Friday, August 3, 2012

NHỮNG MẨU TRUYỆN THẬT NGẮN- NTT-11

                                                                                       Nguyễn thành Thụy
melbourne-photo
51. Xứ Mưa Buồn
Tôi nhớ vào đầu thập niên 1970 là lần tôi từ Brisbane ở Úc đi xuống Melbourne chơi lần đầu tiên. Đây là một thành phố tương đối đầy đủ tiện nghi bên dòng sông Yarra thơ mộng và cái vịnh lớn. Lúc đó vào mùa hè nên được các bạn bè dẫn đi chơi thoải mái chỗ này chỗ kia. Tôi khoái trá buột miệng:
 -   Melbourne coi được quá nhỉ. Sống ở đây chắc cũng khoái.
 Một anh bạn vội đỡ lời:
 -   Melbourne mùa hè thì thế đấy, nhưng bạn phải xuống đây vào mùa đông mới biết là thế nào. Mưa gió lạnh lẽo đều đều. Bởi vậy mới có nickname là xứ “Mưa buồn”.
 Mà quả như thế. Tới cuối thập niên 1980 thì tôi có việc làm ở Melbourne và định cư tại thành phố này. Những trận mưa ròng rã vào mùa đông giá lạnh bắt tôi phải mua một cái áo “ba đờ xuy” (overcoat) mặc bên ngoài khi đón xe lửa đi làm mỗi ngày. Vài tháng sau tôi than thở với các bạn đồng nghiệp:
-   Chắc đây là Luân Đôn. Đi đâu cũng phải thủ một cái ô. Thiệt mệt.
Bạn bè an ủi:
-   Cũng chẳng nhằm nhò gì. Rồi bạn sẽ quen đi.
Tôi nhớ đến anh bạn Việt Nam lúc trước đã bảo nickname của thành phố này là “Mưa Buồn” rồi. Bây giờ mới biết sao? Chịu thì phải chịu, nhưng trong lòng tôi ấm ức, không khoái gì cho lắm mỗi khi mùa đông tới.

