Saturday, August 25, 2012

ĐIỂM F




Trà Mi đang học lớp 8, từ nhỏ em luôn luôn là một học sinh giỏi. Bố mẹ rất hy vọng sau này em lấy được học bỗng ngành y. Bố rất nghiêm khắc , lúc nào cũng theo dõi, xét nét Trà Mi mọi chuyện. Hồi Trà Mi còn nhỏ hai bố con rất thân nhau, đi đâu bố cũng muốn đem con gái theo. Từ khi em lên 11, em bắt đầu dậy thì trở nên mẫn cảm với mọi chuyện. Em có thể khóc vì những chuyện rất nhỏ nhặt. Nơi công cộng em muốn bố không được hút thuốc lá , phải nói chuyện nhỏ nhẹ . Em không muốn bố lúc nào cũng lấy cái quyền làm bố ra trấn áp con. Bố rất thương yêu con gái và cũng là tuýp người cực kỳ mẫn cảm. Bố quan niệm bố là bố , con là con , khi bố nói con không được cãi. Khi nói chuyện với bố con chỉ có thưa và dạ. Chỉ có mẹ nhìn thấy một vấn đề , hai bố con họ rất giống nhau về tính cách , như hai đường thẳng song song không thể gặp nhau. Bố rất nóng tính , rất qui cũ nhưng dễ mềm lòng , thích nhu không thích cương. Con gái đầy kiêu hãnh và mỹ miều , thích nghe những lời nhỏ nhẹ , không thích ai ra lịnh cho mình dù đó là bố hay mẹ.
 Bố thiên về qui tắc cảm xúc
Con thiên về lập luận công lý.
 Dần dần con gái sợ nên xa lánh bố chỉ muốn gần gũi mẹ , nhưng mẹ làm việc nhiều giờ hơn nên không đủ thì giờ gần gũi con. Bố không hiểu tâm tính con gái mình đã thay đổi vì đang trong thời dậy thì , bố buồn thấy con gái không gần mình. Bố có một cái tật rất lạ , mà cũng có thể rất quen giống đại đa số các ông bố Việt Nam - Gia trưởng ! Cho dù bố khổ mấy cũng được bố chấp nhận hết , chỉ cần mọi người trong nhà đều nhất nhất thuận tình cùng bố. Bố lúc nào cũng đúng. Bố phải là nhân vật số một. Bố là mặt trời và các con kể cả mẹ phải là những vệ tinh vây quanh. Mẹ mà giận bố một ngày thì bố bỏ ăn , 3 ngày thì bố đổ bịnh. Nếu mọi người không cho bố làm nhân vật quan trọng bố sẽ chết mất ! Con gái mới có 13 tuổi , dẫu là một cô bé thông minh , có thể nói về lịch sử hình thành nước Mỹ. Hoặc có thể nhắc lại về quá trình tiến hóa của con người theo biện lý của Darwin. Nhưng con gái làm sao hiểu được bố , một nam nhân được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Còn bố , tuy đã ngoài 50 , tóc điểm nhiều sợi bạc. Cuộc đời bố lăn lộn khắp nơi : thương trường , tình trường , canh bạc...

Bố có thể đập nát căn nhà cũ , rồi xây lại nhà mới ( nếu city đừng hỏi bằng cấp ). Bố có thể hiểu được sự ứng dụng của dòng điện một chiều và xoay chiều vào đời sống thực tế (vì bố là thợ tiện có bằng cấp đàng hoàng ).Nhưng bố không bao giờ chịu tìm hiểu tâm tư của một cô bé 13. Hai cha con cứ như mặt trời mặt trăng.

Khi bố giận , con gái vào phòng đóng cửa , tự bế.
Khi con gái giận , bố lại mò xuống bếp làm những món ăn mà con thích , rồi nhờ cô em vào năn nỉ cô chị.
Cả đời bố không hề học lấy câu xin lỗi.
Trong từ điển của bố không hề có câu : I love you . Hôm nay con gái bị điểm F không rõ vì lý do gì. Mẹ vừa mở cửa bước vào nhà đã nghe hai cha con ầm ĩ.
 - Trong vòng có hai tuần thôi , mầy làm gì mà để một cái F và một cái B. Mày học hành kiểu gì vậy hả , nói ba nghe ?
- Con đã nói là con không biết. Có sự lẫn lộn nào đó từ phía cô giáo , con đã nộp bài mà cô bảo chưa nộp, nên cho F.
- Còn cái B thì sao? Giải thích ?
- Con làm bài không hoàn chỉnh , sai nhiều thì xuống B.
- Tại sao sai ? Mày có học thì sao lại làm sai ?
- Tại con nghĩ nó đúng...nhưng thật ra là sai...thì sai.

Con gái khóc hu hu mặt sưng tù vù , mắt hằn đỏ gân máu. Bố thì mặt xanh lè , tay chân dư thừa lính quýnh , mẹ cứ lo là bố tự đập đầu bố vô tường. ( vì bố hay làm thế mỗi khi nổi đóa )
Mẹ biểu con gái không được lên tiếng cãi.Còn bố làm ơn đi ra ngoài để mẹ nói chuyện với con. Mẹ ôm con vỗ về...

- Tại sao con bị F mà không hỏi lại cô giáo ?
- Con đâu có biết là con bị điểm F. Tự nhiên hôm nay bố lên mạng check , vừa thấy là la om sòm lên rồi...huhuhu...Còn cái B là ngoài ý muốn của con...huhuhu...Con rất xấu hổ , tại sao bố mẹ không tin con...Tại sao bố mẹ cứ tin vào điểm F, điểm B hơn là con vậy ?
 Mẹ ôm con vào lòng hôn lên mái tóc thơm lừng mùi con gái. Mặt con đã nổi lên vài mụn trứng cá mà mẹ nào hay. Dạo này thấy con hơi lên cân mẹ cứ sợ con bị mập giống mẹ nên cứ nhắc chừng con mãi. Mẹ còn căn dặn bố không mua nhiều thức ăn sẵn của Mỹ , không chocolate , không cake , không cả nước juice. Mẹ cứ sợ con xấu gái mà lại không quan tâm đến cảm giác của con. Con buồn hay vui mẹ nào biết. Mẹ không cho con lên net chat với bạn nhiều , kết quả là con mất vài đứa bạn thân. Mẹ khuyên con nên chọn bạn Việt mà chơi thích hợp hơn bạn Mỹ. Con bảo mẹ sao phân biệt chủng tộc. Mỗi tuần con dọn phòng cho mẹ để lấy 2 đô , mẹ cho 5 đô , con trả lại chỉ nhận đúng 2 đô. Con bảo công việc của con chỉ cần 2 đô là đủ. Con gái của mẹ , tại sao mẹ lại không tin ? Con chính là bản sao của mẹ , dù con không mang gương mặt của mẹ , nhưng ánh mắt của con chính là ánh mắt của mẹ. Một ánh mắt chỉ biết nhìn đời qua màu trắng. Thân thể con vẫn chảy dòng máu của mẹ , một giòng máu rất thuần chủng của yêu thương và khát vọng. Mẹ mà không tin con nghĩa là không tin chính mẹ. Con gái ôm mẹ khóc nức nở ...

- Bố chẳng bao giờ hiểu con cả , ở trường ai cũng bảo con ngoan con tốt , nhưng bố cứ bảo con ham chơi, lười biếng. Bố nói chuyện với con cộc cằn...mắt bố nhìn con mean lắm...con ghét bố...con ghét bố lắm !
 Bố ở ngoài phòng khách im lặng , lắng nghe con gái đang nức nở bên mẹ . Bố ơi , bố nghĩ gì ? Sao chỉ thấy bố đăm chiêu. Dạy con gái khác với dạy con trai. Dạy cô bé 13 khác với cô bé lên 8. Bố chỉ thích những lời ngon ngọt thì sao không dùng lời ân cần mà nói với con.
Tất cả những gì chúng ta dành cho con hôm nay , rồi sẽ sống mãi trong ký ức của con. Sẽ theo con trong suốt cuộc đời , là từng thời khắc mà con đang sống bên chúng ta - Thời niên thiếu.
 Em là vợ anh , hiểu rõ bản tính anh nên cố mà chìu cho ấm cửa vui nhà. Nhưng có những lúc em thật sự không chịu đựng nổi , trách gì con gái. Không có cách dạy con nào hay hơn là làm gương anh à ! Chúng ta làm cha mẹ nuôi các con khôn lớn , phải tùy theo tâm tính của mỗi đứa con mà răn dạy , mà uốn nắn. Anh có tật , quan trọng hóa mọi thứ rồi áp đặt con cái. Chúng ta chỉ nên khuyến khích con cái học , và hỗ trợ con để học. Chúng ta đâu có học giúp con được. Anh cũng đâu ở cạnh con suốt cuộc đời để bảo bọc và che chở cho con. Mỗi khi em mở miệng nói là anh bảo chìu con cho hư , rằng em nghệ sĩ tính nên để con bừa bãi. Thưa đức ông chồng ! Chẳng phải ông đã yêu tôi vì bản tánh nghệ sĩ đó ? Nếu không phải là tôi ai biết dỗ ngọt anh ? Ai chịu đựng được những cơn thịnh nộ bất thường ,vô lối ? Ai chịu nổi con cua bò ngang như anh ?
 Hơn ai hết , em hiểu tình yêu thương sâu sắc anh dành cho con , nhưng anh phải biết thể hiện nó cho hợp lý , để con nó hiểu được. Anh phải biết chia sẽ sự cảm thông của anh với con. Điểm F hay B lâu lâu bị một lần cũng không sao , chỉ để nhắc nhở con học hành cho tốt hơn, và nhắc nhở chúng ta quan tâm đến con thêm nữa. Điểm F hay B không thể khẳng định cá tính hay tương lai của con. Càng không để nó trở thành ngòi nổ cho những cuộc chiến kéo dài giữa cha mẹ và con cái. Hay tại anh đã quá quen với điểm A và A+ của con trước đây nên bây giờ bị sốc khi con bị điểm thấp. Đừng biến mình thành ông kẹ trước mặt con gái.
Đừng khiến con có ác cảm với đàn ông Việt Nam. Sợ rằng một ngày nào đó , con chỉ để ý tới đàn ông ngoại quốc.
Anh hay mắng " mẹ nào con nấy " dẫu chỉ là một câu mắng yêu. Điều đó chứng tỏ anh cũng đã nhận ra một điều , con chính là bản sao của em - một tâm hồn rất nhạy cảm - dễ rúng động Anh ơi ! Anh hãy dành thêm thời gian ngọt ngào và tình yêu nồng ấm cho con , như anh đã dành cho em. Cứ cưng chìu cô con gái thêm chút nữa , như anh đã cưng chìu cô vợ bản tánh trẻ con này. Anh chẳng thiệt thòi gì đâu. Cám ơn anh , ông xã !
 ---muaphonui---

