Wednesday, August 8, 2012

NGÀN NGỌN NẾN ĐỦ KHÔNG?


Phong Vũ
Ngàn Ngọn Nến Đủ KhôngGió lộng thổi mạnh trên đồi, xô đẩy nắng ngã nghiêng bên dưới những hàng thông xanh ngọn. Các bó nhang ngún khói, rụng tàn bay lả tả trên các tấm bia nâu đen đang nằm lặng nghìn thu.
Tôi tò mò tìm đọc hàng tên và các con số. Có những  người còn rất trẻ đã đến đây. Cũng có kẻ đã ở nơi nầy từ mấy mươi năm về trước. Tất cả sắp hàng ngay ngắn, thản nhiên nằm ngắm nắng. Đoàn người đưa tang ra về theo con đường quanh co bên viền đồi. Tôi đưa tay vẫy, nhưng hình như không ai nhìn thấy. Tôi gọi to:
 -Tôi còn đây, khoan hẵn hãy về ! Chờ tôi với !!
Chỉ có tiếng gió khản hơi đáp lại lời tôi. Đoàn người lên xe ra về mất dạng…
Tôi thấy lạnh quá. Lạnh lẽo như một người đã chết!
Chiều nắng nhạt dần trên nghĩa trang. Bóng hàng thông chạy dài theo dốc đồi nghiêng. Tôi một mình đi theo con đường  nhỏ, vắng ngắt bóng người. Ngơ ngác nhìn quanh như một con chim bay lạc đến rừng lạ, tôi cố tìm xem còn ai lai vãng nơi nầy. Chỉ có tiếng chim chiều về tổ lao xao  trên các ngọn dương.  Những bó hoa héo úa nằm đó đây bên các phần mộ. Qua một khúc quanh, tôi thấy một nhóm hoa khác vẫn còn tươi, đặt chung quanh  một khung cỏ xanh vừa mới dậm xuống. Một tấm bia còn sáng màu nâu đồng với hàng chữ mới. Ô! Tên ai sao giống như tôi?
Tôi lang thang bước ra cổng. Một vài người tản bộ buổi chiều đi ngang. Tôi đưa tay vẫy, nhưng chắc họ không thấy nên vẫn điềm nhiên rảo bước. Tôi nghe bước chân mình sao nhẹ lâng lâng, như có những bước đi hụt hẫng. Một cơn gió chiều thoảng đến, thân thể tôi chợt chao lượn như một cánh chim vừa lướt qua. Tôi thấy mình cuốn lên cao, cao mãi…Những hàng thông đã biến thành màu xám tối, loà xoà cọ dưới đôi chân trần của tôi. Trôi theo cơn gió, tôi bay về hướng thành phố vừa lên đèn lao xao  dưới kia…
Tôi thấy lạnh quá. Lạnh như băng tuyết phủ trùm!
*    *    *
Mái ngói đỏ của ngôi nhà quàn ẩn hiện dưới những tàn cọ già nua. Tối qua, tôi còn hiện diện nơi đây. Từ buổi chiều, hàng nhóm người theo nhau đến thăm viếng. Những  bộ y phục đen nghiêm trang, những gương mặt đăm chiêu. Hình như sau cánh cửa gỗ nặng nề kia là một thế giới khác - nơi người sống và kẻ chết cùng đối mặt. Mùi nhang trầm nghi ngút trong gian phòng kín, quyện cùng mùi hoa vây quanh  làm tôi thấy nghẹt thở. Tôi muốn vùng dậy, bước ra ngoài để hít thở làn khí mát. Nhưng thân thể tôi bất động, đóng kín sau lớp trang điểm cứng nhắc.
Những ngọn hồng lạp cháy lung linh. Sáp chảy từng dòng dưới chân đèn, như những dòng lệ đóng  khô. Tiếng tụng kinh đều đều của vị Hoà thượng, cùng tiếng gõ mõ của ban hộ niệm làm tôi thấy tỉnh thức. Tai tôi chợt thấu suốt những lời lẽ trong bài kinh dài ngoằng, với loại cổ ngữ khó hiểu kia.
Sau buổi cầu siêu, hàng người lặng lẽ đến bên tôi. Họ nói gì lầm thầm, tôi không nghe được, nhưng trong mắt họ tôi hiểu rất nhiều về họ. Những điều bí mật, riêng tư mà họ dấu kín. Tôi biết họ nghĩ gì, làm gì…
