Đặng Châu Long
Nguyên Tiêu Tân Mão
Gian nan cuộc sống làm nhiều khi tôi như kẻ dại khờ, chẳng buồn
nói, chẳng buồn bon chen với đời. Cứ nhủ lòng gói ém dĩ vãng buồn đau
vào tận đáy lòng để những lúc vô vọng cùng cực tâm sự với giòng kỷ niệm
không thể nhạt nhòa này.
Mãi đến khi tôi được đọc hai bài viết của những người con Tuy
Hòa viết về Nguyễn Hữu Ninh, tim tôi nhói lại, nghe chừng như vừa bị đâm
vỡ khối ký ức chôn chặt lâu nay. Nhớ Ninh quá, nhớ bạn bè quá nên chẳng
cầm được lòng, gởi gắm đôi giòng nhớ về một thời vừa khó khổ, vừa đầy ắp
nghĩa tình.
Chúng tôi, bảy anh em theo thứ tự lớn nhỏ: Nguyễn Thế Hùng,
Nguyễn văn Lai, Nguyễn Thiện Tường, Nguyễn Hữu Ninh, Đặng Châu Long, Ngô
Ngọc Út, Nguyễn Đình Chiến gặp gỡ và thân thiết với nhau trong không
gian chật hẹp A30 từ năm 1979,80. Không chung đội, nhưng mỗi chiều,
chúng tôi lại cùng quay quần trên góc nhà, bên lon guigoz trà nấu vội,
tâm sự trò chuyện cho qua thời gian vô định đó.
Chúng tôi gọi Ninh bằng biệt danh Anh Tư Đồ, vì Ninh thứ tư
trong nhóm và bộ dạng thì như anh….Trương Chi : Đen đúa, mắt hom hem vì
bị hư một mắt trong chiến tranh, giọng nói rề rà như cụ đồ, Ninh cũng
lại từng theo học Hán Nôm ở Đại Học Văn Khoa.
Năm 1981, ngoại trừ Chiến bên đội Xây, Út bên Cấp Dưỡng, số
còn lại đều ở đội Củi, chuyên chặt củi cho Cấp dưỡng trại. Chúng tôi
hàng đêm về ngủ ở Sơn Thành, trong khu kinh tế mới của dân Phường 6 Tuy
Hòa, sáng lại ra núi Mái nhà đốn cây, ra củi.
Nhóm chúng tôi thường để Ninh làm gì thì làm, vì Ninh yếu thể
chất và cũng vì quí trọng một người bạn tài hoa trong âm nhạc. Trưa ngủ
trong rừng, chúng tôi có một giang sơn riêng và đó là thời gian êm đềm
nhất của chúng tôi. Ngày nào bẫy được sóc, chim, chuột thì bữa ăn rôm rã
hơn, còn không cũng…chẳng sao.
Trưa nằm đong đưa trên võng, mỗi khi nghe tiếng hát Ninh cất
lên chúng tôi đều im lặng, lắng lòng chừng như được đón một luồng gió
nhỏ hiếm hoi trong không gian oi bức này. Ninh thường hát những bài ca
do Ninh sáng tác trong thời gian đó, hoặc những bài trong liên khúc học
trò,Giao thừa khúc, Mừng năm Mới của Phan Ni Tấn, khi thì Nguyệt ca, Hoa
ngõ Hạnh…. Bao giờ cũng vậy, khi Ninh hát hình như Ninh sống trong một
thế giới khác, mắt lim dim như vào chốn vô thường. Mà sao lạ, giọng thổ
khàn nhựa của Ninh như chất chứa hết những khổ đau của cuộc đời, phả ra
tiếng kêu đau thương làm mọi người phải bồi hồi như nghe tiếng lòng của
chính mình. Chỉ lúc nào vui lắm, Ninh mới hát bài Trách Phận. Có lẽ
trong lòng Ninh bấy giờ không còn muốn trách phận nữa rồi.
Ninh viết nhạc cũng nhanh, miễn là có hứng thú và không gian
yên tĩnh là được.Nhớ lại vào cuối năm 1980, khi còn ở Đội 5, vào Giáng
sinh, Ninh vừa cuốc đất bên tôi, vừa hát đi hát lại bài
Noel Noel của Ninh vừa sáng tác, sau
đó, cả đội đều thuộc và hát được bài này. Khi tôi đọc về nghi án bài
Trách phận, tôi cảm thấy ngạc nhiên vì
Ninh dư sức ký âm bài ca mình, đâu cần nhờ đến người thứ hai, để bây giờ
lên youtube chỉ thấy tác giả là người khác, hoàn toàn chẳng có tên Ninh.
Gia tài âm nhạc của Ninh nào phải một bài đó mà hàng mấy mươi bài. Nhưng
xem khía cạnh bản tính của Ninh thì tôi tin rằng bài Trách phận Ninh
sáng tác ra để thỏa mãn mình, để mình hát …chứ không do một động lực
danh tiếng hay kinh tế nào khác, bởi thế nên Ninh cần gì trưng ra công
chúng một bản ký âm nào.
