Thursday, June 21, 2012

CHUYỆN NGÀY MỒNG NĂM TẾT


Chuyen ngay Mong Nam Tet a copy.jpg
Chuyện ngày mồng Năm Tết
(tặng cô bé Thu Phượng, người gợi cảm hứng cho tôi viết truyện này)
1
Bé Di có thói quen dậy rất sớm. Dậy sớm nhất nhà, vâng, lạ quá chăng? Thường với mỗi gia đình, người dậy sớm nhất là người mẹ, hoặc một người già ngủ ít, nhưng với nhà này thì khác hẳn. Bởi vậy Bé Di được mọi người gọi là “ông cụ non”. Lại một điều tức cười nữa: “ông cụ non”, vâng, không phải “bà cụ non”.
Là bởi vì cô bé thâm trầm lắm, không nói nhiều. Dậy sớm, nhẹ nhàng quét nhà, rồi nếu là ngày thường thì mở vở ra học bài, làm bài; nếu là chủ nhật thì cô bé đọc sách. “Ông cụ non” chỉ còn thiếu một tách trà, nhưng lại có thêm biệt hiệu “con mọt sách”. Bé Di chỉ mới học lớp Một!!!
Hôm nay lại là một ngày khá đặc biệt: mồng Năm Tết. Sắp phải đi học rồi! Sau mấy ngày nghỉ Tết các cô cậu học trò ngao ngán chẳng muốn nghĩ đến ngày phải vào trường lại. Bé Di thì “ngộ” lắm, dù có đi học hay không thì Bé vẫn trung thành với mấy quyển sách. Nhưng giá mà được nghỉ thêm thì thích hơn, không phải đến trường, không phải làm bài, học bài, Bé sẽ có nhiều thời gian hơn để đọc sách.
Cả nhà gọi Bé Di là “thần đồng đọc sách”. Ai có thể tưởng tượng được mới học giữa năm lớp Một mà Bé Di đã đọc các bài tập đọc một cách trôi chảy, viết chính tả không sai chữ nào. Cô giáo cũng khen lắm, luôn dành tặng quà thưởng cho Bé những cuốn truyện tranh. Ồ, nói là truyện tranh chứ cũng đầy cả chữ. Bé Di thích nhất là những câu nói của nhân vật trong truyện, được đóng trong một cái vòng tròn hay vòng bầu dục, có đưa một tam giác hoặc những vòng tròn to nhỏ như bong bóng vào ngay miệng nhân vật, cứ như là chữ đang thoát ra từ miệng của họ vậy. Ai nghĩ ra mấy cái truyện tranh cũng hay thật!
Nhưng có một điều Bé Di không nói cho mọi người biết đâu! Đó là ngoài mấy cuốn truyện tranh, Bé Di còn thích coi truyện chữ nữa. Chẳng là vì khi cô giáo cho viết chính tả, giọng đọc của cô hay quá, lên bổng xuống trầm, Bé Di nhắm mắt lại cũng tưởng tượng ra được cái cảnh mà cô giáo đang tả. Dù không thể diễn tả như cô giáo, nhưng Bé Di cũng nghĩ được rằng ngôn ngữ thật là tuyệt vời, có thể thay thế được cây cọ vẽ. Và giọng đọc, giọng nói cũng vậy, cũng có thể ru hồn người ta hoặc làm cho người ta bừng tỉnh.
Mấy cuốn truyện tranh, Bé Di bày ngay ngắn trên bàn học. Còn truyện chữ, không ai thấy đâu cả. Đó là những cuốn bán nguyệt san Tuổi Hoa, và cả những cuốn truyện dài của Tuổi Hoa phát hành. Chúng nằm cả trong tủ sách của chị Hai.
