Saturday, August 25, 2012

ĐÊM TẤM VU NGHE TIẾNG ĐÀN BẦU


song-nuoc-mien-tay-2[1] Phong Vu

Có tiếng kêu lè xè trên máy truyền tin, Vũ bỏ chén cơm xuống và bước vào khoang lái. Áp tai vào ống liên hợp, Vũ lắng nghe tiếng nhân viên tổng đài từ căn cứ léo nhéo, đọc bản công điện đã được mả hóa: Tango, November, Hotel, Fotrox....Viết xong bức công điện xuống giấy, Vũ trở ra boong tàu, nơi anh em đang ngồi ăn buổi chiều. Thức ăn có phần tươm tất nhờ hai con cá lóc nướng, một nồi canh chua với con cá ngát vừa câu được trên sông, và dăm lon đồ hộp thịt ba chỉ...Trước cặp mắt chờ đợi của mọi người, Vũ ngồi xuống trên sàn tàu, và đưa cho Sơn - người Hạ sĩ vô tuyến, tờ công điện và nói :
- Cậu ăn xong rồi thì vô giãi mả xem căn cứ ra lệnh gì mình đó !
Lùa miếng cơm chót vào miệng, Sơn đứng dậy cầm tờ công điện đi vào phòng lái, mở đàn bàn vô tuyến, và ngồi xuống chăm chú dịch...Cầm tờ công điện đã được giải khóa, Vũ xem rồi nói với mọi người :
- Vậy là anh em mình được sả hơi đêm nay. Căn cứ ra lệnh hủy bỏ phục kích, và mình sẽ về chợ Tầm Vu nằm ứng chiến cho Sư đoàn 21 Bộ binh, và tiểu đoàn 44 Biệt Động Quân đang hành quân ở trong đó.
Tiếng vài người nhao nhao đùa bởn...Vậy thì sướng mé đìu hiu đêm nay rồi ! Vừa lãnh lương xong sáng nay, đêm nay được nằm chơi ở chợ quận thì quá đã rồi anh em ơi ! Vũ mĩm cười vui vẻ với anh em. Chàng biết cả tháng nay, tàu đã liên tục vất vả, đi nằm kích ở những nhánh sông trùng điệp rừng cây. Hay những ngõ kinh âm u đầy dừa nước xanh ngát. Hay những góc từng tràm âm u, nước mặn ngập bao mụa Hay lênh đênh trên những cánh đồng mênh mông, không dấu vết nhà cửa, chợ búa ...Tình hình chiến sự căng thẳng, địch bắn quấy phá vào thành phố thường xuyên hơn...Nhiệm vụ của tàu là tìm cách ngăn chận các cuộc pháo kích đó, hay khám phá, chận đứng các cuộc hành quân của địch quanh vùng...Tiếng Trung sĩ Hoàng to hơn cả:
- Chợ Tầm Vu hả ông thầy? Vậy thì đêm nay ta sẽ được gặp lại nhỏ Ba bán nem nướng rồi...hà..hà...
Mọi người vui cười. Vũ thấy vui chung với anh em trên tàu. Họ là những người lính chiến, giang hồ rày đây mai đó. Họ thân thiện gần gũi nhau, mà con tàu nhỏ hẹp như một mái gia đình thân yêu. Họ chia xớt nhau từng bửa ăn đạm bạc, hay thật hào phóng ở những ngày đầu tháng. Họ san sẻ nhau từng điếu thuốc thơm, từng ly rượu đế cay nồng. Kể nhau nghe từng mẫu đời riêng tư, từng hoàn cảnh, và từng buồn vui chuyện trai gái... Họ cùng khóc thương khi có người bạn trong tàu vừa gục ngã, sau một trận chiến. Họ cùng cười vang trong các cuộc nhậu sát phạt.Vũ cho quay đầu tàu trở lại vàm sông cái. Bỏ lại sau từng khu rừng tràm xanh um, hực mùi cây lá mục, rong rêu...Bỏ lại sau lưng đêm muỗi mòng đỉa vắt. Bỏ lại sau lưng những đóm lửa ma trơi, bốc lên từ cây lá ẩm lân tinh của vùng nước mặn...Bỏ lại sau lưng những khốc liệt có thể đến từng đêm không ngờ !

