Vừa
ra khỏi xe, Sinh chợt rùng mình vì một cơn gió đông lạnh buốt thổi
qua. Kéo cao bâu áo khoác, Sinh bước vội về phía một quán ăn Việt
Nam. Cali vẫn còn trong mùa đông, trời tối mịt dù chỉ mới sáu giờ chiều,
vài tiệm chung quanh đang sửa soạn đóng cửa.

Sinh đẩy nhẹ cánh cửa kiếng mở vô quán, ngó một
vòng quanh mấy cái bàn nhỏ bên trong. Chàng mỉm cười khi nhận ra Thu
đang ngồi ở một bàn trong góc. Thu cũng chợt nhận ra Sinh nên vội vàng
đứng dậy, mở rộng vòng tay:
-Sinh phải không?
-Chớ còn ai nữa. Vừa cười, Sinh vừa quàng
nhẹ lưng Thu, đáp lại cái vòng tay rất âu mỹ của cô bạn thời trung học,
mới tìm gặp sau mấy mươi năm xa cách.
Thu gọi người hầu bàn tới lấy “order”. Sinh nhanh nhẹn nói:
-Cho tôi một bún chả giò tôm cua với một trà nóng.
-Còn tôi thì hủ tíu khô, bánh dai và…
-Một sô đa sữa hột gà, phải không? Sinh cướp lời.
Thu mở to mắt, chớp chớp đôi ba cái, giọng đầy cảm xúc:
-Sinh nhớ dai quá vậy!
Bấy giờ, Sinh mới có dịp nhìn kỹ gương
mặt Thu. Cho dù được che dưới lớp phấn trang điểm, làn da người đàn bà
“over the hill” vẫn tựa như vỏ cam héo. Không còn nữa cái nước mịn
màng, căng bóng của lứa tuổi xuân thì. Một chút bùi ngùi cho đôi mắt to
tròn đã in “dấu chân chim” và cũng không còn đen lay láy.
Thu chợt đánh nhẹ lên lưng bàn tay Sinh:
-Thu có phải là bệnh nhân đâu mà Sinh
quan sát dữ vậy! Thu già quá rồi phải không? Để Thu ngắm Sinh thử
coi. Tóc có nhuộm không mà còn đen nhánh vậy? Ừm! Ông bạn già của Thu
hãy còn “bô” lão ghê. Sao? Nói cho Thu nghe, mấy chục năm nay chắc
bác sĩ làm ăn khấm khá lắm, phải không?
Sinh cười dòn:
-Cái tật hay nói chơi vẫn không bỏ. Nè!
Công của Sinh từ San Jose xuống Little Sài Gòn này, Thu phải dành cho
Sinh tiết mục gì đặc biệt chớ.
-Lo gì dữ vậy? Thu nguýt một cái. Để Thu đưa Sinh về khách sạn đã.
Ăn xong. Sinh lái xe theo Thu tới khách sạn chỉ cách đó vài ngã tư. Thu ngồi nơi đại sảnh chờ Sinh làm thủ tục.
-Xong rồi. Vẫn nụ cười cố hữu trên môi Sinh.
Thu đứng dậy nói:
-Bây giờ Sinh về phòng nghỉ đi. Ngày mai
Thu tới đón Sinh đi ăn sáng. Mà nè, xin lỗi vì có nhà mà lại không thể
mời bạn về nghỉ qua đêm được. Ai kêu ông không dẫn bà xã theo. Tui ở
nhà có một mình, chứa ông trong nhà, cô nam quả nữ, rủi bà xã ông ghen
thì tội cho bà già này.
Sinh vội đỡ lời:
-Không có gì đâu Thu. Tại lần này bà xã đang đi thăm ông bà nhạc. Lần sau bọn mình sẽ tới phá cơm nhà Thu.
Thu mở xách tay lấy ra một tờ giấy in quảng cáo:
-Đây, đêm nay đọc trước cái này đi. Tối mai Thu đưa Sinh đi nghe nhạc. Thu về nghe. Ngủ ngon.
Thu quay lưng đi rồi, Sinh cũng kéo va li
về phòng, lòng thầm nghĩ: “Tội nghiệp Thu, hồng nhan bạc phận. Chồng
mất sớm. Bây giờ con cái lớn khôn, đi tản mạn. Thu sống một mình đơn
chiếc”.
Tắm rửa xong, Sinh ngả
lưng trên giường, cầm “remote control” lên, định mở TV. Sực nhớ tới
buổi coi nhạc tối mai, Sinh vói tay qua cái bàn nhỏ cạnh đầu giường lấy
tờ quảng cáo do Thu đưa. Hàng chữ to, in bay bướm: Buổi Ra Mắt CD của Thiên Thanh. Sinh
thiệt bàng hoàng, mắt ngó trân trối cái ảnh bán thân của người nữ nhạc
sĩ Thiên Thanh trên tờ quảng cáo. Có phải là Ngọc Mỹ, là “cố nhân”
không?
