Wednesday, August 8, 2012

TRÊN BẾN SÔNG ĐẤT CŨ

Phong Vũ

alt Hình như có tiếng chuông chùa đâu đó vọng lại. Tôi lắng nghe âm thanh ấy giữa tiếng sóng ì ạp dập vào bờ. Tiếng chuông khi lãng vãng xa, khi cuộn lại gần theo triền gió sông thổi mát rượi. Chùa nào nhỉ? Tôi tự hỏi trong lòng !
Chiếc đò máy chở đầy các tà áo trắng nữ sinh, chầm chậm tách bến trên bãi sông trước mặt. Sóng nhấp nhô đưa đẩy các dề lục bình lên xuống. Tôi nhìn theo đò, rồi tầm mắt tôi đi xa hơn, bên kia bờ. Ồ đây rồi! Tôi nghe tiếng reo vui trong đầu. Tôi đã tìm ra phương hướng của tiếng chuông khi nãy!  Ngôi chùa Tiên Châu ánh màu vôi trắng trong nắng, hiện lờ mờ nhỏ bé bên kia cù lao An Thành. Vậy mà từ chiều đến giờ tôi đã không nhớ đến. Đợi khi có tiếng chuông vẵng qua sông mới đưa tiềm thức trở lại ngày xưa...
Tôi về và đang đứng nơi đây, bên bờ sông Cổ Chiên nước đục ngầu phù sa. Tôi đã về thật, hay là đang giữa giấc mơ tôi thường có. Bờ sông đã xụp lỡ nhiều nơi. Hàng kè xi-măng ngày trước không còn sắp hàng thẳng tắp nữa mà đã nghiêng ngã, đứt đoạn. Bến nước này, bờ sông tuổi thơ của tôi mấy mươi năm về trước nay đã thay đổi quá nhiều. Duy chỉ chuyến đò máy đưa người sang cù lao là còn hiện diện. Nhưng tôi biết, chiếc đò máy ngày xưa cũng đã mục nát, tiêu tan trong cát đất như trí nhớ tôi !
Buổi chiều xuống dần  trên sông. Mặt trời đang rải từng đóm than hồng hừng hực xuống nước. Những chùm bông tím lục bình đã biến màu xám thẩm. Tôi lại nghe tiếng chuông chiều vẵng qua từ bên kia sông. Tôi tự hứa, hôm nào mình sẽ sang cù lao thăm lại chùa.
                                                                                                               *         *         *
Từng nhát xuổng xắn chầm chậm xuống mộ. Tôi đứng yên nhìn những người phu đang làm việc. Gió đồng thổi vi vu, nhưng không xua nổi hơi nóng đang hầm hập trên đầu. Con lạch nhỏ nước chảy chậm rãi, đẩy đong đưa chiếc cầu khỉ bắc ngang. Tôi đã khá chật vật khi phải bước qua nó để vào thửa đất có ngôi mộ của cha tôi.
Em gái tôi đưa bó nhang thơm đã thắp sẵn:
- " Anh Hai đốt nhang cho ba đi. Khấn ba để mình đem cốt về !"
Tôi cầm bó nhang ngồi xuống đầu mộ. Khói bay lãng vãng theo gió, mùi thơm trầm nằng nặng. Tôi nhìn chiếc bia đá đã lu mờ hàng tên họ. Tôi nhìn nấm mộ trát vôi đã long tróc nhiều nơi. Mắt tôi chợt ướt :
- "Ba ơi! Con về đây ba. Con bất hiếu bỏ nhà bỏ cửa, bỏ ba má, bỏ các em để ra đi một mình. Bây giờ con về đây thì ba má đã mất. Ba ơi, tha tội cho con..!
Tôi nghe tiếng khóc sụt sùi của các người em. Tôi nghe tiếng các người phu nói chuyện với nhau:
- "Có mấy xương sườn bị gãy. Chắc ổng bị đánh khi ở trong tù".