BỨC TƯỜNG TRÊN CÁNH ĐỒNG XANH


green_field♪♪♪  "Đồng xanh là chốn đây, thiên đường cỏ cây..." ♪♪♪
Ngón tay Xuân lướt nhẹ trên những phím đàn.  Từ những khung cửa kiếng của căn phòng đặt chiếc đàn Grand piano, Xuân có thể vừa chơi đàn vừa dõi mắt theo những chiếc lá đang lăn nhẹ trên thảm cỏ xanh mướt trước sân nhà.  Ở phía bên trái của mảnh vườn là một hồ nước lớn được xây một cách công phu với những cột nước phun lên cao, tỏa từng làn hơi nước mỏng phản chiếu những sắc cầu vòng trong ánh sáng ban mai.  Căn nhà của vợ chồng nàng nằm trên sườn đồi, phía sau là bãi biển Huntington Beach với những ngọn sóng nhấp nhô không dứt như đang đùa vui trên bờ cát trắng.  Xuân cùng chồng và hai con dọn vào đây cũng đã gần ba năm nay.  Căn nhà đẹp và sang trọng lại ở một vị trí thật lý tưởng này có thể coi như là một trong những thành đạt mà vợ chồng Xuân vốn đã từng mơ ước.  Xuân nhớ lại những ngày đầu khi mới đến Mỹ với bố mẹ theo diện H.O. với những năm tháng đầu tiên sống trong căn apartment chật hẹp.  Cả gia đình bố mẹ và năm anh chị em phải sống chung trong một căn apartment chỉ có hai phòng ngủ.  Đôi lúc nghĩ lại, Xuân cảm thấy buồn cười với những lời chọc ghẹo của mình tới anh chị vào lúc đó.
"Sao anh hai với chị ba không lấy vợ, lấy chồng mau mau để dọn ra ở chỗ khác để em có chỗ rộng hơn để...ngủ và khỏi phải chờ ...  restroom?"
Nhưng rốt cuộc Xuân lại là người dọn ra trước nhất. Không phải nàng lấy chồng trước hai anh chị mà chỉ vì lúc đó  Xuân được trường UCLA nhận vào học ngành Computer Engineering nên nàng phải rời thành phố Santa Ana thân quen để ở nội trú trong trường cho tiện việc học hành.  Cũng ở nơi đây, Xuân quen Thanh, bạn học cùng lớp và nàng đã phải "xiêu lòng" với hai năm dài đeo đuổi dai dẳng của chàng.
 "Tại anh hết, vừa làm kỳ đà cản mũi, lại vừa làm cái đuôi đeo theo dai dẳng nên em đâu có cơ hội quen anh chàng nào khác đâu! Đàn ông gì mà mặt dày hơn cái... bánh xe."  
Sau này khi đã lập gia đình với Thanh, thỉnh thoảng Xuân nói đùa với chồng.  Thanh thì cũng không vừa, chàng lúc nào cũng lặp lại một điệp khúc cũ rích.
"Thì ông bà mình có dạy "đẹp trai không bằng chai mặt " mà em."
Sau khi ra trường, Xuân và Thanh cùng được nhận vào làm chung một hãng lớn.  Mấy năm sau, hãng sa thải nhân viên và dọn qua tiểu bang khác, nên vợ chồng nàng cùng bị thất nghiệp một lúc.  Lúc này vợ chồng Xuân đã có hai đứa con, một trai, một gái.  Chán cái cảnh phải đi tìm việc, Thanh bàn với Xuân nhân lúc đang lãnh tiền thất nghiệp, vợ chồng nàng đi học lấy bằng địa ốc vì Cali lúc này đang lên cơn sốt nhà.  Có lẽ nhờ tài lanh lẹ của cả hai vợ chồng nàng mà chẳng bao lâu sau khi lấy được bằng địa ốc, Xuân cùng chồng gầy dựng được một tài sản khá lớn.  Không như phần lớn nhiều người "ôm hận" khi thị trường địa ốc đi xuống, vợ chồng Xuân đã đoán trước nên đã bán hết những căn nhà đầu tư trước khi giá bắt đầu đi xuống.  Thanh bây giờ đang làm chủ một văn phòng địa ốc và giúp cho những người muốn giữ lại nhà.  Xuân thỉnh thoảng ra văn phòng để phụ trông coi sổ sách cho chồng, nhưng phần lớn nàng dành nhiều thời gian cho việc dạy dỗ con cái. Xuân luôn khiêm tốn coi những gì mình có được ngày hôm nay chỉ là nhờ sự may mắn, chẳng qua nhờ "thời thế tạo anh hùng".  Nhưng  nhờ cuộc sống tương đối ổn định, Xuân mới có thể tìm lại được niềm đam mê ấp ủ từ bé trong lòng nàng:  âm nhạc.  Tình cờ được một người bạn giới thiệu, Xuân đưa hai con đến học piano với cô Hiền, một giáo sư tốt nghiệp từ trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Việt Nam.  Sau vài lần đưa con đến lớp nhạc và cảm phục trước tài năng và sự dạy dỗ tận tình của cô Hiền, Xuân nảy ra ý định học nhạc cùng với các con.
"Khi nào em học nhạc xong, chắc lúc đó trung tâm Paris By Night hay Asia muốn mời em ra đánh đàn phải mua thêm bảo hiểm ...nhân thọ cho em." 
Thanh đùa với Xuân khi nàng cho biết quyết định theo học nhạc của mình, nhưng Thanh không ngăn cản vì biết tính của Xuân khi quyết định làm việc gì, nàng sẽ bỏ tất cả tâm huyết để làm cho bằng được mới thôi.
***
    ♪♪♪..."Đồng xanh giờ lãng quên ...dưới trời lãng quên..." ♪♪♪
Lời nhạc thật buồn với những ngón tay Xuân tiếp tục lướt nhẹ trên những phím đàn.  Cứ ngỡ rằng một khung trời kỷ niệm ngày xưa đã chôn vùi vào quên lãng, nhưng những nốt nhạc như làm sống lại trong Xuân những kỷ niệm của tuổi thơ và tuổi học trò ngày nào ở Việt Nam...
Bố Xuân bị thương trong một trong những trận chiến ác liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972. Với một mảnh đạn còn sót lại ở trong vai, bố Xuân phải rời đơn vị tác chiến về đảm nhiệm công tác dân sự, nhưng ông vẫn không thoát khỏi cảnh lao tù trong những trại "cải tạo" sau tháng tư năm 1975.  Người sĩ quan oai hùng ngày nào từng chỉ huy cả tiểu đoàn trong những trận đánh quyết tử giờ đây phải lầm lũi trong bộ đồ tù, vác trên đôi vai tê buốt những bó tre, thanh nứa đốn từ trên rừng về.  Trong khi thân phận ông bị muôn vàn đọa đày trong nhà tù nhỏ, ở ngoài một nhà tù lớn hơn, như người ta thường ví von một cách mỉa mai cho xã hội Việt Nam sau biến cố tháng 4 đen, vợ con ông trong đó có Xuân phải sống trong những ngày tháng không kém phần cơ cực.  Mẹ của Xuân đã phải buôn tần bán tảo mọi thứ bà có thể gom góp được để đắp đổi qua ngày và chắt góp mua quà để tiếp tế cho chồng.  Riêng cô bé Xuân, dù là đứa học trò lúc nào cũng đứng đầu lớp, nhưng cái lý lịch "đen" của bố luôn mang lại những bất công của xã hội dành cho cô bé.  Xuân ý thức được hoàn cảnh của mình và cố gắng vươn lên bằng chính khả năng của mình để làm cho đám bạn phải khâm phục con bé "con sĩ quan ngụy đi học tập cải tạo" nhưng lúc nào cũng học đứng đầu lớp, hơn hẳn một số đứa dù có cha mẹ đưa rước và được đi học thêm ngoài giờ học. 
Sau khi rời ngôi trường tiểu học nhỏ bé, Xuân theo học trung học ở thị xã, ngôi trường mà ngày xưa từng là nơi được nhà thờ dùng để đào tạo các cha trong nhà dòng, sau này bị chính quyền lấy làm trường học.  Hàng ngày, Xuân phải gò mình trên chiếc xe đạp cũ kỹ thường hay bị sút dây sên nên đôi khi vào đến lớp, đôi tay cô bé còn lấm lem những vết nhớt.  Tan giờ học, Xuân thường đứng nép sau cánh cửa ở phòng tập nhạc của ngôi nhà thờ phía sau trường để mãi mê nghe những tiếng dương cầm du dương của những dì sơ.  Có một lần, một con nhỏ bạn thân của Xuân bắt gặp đã chọc Xuân:
"Mày mê nhạc như vậy, sao không xin đi tu đi để làm sơ, rồi tha hồ được học đàn..."
Xuân chỉ cười buồn mà không nói gì.  Xuân biết mẹ của mình có làm suốt cả ngày cũng còn chưa đủ miếng ăn thì nói gì đến việc sắm nổi một cây đàn để cho Xuân được tập dợt.  Một buổi trưa nọ khi Xuân đang đứng rình nghe tiếng dương cầm, một giọng hát từ đâu đó bỗng vọng tới.  Xuân đưa mắt nhìn và thấy từ  xa hình dáng của một người thương phế binh bị cụt cả hai chân đang dùng hai tay lết một cách mệt nhọc trên hè phố để xin những đồng tiền bố thí của những kẻ qua đường.  Thỉnh thoảng anh dừng lại, đưa tay cầm chiếc harmonica nhỏ treo lủng lẳng trên cổ thổi một bản nhạc buồn.  Tiếng kèn du dương đưa những âm thanh lạc lõng như bị nhận chìm trong cái ồn ào của nhịp sống hối hả, bon chen xung quanh.  Một cơn gió thổi qua kéo theo đám bụi đường mù mịt.  Xuân đưa tay lên quệt mắt.  Xuân chợt nhận ra mắt mình đã long lanh những giọt nước tự bao giờ.  Xuân đang nghĩ đến bố, chắc giờ này cũng không hơn gì anh thương phế binh này.
***
 ♪♪♪... "Ta yêu đồng xanh như đã yêu thương con người..."♪♪♪
Xuân thích nhất câu nầy trong bản nhạc "Đồng Xanh".  Lần đầu tiên Xuân được nghe khi nàng còn học ở trường Đại học Sư Phạm Ngoại Ngữ.  Sau khi tốt nghiệp trung học, Xuân được tuyển thẳng vào Đại Học Sư Phạm khoa Anh ngữ với thành tích đoạt giải Anh ngữ toàn quốc năm đó.  Trong những thầy cô giảng dạy ở trường, Xuân thích nhất những giờ học với thầy Nhân.  Thầy dạy về lịch sử văn hóa của nước Anh và Mỹ.  Nghe nói thầy đã từng đi du học trước đây.  Thầy Nhân có một kiến thức thật uyên bác.  Những bài giảng của thầy mở ra cả một chân trời, một cái nhìn mới về một xã hội khác, bên ngoài cái "thiên đường xã hội" giả tạo mà đám học trò như Xuân thường bị nhồi nhét vào đầu mỗi ngày.  Xuân còn nhớ mãi buổi học hôm đó khi thầy mang theo cây đàn guitar vào dạy cho lớp Xuân hát bản nhạc "Green Fields-Đồng Xanh".  Trong tiếng đàn trầm bổng, thầy Nhân cất tiếng hát.  Giọng thầy thật trầm buồn như lời của bản nhạc như nuối tiếc cho một khung trời thanh bình hạnh phúc nào đó đã qua...
***
♪♪♪ "Once there were green fields kissed by the sun.  Once there was valley where river's used to roam..." ♪♪♪
Ánh nắng chiều đổ dài trên hàng phượng vĩ đã bắt đầu nở đỏ thắm trong sân trường, một tia nắng  tinh nghịch nào đó cố len qua khung cửa sổ của lớp học, rồi chiếu sáng như ánh đèn trên sân khấu lên mái tóc để khá dài của thầy đang lắc lư lên xuống theo điệu nhạc. Trông thầy như một người nghệ sĩ phong trần hơn là một nhà mô phạm. Trong tâm hồn cô sinh viên đang vào tuổi biết yêu và say mê âm nhạc như Xuân, nàng cứ ngỡ thầy Nhân đang hát tặng bản nhạc tình ca cho riêng mình.  Sau khi tập cho cả lớp hát đến mấy lần, thầy mới nói bằng một giọng mà Xuân cảm thấy thật lạ cho mãi đến sau này nàng mới hiểu nguyên do tại sao.
"Thầy chỉ ước gì được dạy các em thêm nhiều những ca khúc bằng tiếng Anh của các nước khác để các em có dịp tìm hiểu nhiều hơn về tình yêu cuộc sống, tình cảm giữa con người với con người ở những xã hội Âu Mỹ mà mình hay nghe là "đồi bại" hay chỉ đầy dẫy những thứ "văn hóa đồi trụy"..."
Đó cũng là lần cuối cùng Xuân được học với thầy Nhân, vì ít lâu sau, Xuân nghe đồn thầy đã vượt biên đi tìm tự do, bỏ lại sau lưng lũ học trò mà thầy biết xã hội đang hằng ngày làm cho băng hoại trong suy nghĩ và cách sống của các em.  Có lẽ thầy Nhân biết một mình thầy không thể nào dùng những bài giảng của mình hay những bản nhạc đầy nhân bản với tiếng đàn lạc loài có thể làm lay chuyển cả một dàn đồng ca đang bị kích động hàng ngày với những sáo ngữ "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội".  Nhưng có một điều thầy Nhân không ngờ là những lời dạy của thầy và bản nhạc "Đồng Xanh" đã để lại một dấu ấn trong lòng Xuân cho mãi đến hôm nay. 
Mấy năm sau bố của Xuân được tha về từ trại "cải tạo" cùng lúc với chương trình H.O đang được bắt đầu ở Việt Nam.  Gia đình Xuân phải chạy đôn chạy đáo để lo hoàn tất các giấy tờ đòi hỏi, lại một phen phải lo lót cho đủ các cấp chính quyền.  Bố Xuân cũng thấy được một phần nào an ủi và niềm vui vì mình có thể mang gia đình đến một đất nước tự do với đầy đủ ý nghĩa của nó...
***
♪♪♪...”Sao ta còn đứng mãi, như người tình mong đợi ai?
    Sao ta còn đứng mãi để nghe tâm hồn tê tái!  Và đã bao năm rồi ta đứng chờ giữa cánh đồng..." ♪♪♪
Xuân giật mình vì điệu nhạc "Đồng Xanh" được phát ra từ chiếc kèn saxo khi nàng và Thanh vừa đẩy cửa trong nhà hàng bước ra.  Người thổi kèn đứng co ro trong buổi chiều se lạnh với vài giọt nắng tháng tư còn đang sót lại.  Khuôn mặt của ông trông thật khắc khổ với những nếp nhăn của thời gian và đôi mắt trái bị nhắm nghiền có lẽ do một thương tích khá nặng.  Mỗi lần lấy hơi, ông cúi gập người xuống để lộ những sợi tóc bạc lơ phơ trên đỉnh đầu.  Một vài đồng tiền để vương vãi trong chiếc nón để phía trước nơi ông đứng. Không biết bản nhạc hay hay dáng vẻ tiều tụy của người nghệ sĩ đã làm chùn bước chân Xuân khi nàng đi ngang qua chỗ của ông.
"Anh đưa các con ra xe trước đi.  Chờ em một chút nhé!"
Xuân nói nhanh với chồng và quay bước trở lại trước cái nhìn ngạc nhiên của Thanh.  Đến bên người thổi kèn, dưới ánh đèn ngoài parking vừa mới được mở lên, Xuân có dịp nhìn kỹ người đàn ông.  Trông ông có vẻ hơn 60 tuổi với dáng người Á Đông.  Chờ cho ông chấm dứt bản nhạc, Xuân mới lên tiếng bằng tiếng Anh:
"Ông chơi bản nhạc vừa rồi hay quá."
"Cám ơn cô." Ông đáp lại bằng tiếng Việt.
 "Ông là người Việt Nam à?  Xin lỗi cháu không biết."  Xuân bẽn lẽn đáp lại.  "Ông sống ở gần đây không?  Trước giờ cháu không thấy ông thổi kèn ở đây."
"Tôi ở bên Santa Ana.  Nghe nói vùng này nhiều người giàu nên tôi qua thử bên này, xin tiền coi có khá hơn không."  Ông trả lời với giọng thật từ tốn.
"Cháu hỏi cái này nếu không phải xin ông bỏ qua cho."  Xuân ấp úng nói.
 "Ông có gia đình ở đây không mà phải đi làm cực khổ như vầy?"
"Có gì đâu mà cực cô." Ông vẫn trả lời với giọng từ tốn như cũ, tay mân mê mấy phím bấm trên chiếc kèn. "Bạn bè của tôi ở Việt Nam còn cực khổ gấp mấy trăm ngàn lần như vầy.  Bao nhiêu người đang sống dưới gầm cầu hay trong xó chợ.  Tôi chỉ hy vọng kiếm được số tiền còm này gởi về giúp họ.  Chế độ bây giờ đâu mấy ai quan tâm đến những thương phế binh của chế độ cũ đâu cô.  Chẳng bù lại khi xưa khi đơn vị tôi còn đóng trên đảo Phú quốc, những tù binh của Việt cộng ở đó được chúng tôi đối xử thật đàng hoàng.  Mỗi sáu tháng họ được lãnh một chiếc mùng mới như tiêu chuẩn của một sĩ quan trong quân đội Quốc gia.  Trong khi một người lính thường mỗi năm chỉ được lãnh có một lần..."
Thì ra ông không ngại đứng đây trong buổi chiều se lạnh, cố lấy chút hơi tàn để thổi những bản nhạc chỉ mong sao gom góp được những đồng tiền ít ỏi gởi về cho những người mà ông gọi họ với cái tên thân thương là "những chiến hữu bất hạnh" còn sót lại sau cuộc chiến đang bị những kẻ thắng cuộc, những người đồng loại cùng chung một nòi giống Lạc Hồng, hất ra bên lề xã hội.
Đêm hôm ấy Xuân không ngủ được. Những tiếng rên rỉ nỉ non của những côn trùng ở ngoài vườn nghe như những tiếng thở dài thê lương của những thân xác ê chề của những người thương phế binh đang cố kéo lê cuộc sống từng ngày.  Tiếng đàn harmonica của anh thương phế binh cụt cả hai chân ở  vỉa hè ngày xưa nghe như văng vẳng bên tai.  Tiếng kèn saxo của ông lão thương binh mù một mắt nhưng vẫn còn nghĩ cách giúp cho những người bạn chiến hữu của ông vẫn nghe như ngân nga đâu đây.  Và ngoài kia, tiếng sóng biển như mang theo cả hồn thiêng sông núi vượt ngàn biển khơi đang vỗ mạnh vào bờ như những hồi trống thúc giục những người con xa quê phải làm một cái gì đó cho những người với số phận kém may mắn còn đang ở lại quê nhà. Xuân tự trách mình sao quá vô tình.  Bao nhiêu năm qua, nàng và chồng vẫn thường tham dự những công tác thiện nguyện hoặc đóng góp cho hội American Red Cross, hay các nạn nhân của khủng bố 9/11, của cơn bão Katrina và gần đây nhất là nạn nhân động đất ở Hatti, nhưng nàng ít khi để ý đến những hoàn cảnh sống thật khốn khổ của những thương phế binh bất hạnh ở Việt nam.
Xuân ngồi bật dậy giữa đêm khuya.  Nàng mở chiếc computer mà lâu nay Xuân chỉ dùng để check email  hay chat với bạn bè, để viết xuống những dự định của mình.  Nàng sẽ nhờ cô Hiền, người có nhiều quen biết trong giới ca nghệ sĩ để giúp nàng tổ chức một show nhạc với chủ đề ủng hộ những thương phế binh ở Việt Nam.  Xuân cũng dự định xin thành phố nơi có đông người Việt Nam cư ngụ cùng với sự vận động của các vị dân cử và cư dân Việt nam trong vùng để dựng một bức tường hình chữ V như bức tường đá đen ở Washington.  Nằm trong một khu công viên nào đó đầy cỏ non như trên một cánh đồng xanh, bức tường khi xây xong sẽ có màu vàng, màu của lá Quốc kỳ thân thương và sẽ được đặt tên là bức tường "Đền Đáp", với tên của những người thương phế binh còn đang sống sẽ được khắc trên đó bằng chữ đỏ như máu của họ đã đổ xuống cho quê hương.  Đã có nhiều tượng đài được xây dựng trước đây để tưởng niệm cho những vong linh của những chiến sĩ đã nằm xuống, riêng bức tường "Đền Đáp" này chỉ dành để khắc tên cho những thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà, những người đã hiến một phần thân thể của mình cho đất nước, và cho lý tưởng dân chủ tự do. Những người chiến sĩ nầy xứng đáng được đền đáp và ghi công ngay cả trong lúc họ còn sống, một cuộc sống sao cho đáng với kiếp con người.  Bức tường sẽ giúp cho du khách viếng thăm biết những người thương phế binh này là ai và đang ở đâu để tìm cách giúp đỡ họ. 
Ngày hôm sau trong lúc đến lớp nhạc, Xuân nói những dự định của mình và những kỷ niệm về bản nhạc Đồng Xanh cho cô Hiền nghe. Cô thật vui và cảm động sau khi nghe những lời tâm sự của Xuân.  Cô hứa sẽ giúp Xuân tổ chức một Đại nhạc hội với thật đông số ca nghệ sĩ tham dự.  Cô nhìn Xuân trìu mến nói:
"Em chuẩn bị dợt lại bài "Đồng Xanh" cho thật nhuyễn nhe.  Bây giờ cô mới biết tại sao em thích và cứ đòi cô dạy bài nhạc này.  Trong buổi Đại nhạc hội hôm đó, cô muốn em đánh dương cầm bài này.  Cô có thể mời một vài người bạn để cùng trình tấu chung với em."
Xuân thật cảm động với sự nhiệt tình của cô Hiền và lời đề nghị Xuân trình diễn bản nhạc "Đồng Xanh" dù nàng học nhạc với cô chưa được bao lâu. Xuân chợt nói:
"Thưa cô.  Nếu được cô cho phép em mời bác Tài, bác thương binh thổi kèn saxo mà em vừa kể cho cô nghe đó, cùng tham dự luôn.  Chắc bác ấy sẽ rất vui khi được góp sức trong buổi Đại nhạc hội đầy ý nghĩa này, nhất là khi mình tổ chức đúng vào dịp tưởng nhớ ngày mất nước 30 tháng 4 năm nay."
"Xuân còn chờ gì nữa.  Em mau chạy ra coi bác ấy còn ở đó không để còn mời bác tham dự.  Thứ Bảy này mình bắt đầu dợt là vừa rồi."
Chiều thứ Bảy, Xuân hẹn trước với bác Tài để đón bác đến lớp nhạc của cô Hiền cùng tập dợt.  Vừa bước ra khỏi xe, Xuân chợt nghe lòng bâng khuâng với một cảm giác thật khó tả khi nàng nghe tiếng đàn guitar dạo bản nhạc "Đồng Xanh" từ trong lớp nhạc vọng ra.  Xuân biết cô Hiến không đàn guitar, chắc là tiếng đàn từ người bạn cô mời đến cùng trình diễn với nàng và bác Tài.  Xuân đẩy nhẹ cánh cửa khép hờ để bước vào.  Nàng vô cùng ngạc nhiên khi thấy người đang ngồi đàn guitar không ai khác hơn chính là thầy Nhân.  Xuân buông rơi quyển tập nhạc. Nàng cất tiếng gọi:
"Thầy Nhân!  Thầy có nhận ra em không?"
Thầy Nhân thoáng chút bối rối khi có người gọi mình bằng "thầy".  Dĩ vãng của gần 20 năm trước khi còn đứng trên bục giảng chợt kéo về thật nhanh.
"Em là...?"
"Em là Xuân nè thầy.  Thầy còn nhớ thầy đã hát và dạy cho lớp tụi em bài này ngày cuối cùng thầy dạy ở trường Sư Phạm Ngoại Ngữ không?"
"Xuân đó hả?  Thầy nhận không ra.  Thời gian trôi qua nhanh quá.  Mới đó đã gần 20 năm rồi.  Thầy vẫn còn nhớ ngày đó chứ. Thầy rất mừng vì còn có những em học trò nên người như em.  Thầy có nghe cô Hiền kể về những dự định của em cho những người thương phế binh ở Việt Nam.  Thầy không ngờ người định làm những công việc đầy ý nghĩa nầy là một học trò cũ của mình." Thầy quay sang bắt lấy tay bác Tài, rồi nói tiếp.
"Xin lỗi, còn ông anh đây là anh Tài phải không?  Tôi vừa được nghe cô Hiền kể về ông. Xin thành thật nghiêng mình cảm phục trước những việc làm cao cả của anh.  Chắc chắn những người thương phế binh ở Việt Nam lúc nào cũng tri ơn tấm lòng tốt của anh."
***
 Xen lẫn trong tiếng gió chiều Santa Ana đang thổi từng chập mang theo cái nóng hanh hanh của tháng Tư, tiếng đàn dương cầm, tiếng guitar và tiếng saxo như đang quyện vào nhau tạo ra những âm thanh hài hòa đến tuyệt vời mà Xuân chưa bao giờ được nghe trước đây.
♪♪♪ "Đồng xanh là chốn đây, thiên đường cỏ cây...Ta yêu đồng xanh, như đã yêu thương con người..." ♪♪♪
Anthony Cao Minh Hưng

BÒN ƠI! TÂU NA, BÒN ƠI!


(Hồi Ký: Ba Tôi) Cứ mỗi lần đọc lại những bức thơ của ba tôi từ Việt Nam, gởi qua cho tôi bên Úc, lúc ông còn sống mấy mươi năm về trước, tôi không khỏi cầm được nước mắt! Ba tôi thọ được 75 tuổi mà cả đời hai cha con chỉ gần gũi nhau được có 19 năm! Cho nên, đối với tôi, những bức thơ ba tôi gởi cho tôi trong những năm tôi xa nhà là nguồn an ủi rất lớn cho cuộc sống của tôi khi không có gia đình bên cạnh.
alt
 Thơ của ba tôi viết rất đơn giản, khởi đầu bao giờ cũng có hàng chữ quen thuộc:
"Hanh Thông Xã, Gò Vấp, ngày...tháng...năm 197x...
 Hà con ......... “
Lần nào cũng vậy, khi mân mê những lá thư với những tuồng chữ yêu thương đó, tôi cứ ngỡ như đang xem lại một cuốn phim đen trắng với những hình ảnh về gia đình, quê hương và người cha tôn kính đó!