Có cùng sống với Ninh mới hiểu và thông cảm lối sống của
Ninh: lè phè, không bao giờ lớn tiếng, ít để ý những kiến thức mình
không cần đến (có lần chúng tôi bẫy được chú heo rừng con còn sọc dưa,
thế mà Ninh dám tuyên bố đó là heo hà nàm (!)) , Ninh nói ít như dành
giọng để hát, vì khi có ai cầm cây đàn thì Ninh như …mèo thấy mỡ, phải
cầm đàn và hát trước cho bằng được. Ninh là người theo chủ nghĩa bất vi,
đừng ai nhờ làm điều gì nếu không muốn sốt ruột, trừ phi chính Ninh muốn
làm điều đó.
Mỗi buổi sáng vào rừng, thường thì Mai Xuân Thi (một em tuổi
khoảng 16) hoặc anh Tường, anh Lai đi thăm bẫy. Chẳng ai nhờ đến tôi và
Ninh vì cả hai không có số sát thú, có đi thì cả nhóm cũng đói meo thôi.
A, có một lần. lần đó vào đầu năm 1981, hôm đó Ninh hẹn với bà xã vào
rừng mang theo đồ thăm nuôi nên cả nhóm giao Ninh thăm bẫy luôn. Ninh
thăm bẫy cả trăm mét mà chẳng thấy bẫy nào có cả, Ninh mới thầm vái ông
thần rừng cho có con mồi kha khá để về làm tiệc cho cả nhóm, chuẩn bị
tiễn anh Hùng, Lai, Tường được về nhà. Đi hết dây bẫy , không có, thất
vọng quay ngược về , bỗng Ninh nghe tiếng kêu cạnh đường bẫy, dò theo
tiếng, Ninh “cứu” được con cheo đang
vướng trong đám dây rừng, ngộ chưa.! Hai ba ngày sau, anh Tường lại vừa
chặt củi vừa ước, tôi làm cách anh khoảng 10m bổng nghe một tiếng đụi
thiệt to cạnh mình, nhìn kỹ thấy một chú khỉ mập mới té từ cao xuống.
Tôi nói với anh Tường “Có rồi”, anh chạy qua ngó mới tin là thật. Lại
một chuyện ngộ của hai thằng không sát thú !
Ninh thật đúng là tay vô sản đệ nhất. Thăm nuôi vào, mang lỉnh
kỉnh giỏ nọ túi kia, vào nhà là bắt đầu chia chác..đến chiều lại đi xin
quấn một điếu thuốc rê. Đúng là Ninh đã đạt đến trình độ….thỏng
tay vào chợ rồi. Nói vậy cũng đủ biết danh tiếng Ninh trong trại
thế nào. Cần là có, có khỏi cần. Sắc sắc
không không, sắc cũng được mà cùn cũng xong.
Tháng 10-1981, chúng tôi ra trại, lao vào cuộc sống đầy khó
khăn. Lâu lâu được tin nhau, khi thì Chiến đánh xe ngựa, khi thì đãi
vàng, khi ở rẫy Dục Mỹ, khi vào Vũng Rô, lúc lại đi buôn, trăm thứ bà
dằn. Ninh thì tàng hơn, xách đàn lang thang ca hát say sưa quên cõi ô
trọc, có khi theo Chiến vào Vũng rô, Dục Mỹ. Năm 2000 Chiến về Nhatrang,
Ninh theo vào coi đìa tôm, nhưng có lẽ không đúng nghề nên ít khi tôm
cua thấy được mặt ông chủ. Giai đọan này Ninh hay hát bản Đường xưa lối
cũ của Hoàng Thi Thơ, Đóa hoa vô thường của Trịnh Công Sơn. Mấy đứa con
của Chiến : Gạo, Cám, Quỳnh, Dao cũng được Ninh cho thọ giáo mấy bài
ruột này.
Có lần Ninh lò mò lên tôi giấc 10 giờ khuya. Nghe Chiến
báo, tôi chờ mãi, chờ mãi. Sáng sớm hôm sau thấy Ninh vào nhà, hỏi ra
mới biết tối qua , mới đến đầu ngõ, cách nhà tôi khoảng 50 mét, thì ra
say quá ngủ bên thềm người chị bà con của tôi.
Sau chuyến coi đìa về lại nhà, sức khỏe Ninh yếu dần. Đến
tháng 10-2003, gia đình tôi,gia đình Út và gia đình Chiến đáp tàu hỏa về
thăm Ninh. Trông Ninh tiều tụy quá, chúng tôi không cầm được nước mắt.