2
Rón rén, Bé Di mở tủ sách của chị Hai. May quá, chị đã không khóa! Bé lấy một cuốn truyện “hoa tím”, loại sách đối với Bé là khá dày, tới hơn một trăm trang lận. Hôm qua Bé đã làm dấu bằng một mảnh giấy nhỏ xíu cho trang sách Bé đang đọc dở dang. Bé mỉm cười, nhè nhẹ ngồi lên ghế, giở ra. Nụ cười của Bé càng vui hơn nữa, khi Bé tìm thấy mình trong đó. Đúng ra thì nhân vật chính “về phía con nít” trong truyện là một anh nhóc. Vâng, Bé phải gọi là “anh nhóc” vì anh ấy đang học lớp Năm, bằng lớp với chị Ba bây giờ. Bé Di tưởng tượng ra cảnh mấy nhân vật con trai đó đang chơi với nhau các trò chơi bắn bi, đánh đáo, và lại còn làm lồng đèn nhân dịp Tết Trung Thu nữa. Còn các bạn con gái, không hề thấy tác giả nói đến. Nhưng có một đoạn mà Bé cũng thích lắm, đó là đoạn ngày mồng Năm Tết, các anh nhóc ấy nhắc lại chuyện trong lịch sử: Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Lời lẽ giản dị, dễ hiểu, Bé Di chưa học Việt Sử nhưng cũng hiểu liền. Bé chăm chú ngồi đọc tiếp, không biết bên ngoài trời đang sáng dần…
- Bé Di! Làm gì đó con? Hôm nay chưa đi học mà!
Tiếng của Má nhỏ nhẹ nhưng cũng làm Bé Di giật mình. Bé nhanh tay gấp cuốn sách lại. Nhưng Má đã thấy. Má bước đến nhìn vào bìa sách, lẩm bẩm đọc tên truyện rồi nói:
- Bé Di dậy sớm không phải để học bài?
Bé Di lúng túng lắc đầu:
- Dạ … không, ơ…hôm nay… còn nghỉ Tết mà Má!
- Má biết, nhưng tại sao con cứ lấy sách truyện của chị Hai đọc hoài vậy?
- Hay mà Má!
- Con hiểu cái gì trong đó mà nói hay?
- Con… con mới đọc nửa cuốn nhưng con thấy hay. Con hiểu được.
- Dù hiểu nhưng con không được lấy sách của chị.
- Dạ.
Bé Di toan đi đến tủ để trả cuốn sách lại chỗ cũ, thì cả nhà đã thức dậy hết cả. Bé Di bối rối như người phạm tội. Ba hỏi:
- Chuyện gì vậy hai mẹ con?
Má nói:
- Bé Di coi sách truyện của chị Hai.
Chị Hai còn ngái ngủ chạy tới, lấy cuốn sách trăn qua trở lại xem, và nói:
- Bé Di có làm rách sách của chị không?
- Không, không có.
Chị Ba nói chen vào:
- Cuốn này thì chưa rách, mấy cuốn khác rách rồi!
Bé Di lặng thinh. Chẳng là lần nào chị Ba thấy Bé Di xem sách thì chị Ba cũng giành lấy, bởi chị Ba cũng thích xem sách và rất quý sách, sợ sách chị Hai mua bị rách thì uổng lắm. Vậy rồi có nhiều lần chị Ba và Bé Di giằng sách qua lại, sách bị rách bìa hoặc rách trang trong. Thế là cả hai đều bị chị Hai mắng cho. Bao nhiêu sách truyện chị Hai có được là do chị Hai nhịn tiền quà, để dành mua báo, mua truyện, chứ đâu phải dễ dàng gì mà có! Nhiều khi “chiến trận âm thầm” diễn ra giữa mấy chị em, Ba Má đâu có biết.
Bé Di hơi phụng phịu, thấy trước là mình thua chắc. “Phe kia” sẽ gồm có Ba, Má, chị Hai, chị Ba, và có thể thêm cu Bon nữa. Trời ơi! Bé phải làm sao đây? Thôi thì… im lặng nhận lỗi cho xong.
Ba nói với giọng nghiêm nghị:
- Đã nói truyện “hoa tím” là dành cho người lớn. Bé Di mới học lớp Một, dù con đọc hiểu chữ nhưng Ba nghĩ không hợp với con đâu!