 Cuộc đời lên voi xuống chó
Ba tôi quê quán ở Cái Thia Cái Bè, miền Lục Tỉnh. Khi nhỏ, ba tôi có chí học hành và đậu được bằng Tú Tài Pháp. Lúc còn độc thân, ba tôi được bổ nhiệm qua Nam Vang, làm thông ngôn cho người Việt Nam định cư ở Cam Bốt. Sau nhiều năm làm việc ở Nam Vang, ba tôi học và thông thạo cả tiếng Miên. Hồi tôi lên 5 lên 6, ba tôi dạy tôi nhiều câu tiếng Miên. Tôi nhớ nhất là câu "Bòn ơi, tâu na, Bòn ơi!" (Ấy ơi, đi đâu vậy, ấy ơi!) Những năm còn thơ ấu của tôi cho tới cuối tiểu học, gia đình tôi ở trong "bót" Gò Vấp, vì ba tôi lúc đó làm Cảnh Sát Trưởng Quận Gò Vấp. Tôi nhớ những người cảnh sát viên gọi ba tôi bằng"xếp". Ra đường, tôi nghe người ta kêu ba tôi là "Ông Cò"!
alt
Khi tôi bắt đầu lên Trung Học thì ba tôi bị cách chức và bị đổi đi, hay nói đúng hơn theo lời ba tôi kể lại về sau, "bị đày" đi làm công chức quèn ở quận Đồng Xoài. Sau đó không lâu, lại đổi lên Phước Bình, tỉnh lỵ của tỉnh Phước Long. Hai địa danh Đồng Xoài và Phước Long đã đi vào lịch sữ Việt Nam với những trận đánh tàn khốc nhất trong chiến tranh Việt Nam! Tôi không hiểu rõ nguyên do tại sao ba tôi bị hạ bệ như vậy, nhưng tôi đoán chắc vì lý do "chính trị công sỡ" hay hiềm khắc gì đó với các "xếp lớn" của ông!
 
Căn Nhà Ngoại Ô
Khi ba tôi phải đổi đi Phước Long, gia đình tôi dọn ra một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Gò Vấp. Ba tôi đi làm xa nhà một mình, để má tôi ở lại Gò Vấp trông nom các anh em tôi học hành ở Sài Gòn, Gò Vấp, vì thuở đó Đồng Xoài, Phước Long chưa có trường học!
Căn nhà đó (gần "Cầu Hang") cho tới nay vẫn còn, do gia đình một người anh coi sóc. Căn nhà chỉ có hai phòng ngủ, mà nhà tôi lại có đến 10 anh em, thỉnh thoảng lại có ông nội và cô hai (chị cả của ba tôi) từ dưới quê lên ở tá túc mỗi khi miệt Cái Thia Cái Bè thiếu an ninh. Hai phòng ngủ thì để dành cho ba má tôi và 4 đứa em gái ngủ, ông nội được bộ ván ngoài phòng khách, ngoài ra tất cả các anh em trai chúng tôi buổi tối phải trải chiếu dưới sàn nhà rồi giăng mùng mà ngủ.
Trong suốt thời gian sống ở Việt Nam ngay cả cho tới đêm chót trước khi lên đường du học, tôi vẫn quen ngủ dưới sàn, cho nên khi qua Úc, lần đầu tiên được ngủ trên giường mà lại là giường nệm, tôi phải tốn khá nhiều thời gian mới quen với cảm giác mới lạ này! Tuy nhiên, tôi không bao giờ có mặc cảm về chuyện đó, nhất là khi tôi thấy bao nhiêu người khác sống nghèo khổ hơn gia đình tôi nhiều. Có những đêm đi học về khuya, khi đạp xe ngang chợ Gò Vấp, tôi thấy những người ăn xin nằm ngủ trên các sạp vắng trong chợ. Nhiều em bé mồ côi lót báo nằm co ro ngoài vỉa hè. Tôi chợt thấy mình may mắn quá! Tối nay đi học về, mặc dù sẽ trải chiếu ngủ dưới sàn, nhưng ít nhất tôi có một mái nhà êm ấm, có cha mẹ anh em thương yêu đùm bọc. Trong khi đó, những người hành khất phải ngủ ngoài chợ, các em bé mồ côi phải nằm co ro thui thủi trên vỉa hè đường phố, không cha không mẹ! Sáng mai, má tôi sẽ cấp cho tôi một gói xôi để tôi mang theo vô trường ăn. Trong khi đó, những người hành khất, những em bé mồ côi bằng tuổi tôi sẽ phải moi thùng rác hoặc vào các tiệm ăn để chầu chực thực khách hảo tâm ăn xong còn để lại một chút ít dư thừa để cho các em bé có gì lót bụng!
Chiến tranh đã tạo ra những hoàn cảnh xã hội Việt Nam vô cùng bi đát!

Hàng Xóm Láng Giềng
Nhà tôi ở trong xóm mà láng giềng hầu như đa số là người Hoa. Thuở nhỏ tôi chỉ biết chơi với đám con nít người Hoa trong xóm. Tôi theo tụi nó từ đầu xóm đến cuối xóm, nhiều khi ăn ở nhà bọn nó, có khi ở lại ngủ qua đêm ở nhà tụi nó luôn! Sau nhiều năm như vậy, đương nhiên tôi cũng nói được tiếng Hoa tương đối khá! Ba má tôi không lo về chuyện này vì những người hàng xóm người Hoa rất thân tình và tử tế với gia đình tôi. (Sau này lớn lên, nhiều thằng bạn gốc Hoa trong xóm tôi đi lính trong QLVNCH, một số tử thương trên chiến trường như những người bạn Việt khác của tôi!)

Má tôi có lần nói đùa là khi tôi lớn, chắc tôi sẽ lấy một cô xẩm! Lúc nhỏ tôi không để ý gì về lời nói giỡn của má tôi. Nhưng khi tôi lên mười mấy tuổi  (tuổi dậy thì!) tôi bắt đầu thấy lời bà già nói đùa mà có lý! Trong những dịp Tết Ta / Tết Tàu, các thiếu nữ người Hoa trong xóm, cả năm trời sống như những cô bé lọ lem, đột nhiên xuất hiện như các minh tinh màn bạc. Các bóng hồng Trung Quốc trang điểm và mặc áo "xường xẩm" xẽ dài trên đầu gối, đi đến đâu cũng làm cho trai Tàu cũng như trai Việt đều ngẫn ngơ, ngơ ngẫn! Lúc ấy, ở Gò Vấp mà tôi cứ ngỡ như là đang ở Hồng Kông, Hương Cảng!! Nhưng chẳng may, tiếng Hoa của tôi tuy khá nhưng vẫn không khá đủ để nói năng gì cho ra hồn với các bóng hồng Trung Quốc! Cho nên cuối cùng tôi đành ngâm câu "Ta về ta tắm áo ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!"

Xe Đò Phước Long
Khi ba tôi làm ở Phước Long, mỗi tháng ông được về thăm nhà vài ngày. Phương tiện giao thông duy nhất giửa Sài Gòn và Phước Long lúc đó là xe đò. Thời buổi chiến tranh, đường xá nhất là đường rừng ở Phước Long Đồng Xoài thường bị đấp mô. Cho nên mặc dù đường Sài Gòn Phước Long tuy chỉ xa khoảng hơn 100 cây số, xe đi cả ngày mới tới là chuyện thường!
Tôi nhớ có một lần đi chung với ba tôi lên Phước Long, xe đò còn trong rừng chưa đến Đồng Xoài thì phải dừng lại vì bị đấp mô giửa đường. Trong lúc bác tài đang loay hoay không biết làm sao, thì tôi thấy khoảng 6 ,7 "người lính lạ" từ trong rừng cầm súng chạy ra bao quanh xe. Hành khách trong xe hoảng hốt thì thầm với nhau "Việt Cộng, Việt Cộng!" Tôi lo ngại cho ba tôi, vì nếu họ xét căn cước hành khách thì họ sẽ biết ba tôi là công chức và chắc họ sẽ không để yên cho ba tôi. Thời may, tôi thấy bác tài hình như đã có kinh nghiệm trước, dúi một chút tiền cho một tên VC, còn một tên VC khác thì đem truyền đơn rải cho hành khách.
Từ hồi còn nhỏ, tôi đã đọc và xem phim thời sự nhiều về VC, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đối diện với một tên VC trước mặt, ngay trong lúc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc! Tôi tò mò quan sát thì thật sự thấy họ cũng trẻ như ông anh cả của tôi. Họ mặc quân phục kaki, đầu đội mũ bèo, chân thì lại mang dép râu! Khi rải truyền đơn và nhận tiền thuế mãi lộ xong, trong tíc tắc họ biến mất trong rừng cũng nhanh như lúc mới xuất hiện. Tôi đọc thử tờ truyền đơn thì thấy thời đó mà họ đã dùng nhiều chữ trong Nam tôi chưa nghe bao giờ. Có vài chữ lẫn lộn giữa "L" và "N"!
Mấy tiếng sau, một số xe đò và xe "be" (xe chở cây trong rừng) từ hai hướng cũng dừng lại vì bị mô chận! Mọi người kiên nhẫn chờ thêm khoảng vài tiếng nữa thì có xe nhà binh chính phủ và xe ủi đất trờ tới để dẹp mô cho xe cộ lưu thông trở lại. Lúc xe bắt đầu di chuyển, tôi nghe bác tài lầm bầm với chú lơ xe ngồi ghế "súp" bên cạnh:
"Tao hổng biết bửa nay ngày gì mà xui quá! Hồi sáng mới vừa ra khỏi Biên Hòa thì đã bị mấy cha nội cảnh sát trạm kiểm soát "đớp" hết một mớ tiền. Bây giờ lại gặp mấy ông nội VC này lại bị đớp thêm một mớ nữa. Điệu này chắc tao phải cạp đất mà ăn!" Khỏi nói,hôm đó khởi hành từ Sài Gòn lúc 4 giờ sáng mà mãi tới gần khuya xe đò chúng tôi mới đến Phước Long!
 
 
Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Vào những năm ba tôi làm việc ở Phước Long, đến cuối tháng là má tôi và các anh em tôi ở Gò Vấp thường cứ hồi họp chờ ba tôi về phép thăm nhà. Khi thấy ba tôi xuất hiện ngoài cửa là cả nhà vui sướng như trúng số! Đó là những ngày rất vui trong gia đình vì biết ông già đi đường thượng lộ bình an, gia đình xum họp.
Rồi cứ mỗi năm vào dịp bải trường, má tôi đem tất cả các anh em chúng tôi lên Phước Long để ở với ba tôi trong suốt 3 tháng hè. Vào những năm thập niên 60, Phước Long là một khu rừng thiên, nước độc. Nhưng Phước Long có nhiều đồn điền cao su và lại là một địa điểm phòng thủ quan trọng về phía Bắc của thành phố Sài Gòn vì nó giáp với Campuchia và cực Nam của miền Trung.
Trong suốt cuộc chiến tranh tương tàn ở Việt Nam, Phước Long bao giờ cũng nắm một tầm quan trọng trong lãnh vực quân sự và chiến lược cho cả hai miền Nam và Bắc! Tôi nhận thức được điều đó sau này, khi tới dịp thằng em tôi phải đổi đi Phước Long mà tôi sẽ kể ở đọan sau! Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa rất quan tâm đến Phước Long. Họ khai khẩn một vùng đất lớn ở giữa rừng, xây cất một tòa nhà hành chánh ở đó, dựng lên một dãy nhà cho công chức như ba tôi ở, rồi xây thêm một ít tiệm tùng chợ búa để cho dân chúng trong khu vực và đồng bào Thượng mua bán với nhau.

Thỉnh thoảng tổng thống Ngô Đình Diệm hay đến Phước Long kinh lý. Tôi nhớ có một kỳ hè lúc tôi còn 10 tuổi, một hôm nhà nước tập trung dân chúng địa phương đến trước tòa hành chánh tỉnh để đón tổng thống đến. Sau khi đứng chờ hơn cả tiếng đồng hồ trong giữa trưa hè oi bức thì cuối cùng tôi thấy một đoàn trực thăng từ xa đáp xuống. Từ chiếc trực thăng thứ nhì, tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi mặc bộ "com plê" trắng cầm chiếc "ba toong" bệ vệ bước ra khỏi trực thăng, bên cạnh có một sĩ quan cận vệ cầm dù che nắng! Rồi chung quanh tôi ai cũng la lên: "Hoan hô tổng thống!", "Tổng thống muôn năm!". Tôi nhìn kỹ lại thì thấy người đàn ông này giống hệt như chân dung tổng thống Ngô Đình Diệm mà dân chúng thường treo hình trong các công sỡ hay trường học. Tôi nhớ hồi xưa khi đi xem chiếu bóng, trước khi bắt đầu chiếu phim chính, bao giờ khán giả cũng phải đứng dậy làm lễ chào quốc kỳ và ngay sau đó hát bài chúc tụng Ngô Tổng Thống, nên tôi rất quen với gương mặt của tổng thống! Ông Diệm cầm ba toong vẫy chào dân chúng, khi đi qua trước mặt tôi, ổng nhìn tôi mỉm cười, xoa đầu tôi rồi theo tỉnh trưởng và các tướng lãnh bước vào tòa hành chánh.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông Diệm bằng xương bằng thịt ngoài đời!
 
Sông Núi Phước Bình
Cảnh vật ở Phước Long có nét đẹp rất thiên nhiên. Chung quanh khu tỉnh lỵ toàn rừng xanh, đất đỏ. Tỉnh lỵ Phước Bình nằm cạnh một rặng núi khá cao có tên là "Núi Bà Rá". Cách vài cây số đường rừng có một con sông nước trong xanh tên là "Sông Bé". Đi thêm vài trăm thước lại có hai suối nước rất thơ mộng có tên là "Suối Mơ" và "Suối Đức Mẹ". Hai suối nước này không hùng vĩ như thác "Cam Ly" ở Đà Lạt, nhưng nước chảy êm đềm, róc rách rất lý tưởng để tắm suối hay câu cá. Những ngày hè ở Phước Long, anh em chúng tôi thường rủ nhau đi "thám hiểm" trong rừng quanh tỉnh lỵ, kết cây làm bè bơi dọc theo sông Bé, ngắm chim khỉ truyền trên cánh rừng xanh, hay đến Suối Mơ câu cá, tắm suối! Đó là những kỷ niệm vô cùng thú vị mà người thành thị ít khi có được! Ba tôi thường chỉ lên đỉnh núi Bà Rá và nói với chúng tôi là chừng nào hết giặc giả, ông sẽ dẫn các anh em chúng tôi trèo lên đỉnh núi cho thỏa thích!
Nhưng ngày đó không bao giờ xảy đến!
Vài năm sau ba tôi về hưu, rời Phước Long để trở về sống ở Gò Vấp với gia đình. Phước Long, Bà Rá, Đồng Xoài sau đó đã chứng kiến những trận đánh khốc liệt nhất trong lịch sữ chiến tranh Việt Nam! Một số sĩ quan trẻ tuổi bạn học của các anh tôi đã bỏ thây trong các chiến trường đó!
 
Biến Động Ở Sài Gòn
Một buổi sáng vào khoảng tháng 11 năm 1962 (lúc đó tôi mới 10 tuổi), tôi đang chơi đá cầu với đám con nít hàng xóm thi bỗng nhiên có đứa chỉ lên trời la lên khoái chí: " Coi kìa ngộ quá tụi bây ơi, máy bay đang thả bom!" Tôi bỏ chơi đá cầu, nhìn lên trời thì thấy hai chiếc máy bay khu trục đang quần thảo trên không về phía Sài Gòn. Nhìn kỹ tôi biết nó là "Skyraider" dưới cánh có hình màu cờ Việt Nam, loại khu trục mà không quân Việt Nam bấy giờ đang xử dụng. Chỉ có điều lạ là tại sao nó thả bom giữa Sài Gòn và tôi còn thấy những chòm khói đen chung quanh máy bay như đang bị đại bác phòng không dưới đất bắn lên. Một chiếc hình như bị trúng đạn, khói đen bốc ra mù mịt.
Tối hôm đó nghe tin tức mới biết là hai chiếc phi cơ đó do hai người phi công trong không quân Việt Nam, "Phạm Phú Quốc" và "Nguyễn Văn Cử" lái thả bom xuống Dinh Độc Lập! Chiếc của Phạm Phú Quốc bị bắn rớt xuống sông Sài Gòn, còn chiếc của Nguyễn Văn Cử thì bay thoát qua Campuchia!
Năm sau, Phật Giáo miền Nam bị đám ông Ngô Đình Nhu đàn áp kịch liệt. Tháng 6 năm 1963, Hòa Thượng Thích Quãng Đức ra giữa ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn Gòn tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật Giáo của chính phủ. Xác Hòa Thượng cháy thành tro nhưng quả tim của ngài vẫn còn nguyên vẹn!
 
Năm tháng sau, ngày 1/11/1963, hội đồng tướng lãnh mỡ cuộc cách mạng lật đổ ông Diệm. Ngày hôm sau, hai anh em ông Diệm, Nhu bị ám sát. Khi biết tin này, ba tôi có vẻ bàng hoàng. Ông không thích việc Phật Giáo bị ông Nhu đàn áp, nhưng ông cũng có vẻ tiếc thương cho ông Diệm! Riêng tôi, tôi cũng cảm thấy xúc động vì mới hơn năm trước tôi gặp ông Diệm đường đường là tổng thống, mỉm cười với tôi khi ồng đi kinh lý ở Phước Long, nay đã bị ám sát thảm thê trong dinh Độc Lập!
 
Những năm sau đó, chính phủ Việt Nam cứ hết cách mạng lại đổi qua "chỉnh lý" (từ của tướng Nguyễn Khánh!) Trong khi đó chiến tranh Việt Nam càng lúc càng leo thang mãnh liệt.

Tết Mậu Thân
Có lẽ biến cố làm cho tất cả người dân miền Nam xao động tinh thần nhất là biến cố Tết Mậu Thân 1968. Tôi còn nhớ cả hai tuần trước tết, gia đình tôi cũng như bao nhiêu gia đình bà con hàng xóm đã sửa soạn nhà cửa cho sạch sẽ chu đáo để ăn tết nguyên đán.  Má tôi đã mua sắm bánh mức. Còn ba tôi ra chợ mua được chậu mai thật đẹp đem về chưng trong ba ngày tết. Từ nhỏ đến lớn, giao thừa có thể nói là ngày quan trọng và thiêng liêng nhất trong gia đình tôi. Chúng tôi quay quần trong nhà, chờ đến giờ giao thừa để chúc tết ba má và nhận tiền lì xì.
Khoảng giờ giao thừa tết Mậu Thân năm ấy, tôi bỗng nghe tiếng nổ lách tách gần nhà, mọi người ai cũng tưởng chắc hàng xóm đốt pháo mừng đón chúa xuân về! Tiếng nổ ban đầu còn rời rạc, nhưng sau đó càng lúc càng gần và quyết liệt thêm. Ba tôi nói đây là tiếng súng chứ không phải tiếng pháo. Khi nghe thêm tiếng lựu đạn, mọt chê nổ ầm ỉ quanh nhà, ba tôi vội vã kêu tất cả mọi người tắt đèn rồi chun xuống gầm bàn, gầm giường hay bộ ván trong nhà để che thân tránh đạn! Trong nhà bấy giờ tối thui. Tiếng súng dưới đất và tiếng trực thăng vần vũ trên trời xé tan bầu không khí đêm khuya.
Nằm dưới gầm bàn nhìn lên bàn thờ tổ tiên, tôi thấy hình ông nội và bà ngoại ẩn hiện sau những nén nhang nghi ngút. Phía trên, hình Đức Phật cũng ẩn ẩn hiện hiện trên bộ lư hương. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy hình ảnh nhân từ của Đức Phật và hình ảnh hiền lương của ông nội, bà ngoại như có một sức mạnh linh thiêng tỏa ra từ trên bàn thờ. Không biết tại sao, tôi lâm râm cầu nguyện với Trời Phật và ông bà phù hộ cho gia đình tôi. Đó là lần đầu tiên mới 15 tuổi mà tôi đã biết cầu nguyện một mình!
Những ngày sau đó, cả thành phố Sài Gòn bị giới nghiêm 24/24, nghĩa là hầu như dân chúng bị cấm không được ra khỏi nhà. Công sỡ, chợ búa, trường học đều đóng cửa.
 