Tàu chạy san sát dưới những tàn cây, ve nhánh ra mặt nước. Ánh mặt trời chiều loang lổ màu đỏ rực, ẩn hiện loang loáng sau các rặng dừa nước. Ra đến sông cái, trời cũng vừa tối hẵn. Ánh trăng thượng tuần treo leo léo màu xanh nhạt trên nền trời nhàn nhạt. Vài ánh sao hôm đã nhấp nhánh trên các ngọn bần và những đàn đom đóm cũng đã nhóm chợ trên các cành cây, rực rỡ ....Nước đã lớn đầy, ràn rạt làn gió mát lạnh, thổi giạt ngược mũi tàu. Vũ ngồi bên phòng lái, hút thuốc nhìn trời bâng quơ. Những cánh đồng loang loáng nước, in bóng ánh trăng hiu hắt. Có những đàn chim đang chộn rộn bay về tổ, ríu rít như kể chuyện trong ngày cho nhau nghe. Những chiếc xuồng câu lắc lư ánh đèn trên sông, thỉnh thoảng vài hàng đăng chạy ra đến nửa sông, treo đèn lúc lắc dưới đợt sóng tàu chạy qua. Chàng chợt nhớ Nguyên, nổi nhớ như vết cắt nhức buốt. Hơn nửa năm rồi chàng chưa về gặp Nguyên. Hai người như hai điểm chấm, căng hai đầu vạch đường dài chia cách. Nguyên vẫn gửi thư cho Vũ hàng tuần, những chồng thư chàng cất trong chiếc hộp gỗ dưới đầu giường.
Vũ suy nghĩ về Nguyên, nàng đang làm gì tối nay? Đến nhà bạn gái chơi, hay đang tập hát với ban thánh ca trong nhà thờ...Hay đang ngồi trên chiếc sân thượng vắng lặng, bên gốc cây chùm ruột lưa thưa trái, và mắt nhìn đăm đăm xuống con đường dẫn đến ngã ba dưới kia. Nàng chờ đợi đến mõi mòn bước chân người yêu trở về. Nguyên vẫn chờ Vũ hàng đêm nơi đó !
Khoảng gần 8 giờ tối thì tàu về đến quận. Phố xá đang lên đèn sáng trưng. Tiếng nhạc xập xình vang lên từ vài quán cà phê ven sông. Tàu Vũ ngưng máy, bập bềnh trên nước vài phút, định hướng rồi chậm rãi cập vào chân chiếc cầu sắt bắc ngang dòng sông. Vũ đổi tần số, liên lạc với quận cho họ biết sự hiện diện của mình, rồi sau đó tàu tắt máy hẳn. Quen thuộc với công việc, Trung sĩ Hoàng cắt gác, chia phiên trực cho nhân viên, xong xuôi báo cáo với Vũ rồi tuyên bố cho nhân viên lên bờ đi chơi phố. Vũ dặn dò vài câu người lính gác tàu, xong cũng trung sĩ Hoàng và vài nhân viên khác, bước theo chiếc cầu xi măng chạy dài xuống bến sông, bước lên con đường tráng nhựa duy nhất trong quận. Hoàng nói với Vũ:
- Ông đi theo tôi lại đàng này nhậu chơi với bác Sáu Lầu. Tôi quen ông này mấy năm nay rồi. Ông ta có cô con gái đi học ngoài tỉnh, thỉnh thỏang về thăm nhà. Chuyền này để tôi giới thiệu cho ông thầy nghen?
Vũ mĩm cười nhìn Hoàng nói:
- Thân cậu chưa lo, vợ con chưa có mà lo gì cho tôi. Tôi theo cậu đến uống rượu chơi với bác Sáu, còn chuyện giới thiệu thì dành cho cậu nghen...