Có tiếng khóc thút thít vang lên, ai tiếc thương ai đấy? Tôi nằm yên, nghiêng tai nghe tiếng khóc sầu thảm. Tôi cảm thấy lạ lùng - sao người sống lại khóc khi người thân mình ra đi chứ? Sống là cõi tạm, chết là đi về! Về lại cõi vĩnh hằng, nơi mình xuất xứ từ bao vạn kiếp trước. Nhưng không hiểu sao, tiếng khóc của mẹ, của chị, của con làm tôi  bi ai quá. Khói nhang bay nghi ngút,  mắt tôi cay, nhưng sao lệ không chảy được? Tôi lạnh lùng nằm yên như một pho tượng sáp.Tối kế tiếp, tôi vẫn nơi đó thanh thản, và được nghe lại bản thánh ca mà tôi yêu thích " What a Friend We Have in Jesus" (Jêsu là Bạn Thật). Tiếng hát trầm ấm, thánh thoát của nhóm Hội chúng Tin Lành như đưa hồn tôi về mái thánh đường có cây thánh giá trắng, mà thời gian sau này tôi thường tìm đến. Nơi đó tôi cảm thấy có điều gì an ủi nỗi buồn cô đơn của tôi....
Hàng nến vẫn lung linh cháy, nhưng sao tôi thấy lạnh quá. Lạnh như một linh hồn sắp ra đi  vĩnh viễn…
*    *    *
Đêm ngấm dần trên cây cỏ. Đường phố vắng tênh không bóng xe qua. Sương rơi úa vàng những ngọn đèn, không đủ soi sáng bóng tôi đang ngồi đó. Trí óc tôi miên man nghĩ ngợi. Ng. con tôi giờ đang làm gì hở con? Mẹ không gần con được khiến mẹ buồn lắm. Dù con luôn nói với mẹ rằng, con đã lớn khôn! Nhưng con ơi, con đâu có hiểu là với mẹ, con vẫn mãi mãi là một đứa bé gái ngây thơ, bụ bẫm, trong vòng tay mẹ thuở nào. Lỗi lầm của mẹ khiến con một lần nữa phải dọn đi  nơi chốn khác. Mẹ đã buồn khổ biết bao nhiêu, khi thấy con lại phải lận đận nơi ăn chốn ở. Lòng mẹ càng đau hơn, khi biết con phải dọn đi khỏi nhà Cậu, con phải sống nương tựa nơi người dưng. Con ơi, bên tình bên nghĩa, mẹ không biết chọn bên nào? Thân gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu. Mẹ đã neo thuyền vào bến đầy ghềnh thác con ơi!
Hối hận dày xéo mẹ từng ngày. Nhưng mẹ cũng cố gượng với hy vọng người chồng mình sẽ hiểu ra lòng vợ nhà, mà hồi tâm cùng nhau lo lắng gia đình. Mẹ không muốn phải cô đơn từng đêm chờ bước chân chồng trở về . Mẹ biêt con cũng rất buồn khi thấy mẹ khổ đau. Con đã van nài mẹ hãy dứt khoát với người ta, nhưng mẹ vẫn bướng bỉnh, với hy vọng trông chờ một bóng hạnh phúc nhỏ nhoi...
Mẹ lạnh quá con ơi! Sương khuya ướt đẩm vai áo mẹ. Những lá thơ, mẹ đã viết gởi cho con, và  những người thân trong gia đình. Xin họ hãy thương con mà đùm bọc đứa cháu mồ côi mẹ. Riêng mẹ không còn đường để quay lại. Con ơi mẹ  nhớ câu ca dao: " Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường"...Con có thể không thấu hiểu ngụ ý của ca dao, nhưng mẹ  mong đời con sẽ không phải long đong như thế. Thôi, con hãy đi cho trọn nẽo trần ai nhé. Ngày con ra trường sẽ không có mặt mẹ mừng vui. Ngày con lập gia thất, và khi có cháu sau này, mẹ cũng không về được để chia xẻ niềm vui, và hạnh phúc cùng con.
Con ơi, tha thứ cho mẹ. Đầu óc mẹ chợt buốt nhói không còn suy nghĩ ra điều ngay lẽ thiệt nữa. Cơn bệnh  tâm thần lại đang hành hạ mẹ. Mẹ chỉ thấy phía trên không cao vút kia, lấm chấm những vì sao như vẫy gọi mẹ. Mẹ cảm thấy trên cao ấy  phải là cõi bình yên vô cùng. Không còn nghi hoặc, lo lắng, buồn phiền, đau khổ tình đời nữa. Con ơi, mẹ lại chợt muốn quay về. Đi tìm con ngay đêm nay để được ôm con vào lòng. Nhưng đầu óc mẹ quay cuồng, mắt mẹ choáng voáng. Chân tay mẹ lạnh buốt. Mẹ phải nằm xuống, hơi thở mẹ đang mòn dần!