Khi tiếng súng giao tranh bắt đầu giảm dần, ba tôi sai tôi và một người anh ra chợ coi xem có ai buôn bán gì để tìm cách mua vài nhu yếu phẩm vì trong nhà bắt đầu thiếu thốn thực phẩm.Trên đường ra chợ, tôi thấy vài xác VC vẫn còn nằm ngỗn ngang ngoài đường phố!

Tử Thần Trên Không
Cả tháng sau tình hình ở Sài Gòn mới bắt đầu khả quan hơn. Lúc đó coi tin tức mới biết thành phố Huế bị thiệt hại nặng nề nhất. Trên TV nhìn cảnh đồng bào mặc áo tang ôm quan tài của người thân khóc thảm thiết, ai cũng xúc động không nói nên lời. Mấy tháng sau ngày tết Mậu Thân, khi mọi sự có vẻ trở lại bình thường thì lại có một chuyện thật kinh hoàng xảy đến cho tôi. Mỗi lần nhớ lại tôi đều rỡn tóc gáy!
alt
Hôm đó là một ngày chủ nhật đẹp trời, tôi và một thằng bạn thân rủ nhau ra sông Bến Cát gần nhà chơi. Sông Bến Cát là một con sông hiền hòa ở Gò Vấp, hai bên bờ nhiều dừa nước. Giữa sông có một cù lao nhỏ, trên đó có một cái miếu mà theo lời truyền tụng thì họ nói là để thờ những oan hồn của những người tắm sông chết đuối ở đó. Tôi như điếc không sợ súng, thường ra sông này tắm một mình, học một mình và làm thơ một mình!
Hôm đó có thằng bạn đi chung, tôi bạo dạn hơn rủ nhau bơi qua bờ bên kia. Trưa đó nước lớn nên lục bình trôi đầy rẫy chung quanh chúng tôi. Chúng tôi nẩy ý gom lục bình lại để làm như một chiếc bè bám vào đó bơi xa cho dễ. Trong lúc đang loay hoay giữa sông bám níu vào lục bình thì bỗng nhiên chúng tôi thấy một chiếc trực thăng từ đâu xuất hiện. Ở miền Nam trong thời buổi chiến tranh, trực thăng bay rầm rộ trên trời là chuyện thường. Nhưng hôm đó, chiếc trực thăng này không bay trên trời như mọi ngày mà hình như nó đang tuần tiểu trên sông Bến Cát. Tôi thấy nó bay qua chỗ chúng tôi đang bơi rồi lại bay vòng trở lại. Sau đó nó lại bay xuống thật thấp để quan sát chúng tôi!
Từ dưới sông nhìn lên, tôi thấy một người lính Mỹ ngồi bên hông trực thăng cầm đại liên chỉa vào chúng tôi! Vì trực thăng chỉ cách trên đầu chúng tôi chừng 15 thước nên tôi còn thấy rõ ngón tay trỏ của người xạ thủ Mỹ này đang chực trên cò súng, sẵn sàng bóp cò bất cứ lúc nào! Tôi đoán là họ tình nghi chúng tôi là VC, vì bên kia bờ sông là làng An Phú Đông, xưa nay nỗi tiếng là ổ của VC!
Thằng bạn tôi sợ quá run run nói với tôi: "Hay là mình ngụp xuống lục bình trốn!" Cũng may tôi suy nghĩ thật nhanh là lặn trốn như vậy còn dễ bị ăn đạn hơn là tỏ vẻ bình thường! Tôi nói với nó là mình làm ngược lại mới đúng! Nói rồi hai đứa tôi vừa vẫy tay lên vừa la thật lớn, thật lâu: "Hế Lô, Hế Lô..." chữ tiếng Anh duy nhất mà tôi biết lúc đó! Trong khi đó chiếc trực thăng vẫn bay quanh chúng tôi thêm vài vòng nữa, cây đại liên vẫn chỉa thẳng vào hướng chúng tôi. Rồi tôi thấy một người lính Mỹ khác vỗ vai người xạ thủ đại liên này và làm một dấu hiệu với người phi công . Cuối cùng chiếc trực thăng bỏ chúng tôi bay đi chỗ khác. Khi chúng tôi chưa kịp hoàn hồn thì thấy chiếc trực thăng vừa rồi lại vần vũ trên một khúc sông cách chúng tôi chừng vài trăm thước. Nhưng kỳ này chúng tôi nghe một tràng "cạch cạch cạch" ròn rã, chát chúa của súng đại liên bắn từ trực thăng xuống nước! Trong một thoáng chốc, tôi cảm thấy mạng người Việt Nam rẻ mạt như bèo dạt trôi sông! Mạng sống của hai thằng bé Việt Nam vô tư bơi lội trên con sông trên mảnh đất quê hương của mình, trong một khoảnh khắc phải tùy thuộc vào bàn tay và quyết định của một người lính ngoại quốc từ xa đến!
Sau này, tôi cứ thầm nghĩ, nếu hôm đó người xạ thủ Mỹ trên trực thăng quyết định bóp cò cho hai đứa tôi một tràng đạn đại liên, chắc anh ta sẽ nhủ thầm "Oh well, just a couple casualties of war!" rồi thôi. Người dân quê ở sông Bến Cát sẽ nhốn nháo: "Có hai xác VC trôi lềnh bềnh trên sông. À mà VC lúc này sao còn con nít quá vậy cà!" Và sẽ có hai gia đình lo âu buồn khổ vì có hai đứa con đột nhiên bị mất tích!

Huấn Luyện Quân Sự
Sau khi đậu xong Tú Tài, tôi thi vào Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ. Chương trình học đòi hỏi chúng tôi phải vào Trung Tâm Huấn Luyện Quân Sự Quang Trung.Mặc dù tôi chưa có dịp vào sinh ra tử trong đời lính, nhưng thời gian huấn luyện quân sự tối đa trong trại Quang Trung cũng cho tôi nếm mùi gian lao, nhọc nhằn của đời lính!Trong suốt thời gian huấn luyện quân sự ở Quang Trung, tôi được dạy cách xử dụng đủ loại súng ống: từ súng trường đến tiểu liên, trung liên, đại liên, mọt chê, cách quăng lựu đạn, cách "bò hỏa lực" (bò dưới làn "mưa" đạn đại liên cách người nữa thước!) Nhưng rùng rợn nhất là cách "đánh xáp lá cà" mà trong đó chúng tôi phải gắn lưỡi lê vào đầu súng, chạy vào các hình nộm VC rồi đâm hết tên này sang tên khác! Tôi phân tích thì thấy cách tự vệ duy nhất nếu phải đánh "xáp lá cà" như vậy là phải đâm giết địch thủ trước khi nó giết mình! Chứ ngoài ra chẳng thấy họ dạy động tác nào để đỡ đòn cả!
alt

Đi Úc Du Học
Khi học ở Trường Cao Đẵng Phú Thọ, tôi lại nộp đơn xin học bỗng du học ở Úc. Thời may, tôi được chấp nhân.
Buổi tối trước ngày lên đường qua Úc, ba tôi trao cho tôi 50 đô Mỹ để cho tôi xài lúc mới qua Úc. Ba tôi phải bán chiếc mobylette trong nhà, còn má tôi thì phải ra tiệm cầm đồ cầm hết nữ trang mà ba má tôi đã dành dụm bao nhiêu năm nay, dự định để dành cho các em gái tôi sau này khi tụi nó lập gia đình!
Tôi cầm 50 đồng Mỹ trong tay, rươm rướm nước mắt mà tự thề trong lòng là sau này khi thành tài về nước, tôi sẽ đi làm kiếm gấp ngàn lần số tiền này để đem về báo hiếu với ba má tôi trong tuổi xế chiều! (Nhưng ngày đó không bao giờ có được!)
Sau 3 năm học ở Úc, đầu năm 1974 tôi được về nước thăm nhà 6 tuần trước khi trở lại Úc để học nốt 2 năm cuối. Đó cũng là lần chót tôi có dịp gần gũi hàn huyên với ba tôi lúc người còn sống. Đi có vài năm mà ba tôi đã già hơn xưa nhiều. Khi tôi đem mấy tấm hình chụp ở Úc cho ba tôi xem, ba tôi trầm trồ hình núi  Dandenong gần thành phố Melbourne chỗ tôi đang học nội trú. Ba tôi bảo với tôi là coi nó cũng giống như núi Bà Rá ở Phước Long.
Ba tôi chắc nhớ Phước Long lắm! Tôi nói với ba tôi là hai năm nữa học xong về nước, đợi hết chiến tranh con  sẽ dẫn ba lên núi Bà Rá chơi, "và nếu ba leo núi Bà Rá không nổi, con sẽ dẫn ba qua Úc rồi sẽ chở ba lên núi Dandenong chơi cho ba đở nhớ núi Bà Rá!"
Ngày ra phi trường bay trở về Úc, ba tôi ôm tôi từ giã. Tôi không ngờ ngày tạm biệt đó cũng là ngày vĩnh biệt! Ước mơ của ba tôi mãi mãi chỉ là mơ ước. Và buồn nhất là lời hứa năm nào với ba tôi cũng không bao giờ thành tựu!
Cuối năm 1974, ba tôi viết thơ qua báo tin Phước Long vừa trải qua một trận đánh thật khốc liệt, trong đó hai người bạn thân của anh cả tôi tử thương ở Bà Rá và Đồng Xoài!

Hai thằng con, hai thằng lính, hai chế độ !
Trong một thơ khác, ba tôi cho biết người anh kế của tôi đi lính mấy năm nay, đang đổi về đảo Côn Sơn làm cai tù cho đám tù bình chiến tranh VC.
Đầu tháng tư năm 1975, ba tôi cho biết cả tỉnh Phước Long đã rơi vào tay VC.
Và đó là bức thơ chót tôi nhận được từ Việt Nam cho tới một thời gian khá lâu sau, vì cuối tháng đó, ngày 30/4/1975, miền Nam thất thủ, tôi hoàn toàn mất liên lạc với gia đình!
Sau biến cố lịch sữ trọng đại đó cho đến khoảng cuối năm 1979, gia đình tôi phải trải qua bao nhiêu nỗi nhục nhằn cam khổ. Căn nhà nhỏ của gia đình tôi đang từ mười mấy người ở ồn ào bỗng dưng trở thành vắng lặng im lìm. Các anh em tôi lần lượt vượt biên, người đang ở đảo Pulau Bidong, người ở Mã Lai, người ở Nam Dương.
Người anh kế đi lính lúc trước làm cai tù, bây giờ phải ở tù trong trại học tập cải tạo.
Thằng em út lúc vừa lên 18 tuổi, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ ra khỏi nhà một mình, bây giờ bị động viên vô bộ đội.  Má tôi sau này kể lại là thằng nhỏ khóc với má là nó chỉ muốn ở nhà đi học chứ không muốn đi lính. Nhưng Việt Nam lúc đó đang kéo quân qua Campuchia nên cần rất nhiều binh lính. Em tôi là con ngụy thì làm sao vô đại học được nên thằng em tôi cuối cùng buột phải vô bộ đội!  Rồi không biết duyên cớ thế nào lại đóng quân ở Phước Long!
Sau này gặp lại má tôi, má tôi kể là vào những năm chót trong cuộc đời, buổi tối ba tôi thường chong đèn coi lại mấy tấm hình cũ của các anh em tôi cho đở nhớ con cái. Ba tôi thích xem hình tôi lúc còn nhỏ rồi trầm trồ so sánh với những hình tôi chụp ở Úc. Nhìn hình núi Dandenong ở Úc, chắc ba tôi nhớ núi Bà Rá ở Phước Long lắm!
Nhưng ba tôi thường đăm chiêu thật lâu trước hai tấm hình, một tấm của người anh kế tôi và một tấm của thằng em út. Hình của người anh kế tôi chụp lúc ảnh còn đi lính trước 75, đầu đội nón sắt, tay cầm súng Mỹ M16 có khắc chữ "Made in USA" hiên ngang đứng canh giữ trước trại tù Côn Sơn. Còn hình của thằng em út mặt còn non choẹt, đầu đội nón cối bộ đội, tay cầm súng AK47 Trung Cộng khắc chữ "Made in China", mà mặt thì buồn như muốn khóc!
Mỗi lần nhìn hai tấm hình đó, ba tôi thường lắc đầu ứa nước mắt nói thầm: "Hai thằng con, hai thằng lính, hai chế độ!"
Có lẽ trong thâm tâm, không chừng ba tôi nghĩ: chẳng thà thằng con út làm cai tù cho thằng con lớn vậy mà chắc hai anh em nó đở khổ hơn!

 
Một Chút Quà Cho Quê Hương
Những ngày tháng tiếp theo là những ngày buồn và điêu đứng nhất trong gia đình tôi. Trong nhà thiếu trước, hụt sau nên ba má tôi lần lượt bán hết đồ đạt để kiếm chút tiền sống qua ngày: một vài nữ trang còn sót lại, xe gắn máy, TV, tủ lạnh, bộ ván trong phòng khách v. v. cứ theo nhau mà bỏ đi theo chủ khác! Cho đến tủ thờ tổ tiên mà ba tôi rất quí trọng, cuối cùng cũng phải đành lòng bán đi!
Vậy mà trong nhà cũng không đủ gạo ăn cho hai bữa. Những bữa ăn bây giờ phải trộn gạo với bo bo. Nhà tôi bây giờ không còn trai tráng để lo cho ba má tôi. Các em gái thì còn nhỏ quá không giúp được gì! Má tôi đã già, tìm cách làm một vài món dưa cải bày ra trước nhà bán để kiếm vài đồng mua gạo, mua bo bo. Ba tôi tuy sức khỏe đã yếu lắm nhưng cũng ráng phụ má tôi làm được việc gì hay việc nấy.
Có lần hàng xóm thấy ba tôi khệ nệ mang mâm dưa cải ra trước nhà để cho má tôi bán, họ chép miệng nói: "Tội nghiệp cho ông ba, lúc trước làm ông cò mà bây giờ phải ra nông nỗi này!" Khi nhà nước cho phép thân nhân từ nước ngoài liên lạc thơ từ và gởi hàng hóa về tiếp tế cho người nhà trong nước thì chúng tôi cứ vài tuần lại ra tiệm vải gần nhà để gởi vài thùng quà về cho gia đình.
Bản nhạc "Một Chút Quà Cho Quê Hương" của Việt Dzũng đã thổ lộ rất chính xác nỗi lòng của kiều bào Việt Nam vào những năm 78, 79 đó.
 
Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy
 
Gởi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng
 
Con gởi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình
 
Em gởi về cho anh một cây bút máy
Anh vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh
Gởi về cho mẹ dăm gói chè xanh
Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn
 
Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa
Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương
Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương
Em bán cho đời tìm đường vượt biên
 
Con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ
Cha chôn cuộc đời trong trong xứ tù chung thân
Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần
Mơ ước yên lành...
trong giấc ngủ.... da.... vàng....
 
Mỗi lần nghe Khánh Ly ca bản nhạc này, nhất là đoạn
"Con gởi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình..."
tôi không cách nào cầm được nước mắt. Ba tôi không bị ra pháp trường, nhưng bệnh nặng rồi qua đời trong khoảng thời gian mà gia đình tôi lâm vào cảnh lầm than bi đát nhất.
o O o     o O o    o O o

Về Thăm Quê Cũ
Rồi thời gian chầm chậm trôi qua. Từ ngày ba tôi mất, tính đến nay đã hơn ba mươi mươi năm rồi.
Mấy năm trước tôi đem gia đình về thăm nhà cho mấy đứa con biết thêm về Việt Nam và để có dịp thăm mồ mả ông bà tổ tiên.
Đứng trước mả ba tôi, tôi nói với các con tôi hãy thấp nhang khấn ông nội để ông nội phù hộ cho các con, "cũng như hồi ba 15 tuổi, ba nằm dưới gầm bàn trú đạn đêm giao thừa tết Mậu Thân năm 1968, ba đã lâm râm cầu nguyện với ông nội của ba qua hương khói chập chờn trên bàn thờ tổ tiên. Ông bà mình linh thiêng lắm con!"
Tôi dẫn các con tôi về Gò Vấp vào thăm căn nhà cũ ngày xưa (mà bây giờ gia đình ông anh kế đang ở). Tôi chỉ chỗ sàn nhà mà "ba đã trải chiếu giăng mùng ngủ mỗi đêm trong suốt quảng đời ba sống trong căn nhà đó ở Việt Nam".
Mấy đứa con tôi chỉ lắc đầu không cách nào hiểu được, nhất là khi tôi cho tụi nó biết những năm tháng đó tuy nhà nghèo, nhưng lại là những năm hạnh phúc nhất trong thời niên thiếu của tôi! "khi ba có ông nội bà nội và các cô chú bác ở chung!"

Anh kế tôi đã trở về với gia đình sau một thời gian ở trong trại cải tạo. Thằng em út tôi từ Phước Long đã tìm cách chạy trốn về Sài Gòn rồi cũng tìm đường vượt biển bình an! Thằng bạn thân tắm sông Bến Cát chung với tôi ngày xưa, lúc mạng sống của chúng tôi phải tùy vào ngón tay bấm cò súng đại liên của người xạ thủ Mỹ trên trực thăng, sau khi đi học tập cải tạo một thời gian rồi cũng vượt biên qua Mỹ, sau này thành bác sĩ.