Con đường một bên là bờ sông, một bên là dãy phố đang sinh hoạt nhôn nhao. Đám lính Hải quân ghé vào một quán chạp phô, Vũ mua vài lít rượu thuốc, khoảng năm sáu con khô mực, khô cá hố, một vài trái soài xanh, rồi cả bọn theo Hoàng theo chiếc cầu sắt băng qua bên kia sông. Trái với bên kia phố xá vui ồn ào, bên này bờ lại im lìm với các căn nhà mái ngói nằm bên trong các khu vườn tịch mịch. Quẹo vào con ngõ lót gạch tàu, có tiếng chó sủa inh ỏi, rồi có bóng người đi ra mở cổng. Hoàng lên tiếng:
- Dạ tụi con xin kính chào bác Sáu. Đêm nay tàu ghé qua đây, tụi con lên đây thăm hai bác...Bác Sáu là một ông lão dáng người tráng kiện. Ông búi mái tóc bạc sau ót và mặc bộ bà ba lụa màu mâu. Ông nhìn thấy Hoàng và bọn Vũ. Ông nở nụ cười vui vẻ mở rộng cánh cổng, đưa tay mời cả bọn vào nhà. Dưới ánh đèn điện một bóng nêon sáng xanh, Vũ đưa mắt nhìn căn nhà gỗ lợp ngói rộng. Gian giữa là một bàn thờ với các chiếc lư đồng sáng bóng. Hai gian bên là một chiếc đi-văng bóng mung màu gỗ đen, bên kia là bộ bàn ghế dài, cẩn kiến với sáu chiếc ghế gỗ cũng lên nước bóng nâu sậm. Bác Sáu nhìn bọn Vũ nói :
- Mấy cháu ghé qua tối quá, không biết đã ăn uống gì chưa? Để bác gọi tụi nhỏ bắt con gà nấu cháu, rồi bác cháu mình nhậu cho vui nghe.
Vũ chưa kịp lên tiếng, thì bác đã gọi vào trong, giọng oang oang:
- Hạnh à, con nói thằng Hai ra chuồng gà, lựa một con to cắt cổ làm tiết canh, rồi nấu cháo dùm tía nghen. Có mấy cậu quen trên tỉnh về chơi với tía...
Có tiếng một ngừơi con gái, giọng thanh tao trả lời:
- Dạ thưa tía, để con nói lại với ảnh...
Vũ thưa với bác Sáu:
- Thưa bác, tụi con ghé qua trể quá nên làm phiền bác quá. Xin bác tha lỗi cho. Anh Hoàng rủ ghé qua thăm bác, kính mời bác uống rượu chơi cho vui. Vũ đặt mấy chai rượu thuốc lên bàn, và bảo một anh lính đem mấy con khô xuống bếp để nướng.
Bác Sáu cười khề khà, mở chiếc tủ thờ lấy ra mấy chai rượu đế nước trong vắt.
- Bác có mấy chai rượu ông bạn cho hôm kia. Ông ấy nấu rượu ngon có tiếng trong quận. Để bác gọi ông ấy kéo theo mấy tay đàn tài tử qua chơi cho xôm tụ. Lâu quá mới gặp lại cậu Hoàng này...
Bác Sáu đứng lên, bước ra cửa rồi cả bọn nghe tiếng ông gọi vang:
- Ông Bảy Dư ơi, ông xách đàn qua đây chơi nghen. Rủ thêm ông Tư Chơi, và con Ba Hường qua đây ca hát chơi đêm nay. Có mấy cậu trên tỉnh về thăm...Cậu lính trở lại bàn, đem theo một dĩa khô mực, thêm một dĩa khô cá hố. Mùi thơm nồng mũi. Bác Sáu tự tay mở chai rượu, rót ra một ly xây-chừng, rồi nhìn mọi người nói:
- Bác mời các cháu. Bác là chủ sẽ uống trước một ly, rồi sau đó mỗi người sẽ xây vòng nghen.