Con ơi, đã lỡ rồi. Mẹ lại  phạm thêm một lầm lỗi khác. Mẹ chỉ muốn giải thoát cho đời mẹ, mà bỏ con lại với đời - một cuộc sống oan nghiệt đầy những tị hiềm, ganh ghét. Mẹ thấy lạnh quá. Chân tay mẹ cóng dần, mắt mẹ mờ hẳn. Những chai thuốc ngủ còn lăng lóc kia. Con ơi xin hiểu cho mẹ, và tha thứ nhé con.
Mẹ thấy lạnh quá. Lạnh như một pho tượng tạc bằng nước đá.
*    *    *
Tôi trông chờ anh trở về. Anh biền biệt nơi đâu, nào biết lòng tôi đang đau khổ vì tủi thân. Vợ chồng mình sau ngày cưới bỗng dưng không còn đầm ấm. Nguyên do nào hở anh? Hở anh?
Tôi vẫn thương anh tha thiết. Tôi luôn nhớ những ngày quen nhau mấy năm về trước. Khi ấy tôi đang mang tâm trạng của một kẻ bị phụ bạc. Gia đình tôi đổ vỡ vì bóng hình một người đàn bà khác bên Việt Nam. Chồng tôi lúc đó say mê người con gái trẻ trung, và đã cưới cô ta mà  tôi không hề hay biết. Chính người chồng ấy cũng đã đưa tôi vào con đường bạc bài, mà sao này  tôi không thể vứt ra được khỏi sự cám dổ của nó. Những canh bạc kéo dài thâu đêm suốt sáng, đã đưa tôi xa dần đứa con gái thân yêu. Nó cô đơn, sống vò võ một mình trong gia đình, khi mẹ cha nó vẫn mãi vùi đầu vào cuộc đỏ đen.
Đến lúc tôi thức tỉnh thì đã muộn màng. Chồng tôi đã phụ rẫy, ly dị tôi để bước theo người yêu mới. Tôi đau đớn ê chế. Tôi muốn trái đất này nổ tung. Tôi muốn tìm đến cái chết để khỏi nhìn thấy người phụ bạc. Nhưng phút cuối cùng, lý trí đã cứu tôi ra khỏi con đường chết. Tôi nghĩ đến đứa con còn nhỏ dại đang trông ngóng mẹ trở về. Tôi vùng khỏi  bàn tay của tử thần. Tôi vuột khỏi sự  quyến rủ của cái chết. Tôi phải sống cho con tôi !
Những ngày sau đó anh đã xuất hiện, như một chiếc phao giữa dòng thác lũ. Những lời an ủi, vỗ về của anh đã đưa tâm trí tôi trở lại bình thường. Chúng ta đã thương nhau, và những ngày trước khi cưới nhau
đã là quãng thời gian yên ấm của đời tôi.
Thế nhưng nào ai biết được chữ ngờ! Đời tôi lại trôi vào một khúc sông khác. Tuy không ghềnh thác nhưng lại đầy những đá ngầm, sóng dữ. Anh lại bỏ mặc tôi một mình ngồi ôm bóng đêm từng lúc, để về với gia đình thân yêu của anh. Anh không nghĩ rằng, chúng ta cũng có một mái nhà riêng tư  đang cần vung đấp. Lúc tôi đang phải nằm bệnh viện vì bị khủng hoảng tinh thần, thì anh lại dọn ra đi. Anh về du ngoạn Việt Nam, tìm vui nơi đó...Tôi cô đơn như một  thiếu phụ trông chồng...
*    *    *
Mẹ ơi, con thương mẹ vô cùng. Đứa con gái út nào cũng đều thương mẹ mình như thế phải không? Mẹ tôi đã lớn tuổi rồi, nhưng bà trông vẫn còn duyên dáng, thon gọn như thuở trẻ. Mẹ ơi, người ta thường nói "giàu út nhờ, khó út chịu". Con gái mẹ đã đi lấy chồng từ bao năm, nhưng vẫn còn nũng nịu khi về gặp mẹ. Ai cũng nói con giống mẹ nhất nhà. Hơn cả người chị của con. Riêng con thì chị ấy có nét đẹp như khi mẹ đang xuân. Dáng thẳng, kiêu sa bước chân đi (khiến bao người ganh tị). Con chỉ giống mẹ ở nét mặt chữ điền, và đôi mắt.