Hồi Tưởng
Nghiệm lại dĩ vãng ngày xưa ở Việt Nam, tôi khám phá ra một chân lý sống đơn giản là nếu có gia đình thương yêu, bạn bè thân ái, thì dù sống ở bất cứ hoàn cảnh hiểm nguy hay nghèo khó nào, ai cũng có thể có hạnh phúc được!
Rồi ngày ngày ở bên Úc, mỗi khi nhìn về dãy núi Dandenong gần nhà, tôi thường liên tưởng đến ngọn Núi Bà Rá ở Phước Long và hình bóng yêu thương của người cha hiền lương năm cũ.
Có khi nghe tiếng gió thổi rào rạt qua cành cây, tôi cứ ngỡ như tiếng ba tôi đang dạy tôi câu tiếng Miên ngày nào khi tôi vừa mới lên 5 lên 6:
"Bòn ơi, tâu na, bòn ơi!"...
    o O o     o O o      o O o
 
    Nhìn lên đỉnh núi nhớ cha,
Trông về biển rộng nhớ bà mẹ quê...
    Bao năm chinh chiến ê chề,
Công cha nghĩa mẹ không hề phôi pha,
    Thuở còn ở với mẹ cha,
Cơm canh rau giá dưa cà mà vui!
                 (NV Hà)
Nguyễn Văn Hà
Melbourne, Úc Châu

alt

SÁNG NAY TÔI TREO CỜ MỸ



American_Flag6Như mỗi sáng, sáng nay tôi dậy sớm, đi ra sân trước để lấy tờ nhật báo mà người đưa báo ném vào sân từ hồi mờ sáng. Sau khi lấy tờ báo, tôi lướt mắt nhìn những căn nhà hàng xóm, tôi thấy vài nhà có treo cờ, những lá cờ này tung bay quyện với những tia nắng tạo thành màu sắc đẹp quá.
 Tôi đi vào trong garage của nhà tôi, lấy lá cờ của một người bạn Mỹ cho tôi cho tôi cách đây 20 năm khi ông rời bỏ nước Mỹ để quyết định đến Việt nam sống. Ông Mỹ này chỉ ở Việt Nam được có một năm, vì ông chán ngấy cái thủ tục hành chánh mỗi khi ông xin gia hạn visa với chính quyền Việt Nam, rồi sau đó ông qua bên nước Lào. Ông nói với tôi là vì sống ở Mỹ ồn ào cho nên ông muốn đến sống ở một nước Á châu để được sự yên tịnh. Tôi nói với ông là ông rất may mắn được sanh ra ở một quốc gia tự do cho nên ông có quyền muốn đi đâu cũng được và nước Mỹ "ồn ào" vì dân tộc ông có quyền nói, nên ai cũng nói mới có "ồn ào", và đó là một diểm phúc của ông đang có. Tôi không gặp ông nữa từ ngày đó, nhưng vẫn nhớ đến ông là người cho tôi một lá cờ Mỹ, mà tôi vẫn còn giữ cho đến ngày hôm nay.

Tôi trèo lên cái thang, cắm cờ ngay trên cửa chính ra vào của nhà tôi. Tôi bước xuống cầu thang, ngắm nhìn là cờ tung bay...rồi tôi mỉm cười nhớ lại quyết định của ông bạn Mỹ 20 năm trước và quyết định của tôi 30 năm trước...rời xa quê hương, rồi tôi nhớ lại những giọt nước mắt của tôi rơi trên bãi biển Vũng Tàu khi mới 20 tuổi đầu, ngồi trong chiếc ghe nhỏ chở 43 người, lặng lẽ nhìn quê hương xa dần trong đêm tối, rồi tôi nhớ lại cái ngày đầu tiên tôi đi xem pháo bông mừng lễ Độc Lập của một quốc gia mang cái tên nghe rất hùng hồn "Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ - United States of America", rồi tôi nhớ lại những giọt nước mắt rơi khi tôi đặt tay phải trên ngực để tuyên thệ trở thành một công dân Hoa Kỳ. Rồi tôi ngắm nhìn căn nhà của tôi đang có cờ Mỹ tung bay.

Tôi bước vô trong nhà tôi, nhìn xung quanh những gì tôi có, một cuộc sống mà tôi đang hưởng trên đất nước đã nhân đạo cho tôi nhập cư. Tôi chú ý tấm hình mà đứa con gái mới chụp trong ngày lễ tốt nghiệp trung học, hôm ấy có một bạn học choàng vào cổ con tôi một sợi dây được thắt bằng tay gồm có ba màu: đỏ, xanh, và trắng. Ba màu này trên lá cờ Mỹ tượng trưng cho điều gì? Đó là câu hỏi của vị nhân viên di trú hỏi tôi trong buổi thi nhập tịch Mỹ.

Tôi gõ cửa vào phòng con gái, thì thấy nó đang ngồi trước máy vi tính điền đơn để vào đại học. Tôi nói với nó là con làm ba nhớ lại những ngày tháng ba đạp xe đạp đi nộp đơn thi vào đại học ở Việt Nam, ba phải chạy đủ nơi xin đủ giấy tờ như bản sao hộ khẩu, lý lịch cá nhân, lý lịch gia đình, v.v... tất cả phải có xác nhận của Ủy Ban Nhân Dân, chứ đâu có sướng như con chỉ ngồi một chổ, gõ mấy vi tính là xong.

Tôi liếc mắt xem những giấy tờ xin vào đại học để trên bàn, rồi tôi nói cho con gái tôi:

- Đơn từ bên Mỹ này không giống như ở Việt Nam. Bất cứ giấy tờ ở Việt Nam khi nộp cho cơ quan nhà nước phải có viết mấy chữ:
          "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
                  Độc Lập-Tự Do- Hạnh Phúc"       .....ngay trên phần đầu của tờ giấy.

Đứa con gái tỏ ra thắc mắc, hỏi tôi:

- Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc là gì vậy ba?

Tôi xoa đầu nhìn đứa con gái hồn nhiên, tôi trả lời:

- Là independence, là liberty, là happiness đó con!

Con tôi trố mắt nhìn tôi:

- Viết mấy chữ đó trên tờ giấy làm chi? Mà mấy chữ đó có ăn nhằm gì tới được nhận hay không được vô đại học đâu Ba!

- Ờ con nói đúng đó, à mà mấy chục năm nay ba không phải viết mấy chữ đó nữa con!

Chợt con tôi hỏi:

- Hồi nảy ba làm gì ở trước nhà vậy?

Tôi xoa đầu nó, nhìn chiếc áo mặc hôm ra trường còn treo trên tường, nhìn ra cửa sổ, thấy lá cờ Mỹ tung bay trong nắng, tôi thấy hạnh phúc cho những gì tôi đang được nói, nói một cách tự do và những gì tôi đạt được trên quê hương thứ hai của tôi. Tôi nói với con:

- Hồi nảy ba ra treo cờ, còn vài ngày nữa là mừng lễ Độc Lập rồi đó con!

Tôi rời phòng con tôi, đi tìm một lá cờ Mỹ nhỏ để cắm nơi bàn học của con tôi. Một lát sau, tôi trở lại phòng con tôi cầm lá cờ nhỏ trong tay, và nói với con tôi:

- Ba để là cờ này trên bàn của con, nếu con không đồng ý, không thích, thì trả lại lá cờ cho ba nhé!

Tôi vừa bước ra khỏi phòng, vừa ngoái đầu lại nói với con:

- Quyền tự do ngôn luận, phát biểu...!

- Độc lập, tự do và hạnh phúc không phải chỉ viết trên tờ giấy, mà là hiện thực, cha con mình đang thật sự có Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc trên đất nước mang tên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ! United States of America!

 United States of America! Con tôi nói kèm theo nụ cười.
..........

Xin kính chúc quí vị có một ngày lễ Độc Lập an vui và an lành.

Lưu Anh Tuấn
1-7-2012
edited 4-7-2012

NHỮNG MẨU TRUYỆN THẬT NGẮN


 
NHỮNG MẨU TRUYỆN THẬT NGẮN- NTT-12
                                                                            Nguyễn thành Thụy (JT)
TKD


56. Nhà tranh vách đất
Ở nhà quê, có lúc gia đình tôi thấy nhà ở chật chội phải xây thêm một cái “chái” (extension) thêm cho thoải mái. Tôi được dịp ngắm các ông thợ đóng cọc, đổ nền rồi xây vách. Tôi thấy trát vách sao thật đơn giản, chỉ cần lấy vôi trộn với rơm rồi trát lên. Thế là xong. Tôi thích thú nhủ lòng là kỳ sau mình cũng dám tự tay làm chứ không chơi.
Sau đó mẹ tôi kể một chuyện là có một cô gái trẻ ở trong vùng đã ăn lủng vách vì đang có thai.Tôi buồn cười nhưng lại nghĩ nhà tranh vách đất vôi thế mà hay. Đã đơn giản dễ xây lại còn là nguồn calcium cho những bà hay cô đang mang thai nữa. Hihi.
=================================================================================================================
57. Con cóc là cậu ông Trời
Ở nhà quê không thể nào không nói tới “cóc”. Cóc là một con vật dị kỳ. Tuy nhỏ nhưng chả dám đụng tới nó vì da nó xấu xí, sần sùi lại chứa nọc độc. Mỗi lần mưa thì nó nghiến răng kêu ọp ọp rầm trời. Tôi thường né cóc nhưng khi nó vào “chơi” trong bếp không chịu đi thì cũng phải đánh. Đánh xong thì phải quăng đi thật xa nhà rồi rửa tay rửa gậy sạch sẽ. Một bà chị tôi tuy chẳng sợ rắn nhưng lại sợ cóc khủng khiếp. Thấy cóc là bỏ chạy và kêu ầm nhà.
Có một lần, cha mẹ đi vắng, bà chị này la mắng cô em tôi. Cô này lẳng lặng ra sau vườn kiếm được một bộ da cóc khô. Lấy que đâm vào, cô ta đem cóc về “dứ” bà chị. Bà này hoảng hốt phải chạy trốn sang nhà hàng xóm.
Từ đó cô em tôi bắt đầu có “thế lực” trong gia đình vì biết dựa vào “cậu ông Trời”. Tôi cũng không ngờ là cô bé này mới chừng dăm tuổi mà dám chơi thế.
=========================================================================================================
58. Mùa Đông bực bội
Mùa Đông bực bội hay không vừa lòng (Winter discontent) là một hiện tượng tâm lý của học trò mà tôi về sau học được của một ông Hiệu Trưởng một trường Trung Học tư nổi tiếng tại Melbourne. Hiện tượng này xảy ra vào năm thứ hai sau khi vào trường Trung Học. Ông bảo năm đầu vì mới vào, chân ướt chân ráo phải học hỏi nhiều nên học trò ít có quậy. Tuy nhiên lên năm thứ hai, khi đã quen nước quen cái thì học trò bắt đầu quậy vì các cuộc thi cử lớn như Tú Tài vẫn còn xa.
Tính theo học trình Việt Nam hồi xưa thì năm này là đệ lục (lớp 7). Quả là thế. Sau năm đệ thất thi cử xong mới vào ngoan ngoãn, học trò đệ lục hết lạ, bắt đầu quậy theo hiện tượng “mùa đông bực bội”. Đám học trò lớp tôi ở Petrus Ký cũng thế, bắt đầu phá phách và gây lộn.

Lúc đó tôi tương đối nhỏ con vì nhỏ tuổi. Các bạn trong lớp nhiều trự hơn tôi 2 tuổi và to con hơn nhiều. Đám bự con bắt đầu bắt nạt đám nhỏ con khi thầy cô không có ở đó. Làm “anh chị” bự dợt đám đàn em cho khoái.
Khi ra sân chơi tôi thường hay bị bắt nạt. Một vài tên lớn hơn ký đầu mấy tên nhỏ rồi chạy. Tôi bực bội rượt theo nhưng không bắt nổi. Rồi những tên khác thấy hay cũng nhào vô chọc ghẹo. Tôi lại càng nóng và rượt chúng nó thêm. Nhưng vô vọng. Có lần tóm được một đứa chạy chậm, đấm cho hắn một quả. Những đứa khác thấy vậy vào méc thầy cô. Thầy cô ra xem thì quả là tôi đi rượt đánh chúng nó. Bị phạt, tôi lại ức và tìm cách chơi lại. Càng ngày thì chúng nó lại càng khoái và rủ thêm đông đảo để chọc ghẹo đấm đá cho vui.
 Sau tôi không dám ra sân chơi nữa vì ra thì bị ăn đòn chí tử. Rồi cuối năm đệ lục tôi bị 2, 3 thầy cô phê vào học bạ: “Học giỏi nhưng hạnh kiểm kém”
Nghĩ lại công trình học cả năm đệ lục, vừa bị ăn đòn từ các tay “anh chị” bự (bullies) lại vừa bị tội từ thầy cô. Cha mẹ buồn rầu, lo lắng, tôi cảm thấy mình sao mà số xui tận mạng. Nhưng cũng phải công nhận là tôi đã có hung hăng, thích ăn miếng trả miếng.
Quả là một “mùa đông bực bội” vào năm đệ lục. Các nhà tâm lý Tây Phương thế mà đúng.
============================================================================================================
59. Đi học võ
Rầy la tôi mãi mà chẳng đi đến đâu, ba tôi lúc đó bàn với gia đình phải cho tôi đi học võ. Mọi người trong nhà đồng ý nhưng có một ông chú hay cậu gì đó lại bảo:
- Gớm, cái thằng nhỏ thích đánh lộn mà lại cho nó đi học võ thì như “gửi trứng cho ác”. Bác coi chừng đấy nhé.
Nhưng ba tôi bênh vực tôi sát ván, bảo là tôi “bị người đánh” chứ không phải “thích đánh người”. Tôi cũng nghĩ thế. Thế là hè năm đệ lục tôi đi học võ Thái Cực Đạo Đại Hàn hay Tae Kwon Do của một ông thầy người Việt học được từ quân đội Đại Hàn đang đóng ở Sài Gòn lúc đó. Tôi nhớ là học võ của trường phái Chung Do Kwan.
Đây cũng như dịp làm tôi mở mắt ra. Tôi học cách nắm tay đấm cho hiệu quả và tập dợt đêm ngày. Mua giây thừng về quấn vào cột nhà để luyện tay đấm và tay chặt. Chị tôi may cho thêm một bộ đồ võ thứ hai. Cứ thế, tôi bỗng say mê với võ nghệ trong ba tháng hè cuối năm đệ lục.
Về sau tôi đọc sách thấy có một vài sư tổ nghề võ sáng chế võ công tuyệt hảo vì hay bị “ăn hiếp”. Tôi nghĩ mình cũng đồng thuyền. Thôi cứ học Tae Kwon Do. Sang Úc mới biết môn này được truyền bá sang Mỹ rất nhiều là vì quân đội Mỹ đóng chung với quân đội Đại Hàn ở VN, học rồi mang về Mỹ.
Sau 3 tháng tập luyện, nghỉ hè  xong, vào năm đệ ngũ tôi đổi sang trường phái Oh Do Kwan cho tiện giờ và tiếp tục học. Lúc đó tôi lớn con hơn một chút và khỏe mạnh. Một số bạn bè thân biết tôi tập võ nên đồn ra. Mấy trự năm ngoái hay bắt nạt tôi bây giờ giảm bớt từ từ. Hơn một chục đứa năm ngoái nay chỉ còn chừng 2, 3 đứa dám giỡn với tôi. Số nhỏ này này vẫn theo mửng cũ tức là thụi tôi rồi chạy. Tôi chưa chạy nhanh bằng mấy tên này nên phải chịu.
Nhưng tôi nghĩ ra một kế khác. Tôi nhớ mấy tên này và rình rập từng tên. Khi có dịp cũng thụi cho nó một quả rồi chạy. Hắn chạy theo thụi lại nhưng tôi biết cách đỡ nên hắn chẳng gỡ lại được cú thụi này. Với lại tôi đã lớn, đỡ khá mạnh nên mấy tên này bắt đầu sợ.
Rồi một ngày. Cái gì tới sẽ phải tới. Có một tên tỏ ra bực bội với tôi:
- Sao tao thấy bây giờ mày “lộng” quá độ. Tao muốn đánh tay đôi với mày.
- Tao không muốn đánh tay đôi với ai hết.
- Mày không muốn nhưng tao muốn. Sau giờ học bữa nay, ra sân vận động sau trường. Thử xem mày tài nghệ đến đâu.
Không cách gì từ chối, tôi miễn cưỡng nhận lời và kêu thêm một tên đi theo nữa làm trọng tài.
Ra sân vận động chúng tôi kiếm một góc vắng vẻ và quăng cặp táp cho tên trọng tài giữ. Cởi áo ra và chuẩn bị so tài.
To con hơn tôi một chút, hắn ào vào như một con mãnh thú như chờ dịp để bắt mồi. Những cú đấm tung ra như mưa, ào ào như sấm. Tôi vừa đỡ vừa lùi, đi qua đi lại để né, vừa nhận xét tình hình.
Vài lần xáp lại như thế thì tôi thấy những cú đấm của hắn trông như  vũ bão nhưng chỉ là loạn xạ, thiếu định hướng và không hiệu quả. Mà có trúng chăng nữa thì tay đấm còn yếu nên cũng chả sao. Tôi biết hắn chẳng có học võ như tôi nên đã vững dạ. Tôi có kinh nghiệm giao đấu và có luyện tay đấm đoàng hoàng mặc dầu mới tập võ có 6 tháng.
Biết tẩy hắn, tôi bắt đầu chuyển sang thế công, phản đòn lia liạ. Những cú đấm của tôi tuy ít nhưng mạnh và chính xác. Ăn đòn vài lần, hắn phải lùi lại, bắt đầu nao núng không còn dám hung hăng như trước. Tôi bồi thêm vài cú đá.
Hắn bỗng đổi chiến thuật, bắt chân đá của tôi. Hơi loạng quạng nhưng tôi thấy cả hai tay hắn đang cầm chân tôi nên hở trên mặt. Tôi theo đà bung tới đấm một quả thật ngọt vào giữa mặt hắn. Hắn buông tôi ra và ôm mặt. Tôi dừng tay bảo với tên trọng tài:
- Đánh thế là đủ rồi. Mày kêu nó ngừng đi. Tao phải đi đây.
Tên trọng tài đồng ý và chúng tôi chấm dứt cuộc đánh tay đôi này.
Tôi lượm cặp, cầm áo đi về trước, để lại một đối thủ, tuy thua nhưng vẫn còn bực bội muốn tiếp tục đánh tiếp nhưng trọng tài không cho phép. Tôi mệt mỏi nhưng chẳng hề hấn gì. Cũng chỉ như một ngày tập võ, nhiều hơn chút, thế  thôi. Công lao tập luyện võ sáu tháng trường thế mà hữu dụng. Chỉ cẩn thận khi về nhà không để cho ai biết.
Hôm sau tôi thấy hắn có một quầng thâm dưới mắt phải. “Black eye” là thế. Tôi bỗng rùng mình, ngỡ ngàng. Lần đầu tiên tôi đã đả thương một người. Mà có phải tôi muốn thế đâu. Hắn bắt tôi phải đấu. Tôi không thể từ chối.
Từ đó tôi ra sân chơi thoải mái. Chẳng ai muốn hay dám gây sự chân tay với tôi nữa. Mà tôi cũng chả muốn đánh đấm ai. Các vụ đánh lộn nay đã chấm dứt và tôi xong năm đệ ngũ với lời phê “học khá” mà hạnh kiểm tốt. Ba tôi cũng như gia đình mừng hơn ai hết, bảo là từ nay không còn phải lo vấn đề hạnh kiểm của tôi nữa. Chỉ lo học mà thôi.
Phải nói là võ Tae Kwon Do đã giúp tôi có một cuộc sống thật hòa bình với chúng bạn. Càng tập lâu thì càng thuần tính, theo kỷ  luật chả muốn gây hấn với ai. Tất nhiên là cũng chẳng ai dám gây hấn với tôi. Tên so tài ngày trước với tôi nay lại trở thành bạn thân. Thật tréo cẳng ngỗng nhưng lại tốt vì tôi cũng học được nhiều điều hay từ hắn.
==================================================
60. Đại học Úc
Vào đại học ở Úc, ở một đại học xá chung chạ với các SV trẻ cùng lứa tuổi, tôi cũng tự hỏi: Lỡ có ẩu đả thì ra sao?
Một hôm ấy, câu hỏi này đã được giải đáp. Một SV bị đấm một quả vào mặt trẹo quai hàm. Nạn nhân bình tĩnh tìm nhân chứng và kêu cảnh sát. Cảnh sát lại lập biên bản và phạt người đánh khoảng $200, một món tiền khá lớn đối với SV lúc đó. Tên này còn bị Đại Học Xá cảnh cáo là lần sau sẽ bị đuổi thẳng thừng.
À thì ra cách giải quyết là thế. Nước văn minh có khác. Nếu đánh qua đánh lại thì cũng chả tích sự gì.