Nói xong ông ngửa cổ uống cạn ly, khà một tiếng điệu nghệ, rồi đưa ly cho Hoàng:
- Cậu làm chủ xị nghen. Bây giờ bắt đầu uống đi.
Hoàng mĩm cười, cầm chai rót một ly đầy. Hắn đưa cho Vũ và nói:
- Mời ông thầy vô trước, rồi đến anh em xây vòng...Vũ đưa tay nhận ly rượu, uống cạn ly, rồi trao lại cho Hoàng. Ly rượu lại được rót đầy, và đưa cho người ngồi kế bên. Mọi người uống cạn tua đầu. Vũ xé một miếng khô mực bỏ vào chén mời bác Sáu.
Vừa khi ấy có tiếng lục đục ngoài sân, rồi một tốp người bước vào nhà. Đi đầu là một đàn ông trung niên, trên tay xách một cây đàn Tây Ban Cầm, cần đờn khuyết lỏm xuống để đàn cổ nhạc. Phía sau là một ông tóc muối tiêu dài đến vai, tay cầm chiếc đờn nhị, còn gọi là đờn cò. Sau cùng là một phụ nữ, trông tuổi độ ba mươi, tóc kẹp sau gáy theo vào...
Bác Sáu niềm nở đứng dậy, đưa tay chỉ và giới thiệu:
- Đây là anh Tư Chơi, đây là anh Bảy Dư và đó là cô Ba Hường. Họ là một ban nhạc tài tử trong vùng. Hay đến đây chơi với bác...Còn đây là mấy cậu hải quân quen ở trên tỉnh vừa xuống, ghé chơi !
Bác Sáu bảo Hoàng kéo thêm mấy cái ghế nữa cho những người mới đến. Và tua rượu lại bắt đầu vòng mới. Riêng cô Chín Hường thì xin phép mọi người để xuống bếp phụ nấu nướng.Mọi người chủ khách đều rất vui vẻ. Bọn Vũ không ngờ đêm nay lại được dự một cuộc rượu thú vị thế này.Bác Sáu đứng lên đi vào trong, đoạn trở ra với một cây đàn độc huyền cầm hay còn gọi là đàn bầu trên tay. Cây đàn màu đen, cẩn sơn mài óng ánh bạc. Chiếc cần đàn cong vút, dưới ánh đèn óng màu huyền lóng lánh. Bác đặt chiếc đàn lên bộ ngựa gỗ bên kia, đoạn trở lại bàn. Trung sĩ Hoàng nói với Vũ:
- Bác Sáu đây nổi tiếng là có tiếng đàn bầu rất độc đáo. Chút nữa đây ông thầy sẽ được thưởng thức. Tôi đã được nghe mấy lần rồi. (Giọng cậu ta chợt có vẽ bí mật) nhưng đêm nay sẽ có thêm một ngạc nhiên thú vị...
Các ông già bạn thân với nhau, uống rượu cười nói sảng khoái. Bọn Vũ ban đầu còn dè dặt giữ lễ, sau cùng cũng hòa cuộc rất tự nhiên. Chai rượu thứ nhất đã cạn. Hoàng mở nút chai thứ hai...
Bác Bảy Dư nhắc cây đàn guitar lên, nắn nót lại dây, khải thử vài nốt lấy tông. Đoạn ông bắt đầu chơi một bản ngắn Xuân Tình:
Hò lìu xang xê cống
Líu cống líu cống xê xang
Xừ xang xê hò líu cống xê xang hò
Liu xế xang xự xề xang lìu hò
....Tiếng đàn thật ngọt, chứng tỏ ông là một tay đàn rất giỏi. Bác Sáu bật cười ha hả, nói :
- Các cháu thấy chưa, Qua đã nói mà, ban nhạc nổi tiếng nhất vùng...