Vào cuối thập niên 2000 bỗng nhiên trời nổi cơn hạn hán trầm trọng. Các Khoa học Gia bảo đây là hiện tượng El Nino gì đó. Nước dự trữ trong các hồ chứa từ từ đi xuống. Các qui luật hạn chế sự dùng nước càng ngày càng khó. Vườn tược không được tưới. Cây cỏ vàng úa. Rửa xe cũng phải dùng xô chứ không được dùng vòi.
 Cây trái, thực phẩm tăng giá vì nông dân mất mùa và vỡ nợ. Trừu bò phải đem ra giết bớt vì thiếu cỏ và nước. Nước trong hồ dự trữ của thành phố xuống còn 30%. Chính phủ tiểu bang hoảng hốt phải xây một nhà máy biến nước biển thành nước ngọt. Không phải là rẻ. Nước quí như vàng. Các nhà máy thủy điện kiệt quệ vì thiếu nước.
 Sau 5, 6 năm hạn hán, đầu thập niên 2010 thì vận xui đã hết. Mưa bắt đầu trở lại xứ Mưa Buồn và Tiểu Bang Victoria. Ông Thần El Nino đã đi chơi chỗ khác. Các hạn chế nước từ từ bớt đi. Thực phẩm, cây trái rẻ trở lại và tổng số nước dự trữ trong các hồ lên tới 70% khi tác giả viết bài này (mùa Đông 2012).
 Melbourne đã trở lại đúng tên của nó là xứ Mưa Buồn. Mà có sao nhỉ ?. Mellbourne vẫn là Thủ Đô Thể Thao của Úc (Sport Capital) với rất nhiều bộ môn như  Football, Tennis, Grand Prix xe hơi, Grand Prix xe gắn máy, v.v.
 Tôi vẫn đánh Tennis được mỗi tuần. Kẹt lắm thì vào chỗ Indoor Tennis chơi. Đi mua sắm thì đa số các nơi có mái che, không phải bên ngoài. Tự nhiên bây giờ chẳng thấy có vấn đề gì đáng ngại hay to lớn.
 Mưa thì cứ mưa, chẳng có gì mà buồn như ngày xưa. Tôi đã đổi thái độ và cảm ơn Thượng Đế đã ban cho những giọt mưa quí báu mà tôi đã có lúc coi thường.
 Còn nhiều thứ quí giá khác nữa. Có trong tầm tay mà coi thường.
Mời suy ngẫm
===============================================================================================
52. Luận Lý Lưỡng giá và Tam Giá
Lý luận Lưỡng Giá (binary logics) là lý luận chỉ có hai giá trị mà thôi chẳng hạn như đúng hay sai, trắng hay đen, âm hay dương v.v. Không có trò nửa nạc nửa mỡ. Lý luận này tuy thành công trong toán học và điện toán nhưng trong nhân văn thì lại là chuyện khác.
 Ngày xưa tôi đọc hay học ở đâu đó có một chuyện kể là một bộ lạc bên Phi Châu giữ  luận lý lưỡng giá rất vững chắc. Khi bắt được những nhà truyền giáo Âu châu, họ bảo các ông này phải nói một câu. Nói “đúng” thì “chết treo” mà nói “sai” thì “chết chìm”. Trước sau thì cũng chết.
 Có một lần bắt được một ông kia, sau khi nghe nói, thấy mình cầm chắc cái chết, nhà truyền giáo này suy nghĩ và tìm cách đánh thẳng vào luận lý lưỡng giá (đúng và sai) của bộ lạc này. Ông bảo:
 -   Tôi sẽ chết chìm.
 Tù trưởng của bộ lạc này đang tính kêu đàn em đem ông này đi trấn nước cho xong nhưng nghĩ lại nếu thế thì ông ta nói “đúng”. Mà nói đúng thì phải “chết treo”. Không ổn. Nếu đem treo cổ ông này thì ông đã nói “sai”. Mà nói sai thì phải “chết chìm”. Cũng không ổn. Nghĩ nát óc chẳng ra lời giải, tù trưởng bộ lạc này đành phải thả ông truyền giáo này ra.
 Chính ngay các nước Tây Phương ngày xưa cũng dùng lý luận lưỡng giá để kỳ thị chủng tộc. Chỉ có hai chủng tộc: trắng và đen thôi. Dân da vàng vì “không trắng” nên phải là “đen”. Đơn giản thế thôi. Về sau họ mới nghĩ ra giá  trị  thứ  ba là  “da màu” để giải quyết và đây là Lý Luận Tam Giá: “trắng”, “đen” và “màu”.
 Lý luận tam giá (Trinary or Ternary logics) tất nhiên là hữu dụng hơn trong nhân văn. Còn nhiều nữa như  “đệ tam nhân” (third party) chỉ một người trung hòa, các nước thứ ba (third world countries) hoặc loài dơi là “phi cầm phi thú”, không phải loài thú mà cũng không phải loài chim.
 Cái kiềng của ta luôn luôn có 3 chân. Số 3 tuy đơn giản nhưng thật vĩ đại.
===============================================================================================
53. Tuổi dậy thì
Vào tuổi trăng tròn 15, 16, đám con trai bắt đầu dậy thì. Tôi nhớ lúc đó tự nhiên thấy mình bắt đầu rung động trước những cô gái trẻ đẹp và dễ thương. Tự nhiên trời sinh ra có một sự thu hút và quyến rũ như nam châm từ người khác phái. Thật diệu kỳ.
Đọc sách vở văn chương, thấy các nhà văn nhà thơ tả các cô gái mới lớn thường “thẹn thùng”, tôi cũng muốn thử và tìm cách làm quen các cô gái cùng lứa xem sao. Nhưng than ôi mấy cô này sao chẳng “thẹn thùng” gì cả làm tôi bỗng “mất thăng bằng”. Rồi chính mình lại trở thành “ngượng ngùng” khi đối diện với mấy cô này. Các chuyện tình cảm hình như các cô đã rành rọt hết rồi. Thế là sách vở sai bét. Tức thật. Chắc các cụ nói chuyện ngày xưa. Thời buổi này đã khác.
Một hồi thì cũng tìm ra một câu các cụ đã nói:” Nữ thập tam, nam thập lục”.
Tức là con gái dậy thì từ thủa 13 mà con trai thì 16. Như thế tuổi 16 đối với con trai chỉ là mới dậy thì thôi mà con gái ở tuổi này đã dậy thì được 3 năm rồi. Hèn chi các cô học cùng lớp chẳng “thẹn thùng” gì hết, thường chê con trai cùng tuổi là “con nít”.
Có một lần tôi đi học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ, cô giáo dạy về “closed questions” tức là những câu hỏi chỉ có thể trả lời bằng “Yes” hay “No” thôi. Cô này bữa đó  “cắc cớ” tung ra một “chưởng” thật mạnh vào đám con trai mới lớn:
- Do you like girls?
Có một trự đỏ mặt tía tai, lắc đầu lia lịa:
- No, no, no
Tôi bỗng lúng túng. Nói “No” thì không đúng mà nói “Yes” trước mặt mấy cô đồng lứa trong lớp thì thiệt là “kỳ”. Thật là tiến thối lưỡng nan.
Đám con trai đổ mắt nhìn vào một anh chàng có vẻ trưởng thành, chắc cũng cỡ 20. Anh ta trả lời tỉnh bơ:
- Perhaps...
À thì ra có một lối thoát thứ ba, không nhất thiết phải trả lời “Yes” hay “No”. Tôi bỗng mạnh dạn mở miệng, cũng một cách “ba phải” như anh chàng kia:
- It depends on... the situation...
Lại Luận Lý Tam Giá. Thế mà hữu dụng.
=========================================================================================================
54. Bà mẹ nuôi
Chàng là một thiếu niên ở miền quê nghèo nhưng sống tương đối hạnh phúc với mẹ hiền. Chiến tranh đau thương  làm chàng phải bỏ mẹ đẻ, chạy giặc, trốn ra tỉnh làm lại một cuộc đời mới. Thật khó khăn và chật vật nhưng chàng may mắn gặp được một bà mẹ nuôi tận tình giúp đỡ nên tạm đủ sống trong lúc ban đầu bỡ ngỡ. Vài năm sau chàng kiếm được việc tốt. Nhớ đến người mẹ đẻ thân yêu chàng bồi hồi góp nhặt gởi tiền về. Rồi cứ thế thường xuyên. Chàng từ từ được thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Phụng dưỡng mẹ già là bổn phận thiêng liêng, và cứ thế đường đời nhè nhẹ trôi.
Một hôm ghé lại thăm bà mẹ nuôi, thấy bà nay cũng không được khỏe nhưng vẫn cưu manh những người con nuôi, chàng bỗng bàng hoàng. Tự hỏi bao năm nay chàng đã làm gì để đền đáp công ơn người mẹ này? Nếu không có bà mẹ nuôi này giúp đỡ lúc chân ướt chân ráo tới đây thì đời chàng nay đã về đâu?
Tuy mẹ đẻ vẫn giữ, chàng nay quyết định dành thêm thì giờ và tiền bạc để đáp đền cho mẹ nuôi, trả lại những gì đã lấy ra ngày xưa.
Có lúc tôi đi phải đi làm bên Perth là một thành phố xa xôi ở Tây Úc. Một Chủ nhật đẹp trời tôi thấy cả ngàn người Việt tị nạn tới dự một chương trình gây quỹ để trả lại cho các Hội Từ Thiện ở Perth. Bao nhiêu người Việt sắp hàng bỏ từ $20 tới bạc ngàn để ăn một bữa ăn trưa giản dị do các nhà hàng Việt Nam cung cấp không lấy tiền. Còn những thứ bán đấu giá nữa. Xe đậu chật ních. Cuộc gây quỹ đã thành công mỹ mãn.
Tôi bỗng thấy hãnh diện là cộng đồng VN bên Perth ngoài việc từ thiện cho “bà mẹ để” đã cố gắng trả lại cho “bà mẹ nuôi”, người đã tận tình giúp đỡ mình ngày xưa khi mới sang Úc.
Một chút tình thật ấm.
====================================================================================================
55. Nhất quỉ  nhì  ma

