Thursday, June 21, 2012

THAM SÂN SI

Tu là cội phúc, tình là dây oan ( Nguyễn Du )

 
          Trong số những người nghệ sĩ nổi tiếng theo đạo Phật của Hoa Kỳ, Tina Turner là người mà tôi nhớ đến một cách đặc biệt. Cô là nữ ca sĩ nhạc Pop da mầu nổi tiếng trong hai thập niên 80 và 90. Nhớ đến cô là nhớ ngay đến bài hát “ What’s Love Got to Do with It” và cách trình diễn vô cùng kích động với dáng dấp hấp dẫn, đầu tóc bung xù độc đáo và cặp đùi rất đẹp dù đã vào lứa tuổi gần 50 lúc đó..

         Nhìn cô xinh như thế, trình diễn táo bạo, mạnh mẽ như thế, có ai ngờ trước đó cô là nạn nhân của một ông chồng vũ phu. Tươi cười lúc trình diễn nhưng ở nhà thỉ bị đánh đập đôi khi bầm tím mặt mày, phải make- up thật nhiều để che dấu khi lên sân khấu. Cuộc đời của cô đã được ghi lại trong quyển tự truyện “ I, Tina” của Tina Turner và Kurt Loder xuất bản năm 1986, bán rất chạy và được quay thành phim năm 1993 với tựa đề cùng tên bài hát nói trên, do Angela Basset thủ diễn.
 
         Tina Turner tên thật là Anna Mae Bullock, sinh năm 1939 tại Tennessee. Cha mẹ luôn bất hòa rồi tan rã, cuộc sống khó khăn ngay từ khi còn nhỏ. Năm 16 tuổi, tài năng cô được khám phá bởi Ike Turner, ca nhạc sĩ, trưởng một ban nhạc thời đó, người đã đổi tên cô thành Tina. Trong thời gian này cô sống và có con với một nhạc sĩ, rồi anh chàng đã bỏ cô đi không một lời từ biệt. Thế rồi cô dọn về ở với Ike, ban nhạc “ Ike and Tina Turner Revue” ra đời năm 1960 và nổi tiếng khắp nước Mỹ. Họ thành hôn năm 1962 tại Mexico, thật nhạt nhẽo khi Ike chìa giấy tờ bảo cô ký. Không đám cưới, không ăn mừng. Hắn chỉ muốn chính thức buộc ràng cô vào hắn vì biết cô là người nồng cốt tạo sự thành công cho ban nhạc.
 
         Suốt 16 năm chung sống với Ike, cô phải chịu đựng tính khí bất thường, vũ phu, lại nghiện ngập và lăng nhăng công khai của chồng. Ike đã dùng bạo lưc để áp đảo làm cô khiếp sợ mà vâng lời. Một cuộc sống gia đình đầy giông tố, bạo hành và nước mắt. Cô đã có lần tự tử bằng thuốc ngủ và được cứu sống. Năm 1974, cô gặp Valerie Bishop, thư ký mới của Turner Revue, một Phật tử. Cô này chỉ làm việc cho Ike trong một thời gian ngắn nhưng chính Valerie đã hướng dẩn cô tìm hiểu Đạo Phật, cho Tina sách Phật. Những lời Phật dạy đã đánh động lòng Tina nhất là cho thấy không một ai khác ngoài chính ta đã định đoạt số phận của mình. Tùy cái Tâm suy nghĩ đưa đến những thái độ sống khác nhau làm ảnh hưởng đến cuộc đời sướng khổ. Cô Tina có duyên lành khi biết đến Đạo Phật, cô đã phục hồi lòng tự tin mà cô đã đánh mất từ lâu. Những kinh tụng niệm “ Nam mô a di đà Phật” và chánh niệm đã nung nấu trong lòng cô một sức mạnh mãnh liệt để giúp cô dứt khoát với những ràng buộc ham muốn trong tình cảm, danh lợi, tiền tài, tưởng chừng như không có Ike, cô sẽ là con số không nên bám víu và phải chịu nhiều khổ nhục.
 