Men rượu ngà ngà, mọi người lại kéo nhau qua ngồi chung quanh bộ ngựa gỗ bên gian đối diện. Bác Sáu ngồi xếp bằng, đặt cây đàn bầu trước mặt. So dây rồi gảy thử vài nốt.."...tưng..tưng...tửng từng..." Tiếng đàn dịu quặt, uốn cong ở cuối mỗi âm thanh. Ông Tư Chơi cũng trẻo lên ngồi xếp bằng trên bộ ván, kẹp cây đàn cò ở hai chân, nghiêng đầu tựa vào cái cần dài ngoặc, ốm o của cần đàn, và kéo thử vài câu :...o..o..ỏ...ò...ó...o...! Bọn Vũ ngơ ngác nhìn nhau, rồi trố mắt ra chiêm ngưỡng các nhạc sĩ dân gian. Chợt có tiếng "song lang" gõ nhịp đánh cắc một tiếng, rồi cô Chín Hường xuất hiện, tay cầm song lang giữ nhịp. Ban nhạc bắt đầu bằng một bản "Lưu Thủy" ngọt ngào như một dòng nước chảy. Tiếng lóc cóc của song lang, tiếng não nuột đu đưa của đàn cò, tiếng ngọt lịm của đàn guitar, và tiếng đàn độc huyền mùi mẫn, hòa hợp nhau trong cái không gian yên lặng chung quanh. Bọn Vũ lim dim, không phải vì rượu, mà là vì cái không khí âm nhạc quá đổi chuyên nghiệp như thế này.
Cô Chín Hường bắt đầu hát, giọng cô trong trẻo, buồn buồn, như nỗi lòng thê thiết của một chinh phụ qua bài Vọng Cổ Hoài Lang...
"Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau í a.
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trong tin chàng
Sao nỡ phũ phàng.
Chàng là chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm lợt phai í a
Là nguyện cho chàng
Hai chữ, An Bình An
Trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi í a….
”Vũ biết đây là bài vọng cổ đầu tiên của nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác vào năm 1920 ở Bạc Liêu. Nguyên do ông sác tác bài này là bởi nhạc sĩ thương vợ. Thời gian ông viết bản Dạ Cổ Hoài Lang, nhạc sĩ đã ăn ở với vợ được 3 năm mà không có con...Tiếng ra, tiếng vào của gia đình buộc nhạc sĩ phải thôi vợ, nhưng ông không đành, và âm thầm chống lại nghiêm lệnh của gia đình, không đem vợ trả về cho cha mẹ, mà đem gởi đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu...
Trong thời gian dài, phu thê phải cam chịu cảnh “đêm đông gối chiếc cô phòng", Ông Sáu Lầu thường mượn tiếng đàn để vơi cơn phiền muộn. Và bản Dạ Cổ Hoài Lang đã ra đời trong bối cảnh như thế...
Bảng nhạc dừa dứt, thì mắt cô Chín Hường cũng long lanh hàng nước mắt. Cô đưa khăn tay thấm lệ, và khẽ mĩm cười trước tiếng vỗ tay của các chàng lính thủy. Một giọng nói vang lên bên kia bàn :
- Xin mời tía, mời các bác, mời các anh lên bàn dùng cháo gà cho nóng !
Vũ quay lại và nhìn thấy một cô gái tuổi độ hai mươi, đang đặt lên bànmột mâm trên có các dĩa gà xé phai, tô cháo lớn nóng hổi bốc khói nghi ngút...Nàng vận chiếc áo bà ba lụa màu tím than, chiếc quần mỹ-a óng ánh, uyển chuyển theo đôi chân. Mái tóc dài đen huyền thả dài trên chiếc lưng thon nhỏ. Cô gái quay lại nhìn, và bắt gặp ánh mắt Vũ. Nàng thẹn thùng khẻ cười, gật đầu chào, và quay lại đi vào cửa buồng. Tấm màn cửa vẫn còn lay động, và lòng Vũ ngơ ngẫn. Ai vậy kìa? Sao trông quen quen và dễ thương quá !
Hoàng thúc nhẹ cùi chỏ vô hông Vũ, nói khẻ:
- Cô Hạnh đó, con út của bác Sáu. Chắc cô ấy vừa về thăm nhà ! Chắc ông thầy gặp may rồi. Nói xong hắn nheo mắt cười tinh nghịch với Vũ.