Mẹ ơi, con xa mẹ từ lúc đi lấy chồng. Nhưng lòng con lúc nào cũng ở bên cạnh mẹ. Mẹ dạy con nấu ăn. Mẹ dạy con vung vén nhà cửa. Mẹ dạy con cách cư xử ở đời. Con muốn được mãi mãi ở gần mẹ để săn sóc mẹ ở tuổi xế chiều. Con muốn đi chợ, chọn cho mẹ từng con cá thật tươi. Lựa cho mẹ từng trái dừa xanh ngọt mát. Mua cho mẹ quả bí, quả dưa, trái cà...Nhưng mẹ ơi, đời sống đẩy đưa con ngày dần xa mẹ. Mẹ khó ngủ, phải uống thuốc từng đêm. Con biết sức khoẻ mẹ không còn như xưa, nhưng không biết phải làm sao? Con chỉ luôn cầu nguyện, xin Phật Trời cho mẹ con mình mãi còn nhau...
Mẹ ơi, con xin mẹ tha thứ cho con. Ơn mẹ sinh thành kiếp sau con xin được đền đáp. Còn kiếp này, mẹ ơi con đành mang tội bất hiếu. Con đành bỏ mẹ mà đi. Mẹ đã cản ngăn con, nhưng vì trí óc con mịt mù nên vẫn đưa chân bước tới. Mẹ ơi, con đã bước hụt, con đã rơi vào vực tối...Mẹ ơi, tre già lại khóc măng non. Xin mẹ tha thứ con gái út của mẹ!
Con thấy lạnh lắm rồi. Đầu óc con chao đảo, con phải nằm xuống thôi. Con lạnh quá mẹ ơi !
*    *    *
Tôi tung tăng trong chiếc áo dài trắng tinh mẹ vừa cho tiền may. Lớp học sáng nay hình như có điều gì xao động. Chúng tôi chờ mãi mà vị giáo sư quen thuộc không đến lớp. Tôi thấy từng nhóm học sinh đang tụ tập, bàn tán điều gì quanh sân trường. Có tiếng kẻng vào lớp, nhưng tôi vẫn không thấy người thầy thân mến. Chập sau vị hiểu trưởng bước vào lớp với gương mặt đăm chiêu và nói: " Trường tạm đóng cửa ít ngày. Các em hãy trở về nhà. Trường sẽ thông báo ngày tụ học..."
Đàn chim trắng vỡ tổ trong nổi ngơ ngác, bàng hoàng. Tôi đi bộ trở về nhà, theo con đường quen thuộc có những hàng điệp bông vàng, rắc phấn theo gió. Qua ngã tư, tôi thấy một đoàn người áo quần xộc xệt, đủ loại súng gờm trên tay, đang tiến vào cổng một cơ quan quân sự..Tôi ngơ ngác không hiểu họ là ai.
Những ngày sau đó, các người anh tôi từ xa trở lại nhà. Họ đóng kín cửa suốt ngày, không bước chân ra ngoài. Mẹ tôi đi tới lui vẻ mặt lo lắng. Tôi nghe các anh nói về lệnh trình diện học tập. Mẹ tôi chuẩn bị cơm gạo, quần áo cho họ đi xa một nơi nào đó...
Tôi và các chị tôi nghĩ học hẵn. Không trường nào còn mở cửa. Chúnng tôi bàn chuyện mướn một gian hàng ngoài chợ để bán hàng. Có lẽ tôi có tay buôn bán, nên gian hàng của tôi và chị H. luôn nhiều khách. Đặc biệt là nếu mối hàng nào do chính tôi đi lấy về thì sẽ được lời nhiều. Chị tôi rất vui khi thấy tôi mừng rỡ vì bán được hàng. Chúng tôi sống gần gũi với nhau, trong bầu không khí đầy biến động chung quanh. Rồi lệnh công tác thủy lợi, lệnh vệ sinh đường phố, tôi đều phải tham gia. Tay tôi chai dần vì cầm cuốc xẻng...Tôi vẫn nhớ trường, nhớ áo dài trắng tung tăng đường phố. Con đường Phan Thanh Giản với hai hàng điệp rũ, tôi không còn qua mỗi ngày đến lớp.
Nhiều đêm tôi thấy mẹ tôi và các anh bàn tán điều gì đó, chắc rất hệ trọng vì họ luôn thầm thì, và cửa đóng kín. Một chuyện đau buồn lại đổ xập xuống gia đình tôi. Chị S. của tôi chợt bệnh nặng với chứng sốt cấp tính, sau khi đi thăm người bạn trong trại tù cải tạo. Ít ngày sau đó, chị đã chết.
Nỗi đau mất chị chưa nguôi, thì chúng tôi âm thầm lên đường vượt biên...
*    *   *

