Thursday, June 21, 2012

BIỂN CẢ VÀ ĐÁNH CÁ Ở QUÊ TÔI

Nguyễn Xuân Hoàng


Ánh nắng chiều tà vàng nhạt cộng với tia nắng hồng ngoại của mặt trời đã lắng dần xa tít mù khơi. Trên mặt biển sóng gợn lăn tăn nhấp nhô đã che khuất nửa ánh mặt trời. Gió chiều vẫn không ngừng thổi, những ngọn sóng lập cập ập vào bãi cát dài thăm thẳm của làng đánh cá thơ mộng.
 
Những chiếc thúng chai xoay tròn đã chuẩn bị cho chúng tôi khiêng câu ồ ạt ra tàu để đi đánh cá. Ngoài kia xa xa những đàn cá vẫn thi nhau nhảy vọt bay bổng trên mặt nước xanh xanh liên tục nô đùa thanh thản.
 
Mồ hôi đã thấm ướt da mặt thành biển mặn mà, thấm vào môi nồng thắm.  Những rạt câu nặng trĩu rủ xuống gần chạm đất, khập khễnh đôi chân từng bước gồng sức ập vào thúng chai.  Chiếc thúng chai tròn tròn khó mà lướt qua những ngọn sóng liên tục đập vào căng thẳng, ta phải lanh tay chèo nhanh hơn sóng để đưa thúng chai ra khơi.  Nên nhớ khi ta chèo thúng chai, cây dầm phải chèo theo hình cong như chữ "S" thì thúng chai mới đi thẳng, nếu không biết chèo thì thúng cứ xoay tròn.
 
Tổng cộng trên ghe của chúng tôi dùng là ba loại câu:

Loại câu thứ nhất là câu kiều dài vào khoảng năm cây số. Câu kiều là một loại câu cũng giống như câu giăng, câu ở sông nhưng không có móc mồi, cứ mỗi nẹp dài một trăm mét khi thả câu ta cột nối tiếp vào nhau.  Cái lưỡi của nó chiều dài khoảng bảy phân, rộng khoảng hai phân rưỡi, khoảng cách từ lưỡi này tới lưỡi kia khoảng gần hai tấc rưỡi, chiều cao khoảng bốn tấc rưỡi, lưỡi rất bén và được làm bằng i-nốc (inox). 
 
Khi con vật bị dính vào một lưỡi thì những lưỡi kia sẽ móc thêm vào khi chúng cựa quậy.  Từng đợt, từng đợt di chuyển lên boong tàu, lưới được che kín không cho mọi người xung quanh hoặc đi qua nhìn thấy vì có mê tín là sẽ không bắt được cá và tàu chạy khoảng hàng mấy chục hải lý mới tới nơi để thả lưới.  Có khi chạy vô tới hải cảng Cam-Ranh gọi là bãi dài Cam-Ranh, chỗ đó có trãi một đường nhựa dài dọc theo bờ biển.  Tại đây để đánh con Dít mà người dân ở Ba-Làng (Đồng-Đế) người ta gọi là con Đú. Chúng lên đẻ rất nhiều tại bãi dài này vào mùa hè.
 
Khi ta tới nơi và bắt đầu thả câu, ban đầu cột một "dội" vào nẹp câu rồi thả xuống nước, trên đầu dội cột một lá cờ hoặc miếng vải để xa xa ta có thể trông thấy và đầu dưới của dội ta cột một cục đá nặng gần tám chục kí hoặc một cái neo, liệng xuống biển phao sẽ nổi cờ lên mặt nước và cứ mười nẹp cột một dội (một trăm thước) lần lượt nối tiếp nhau cho đến năm cây số.
 
Khi xong ta thả neo neo tàu lại và thức đợi trọn đêm tới sáng.
 
Những ánh sao đêm thật gần trên mặt biển xanh, ánh trăng tròn sáng ngời trùng khơi gió thổi bọt nước tan biến chạm vào má tôi vô cùng rít rít.  Con tàu lắc lư nghe chành chạch bởi sóng nước vỗ về.  Xa xa ngoài đại dương những chiếc hạm đèn chong chiếu sáng rực rỡ tạo thành một cảnh lắng đọng sáng ngời trong màn đêm. 

