Thursday, June 21, 2012

CÕI TÌNH BAO DUNG CỦA CHỊ

Đinh Thị Lan

- Hello chị, chị khỏe không

- Chị đang buồn lắm em à, anh Khương đang hấp hối chắc là không qua khỏi…Chị mới đi thăm anh ấy về đây, em nhớ cầu nguyện cho anh ấy được ơn chết lành nghen em…

Giọng nói của chị như sũng đầy nước mắt, như chìm ngập trong đau buồn ray rứt. Nghe còn thê thảm hơn cách đây mấy năm khi tôi tìm liên lạc lại được với chị sau nhiều năm mất tin nhau. Khi ấy cũng giọng buồn với nước mắt chị trả lời khi tôi hỏi thăm về gia đình chị “chị và các cháu vẫn mạnh…còn anh thì…vẫn khỏe nhưng không còn là chồng của chị nữa…anh đã thuộc về  người đàn bà  khác rồi em à…”

Cũng đầy hoang mang thắc mắc như lần nghe tin chẳng vui đó, tôi hỏi chị dồn dập
- Anh ấy đang hấp hối…ai cho chị hay… chị kể cho em nghe đi vì sao thế hả chị
- Anh bị ung thư gan giai đoạn cuối, bác sĩ chạy rồi, anh đang còn nằm trong bệnh viện. Gia đình ảnh chỉ báo tin cho con chị để chúng đến gặp bố nó. Khi gặp con, ảnh nói cho ảnh xin gặp chị lần cuối cùng…
Chị cố nén cảm xúc rồi kể tiếp

- Chị xúc động thật sự, chị không ngờ anh ấy lại còn muốn gặp chị… Chị hỏi con chị  trong bệnh viện hiện đang có ai ở đó, chúng trả lời có cô Hoa (vợ sau của ảnh) và chú Khanh (em của ảnh). Chị đã xin nói chuyện riêng với Khanh để nhờ chú ấy sắp xếp cho chị đến gặp anh mà không đụng mặt Hoa, chị bao giờ cũng nhận chịu thiệt thòi hết em à…

- Chính anh ấy yêu cầu chị đến cho anh gặp kia mà. Sao chị lại sợ giáp mặt cô ta…có phải chị sợ bộc lộ tình yêu của chị đối với anh trước mặt cô ta không.

- Có lẽ vậy, và linh tính cho chị biết có điều gì đó không hay nếu Hoa có mặt ở đó. Khoảng hơn giờ đồng hồ sau Khanh gọi và bảo chị lái xe đến là vừa (vì chị phải lái hơn một tiếng rưởi), chị Hoa đang sửa soạn ra về. Lâu rồi không gặp nhau chị không dè lại gặp nhau trong tình cảnh như thế này. Nhìn hình hài anh tiều tụy có cái gì như đâm xé như cào cấu trong lòng chị. Chị còn ngập ngừng chưa dám lại gần bên giường anh, nước mắt chị trào ra. Anh vẫy tay gọi chị đến gần nắm lấy tay chị thầm thì “anh sai rồi…anh sai thật rồi…anh xin lỗi…tha thứ cho anh…”  Chị gục xuống tay anh nước mắt chan hòa và gật đầu lia lịa. Chị muốn ôm chầm lấy thân thể tiều tụy đến thê thảm của anh, nhưng lòng vẫn nhắc nhớ rằng anh đang là chồng của một người đàn bà khác…

Tôi cảm thấy như hụt hẫng bàng hoàng, trong lòng tôi một cảm xúc dâng tràn thật khó diễn tả. Tất cả sự giận ghét trong tôi như tan biến mất trước tin anh chỉ còn những phút giây ngắn ngủi cuối cùng trên thế gian này, và anh đã nói lên lời xin tha thứ với chị trước khi trở về với cát bụi hư không. Chỉ một câu nói thôi cũng đủ trả lại sự công bằng cho tình yêu của chị tôi nghĩ như thế. Vì đã có những lần chị tâm sự hàng giờ với tôi trên phone về những đau buồn của chị sau khi anh ra đi. Qua đó tôi biết chị vẫn còn yêu anh nhiều lắm, vẫn còn nhiều ray rứt nuối tiếc những kỹ niệm đã qua. Thương chị tôi đã nhiều lần khuyên chị thôi chị hãy cố quên đi để tiếp tục sống vì con cái và vì chị, anh ấy không xứng đáng với tình yêu của chị đâu…Tôi đã đâm ra giận ghét anh, người mà trước đây tôi đã từng coi là người “hùng” trong chuyện tình duyên ly kỳ của anh chị…

