Thursday, August 9, 2012

CHUYẾN PHÀ KHUYA TRÊN SÔNG HẬU


Chuyến phà khuya trên sông Hậu
Mặt sông tối ngòm. Gió dìu dịu thổi làm các nhánh dương lay động. Tôi xuống xe lôi, trả tiền người lái và thả bộ theo triền sông.
Đồng hồ đeo tay chỉ bốn giờ bốn mười, còn hai mươi phút nữa chuyến phà đầu tiên mới bắt đầu. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu thấp lùn, của một quán cà phê ven đường. Mùi thơm hành tiêu từ gánh cháo lòng bốc lên làm bụng thấy đói, nhưng tôi chỉ gọi một ly cà phê sửa nhỏ. Giờ này còn quá sớm để điểm tâm. Đốt điếu thuốc thơm, và chiêu bằng ngụm cà phê. Trong cái không khí lành lạnh buổi sớm, tôi thấy sảng khoái vô cùng; dù một đêm qua phải thức với phiên trực tại đơn vị. Tôi định bụng, lát nửa đây lên xe sẽ ngủ bù cho lại sức.
Bến đò buổi sáng sớm bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều chiếc xe đò đậu nối đôi nhau phía trước cổng xuống phà. Khách bộ hành xuống xe vào các quán ăn dọc theo bến để ăn uống. Tiếng người nói chuyện nghe lao xao trong sương sớm. Tiếng xe nổ lụp bụp từng hồi.  Văng vẳng tiếng ca vọng cổ của Lệ Thủy và Minh Cảnh đang réo rắt từ các loa trong xe đò ..." Bạch Thu Hà em ơi, bởi sa cơ nên chiến trường đành thọ tiễn. Võ Đông Sơ nay đành chia tay vĩnh biệt Bạch Thu...Hà !"  Tiếng xuống câu vọng cổ của Minh Cảnh gốc Chợ Lớn, kép chính của đoàn cải lương Kim Chung vào thập niên 1960, và cô đào thương Lệ Thủy gốc gác Vĩnh Long, có giọng thổ, đang song ca làm không khí bến phà chợt như cô đọng lại giây lát. Có người gật gù, có kẻ nhắm mắt để lắng nghe. Tôi uống từng ngụm cà phê nóng bỏng, rít từng hơi thuốc ngọt ngào và cảm thấy như mình cũng hòa nhập vào lớp người chung quanh.
Khuya nay tôi phải đón chuyến xe sớm nhất để về nhà. Mục đích chuyến về lần này của tôi là để đi...hỏi vợ! Vâng đúng vậy, một chuyến đi bất đắt dĩ. Một lần về mà lòng tôi không thích thú chút nào. Nhưng tôi phải về, vì mẹ tôi muốn vậy. Bà muốn tôi phải lấy vợ, sau năm lần bảy lượt tôi đã từ chối với đủ thứ lý do.
Tôi đang làm việc ở Cần Thơ. Đơn vị đóng ở bến Ninh Kiều. Nơi có hai câu thơ như vầy...Cần Thơ có bến Ninh Kiều. Có chàng lính thủy chiều chiều dạo chơi!
Từ lúc ra trường hình như cuộc đời quân ngũ của tôi chỉ quanh quẩn vùng sông nước này. Hết Bình Thủy, thì đến Ninh Kiều. Nhưng trước khi về Ninh Kiều thì tôi đã qua gần hai năm trên biển, và gần một năm nơi Vũng Tàu.
Bến Ninh Kiều thửa ấy rất sầm uất mỗi khi đêm về. Trên con đường chạy dọc theo bờ thì có nhiều quán cà phê nhạc. Mỗi đêm tiếng nhạc xậm xình chen nhau phát ra từ các quán. Rồi đèn màu nhấp nhánh trên các bảng hiệu. Đơn vị tôi nằm ở ngay cuối con đường này, nên rất tiện cho việc "có chàng lính thủy chiều chiều dạo chơi". Qua một ngã ba nhỏ là một vùng đông đảo các gánh hàng phục vụ cho ẩm thực. Nào là gánh bánh cóng. Nào là hàng bánh xèo. Nào là gánh cháo lòng. Chen lẫn là các xe mì, hủ tiếu với các tấm kính sơn thủy màu xanh đỏ. Khách nhàn du chen nhau mà thưởng thức. Mùi khói bốc lên, quyện lẫn mùi thơm của đủ loại thức ăn chơi, biến bờ sông thành một địa đàng của dân ăn nhậu.