Chị Hai đính chính:
- Ba ơi, cũng không phải hoàn toàn người lớn đâu! Nếu là dành cho người lớn, thì chính con cũng không được đọc, vì con mới mười bốn tuổi thôi.
Chị Ba thì nín khe, môi dưới hơi trề ra như ngầm nói “Con cũng không được đọc”, vì chị Ba chỉ mới lên mười!
Má nói như để giải thích cho Ba:
- Truyện “hoa tím” là dành cho tuổi mới lớn cho đến… người lớn.
Ba nói:
- Vậy chỉ có chị Hai là được đọc. Tuổi mới lớn là phải mười ba trở lên. Mà… Ba không hiểu tại sao bao nhiêu sách không đọc, Bé Di cứ đi lấy sách của mấy chị làm gì?
Bé Di nói lí nhí:
- Tại vì… con hiểu và thích mà Ba!
- Đâu Bé Di thử đọc cho Ba nghe chỗ nào con cho là hợp với trẻ con và con hiểu rồi con thích.
Thấy nét mặt Ba có vẻ lạnh lùng, mấy chị em chột dạ. Nhưng bỗng Bé Di mở ra trang mà Bé đang xem, và cất tiếng đọc lớn:

“- Mồng Năm Tết, vua Quang Trung đem mười vạn quân ra Bắc, liên tiếp chiếm Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa, rồi kéo vào Thăng Long.
Đỗ xoa đầu Thụy, nói:
- Thụy giỏi quá! Nhưng anh không giỏi bằng vua Quang Trung mô!
Thụy nói:
- Anh oai chứ!...” (*)
Bé ngừng lại, đưa mắt nhìn Ba Má rồi nhìn các chị. Ba Má nhìn nhau. Chị Hai nhìn chị Ba. Bé Di đứng một mình như tội nhân đang tự bào chữa trước tòa. Giá mà có Cu Bon nhỉ! Thằng nhóc còn đang ngủ say sưa. Nhưng nếu có nó, nó cũng chẳng hiểu gì để mà có thể “về phe” với Bé.
Nhưng rồi, chị Ba thốt lên:
- Đoạn này tác giả kể giống như trong bài Việt Sử cô giáo dạy ở lớp con đó Ba!
Bé Di tròn mắt nhìn chị Ba, rồi Bé nói với giọng sung sướng:
- Ba ơi! Hôm nay mồng năm Tết Ba à!
Đôi mắt Ba bỗng như có một tia sáng chiếu qua. Ba trầm giọng nói:
- Được rồi! Ba hiểu rồi! Ba thua mấy đứa con gái này rồi!
Má cười xòa:
- Nghe Ba nói thấy tội nghiệp chưa! Nhưng mà Má thì muốn rằng Bé Hai phải chọn sách cho các em đọc, hướng dẫn cho các em. Má sợ sách báo dành cho người lớn ảnh hưởng không tốt cho trẻ con.
Chị Ba chưa chịu, nói ráng:
- Không Má ơi, có khi không đọc sách người lớn thì có những chữ mình không hiểu, vì sách nhi đồng không có nói đến.
Má hết hồn, hỏi nhanh:
- Bé Ba nói gì? Con muốn biết những chữ gì… của người lớn?
- Dạ, Má không nhớ sao, hồi đầu năm cô giáo chọn con đi dự thi Viết Văn, con đã không hiểu nghĩa chữ “ủy lạo”, vì chữ này chỉ có trong sách báo người lớn đọc. Còn con đọc sách con nít chưa bao giờ gặp chữ này.
Chị Hai tiếp lời:
- Phải rồi đó Má! Tội nghiệp Bé Ba, em kể em dòm cái đề “Em hãy kể lại một buổi đi ủy lạo đồng bào bị hỏa hoạn” mà ngơ ngác. Chữ “hỏa hoạn” thì em biết, nhưng chữ “ủy lạo” thì … em bí.