Họ nói về cha tôi chăng? Tôi quay lại thì thấy cô em gái đang thầm thì chi đó với họ, rồi các người phu im lặng. Tuy nhiên tôi thấy ánh mắt họ len lén nhìn tôi. Tôi muốn hỏi em gái tôi về những điều họ vừa nói, rồi lại thôi. Gió thổi rì rào trên cánh đồng. Có tiếng lá tre reo lao xao trong nắng. Tôi thấy mây trắng trên trời nghiêng đầu nhìn xuống đoàn người đi lấy cốt, rồi thong dong bay đi. Tôi nghe tiếng lạch phạch của các tàu lá chuối. Tôi nghe tiếng vi vu muôn đời của cánh đồng rộng. Nhưng tôi không nghe tiếng cha  trả lời tôi. Người có tha tội tôi không?
Hài cốt được rửa thật sạch bằng rượu đế và đặt vào một chiếc tỉnh nhỏ. Tôi ôm chiếc bình đựng những gì còn lại của cha tôi, bước theo đoàn người ra về. Bờ đê đất nhấp nhô vết chân trâu. Những bụi chuối xanh mơn lá, rách nát vì gió nhưng vẫn phe phẩy như chào từ giã . Tôi nghĩ đến kiếp người dân quê nơi đây. Họ quá nghèo, nghèo rách tươm như tàu lá chuối đó. Nhưng họ vẫn ham sống, và quyến luyến ruộng vườn. Có mùi thơm của hoa bưởi phảng phất bên hè nhà ai. Tôi ngửi mùi nồng nồng của của rơm rạ mục. Mùi hăng hắc của các chuồng trâu trong bìa vườn. Cả mùi ngai ngái của đất ở thửa ruộng bên kia.
Cây lá xào xạc điệu nhạc thôn dã. Lúa uốn lượn theo gió thổi, vẫy sóng nhấp nhô như một vùng biển vàng. Tôi muốn ở lại đây mãi, để ngắm cảnh đồng quê. Có vài cánh cò trắng đáp xuống trên ngọn bần trước mặt. Bóng vài đứa bé cầm ná thung rình rập bên kia bờ dừa nước. Chúng rình gì thế nhỉ? Dừa nước nơi đây mọc bạt ngàn hai bên bờ. Chen lẫn là các bụi bần, gừa tuôn rễ  rậm rạp. Tôi có đi ngang nơi này trước kia chăng? Trong đêm tối vượt biên?
Thế là ba tôi được gần bên má tôi. Hai ngôi mộ  lát đá hoa nằm song song như chứng tích của một thế hệ đã qua. Thế hệ của ba má tôi đầy những khổ đau của đất nước. Tôi được sinh ra trong một thôn xóm heo hút trong mút ngọn kinh Phú Quới, nơi ba má tôi tản cư tới. Nơi đây tàu Tây không vào được vì lòng kinh hẹp và cạn. Tôi nhớ má tôi kể lại rằng, những bận lính Tây càn, ba tôi phải gói tôi vào chiếc khăn lớn, rồi vừa lom khom chạy dọc theo ngọn lạch trong đồng, vừa phải xách tôi là sà dưới mặt ruộng vì sợ trúng đạn đang bắn khắp nơi.
Khi ấy ba má tôi trong đoàn thanh niên xung phong. Thời của tầm vông vạc nhọn chống Tây. Tình yêu của hai người cũng đầy trắc trở. Gia đình ba tôi đơn sơ, nhưng bên ngoại lại giàu có, nhiều ruộng vườn. Ông ngoại không đồng ý gã con cho một thanh niên nghèo như cha tôi, lại đi kháng chiến. Nhưng phong trào yêu nước đánh Tây đang sôi nổi khắp nơi. Mẹ tôi tình nguyện vào đoàn cứu thương của huyện nhà, và bôn ba khắp bưng biền với cha tôi. Ông ngoại giận dữ và tuyên bố từ mẹ tôi. Bà ngoại ngăn cản, khóc lóc nhiều đêm xin ông thương con, nhưng Ngoại vẫn không thay đổi.
Nhiều tháng trôi qua, một hôm tàu sắt của Tây về hàng đoàn trên vàm sông lớn. Họ tổ chức một trận càn quy mô vào vùng. Súng nổ vang rền khắp nơi. Nhiều làng xóm bị cháy rụi vì bom lửa. Gia đình Ngoại tản cư về gần chợ Vãng, Vĩnh Long bây giờ. Buổi chiều hôm sau, có một người quen hốt hoảng chạy báo tin với Ngoại là thấy ai như cô Tư Cúc (má tôi) và hàng chục người khác đã bị lính Tây xử bắn và phơi xác trước bờ sông dinh tỉnh trưởng.