Khi Thu tìm được Sinh qua “white page”,
Sinh đã nghĩ tới Ngọc Mỹ, vì ba người có một thời lui tới với nhau khi
còn học chung lớp. Dù cả Sinh và Thu chưa bao giờ nhắc tới Mỹ, nhưng
Sinh không thể hiểu do vô tình mà Thu mời chàng đi coi buổi ra mắt nhạc
của Thiên Thanh, cô bạn Ngọc Mỹ của ngày xưa hoa mộng.
Sinh đứng dậy mở màn cửa nhìn xuống phố.
Đường khuya, xe qua lại lác đác. Sinh thở dài. Ngỡ là đã quên nhưng
mấy ai quên được “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Cái thuở Sinh hãy còn là một chàng trai mười sáu
đầy mộng mơ, dâng trọn trái tim nồng cháy cho người con gái diễm kiều
mang tên Ngọc Mỹ. Ai nói tình yêu của lứa tuổi mới lớn là thứ tình vu
vơ. Riêng Sinh, mối tình dành cho Mỹ tuy hồn nhiên nhưng vô cùng mãnh
liệt. Chưa một lần nắm tay, chưa một lần hẹn hò riêng rẽ, nhưng hai tâm
hồn non dại đó dành trọn cho nhau như đã yêu tự kiếp nào. Những tình
cảm chan chứa gói kín trong lời thơ tiếng nhạc trao cho nhau, tưởng suốt
đời này mãi mãi chẳng rời xa, tưởng luôn luôn xanh thắm như màu thiên
thanh mà cả hai cùng yêu thích.
Kéo màn cửa lại, Sinh lên giường, cố dỗ
giấc ngủ. Phải chăng vì lạ giường, lạ chỗ mà giấc ngủ không yên, mộng
mị chập chờn.
Ăn sáng xong thì cũng đã
gần giữa trưa, Thu đưa Sinh đi lòng vòng trong khu Phước Lộc Thọ. Thiệt
ra chỉ là để có giờ chuyện vãn cùng nhau, chớ cũng không mua sắm gì.
Đi một lát, Sinh thấy Thu che miệng ngáp, Sinh lại cười:
-Chưa bỏ được tật ngủ giấc trưa, phải không?
Thu đập nhẹ lên vai Sinh:
-Toàn là nhớ mấy cái tật xấu của người ta không hà.
-Nhớ nhứt là đôi mắt đỏ ngầu của Thu mỗi khi vô lớp chiều sau giấc ngủ trưa.
Đôi môi Thu lại phụng phịu như những ngày còn đi học:
-Thôi, không nói nữa đâu.
-Vậy thì đi về ngủ một giấc đặng tối nay thức khuya coi nhạc. Sinh đẩy vai Thu đi ngược lại để ra cửa.
Hai người im lặng trên suốt quãng đường
về. Vì buồn ngủ, hay vì mỗi người cứ mải theo đuổi ý nghĩ riêng của
mình. Kỷ niệm đã xa mà tưởng như mới hôm qua, Sinh còn mặc quần xanh áo
trắng tới trường. Mỗi khi nhớ về những ngày tháng cũ, cho dù lòng Sinh
không còn cái rạo rực của thời trai trẻ, nhưng chàng cũng không sao
ngăn được nỗi xuyến xao.
Khi gần tới khách sạn, Thu chợt hỏi:
-Vì sao vậy Sinh?
Sinh hơi giựt mình:
-Vì sao cái gì?
-Vì sao hai người chia tay, lỗi tại ai?
Sinh ngập ngừng:
-Lỗi tại… Sinh.
Chiếc xe đã đậu lại trước cửa khách sạn,
Sinh cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải tiếp tục câu chuyện này với Thu
nữa. Sinh bước vội xuống xe, rồi mới quay lại nói vói:
-Ngủ trưa đi, chiều nay Sinh tự ăn tối. Sinh sẽ rước Thu tại nhà lúc sáu giờ.
-O.K! Thu đưa tay ngoắc ngoắc rồi lái xe đi.
Sinh dùng thang máy lên phòng. Khóa trái
cửa lại, chàng ngồi phệt xuống chiếc ghế cạnh giường. Sinh chầm chậm
cổi giày ra. Lần tuột chiếc vớ bên chân trái, tay Sinh vuốt nhẹ theo
vết thẹo chạy dọc ống quyển. Vết thẹo do cuộc phẫu thuật chỉnh lại
xương chân, giúp cho Sinh không phải đi đứng khập khiễng như thời còn đi
học.
Sinh đăm chiêu nhìn một góc tường. Khi Thu hỏi chàng lỗi tại ai, Sinh đã định trả lời: “Lỗi tại đôi chân của Sinh”.
Sinh lắc đầu nhè nhẹ, mong xua đi tư tưởng
này. Đã nhiều lần, Sinh không muốn nghĩ đôi chân khập khiễng của mình
lại là trở ngại cho tình yêu thắm thiết giữa chàng và Ngọc Mỹ. Nhưng
nếu không vì việc này thì vì sao mà Ngọc Mỹ nói lời chia tay với Sinh,
trong lúc mối quan hệ của hai người đang tiến dần tới tình cảm sâu đậm?