NHỮNG MẨU TRUYỆN THẬT NGẮN- NTT-11
                                                                            Nguyễn thành Thụy (JT)
___________________________________________________________
melbourne-photo

51. Xứ Mưa Buồn
Tôi nhớ vào đầu thập niên 1970 là lần tôi từ Brisbane ở Úc đi xuống Melbourne chơi lần đầu tiên. Đây là một thành phố tương đối đầy đủ tiện nghi bên dòng sông Yarra thơ mộng và cái vịnh lớn. Lúc đó vào mùa hè nên được các bạn bè dẫn đi chơi thoải mái chỗ này chỗ kia. Tôi khoái trá buột miệng:
 -   Melbourne coi được quá nhỉ. Sống ở đây chắc cũng khoái.
 Một anh bạn vội đỡ lời:
 -   Melbourne mùa hè thì thế đấy, nhưng bạn phải xuống đây vào mùa đông mới biết là thế nào. Mưa gió lạnh lẽo đều đều. Bởi vậy mới có nickname là xứ “Mưa buồn”.
 Mà quả như thế. Tới cuối thập niên 1980 thì tôi có việc làm ở Melbourne và định cư tại thành phố này. Những trận mưa ròng rã vào mùa đông giá lạnh bắt tôi phải mua một cái áo “ba đờ xuy” (overcoat) mặc bên ngoài khi đón xe lửa đi làm mỗi ngày. Vài tháng sau tôi than thở với các bạn đồng nghiệp:
-   Chắc đây là Luân Đôn. Đi đâu cũng phải thủ một cái ô. Thiệt mệt.
Bạn bè an ủi:
-   Cũng chẳng nhằm nhò gì. Rồi bạn sẽ quen đi.
Tôi nhớ đến anh bạn Việt Nam lúc trước đã bảo nickname của thành phố này là “Mưa Buồn” rồi. Bây giờ mới biết sao? Chịu thì phải chịu, nhưng trong lòng tôi ấm ức, không khoái gì cho lắm mỗi khi mùa đông tới.

Vào cuối thập niên 2000 bỗng nhiên trời nổi cơn hạn hán trầm trọng. Các Khoa học Gia bảo đây là hiện tượng El Nino gì đó. Nước dự trữ trong các hồ chứa từ từ đi xuống. Các qui luật hạn chế sự dùng nước càng ngày càng khó. Vườn tược không được tưới. Cây cỏ vàng úa. Rửa xe cũng phải dùng xô chứ không được dùng vòi.
 Cây trái, thực phẩm tăng giá vì nông dân mất mùa và vỡ nợ. Trừu bò phải đem ra giết bớt vì thiếu cỏ và nước. Nước trong hồ dự trữ của thành phố xuống còn 30%. Chính phủ tiểu bang hoảng hốt phải xây một nhà máy biến nước biển thành nước ngọt. Không phải là rẻ. Nước quí như vàng. Các nhà máy thủy điện kiệt quệ vì thiếu nước.
 Sau 5, 6 năm hạn hán, đầu thập niên 2010 thì vận xui đã hết. Mưa bắt đầu trở lại xứ Mưa Buồn và Tiểu Bang Victoria. Ông Thần El Nino đã đi chơi chỗ khác. Các hạn chế nước từ từ bớt đi. Thực phẩm, cây trái rẻ trở lại và tổng số nước dự trữ trong các hồ lên tới 70% khi tác giả viết bài này (mùa Đông 2012).
 Melbourne đã trở lại đúng tên của nó là xứ Mưa Buồn. Mà có sao nhỉ ?. Mellbourne vẫn là Thủ Đô Thể Thao của Úc (Sport Capital) với rất nhiều bộ môn như  Football, Tennis, Grand Prix xe hơi, Grand Prix xe gắn máy, v.v.
 Tôi vẫn đánh Tennis được mỗi tuần. Kẹt lắm thì vào chỗ Indoor Tennis chơi. Đi mua sắm thì đa số các nơi có mái che, không phải bên ngoài. Tự nhiên bây giờ chẳng thấy có vấn đề gì đáng ngại hay to lớn.
 Mưa thì cứ mưa, chẳng có gì mà buồn như ngày xưa. Tôi đã đổi thái độ và cảm ơn Thượng Đế đã ban cho những giọt mưa quí báu mà tôi đã có lúc coi thường.
 Còn nhiều thứ quí giá khác nữa. Có trong tầm tay mà coi thường.
Mời suy ngẫm
===============================================================================================
52. Luận Lý Lưỡng giá và Tam Giá
Lý luận Lưỡng Giá (binary logics) là lý luận chỉ có hai giá trị mà thôi chẳng hạn như đúng hay sai, trắng hay đen, âm hay dương v.v. Không có trò nửa nạc nửa mỡ. Lý luận này tuy thành công trong toán học và điện toán nhưng trong nhân văn thì lại là chuyện khác.
 Ngày xưa tôi đọc hay học ở đâu đó có một chuyện kể là một bộ lạc bên Phi Châu giữ  luận lý lưỡng giá rất vững chắc. Khi bắt được những nhà truyền giáo Âu châu, họ bảo các ông này phải nói một câu. Nói “đúng” thì “chết treo” mà nói “sai” thì “chết chìm”. Trước sau thì cũng chết.
 Có một lần bắt được một ông kia, sau khi nghe nói, thấy mình cầm chắc cái chết, nhà truyền giáo này suy nghĩ và tìm cách đánh thẳng vào luận lý lưỡng giá (đúng và sai) của bộ lạc này. Ông bảo:
 -   Tôi sẽ chết chìm.
 Tù trưởng của bộ lạc này đang tính kêu đàn em đem ông này đi trấn nước cho xong nhưng nghĩ lại nếu thế thì ông ta nói “đúng”. Mà nói đúng thì phải “chết treo”. Không ổn. Nếu đem treo cổ ông này thì ông đã nói “sai”. Mà nói sai thì phải “chết chìm”. Cũng không ổn. Nghĩ nát óc chẳng ra lời giải, tù trưởng bộ lạc này đành phải thả ông truyền giáo này ra.
 Chính ngay các nước Tây Phương ngày xưa cũng dùng lý luận lưỡng giá để kỳ thị chủng tộc. Chỉ có hai chủng tộc: trắng và đen thôi. Dân da vàng vì “không trắng” nên phải là “đen”. Đơn giản thế thôi. Về sau họ mới nghĩ ra giá  trị  thứ  ba là  “da màu” để giải quyết và đây là Lý Luận Tam Giá: “trắng”, “đen” và “màu”.
 Lý luận tam giá (Trinary or Ternary logics) tất nhiên là hữu dụng hơn trong nhân văn. Còn nhiều nữa như  “đệ tam nhân” (third party) chỉ một người trung hòa, các nước thứ ba (third world countries) hoặc loài dơi là “phi cầm phi thú”, không phải loài thú mà cũng không phải loài chim.
 Cái kiềng của ta luôn luôn có 3 chân. Số 3 tuy đơn giản nhưng thật vĩ đại.
===============================================================================================
53. Tuổi dậy thì
Vào tuổi trăng tròn 15, 16, đám con trai bắt đầu dậy thì. Tôi nhớ lúc đó tự nhiên thấy mình bắt đầu rung động trước những cô gái trẻ đẹp và dễ thương. Tự nhiên trời sinh ra có một sự thu hút và quyến rũ như nam châm từ người khác phái. Thật diệu kỳ.
Đọc sách vở văn chương, thấy các nhà văn nhà thơ tả các cô gái mới lớn thường “thẹn thùng”, tôi cũng muốn thử và tìm cách làm quen các cô gái cùng lứa xem sao. Nhưng than ôi mấy cô này sao chẳng “thẹn thùng” gì cả làm tôi bỗng “mất thăng bằng”. Rồi chính mình lại trở thành “ngượng ngùng” khi đối diện với mấy cô này. Các chuyện tình cảm hình như các cô đã rành rọt hết rồi. Thế là sách vở sai bét. Tức thật. Chắc các cụ nói chuyện ngày xưa. Thời buổi này đã khác.
Một hồi thì cũng tìm ra một câu các cụ đã nói:” Nữ thập tam, nam thập lục”.
Tức là con gái dậy thì từ thủa 13 mà con trai thì 16. Như thế tuổi 16 đối với con trai chỉ là mới dậy thì thôi mà con gái ở tuổi này đã dậy thì được 3 năm rồi. Hèn chi các cô học cùng lớp chẳng “thẹn thùng” gì hết, thường chê con trai cùng tuổi là “con nít”.
Có một lần tôi đi học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ, cô giáo dạy về “closed questions” tức là những câu hỏi chỉ có thể trả lời bằng “Yes” hay “No” thôi. Cô này bữa đó  “cắc cớ” tung ra một “chưởng” thật mạnh vào đám con trai mới lớn:
- Do you like girls?
Có một trự đỏ mặt tía tai, lắc đầu lia lịa:
- No, no, no
Tôi bỗng lúng túng. Nói “No” thì không đúng mà nói “Yes” trước mặt mấy cô đồng lứa trong lớp thì thiệt là “kỳ”. Thật là tiến thối lưỡng nan.
Đám con trai đổ mắt nhìn vào một anh chàng có vẻ trưởng thành, chắc cũng cỡ 20. Anh ta trả lời tỉnh bơ:
- Perhaps...
À thì ra có một lối thoát thứ ba, không nhất thiết phải trả lời “Yes” hay “No”. Tôi bỗng mạnh dạn mở miệng, cũng một cách “ba phải” như anh chàng kia:
- It depends on... the situation...
Lại Luận Lý Tam Giá. Thế mà hữu dụng.
=========================================================================================================
54. Bà mẹ nuôi
Chàng là một thiếu niên ở miền quê nghèo nhưng sống tương đối hạnh phúc với mẹ hiền. Chiến tranh đau thương  làm chàng phải bỏ mẹ đẻ, chạy giặc, trốn ra tỉnh làm lại một cuộc đời mới. Thật khó khăn và chật vật nhưng chàng may mắn gặp được một bà mẹ nuôi tận tình giúp đỡ nên tạm đủ sống trong lúc ban đầu bỡ ngỡ. Vài năm sau chàng kiếm được việc tốt. Nhớ đến người mẹ đẻ thân yêu chàng bồi hồi góp nhặt gởi tiền về. Rồi cứ thế thường xuyên. Chàng từ từ được thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Phụng dưỡng mẹ già là bổn phận thiêng liêng, và cứ thế đường đời nhè nhẹ trôi.
Một hôm ghé lại thăm bà mẹ nuôi, thấy bà nay cũng không được khỏe nhưng vẫn cưu manh những người con nuôi, chàng bỗng bàng hoàng. Tự hỏi bao năm nay chàng đã làm gì để đền đáp công ơn người mẹ này? Nếu không có bà mẹ nuôi này giúp đỡ lúc chân ướt chân ráo tới đây thì đời chàng nay đã về đâu?
Tuy mẹ đẻ vẫn giữ, chàng nay quyết định dành thêm thì giờ và tiền bạc để đáp đền cho mẹ nuôi, trả lại những gì đã lấy ra ngày xưa.
Có lúc tôi đi phải đi làm bên Perth là một thành phố xa xôi ở Tây Úc. Một Chủ nhật đẹp trời tôi thấy cả ngàn người Việt tị nạn tới dự một chương trình gây quỹ để trả lại cho các Hội Từ Thiện ở Perth. Bao nhiêu người Việt sắp hàng bỏ từ $20 tới bạc ngàn để ăn một bữa ăn trưa giản dị do các nhà hàng Việt Nam cung cấp không lấy tiền. Còn những thứ bán đấu giá nữa. Xe đậu chật ních. Cuộc gây quỹ đã thành công mỹ mãn.
Tôi bỗng thấy hãnh diện là cộng đồng VN bên Perth ngoài việc từ thiện cho “bà mẹ để” đã cố gắng trả lại cho “bà mẹ nuôi”, người đã tận tình giúp đỡ mình ngày xưa khi mới sang Úc.
Một chút tình thật ấm.
====================================================================================================
55. Nhất quỉ  nhì  ma
Khi xuống Đại Học Adelaide miền Nam Úc để học Cao Học vào giữa  thập niên 1970, tôi hơi bỡ ngỡ  vì mọi thứ hơi khác với trường Đại Học Queensland ở Brisbane. Nhưng một hồi cũng thấy quen.
Có một đặc điểm mà tôi còn nhớ là trường này công nhận gần như chính thức câu nói bất hủ của các cụ nhà ta:” Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò.”
Theo truyền thống thì mỗi năm trường dành ra một ngày để cho sinh viên được tha hồ “quậy” gọi là Prosh Day. Hai loại khí giới hợp pháp là “bột” và “nước” thường được SV cho vào bao ny lông để làm “bom” ném đối thủ. Tôi lúc đó không tham gia nhưng thích xem những trận thư hùng giữa các “cao thủ” trong sân trường. Cuối cùng thì cả hai bên, một là đầu tóc bạc trắng như vôi vì bột hay thân thể ướt như chuột lội vì nước.
Ngày đó thì thầy trò ai cũng ăn mặc xuề xòa, đi tới đi lui rất cẩn thận để khỏi bị “lạc đạn”. Tuy nhiên cũng còn nhiều trò khác nữa.
Có một ông thầy ngồi làm việc trong phòng mình bỗng thấy có một SV mở cửa vào, xin lỗi rồi đi ra. Rồi cứ như thế 3, 4 lần với những SV khác. Ông này nghi ngờ ra ngoài xem xét thì thấy tấm bảng tên mình ngoài cửa đã được đổi với tấm bảng “Toilet” một cách “vô tư”. Hèn chi mà có lắm người vào thăm.
Đang chơi giỡn bỗng có một xe chữa lửa hú còi chạy lại sân trường. Mọi người hơi hoảng hốt nghĩ rằng chắc cuộc vui “quậy” hôm nay đã chẳng may thành ra đám cháy. Một hồi thì thấy xe chữa lửa đậu yên một chỗ và các “lính chữa lửa” kia cũng chỉ là các cao thủ đầu tóc bạc trắng của phe ta nhảy ra.
Một hồi thì truyện mới vỡ lẽ ra là các tay cao thủ này đã rình rập Sở Cứu Hỏa gần đó.
Thường các ông lính chữa lửa ngủ ở trên lầu và xe đậu ở dưới. Khi có còi báo động các ông này đu cột nhẩy xuống xe chữa lửa để đi chữa cháy. Bữa đó các ông này ngủ say nên các cao thủ SV len lén bò vào xe lái đi mất tiêu và mang lại trường đại học để khoe chiến lợi phẩm. Sở Cứu Hỏa bữa đó cũng phàn nàn nhưng đành phải công nhận là các ông lính chữa lửa đã ngủ quá say.
“Nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò” quả không ngoa.



NHỮNG MẨU TRUYỆN THẬT NGẮN - NTT-10
                                                                            Nguyễn thành Thụy (JT)
___________________________________________________________

46. Người già là ai
Có một lúc tôi phải đi làm xa, từ miền Đông sang tận Perth ở Tây Úc để vào làm trong Sở Điện Lực của Tiểu Bang đó. Sau mấy tuần lễ bù đầu vì nhiều cái mới lạ, tôi đã quen quen với đời sống của nhiều người làm việc chung. Perth là một thành phố chỉ hơn 1 triệu người nhưng xinh xắn và dễ thương. Các bạn kỹ sư làm chung có nguồn gốc từ rất nhiều nước khác nhau. Tất cả đều vào một “melting pot”. Có một người mà tôi chú ý đặc biệt là một tay Kỹ Sư gốc Mã Lai, làm ở đây đã lâu năm nhưng rất hay cáu kỉnh ít khi vừa ý những chuyện  chung quanh.
Sau vài tháng thì tôi đã quen đủ và bắt đầu nổi máu “tếu”, hay kể những chuyện vui cười cho các bạn nghe, rồi lâu lâu chọc ghẹo những trự thấy có vẻ hơi “kỳ dị”. Tất nhiên tay Kỹ Sư gốc Mã Lai kia không thể là ngoại lệ. Anh ta là người  có kiến thức sâu rộng trong ngành của mình nên khi nghe những câu hỏi có vẻ ngô nghê thì tỏ vẻ bực bội và than phiền. Nhiều lúc ghé lại nói chuyện chơi, tôi nhận xét là mặc dầu anh ta biết rất nhiều, rất sâu trong việc mình làm nhưng ra ngoài ngành một chút thì anh ta rất yếu. Hình như anh làm một chỗ suốt cả 15 năm nay nên thành chuyên viên trong ngành hạn hẹp của anh. Tôi hay ghé lại hỏi thăm, nói chuyện tếu và lâu lâu lại chọc ghẹo những sở đoản của anh. Khi anh tung ra sở trường thì tôi né, bảo là không quan trọng làm anh ta tức tối mà không cãi lại được.
Sau mấy lần “so chưởng” bị te tua, anh ta nghiêm giọng bảo tôi:
- Anh không nên giỡn với tôi nhiều như thế. Tôi thuộc loại “già” rồi đó nghe.
- Xin lỗi anh. Thế anh năm nay bao nhiêu tuổi?
- Tôi 52 tuổi rồi đó nghe bạn. Đừng có giỡn.
Tôi nghe thấy anh nói mà xém phì cười, lăn xuống đất nhưng vẫn cố bình tĩnh:
- Xin lỗi, anh vẫn còn trẻ hơn tôi mấy tuổi đó nghe.
Anh ta bỗng hoảng hốt, nhìn tôi bẽn lẽn, ngạc nhiên và cười trừ.
Từ đó chúng tôi lại thân với nhau. Có lẽ anh ta thích chơi với tôi vì thấy mình vẫn còn “hy vọng”. Còn tôi thì thích chơi với anh ta vì tự nhiên thấy mình còn quá trẻ. Và anh ta từ đó không còn gắt gỏng nữa và tất nhiên không còn dám khoe “già” nữa.
Người già là ai?