Ông ngoại chết điếng ngồi một chỗ không nói năng. Tội nghiệp bà ngoại khóc thảm thiết và tất tưởi biểu cậu Út chèo ghe đưa ngoại xuống xin xác con về.
Đến chiều, người ta thấy ông ngoại vẫn ngồi yên ngoài sân, mắt ông nhìn trừng trừng ra sông, hằn sâu vệt nước mắt. Đêm đến ghe ngoại về tới bến nhà, ông ngoại chợt vùng dậy xách đèn chạy xuống đón con. Nhưng người nhà nín bặt ngẩn ngơ vì chỉ có Ngoại và cậu Út, chớ không thấy xác đâu. Bà ngoại vẫn khóc và đi thẳng vào nhà. Riêng cậu Út bình tỉnh nói:
- "Không phải chị Tư. Tội nghiệp người nào đó, hổng biết ở đâu mà giống chị Cúc hết sức!"
Ông ngoại thở phào, đặt đèn lên bàn và bảo cậu Út:
 -" Ngay sáng mai, Mười mầy chèo ghe vô Phú Quới, ngược lên An Phú Thuận, rẽ qua Giáp Nước, nhắn người ta nói với thằng Hai Chiêu (ba tôi) về đây gặp tao. Tao thuận gã con Tư cho nó đó."
                                                                                                                         *          *             *
Tôi ngồi trên ghế một mình trong quán cà-phê Hoa Nắng. Các người em của tôi đã trở về nhà sau một ngày mệt nhọc bốc mộ cha tôi. Ly dừa tươi đã tan hết nước đá, kéo theo những vệt nước loang lỗ xuống mặt sàn ván. Tôi chưa muốn về nhà đứa em gái vội, dù rằng thân thể tôi đang đầy cát bụi và rít ẩm mồ hôi.
Tôi muốn nhìn lại hoàng hôn trên dòng sông Cổ Chiên. Tôi muốn tìm lại chút mất mát của trí nhớ về cuộc đất này như khi tôi còn ở California. Tôi muốn tìm lại khoảng trống ký ức nào về đất Vĩnh Long  mà bao lâu tôi không còn nhớ? Tôi muốn dò lại dấu chân ngày xưa khi tôi và đồng bạn kéo nhau xuống đò, trong ngày có giờ nghĩ học. Tôi muốn tìm lại chiếc dép đứt quay của cô bạn nhỏ ngày xưa, khi cô ấy trợt chân xuống vũng bùn trên bến lúc đang lò dò bước xuống đò. Nhưng khoảng nào chứ? Bờ sông chắc đã bồi lỡ bao lần. Nơi đây ngày xưa chưa có tiệm cà-phê này. Cũng chưa có những hàng quán nằm dọc theo sông. Ngày trước nơi đây là những thảm cỏ xanh chạy dài...
Tôi quay lại nhìn bức tường gạch vôi trắng chạy dài song song với bờ. Đó là hàng rào của ngôi biệt thự kiểu Pháp bên trong, dinh tỉnh trưởng cũ. Trí óc tôi lại lang mang về những kỷ niệm bên kia bức tường ấy. Ngày còn ở Tiểu học, tôi thường vào đó một mình, sau khi đi ngang chiếc cổng gác có hai người lính lúc nào cũng ôm súng đứng im lặng. Tôi vào chơi với đứa em gái họ, con của dì tôi. Dượng tôi làm việc trong ngôi dinh thự ấy.
Tôi nhớ đến hàng cây sao cổ thụ phía sau dinh, với những trái có đôi cánh, xoay tròn như chong chóng trong gió khi rụng. Chúng tôi lượm trái sao, quăng lên cao xem chúng nhẹ nhàng rơi xuống. Rồi chúng tôi lại lẽn qua sân quần vợt bên kia hàng lưới kẻm. Tôi mê những trái banh tenis màu trắng tinh, nằm lạc trong các bụi cây, mà người chơi đã quên lượm về. Chúng được vào nằm yên trong túi quần sọt của tôi, và sẽ là  banh đá trong giờ chơi khi tôi đến trường.
