Tuesday, June 19, 2012

CHUYỆN NGÀY MƯA

 Đã mấy ngày trời Ninh Hòa mưa như trút. Mưa như trả bữa cho một mùa hè khô hạn chưa từng có. Cám ơn Trời. Cứ tưởng Trời đã cho thần Mưa nghỉ hưu và chưa kịp tuyển dụng nhân viên mới! Cũng có thể Trời đang giận đất nước này và dằn mặt bằng những cơn thất thường mưa nắng.

     Mưa to nhưng sáng nay nước sông Dinh chưa tràn bờ. Hồ thủy điện Ea Krongru và hồ chứa nước Đá Bàn với cái bao tử trống rỗng qua một mùa hè khát nước đang há miệng chờ đón những dòng thác từ các con suối đổ về. Bao giờ bọn chúng no rồi nước sẽ được ban phát về hạ lưu may nhờ rủi chịu.

     Ngồi nhìn mưa rơi nhớ lắm ..... Nhớ lắm những ngày còn nhỏ mong cho trời lụt để được ăn cơm với mực muối nướng. Một chén cơm nóng bốc khói, một con mực nướng đen thui vì được mẹ nướng trên bếp lửa củi ám khói ngon ơi là ngon. Mấy chị em, không ai dạy nhưng đều biết ăn nhín nhín vì mỗi đứa chỉ tư hữu duy nhất một con mực, đâu phải của chùa mà phung phí.

   Thuở nhỏ sao lúc nào cũng đói, sao ăn gì cũng ngon?
    Trường Đức Trí giờ ra chơi làm sao quên được món bánh tráng ỉu cuốn muối ớt măn mặn, ngọt ngọt cay cay. Mà sao món ăn nào cũng mang bóng hình của muối ớt.? Một miếng cùi dừa được vớt ra từ cái thau nước đục đục của bà Chói cũng trở nên béo hơn, hấp dẫn hơn nhờ muối ớt. Cốc, xoài, ổi cần muối ớt đã đành, cớ sao mía cũng phải được chấm vào chén muối ớt thân thương nơi quán bà Chói.

     Trời vẫn mưa dầm dề. Lòng sao bỗng dưng nhớ quán bà Chói, nhớ muối ớt, nhớ "món ăn xưa nhớ ly chè quen".

      Không hiểu sao tôi thích cái cảm giác đói lạ lùng.
Thuở bé đọc "Vô Gia Đình" tôi thương chú bé Rémi đang chờ mẹ làm cho miếng bánh trong ngày lễ Tuần thánh thì bỗng dưng xuất hiện một người đàn ông xa lạ mà nó phải gọi là bố. Ông ta thản nhiên và uy quyền bắt mẹ của bé phải dùng chảo bơ đang sôi nấu cho ông bát súp hành. Rémi ơi có phải lúc đó bạn bị nỗi sợ hãi lẫn cái đói dày vò? Bạn lo lắng lắm phải không ? người đàn ông này dành được cái bánh của bạn thì chắc chắn ông ta sẽ dành người đàn bà mà lâu nay bạn vẫn tưởng là mẹ ruột. Thương quá Remi.
      Tôi nhớ mãi cảnh thằng cu Tý trong "Gió Đầu Mùa " của Thạch Lam. Tôi chia xẻ cái hạnh phúc của nó khi nhờ nó mà mẹ và em có được một nồi cơm nóng trong căn nhà nhỏ như cái ổ chó trong khi gió lạnh thổi qua mái tranh.
"Bu ơi con đói lắm rồi
Con vào trong bếp bưng nồi cơm ra"
 
  Phải rồi, mẹ là một bà tiên, đứa trẻ nào cũng đói và đói là nhớ tới mẹ. Cho đến một ngày đứa trẻ thấy xa dần mẹ. Khi ấy củ khoai mẹ cho có khi nằm im trong hộc tủ. Đó là khi mà hồn ta khao khát một thứ không cụ thể như "Khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng". Đó là khi:
"hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"
 Chuyện này không thể đơn giản giải quyết theo kiểu
"Con vào trong bếp bưng nồi cơm ra".
Chuyện bây giờ sao mông lung khó hiểu
"Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung"
 
