Cái tựa bài viết
này tôi mượn từ một tờ báo Pháp. Hôm qua, chiều thứ bảy, lên phi trường
Gardemoen Oslo đón vợ chồng đứa con trai út nghỉ hè từ Tây Ban Nha về.
Chuyến bay đến trễ 40 phút. Trong lúc chờ đợi tôi tạt vào quán cà phê, tìm
một chỗ ngồi. Nhìn trên giá báo, tôi bất ngờ đọc được cái tựa lớn trên một
tờ báo Pháp:" La Nouvelle Orléans! Je demande pardon! ". Vốn liếng Pháp
văn chỉ bì bõm vài ba chữ, nhưng vì tò mò, tôi cầm tờ báo lên tìm đọc.
Bài
viết của một cô gái Pháp, có một thời lớn lên ở New Orleans. Năm mười hai
tuổi, cô bé theo gia đình về lại quê cha. Từ đó cô chưa có lần trở lại New
Orleans. Môt thành phố xinh đẹp, thơ mộng và lãng mạn. Isle d'Orléans của
tổ tiên cô bé bao đời về trước. Với cô, nó là "một Pháp Quốc của thời thơ
ấu". Đã bao nhiêu năm về sống tại một vùng ngoại ô Paris, nhưng mỗi buổi
sáng thức dậy, dư âm tiếng nhạc Jazz dọc theo con đường Bourbon trong khu
Vieux Carré vẫn còn rộn rã bên tai, mùi thơm từ quán Café du Monde trong
French Quarter vẫn còn làm cho cô ngây ngất. Nhưng quan trọng hơn hết là ở
nơi đó, cô còn có biết bao hang động tuổi thơ. Cô ân hận, vì đã trót bỏ lỡ
hai cơ hội khá lý tưởng để trở lại thăm thành phố yêu dấu xưa. Cách đây ba
năm, khi cô vừa tốt nghiệp trung học, cha mẹ và người anh của cô trở lại
thăm New Orleans, trong lúc cô theo bạn bè cùng lớp tổ chức một trại hè
chia tay trên một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Nice. Cô hẹn với cha mẹ sẽ
sang thăm New Orleans một mình vào hè năm sau. Nhưng khi vào đại học, cô
quen một người bạn trai và sau đó cô yêu chàng. Mùa hè năm ấy thay vì đi
New Orleans, cô theo người yêu về quê ở Marseille ra mắt bố mẹ chàng. Hè
năm sau, cô ngỏ ý với người yêu rủ chàng cùng sang New Orleans, nhưng
chàng ta hẹn chờ thêm hai năm nữa, làm đám cưới, chàng sẽ đưa cô sang đó
hưởng tuần trăng mật cho thật tròn ý nghĩa. Cô cám ơn thiện ý này. Nhưng
rồi cuối mùa thu năm ngoái, buổi sáng, khi lái xe tới giảng đường, một tai
nạn giao thông đã làm cô tê liệt cả hai chân. Mùa hè vừa qua, khi cô còn
nằm trên giường bệnh, thì người yêu đã làm đám cưới với một cô con gái
khác. Điều đau lòng, cô gái này lại chính là cô bạn thân của cô bé.
Khi
được cha mẹ an ủi về những điều bất hạnh, cô bé bảo điều cô ân hận không
phải là cái kết thúc bi thảm của một cuộc tình tưởng chừng đẹp nhất, mà
chưa có lần được trở lại thăm La Nouvelle Orléans thời thơ ấu của cô. Cha
mẹ hứa nhất định sẽ đưa cô bé đi khi tình trạng đôi chân khá hơn.
Khi xem trên
truyền hình, cơn bão Katrina tàn phá New Orleans, nhìn thấy cả một thành
phố đẹp đẽ của cô ngày xưa bây giờ ngập trong biển nước, cô khóc nức nỡ,
vì biết rằng chẳng bao giờ cô còn nhìn thấy lại một La Nouvelle Orléans
của cô. Cô đã mất "quê hương thời thơ ấu" Cô cảm thấy mình có tội với New
Orleans, nên đêm nào trong giấc ngủ, cô cũng gọi: "
New Orleans ơi ! Xin hãy tha
lỗi cho tôi ".
