Thursday, August 9, 2012

CÕI NÀO BUỒN HƠN

Phong Vũ

Mùa Thu nơi đâyBuồn hơn mùa Thu Sài Gòn nhiềuNhìn Thu lá bayKhông thiết tha giống Sài Gòn nhiềuBiết không anh biết không anhMùa Thu nơi đây rất buồn rất buồn.
Trời mưa nơi đâyBuồn hơn trời mưa Sài Gòn nhiềuGiọt mưa hắt hiuNhư nhắc ta nhớ Sài Gòn nhiềuBiết không anh biết không anhTuổi xanh cô đơn rất buồn rất buồn.
Hoàng hôn nơi đâyNhạt hơn hoàng hôn Sài Gòn nhiềuChiều ra biển khơiTa thấy thương tiếc Sài Gòn nhiềuBiết không anh biết không anhThời gian khôn gian rất buồn rất buồn.
Ta muốn kéo mặt trời lặng đàng Đông mọc đàng TâyTa muốn không gian thời gian trong khoảng tù đàyĐể không mất nhau để mãi mãi không mất nhauKhông mất nhau trên đời nàyDù chỉ một phút giây.
Màu trăng nơi đâyĐục hơn màu trăng Sài Gòn nhiềuTrời đêm lặng saoNhư khác sao trăng Sài Gòn nhiềuBiết không anh biết không anhỞ đây trăng sao rất buồn rất buồn...