Những kỳ lễ Quốc khánh, nơi bến sông này lại rộn rịp các trò ngoạn mục. Tôi nhớ những chiếc thuyền đua hẹp và dài ngoằng như những con cá lìm-kìm. Họ thoang thoát bơi tranh giải trong tiếng nước réo rầm rập. Người trên thuyền hò hét, khuấy dầm xuống nước nhịp nhàng  theo từng tiếng trống hiệu.  Thuyền sơn đủ màu khác nhau loè lẹt. Toán người đua cũng mặc áo đồng màu với thuyền. Một khúc sông khác, náo động với tiếng kêu la của bọn người đang tranh nhau bơi xuồng, chèo ghe, và cả những kẻ lội dưới nước rượt đuổi  bắt đàn vịt vừa được thả, đang hốt hoảng bơi tứ tán trên sông. Rồi tối đến  là hội hoa đăng rực rỡ. Chen lẫn vào pháo bông là các trái hỏa châu cũng được phóng lên. Có lần tôi đã lượm một chiếc dù trắng nhỏ rơi vướng vào cành sao...
Tuy nhiên có một điều gì đó, tôi vẫn chưa nhớ ra về bờ sông này. Một điều mà trong tâm khảm tôi nó luôn hiện diện, dù rất mơ hồ của thế hệ ba má tôi ngày trước. Tôi vẫn không nhớ được !
                                                                                                              *        *         *
Tiếng một đứa trẻ vang lên khiến tôi giật mình, trở về thực tại:
-" Chú ! Chú làm ơn mua dùm con mấy tờ vé số nghe.."
Tôi nhìn nó đang đứng e dè bên cạnh bàn. Dáng nó gầy còm, khoảng mười mấy tuổi, bận áo thun cũ và chiếc quần cụt đen. Mồ hôi nó rịn từng dòng trên khuôn mặt sạm nắng. Tôi vừa lấy tiền trong túi ra vừa hỏi :
 -" Cháu có đi học không? "
 -" Dạ, con đi bán vé số để nuôi mấy đứa em, nên không đi học được."
Tôi thấy cay cay trong mắt:
 -" Ba má cháu đâu? Nhà còn mấy đứa em?
 -" Dạ má con gánh chè đi bán ngoài nhà lồng chợ. Mấy đứa em con gởi bà ngoại, còn Ba con đi   học tập không về.."
Tôi không nén được nỗi bùi ngùi. Tôi thoáng nghĩ đến các em tôi ngày trước có phải quá vất vả thế này không, khi cha tôi còn trong trại tù cải tạo? Tôi đưa nó hết sấp tiền Việt Nam còn trong túi và lấy một tấm vé số cho có. Trong ánh đèn vàng loáng thoáng, tôi thấy nó hân hoan đếm sấp tiền trên tay, đút vào túi cẩn thận, rồi bước ra đường để qua quán kế cận. Những bóng đèn màu vẫn thản nhiên nhấp nhánh dưới các bảng hiệu. Trong tiếng nhạc bập bùng, tôi lại nghe tiếng nó văng vẵng : "Chú bác làm ơn mua dùm con tờ vé số ..." .
Tôi trả tiền nước rồi bước ra đường. Gió sông thổi mát rượi. Vòm sông đen ngòm. Thấp thoáng vài ánh đèn của những chiếc ghe câu trôi chầm chậm ngoài xa. Tôi bước theo triền sông. Nơi này sông Cổ Chiên tẻ ra một nhánh nhỏ chảy qua cầu Thiềng Đức, xuống làng Long Mỹ, rồi đến Long Hồ.
Qua một gốc sao già mọc gần bờ, tôi chợt nhớ đến điều mà tôi moi óc cố nhớ từ chiều đến giờ: "Nơi đây, bờ sông này là nơi bà ngoại đến tìm xác con mình nửa thế kỷ về trước, và sau đó ba má tôi cưới nhau, và bây giờ tôi quay lại ngay điểm khởi đầu đó !