47. Ai là người già
Ở Melbourne, xứ Kangaroo, mỗi nhà đều có sân cỏ và gia chủ thường là gánh vác trách nhiệm cắt cỏ cho nhà mình.
Một chiều cuối tuần đẹp trời tôi vác máy ra cắt cỏ đằng trước nhà. Gặp ông hàng xóm kế bên đi chơi đâu mới về. Ông ta dừng lại hàn huyên dăm phút rồi từ giã và bảo:
-      Ông chờ một tí, tôi đem máy cắt cỏ ra luôn. Tôi sẽ “đua” với ông xem ai cắt xong trước.
5 phút sau, ông lôi máy ra, nổ máy rồi hiên ngang cắt cỏ sân trước nhà của ông.
Tôi vẫy tay. Ông vẫy tay lại và cuộc “đua” bắt đầu.
Chuyện này chẳng có gì là lạ lùng nếu không nói thêm là ông hàng xóm của tôi lúc đó chỉ mới có 82 cái xuân xanh.
Ai là người già?
=================================================
48. Trái tim kỳ dị
 Có một lúc tôi đọc truyện võ hiệp của Kim Dung, nhớ mang máng hình như là Thiên Long Bát Bộ thì phải. Có một gia đình nhà võ là Mộ Dung Cô Tô ở phương Nam xa xôi chuyên xử dụng một ngón võ độc đáo là “Nhất Dương Chỉ” học từ Đoàn Nam Đế truyền bởi Vô Địch Võ Lâm Trung Thlà Vương Trùng Dương. Món này dùng ngón tay trỏ mang đầy công lực thượng thừa để “chọc” vào những chỗ yếu hay huyệt đạo trên thân thể của đối thủ. Nếu đánh trúng vào tim thì đối thủ sẽ chết tại chỗ.
Truyện kể rằng một ngày kia, Mộ Dung Phục là một cao thủ trẻ của gia đình này giao chiến với một kẻ thù. Anh ta dùng Nhất Dương Chỉ đánh vào tim kẻ thù. Tưởng là kẻ thù chết ngay nhưng hắn lại không chết mà nhân cơ hội tẩu thoát được. Mộ Dung Phục rất xấu hổ vì võ công mình còn thấp kém nên đau khổ, sám hối và ngày đem cố gắng luyện tập thêm.
Có một điều mà Mộ Dung Phục không biết được là trái tim đối thủ của chàng không ở bên trái mà lại ở bên phải. Bởi thế mà hắn chỉ bị thương chứ không chết.
Đọc tới đó thì tôi nghĩ đây là chuyện hoang đường. Làm gì mà có người có tim bên phải. Học Vạn Vật thì biết là tim nằm bên trái lồng ngực. Đây là điều hiển nhiên không thể chối cãi.
Về sau này sang Úc tôi gặp lại một ông bạn cũ là BS ở Melbourne. Anh ta bảo anh là người có trái tim nằm bên phải. Anh kể rằng khi đi chụp quang tuyến lần đầu tiên, BS coi hình chới với, dở hình qua, dở hình lại mà vẫn không ổn con mắt. Một hồi mới định ra là anh có tim bên phải.
Đây là một hiện tượng đã được Y Khoa công nhận là có. Danh từ khoa học chỉ “tim bên phải” là "Dextrocardia".
Từ đó về sau tôi mới nhận xét là tác giả Kim Dung, tuy viết truyện võ hiệp, bịa nhiều chuyện nhưng không phải lúc nào cũng bịa.
=================================================
49. Người đẹp trong tranh
Hồi nhỏ tôi hay đọc những truyện cổ  tích. Có một chuyện kia tên là “Bích Câu Kỳ Ngộ”  kể là có một chàng văn sĩ kia, tên Tú Uyên ở Bích Câu (gần Hà Nội) đời vua Lê Thánh Tôn được chỉ dẫn để mua được một bức tranh có 1 người thiếu nữ đẹp để trong nhà.
Khi ăn chàng thường sắp hai chén cơm và mời người trong tranh ăn. Khi chàng không có nhà, thiếu nữ này ra khỏi tranh và chăm sóc cơm nước mỗi ngày cho chàng. Rồi có một lần chàng về nhà bất chợt, rình và “tóm” được người đẹp này Người đẹp trong tranh từ đó ra khỏi tranh luôn và chàng cưới làm vợ.
Rồi có lúc tôi xem ảo thuật, có một chàng Ảo Thuật Gia kia vẽ một bức tranh trong đó có một người đẹp mà anh thích. Vẽ xong anh đứng dậy nắm tay người đẹp này và từ  từ  lôi nàng từ  trong tranh ra. Thật hay.
Từ đó tôi bắt đầu nghĩ chắc người đẹp trong tranh đi ra ngoài chắc cũng không phải là chuyện hoang đường.
Nhớ lại ngày xưa ở Sài Gòn tôi thường đọc báo Ngôn Luận, có bé Ngôn, bé Luận, Chị Huyền và anh Hiếu Kỳ. Tôi rấy thích vai trò của Chị Huyền hay giải thích những thắc mắc của hai bé Ngôn và Luận.
Hôm nay ngồi đây, nhớ lại chuyện ngày xưa và cứ tưởng Chị Huyền chỉ là một nhân vật trong tranh nhưng nay chị đã bước ra ngoài. Một Bích Huyền bằng xương bằng thịt.
Xin xem link sau đây:
http://caulacbotinhnghesi.net/index.php?option=com_content&view=article&id=471
Thật là huyền diệu.
=================================================
50. Nhà ta nghèo
Hồi nhỏ ở VN, ba tôi thường cấm ngặt những trò bài bạc, bảo là “Cờ bạc là bác thằng bần”. Tôi chỉ biết có 3 thứ đơn giản: Tam Cúc, bài cào và Cạc Tê. Chỉ được đánh 3 ngày Tết. Sau đó là ông đốt hết.
Khi sang Úc, tôi bị bạn bè cười vỡ bụng vì không biết những thứ bài cao siêu như Phé, Xập Xám v.v. Lâu lâu phải năn nỉ để chúng nó dạy cho mình nhưng rồi cũng chẳng rành cho lắm.
Sau 6 tháng ở Sydney học tiếng Anh, chúng tôi được phân tán đi các trường Đại Học toàn nước Úc. Tôi được gởi đi học ở Queensland University ở Brisbane.
Học ròng rã hết một năm tới hè, tôi và vài người bạn xuống Sydney chơi và  thăm lại vài bạn cũ.
Gặp một anh học ở Sydney University. Khi vào phòng anh trong Đại học xá, tôi bỗng chú ý có một cái bảng lớn treo trên tường.
Bảng này có vỏn vẹn 3 chữ “NHÀ TA NGHÈO”.
Tôi ngạc nhiên không hiểu nhưng vì nhiều người khác ở đó nên không dám hỏi. Lòng cứ thắc mắc tại sao? “nghèo” mà lại “nổ lớn” à? Nghịch lý! Kỳ dị!
Môt hôm gặp một người bạn khác, anh này cho biết đây là kết quả của những đêm thâu thức trắng, sát phạt bằng Phé, Xập Xám và Sọt Tê của anh bạn kia. Chơi với các đàn anh trong Đại Học Xá, anh thiếu kinh nghiệm nên thường là nhẵn túi. Anh bèn để bảng lớn nhắc nhở cho mình là đừng nên chơi nữa vì gia đình nghèo  không thể nào giúp được về chuyện tiền bạc.
Suy nghĩ lại, Ba tôi đã đúng và cấm tôi đúng.  Về sau tuy biết rành các món Phé và Xập Xám nhưng tôi cũng chẳng ham mê. Cũng chả hiểu sao dân VN hễ cứ “bài” là phải “bạc”, tức là đánh bài thì phải đánh tiền. Úc nó đâu có thế. Chơi các loại bài như 500 và Bridge đâu cần phải đánh tiền.









Full_House_Poker_Hand



 


NHỮNG MẨU TRUYỆN THẬT NGẮN- NTT-9
                                                                           
Nguyễn thành Thụy (JT)


41. Người ngoại quốc là ai?
Từ hồi nhỏ, nhất là lúc vào Trung Học, tôi bắt đầu có một khái niệm sơ đẳng thế nào là “người ngoại quốc”. Khởi điểm là người Trung Hoa mà mình thường kêu là người Tàu, hay Ba Tàu. Sau này mới biết kêu như vậy là vì họ tới Việt Nam bằng tàu, đa số là ba con tàu cho vững. Chắc họ cũng bị một lý do gì đó mà phải di tản như thuyền nhân. Cũng có người lại bảo “Ba Tàu” do chữ “bateaux” mà ra. Mô phỏng theo người Trung Hoa thì “người ngoại quốc” là người từ chỗ khác tới ở xứ mình, giống như mình, nhưng họ có tiếng nói và văn hóa riêng.
Sau đó thời Trung học Đệ Nhị Cấp, tôi bắt đầu tiếp xúc với một số người Mỹ khi học Hội Việt Mỹ. “Người ngoại quốc” bây giờ chẳng còn giống người mình. Họ to lớn, cao ráo, mắt xanh, mũi lõ, nhưng lâu lâu lại lác đác thêm đám Mỹ đen, khác hẳn.
Những người Mỹ ở Việt Nam đa số là đàn ông. Các bạn bè và tôi lúc đó thường thắc mắc không biết đàn bà Mỹ trông như thế nào. Rồi một hôm tôi gặp một bà tại Hội Việt Mỹ lần đầu tiên, nhưng thất vọng. Tôi kể cho các bạn bè.”Tao gặp người đàn bà Mỹ rồi, chẳng có gì đẹp, da dẻ toàn tàn nhang”. Sau đó, gặp người thứ hai là Bà Tý. Tôi còn nhớ ghi danh học Hôi Việt Mỹ lúc đó thì được chỉ định học Bà này. Tưởng là Việt Nam nhưng vào lớp mới biết bà này là Mỹ rặt, trăm phần trăm. Da trắng tóc vàng nhưng Bà luôn luôn mặc áo dài và lấy tên chồng là Tý. Khá đẹp và quả là một nàng dâu Việt Nam thật lý tưởng. Hai vợ chồng Bà Tý đều dậy tại Hội Việt Mỹ. Như vậy khái niệm về đàn bà Mỹ nay đã thay đổi. Nay tôi đã gặp và biết thế nào là “người ngoại quốc”, cả Tây lẫn Tàu, đàn ông và đàn bà.
Thế thì “người ngoại quốc là ai?”
Tôi lúc đó định nghĩa “người ngoại quốc là những người có nhiều tục lệ kỳ dị mang từ quê hương cũ của họ, cần phải sửa đổi để theo đại đa số quần chúng”
=================================================
42. Ai là người ngoại quốc?
Sau khi, được học bổng sang du học bên Úc, khởi đầu là khóa dự bị 6 tháng tại Sydney. Lúc đó tôi lại có dịp tìm tòi hiểu biết thêm về “người ngoại quốc” Tây phương, phong tục, tập quán và sinh hoạt của họ thế nào. Thật là ngộ. Có cái hay nhưng cũng có cái dở.
Một hôm ngồi truyện trò, trà dư tửu hậu, chúng tôi bàn cãi về những cái mới lạ, xấu đẹp mới học được từ các “người ngoại quốc” Úc. Chẳng hạn như:
-      “Người ngoại quốc” ở đây thiệt kỳ, ra đường hôn hít nhau tưng bừng.
-      “Người ngoại quốc” ở đây thiệt lạ. Tôi nói tiếng Anh nó chả hiểu, mà nói tiếng Tây nó cũng không hiểu luôn. Đâu có giống như “người ngoại quốc” ở xứ mình.
-      “Người ngoại quốc” ở đây thiệt dở. Giáng Sinh buổi tối ra đường, phố xá vắng lặng cứ như Chùa Bà Đanh vậy.

Bỗng có một tên đứng lên: “Các bạn ơi, “Người ngoại quốc không phải là người Úc đâu, mà là đám mình đó. Đây không phải Việt Nam. Mình là người ngoại quốc, lại còn kêu người bản xứ là ngoại quốc. Các bạn phải “nhập gia tùy tục”,  không thể ngồi đó phàn nàn về “người ngoại quốc” như lúc ở trong nước”. Lúc đó mọi người mới chợt tỉnh, mình bây giờ đã chính thức là “người ngoại quốc” tại Úc rồi.
Rồi nhớ lại định nghĩa ngày trước: “người ngoại quốc là những người có những tục lệ kỳ dị mang từ quê hương cũ của họ, cần phải sửa đổi để theo đại đa số quần chúng”
Sau đó mùa hè thấy các nàng sinh viên VN bắt chước mặc váy ngắn với panty hose. Còn mấy chàng thì mặc quần soọc, đi giầy vớ cao. Vào đại học thì phải nói tiếng Anh, tiếng Việt chỉ dùng ở nhà thôi. Ra đường không được quàng tay, quàng cổ kẻo bị hiểu lầm là “đồng tính”.
Rồi những năm học qua đi. Tôi bây giờ đã quen với nhãn hiệu là  “người ngoại quốc” thứ thiệt. Có một bữa tôi đọc ở đâu đó: Nếu đã thành “người ngoại quốc” rồi thì sẽ là “người ngoại quốc” luôn dù có sống ở đâu chăng nữa.
Ai là người ngoại quốc ?
=================================================
43. Ngày Valentine tới sớm
Gần một tuần trước ngày Valentine, bà xã tôi tự nhiên bực bội bảo tôi:
 - Anh ơi, cái phòng học anh bày đồ bừa bãi. Sao anh không dọn đi.
- Ừa anh bận nhiều chuyện khác. Từ từ anh sẽ làm.
- Em nói anh mấy tuần rồi, sao chả thấy gì?
- Có gì mà gấp đâu. Hay em giúp anh một tay?
- Em bận nhiều chuyện khác. Anh cho em thêm việc nữa sao?
- Anh cũng bận nhiều chuyện khác. Em cho anh thêm việc nữa sao?
- Không nói chuyện với anh nữa, chỉ mệt thêm.
- Anh cũng thế, nói chuyện với em cũng mệt thêm

Thế là chúng tôi giận nhau, chẳng ai thèm nói chuyện với ai. Chuyện chả có gì mà chẳng ai nhường ai. Con cái đi làm, đi học xa. Trong nhà chỉ có hai người mà lại giận nhau, nghĩ lại thì thật vô lý. Thế nhưng nó vẫn xảy ra và đã xảy ra. Không khí trong nhà bỗng sao lạnh lẽo, âm u.

Thứ sáu trước ngày Valentine vào thứ ba tuần sau, tôi bỗng nghĩ ra một kế.
Buổi trưa tôi bỏ sở, mua một bó hoa Bích Hợp (Oriental Lily) màu đỏ xậm là loại hoa mà vợ tôi thích nhất mang về nhà bỏ vào bình chưng trong nhà khi không có ai. Tôi viết cho nàng một Email bảo là để tặng nàng trong dịp Lễ Tình Yêu (Valentine) sắp tới.
 Buổi chiều, sau khi tan sở tôi ghé lại Gym tập thể thao, cố tình về trễ để nàng có thì giờ đọc Email của tôi.
 Khi về tới nhà, vợ tôi nước mắt dàn dụa, mở cửa ra đón, ngã vào lòng tôi. Nàng nức nở:
-      Anh ơi, cảm ơn anh đã làm lành. Em đã đọc điện thơ của anh. Anh nói rất đúng. Một ngày không vui là mất đi một ngày thật vô lý. Mà chúng ta đâu còn bao nhiêu ngày nữa đâu.
-      Cảm ơn em đã đồng ý với anh. Em có thích hoa Bích hợp kia không?
-      Thích chứ. Anh đoán thật đúng ý em. Cảm ơn anh đã dẹp tự ái để mua hoa tặng em. Thú thực em cũng chả biết làm sao.
-      Không có chi, chúng ta cứ vui mỗi ngày là chuyện chính.

Thế là chúng tôi làm lành với nhau. Tình hình đổi mới. Không còn chiến tranh nữa. Sau cơn xúc động, nàng bảo tôi:
-      Bây giờ chúng mình OK rồi, anh cứ dọn cái phòng học bừa bãi kia là mọi chuyện hoàn hảo.
-      Anh tặng hoa cho em là vì anh yêu em chứ có phải anh “đầu hàng” em đâu. Bộ em tưởng thế sao?
-      Em nghĩ là anh thương em nên làm mọi việc theo ý em?
-      Làm theo ý em thì em “win” rồi nhưng anh “win” cái gì đây? Mà không “win” thì làm sao anh vui được? Phải “win-win” đôi bên chứ
-      Thế anh muốn gì?
-      Phòng học bừa bãi không phải chỉ anh mà là thằng con trai tụi mình. Nó nhiều đồ lắm anh đâu có dám đụng vào. Đề nghị ngày mai thứ bảy em giúp anh một tay dọn đồ của nó, rồi anh dọn đồ của anh. Mọi chuyện sẽ thanh toán xong ngay ngày mai.
-      Ừ thôi cũng được.

Nguyên ngày thứ bảy hai vợ chồng tôi hè nhau dọn cái phòng học. Bao nhiêu đồ vứt đi của thằng con đi làm xa được quyết định chung. Đến chiều thì mọi việc tươm tất, hai đứa đều vui vẻ, tôi bảo nàng:
-   Anh đề nghị mình mừng Valentine tối nay, đi ra ngoài ăn nhà hàng rồi đi xi nê như ngày xưa lúc còn học đại học. Đâu cần phải chờ đến thứ ba.
-      Anh có nhiều ý kiến hay. Phục anh ghê.
-      Nhân tiện thêm một ý kiến nữa nhe.
-      Gì vậy anh?
-      Anh muốn ngỏ lời “cầu hôn” lại với em. Em nghĩ sao?
-      Kỳ thiệt đó. Nhưng làm sao mà em có thể “từ chối” lời “cầu hôn” này được đây chứ. Yes, Sir.
-      Thế thì anh viết tặng em một bài thơ tình nhé.
-      Anh coi vậy mà cũng lãng mạn ghê. Tuyệt vời.

Thế là trời lại mưa thuận gió hòa. Năm nay 2012 tự nhiên chúng tôi mừng Lễ Tình Yêu sớm hơn thường lệ nhờ... cãi nhau.