Sinh khó lòng quên được những câu nói đầy ngụ ý của Ngọc Mỹ hôm chia
tay:
“Lúc Sinh tới nhà Mỹ, hai bà chị đứng
trên lầu ngó xuống đã thấy hết. Mỹ nghĩ là hai người mình không hợp
nhau. Mình không có sở thích giống nhau. Sinh không đánh tennis, Sinh
không chạy bộ”.
Hai bà chị thấy gì? Có phải Mỹ muốn ám
chỉ cái chân khuyết tật của Sinh không? Một lần té ngã, Sinh bị gãy
xương chân trái. Sau khi mở bột ra thì chân này trở nên ngắn hơn. Sinh
phải mang những đôi giày đặt làm riêng cho mình, để bước đi được cân
bằng. Nếu ai không để ý thì không nhận ra. Có lẽ lúc đầu Ngọc Mỹ cũng
không biết, nên đã vô tư dành hết tình cảm cho Sinh. Nhưng khi phát
hiện ra, thì cái mộng đẹp đẽ của nàng vỡ tan.
“Mỹ thấy là tình cảm của mình sẽ không
tiến tới đâu hết. Mình nên chia tay, dù rằng Mỹ sẽ không bao giờ quên
tình cảm đầu đời này của Mỹ”.
Mỹ đã quay lưng đi rồi, nhưng câu nói “Mỹ sẽ không bao giờ quên” đã theo Sinh suốt đời, như bài nhạc Mãi Vẫn Không Tàn với hòa âm non nớt mà Mỹ tự sáng tác tặng cho Sinh trong những ngày hai đứa mới quen nhau.
Lòng Sinh quặn đau như từng khúc ruột
đang xoắn lại. Nghĩ riết càng thêm buồn. Sinh ngã vật lên giường rồi
ngủ quên lúc nào không hay.
Khi Sinh tỉnh dậy thì đã
gần bốn giờ chiều. Tắm xong, Sinh thay áo xuống phố ăn qua quít một
cái bánh mì rồi chuẩn bị đi đón Thu.
Đường từ khu Little Sài Gòn tới hội
trường Carpenter của Đại Học Long Beach chỉ mất khoảng nửa giờ. Sinh
lái xe chầm chậm, cùng Thu nói cười vui vẻ, ôn lại những kỷ niệm thời đi
học. Dù cố gắng không đề cập tới Ngọc Mỹ, nhưng cuối cùng thì Sinh
cũng phải hỏi Thu một câu:
-Thu gặp lại Mỹ hồi nào?
-Có gặp hồi nào đâu? Thu cao giọng trả
lời. Thu chỉ nhận ra Mỹ qua quảng cáo thôi. Đây là buổi ra mắt album
nhạc thứ ba của Mỹ. Ngay từ CD đầu, Mỹ đã thành danh. Nhưng tới CD thứ
hai, Thu mới biết, nhân nghe radio giới thiệu nhạc sĩ và nhạc khúc
mới. Hôm nay Thu cũng muốn đi coi thử ra sao. Chắc Sinh chỉ biết lẩn
quẩn với bệnh nhân thôi, chớ đâu theo dõi gì “thế sự”, phải không?
Nói xong, Thu cười khanh khách.
Sinh dừng xe lại để lấy vé vô bãi đậu, nên giả vờ như không kịp trả lời Thu.
Khi vô trong thì hội trường với cả ngàn chỗ đã đầy kín khán giả. Vừa ngồi xuống, Thu lên tiếng phàn nàn ngay:
-Tưởng vé danh dự thì ngồi gần thấy cho rõ, té ra gần quá lại không nhìn được bao quát sân khấu.
Sinh giúp Thu cổi chiếc áo khoác, rồi ôn tồn nói:
-Chỗ này tốt lắm rồi, Thu. Có thể thấy tường tận mặt mày ca sĩ.
Chương trình bắt đầu, sau lời giới thiệu
tiểu sử nhạc sĩ, Thiên Thanh xuất hiện trên sân khấu trong tiếng vỗ tay
vang dậy từ mọi phía.
-Còn đẹp quá! Thu húc cùi chỏ vô hông Sinh.
Ngọc Mỹ còn đẹp lắm. Trong chiếc áo dài
kim tuyến màu xanh da trời, Mỹ có vẻ tròn trịa hơn ngày xưa nhiều nhưng
vẫn giữ được những đường cong mềm mại. Lối trang điểm chuyên nghiệp sắc
sảo cho sân khấu làm nổi bật đôi mắt dài lóng lánh. Đôi mắt đã hơn một
lần nhìn Sinh thẹn thùng khiến hồn chàng chơi vơi. Dưới ánh đèn màu,
đôi môi Mỹ tươi cười rạng rỡ tựa ngày đầu bước chân vô lớp. Mái tóc dài
buông lả lơi ngang vai như những lúc tan trường về. Bao nhiêu năm qua,
cứ ngỡ là tâm đã tịnh. Vậy mà giờ đây, nhìn Ngọc Mỹ sáng ngời trên sân
khấu, Sinh cảm giác như tất cả máu trong cơ thể chảy ngược dòng, đổ dồn
về, ép cho trái tim chàng vỡ nát thành từng mảnh vụn.