Sóng vỗ ầm ập vào mạn tàu. Từng đợt nước trắng xoá tung vào mui, lọt cả vào hầm. Tôi co ro nằm sóng soài giữa chị và mẹ trên đóng luới cá tanh tưởi. Tàu trồi lên hụp xuống theo từng đợt sóng cuồn cuộn. Tôi hé mắt nhìn qua mui tàu, bầu trời xám xịt giăng mắc mây bão vần vũ. Hơi dầu máy ngột ngạt, thêm cơn say sóng triền miên, đẩy tôi vào cơn mê chập chờn.Tôi nghe tiếng mẹ, chị, đang rì rầm cầu nguyện xin Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cứu vớt tàu tôi..

Tàu vượt biên từ khuya qua, bây giờ đã ra ngoài hải phận quốc tế. Các anh tôi bàn tán với nhau, không còn sợ công an duyên phòng đuổi theo nữa. Nhưng lại lo bọn hải tặc Thái Lan sẽ đón cướp. Mọi người bàn nhau, dùng một tấm vãi trắng cột vào cây sào rồi đưa lên cao, để những tàu thương thuyền tình cờ đi ngang sẽ thấy mà tiếp cứu. Nhưng trong lúc biển động kinh hoàng, không tìm ra vải trắng đành lấy một chiếc quần vải đen cột vào cây đưa lên cao. Gió biển gào thét, mảnh vải đen bay phần phật trong bầu trời mưa gió, như một lá cờ hải tặc!