Chúng tôi ngồi quấn quít bên nhau thả rườm câu mực, những đàn mực từ xa kéo đến nềm nệp, cứ mỗi đàn đếm được khoảng sáu bảy con với ánh mắt  sáng ngời như hào quang phản chiếu trông dịu dàng tuyệt đẹp vào đêm. Chúng tôi chận đầu thả rườm câu mực xuống trước đợi khi chúng đến gần  bên trên đầu lưỡi thì ta liền giựt lên có khi dính cả hai con, số còn lại chúng phóng vụt rất nhanh mất dạng.
 
Rườm câu mực là loại câu đơn thuần bằng năm lưỡi câu cột chụm tròn bởi sợi dây cước, cách nửa tấc ở trên đầu lưỡi ta cột một miếng mồi như cá thịt,.. v..v..
 
Mực vừa mới câu lên luộc tại chỗ ăn rất ngọt và thơm tho, sau bữa cơm tối chúng tôi lăn tròn ra ngủ cho tới mờ sáng để giở câu.

 
Từ mờ sáng tinh mơ những con Dít đã dính câu nổi lềnh bềnh trên mặt biển qua một đêm gầm gừ mệt mỏi.  Khi ta kéo câu, dưới lực căng dần dần tàu đến gần con Dít, nó liền hụp xuống sâu cho đến khi chạm cát thì nó trồi lên mặt biển trở lại để thở, lúc đó ta liền lấy cái khấu giựt mạnh móc vào nó để kéo lên tàu, có con cần đến sức của ba người.
 
Cái khấu nghĩa là cái dụng cụ to như móc câu bằng i-nốc bự cỡ ngón tay cái, dài khoảng ba tấc, rộng khoảng một tấc được cắm vào một cán cây gỗ rất dài khoảng ba thước rưỡi, và cứ thế ta bắt lần lượt đến tận đầu cuối của câu...
 
Trên khoang tàu chứa đầy những con Dít để chuẩn bị quay trở dè, khi dè tới bãi thì mọi người bán cá chực sẵn thi nhau tranh giành mua lấy. Còn chúng tôi thì rạt câu có nghĩa là sắp xếp ngay thẳng vào trong nẹp.
 
Nẹp có nghĩa là một cái cây dài khoảng ba tấc có khoét một đường mương chính giữa để móc thứ tự từng lưỡi câu vào và đầu kia có  khoang lỗ để buộc khóa lại để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới. Cả nhà xúm lại rạt câu với đầu tắt mặt tối cả ba ngày liền mới hoàn tất rồi đem phơi ráo khô bắt từ cây dừa này tới cây dừa khác, khi phơi khô xong hãy đợi trên bờ biển vắng bóng người ta mới chuyển ra ghe.
 
Chuyến đi này là chuyến đi bắt cá đuối mà dân ở đó gọi là cá ó bay.  Ngồi ở bãi cát Nha-Trang nhìn thăm thẳm ra xa trông thấy hai hòn đảo  trước mặt đó gọi là Hòn-Tre và Hòn-Nón. Cả hai hòn đảo đều là đầy dẫy  trái cây và chim chóc, nhất là trái chiêm- chiêm, trái sim tím, trái tâm tâm và vườn ổi, vườn dừa rộng lớn...
 
Trên Hòn-Tre có một ngôi Chùa vô cùng đồ sộ và hoang vắng, xung quanh đảo không một bóng người và nước sạch trong.

Khi chúng tôi thả câu xong liền neo tàu để vào trong đảo rong chơi hái trái cây ăn cho thỏa thích, ngon lành, nào là ổi chín mùi thơm phưng phức. Khi ánh nắng chiều tà đã lịm dần sau khe núi, những con chim hải âu tản dần trên mặt biển xanh nhường lại cho màn đêm buông  xuống im lìm trong hoang vắng.
 