Dù các tô cháo gà đang nóng hổi chờ đợi, các tay nhạc sĩ chưa chịu quay lại bàn, mà vẫn tiếp tục chơi vài bài nữa. Có tiếng guốc nhè nhẹ phía sau, rồi Hạnh lại trở ra. Cô đem thêm một dĩa gỏi gà trộn bắp chuối , đặt lên bàn rồi lại lên tiếng mời.
Bác Sáu chợt ngưng đàn, đưa tay ngoắc Hạnh qua, rồi trìu mến nói :
- Các bác, các anh đây chắc muốn nghe con đàn rồi mới chịu ăn. Thôi sẳn đàn đây, con làm thử một vài bài coi nghen !

Hạnh e thẹn nhìn mọi người, ngần ngừ đôi giây, rồi mạnh dạn ngồi xuống sau chiếc đàn độc huyền. Nàng không ngồi xếp bằng như bác Sáu, mà đặt nghiêng đôi chân và khép hai đầu gối lại. Nàng đưa đôi tay ra vuốt cần đàn, rồi dạo thử vài nốt. Mọi người im lặng chăm chú nhìn. Chiếc bàn tay nàng trắng muốt như các búp hoa huệ trắng mà Vũ nhìn thấy trên bàn thờ Đức Mẹ. Cổ tay gầy mỏng, dịu ngoặc khi nàng vuốt cần đàn. Bàn tay kia hững hờ hay ngón nhỏ, nàng cầm chiếc phím để bật từng nốt trên chiếc giây đàn độc nhất, căng thẳng trên mặt thùng đàn. Bác Sáu ánh mắt hãnh diện, vuốt râu chờ đợi :
"Từng...tưng...tửn...tửng...tựng...từng...
Ai có nghe tiếng đàn độc huyền trong một đêm khuya vắng, thì mới biết thế nào là cái cảm giác lâng lâng, say say, đắm đắm..trong tiếng đàn vang. Nói theo tiếng địa phương, là cái...mùi mẫn, mê ly, hiển hiện qua từng âm thanh của đàn. Bàn tay Hạnh dịu nhiễu, cầm chiếc cần đàn khe khẻ rung theo tiếng nhạc, tạo cho tiếng đàn thêm cái dư âm huyền hoặc, mơ hồ, du dương trong đêm...
Hạnh như chìm đắm trong một bài nhạc nàng đang đánh. Đôi mắt khép hờ khe khẻ, hàng lông mi dài mơ hồ run rẩy như đôi cánh bướm...Vũ nghe hồn mình chìm đắm. Đây là lần đầu tiên chàng nghe loại đàn độc đáo này. Độc đáo ở chỗ nó chỉ có một dây, căng trên một thùng đàn vuông dài. Người chơi phải biết nơi nào, để khải dây cho đúng cung bật, và cần đàn là một thanh trúc mỏng cao, đựơc dùng để luyến lái cho âm thành đàn có độ ngân mê hoặc. Vũ nhìn Hạnh đăm đăm, cố nhớ xem đã gặp cô gái này nơi đâu ...Hạnh đàn xong bài nhạc, mọi người cùng vỗ tay rào rạt. Riêng Vũ vẫn lặng thịnh chàng như người mất hồn, ngồi im lặng trong khi các người khác lục tục qua bàn ăn. Vũ mở bừng mắt nhìn Hạnh, bắt gặp nàng cũng đang nhìn mình. Tia nhìn nàng như có một chút gì thắc mắc, và cũng có những điều muốn biết trong đó. Hạnh khẽ gật đầu chào Vũ, và rời khỏi bộ ván.
Hoàng đi đến bên Vũ, nhìn chàng thật gần và hỏi :
- Sao vậy ông thầy. Bị hớp hồn rồi hả?