* * *
Tôi rẽ qua con đường nhỏ lát gạch, dẫn vào cổng chùa Tiên Châu. Khi tôi còn ở Tiểu học, ngôi chùa này đã có nơi đây bao giờ. Nghe vị sư già trong chùa kể rằng, ngôi phật tự này được dựng lên từ cuối thế kỷ 19. Lúc đó  tên là chùa Di Đà và do Hoà thượng Đức Hội lập nên. Riêng khu mặt tiền hiện nay thì được trùng tu lại từ những năm 1960...Chùa có hình dáng một ngôi tháp cao chính giữa, và hai tháp nhỏ hai bên. Kiến trúc ảnh hưởng các ngôi chùa bên xứ Cao Miên.
Nơi đây thuở nào là một khoảng trời bao la của tuổi trẻ tôi. Những ngày không có giờ học, tôi lại cùng lũ bạn kéo nhau qua đây. Chúng tôi thường bảo nhau đi mạo hiểm chân trời mới !
An Thành là một cù lao dài ngăn đôi dòng sông Tiền Giang thành hai ngã Cổ Chiên và Mỹ Tho. Nơi đây có nhiều vườn mận, nhãn, chôm chôm, vú  sữa...Chúng tôi thường đi theo con đường đất chạy len lõi giữa các vườn cây. Hay đi qua các cầu cây ngang các con rạch nhỏ. Chúng tôi mua mận, vú sữa rồi vừa ăn vừa trững giởn, nô đùa, chụp ảnh. Tuổi trẻ thời ấy quá vô tư. Chúng tôi không biết rằng, chiến tranh đã gần kề thành phố.
Chúng tôi không thấy được nỗi băn khuăn của cha mẹ. Tôi không hiểu nỗi lo âu của ba má tôi - rồi tôi cũng sẽ bị lôi cuốn vào cuộc chiến như họ. Chiến tranh vẫn tiếp tục kéo dài. Trước kia gần nửa thế kỷ, ba má tôi đã chọn sự ở lại bên này vì tương lai của con mình. Họ đã chọn cuôc sống tự do. Ba má tôi về thành phố sinh sống lập nghiệp. Và chiến tranh hình như đã được hiệp định ngừng bắn 1954 xoá mờ một vài năm, để rồi sau đó khốc liệt hơn và qua một giai đoạn khác của đời con mình. Và ba tôi cũng đã kiệt sức lìa đời sau mấy năm trời trong trại tù cải tạo  vì tội danh đã vài lần đi tu nghiệp bên Mỹ.
                                                                                                                              *      *       *
Bên này sông, nhìn sang bên kia bờ. Thành phố Vĩnh Long hực sáng trong màu nắng xế. Các cao ốc hiện đại nơi bờ sông như tranh chỗ với các hàng cây sao của quá khứ. Tôi chưa muốn xuống đò vội. Tôi muốn ngồi nơi gốc dừa này, chờ đến buổi chiều để nghe tiếng chuông chùa thật rõ.
Tôi muốn nhìn thấy ánh ráng hồng của buổi chiều trên sông, và nhìn thành phố lên đèn khi tối xuống. Tôi đưa mắt dõi theo bờ sông dài, tìm xem nhà cũ tôi ở khoảng nào? Ngôi giáo đường và khu trường Nguyễn Trường Tộ nơi  gần nhánh sông chẻ ba chảy vào cầu Lộ. Nhà tôi cũng gần đâu đó trên khu nhà thờ Chính toà, con đường Lê Thái Tổ. Tôi chợt nghe nỗi buồn dâng lên - Nhà tôi ư? Không, nhà tôi đã không còn nữa sau đợt đánh tư sản. Cũng như ba má tôi đã không còn nữa. Tất cả đã đổi thay, mất mát, kể cả những tên đường ngày xưa.
Ngày mai tôi lại đi. Tôi đi hay về? Tôi sẽ đi về hiện hữu. Nơi tôi đang đứng là quá khứ. Nhưng là một thứ quá khứ không bao giờ quên được. Một thứ quá khứ luôn chợt sáng trong những đêm khuya tối tăm mất ngủ. Một thứ quá khứ luôn hiện diện song đôi với tương lai. Và tôi biết rằng, về lại bên kia Thái Bình Dương, nơi xứ Mỹ Châu mịt mùng, thì một nửa đời tôi vẫn còn ở lại bên này, miên viễn...
 Phong Vũ

No comments:

Post a Comment