Chúng tôi cũng lần lượt lên thúng chai chèo ra ghe sẵn sàng câu mực sửa soạn cho bữa cơm tối rồi thả giấc ru hồn cho một ngày mệt lả tới sáng. Vào buổi sáng tinh mơ biển lặng yên như tờ, cá đuối móc câu cánh đập tung tóe nước vọt cao ngất như mây trắng bao phủ, khi ta kéo câu đến gần thì cá liền lặn xuống, lúc đó ta liền buông tay và tránh xa.
 
Có một lần tôi bị lưỡi làm xướt tay chảy máu và khổ nỗi lưỡi đã móc vào quần tôi, cá đuối mạnh mẽ lôi tôi xuống biển sâu, tôi liền lanh tay cởi quần ra cho thoát khỏi nguy hiểm, và cũng lắm lúc câu móc phải đá san hô, tôi đành phải cút xuống biển để cắt câu, nhưng trong lòng bồn chồn sợ hãi vì cá mập.
 
Cặp mắt ngó trước, ngó sau, liền xếp chân cái rẹt để trồi lên mặt nước. Tất cả những sự gian nan hiểm trở trên biển Đông ta phải dùng mưu trí, nhanh tay và lẹ mắt để vượt qua.
 
Câu kiều là một loại câu rất chắc chắn và sắc bén, lắm lúc còn dính luôn cả cá ốc-nốch nữa hoặc bất cứ loại cá nào chạm phải.
 
 
Tôi ngồi đây ôn lại bao kỷ niệm buồn vui đã rạng ngời dưới ánh nắng mặt trời, trên biển Đông lẫn ngày và đêm ầm ầm sóng biển, nhấp nhô ra tít đại dương không còn núi non, chỉ còn trời cao biển rộng và sâu thẳm. Những đêm tối tăm giữa biển xưa, tôi cảm tưởng như đời người thật bé nhỏ, không bờ bến, phải đâu trong đục cũng đành nhờ biển trời mênh mông.
 
Xa tít mù khơi biển có màu xanh đen, giữa thì xanh thẳm, gần đến bờ thì xanh nhạt. Thông thường ta nhìn thấy những đàn cá tung tăng nhảy lên từ xa, ta liền thả dội xuống biển, neo lại một đầu rồi cho tàu chạy thật nhanh trong lúc lưới bao bọc trọn bầy cá lại. Cho tới khi giáp vòng ta kéo trọn đàn cá dính lưới lên ghe, lưới đó ta gọi là lưới giăng hay giả cào, lưới này ta có thể bắt đủ loại cá như: cá bò, cá thu, cá chim,..v..v...
 
Cũng nhờ sống bằng nghề này nên giờ đây tôi đan lưới rất rành, dựa vào đó tôi có thể đan võng nằm và đan lưới bẫy chim ....mà tôi sẽ cố gắng trình bày vào những loạt bài kế tiếp.
 


Một thời trẻ trung của những ai đã từng sống bên làng dân chài cũng đành theo nghề ven biển dãi nắng dầm mưa, đêm đến thì soi đèn đi bắt tôm cua, hằn in dấu chân đầy trên bãi cát.
 
Biển rộng mênh mông và vô cùng sâu thẳm, cũng may nhờ biển trời trong đó những đàn cá chẳng biết ngày, biết tháng nuôi tôi khôn lớn.  Tôi yêu màu xanh của biển, của cát trắng nước trong xanh, muôn sắc, muôn màu và nghìn trùng động vật trong biển.  Tôi rất thích ăn đủ loại cá và sinh vật sống dưới biển, và tôi rất quý mến nghề đánh cá vì đó là khung cảnh êm đềm vô cùng xinh đẹp gió mát trăng thanh...
 
Đó là chân lý sống của một đời người khi nhìn thấy biển xanh đưa tàu ra khơi đánh cá, tôi liền nghĩ đến các bạn bè tôi... đã cùng tôi sống trong ngôi làng đánh cá từng giờ từng giấc lắng nghe tiếng sóng vỗ về, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển xưa, rì rào của những hàng dương trên biển hoang vắng,...
 
Ngày đêm canh giữ biển trời nhởn nhơ như luồng cá chiều thu...
 
 

No comments:

Post a Comment