         Thế rồi, khi hai người đang trên đường lưu diễn ờ Dallas năm 1976, bị Ike đánh đập bầm rách mặt mày, cô dứt khoát ra đi, bỏ đằng sau ông chồng vũ phu, ban nhạc Revue và những hợp đồng ca hát dở dang. Lúc đó cô chỉ còn trong túi 36 cent và phải ẩn mình ở nhờ nhà bạn đồng đạo. Cô thố lộ rằng trong thời gian này, cô đã ngồi tịnh tâm tụng niệm kinh Phật hầu như bốn giờ mỗi ngày đề xây đắp tinh thần. Hai năm sau, ở tòa án ly dị, không cãi cọ, không giận dữ, cô chịu từ bỏ tất cả để đánh đổi sự tự do. Và cũng với lòng tin số phận do chính mình định đoạt và nhân quả, cô đã ra sức tạo dựng lại cuôc đời, trả hết nợ từ những hợp đồng bỏ dở. Sau thời gian vắng bóng, cô trở lại sân khấu với lòng tự tin, nổi tiếng trong những thập niên 80, 90 với nhiều giải thưởng và trình diễn khắp nơi trên thế giới. Đó là kết quả mà cô đã gặt hái sau bao nhiêu năm tháng gieo trồng. Cuộc đời của nữ ca sĩ nhạc Pop Tina Turner là một bằng chứng sống thực cho thấy Đạo Phật đã giúp cho con người thay đổi cuộc đời mình như thế nào.
 
         Làm người, không ai thoát khỏi khổ đau. Nhức một cái răng mình đã thấy đời mất vui, huống hồ chi những cơn bệnh ngặt nghèo, những tai biến làm thân thể không còn nguyên vẹn. Thiên tai như động đất, bão lụt, như sóng thần Tsunami trong phút chốc đã nuốt chửng cả một xóm làng, lôi cuốn biết bao sinh mạng vào lòng biển sâu, để lại đau khổ, tang thương cho những người còn sống sót. Sự nghèo khó, đói rét sản sinh thêm biết bao tệ hại, lôi kéo con người đến tột cùng vực thẳm. Và nhất là ở trong lòng của mỗi chúng ta củng có biết bao đau khổ do Tâm Tham Sân Si tạo ra.
 
         Tham là trạng thái thiếu thốn, ham muốn. Muốn gần gũi các thứ mình yêu thích như vật chất, danh vọng, hoàn cảnh và muốn lôi kéo chúng về mình, thuộc sở hữu của mình [ ao ước, thèm khát, bám chấp…].
 
         Sân là trạng thái không hài lòng, bất mãn, không muốn gần người, vật hay hoàn cảnh không ưng ý [ buồn bực, thất vọng, ghét bỏ, căm thù…].
 
         Si là trạng thái không biết, hoang mang, nghi nhờ, lẫn lộn, không ý thức được nhân quả của hành vi mình đang tạo tác [ hiểu biết sai lầm, mất lý trí, cuồng tín…]. (1)
 
         Đã là con người làm sao tránh khỏi Tham. Muốn ăn ngon, mặc đẹp; muốn giàu sang; thích chức phận quyền cao; muốn đạt được hoài bảo mình mơ ước… nhất nhất đều là Tham theo như định nghĩa trên. Tôi thiết nghĩ cái Tham không xấu nếu như sự ham muốn cùa mình không đưa đến phiền não và cũng chẳng hại ai. Cái Tham mà Phật đề cập và khuyên hãy dứt bỏ là khi nó đã tạo nhiều đau khổ cho mình, làm hại ngưòi khác và xã hội.
 