***

         Ngày tôi chân ướt chân ráo bước vào dòng tu ở Nha Trang, thì chị ở đó đã gần hai mươi năm rồi. Trong khi nỗi buồn nhớ cha mẹ anh em còn mang nặng trong lòng tôi thì chị đến, mang theo nụ cười thân thiện tươi thắm trên môi. Một chút tinh nghịch và nhí nhảnh chị nói với các chị khác
-  Đở (để) em ra nhận chị em đồng hương. Rồi chị hỏi tôi
-  Chị nghe nói em người Ninh wè”.
-  Dạ không em ở Dục Mỹ
-  Dzị hững, chị ở giáo xứ Gò muồng Ninh wè nè, mình “lè” đồng hương có gì cần chỉ dẫn hay giúp đỡ thì hỏi chị.

Lòng tôi cảm thấy ấm hơn như có được “người nhà” sống bên cạnh. Con gái xóm Rượu có khác…từ khi còn học ở TBT tôi đã nghe tiếng con gái xóm Rượu đẹp và…giàu. Đẹp thì chị đẹp thật nhưng chị bảo tôi rằng nhà chị nghèo lắm. Chị nhỏ người, khuôn mặt chữ điền được điểm với đôi mắt sáng, một sóng mũi thẳng và cái cái miệng cười thật duyên. Đặc biệt là nước da màu bánh mật, cái màu mật như những chồng bánh tráng nâu vàng thơm phức đặc sản quê chị. Nhà thờ Gò Muồng tôi đã đến nhiều lần qua những dịp sinh hoạt chung giữa hai Ca Đoàn giáo xứ Dục Mỹ và Ca đoàn giáo xứ Mỹ Phước (Gò Muồng). Một ngôi nhà thờ cổ kính nằm  giữa thôn làng với những hàng cau hàng dừa êm ả. Bên trái con đường nhỏ vào nhà thờ là những ngôi nhà dân mà khi đi ngang qua nghe thơm thơm mùi tre đan thúng, mùi bánh tráng đang phơi giữa nắng trời. Bên phải con đường là ruộng lúa xa xa có những ngôi nhà sau rặng tre xanh. Đã gần hai mươi năm sống nơi Nha Thành, “hương đồng gió nội” nơi chị có phai đi ít nhiều nhưng giọng nói NH của chị thì không lẫn vào đâu được…

Từ đó tôi có được chị là…chị…là bạn, là đồng hương. Và chị coi tôi như em. Không cần cắt máu uống thề nhận chị nhận em tinh thần gì cả, ngay cả chị em trong Dòng cứ mặc nhiên coi chúng tôi là chị em. Là cư dân của xóm Rượu, xóm Bánh tráng chị mang theo nghề truyền thống ấy vào giúp làm kinh tế phụ với thu nhập của nhà Dòng trong những ngày mà nghề gỏ đầu trẻ, nghề lương y bị cấm đoán chỉ còn biết “lao động là vinh quang”. Chị tráng bánh tráng và làm bánh phở bỏ mối cho các tiệm ở Nha Trang. Tôi thường được phân công phụ giúp chị nhờ đó mà dù xa quê nhà tôi vẫn được chị cho thưởng thức món bánh ướt chấm nước mắm ớt thường xuyên. Và đã có những lần sau chuyến về nghỉ hè của chị tôi còn được thưởng thức món mắm ruột đăc sản quê chị.