Phải chăng nhờ thế mà không bị cướp biển đón đường? Chúng cho rằng là đồng bọn cũng đang tung hoành trên vùng hoạt động chăng? Không ai giải đáp được, nhưng chắc chắn là Phật Trời đã phù hộ, che chở chúng tôi đến nơi bình an. Một đêm sau đó, sau mấy ngày trời lênh đênh trên biển cả mênh mông, chúng tôi nhìn thấy những hàng đèn sáng choang hướng trước mặt. Trời đêm mịt mùng, ngữa tay không thấy, chúng tôi quyết định neo tàu lại đợi sáng.

Sương trắng còn lờ mờ trên biển, mọi người trên tàu cùng reo hò mừng rỡ. Dàn đèn cứu tinh đêm qua là một dàn khoan dầu khổng lồ, lá cờ Indonesia bay phất phới trên tháp cao...Chúng tôi đã thoát. Bến bờ hy vọng đã hiện ra trước mắt!Đảo Galang, với bãi biển chạy dài đầy dừa mọc hoang dại. Đoàn người vượt biển cất những căn lều thô sơ để trú mưa nắng. Trên đảo đã đông người tị nạn đến trước. Đôi ba ngày, lại nghe tiếng người ta gọi nhau í ới ra bãi biển để đón tàu vượt biên vừa tấp vào. Những người trên tàu rũ rượi lê bước vào bờ, như hình ảnh chúng tôi mấy tuần trước. Họ sống sót đến đây, với những câu chuyện thương tâm, đau đớn, mà đoàn người đã trải qua trên bể cả ...Ngoài mé biển, hàng chục xác tàu nằm mục rã với sóng gió như những dấu tích khôn nguôi.

Tôi và chị H. thường rủ nhau đi nhặt những trái dừa rụng để xếp hàng chơi trước lều. Đôi lúc hai chị em lại dẫn nhau đi vào rừng cây, nơi có con suối rộng để lấy nước. Hay lên chùa trên đồi để thắp nhang lạy Phật. Chúng tôi cũng tham dự lớp dạy Anh ngữ...

Những tháng ngày chờ đợi nơi hải đảo này sau cùng chấm dứt, và chúng tôi được bảo lãnh đi tiểu bang California, Mỹ quốc...