Tôi
biết tên thành phố này khi còn ở Việt Nam. Khi ra tù, tôi mới biết ông anh
họ, con ông cậu của tôi, là một trong những người đầu tiên trong làng,
vượt biển. Trước kia anh là một hạ sĩ quan thông dịch, lương ba cọc ba
đồng. Sau đó không biết nhờ đường giây nào anh lại được "biệt phái" cho
công ty RMK của Mỹ. Chỉ vài năm sau anh trở nên giàu có, lấy một cô vợ gốc
Tàu Chợ Lớn. Vợ chồng có phần hùn trong hãng sữa Ông Thọ và nhà máy Xi
Măng ở Thủ Đức. Sau tháng 4 /75, anh nhanh chóng hiến hết tài sản cho nhà
nước để khỏi bị đánh "tư sản mại bản" và tình nguyện bỏ vốn liếng còn lại
thành lập một hợp tác xã "đánh bắt hải sản". Thấy anh sớm "giác ngộ cách
mạng", nhà nước chấp nhận thỉnh cầu và cấp giấy phép cho anh. Sau khi làm
lễ hạ thủy chiếc tàu máy đầu tiên, người ta không thấy anh trở lại.
Khi tôi về, cả làng nói về anh. Khen anh ta vừa khôn
ngoan lại vừa có tấm lòng. Cùng đi trên chiếc tàu của anh, có đến hai mươi
anh em bạn bè vừa cải tạo trở về, anh đã giúp cho đi theo không tốn một
đồng.
Định
cư ở New Orleans, nhờ có kinh nghiệm làm ăn ở Việt Nam, cộng với một số
vốn liếng mang theo, anh lập một tổ hợp công ty đánh cá. Anh mua mấy chiếc
tàu biển hiện đại, và kêu gọi tất cả những bà con đồng hương nào chưa tìm
được việc, về New Orleans cùng nhau làm ăn với anh. Chỉ hai năm sau, công
ty của anh phát đạt, anh trở thành một trong những người tị nạn giàu có
sớm.
Anh gởi cho tôi một số tiền, nói bóng gió là tìm mọi
cách vượt biên. Đừng lo lắng vấn đề kinh tế khi sang Mỹ. Anh sẽ bảo lãnh
cả nhà sang New Orleans để sống với anh. Hai năm sau, tôi cùng vợ con vượt
biển sang đảo Bataan, Phi luật Tân. Gởi cho anh mấy lá thư nhưng chờ mãi
không thấy hồi âm. Sau này, qua thư của một nguời bà con khác ở Cali, tôi
mới biết, trong lúc làm ăn, anh đã đụng chạm với băng KKK, nên phải bán đổ
bán tháo tàu bè, bỏ New Orleans, chạy mãi lên tận Detroit, Michigan, để
tránh tai họa. Rời trại tị nạn Bataan, tôi không đến nơi đã từng hẹn trước,
thành phố New Orleans, mà lại sang định cư tận một xứ Bắc Âu xa lạ. Không
biết có phải do một lần lỡ hẹn, mà cho mãi đến bây giờ, tôi vẫn không có
duyên mà chỉ có nợ với New Orleans.
Sau những đợt HO, bạn bè tôi tìm tới New Orleans khá
nhiều. Những sinh hoạt cộng đồng ở tiểu bang Louisiana, mà trụ cột là
thành phố New Orleans này rất thành công, nhờ vào nhiệt tình và lòng đoàn
kết của anh em. Louisiana là tiểu bang đầu tiên ban hành Nghị quyết Cờ
vàng. Lý Tống cũng "từ thành phố này.. người đã ra đi ".