Cả nhà cười vang. Ba nói:
- Ừ, tội nghiệp Bé Ba thiệt! Người ra đề dùng chữ Hán Việt làm khổ con nít. Vậy mà con nhỏ cũng lanh, không hiểu “ủy lạo” là gì nhưng đoán mò rồi cũng tả được những việc làm khi gặp đồng bào bị hỏa hoạn, và cũng được giải khuyến khích.
Bầu không khí như giãn ra, mọi người vui vẻ. Ba xoa đầu Bé Di, nói:
- Còn cái con bé này, chắc đến khổ vì chữ nghĩa. Mê đọc sách gì mà mê dữ vậy!
Chị Hai nói:
- Em là “thần đồng đọc sách” mà Ba!
Bé Di im lặng. Bé không nghĩ mình là “thần đồng đọc sách”. Bạn nhỏ nào chịu khó học vần, viết chữ lúc cuối lớp mẫu giáo, lên lớp Một đều có thể làm được như Bé, có khó gì đâu! Còn ham chơi như Cu Tèo ở nhà bên cạnh, học đến lớp Bốn rồi mà vẫn cứ viết sai những chữ “ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, khuếch trương”, bị ba nó đánh đòn hoài, khóc toáng cả lên.
3
Khi Ba Má đã đi vào nhà trong, chị Hai kéo chị Ba và Bé Di lại, thì thầm:
- Có những đoạn cũng rất là … người lớn, truyện “hoa tím” mà, Bé Di đọc có hiểu không?
Bé Di nói chắc như bắp:
- Dạ hiểu.
Chị Ba nguýt dài:
- Hiểu sao được mà hiểu?
- Thì… Ba Má nói chuyện với nhau, Bé nghe cũng hiểu được mà!
- Chuyện gì?
- Thì thí dụ Ba bảo Má coi cuối tuần đưa tụi mình đi chơi ở đâu. Nghe là hiểu liền.
Hai chị cười với nhau. Chị Hai ra vẻ mình đã là người lớn, gật gù nói:
- Ừ, thôi cũng được. Bây giờ Bé hiểu theo kiểu con nít. Lớn lên, đọc lại những cuốn sách này, Bé lại hiểu theo cách của người lớn.
- Dạ.
- Nhưng mà chị Hai có một yêu cầu: Muốn đọc sách phải xin phép chị Hai, không được tự tiện lấy, cũng không được giành nhau làm rách sách.
- Dạ.
Bé Di trầm ngâm suy nghĩ. Khi Bé lớn lên, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm sau, Bé giở lại những trang sách này, đọc lại, thì ý nghĩ của Bé sẽ khác bây giờ ra sao nhỉ? Thật khó nghĩ quá!
Bé chợt nhớ ra một điều, Bé nói vói theo chị Ba lúc đó đang đi vào trong:
- Chị Ba học xong sách Việt Sử cũng nhớ để dành cho Bé với nhé! Bé thích đọc chuyện Vua Quang Trung.
- Ừ, là cái chắc rồi! Nhưng Bé Di phải giữ cho sạch sẽ, không được làm rách. Sách Việt Sử quý lắm đó!
Có tiếng Cu Bon lè nhè bên cạnh:
- Bé Di, cho Cu Bon coi sách với!
Ồ, lại một “con mọt sách”! Bé Di quay lại nói với Cu Bon:
- Nè, Cu Bon thì coi sách này nè! Truyện tranh “Tin Tin”. Coi này, cái thằng Tin Tin có chỏm tóc ngoắc lên giống tóc Cu Bon ghê chưa?
Thằng bé bốn tuổi, chưa biết đọc cho nên rất thích thú với những cuốn truyện tranh của Bé Di. Bé Di ra vẻ “người lớn”, nghiêm trang nói với Cu Bon:
- Lớn lên, em không được giành sách với chị đó nghen!

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
31/01/2012
(*): Trích Chương 3 “Người khắc bia mộ”, Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Tủ Sách Tuổi Hoa

No comments:

Post a Comment