Cái duyên cái đẹp và nhí nhảnh của chị dù là ở trong nhà tu cũng làm xao động con tim của những chàng trai trẻ, trong đó có anh. Anh không xa lạ gì với chị và tôi, ngược lại rất quen biết vì anh là một thành viên rất năng nổ trong giáo xứ mà chị và tôi đang ở và làm việc. Một chàng trai mới lớn (thua chị đến bảy tuổi) đẹp trai con nhà giàu có học. Cả gia đình anh đang trong thời gian chờ đợi để được xuất cảnh theo diện đoàn tụ. Vào thời buổi khó khăn cơm cao gạo kém ấy mà trông anh luôn bảnh bao tươm tất, mùi xà phòng và mùi nước hoa của Mỹ thì lúc nào cũng thơm phức.

Có một mùa về quê nghỉ Tết, tôi ghé thăm chị và gia đình. Đó là lần đầu tiên tôi biết nhà chị. Một gian nhà đơn sơ nghèo nàn giữa mảnh vườn nhỏ xơ xác. Điều bất ngờ là tôi gặp anh ở đó, anh nói anh yêu thích khung cảnh yên tĩnh của đồng quê và yêu cuộc sống đơn sơ nghèo khó mà gần gủi thân tình ở đây. Tôi đâu có ngờ rằng tình yêu của anh còn đi xa hơn thế nữa… họ đang cùng nhau đưa tay…hái trái cấm.

Chuyện yêu đương trong nhà tu là điều cấm kỵ nhưng sự tự do chọn lựa hướng đi cho cuộc đời mình thì luôn được tôn trọng. Thời kỳ êm đềm yên ả của chị em tôi dường như chấm dứt, dông bão đã nỗi lên tứ phía cho cả đời chị lẫn đời tôi. Những cơn đau bệnh kéo dài làm tôi chống chọi vật vờ, và chị cũng điên đảo chống chọi với cơn bão tình đang vây bủa. Tôi vào Sài Gòn để được chữa bệnh và… xa chị từ đó.

Hai năm ở Sài Gòn trong khi tôi vật lộn với bệnh tật trong  khó khăn và buồn nản thì ở quê nhà, một gia đình mới nhỏ bé đã hình thành. Bất chấp mọi chướng ngại cản trở - đó là sự buồn phiền, sự không ủng hộ của gia đình chị, là sự chống đối sự từ bỏ của gia đình anh, là sự dèm pha của miệng đời – Bất chấp tất cả  anh chị đã thành đôi. Đối với chị đó chỉ là một sự chuyển hướng đi cho cuộc đời, một lần thay đổi lý tưởng sống. Còn anh, một sự đánh đổi tất cả - tình than gia đình, quyền lợi, tương lai sự nghiệp, danh dự - để lấy được người mình yêu. Tôi và một số bạn bè của chị và tôi rất nể phục anh, vì trái với dự đoán của rất nhiều người cho rằng tình yêu ấy không lối thoát do chênh lệch tuổi tác ( anh còn trẻ người non dạ), do chênh lệch giàu nghèo, và nhất là con đường xuất cảnh đang chờ đợi anh…Anh đã cương quyết chọn hướng đi cho mình, đi theo tiếng gọi của con tim.

          Giai đoạn đầu của cuộc sống gia đình anh chị tất nhiên gập nhiều khó khăn vất vả, thế rồi như  người đời vẫn thường nói “ hổ dữ còn không ăn thịt con mình”. Gia đình anh đã đem vợ chồng anh chị về, bổ túc hồ sơ cho chị để cùng gia đình anh sang định cư ở Mỹ dù trễ hơn mọi người trong gia đình. Ngày tôi gặp lại chị sau mấy năm xa cách là ngày tôi tiển anh chị và đứa con gái đầu lòng của anh chị tại phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi mừng cho chị và tủi cho phận mình, vì lúc đó tôi cũng như chị đã bỏ cuộc tức là đã “xuống núi” mà vẫn còn đeo túi bệnh tật chưa được chửa lành bên mình…

          Gần mười năm sau tôi xin được số phone của chị và gọi thăm chị. Chị cười giòn giã qua phone và vui mừng vì biết tôi cũng đã sang định cư ở Mỹ. Vẫn liếng lắc nhưng đượm buồn chị bảo tôi  chị dở quá chẳng biết làm ăn gì cả em ơi, chỉ biết mỗi việc “tráng bánh”. Ở nhà coi con nấu nướng ăn bám chồng. Lái xe mấy lần gây tai nạn bây giờ chồng không cho lái xe nữa…mọi lo toan đều trên vai anh… Tôi thầm nghĩ anh vẫn còn là người “hùng”.