Chị Ninh cho chúng tôi hay mấy ngày nay Ninh đã lục tất cả những giấy tờ
có liên quan đến cuộc đời mình mang ra đốt. Có lẽ Ninh đã dọn sạch những
vướng phiền cỏi trần tạm bợ này để chuẩn bị cho chuyến đi định mệnh rồi.
Đang nằm mê mệt trên chiếc giường sắt kê gần cửa sổ nhà
trên, Ninh bỗng tươi tắn hẳn khi chúng tôi bước vào, Ninh ngồi dậy gọn
khô, bảo bà xã đi mua bia về mở tiệc. Chị Ninh ngần ngừ dù chưa bao giờ
thấy Ninh tươi tỉnh như hôm nay, nhưng sức khỏe của Ninh thì chị rõ hơn
cả, chị bảo có lẽ gặp lại chúng tôi bất ngờ như trong mơ nên Ninh mừng
như vậy. Thấy bà xã chần chờ không đi Ninh giục bằng giọng hơi gắt gỏng.
Chúng tôi buồn nẫu ruột, hội ý nhau thôi cứ chiều cho Ninh được thỏa dạ
lúc còn vui.
Ngày hôm ấy, chúng tôi, nhà văn Y Nguyên, Phan Tấn Ích đùa
vui, ca hát cùng nước mắt, Ninh cứ giành đàn –như lệ thường- ca hát như
chưa từng có bệnh với thần thái tươi tỉnh chưa từng có. Lại những bài
Đường xưa lối cũ, Đóa hoa vô thường… Những cuộc phân ly – hội ngộ trong
các bài ca sao hôm nay như thêm nhiều nước mắt. Tôi buồn rầu nhớ một lời
ca Ninh thường hát : Nghe con dế gáy, sao em
thương cái góc nhà. Ngoài kia, có người nào vừa mới thở dài, bây giờ đã
hoàng hôn hay chỉ mới sớm mai . Thôi thì cứ vui như chúng ta chưa
từng vui vậy.
Theo chúng tôi ra sân chụp ảnh còn có chị Ninh, bốn con
của Ninh: Vy Vũ Huy, Út, Ninh dường như muốn nói với chúng tôi điều gì.
Tôi quan sát vẻ chấp chới của Ninh mà tội nghiệp. Thôi thì coi như Ninh
đã nói rồi, tụi mình hiểu nhau quá mà, chẳng trước thì sau, anh em chúng
ta bày tiệc nối tiếp cuộc vui nơi chốn khác vậy.
Gần đến giờ tàu chạy, chúng tôi chia tay nhau mà không dám
tỏ vẻ buồn, dù linh cảm đây là lần gặp cuối.
Một tháng sau, tôi đang ở Sài Gòn, nghe Chiến báo hung tin
: Ninh đã ra đi lúc 9g00 sáng ngày Chúa Nhật 02-11-2003, nhằm ngày 09-10
năm Quý Mùi. Tôi vội cùng bà xã về nhà Chiến,gọi Út và thuê một chiếc xe
ra Hòa Hiệp chia tay Ninh lần cuối. Chuyến xe này cũng nhờ tài trợ của
anh bạn Cam Viết Luận bên Mỹ chuyển về khi Luận hay tin Ninh mất.
Dọc đường đi, Chiến và tôi cùng làm một câu đối, ghé nhà
sách nhỏ bên đường mua một tờ Croquis và một cây bút dầu đen để khi đến
nhà Ninh viết treo lên cho Ninh ở phảng phất nơi nào đó chia sẻ nỗi
niềm:
SINH BẤT PHÙNG THỜI, VƯỚNG NGHIỆP ĐAO BINH LỠ THẦY LỠ THỢ, MƯỢN CHÉN
RƯỢU TIÊU SẦU RÓT SAY SƯA ĐỂ QUÊN TRỜI QUÊN ĐẤT.
ĐÒ CHƯA THẤY BẾN, PHẢI KIẾP PHONG TRẦN TRÁCH THÂN TRÁCH PHẬN, GIEO TƠ
ĐÀN HÉO HẮT CHẲNG PHÔI PHAI NỖI NHỚ BẠN NHỚ ĐỜI
Đến Hòa Hiệp thì Ninh đã được an táng, chúng tôi cùng gia
đình Ninh đi bộ ra mộ mới đắp của Ninh. Bạn bè thắp cho Ninh tuần nhang,
tưới cho Ninh một chai rượu mạnh mua vội bên đường và đốt câu đối cho
Ninh thay lời từ biệt.
rồi đến lúc dây chùng, đàn vỡvàtiếng hát thiên thu bay xabão đã ngừng – mưa nhòa một thuởthôi cũng đànhviên mãn một tài hoarượu đã thiên chungthiên lý cũng từngkhuấy buồn điên đảochợ đời thỏng buôngbuồn nhau ngắn dài vài giọtđóa vô thườngvừa hé nở sáng nay .


Đặng Châu Long
Nguyên Tiêu Tân Mão
No comments:
Post a Comment