Nói là ...chiều chiều dạo chơi, nhưng đó chỉ là những chiều đầu tháng vừa lãnh lương. Chứ đến giữa tháng là đã vắng bong các chàng. Vì tiền không còn, mà đồng hồ, giây chuyền cũng đã vào nằm yên vị trong các ngăn tủ của tiệm cầm đồ. Tiền lính tính liền mà. Không ai thắc mắc chuyện này bao giờ cả. Mỗi tháng đôi lần, tôi lại về thăm nhà, và ...nhận viện trợ. Khi thì dăm ngàn từ đứa em gái, nhưng thường nhất là tiền mẹ tôi cho nhét túi mỗi khi trở lại đơn vị. Bà chủ trương rằng, một lúc nào đó tôi chán đời sống độc thân, thì sẽ phải theo ý bà mà lập gia đình mà thôi.
Tuy rằng tôi chưa (và không biết đến bao giờ) sẽ chán cuộc sống tự do, bay nhảy như chim trời cá nước. Nhưng bà âm thầm đã chuẩn bị mọi thứ cho ngày ...hoàn lương của tôi. Bà và dì tôi đã mua sắm đủ các thứ lễ vật. Vàng vòng, nhẫn hột, hoa tai, và cả các đôi chân đèn đều đầy đủ. Và bà cũng đã lên bảng tên các cô gái trong tuổi cập kê, mà bà quen biết với gia đình họ. Và cuối cùng bà đã chấm điểm một người, cô Hạnh ! Con của một bà Phán góa chồng, nhà ở Vĩnh Long, và đang học năm cuối trường Tống Phước Hiệp.
Từ dịu dàng qua đến khuyên can, giận dỗi, mẹ tôi đổi nhiều chiến thuật để mong lung lạc lòng tôi. Bà bảo tôi dẫn cô bạn gái nào tôi đang quen, đem về nhà để bà coi mặt. Một lần tôi chiều ý bà, đưa về nhà một cô bạn gái. Và đó là một lỗi lầm mà tôi sẽ không bao giờ tái phạm. Trong khi các em gái tôi tỏ ra thích thú, và có thiện cảm với cô ấy, thì mẹ tôi hoàn toàn ngược lại. Bà phê bình đủ điều về cô bạn gái tôi, và tuyên bố không thể là con dâu của bà (bà phê bình cũng đúng theo quan niệm cổ xưa của bà. Cô bạn gái tôi là một phụ nữ có quan niệm tự do, bình quyền nam nữ).
Sau lần đó, tôi ngại ngùng nên đã không về thăm nhà nhiều tháng. Cho đến một hôm, cha xuống tận đơn vị tìm tôi và khuyên lơn nên về thăm mẹ. Tôi cũng nhớ thương bà, nên đã về nhà vào tuần sau đó. Gặp tôi, bà ôm chầm khóc trong niềm sung sướng. Tôi chạnh lòng khi thấy mẹ tôi đã ốm gầy hơn trước. Dăm ngày sau, trong bửa ăn từ giả gia đình, tôi nói với mẹ rằng, con sẵn sàng để lấy vợ rồi! Tôi nói để cho bà vui thôi ...
Mẹ tôi đã hoan hỉ thông báo tin này với bà dì tôi. Thế là hai "chiến lược gia" này tiến hành thủ tục bắn tiếng với bên nhà đàng gái. Dĩ nhiên là chuyện tiến hành tốt đẹp, vì cả hai bên đã ưng ý nhau từ lâu. Cô Hạnh, cũng có cảm tình với tôi ít nhiều, trong các lần đến nhau chơi với các em gái tôi. Và cô đúng là một đứa con hiếu thảo - cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Hai bên hẹn ngày chọn tháng, để tôi về làm lễ hỏi.
Cánh cổng chặn ngang đường xuống phà, được kéo ra hai bên lề đường. Dòng xe đang nằm chờ đợi ùn ùn sống dậy náo nhiệt. Khói xe bốc lên mù mịt, mùi xăng, tiếng máy rầm rú, tiếng còi thúc dục khách bộ hành cùng lúc như xé tan đi màn sương trên sông buổi sớm. Những chiếc phà mở đèn sáng rực, lừ đừ nổ máy ầm ì đón đoàn xe và dòng người lũ lượt đi xuống. Các gánh hàng rong cũng chen nhau chào đón khách. Tiếng rao quà, tiếng chào mời vang cả khoang phà đã đông nghẹt xe và người.
Tôi đứng trên chiếc phà đầu tiên tách bến. Mặt nước đã mờ mờ sáng. Những ánh bình minh yếu ớt ,chiếu tia sáng tím xuyên qua các rặng cây bên bờ. Một vài thuyền chài sớm đang trôi lơ lững trên mặt sông. Thỉnh thoảng những ánh lưới được tung lên, rơi chụp xuống nước, làm tung lên những tia sóng đầu ngày ...