Gần hai mươi nhạc khúc mới được các ca sĩ
khá nổi tiếng lần lượt trình bày. Cả hội trường say sưa thưởng thức.
Cuối cùng, Thiên Thanh lại xuất hiện trên sân khấu với cây đàn guitar
trong ngàn tiếng vỗ tay chừng như không dứt. Khán giả reo hò:
-“Mãi Vẫn Không Tàn. Mãi Vẫn Không Tàn…”
Thu quay qua khều nhẹ tay Sinh:
-Mãi Vẫn Không Tàn là một bài hát trong album đầu tay của Mỹ, hiện nay rất “hot”. Hình như mỗi khi lên sân khấu, Mỹ đều được yêu cầu hát bài này.
Sinh im lặng gật gù, vờ như chỉ mới
biết. Mấy chục năm qua, chàng chưa hề thố lộ với ai về nhạc khúc này.
Trên sân khấu, Thiên Thanh đang nghiêng chào thiệt sâu:
-Thiên Thanh cám ơn tình cảm nồng nàn của quí khán giả dành cho Thiên Thanh. Lần nữa, Thiên Thanh xin hát bài Mãi Vẫn Không Tàn.
Tiếng vỗ tay lại rền vang. Khi cây
guitar trên tay Thiên Thanh bắt đầu rải cung fa trưởng thì cả hội trường
im phăng phắc. Giàn nhạc cũng ngưng chơi. Chỉ còn tiếng guitar thùng
rời rạc, đơn lẻ. Tiếng hát Thiên Thanh nhẹ nhàng. Hòa âm mới, giai
điệu mới, nhưng những lời tình tự vẫn ngọt ngào, dịu êm như thuở mới vào
yêu. Sinh ngồi bất động, hai lá phổi chừng như xơ cứng, chẳng khác
nào có một tảng đá khổng lồ đang đè nặng trên ngực, khiến chàng không
thở nổi. Nào ai biết tình mãi vẫn không tàn hay tình đã tan rồi như một
thoáng mây bay.
Buổi diễn kết thúc. Sinh trầm tư đi bên
Thu theo dòng khán giả ra ngoài. Gần tới chỗ để xe, Thu chợt bước chậm
lại, thụt lùi về phía sau. Sinh đã hiểu ý Thu, nên khi vô xe, Sinh nói:
-Chân Sinh đã được giải phẫu rồi, Thu à!
Thu gật đầu:
-Tốt quá! Hèn chi Thu thấy Sinh không còn đi hai chiếc giày khác nhau nữa.
Thu thiệt ân cần với Sinh. Nhớ một lần
trong những tháng đầu niên học mới, Sinh chuyển vô chung lớp. Thu chận
Sinh lại ở cổng trường và trao cho Sinh một mẩu giấy nhỏ với dòng chữ:
“Sinh giữ địa chỉ tiệm đóng giày này, họ làm rất tốt và giá phải
chăng”. Qua nhiều ngày tháng, Sinh rất hiểu tâm tình của Thu dành cho
chàng. Ngay cả khi trái tim chàng đã dâng trọn cho Ngọc Mỹ, Thu vẫn cư
xử với chàng và Mỹ như bạn tốt.
Xe đã đi hơn nửa quãng
đường về mà Sinh vẫn không nói thêm lời nào. Một nỗi buồn mênh mang
đang vây kín hồn chàng. Giọng Thu trầm trầm:
-Sinh, có phải người ta nói: khi một cánh cửa hạnh phúc khép lại thì một cánh cửa hạnh phúc khác sẽ mở ra…
-…Nhưng ta lại cứ ngoái nhìn hoài cánh
cửa đã khép mà không thấy cánh cửa khác đang mở ra cho ta. Sinh tiếp
lời rồi cười lớn. Không ngờ cô Thu hay đùa hay giỡn mà bây giờ cũng đầy
triết lý như vậy.
Thu đấm lên vai Sinh một cái:
-Nhưng bây giờ Thu đã là bà cụ già thiệt rồi chớ không còn là bà cụ non nữa nghe.
Bầu không khí nặng nề được xóa tan.
Dường như tâm hồn Sinh cũng đã lấy được quân bình. Sinh và Thu lại nói
cười vui vẻ.
Xe ngừng trước cửa nhà Thu. Sinh nói:
-Trễ quá rồi, Thu vô nghỉ đi. Sáng mai khi nào thức dậy hẳn gọi Sinh. Mình ăn sáng xong thì Sinh trở vềSan Jose.
-OK! Thu vừa đi vô nhà vừa che miệng ngáp dài.
Về tới khách sạn, Sinh chợt thấy lòng
trống rỗng. Bỗng dưng chàng không muốn ở lại thêm phút nào nữa. Thâu
dọn đồ đạc xong, Sinh xuống đại sảnh trả phòng rồi kéo va li ra xe.
Có lẽ nhờ hồi trưa đã ngủ một giấc dài
nên dù khuya Sinh vẫn thấy tỉnh như sáo. Chàng lái xe trên xa lộ 405
như đang trốn chạy. Gần tới chỗ đổi qua xa lộ 101, Sinh ra exit, ghé vô
cây xăng đổ đầy bình, luôn tiện mua một ly cà phê đen lớn và một gói
“potato chips”. Trời đêm rất lạnh, Sinh bước vội vô xe. Tết Nguyên Đán
đã qua mà nơi này xuân vẫn chưa sang. Chàng nhứt định trong đêm nay
phải lái về tớiSan Josecho bằng được.