!
Cõi buồn - Nhạc sĩ Anh Bằng)
Cõi Nào Buồn HơnThu:
Mùa thu nơi đây buồn thật. Mùa của vàng lá, mùa của lá rụng khắp nơi. Cứ khoảng tháng mười trở đi, tôi lại thích lái xe chạy dọc theo con đường Canoga - khoảng từ Victory đến Burbank Blvd. nơi thung lũng tôi định cư từ mấy mươi năm nay - để thấy vàng thu rợp bóng hai bên vệ đường. Lá đâu mà nhiều thế? Hay những lúc khác lá xanh lẫn trời thiên thanh, nên mình không chú ý! Nay bạt ngàn lá vàng rắc đầy lối, che mất các thảm cỏ xanh – chỉ còn một màu vàng, lẫn những chấm phá nâu trầm, bởi những chiếc vội vã lìa cành từ đầu thu.
Nhạc sĩ Anh Bằng nói như thế. Mùa thu xứ người buồn hơn thu Sài Gòn. Có lẽ tại Sài Gòn ít có cảnh lá vàng chen lối, và cũng không có bầu trời màu xám se lòng. Miền Nam ta chỉ có hai mùa - hết mưa rồi chợt nắng. Xuân hạ thu đông chỉ trang điểm trong sách vở, thi ca.
Nhưng mùa thu nơi đây buồn hơn thu Sài Gòn trước kia; là lúc Sài Gòn còn nguyên vẹn tuổi tên. Một Sài Gòn ngập tràn trong ký ức của bao người, lưu lạc chân trời góc biển khắp năm châu. Một Sài Gòn mà từng con đường góc phố đều mang đầy dấu vết kỷ niệm của nơi, sống, yêu, hy vọng, hạnh phúc, hoan lạc, khổ đau...
Anh Bằng nhớ về Sài Gòn, như nhớ một người yêu nồng ấm một thời nay bỏ lại sau lưng. Người nhạc sĩ sống nơi xứ người, mỗi độ thu về nỗi hoài cảm lại theo gió heo may len vào lòng, thổi bừng lên nỗi nhớ quê luôn âm ỉ bên dưới lớp tro thời gian...Anh nhìn trời, nhìn đất, nhìn người xuôi ngược, nhìn xe cộ vội vã trên đường, nhìn cây lá đang theo nhau thay xiêm đổi áo, và trong bao cảnh rộn ràng đó, người nghệ sĩ tha phương lại thấy buồn, buồn hơn.
Mưa:
Không như hai mùa mưa nắng của quê hương, California chỉ mưa khi có bão tố từ ngoài bể đem vào. Nơi đây không có cảnh - chợt mưa rồi chợt nắng. Trời sẽ vần vũ mây đen trùng trùng đôi ngày, trước khi nàng mưa tới, kéo lết thết chiếc áo choàng đẩm nước phủ trùm lên vạn vật. Mưa sẽ rền rĩ, than thở cả tuần, trước khi tấm màn mây đen lại được kéo lên, chàng nắng hân hoan chen vào, rọi ấm những cây lá còn run rẩy vì lạnh lẽo.
Nơi đây không có cảnh mặc áo mưa, lái xe gắn máy co ro trên đường phố. Không có cái mưa gần gũi, làm nên bao cuộc tình duyên của Sài Gòn ngày trước. Hai người không hẹn, cùng dừng xe đứng trú mưa bên một hiên nhà ai. Trong cái trống vắng của đường phố, hai người ngượng ngập chào hỏi làm quen, rồi trò chuyện...Mưa bên ngoài đã tạnh, mà hai người bạn mới vẫn chưa hay!
Hay giọt mưa lạnh, cà phê nóng, đôi kẻ sẽ dìu nhau vào một quán cà phê nào đó chờ mưa tạnh. Trong tiếng mưa rì rào bên ngoài, hai kẻ yêu nhau ngồi im lặng nghe những khúc tình ca đắm đuối, như nói hộ tiếng của đôi tim...
Mưa bão nơi xứ này, gây nơi lòng người lữ thứ bao tơi bời trong cơn giông nỗi nhớ. Mưa nơi đây ủ kín mọi thứ. Cảnh vật lạnh lùng, xe cộ kín cửa chạy ào ạt trên đường. Ai cũng hối hả đến sở, hay trở về nhà. Trong một góc vắng nào đó, người nghệ sĩ ngồi cô đơn.
Anh Bằng nhớ về mưa Sài Gòn, nhớ về những cơn mưa kỷ niệm của thời trai trẻ, những cơn mưa của hẹn hò, của tình tự, và chia tay của chiến tranh...
Không biết Anh Bằng có không, chứ riêng tôi luôn nhớ đến những đêm mưa chạy xe trên đường Tự Do (Catina) đến nhà thờ Đức Bà. Trong ánh sáng vàng của các ngọn đèn đường, từng cặp tình nhân trú mưa bên hiên thánh đường. Họ thì thầm những gì với nhau, nào ai biết? Nhưng chắc hẳn bao lời thề hẹn của họ sẽ được thượng đế nhiệm mầu minh chứng.
Hoàng Hôn:
Sài Gòn không có biển để ta có thể thấy mặt trời chìm dần vào sóng nước. Nhưng Sài Gòn cũng có con sông lớn để người dân thành phố mỗi chiều thấy hoàng hôn rừng rực đỏ trên sông.
Tôi nhớ những lần tàu về, neo bến Hàng Hà và nhân viên đã phần lớn lên bờ ghé thăm nhà, để lại con tàu trống vắng buồn thiu. Chiều đến trong phiên trực, tôi ra sau lái ngồi nhìn hoàng hôn tím thẩm trên thượng nguồn. Sóng lăng lăng trên sông khi có những cơn gió lùa về từ những cánh đồng bạt ngàn bên kia Thủ Thiêm, xô đẩy những đốm than vàng rực đang xì xèo trên nước; được rắc xuống từ những dãy mây hừng hực màu chiều. Trời chuyển mùa tím than, rồi tối hẳn.
Thành phố lên đèn, dòng xe cộ theo nhau uốn khúc. Tôi ngồi một mình nghĩ ngợi miên man, thèm một phin cà phê đen trong Hầm Gió, nhìn sang cô bạn gái đang cười vu vơ, lộ hàm răng em trắng rực trong ánh đèn "black light". Các tấm "posters" trên tường hình như đang lung linh, cử động theo tiếng nhạc mờ ảo..
Sài Gòn có cuộc sống hừng hực về đêm. Người ta chở nhau đi ăn, đi nghe nhạc, khiêu vũ. Sài Gòn cũng có những kẻ lạc loài sống trên hè phố, với chiếc đàn hát sờn mòn, và các gánh hàng rong..Tất cả mọi thứ ấy biến Sài Gòn ngày trước thành một nơi chốn khó quên. Một thứ kỷ niệm đậm đặc, hoá thạch trong dòng trôi thời gian.