Trong
số bạn bè ở New Orleans, tôi có hai người bạn thân thiết. Nhưng hai người
là hai mảnh đời khác biệt. Một người là bạn cùng đơn vị lúc xưa, nhanh
chân đến đây năm 75 cùng với những người Việt tị nạn đầu tiên. Kinh tế gia
đình vững vàng cũng như con cái đều đã thành công từ lâu. Đứa con trai lớn
là bác sĩ giải phẫu não bộ, tiền vào như nước. Cô con gái là quản đốc thư
viện trong một đại học danh tiếng. Bây giờ vợ chồng đi nhiều nơi xây chùa,
hưởng phước. Người thứ hai là bạn học cùng lớp, cùng quê Ninh-Hòa với bà
xã tôi, và cũng là nhà thơ mà tôi rất hâm mộ. Bởi tất cả những bài thơ,
tập truyện, anh đã viết thay cho nỗi lòng của những thằng lính, đã trải
qua thời kỳ nghiệt ngã như tôi. Anh chàng cùng gia đình sang Mỹ muộn màng
theo diện HO. Thời gian chưa đủ để lành những vết thương, thì hơi sức đâu
mà lo chuyện làm giàu, nên vốn liếng chỉ còn có tấm lòng, và gia tài chắc
chiu chính là những bài thơ buồn đứt ruột. Sau này tôi trở thành người bạn
già của anh. Tôi thích anh chàng, không phải chỉ vì tài thơ văn, mà lòng
còn nặng tình "huynh đệ chi binh" và cái tính lúc nào cũng tếu, hoàn cảnh
nào cũng cười thoải mái "lính mà em".
Sáng thứ bảy 27 tháng 8, tôi ngủ nướng, lúc thức dậy,
theo thói quen, bật TV, tìm đài CNN nghe tin tức. Dạo này sao thế giới có
nhiều biến động quá. Có tin cơn bão Katrina từ vịnh Mexico, qua Florida và
sắp sửa đổ bộ vào thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana. Ông thị
trưởng thành phố New Orleans rồi tới bà thống đốc tiểu bang Louisiana kêu
gọi dân chúng New Orleans phải rời khỏi thành phố, tránh bão. Tôi nghĩ bão
mà vào Florida và New Orleans, cũng chẳng khác gì một cô gái đẹp, khó tính
(cô nào đẹp mà chẳng khó tính ? ) bất ngờ ghé thăm người tình, không hẹn
trước. Có ghen tuông, hờn dỗi mấy thì lúc ra đi cũng chỉ làm chàng trai
tơi tả, buồn bã một đôi ngày rồi đâu cũng vào đó mà thôi. Cũng như mấy lần
trước, bão ghé thăm nhà thơ Vinh Hồ, nhà thơ Đường có tâm Phật của
Ninh-Hòa, cũng chỉ mang theo mấy cây bưởi, cây khế, chưa có khả năng làm
mất đi một "mảng vườn quê hương" mà nhà thơ đã mang theo từ Điềm Tịnh.
Tôi
gọi phôn cho hai người bạn. Nghe tiếng điện thoại reo, nhưng không ai bốc,
tôi cười, thầm nghĩ là hai cha này rút kinh nghiệm xương máu từ tháng
4/75, nên đã nhanh chân bỏ của chạy lấy người. Tôi bèn viết e-mail vừa hỏi
thăm vừa đùa (Hai hôm sau, tôi ân hận về cái đùa này lắm). Ông bạn cùng
đơn vị cũ, thì tôi biết chắc đã bay sang thằng con trai bác sĩ ở Dallas,
tôi bảo " thôi thì lâu lâu ông bà lên Dallas vừa bồng cháu nội vừa hưởng
tuần trăng mật". Còn ông bạn nhà thơ với bà vợ, vốn là người đẹp một thời
của quê quán Quang Trung, không biết đang trôi dạt về đâu. Trong cái mail
tôi còn hỏi đùa: " là lần di tản này có bi thảm hơn hồi di tản 75 không ?
" Còn dặn anh bạn trẻ nhớ làm một bài thơ chạy bão nữa chứ. Mấy tiếng đồng
hồ sau, tôi nhận đuọc e- mail của cả hai. Không hoàn toàn như tôi nghĩ,
ông bạn giàu kia không sống êm ấm ở nhà cậu con trai trên Dallas, mà lại
mang tiền cúng dường cho một ngôi chùa ở đâu đó trên Houston để cùng giúp
đỡ cho bà con cùng chạy nạn. Còn ông bạn nhà thơ thì cũng chạy thoát được
đến Houston, tá túc ở nhà một người quen tốt bụng. Trong hoạn nạn mà anh
vẫn cười như không, anh ta chỉ lo nước làm trôi mấy con dế sau hè, để mai
mốt anh về không còn nghe tiếng gáy, và cây bưởi chính tay anh trồng mới
vừa nở hoa trắng xóa chắc cũng đã bị "cuốn theo chiều gió"mất rồi. Đúng là
một nhà thơ. Hôm sau, bà con đọc được bài thơ BÃO RƯỢT của anh trên
website Ninh-Hòa. Tôi yên lòng mà thấy tội nghiệp cho anh.