Con đường 101 bao giờ cũng là con đường
Sinh thích nhứt khi lái đi đi, về về giữaSan JosevàOrangeCounty. Xa lộ
không đèn, chỉ có hai lối lên, xuống. Lại thêm đã khuya nên đường vắng
ngắt. Lâu lắm mới có một chiếc xe chạy ngược chiều hoặc từ phía sau
chạy tới, pha đèn sáng trưng, qua mặt, rồi tất cả lại chìm trong bóng
tối. Sinh liếc nhìn vô kiếng chiếu hậu, con đuờng sau lưng lù mù, lùi
xa dần rồi khép kín hẳn. Sinh chợt nhớ tới câu nói với Thu: “nhưng ta
lại cứ ngoái nhìn hoài cánh cửa đã khép”. Ngọc Mỹ có biết đâu, dù nàng
đã quay lưng đi, nhưng Sinh cứ nhìn mãi theo nàng. Những mong khi nàng
đủ trưởng thành, không còn chịu ảnh hưởng của gia đình, nàng sẽ hiểu
rằng “một tâm hồn hoàn mỹ vẫn có thể tìm thấy được trong một thân thể
bất toàn”, và thấu được tấm chơn tình của chàng. Sinh ôm hoài mộng
tưởng đó cho tới một ngày. Cái ngày thảm họa xảy ra khiến mọi sự đều
đảo lộn, không phải chỉ cho riêng chàng mà cho cả mấy chục triệu dân
miềnNam.
x
Tháng Tư năm bảy mươi
lăm, trời Sài Gòn mây đen âm u như nỗi lòng của người dân Nam Việt.
Ngày hai mươi chín, Sinh không tới trường, vì con đường lên Chi Khoa Thủ
Đức của Đại Học Khoa Học đã bị cắt đứt từ hôm qua. Sinh lên sân thượng
nhìn mấy chiếc trực thăng bay tới lui Sài Gòn-Vũng Tàu như thoi đưa
trên bầu trời xám xịt. Lòng Sinh bồn chồn nhưng cũng không biết phải
làm gì. Cha Sinh trông ngóng tình hình, và cuối cùng quyết định đưa
chàng, đứa con trai duy nhứt trong nhà, ra đi. Mẹ Sinh bỏ vô xách tay
một ít đồ đạc cần thiết và đưa cho chàng mấy lượng vàng để dằn túi.
Sinh chạy vô phòng, rút vội cuốn tập bìa xanh nằm chen giữa mấy cuốn tự
điển. Đó là cuốn tập chép nhạc mà Ngọc Mỹ đã ghi bài Mãi Vẫn Không Tàn để tặng cho chàng. Sinh chỉ kịp hôn mẹ và đứa em gái nhỏ rồi leo lên ngồi sau chiếc xe Honda cho cha chở đi.
Đường phố vắng ngắt như đang nín thở đợi
chờ cơn thảm họa phủ xuống. Khi ra tới bến Bạch Đằng thì Sinh thấy một
thầy giáo cũ thời trung học đang cỡi chiếc Vespa, phía sau chở thêm
người bạn. Thầy Châu trong quân đội nhưng hôm đó lại mặc thường phục.
Có lẽ thầy đi dạy mới ra. Chú Tín, người bạn ngồi phía sau, thì mặc
quân phục, tay cầm cái radio. Sinh kêu cha chạy xe cặp sát chiếc Vespa,
rồi hỏi:
-Thầy đang đi đâu vậy, thưa thầy?
Thầy Châu quay lại, nói:
-Tôi định đến bến tàu hải quân.
-Thầy cho cháu theo với. Cha Sinh nói.
Nhưng khi tới căn cứ hải quân thì cổng đã
được đóng kín bởi những “con ngựa” cản gỗ quấn kẽm gai. Nhiều người
lính canh phòng với những cây súng đang lên nồng, sẵn sàng theo luật
thời chiến nã đạn vô bất cứ ai cố tình vượt qua khi chưa có lịnh. Còn
đang chần chờ thì một chiếc xe Jeep quân đội chạy trờ tới. Vị sĩ quan
trên xe Jeep nhận ra chú Tín nên ngừng xe lại. Chú Tín nhảy xuống leo
lên xe Jeep, bỏ mặc người bạn sanh tử của mình.
Cổng mở ra, chiếc xe Jeep chạy vọt vô trong, thầy Châu chưa kịp phản
ứng thì cái cổng đã đóng lại. Mất luôn cái radio! Nguồn cung cấp tin
tức thiết yếu. Thầy tỏ vẻ thất vọng. Sau một thoáng suy nghĩ, thầy
quay xe lại. Cha Sinh vội vã hỏi:
-Thầy tính về nhà sao?
Thầy Châu lắc đầu:
-Không! Nhà tôi ở Hòa Hưng, giờ này chắc không an ninh đâu.