Khi xuống Đại Học Adelaide miền Nam Úc để học Cao Học vào giữa  thập niên 1970, tôi hơi bỡ ngỡ  vì mọi thứ hơi khác với trường Đại Học Queensland ở Brisbane. Nhưng một hồi cũng thấy quen.
Có một đặc điểm mà tôi còn nhớ là trường này công nhận gần như chính thức câu nói bất hủ của các cụ nhà ta:” Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò.”
Theo truyền thống thì mỗi năm trường dành ra một ngày để cho sinh viên được tha hồ “quậy” gọi là Prosh Day. Hai loại khí giới hợp pháp là “bột” và “nước” thường được SV cho vào bao ny lông để làm “bom” ném đối thủ. Tôi lúc đó không tham gia nhưng thích xem những trận thư hùng giữa các “cao thủ” trong sân trường. Cuối cùng thì cả hai bên, một là đầu tóc bạc trắng như vôi vì bột hay thân thể ướt như chuột lội vì nước.
Ngày đó thì thầy trò ai cũng ăn mặc xuề xòa, đi tới đi lui rất cẩn thận để khỏi bị “lạc đạn”. Tuy nhiên cũng còn nhiều trò khác nữa.
Có một ông thầy ngồi làm việc trong phòng mình bỗng thấy có một SV mở cửa vào, xin lỗi rồi đi ra. Rồi cứ như thế 3, 4 lần với những SV khác. Ông này nghi ngờ ra ngoài xem xét thì thấy tấm bảng tên mình ngoài cửa đã được đổi với tấm bảng “Toilet” một cách “vô tư”. Hèn chi mà có lắm người vào thăm.
Đang chơi giỡn bỗng có một xe chữa lửa hú còi chạy lại sân trường. Mọi người hơi hoảng hốt nghĩ rằng chắc cuộc vui “quậy” hôm nay đã chẳng may thành ra đám cháy. Một hồi thì thấy xe chữa lửa đậu yên một chỗ và các “lính chữa lửa” kia cũng chỉ là các cao thủ đầu tóc bạc trắng của phe ta nhảy ra.
Một hồi thì truyện mới vỡ lẽ ra là các tay cao thủ này đã rình rập Sở Cứu Hỏa gần đó.
Thường các ông lính chữa lửa ngủ ở trên lầu và xe đậu ở dưới. Khi có còi báo động các ông này đu cột nhẩy xuống xe chữa lửa để đi chữa cháy. Bữa đó các ông này ngủ say nên các cao thủ SV len lén bò vào xe lái đi mất tiêu và mang lại trường đại học để khoe chiến lợi phẩm. Sở Cứu Hỏa bữa đó cũng phàn nàn nhưng đành phải công nhận là các ông lính chữa lửa đã ngủ quá say.
“Nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò” quả không ngoa.

No comments:

Post a Comment