          Có lẽ cuộc sống khó khăn và do công ăn việc làm, anh chị đổi chổ ở luôn và chúng tôi lại mất liên lạc với nhau. Rồi một ngày bất ngờ chị gọi tôi ê trốn kỷ ghê ta sau đó chị cho tôi biết anh đã bỏ mẹ con chị vui duyên mới. Sự ra đi của anh đã làm chị đau khổ nhiều nhưng lý do để xin hủy cuộc hôn nhân của anh - vì anh thiếu trưởng thành khi kết hôn và vì anh đã tội nghiệp hoàn cảnh nghèo khó của chị !!! - đã làm chị đau khổ bội phần và ray rứt khôn nguôi. Tôi đã giận ghét anh nhưng đôi lúc suy nghĩ lại tôi tự hỏi có lẽ vì anh đã quá mõi mệt trong vai quân tử trong vai anh hùng chăng…

           Tôi liên lạc với chị thường xuyên hơn, tôi mừng vì sau khi xa anh chị phải ra bon chen với đời nhưng chị vững chải tự tin hơn trong cuộc sống. Chị nói với tôi dầu sao chị cũng còn mang ơn anh đã đem chị qua Mỹ, để bây giờ chị có thể lo cho cha mẹ già yếu bệnh tật và giúp đở phần nào cho các em ở quê nhà, ôi tấm lòng của chị… Trong bất cứ câu chuyện nào chị và tôi nói với nhau quay đi quay lại chị lại nhắc đến anh, đến những kỹ niệm với anh mà theo tôi chị rất trân quý. Trong tiếng cười của chị tôi nghe thấy có mãnh vỡ của đau buồn tiếc nuối, tôi biết chị còn yêu anh nhiều lắm…thỉnh thoảng chị có nói chị hận anh nhưng chị ơi phải chăng…

Dòng đời trôi đã về chiều,
mà lòng mến còn nhiều,
đập gương xưa tìm bóng…
 
Nhưng thôi …tiếc mà chi
Chim rồi bay, anh rồi đi
Đường trần quên lối củ
Người đời xa cách mãi
Tình trần khôn hàn gắn thương lòng…
 
*Gởi gió cho mây ngàn bay –
Đ Chuẩn- Từ Linh
 

          Trở lại Mỹ tôi nhận mấy cái tin nhắn của chị báo tin anh đã ra đi. Tôi vội gọi đến chia buồn với chị, một tháng trôi qua rồi niềm đau nỗi buồn của chị cũng tạm nguôi ngoai. Chị cho biết đám tang của anh được gia đình anh tổ chức rất ấm cúng, chị đã đến tham dự nhưng như một người ngoài gia đình. Tôi thắc mắc có nghĩa là sao, chị buồn bả kể rằng chị đứng xa xa trong đám người tham dự chứ không đứng cùng các con của chị và gia đình anh. Chẳng khác gì một người “ngoài” chỉ khác có nỗi đau xâu xé và nước mắt giọt tuôn rơi giọt phải  nuốt ngược vào lòng. Một người chị chồng đến hỏi xem chị có muốn “để tang” cho anh không, chị đã cắn răng trả lời là không. Không phải giận hờn oán trách gì nhưng vì chị đã “để tang cho cuộc tình” này đã bao nhiêu năm qua rồi…

          Chị nói với tôi theo chị nghĩ, những lời nói sau cùng của anh đã nói lên rằng anh đã không được hạnh phúc bên người vợ sau. Và chị còn tiếc rằng anh đã không kịp trở về để chị săn sóc lo lắng cho anh cho đến hơi thở cuối cùng… Thật không sao hiểu nỗi hết mọi lý lẽ của trái tim.

          Anh đã về cõi nào, cõi thiên đàng hay cõi địa ngục làm sao biết được. Chỉ biết trông cậy  vào lòng nhân từ của Đấng Tối Cao. Nhưng chắc chắn một điều là nay anh đã về với cõi tình bao dung của chị.


No comments:

Post a Comment