-Vậy gia đình thầy ra sao? Cha Sinh ngạc nhiên hỏi.
-Gia đình tôi đã lên máy bay từ ngày trước rồi, anh.
-Hay thầy về căn cứ? Cha Sinh lại hỏi.
-Căn cứ ở Tân Sơn Nhứt, tôi đã rán đi rồi, nhưng dân chúng từ trên đó đang kéo về Sài Gòn vì địch sắp tràn tới.
-Vậy thầy đi đâu thì cho cháu theo với, được không thầy?
Thầy Châu ngừng xe lại. Sinh qua ngồi phía sau thầy. Cha Sinh dặn dò:
-Bằng bất cứ giá nào con cũng phải đi.
Thoát được rồi con chớ tìm cách liên lạc về nhà. Nhứt là khi có tin gia
đình không bình an.
Thầy Châu chẳng nói chẳng rằng, chạy
thẳng tới cây xăng gần đó, đổ đầy bình. Cha Sinh vẫn bám theo nhưng
cũng không dám lên tiếng hỏi thêm câu nào. Bất chợt, còi hú inh ỏi, một
đoàn xe gồm cả xe Jeep quân đội và nhiều xe hai bánh gắn máy chạy ồ ạt
tới. Không hổ là một sĩ quan từng trải, cả quyết và nhanh nhẹn, thầy
Châu lẹ làng vọt lên trà trộn vô đoàn xe. Cái cổng mở ra, đoàn người
lọt vô trong và cái cổng đóng lại. Sinh ngồi phía sau chỉ biết nắm chặt
quai yên cho khỏi té. Khi vô được bên trong thì Sinh không còn thấy
cha chàng đâu nữa. Chàng ý thức được rằng, kể từ lúc đó, chàng đã rời
xa hẳn đôi cánh đại bàng của cha mẹ chở che.
Hai thầy trò cùng với nhiều người ngồi ở
trong khu vực Bộ Tư Lệnh Hải Quân chờ cho tới chiều. Thầy Châu dốc hết
tiền trong túi đi vô khu gia binh mua nửa nồi cơm nguội rồi vắt lại
thành cục. Sinh bắt đầu cảm nhận được cảnh chạy giặc mà hồi nào tới giờ
chàng chỉ được đọc trong sách giảng văn.
Mặt trời xuống thấp. Thình lình mọi
người đổ xô nhau chạy tới những chiến hạm mang số HQ đang đậu dọc bờ
sông. Sinh theo thầy Châu đu lên chiếc thang dây từ trên tàu thả
xuống. Một tay chàng nắm dây thang, tay kia nắm túi xách. Bên dưới,
hàng hàng lớp lớp người dẫm đạp nhau tràn lên. Cái túi xách của chàng
bị kẹt trong đám người đó, không thể nào rút ra được. Cuối cùng, chàng
đành buông túi xách để có tay mà chuyền lên thang, không kịp nhìn thấy
cái túi rớt xuống sông. Dòng nước Đồng Nai đã mang đi cái túi xách chứa
đựng kỷ vật mãi vẫn không tàn của chàng và Ngọc Mỹ.
Lên tàu được rồi. Thấy mấy chiến hạm đậu san sát nhau, thầy Châu biểu Sinh:
-Mình cố gắng chuyền ra chiếc tàu đậu xa nhứt ngoài kia, thầy nghĩ nó sẽ ra khơi trước.
Hai thầy trò cố gắng nhảy qua tới chiếc
chiến hạm ngoài cùng. Trên tàu rất đông người, Sinh và thầy Châu phải
đứng trên boong. Nắng tắt, màn đêm bắt đầu bao phủ vạn vật. Giữa dòng
nước đen mịt, một bên là đô thành Sài Gòn ngời ánh điện quang, một bên
là Nhà Bè rực lửa chiến chinh từ kho đạn cháy vì pháo địch. Sinh tự
vấn, mình sẽ phải về đâu? Chàng cảm thấy mình thiệt nhỏ nhoi trước trời
đất bao la.
Khi trời tối hẳn, đoàn tàu mới chuyển
động. Đi được một quãng, con tàu chở Sinh cùng thầy Châu lại mắc cạn ở
một ụ đất, phải chờ mấy tiếng đồng hồ, rồi không biết nhờ đâu mà tàu di
chuyển được. Lúc tới Vũng Tàu thì trời đã sáng. Tàu neo lại ngoài khơi
cùng các đoàn tàu khác như đang chờ lịnh.
Những chiếc trực thăng chở người di tản
sau khi đáp xuống các mẫu hạm đều bị đẩy xuống biển. Từ sông, ghe xuồng
vẫn tiếp tục tấp nập đưa dân ra các tàu lớn. Cầu ván được bắc từ chiến
hạm xuống ghe. Một người đàn ông vừa từ ghe bước qua cầu thì một ngọn
sóng biển đánh tới. Ông ta lao chao rồi trợt ra khỏi miếng ván, rớt
xuống, đúng lúc sóng dồn chiếc ghe đập vô chiến hạm. Người đàn ông bị
chẹt ở giữa, bể sọ, máu đỏ cùng óc trắng phọt ra tung tóe trước mắt
Sinh. Chàng bấu chặt cánh tay rắn chắc của thầy Châu. Mạng sống con
người sao mong manh quá!