                                                                                                                           *      *     *

Dòng sông Ngã Bảy nước đục ngầu phù sa. Chợ Phụng Hiệp buổi chiều đã tan. Hàng quán không còn rộn rịp, thưa dần người buôn kẻ bán. Vài đứa bé gái đang chơi nhảy dây cạnh bờ sông. Nhảy dây chán, tôi và các nhỏ bạn lại vẽ phấn lên mặt sân gạch, nhảy lò cò. Có những đứa con trai reo hò trèo lên cây trứng cá. Chúng ăn những trái chín đỏ, rồi lại ném vào chúng tôi những trái xanh. Mặc chúng, tôi và mấy nhỏ bạn bỏ đi, đến ngồi trên cầu đá cạnh bờ sông chơi chuyền đũa...
Ghe thuyền chèo thoan thoát trên sông. Nhưng người bạn hàng lại đưa trái cây, gạo thóc ra để chuẩn bị buổi chợ sớm mai. Họ không thể đi ban đêm trên sông vì giới nghiêm. Đêm đến họ sẽ ngủ ở chợ, trên những sập hàng.
Những đứa bé đã về nhà. Tôi vẫn còn ngồi một mình trước hàng ba. Trời chiều phản chiếu xuống dòng nước những ánh vàng rừng rực. Có tiếng đàn ca của các anh tôi từ trong nhà vọng ra..Trời tối thẩm dần, trên cao những vì tinh tú đang nhấp nhánh như vẫy gọi. Tôi thừ người ra ngắm sao. Tôi thấy trời đêm đen thẩm như hút tôi lên cao, vô tận. Nơi cao ấy tôi muốn gặp lại cha tôi, tôi nhớ ông. Một ngày định mệnh trong năm Mậu Thân, tiếng nổ khủng khiếp của quả mìn chôn trên đường, bên dưới xe cha tôi đã biến chúng tôi thành những đứa trẻ mồ côi cha. Từ đó tuổi thơ tôi nhận biết thế nào là sự bi thảm của chiến tranh...
Dòng sông Ngã Bảy chập chờn ánh trăng non tháng tám. Đầu óc thơ dại của tôi hằn sâu những nỗi buồn đau, mất mát của gia đình. Mẹ tôi âm thầm ít nói sau ngày buồn thảm đó. Người chỉ lo miệt mài, buông chải công việc làm ăn cha tôi bỏ lại. Sau đó mẹ đưa tôi và các anh chị về Cần Thơ đi học. Để lại sau lưng dòng sông buồn, đầy ắp kỷ niệm tuổi ấu thơ.
*    *    *
Tôi theo gió trở lại nơi tạm trú mới. Buổi chiều hoang vắng bao nhiêu, giờ lại rộn rịp. Tôi thấy những chú thỏ đang nhảy nhót chung quanh các bụi sim rừng. Chim xao xác họp bầy trên các lùm cây rậm. Nhưng chốc lác sau im lắng lại phủ trùm. Tôi chỉ còn nghe tiếng dế, côn trùng nỉ non điệu nhạc đồng xanh. Ngọn đèn vàng ngoài cổng nghĩa trang không đủ soi sáng con đường nhỏ, uốn vòng quanh các nấm mộ.
Tôi không thấy mệt mõi. Tôi vừa đi ngược dòng thời gian từng quảng đời của tôi.Trí thần tôi bừng sáng kỳ lạ. Tôi hiểu mình không lưu lại đây lâu, chỉ dăm tuần thôi rồi sẽ trở về nơi quê quán cũ. Những câu hỏi bí ẩn từ lâu về vũ trụ, con người, tôi chợt hiểu ra trong khoảnh khắc. Đúng ra không có gì là kỳ bí, chỉ vì loài người không nhận thức được, những nguyên tắc căn bản của sự sống, cái chết, vũ trụ...Tất cả chỉ gồm vào "Có, Không" mà vận hành tất cả.
Như lời Phật dạy: "Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệt phục như thị". Không gì thật, và không gì trường cửu. Tất cả hình tướng ta thấy chỉ là ảo tâm. Màu sắc cũng là ảo giác. Chỉ có ánh sáng và bóng tối. Vật chất chỉ là hư không. Chỉ tâm linh, tri thức là bất diệt...
Tôi hiểu thế, nhưng giờ đây hình hài tôi còn vướng mắc ở thế gian. Sống gởi, thác về! Tôi đợi ngày tri thức sẽ thoát nhập vào vĩnh cửu. Những oán hận, thương ghét, sân si như dòng nước đục chảy qua đời tôi, giờ đây thấm nhập xuống mạch đất, tinh lọc trong sạch trở lại trong tâm thức. Đời người như cát bụi, chỉ hơi thở nhẹ thoảng qua sẽ biến mất trên thế gian. Như ngọn nến chập chờn trước gió, chực tắt ngấm trong một khoảnh phù du mà thôi.
Những tối qua, người ta đã thắp cho tôi biết bao ngọn nến, đốt cho tôi bao nén hương, khói trầm.Thế nhưng sao lòng tôi vẫn thấy lạnh lẽo vô chừng. Thân xác tôi đã đi vào giấc ngủ  nghìn thu. Hồn tôi đã chấp chới bay cao theo hương khói. Nhưng sao tôi vẫn thấy lạnh giá khôn nguôi. Có phải tôi vẫn còn lưu luyến cỏi đời. Có phải tôi vẫn còn nặng nợ trần gian? Hay nghiệp chướng tôi còn nặng nề, chưa trả dứt? Chắc không đâu! vì tôi đã chọn đường tôi đi. Vì tôi tự nguyện bước đi nấc cuối cùng vào cõi vô minh. Tôi không muốn trở lại cõi thế gian, dù là cỏ cây, đá sỏi...
Nhưng sao tôi vẫn thấy lạnh lẽo vô cùng. Lạnh giá như đêm cuối cùng ở thế gian. Tôi thèm một mùi nhang trầm.Tôi muốn nghe lại tiếng tụng kinh. Không biết phải thắp bao nhiêu ngọn hồng lạp nữa mới đủ làm hồn tôi ấm lại. Ngàn ngọn nến, đủ không ?...

Phong Vũ
Oct/07/2006
(thương tiếc linh hồn em gái V.T.H)

No comments:

Post a Comment