Không ngờ chỉ hai hôm sau, khi xem truyền hình, tôi
thẫn thờ khi thấy cả thành phố New Orleans dần dần chìm trong biển nước.
Buồn hơn nữa, khi bên cạnh những thê lương chết chóc, là những cướp bóc,
hổn loạn. Lòng tôi thắt lại khi người ta gọi New Orleans đã chết, bây giờ
chỉ là một thành phố ma.
Khi đoàn xe quân đội đầu tiên mang theo lính cùng thực
phẩm cứu trợ mò mẫm theo những con lộ chính ngập sâu trong nước, "bơi" vào
thành phố, tôi nhìn thấy cây cầu Causeway nằm chơ vơ lạc lõng trên biển
nước mênh mông. Dường như nó là cái biểu tượng duy nhất mà tôi còn thấy
được của cái thành phố một thời đẹp đẽ và lãng mạn nổi tiếng của nước Mỹ.
Cây cầu mà nhà thơ Quan Dương mỗi lần lái xe qua là nhớ đến cây cầu Dinh
trong con phố nhỏ Ninh-Hòa. Tôi chạnh lòng khi thấy những chiếc trực thăng
bay trong mưa gió, thả xuống từng bao đá nhỏ để lấp chỗ vỡ của con đê ngăn
nước từ hồ Pontchartrain. Tôi có cảm giác vô vọng, như một ông bác sĩ đang
cố may lại vết mỗ của một người ung thư tới thời kỳ cuối cùng, trong cơn
hấp hối.
Tôi biết, như vậy là hết. Mãi mãi không bao giờ còn New
Orleans để tôi đến thăm như bao lần đã hẹn.
Ngay
từ khi mới sang định cư ớ Nauy, tôi được ông bạn đến New Orleans năm 75
gọi phôn sang thúc tôi và sẵn sàng tặng không tám cái vé máy bay cho vợ
chồng tôi và sáu đứa con sang thăm thành phố mà anh ta hết lời ca ngợi.
Lúc ấy tôi vừa học vừa làm, lại không muốn phiền lòng bè bạn, nên hẹn hai
năm sau. Hai năm sau gia đình tôi sang Florida thăm cô em con bà cô, theo
chồng sang Mỹ từ năm 70, và gởi lại đứa con gái lớn theo học ở đây. Dự trù
tuần cuối sẽ sang thăm gia đình ông bạn vàng ở New Orleans. Nhưng đêm
trước ngày lên đường, ông em rể bị cơn bệnh tim phải vào nhà thương cấp
cứu. Tình trạng nguy kịch, tôi không thể bỏ cô em lo lắng một mình (mặc dù
sau đó ở lại tôi cũng chẳng làm được việc gì). Đành lỗi hẹn với New
Orleans.
Năm sau cả nhà tôi sang Houston dự đám cưới của một ông
bạn khác, mà cô vợ là con ông bà chủ nhà ở phố Tuy Hòa, ngày xưa cả hai
thằng tôi đóng quân...nhờ trước mái hiên. Vợ chồng ông bạn New Orleans
cũng có mặt suốt mấy ngày, mang theo thêm một chiếc xe "van", áp tải bọn
tôi về dưới ấy. Nhưng hôm đám cưới bọn tôi gặp lại hơn hai trung đội bạn
bè đồng đội cũ, nhất định giữ bọn tôi lại Houston. Phe đa số thắng thế. Vợ
chồng anh bạn New Orleans đành phải ở lại với bọn tôi thêm mấy ngày, trước
khi xách xe không trở về tuyến xuất phát. Như vậy là lần thứ hai tôi lỡ
hẹn với New Orleans.