Nắng lên cao dần. Đột nhiên, có tiếng
khóc não nuột từ đâu vọng lại, lan truyền tới gần. Và khi Sinh nghe
những người bên cạnh khóc thì chàng mới biết đã có tin Sài Gòn mất, thủ
đô đã thất thủ. Tiếng khóc mỗi lúc một lớn hơn khiến lòng Sinh đau như
cắt, lối về của chàng từ nay thôi đành đoạn.
Thầy Châu lo lắng nói:
-Sài Gòn đã thất thủ mà tàu còn đậu ở đây. Coi chừng họ xả pháo ra hoặc cho phi cơ đuổi theo xạ kích.
Nhưng cuối cùng đoàn tàu cũng được lịnh
ra đi. Sinh ngoái nhìn dải đất sau lưng xa dần rồi khuất hẳn. Có lẽ
giờ này đã ra khỏi hải phận Việt Nam. Tàu rong ruổi trên biển với quá
đông người, thức ăn không đủ. Tội nhứt là những phụ nữ cho con bú, phải
đổi cả cây vàng để lấy có nửa nón sắt cơm. Tiền bạc và đôi khi phẩm
giá con người cũng không còn là gì nữa.
Đi mấy ngày mới tới hải phận Phi Luật
Tân, nhưng người di tản không được nhận lên bờ, tàu phải đậu ngoài
khơi. Nỗi bàng hoàng còn chưa lắng dịu thì một vị sĩ quan đứng ra điều
khiển Lễ Hạ Cờ. Một chế độ tan, một màu cờ rã. Ngước nhìn lá cờ vàng
ba sọc đỏ từ từ đi xuống trong bài quốc ca rền vang, Sinh hát lần cuối
cùng, mắt chợt cay, miệng khô đắng. Cuộc đời chàng từ giờ trở thành kẻ
lưu vong, không gia đình, không tổ quốc, ở cái tuổi mười chín đang ngập
tràn mộng ước. Sinh quay nhìn tứ phía, những gương mặt quanh chàng cũng
đầm đìa nước mắt. Thầy Châu đang nghiến chặt răng, xương quai hàm bạnh
ra, thái dương nổi gân xanh, còn đôi mắt thì lại đỏ hoe.
Lá cờ hoa của Hiệp Chủng Quốc Huê Kỳ lên
thế chỗ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Như vậy, tàu mới được vô Subic Bay của
Phi Luật Tân. Ngày hôm sau, đoàn người được chuyển qua những chiếc tàu
chở hàng khổng lồ để đưa đi đảo Guam. Tới đảo Guam, mọi người được xịt
thuốc sát trùng và thay quần áo khác. Quần áo cũ được đốt đi. Sinh,
thầy Châu cùng bốn người nữa ở chung một cái lều. Những ngày trên đảo
thiệt u buồn. Thầy Châu đi lẩn quẩn và gặp được hai người em họ. Ba
người mừng rỡ ôm nhau, thầy Châu nói:
-May quá, giờ này mà bọn mình còn kẹt
lại thì chắc tan xác rồi. Lúc ở Bến Bạch Đằng, anh thấy khó mà vô được
căn cứ Hải Quân, nên đã đổ đầy bình xăng, định chạy về vùng bốn, gia
nhập quân Hòa Hảo. May nhờ họ mở cổng cho một ông tướng Hải Quân, anh
chen theo mới đi được.
Sinh hú hồn, suýt chút thì Sinh đã cùng vô khu với thầy Châu.
Thầy câu cổ hai người em, kéo đi:
-Mình thử tìm coi có gặp chị và mấy đứa
nhỏ không. Đông người như vậy, không dễ gì tìm. Có lẽ phải nhờ loa
phóng thanh.
-Đã thoát ra được rồi thì tìm gặp nhau chỉ là thời gian thôi, anh đừng quá lo. Một người em an ủi.
Phải, chỉ là thời gian thôi. Thầy Châu
sống từng ngày để mong chờ gặp lại gia đình. Còn Sinh sống từng ngày để
mong chờ gì đây. Chàng có ai để mà tìm kiếm. Cha mẹ và em gái chàng
kẹt lại. Có an bình hay xác đã tan. Vậy mà, duy một người chàng vẫn
còn trông gặp.
Nhiều lúc chờ lãnh thức ăn, Sinh cứ tưởng
như Ngọc Mỹ đang đứng trong đám đông. Khi chàng nhận ra Ngọc Mỹ thì
nàng nhìn chàng thẹn thùng. Có lẽ vì bộ quần áo cứu trợ không vừa vặn.
Chắc chắn là chàng phải chạy tới, Ngọc Mỹ sẽ ngả đầu vô ngực chàng.
Sinh ôm lấy bờ vai lẻ loi ấy, thì thầm nói với Mỹ trọn lời yêu thương mà
chàng chưa kịp nói, lời “mãi vẫn không tàn”.
