và hè những ngày hè quê nội là khoảng thời
gian sống tuyệt vời của tôi nó đã khắc sâu trong tâm khảm tôi những kỷ
niệm khó quên trong đời.
Năm nào cũng vậy khi
vừa tổng kết năm học thì cũng là lúc mẹ đã chuẩn bị xong giỏ xách áo
quần cho chúng tôi để về nội. Ký ức của tôi in sâu muôn vàn những điều
thú vị của những ngày hè đồng quê. Chở chị em chúng tôi về cha chỉ ở lại
một đêm rồi 1 tháng sau mới vô chở chúng tôi về. Một tháng ở với Nội,
tận hưởng cuộc sống đồng quê của mỗi mùa hè đủ để ghi dấu biết bao điều
khó quên trong đời.
Chân vừa chạm ngõ
lòng tôi thật rộn ràng, bọn trẻ con cô chú và trẻ hàng xóm đón chờ chúng
tôi như những vị khách quí về làng, bắt ép tôi ăn không chừa một thứ gì,
mà quái lạ tôi ăn cái gì cũng thấy ngon. Từ múi mít củ khoai con sò con
ốc cái gì cũng dành cho tôi, bữa cơm đạm bạc với rau lang rau muống,
miếng cà, miếng dưa mà bà Nội chế biến sao tôi ăn ngon thế, chỉ cần một
tuần da thịt tôi mởn ra, khác với ở nhà Mẹ cứ bảo tôi kén ăn nên ốm
nhách. Những buổi trưa hè ở quê Nội cũng chẳng có cảm giác oi nồng, tôi
chẳng còn muốn ngủ trưa nữa nếu không leo trèo thì cũng thơ thẩn cùng lũ
trẻ trong làng bắt dế; đá banh. Muôn vàn thú vui lôi cuốn. Những đêm
trăng sáng càng tuyệt diệu hơn. Một nồi khoai mì luộc còn bốc khói được
bưng ra để giữa sân, trên chiếc chiếu, chúng tôi ngồi quây quần nghe Nội
kể chyện Đông chuyện Tây, chuyện Cổ chuyện Kim ôi thôi đủ mọi đề tài. Có
ở thôn quê mới thấy rõ hơn cái bao la của Trời Đất. Cảm giác như trăng ở
đây sáng hơn đẹp hơn ở thành phố. Tôi lúc nào cũng dành nằm bên cạnh Ông
Bà và thiếp đi lúc nào không hay, mở mắt ra là lúc đã nghe hơi sương
lành lạnh và được ông bà bế xốc lên giường nhẹ nhàng đắp chăn. Nhiều năm
tháng trôi qua tôi vẫn không quên những câu nói thân thương khi Ông Bà
tự hào giới thiệu tôi cho những người hàng xóm đến chơi và bảo : ” Con
thằng Hai, cháu nội tôi đó ”.
Tôi cũng không quên
được món thịt chuột đồng. Người Thành Phố nào ai có để mà thưởng thức,
để mà thấu được cái hương vị đồng quê ấy. Chắc hẳn ai cũng lắc đầu le
lưởi nhưng có biết đâu con chuột đồng khác hẳn chuột nhà, lông nó màu
xam xám, êm mượt chứ không đen ngắn, ăn toàn lúa nên thịt rất thơm. Khi
những cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ là lúc mọi người vây bắt chuột, ai
cũng mê cái thú ấy. Lần đầu tiên thưởng thức tôi còn hơi do dự nhưng đã
ăn rồi thì nhớ thèm mãi. Chuột thui lông xong lột da chỉ còn một màu
trắng phau, mổ bụng móc ruột chứ không rửa, rồi xát muối ớt bỏ lửa
nướng. Tiếng mở cháy lèo xèo cùng mùi thơm đặc trưng không lẫn vào đâu
được. Đơn giản là vậy nhưng thật tuyệt vời.
Tuổi thơ tôi tràn đầy
hạnh phúc. Nhưng nó không ở lại với tôi lâu, đã không còn mỉm cười khi
tôi vừa lớn. Bắt đầu những năm học cấp hai, việc buôn bán của gia đình
tôi xuống dốc và hạnh phúc ra đi một cách âm thầm. Chỉ ba năm sau mọi
chuyện đã đổi thay. bạn hàng ra đi gần hết và đồng tiền cũng đổi màu sau
lần mẹ đổ bệnh. Tất cả đã bắt đầu từ sức khỏe của mẹ, bốn tháng trời mẹ
nằm trên giường bệnh chỉ chuyền nước và đạm. Bà ngoại chạy chữa khắp nơi
để cứu chữa cho con gái mình. Khi sức khỏe phục hồi thì cuộc sống đã
không còn như xưa nữa, thần kinh biến chứng do tác dụng phụ của thuốc
nên việc buôn bán phải thuê người khác. Ba tôi thì hình như chỉ đứng
vòng ngoài, bởi từ ngày đầu làm rể ba đã chịu sự chi phối của bà ngoại;
bất cứ việc gì cũng do Bà quyết đoán, ai cũng bảo Ba hiền, lúc nào cũng
cười nói, chỉ thích sự êm ấm cho gia dình là chính. Lúc mẹ chưa đổ bệnh,
Mẹ để lại rất nhiều tiền chưa kể vàng; thế mà giờ chỉ còn non nửa. Thế
rồi mẹ nghe lời ai mách nói cha có bồ trong thời gian mẹ bệnh; cảm thấy
như bị tổn thương tinh thần mẹ càng sa sút thế là làm đơn ly dị. Gia
đình không có sự êm ấm nữa. Một lần tôi nghe cha nói nhỏ bên tai mẹ; “Ai
cũng có thể lầm lỗi. Anh có lỗi vì đã lừa dối em và các con. Anh ân hận
lắm”. Mặc kệ, Mẹ vẫn lạnh lùng và hay cáu gắt. Với Cha, Hạnh phúc đổ vỡ
sinh ra rượu chè, cuộc sống lúc nào cũng nặng nề. Đã vậy mẹ lại giận Cô
khi mẹ bảo cha có bồ mà cô không tin không chia xẻ an ủi mẹ; để rồi mẹ
giận lây tới Nội mẹ không về và cũng không cho chúng tôi về Nội nữa. Tôi
mất tất cả những gì gọi là hạnh phúc. Tuổi thơ tôi vẫn dại khờ lắm; vẫn
hồn nhiên vô tư lúc nào cũng nghịch ngợm đùa giỡn. Những lúc ở nhà tôi
hay chọc cho em khóc đến khi nào ngoại la mới thôi. Ở trường tôi là một
học sinh năng động Văn Nghệ Thể Thao đều có mặt tôi tham gia. Tôi là hạt
giống của lớp vì thường xuyên đem về những thành tích nên bạn bè luôn
quí mến tôi. Bọn chúng thường hay nói : ”nếu thiếu mày là lớp mất vui…”.
Có lẽ vì tính vô tư đó mà hình ảnh của Cha ít ghi sâu vào trong tôi,
không đào sâu suy nghĩ để nhìn thấy cái đáng thương của cha mà chỉ đứng
về phía mẹ. Nhưng khi làm điều gì không vừa ý bị mẹ la : ”giống y cha
mày…” là tôi ghét lắm.
Cuộc sống cứ đều đều
tiếp diễn như vậy và tôi cứ là đứa trẻ tinh nghịch vô tư.
No comments:
Post a Comment