         Lấy thí dụ một người làm giàu bằng đường lối ngay thẳng, có sáng kiến hay, đó là một điều tốt, nhiều khi còn giúp đỡ, tạo việc làm cho nhiều người khác, xây dựng xả hội tiến bộ. Cái Tham chỉ đáng sợ khi nó như thùng không đáy, chẳng biết bao giờ mới đủ, vì tham mà mù quáng, sinh ra mánh khoé, lường lọc, hại người, hại xã hội rồi sớm muộn gì cũng chịu đau khổ vì hậu quả của việc mình làm. Ngoài ra, nếu ham muốn một điều gì mà không đạt được ý nguyện thì cũng nên xét lại, nhất là khi nó đã tạo cho mình nhiều đau khổ, rối rắm.
 
         Khi nói đến tham, mình chỉ nghĩ đến tham tiền của, tham danh lợi, vật chất. Ít ai nghĩ đến cái tham trong tình cảm. Say mê, đắm đuối, tưởng như đó là nguồn hạnh phúc duy nhất của mình để rồi bám chấp, ràng buộc vào đối tượng mà sinh ra bi lụy.
 
         Trong các đau khổ, chỉ có đau khổ vì tình là được thi vị hóa. Xuân Diệu đã than thở “ yêu là chết trong lòng một ít”, “yêu thì nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu”… Chàng thi sĩ nào cũng ấp ủ mối tình tuyệt vọng để ray rứt “ làm sao giết được người trong mộng, để trả thù duyên kiếp phũ phàng!”(2) rồi đau khổ chỉ riêng mình cam chịu... Vậy mà họ lại thích cái thú đau thương đó, như chất liệu để sáng tác, “ Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân…”, “ Nếu trót đi, em hãy gắng quay về. Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề. Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.”(3)
 
         Ngày nay, thời đại văn minh, yêu cuồng sống vội, cái Tâm của người ta không yên, nói theo đạo Phật là Tâm không tịnh, khi tham đắm mê say người nào mà không được đáp lại thì tuyệt vọng, tự làm hại đời mình. Có người đâm ra sân hận, ghen tức đưa đến những hành động mù quáng, ngu si mà hậu quả vừa hại mình, hại người không lường được.
 
         Năm 2002 bà bác sĩ nha khoa Clara Harris ở Houston đã bị đưa ra tòa về tội giết chồng cũng là một nha sĩ.  Ông nầy ngoại tình với cô thư ký cũ. Bà Clara làm đủ mọi cách để giữ tình yêu của chồng, chăm lo sắc đẹp mà không thành công. Khi bắt gặp ông cùng người tình ở một khách sạn Hilton, ngoại ô Houston, bà đã điên cuồng lái ào xe Mercedes nghiến lên thân ông mấy vòng làm chết thảm thương. Bà bị kết án tù 20 năm.
 
         Năm 2007, nữ phi hành gia của NASA tên Lisa Marie Nowak hầu tòa vì tội âm mưu ám sát một nữ phi hành gia khác mà cô nghi là đang tìm cách thân mật với chàng phi hành gia cô mê đắm. Sự ham muốn chiếm đoạt tình yêu đó đã khiến cô hành động cuồng si khi quyết định lái xe một mình vượt 900 dặm từ Texas đến Florida tìm gặp tình địch tại phi trường quốc tế Orlando. Để có thể lái một mạch, cô đã mang tả phòng hờ khỏi phải ngừng đi tiểu. Khi gặp được tình địch đang lái xe nơi bãi đậu ở phi trường, cô với tóc giả cải trang, vờ hỏi đường, rồi tấn công cô này bằng hơi cay [pepper spray]. Cô Lisa đã bị bắt ngay tại đây. Trong xe, ngoài tả lót và những vật để giúp cô khỏi bị nhận diện còn có air gun, búa, dao, những e-mail của tình địch gởi cho anh chàng đào hoa, những giấy tờ chỉ đường tới nhà cô này, bao bị, găng tay…Cô Lisa lúc đó 43 tuổi, có ba con với một giám đốc trong chương trình không gian, và cô mới ly thân với chồng chỉ vài tuần trước đó.