Vũ ngượng ngập mĩm cười, rồi cùng mọi người ăn cháo gà. Cô Chín Hường lại cất tiếng hát một bài vọng cổ có tên là "Lục Vân Tiên" , và ông Bảy Dư trổ ngón đàn Tây ban cầm ngọt lịm để đàn cho cô hát. Tiếng đàn như rượt đuổi nhau, có khi như trầm lắng, có khi như dồn dập, có khi thương tiếc nhớ nhung...Bác Sáu lim dim ngồi nghe, rượu đã qua tuần thứ mười...Vũ xin phép ra sân hóng mát và hút thuốc. Ra ngoài hiên nhà, chợt Vũ nhìn thấy bóng Hạnh đang lui cui thắp nhang trước bàn thờ ông Thiên giữa sân. Chàng bước lại, đứng cạnh Hạnh và cũng chắp tay van vái. Hạnh nhìn qua Vũ, và chợt phì cười vì thái độ ngộ nghĩnh của chàng trai này. Nàng khẽ bông đùa :
- Anh đang cầu nguyện gì thế?
Vũ cũng đùa theo:
- Tôi đang xin cho gặp được vợ tương lai năm nay !
Hạnh khẽ mĩm cười, nhưng làm bộ ngây thơ:
- Ủa vậy tôi cứ tưởng ông đã có con rồi chứ !
Vũ làm bộ than vãn :
- Ôi bộ tôi trông già lắm rồi sao?
Hạnh cười ngất:
- Hình như anh trông già trước tuổi thì phải...Có tiếng người đằng hắng phía sau, rồi Trung Sĩ Hoàng xuất hiện:
- Thôi mình sửa soạn về tàu đi ông thầy. Để bác Sáu nghĩ ngơi, và cô đây mai còn đi học...
Hạnh đính chánh :
- Tôi về đây nghĩ hè. Trường ngoài Cần Thơ đã tạm nghĩ ba tháng !
Vũ bắt cơ hội, hỏi ngay :
- Thế cô học trường nào?
- Dạ em học Đoàn Thị Điểm.
Thảo nào, Vũ rên nhỏ trong lòng. Ngôi trường này chàng hay đến để ngắm các cô nữ sinh mỗi khi có dịp. Chàng cũng hay lang thang, ghé vào các xe bán đậu đỏ bánh lọt, bò bía, nước mía bên ngoài hàng rào của trường, và chắc là từng thấy cô nàng Hạnh này lần nào đó rồi...
Trở vào trong Vũ và đồng bọn chào cám ơn bác Sáu và các bác khác đã cho một đêm nhậu thú vị đêm nay. Hoàng đến cảm ơn riêng cô Chín Hường, và hẹn lại lần sau để nghe cô hát thêm. Hai người có vẻ lưu luyến nhau rồi.
Vũ trở ra sân nhưng Hạnh đã biến mất. Chàng luyến tiếc đưa mắt tìm kiếm chung quanh. Bác Sáu chừng như hiểu thầm, nên đến bên chàng nói nhỏ :
- Lần sau cậu Vũ nhớ ghé chơi, thăm tôi và thăm cháu nhé ! Nó đi học ngoài tỉnh mỗi tháng về chơi đôi ngày...
Đêm nước lớn, dòng sông lấp lánh ánh đèn trên bến, và vầng trăng khuya nhếch nhác treo cao. Chiếc tàu lẽ loi nằm âm thầm cạnh chân cầu. Và bóng người lính gác ngồi co ro hút thuốc trước mũi, trông đến tội nghiệp...
Vũ bước lên tàu thầm nghĩ, lính chiến ai cũng cô đơn như thế thì phải !
Dòng sông vẫn rì rào chảy, đưa mắt nhìn lại bên kia sông, hình như Vũ vẫn còn nghe cái âm thanh huyền hoặc của tiếng đàn bầu..

Bên kia bờ, trong bóng đêm có ánh mắt người con gái dõi theo dòng sông, lung linh...

Một đêm (quên tháng) 1974
tại chợ Tầm Vu
Phong Vũ

No comments:

Post a Comment