Hai
năm sau, cô con gái lớn ra trường, được một công ty ở Houston nhận vào làm,
vợ chồng tôi lại sang Houston và lại gặp anh bạn New Orleans lên đón. Mấy
năm sống ở Bắc Âu, bà vợ Ninh-Hòa của tôi không chịu nổi cái nóng mùa hè
của Texas, nên long thể bất an. Thay vì theo ông bạn về New Orleans, thì
bọn tôi rủ rê anh ta bay xuống Cali thăm đám bạn cùng KBC mới sang theo
diện HO. Tôi lên mặt thánh thiện, " nên đến với đám bạn bè cùng khổ ".
Động lòng trắc ẩn, nên anh bạn, thay vì bắt bọn tôi theo về New Orleans
thì lại đi theo bọn tôi xuống Tiểu Sài Gòn.
Sau
này chúng tôi có thêm ông bạn nhà thơ, gốc Ninh Hòa. Ngoài nhiều thứ tình,
anh ta còn chung thủy với một thứ tình có đủ thứ "bi hùng" là tình lính.
Hội hè nào có lính là có anh đứng hàng đầu. Mùa hè năm ngoái, Tổng Hội Cựu
SVSQ Thủ Đức đại hội tại New Orleans, bởi những cựu alpha đen ở Louisiana
là những con chim đầu đàn. Anh bạn nhà thơ "dành chỗ" cho vợ chồng tôi từ
giữa mùa đông. Cả nhà tôi sang Cali, để lo tìm chỗ ở cho ba cô con gái
đang làm việc ở đây. Đúng cái ngày hẹn lên với ông bạn nhà thơ, thì cũng
là lúc phải bám theo trả giá một cái nhà vừa ý cho mấy cô con gái. Đành
phải làm buồn lòng anh bạn nhà thơ và xin hẹn với New Orleans, rồi thế nào
cũng có một ngày tương ngộ.
Nhưng rồi, bão đi nhanh hơn con người. Mặc dù Katrina
không hề hẹn trước, vậy mà nàng đã đến sớm hơn tôi. Mang cái tên đẹp đẽ,
nhưng nàng lại là mụ phù thủy ác độc, chỉ trong phút chốc đã biến New
Orleans thành một bãi tha ma hoang địa, điêu tàn. Để hai người bạn thân
thiết của tôi phải có thêm một lần di tản nữa.
Còn tôi, sẽ mãi mãi là một người lỗi hẹn. Làm sao tôi
có thể tìm được quê hương của nhạc Jazz, mà Louis Armstrong đã trở thành
vĩ đại khi chọn nơi đây để khai sinh sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của mình.
Làm sao tôi có cơ hội để được đi bộ trên con đường Bourbon trong khu phố
French Quarter của cô bé người Pháp bị tê liệt đôi chân. Tất cả đã trở
thành huyền thoại.
Tôi biết, với sự
giàu có và vĩ đại của nước Mỹ, người ta thừa khả năng xây dựng lại một
thành phố mới trên New Orleans đổ nát, hoang tàn. Hai người bạn thân thiết
của tôi rồi mai này cũng trở về lại niệm kinh và làm thơ trên nền nhà cũ.
Thành phố mới chắc chắn to lớn hơn, sang trọng, hùng vĩ hơn. Nhưng đó
không phải là New Orleans, mà sẽ là một New New-Orleans lạ lẫm.
Tôi
nhớ lại cái tâm trạng trở lại quê nhà sau mười mấy năm biệt xứ. Tôi lạc
lõng giữa Sàigòn, với nhiều nhà cao tầng và những con đường tràn ngập
những chiếc xe gắn máy trong buổi trưa hè ồn ào, cháy nắng. Khó khăn lắm
mới băng qua được những ngã tư, cho dù có đèn xanh đèn đỏ, tôi vẫn không
tìm lại được "con đường Duy Tân cây dài bóng mát, buổi chiều công viên mây
trời xanh ngắt" thuở nào. Sàigòn bây giờ không còn là của tôi nữa. Còn New
Orleans, sau bao lần lỡ hẹn, mãi mãi trong tôi chỉ còn là cổ tích.
New Orleans ơi, La Nouvelle
Orléans ơi ! Cho tôi xin được nói một lời xin lỗi.



Phạm Tín
An Ninh
Vương Quốc Nauy
Olso, ngày 11.9.2005
Vương Quốc Nauy
Olso, ngày 11.9.2005
No comments:
Post a Comment