      Rồi một hôm người ta không thấy đói và cũng chẳng muốn ăn. Lúc đó như có một nỗi đau khác xâm chiếm cả lục phủ ngũ tạng làm tê liệt các cảm giác đói, no. Người ta ủ rủ hiểu rằng mình đang bị cuốn vào một cái mạng nhện của nỗi sầu đau không thể tự mình giải thoát.
"yêu ai ai hiểu được lòng. Thầm kín với những đớn đau khiến cho lòng ta, đau tủi cả lòng, vì yêu ai mà người nào hay..."
 Cái đói này thì...bó tay và mẹ sẽ không giúp được gì. Có người phải chịu đói cả đời.
Nhưng cuộc sống này chẳng phải được kết tụ từ ánh sáng và bóng tối, từ đau khổ và hạnh phúc?. Hoàng hôn đưa tất cả chìm vào bóng tối rồi bình minh đến với nắng ấm tươi hồng cho đất và người một ngày mới tươi vui.
      Ở đất nước tôi bây giờ đã và đang hình thành một tầng lớp sống "vô tư". Họ chỉ có hạnh phúc mà không biết khổ đau là gì. Lúc đi học họ luôn được là học sinh giỏi. Họ không nếm mùi "thi hỏng tú tài ta đợi ngày đi, thi hỏng mất rồi ta vụt tình yêu. Đau lòng ta muốn khóc..."
Bằng cấp ư? chuyện quá nhỏ. Khó gì chức danh thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư....
       Họ đủ tiền mua cả hoa hậu, người mẫu. Họ không ngồi đó mà than "ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về" Họ chẳng bận tâm tìm hiểu tại sao "đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ". Tôi muốn nói tới một thế hệ robot vô cảm.
      Mà sao tôi đang nói chuyện trời mưa, chuyện ngày xưa còn bé bỗng lan man chuyện tầm phào của thời hiện tại.
      Nhớ tới họ làm gì. Sao không nhớ đến Saigon thành phố hoa lệ ngày nào bây giờ chìm trong biển nước mỗi khi trờ mưa. Sao không nhớ tới người mẹ tan ca tất tả lội nước mấy cây số đón con ở nhà trẻ. Sao không nhớ đến những đứa trẻ đói run, mệt lã trên nóc nhà chờ người tới cứu và năm nào cũng có người chết vì nước lũ dâng quá nhanh. Rồi sau lũ là đó , là rét là dịch bệnh....
 
  Ỡ miền trung, tận dụng sông ngắn và dốc  người ta đã xây hàng trăm hồ chứa nước phục vụ  cho thủy điện trên núi cao.Đó là những túi bom nước khổng lồ treo lơ lững trên đầu và đe dọa cuộc sống yên lành của người dân. Mùa khô hồ chứa dành dựt từng giọt nước của nông dân , mùa mưa chúng sẳn sàng xã lũ vì sợ vỡ bờ bao hồ chứa. Làm sao được khi thủy điện là siêu lợi nhuận của tập đoàn điện lực.!!!

  Trước kia người dân khổ vì "Trời hành trời làm cơn lụt mỗi năm" và bây giờ  người dân quê tôi bị chồng thêm cái khổ vì nhân tai. 
       Trời vẫn mưa tầm tã và lòng tôi bỗng chùng xuống, nặng nề như đám mây ảm đạm đang lầm lủi kéo về.
 
 
Ghi Chú:
 
Bài viết có sử dụng một số câu hát của Nguyễn Văn Khánh, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và một số câu thơ tiền chiến.

  

Nguyễn Phan Lê
tháng 11 năm 2010

No comments:

Post a Comment