NASA Astronaut Lisa Nowak (L) during a news conference following the landing of the space shuttle Discovery on July 17, 2006 and following her arrest in Orlando, Florida on February 5, 2007
 
         Cuộc đời quả thật vô thường, mọi sự biến đổi theo thời gian, không gian và lòng người cũng vậy, khó lòng đoán được. Nhìn hình cô phi hành gia Lisa chụp khi bị bắt, mặt mày hốc hác, thảm thương như một bóng ma, rồi nhìn hình cô ngày xưa vui tươi, sinh động, tự tin, lòng tôi bàng hoàng, tội nghiệp cô trước sự đổi thay, sự nghiệp tan tành, đó là chưa nói tới lòng cô. Học thức cao, thông minh, can đảm, nhiều kinh nghiệm, thành công trên đường đời, tự tin cũng không đủ để nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ mù quáng, dấn thân vào con đường tội lỗi. Thế gian có câu : “ Cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Cái Tâm của con người mới thật là đáng sợ. Có những lúc ta không tự kềm chế được lòng ta, ta buông thả cho tức giận, ghen ghét, hận thù tung hoành, ta có những hành vi, những lời nói, những ý nghĩ bất thiện. Khi bừng tỉnh lại, ta hối hận, ta khổ, không hiểu tạo sao mình có thể làm như vậy.
 
         Vì tham tình mà trở nên điên cuồng đã đành. Khi có tình mới, muốn dứt bỏ tình cũ; ly dị thì phải cấp dưỡng và còn ràng buộc con cái, không tự do chút nào; nên với một số người ích kỷ, họ không ngại dùng con đường tán tận lương tâm, tàn ác. Đó là trường hợp của anh chàng Scott Peterson 32 tuổi ở Redwood City thuộc California. Năm 2004, anh đã bị kết tội ám sát cô vợ đang mang bầu tám tháng đứa con đầu tiên của hai người. Sự việc như sau: Christmas Eve hai năm trước đó, cô vợ ở nhà bỗng nhiên mất tích trong lúc anh đi câu cá. Khi cả nước, mọi người lo âu, ra sức tìm kiếm, anh vẫn tiếp tục xon xen bên người tình mới. Cành sát đã lưu ý đến anh ngay từ đầu. Bốn tháng sau, cái xác không đầu của cô vợ và phần còn lại của bào thai tám tháng đã trôi dạt riêng rẽ vào bờ San Francisco Bay, cách 90 dặm từ nhà họ và gần nơi anh Scott đã khai với cảnh sát là anh đang câu cá một mình ở đó trong ngày cô vợ mất tích. Không lâu sau khi thi thể vợ được tìm thấy, anh bị bắt tại San Diego, 400 dặm xa từ nhà anh nhưng rất gần biên giới Mexico. Lúc đó tóc râu anh đã nhuộm màu cho khác xưa, anh mang theo trong người 15 ngàn đô la, và giấy tờ ID của người anh em. Anh bị kết án tử hình.
 
         Ngày nay chúng ta không cần đọc chuyện hư cấu giết người rùng rợn mà nhà văn đã tưởng tượng, bởi vì qua báo chí hằng ngày tràn ngập những tin tức, những mẫu chuyện thật mà mình không thể tưởng tượng có thể xảy ra trên trái đất này. Cái ham muốn, cái ích kỷ cá nhân, cái sân si đã làm con người có những toan tính, hành vi độc ác, bất nhân, thấp kém như cô Susan Smith ở tiểu bang South Carolina.
 