Về đến nhà, tôi đã thấy cha tôi tươm tất trong bộ đồ lớn, cà vạt. Mẹ tôi, bà dì và hai cô em gái đã tha thướt trong các chiếc áo dài tươi tắn. Em trai tôi cũng đường hoàng áo sơ mi cài khuy tay, quần tây đen và đầu chải láng mướt. Mọi thứ lễ vật đã sẵn sàng từ tối qua. Mọi người chờ tôi ăn vội vài miếng bánh, thay bộ đồ vét-tông, thắc cà vạt hợp màu với chiếc áo, rồi cùng ra xe. Cha tôi đưa tôi chùm chìa khóa, và bảo tôi cầm lái chiếc Toyota màu xanh dương của ông. Chắc ông muốn bên đàng gái thấy sự chững chạc và đường hoàng nơi tôi.
Tôi lái xe qua các đường phố, và ngạc nhiên khi thấy lòng mình dững dưng, không có chút gì phấn khởi, hay háo hức như mọi người.Tôi như một người ngoài cuộc đang đi theo đoàn người ...
Một lúc sau thì đến bên nhà đàng gái. Có đông người đang đứng lố nhố ngoài sân, và trên thềm nhà. Họ đang chào đón đàng trai .
Bước vào trong sân, tôi bình tỉnh cuối đầu chào mọi người và theo cha mẹ tôi bước vào phòng khách. Trong phòng càng đông người hơn. Có nhiều hoa tươi trưng bày trên các bàn. Cha mẹ tôi chào bà Phán, và giới thiệu tôi. Tôi lịch sự và lễ phép vòng tay chào. Bà mĩm cười nhân hậu, thân thiết. Tôi chợt thấy ấm lòng và cảm mến bà. Hai bên mời chào nhau ngồi xuống và bắt đầu giới thiệu từng người một của hai đàng trai gái. Tôi chợt thấy hồi hộp và chờ đợi. Chờ đợi sự xuất hiện của một người sẽ là bạn đồng hành của đời tôi...
* * *
Tôi trở lại bến phà cũ vào một sáng đầy nắng. Mọi thứ đã thay đổi, không còn là những hình ảnh mà tôi hằng ghi nhớ trong ký ức ngày cũ. Con đường dẫn xuống phà hình như hẹp hơn và đầy dấu tích hao hụt của thời gian. Các bức tường vôi xám xịt và mốc meo vì mưa gió. Duy các con phà là vẫn còn nằm kia. Chập chạp, lừ đừ như mòn mõi quá nhiều với thời gian. Màu sơn trắng xóa trong nắng, tương phãn với các bậc thang, hàng cột lan can, vách ngăn đã hen rĩ, loang lỗ vết thủng ...
Mẹ tôi không còn nữa trong lần về này. Tôi không còn bị bà trách cứ về chuyện vợ con nữa. Dù rằng tôi đã không cưới được người vợ, mà bà để hết tâm huyết để chọn lựa cho tôi - sau lần hỏi vợ ấy, tôi trở về đơn vị và ngày cuối tháng tư bảy mươi lăm, đã làm đảo lộn tất cả dự định của mẹ tôi. Tôi đã ra đi theo đơn vị, và bây giờ trở về sau hai mươi năm canh canh nhớ mẹ nơi quê xưa ...
Tôi đứng nơi cuối chiếc phà, nhìn giòng nước đục ngầu phù sa cuộn chảy. Gió sông lồng lộng thổi, phất phới tà áo dài của một cô gái bay bay. Loáng thoáng trong gió, tôi chợt nghe lời hát vọng cổ vang ra từ một người hành khất. Trong chiếc áo trận rách mòn, bạt màu xanh cỏ úa và chiếc đàn guitar ộp ẹp, ông lần mò khảy đàn bên hông các xe đò. Và trời ơi, lời ca vọng cổ lại đúng như bài ca tôi đã nghe, trong một buổi sang phà, khuya sớm hai mươi năm về trước "...Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi. Đường dài mịt mù anh không đến nơi. Mây nước buồn cơn lửa binh. Hết kể chuyện chung tình, khóc than riêng ai một mình..."
Tôi thấy lòng chùng xuống, ngậm ngùi. Giòng sông vẫn muôn năm lặng lờ chảy vô tình. Còn chuyến phà hai mươi năm, bây giờ vẫn chưa cập bến ...
Phong Vũ
(trích trong "Trên Bến Sông Đất Cũ")

No comments:

Post a Comment