Buổi tối nơi đây khác hẳn. Mọi cửa tiệm đều đóng cửa lúc 6 giờ chiều. Đường phố không còn rộn rịp nữa. Ai ai cũng quay về với gia đình sau một ngày tất bật nơi công sở. Đường phố vắng ngắt dưới những những hàng đèn sáng choang, lạnh lùng. Phần lớn sinh hoạt đều lùi lại sau các khung cửa đóng kín, cẩn thận.
Trách sao Anh Bằng không nhớ về Sài Gòn như thế. Anh nhớ từng con đường, góc phố ngày xưa.Ngày anh còn bạn hữu cận kề. Ngày nhóm Lê Minh Bằng là một hiện tượng của âm nhạc miền Nam. Những tối, những chiều, các người lính nơi tiền đồn đang lắng nghe các bài hát quen thuộc của nhóm này.
Ba người bạn tâm giao, quen nhau trong quân ngũ, rồi cùng hoạt động văn nghệ, ký tên chung trên các bản nhạc sáng tác - Lê Dinh - Minh Kỳ - Anh Bằng. Những đêm họ cùng thức suốt đêm tại nhà in Tương Lai, trên đường Trần Hưng Đạo để chờ in cho kịp các bản nhạc vừa tái bản.
Nhóm Lê Minh Bằng thành lập năm 1966. Họ làm cố vấn cho ông Nguyễn Tất Oanh, giám đốc hãng Đĩa hát Asia - Sóng Nhạc ở số 37 đường Phạm Ngụ Lão, Saigon. Nhóm chọn bài để thu thanh và xuất bản, cũng như phụ trách phần phụ diễn ca nhạc cho chương trình tuyển lựa ca sĩ hàng tuần ở rạp Quốc Thanh do đài phát thanh Sài Gòn tổ chức.
Nhóm còn mở lớp nhạc có tên là lớp nhạc Lê Minh Bằng, kéo dài từ 1966 đến 1975, tại địa chỉ 102/8, đường Hai Bà Trưng, Tân Định. Ngoài ra nhóm còn lấy thêm các bút hiệu khác như: Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Vũ Chương, Dạ Cầm, Dạ Ly Vũ, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương..
Đông - Tây:
Trong giây phút mà bao nỗi mất mát, nhớ thương đang dày xé lòng người nghệ sĩ. Anh Bằng chợt có những ý muốn mãnh liệt. Anh muốn như một phù thủy có phép thuật làm ngưng đọng thời gian. Anh muốn như một siêu nhân, làm thay đổi hướng quay của trái đất - từ đông sang tây - thay vì từ tây sang đông. Để thời gian sẽ đi ngược lại, và trở về khởi điểm của nó. Nơi đây, anh sẽ sống lại những ngày tháng yêu dấu cũ.
Ngày ấy, Sài Gòn còn là Sài Gòn của mọi người miền Nam. Thành phố này còn là đất hứa của nhóm ba nhạc sĩ Lê Minh Bằng. Còn là thời của những bản nhạc trữ tình, quen thuộc mà ai cũng đều nhớ thuộc đôi câu, vài hàng..
Nhưng thời gian vẫn là chuỗi ánh sáng lao đi biền biệt từ thuở khai thiên lập địa. Trong khi tiềm thức ngưng đọng, lắng chìm trong góc khuất của tâm hồn. Nhưng chỉ một chớp loé nào đó của ngoại cảnh, cũng khiến lớp phù sa thời gian này bùng lên, và len vào mọi ngõ ngánh của trí nhớ để quay quắt lòng người..
Trăng:
Với tôi thì trăng nơi đây mờ hơn trăng Sài Gòn; thay vì đục như Anh Bằng nói. Trăng Sài Gòn tỏ hơn vì nơi đó còn có những khoảng trống không cao ốc chọc trời che khuất. Và không khí trong lành vì ít bụi khói xa lộ cao tốc.
Theo tôi có lẽ Anh Bằng muốn nói ánh trăng đục để diễn tả cái tâm tình của anh lúc đó. Trăng viễn xứ đục hơn trăng quê hương vì trăng buồn và cô đơn. Trăng nơi đây không có ai làm thơ ca tụng. Trăng nơi đây không treo lồng bóng nước. Trăng nơi đây hờ hững không kẻ tri kỷ ngắm nhìn. Và trăng nơi cũng không được véo von, trách hờ, như câu ca dao...em múc ánh trăng vàng mà đổ đi.
Từ lúc qua đây, tôi không còn có dịp ngắm lại dãy ngân hà rừng rực sao trên trời như khi xưa nữa. Trong ký ức tôi, cảnh tượng ấy như một nhiệm mầu, bao la của tạo hóa. Nơi hải ngoại này, muốn ngắm sao, ta phải ra tận những vùng xa thành phố. Nơi không ánh sáng đèn. Nơi ấy ta mới thấy sao trên bầu trời chi chít, hằng hà sa số. Và nếu là vào một đêm tháng tám, may ra ta có thể thấy được dãy ngân hà, rực rỡ và lao xao như muôn triệu hạt kim cương, đang nằm vắt ngang vũ trụ đen nhung.
Tôi cũng ao ước được thấy lại vầng trăng rằm đang dần mọc từ trên các rặng tre trong thôn quê. Ánh trăng sáng dìu dịu màu sữa, soi rõ những con đường quanh co trong thôn xóm. Trên dòng sông nhỏ, nàng trăng long lanh rọi muôn ngàn ánh bạc xuống nước. Tôi mơ một lần được về ngồi thuyền trên sông những đêm thơ mộng như thế.
Nhạc sĩ Anh Bằng mơ một vầng trăng cũ của Sài Gòn. Vầng trăng vẫn còn đẹp và tinh khiết. Một vầng trăng treo cao trên thành phố cũ. Nơi có tình bạn, tình người, và những ngày tháng đẹp đẻ mà nhóm Lê Minh Bằng vẫn còn gần gũi bên nhau. Nơi mà giông tố chưa đến, nơi mà tình người chưa phai, chưa đầy dẫy bội bạc. Nơi dòng nhạc Lê Minh Bằng còn tuôn chảy, lay láng trong lòng dân tộc...
Bây giờ nơi nầy, Anh Bằng ngồi trên con thuyền viễn xứ, trôi thơ thẩn một mình. Lê Dinh thì mãi nơi xứ tuyết Canada xa xôi, lạnh lẽo. Còn Minh Kỳ, đã gửi thân cát bụi, vĩnh viễn ở lại với Sài Gòn muôn thuở.
Ôi cõi buồn nào hơn...
Hạ 2008
Phong Vũ

No comments:

Post a Comment