         Cũng như anh chàng Peterson, cô này dù đã có chồng và hai con nhỏ, nhưng vẫn dan díu với con trai ông chủ hảng cô làm việc. Cô nghĩ quẫn rằng hai đứa nhỏ sẽ là một trở ngại lớn cho mối tình của cô, anh tình nhân sẽ không bao giờ muốn tiến xa hơn để lấy cô làm vợ. Do đó cô đã nghĩ ra kế tẩy trừ bằng cách để hai con trai, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ 14 tháng ngồi yên vào xe, rồi sang số Neutral để xe trượt từ từ xuống hồ mất biệt. Rồi cô đặt chuyện thương tâm để khai với cảnh sát là cô bị một tên Mỹ đen cướp xe mang luôn hai đứa nhỏ làm con tin. Chuyện này đã gây chấn động thương tâm khắp nước Mỹ, nhất là lời khai của cô đã ghi một ấn tượng không đẹp về những người da đen. Nhưng sự thật đã phơi bày khi cảnh sát điều tra và tìm thấy nhiều mâu thuẫn trong lời khai. Cuối cùng cô nhận tội giết con và ở tù. Trong tù, cô lại dan díu với cai tù. Quả là một con người không biết xấu xa tội lỗi là gì !
 
         Đó là những bằng chứng cho thấy tác động của Tâm Tham Sân Si trong tình cảm ở mức độ tận cùng ghê gớm. Trong đời sống hằng ngày, tình cảm vui buồn cũng đã chi phối và ảnh hưởng thể chất và tinh thần ta rất nhiều. Có chuyện gì lo âu, buồn khổ, ta ăn không ngon, ngủ không yên. Nếu tình trạng kéo dài ta có thể mang bệnh như đau bao tử chẳng hạn. Những nỗi buồn, bực dọc, cay đắng, phẫn uất.. chất chứa trong lòng, do không toại nguyện về một vấn đề gì đó, từ ngảy này sang ngày khác, sẽ đưa đến chứng bệnh tinh thần như trầm cảm [Depression] làm ngưởi lúc nào cũng uể oải, không vui, khó chịu, không tập trung, không còn minh mẫn, thiếu phán đoán, nhiều khi chỉ muốn hủy hoại đời mình. Bệnh này cũng đưa đến nhiều thảm cảnh trong xã hội ngày nay.
 
         Trong những năm tháng sau này, chúng ta đã nghe biết bao nhiêu vụ tàn sát thảm thương do Depression gây ra. Những người cha, người mẹ vì tình cảm lục đục, ghen tương, thù hận, bắn giết nhau, giết luôn cả con cái. Có những người mắc bệnh xách súng đi vào trường cũ, sở cũ, chỗ đông người để ria đạn giết những người vô tội trước khi tự kết liễu đời mình. Có trường hợp đặc biệt, xin kể sau đây để mọi người suy nghĩ:
 
         Cô Andrea Pia Yates sinh năm 1964, có chồng là một kỹ sư về điện toán ở NASA. Tháng 6 năm 2001 cô đã giết một lượt năm đứa con nhỏ của mình bằng cách nhận chìm chúng vào nước trong bồn tắm đến chết.
Cô và chồng kết hôn năm 1993 và theo đạo của một giáo phái tin tưởng rằng sanh càng nhiều con cảng tốt khi tạo hóa cho phép và họ đã thề nguyền “seek to have as many children as nature allows” trong ngày cưới.
 
         Năm1998 sau khi sanh đến đứa con thứ ba và hư thai một lần, cô đã kiệt lực thấy rõ. Năm 1999 cô bị bệnh khủng hoảng tinh thần [nervous breakdown], đã hai lần tự tử được cứu sống. Bác sĩ đã cảnh cáo đừng sinh thêm con, nhưng do áp lực của người trưởng giáo phái, vợ chồng cô tiếp tục có thêm hai đứa nữa. Tinh thần cô quá bệ rạc trong lúc này, bác sĩ phải đề nghị có người canh chừng và săn sóc các đứa nhỏ. Ngày 20 tháng sáu năm 2001, Russel chồng cô đi làm, bà mẹ anh sẽ đến thay thế một giờ sau đó. Và cô Andrea đã nhận nước các con cô trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ ngắn ngủi không có người canh giữ này.
 