Nhưng cả cái đảo đông đúc này chỉ toàn
người xa lạ. Cảm giác bơ vơ khiến Sinh đã chực xin quay về xứ. Nhưng
nhớ lời cha dặn, cộng thêm sự khuyên giải của thầy Châu, nên chàng ở lại
đảo. Cũng may cho chàng. Mãi về sau Sinh mới biết những người quay về
xứ trên các thương thuyền như Việt Nam Thương Tín đều bị bắt giam khi
tàu vừa cặp vô ViệtNam.
Phải qua mấy đợt thủ tục, cuối cùng thì
Sinh và anh em thầy Châu cũng ra được tới sân bay để đi Mỹ. Trong lúc
đợi máy bay, thầy Châu bỗng chạy theo một đứa bé gái ăn mặc xùng xình,
thầy gọi:
-Thi! Thi!
-Ba! Đứa bé mừng rỡ.
Vậy là thầy Châu sum họp với gia đình sớm
hơn mong đợi. Nhìn đứa bé gái ôm cổ thầy Châu, Sinh nhớ em gái vô
cùng, chỉ ước được một giây đứng tại đô thành Sài Gòn.
Nơi đầu tiên đặt chân lên xứ Mỹ là trại
tị nạn ở căn cứ không quânEglin Airport, Florida. Bắt đầu từ lúc đó,
Sinh biết được rằng xứ Mỹ không phải là nơi mà vàng rớt đầy đường để
người ta tha hồ lượm. Nhưng đáng được coi là xứ cơ hội với những giấc
mơ diệu kỳ mà người ta gọi là “american dream”. Những năm tháng dài đối
chọi với cuộc sống để vươn lên. Sinh đã hoàn thành bao nhiêu ước
vọng. Công thành, danh toại. Đoàn tụ mẹ cha và em gái. Hôn nhân hạnh
phúc. Phục hồi khuyết tật. Chỉ một mộng ước “mãi vẫn không tàn” là
chàng đành để lìa tan.
x
Ánh đèn pha rọi sáng,
lối về trước mặt mở rộng từ từ cho khoảng cách thêm thu ngắn. Vậy mà
lát lát Sinh vẫn phải nhìn vô kiếng chiếu hậu để thấy con đường sau lưng
khép lại trong sương mờ. Bao tử bỗng cồn cào, Sinh bốc mấy miếng khoai
tây khô cho vô miệng, lòng chợt thèm một tô cháo nóng do vợ chàng nấu
cho.
Tới exit để ra khỏi xa lộ, Sinh cho xe
chạy chậm lại. Trời đã hừng sáng. Đi ngang qua một khu thương mại
người Việt, Sinh thấy ngọn cờ vàng vẫn bay phấp phới trong ánh bình
minh. Lòng Sinh lại trỗi lên bài quốc ca hào hùng. Bài quốc ca những
tưởng đã chỉ hát lần cuối, nhưng rồi mãi vẫn không tàn. Vậy thì hòa âm
non nớt của thuở mới yêu có chịu tàn không, hay vẫn mãi trong tim.
Về tới nơi, nhà cửa vẫn im lìm vì vợ và
các con còn bên nhà ngoại. Tắm xong, chàng chỉ muốn ngủ một giấc. Vừa
nằm xuống giường thì điện thoại di động reo. Là tiếng của Thu:
-Dậy chưa Sinh?
-Xin lỗi Thu. Hứa ăn sáng với Thu mà không đi được. Sinh về tớiSan Joserồi.
-Sao lẹ vậy? Tiếng Thu thảng thốt.
Bỗng, Sinh nghe chuông điện thoại reo nho nhỏ, Thu nói vội vã:
-Khoan, chờ Thu một chút. Có ai gọi cell phone của Thu.
Trong điện thoại, loáng thoáng tiếng Thu vọng lại:
-Ngọc Mỹ hả? Cám ơn Mỹ cho hai cái vé. Thu đang nói chuyện với Sinh…
Sinh đóng mau nắp điện thoại, nhắm mắt
lại. Một lát sau, có tiếng reo của điện thoại nhà. Chàng kéo mép gối
che kín hai tai, mặc cho tiếng điện thoại reo, rồi tiếng Thu để lời nhắn
vô máy.
Mệt mỏi vì thức suốt đêm. Sinh nằm lăn
qua lộn lại rồi ngủ thiếp đi. Gió thổi mấy cành thông ngoài vườn sau rì
rào nghe như nhạc khúc Mãi Vẫn Không Tàn thì thầm không dứt. Giường quen, chỗ quen mà sao mộng mị cứ chập chờn, giấc ngủ vẫn chưa yên.
Mộc Hương
Viết cho Ngày Lễ Tình Yêu - Valentine’s Day
Viết xong ngày 4 tháng 2 năm 2009
Kính tặng thầy Thái Chân và những “người di tản buồn”, cho những ngày tháng Tư không phai.
Mến tặng các bạn Trung Học. Riêng tặng Thiên Thanh, cho “mãi vẫn không tàn”.
Yêu tặng Người Tình Khoa Học cũng là ông
xã yêu quí và thân tặng tất cả các bạn Cựu Sinh Viên Khoa Học của một
thời để yêu.
No comments:
Post a Comment