         Thời đại văn minh, máy móc, sống nhanh sống vội, thời đại “ mì ăn liền”, cái gì cũng “instant”, tâm hồn con người chạy theo những thay đổi trong cuộc sống một cách hối hả, không có thì giờ để tỉnh tâm suy nghĩ phải trái, để thư giản, nên mặc cho Tham Sân Si xúi dục. Biết bao thảm cảnh đã xảy ra quanh ta vì tâm vọng động. Biết bao người nhuốm bệnh tinh thần vì tâm đau khổ. Nếu bạn nhận thức rằng chuyện đó cũng có thể xảy đến cho bạn, hãy làm điều sau đây:
 
         Mỗi ngày bỏ ra độ một tiếng đồng hồ để đi bộ một mình trong công viên, quanh bờ hồ mát lạnh, hay trên những con đường tỉnh mịch nơi vùng bạn sống. Hãy hít thở thật sâu trong thư giản. Hít vào ta biết ta hít vào, thở ra ta biết ta thở ra. Chỉ chú ý đến hơi thở mà thôi. Thật đơn giản nhưng có tác dụng giúp bạn định tâm, bỏ đi những bực dọc, những suy nghĩ lan man. Khi tâm ý đã nhẹ nhàng, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ đến một vấn đề gì đó, chỉ một thôi, hãy nhìn và suy xét trong tình thần khách quan, biết phải trái và có tình thương.
 
         Tâm ta khi bị giao động cũng giống như ao nước bị khuấy trộn đục ngầu, sau một thời gian để yên, nó sẽ trở nên trong mát, bao nhiêu bùn dơ lắng đọng ở đáy sâu. Đó là lúc ta trở về với tâm thật cùa ta. Đó là lúc ta dễ dàng nhận diện đúng sai, nên hay không nên, giải quyết như thế nào…nói theo đạo Phật, ta quán chiếu sự vật trong chánh niệm. Để có được một tâm hồn an lạc, một cuộc sống thanh thản, không gì bằng giữ Tâm luôn an tịnh, bỏ đi những phiền toái không đáng làm mình khổ sở hằng ngày. Để đạt được điều đó, ta cần sự hướng dẫn để việc tu tập tâm linh có kết quả.
 
         Hơn 2500 năm về trước, một hoàng tử xứ Ấn độ sống trong nhung lụa, sau khi nhìn thấy một số cảnh bi đát của người đời, đã nhận thức rằng con người sinh ra ai cũng có “bệnh” đau khổ, tinh thần lẫn vật chất. Với tấm lòng thương xót bao la cho chúng sinh, ngài đã từ bỏ cuộc sống vàng son để dấn thân ra đi làm khất sĩ, mong tìm ra con đường thoát khổ cho con người. Vị Giác ngộ đó là Đức Phật. Ngài giải thích bệnh đau khổ này là do Tâm Tham, Sân, Si mà ra. Ngài nói rằng những đau khổ tinh thần của ta có thể chữa được bằng cách từ bỏ, loại trừ những ham muốn, sân si ích kỷ đó. Và ngài dạy chúng ta con đường tu tập Bát Chánh Đạo, để biết sống và nghĩ đúng đắn, mở mang trí tuệ, phát triển lòng từ bi hỷ xã,có chánh niệm qua Thiền định và Thiền quán, để đưa đến sự chấm dứt đau khổ, trong đó nổ lực cá nhân là chính. Tìm hiểu Đạo Phật là tìm hiểu về cuộc đời, tìm hiểu về chính mình và từ đó ta tìm ra con đường thoát khổ trong tình thương, lẽ thật.
 
Minnesota 6/23/2008
 
 Sách Tham khảo:
I, Tina- My life Story-Tina Turner with Kurt Loder
[1] Phật Pháp Căn Bản- Suy Nghiệm Theo Nguyên Lý- Minh Không.
[2] Giết người trong mộng- Thơ Hàn Mặc Tử.
[3] Ngập Ngừng- Thơ Hồ Dzếnh.
 
Tâm Đoan
2008

No comments:

Post a Comment