Bài thơ kèm đây

GỞI EM
(tặng my Valentine Ngọc Nương)

Gởi em bài hát của con tim
Tình yêu ta vẫn mãi đi tìm
Em là muôn thủa trong anh nhé
Tung cánh mây trời lượn đôi chim

            Gởi em yêu dấu nụ hôn nồng
            Tình mình sao vẫn nở bên trong
            Dù đời có còn bao mưa gió
            Đôi tim nhớ rung động song song

Gởi em hoa bích hợp đẹp xinh
Đỏ trắng lòng vương vấn chữ tình
Để còn mấy chục năm thêm nữa
Trăm năm dệt mộng của chúng mình

            Gởi em ánh mắt thủa ban đầu
            Ngây thơ êm ái đậm tình sâu
            Cái nhìn duyên nợ năm xưa ấy
            Mà đời chung bước mọi biển dâu

Rủ em chung lối dạo vườn thơ
Hoa thơm nở rộ đón mong chờ
Thuyền tình mời đôi ta lên đó
Dòng đời lạc lối, ghé bến mơ

Valentine 2012
=================================================
44. Ông chú tháo vát
Ở dưới quê chúng tôi có một ông Chú. Gọi là “Chú” nhưng đúng ra là “Dượng” theo miền Nam. Người Bắc không có chữ “Dượng” nên gọi là Chú, là chồng của dì tôi. Dì tôi mất sớm để lại cho ông 3 người con gái và ông cũng tục huyền với một bà khác. Ông là người rất tháo vát trong mọi lãnh vực kỹ thuật và mở một tiệm Bách Hóa gần nhà thờ xứ. Nhà ông buổi tối dùng ba bốn đèn Măng sông sáng rực. Ông lâu lâu lại lên Saigon mang về những dụng cụ tối tân, hiện đại và chỉ dẫn khách hàng cách xử dụng. Chúng tôi phục lăn mỗi lần lại chơi cửa hàng của ông.
Tôi nhớ có lần đó lại nhà chơi thì bà vợ ông khoe là dạo này ông có thêm một nghề mới. Đó là nghề đắp thánh giá cho các mộ phần ở nghĩa trang. Rất nhiều người đặt hàng, làm không kịp. Mẫu để khách hàng xem là thánh giá làm lại cho bà vợ và đứa con trai nhỏ của ông đã qua đời. Thật đẹp. Lúc đó tôi còn nhỏ nên chỉ hiểu và thấy đây là một nghề mới, thế thôi.
Về sau lớn lên tôi mới hiểu là ông đã dồn tất cả tình thương và mọi sự đau khổ của mình vào sự xây dựng hai cây thánh giá cho vợ cũ và đứa con trai duy nhất đã qua đời. Ông đã biến đổi sự đen tối này thành một nghệ thuật vẽ và khắc chữ tuyệt vời. Nhiều người sau khi dự lễ xong, ghé lại cửa hàng, nhìn thấy và vô cùng xúc cảm với ông. Bởi vậy mà bao nhiêu người đặt ông làm thánh giá cho người thân yêu của mình. Lúc đó tôi đã phục lại càng phục thêm.
Một sự đau khổ có thể biến thành một điều rất tốt!
=================================================
45. Tập mèo bắt chuột
Ở nhà quê nhà nào cũng phải nuôi mèo để bắt chuột hay ít nhất cũng phải làm cho chuột sợ mà không lộng hành. Tuy nhiên tùy may mắn, có mèo bắt chuột giỏi, có mèo không.
Lại cũng là chuyện của ông Chú đã kể trên. Có một lúc tôi nghe mấy bà chị tôi bảo là mấy con mèo nhà ông bắt chuột rất giỏi vì được ông huấn luyện. Tôi rất ngạc nhiên và thắc mắc trong lòng: “Mèo bắt chuột là trời sinh, ai mà dậy cho nó được”
Sau đó ít lâu, một lần lại chơi nhà ông. Cơm nước xong, ông bảo để ông cho coi huấn luyện mèo là thế nào. Ông lôi ra một cái bẫy lồng, có một con chuột trong đó. Ông kêu một con mèo lại đứng gần đó. Con mèo này đã được cho nhịn đói.
Phụt! ông bất ngờ mở bẫy. Con chuột nhào ra chạy một cái ào lên cột nhà. Con mèo chờ sẵn, rượt theo tức thì. Trong nháy mắt nó đã tóm được con chuột và tha ra ngoài.
Lâu lâu lại huấn luyện như thế. Thảo nào mà mèo nhà ông giỏi bắt chuột.

NHỮNG MẨU TRUYỆN THẬT NGẮN- NTT-8
                                                                            Nguyễn thành Thụy (JT)
___________________________________________________________


36. Mồng Một Tết
Khi dọn vào Sài Gòn, gia đình tôi ở quây quần với họ hàng. Chúng tôi ở trong một hẻm nhỏ, ngoài đường thì có ông Chú tôi. Sang bên kia đường thì có hai người Cô, một em và một Chị ruột của Ba tôi. Còn ông Chú Út thì ở xa.
Sáng mồng một, theo lệ thì năm nào ông Chú Út cùng gia đình cũng xuống thăm ông Chú kia rồi hai gia đình ghé lại thăm gia đình tôi. Sau đó tất cả 3 gia đình lại kéo sang bên nhà hai người Cô, ở sát nhau. Thế là vui như...”Tết”. Ai cũng mặc quần áo đẹp. Trẻ con xúng xính trong những bộ đồ mới nhưng thùng thình để trừ hao cho đà tăng trưởng. Mấy năm đầu có đốt pháo đì đùng, xác pháo hồng bay đầy ngõ.
Bao nhiêu gói đỏ, kẹo hồng, mứt ngọt được tung ra cho trẻ con. Tiền lì xì thoải mái. Càng nhỏ thì lại càng lời. Chỉ việc chơi đùa. Đến trưa thì ăn bánh chưng, dưa hành và cà nén v.v.. Cà nén là cà pháo mà mẹ tôi đem nén thật cẩn thận mấy tuần trước Tết, ngon hơn cà pháo muối rất nhiều. Dưa hành hình như cũng đem nén nữa. Bánh tét thì sau này ông anh rể tôi đem về biếu.
Hồi đó đối với đám trẻ con đồng tuổi, tôi hay trổ tài đố vui, đố chữ v.v. Sau đó chụp hình chung gia đình. Mà lúc đó chỉ có hình đen trắng thôi. Máy hình đâu phải ai cũng có. Rồi đâu có thể xem ngay được. Phải chờ sau Tết đi rửa phim và rửa hình, tấm được, tấm không. Nhưng sao thật là quý giá.
Bao nhiêu năm ở hải ngoại, tôi vẫn mừng Xuân ở quê nhà với ký ức của tuổi thơ.
Quả thật đúng là vui như ... Tết.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
37. Đánh Tam Cúc
Tam cúc là một thứ bài đơn giản của người miền Bắc. Giống như cờ tướng, có 32 quân bài, 16 đỏ và 18 đen. Thường được đánh với 3 hoặc 4 người. Có thể đánh từng con bài nhưng ghép đôi với ba lại làm tăng sức mạnh. Tuy là mầu “đỏ” với “đen” nhưng chỉ có con “tốt” là kêu “tốt đỏ” và “tốt đen” thôi. Những con khác thì dùng những chữ “bay bướm” hơn. Như “Tướng ông”, “Tướng bà”, “Sĩ điều”, “Sĩ con”, “Tượng vàng”, “Tượng thâm” v.v.
Ngày ba mươi Tết, tôi với cô em tôi náo nức xin tiền bố mẹ và đi mua một cỗ bài Tam Cúc mới toanh để đánh vào dịp Tết. Thiệt là khoái chí. Các Chị lớn cũng vào, rồi các anh chị em họ hàng đồng lứa sát phạt lẫn nhau. Lúc hên lúc xui. Có gan mà kết đôi “tốt đen” thì cũng vớ khá bộn trừ khi bị đôi “tốt đỏ” “đè”.
Vui chơi 3 ngày Tết thật thoải mái. Sáng mồng 4, khi mới thức dậy sớm, tôi bỗng thấy khói trong bếp. Ba tôi trong bếp đang “vô tư” đốt bộ bài Tam Cúc từng con một. Cát bụi đang trở thành cát bụi. Ông bảo:”Cờ bạc là bác thằng bần. Chỉ chơi 3 ngày Tết thôi. Không thể để bộ bài này trong nhà được”.
Có lẽ ông nói đúng, mặc dầu tôi vẫn tiếc hùi hụi bộ bài mới toanh.
Và cứ như thế, mỗi năm vào Ba mươi Tết, tôi và cô em tôi lại rủ nhau đi mua bộ bài Tam Cúc mới.
=================================================
38. Tuổi Xuân thì
Lúc mới lớn thời đó ở Sài Gòn, tôi hay đánh đàn guitar và hát những bài hát Xuân mỗi độ Xuân về. Bao nhiêu bài hát Xuân trên radio và TV, nghe và hát lại. Không có tiền mua bài nhạc nhưng tôi hay mượn từ bạn bè và chép lại vào một cuốn nhạc. Bà chị kế tôi cũng tuy không thích hát nhưng chép nhạc cũng rất hay và thường phụ chép cho tôi những bài hát hay. Có một bài hát Xuân mà tôi thích nhiều hơn những bài khác. Đó là bài “Câu chuyện đầu năm” của Nhạc Sĩ Hoài An. Tôi thích nhất là hai câu cuối:
“Duyên vừa đẹp ý đắm say
Ôm nàng Xuân đẹp vào tay”
 Tuy nhiên khi hát tới hai câu này thì tôi luôn luôn hát nhỏ lại. Sợ... người khác nghe và đọc được ý nghĩ hay mơ ước của mình lúc đó.
Tuổi Xuân thì. Thích gái nhưng lại vô cùng nhát
=================================================
39. Đi Hướng Đạo
Tới khoảng 11, 12 tuổi gia đình bảo tôi phải nên vào Hướng Đạo để biết sống đoàn thể và tập tánh thực hành và tháo vát. Tôi nghe lời và vào một Đoàn Hướng Đạo, hình như là thuộc vế Đạo Xuân Hòa thì phải. Tôi xúng xính với bộ đồ mới, áo ka ki vàng, quần soọc xanh dương để đi họp mỗi Chủ Nhật. Mỗi người còn được cho hai “bửu bối” là một gậy tre và vài cuộn giây. Xe đạp là đương nhiên. Tôi vào đội Hổ. Những đội khác là Báo, Ưng và Ó.
Tôi học các trò chơi tập thể, tập dựng lều bằng những “nút” giây đặc biệt. Tập nấu cơm, đào rãnh quanh lều để tránh nước mưa v.v. Tôi khoái nhất là các “nút” giây. Nào nút dẹt, nút thợ dệt, nút cột buồm v.v. Thật là hay. Tôi có thói quen thủ một cuộn giây trong túi luôn luôn, coi như  một “bửu bối” để hộ thân.
Có một bữa mẹ tôi dẫn tôi sang chơi nhà ông chú ruột. Ra vườn ngồi chơi, trúng ngay cái ghế hơi long lỏng, lung lay. Tôi rút trong túi ra ngay một cuộn giây và buộc chiếc ghế này chắc lại, thật ngay ngắn.
Ông Chú tôi thật ngạc nhiên, phì cười và bảo tôi và mẹ tôi:
-      Đi Hướng Đạo thế mà cũng có lợi nhỉ?
Mẹ tôi cũng cười.
Tôi cũng mỉm cười một cách đắc thắng, tự mãn và thật là vô tư lự.
=================================================
40. Đi Trại Lớn Hướng Đạo
Tôi nhớ có một lần chúng tôi được đi một Trại lớn, chắc ở cấp “Đạo” hay lớn hơn, cả thứ bảy lẫn Chủ Nhật. Có lẽ là gần Tết. Các đội đều phân phối mọi công tác lều, gậy và các dụng cụ cắm trại khác. Chúng tôi bận rộn nguyên sáng và trưa Thứ Bảy để dựng lều và nấu cơm.
Đây là một cuộc cắm trại lớn, có cả gần ngàn người chứ không chơi. Nam và Nữ Hướng Đạo được cho vào hai chỗ khác nhau và gần bên. Chiều thứ bảy tạm xong các công việc nhìn xa xa bắt đầu thấy loáng thoáng có mấy Nữ Hướng Đạo cũng đang dựng lều.
Có mấy tên hỏi Đội Trưởng là có được phép sang bên ấy để giúp các Nữ Hướng Đạo này dựng lều không? Họ viện cớ chủ trương của Hướng Đạo là phải giúp đỡ lẫn nhau. Anh Đội Trưởng giải thích là theo lệnh Đoàn Trưởng thì không ai được “léng phéng” sang bên kia hàng rào vô hình giữa hai nhóm Nam và Nữ. Những người có phép là phải Đoàn Trưởng hay có địa vị cao mới được sang bên ấy. Mấy anh trai mới lớn tỏ vẻ hơi thất vọng. Lúc đó tôi chưa đủ lớn để thất vọng nhiều cho lắm nhưng cũng nghĩ là để cho mấy anh lớn chưa vợ sang hoạt động bên ấy thì chắc sẽ có lợi đôi bề. Nếu để mấy ông có vợ con rồi thì chỉ có lợi được một việc mà thôi.
Tuy nhiên chỉ nghĩ mà không nói ra. Tất nhiên về sau tôi cũng hiểu là những người tổ chức trại đâu dại gì mà để “lửa” gần “rơm”. Hihi.


NHỮNG MẨU TRUYỆN THẬT NGẮN- NTT-7
                                                                            Nguyễn thành Thụy (JT)
___________________________________________________________


31. Trừ kiến (Kiểm soát sinh học)
Ở nhà quê một thời gian thì những thú dữ  càng ngày càng ít thấy. Rắn mà về thì chó hay ngỗng kêu um lên. Hùm và voi có về nhưng chỉ một lần thôi. Tình thế  tương đối an toàn, không còn sợ bị nguy hiểm nữa. Tuy nhiên còn một loại côn trùng rất khó trị, làm tôi điêu đứng. Đó là kiến.
Hồi đó nhà nào cũng phải có một cái tủ đồ ăn kêu là “chạn”.  Đây là một cái tủ, phía trên có lưới để chặn ruồi và dưới chân có 4 bát nước nhỏ để chặn kiến. Nếu quên để nước khô đi mà không đổ thêm thì kiến sẽ ào vào ngay. Đồ ăn rớt dưới sàn phải quét nhanh chứ  không kiến cũng nhảy vào, đem cả họ hàng lại tức khắc. Lâu lâu không cẩn thận cũng bị đốt sưng vù lên. Ba tôi lâu lâu có dùng thuốc xịt để trừ kiến. Tuy nhiên thời đó dùng thuốc khá tốn kém mà chỉ được vài ngày rồi lại cũng đâu vào đó.
Tôi hay quan sát những con kiến đen, kiến đỏ đi tuần trong nhà và có lần nghĩ rằng nếu mình làm sao cho hai tổ kiến đen với đỏ chiến tranh với nhau thì hay biết mấy.
Tôi đưa mồi ra dụ hai bên. Nhưng hình như chúng có luật giang hồ. Hễ một con kiến tìm được đồ ăn nó sẽ kêu đồng bọn tới thật nhanh và bao vây mảnh đồ ăn. Kiến ở tổ khác phải đành rút lui, không đụng độ. Thấy không xong, tôi tìm được tổ của chúng và đổ nước sôi vào. Tuy nhiên tổ kiến được kiến trúc thật hay nên chỉ giết được dăm ba con kiến chứ không đụng được vào tới đa số kiến trong tổ.
Một hôm đó tôi bỗng tìm ra được một cách. Tôi lấy một cái cành non của cây sắn (khoai mì) chọc vào tổ kiến đỏ. Cành này mềm nên các kiến “càng” hay kiến lính (soldier ants) cắn vào để tấn công. Tôi rút cành ra và đem nguyên đám kiến lính đỏ tống vào tổ kiến đen. Tồ kiến đen lập tức đem binh đội để thư hùng với đám kiến lính đỏ này. Sau khi tiêu diệt được đám kiến lính đỏ thì kiến lính đen lại cắn vào cái cành cây sắn vì là vật lạ. Tôi lại bưng nguyên đám này tống ngược vào tổ kiến đỏ. Tưởng tượng là tổ này đã bị mất đi binh đội nhà mà lại còn bị thay thế bằng binh đội thù nghịch nên phải “tổng động viên” toàn diện để chiến đấu và hao tổn khá nặng. Tôi cứ tiếp tục thế dăm lần thì cả hai tổ kiến đều kiệt quệ, cả kiến lính lẫn kiến thợ càng ngày càng ít. Chúng tôi được mấy tuần thoải mái không có kiến trong nhà.
Từ đó tôi lâu lâu lại dùng phương pháp thô sơ nhưng rất hiệu quả này để trị kiến trong nhà mỗi lần thấy có vấn đề.
Kiểm soát sinh học (biological control) ?
=================================================
32. Kiến “cồ” và chiếc nhẫn cưới
Ở thành phố Adelaide bên Úc có một loại kiến khá to. Úc kêu là “bull ant”. Tạm dịch là “kiến cồ”. Bị nó đốt thì cũng như  bị ong đốt. Chỗ bị đốt sưng một cục khá to, mấy ngày sau mới hết.
Có một lần tôi làm vườn bị con kiến này đốt. Tuy nhiên lần này nó đốt ngay vào ngón đeo nhẫn, phía trên cái nhẫn cưới b ằng vàng tây. Tôi coi thường và nghĩ chắc chỉ sưng một tí rồi thôi. Ai dè nó lại sưng rất lớn. Tính tháo chiếc nhẫn thì đã muộn. Ngón tay đã sưng lớn và không thể lôi chiếc nhẫn ra được nữa. Chỗ sưng dưới chiếc nhẫn bị nhẫn “xiết” khá mạnh.
Quả là đau đớn, tôi bèn tìm một cái cưa nhỏ để cưa chiếc nhẫn này ra. Nhưng lại cưa vào ngón tay. Nhanh trí tôi lót dưới cái nhẫn bằng một tấm kim loại mỏng và hì hục cưa chiếc nhẫn ra. Càng bị “xiết” đau bao nhiêu thì lại càng dồn sức cưa mạnh bấy nhiêu. May mắn thay chừng 5, 6 phút sau, tôi cưa đứt và tháo được chiếc nhẫn này ra. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ngón tay bây giờ được sưng tự do, không còn bị cái nhẫn kia “xiết” nữa. Tôi xoa ngón tay cho vơi đi sự đau đớn.
Vài hôm sau, khi hồi phục, tôi mang nhẫn ra tiệm kim hoàn để sửa lại. Họ làm lại nhẫn y chang như cũ. Thế  là vừa lòng Bà Xã Xệ. Chắc bà ấy sợ tôi tháo ra luôn.
Nhiều lúc vui đùa với bạn bè, tôi thường bảo:
” Phải đụng ổ kiến lửa mới biết cái nhẫn hôn nhân nó xiết mình đau đến thế nào”
===============================================
33. Thuận phải, thuận trái
Khi lớn lên vào thủa ấy, thuận tay phải được coi là đúng,  là chuẩn. Cha mẹ cũng như thầy cô, thấy đứa trẻ nào viết tay trái đều “sửa” lại tay phải cho đúng.  Tôi có một anh bạn thân cùng lớp, khi viết dùng tay phải nhưng khi đi ăn nhậu chung lại cầm đũa tay trái. Lúc đó mới biết hắn thuận tay trái.
Khi sang Úc học Kỹ Sư năm đầu, có một môn là Vẽ Kỹ Nghệ (Industrial Drawing). Tới giờ học, mỗi sinh viên được cho mượn một cái thước T (T-square) để vẽ. Khi thày bảo có T-square trái cho những ai thuận tay trái, tôi hơi ngạc nhiên là họ không bắt đổi tay phải cho đồng đều. Rồi lúc vào học thì thấy cũng khá nhiều tên viết tay trái. Lúc đó quan niệm “phải là đúng” của tôi bắt đầu bị lung lay. Ở Úc đâu phải ai cũng nhất thiết phải viết tay phải.
Quí vị nào coi phim “The King’s Speech” mới đây (2010) thì  biết ông vua George V của Anh có hai người con: Thái Tử Edward được coi là loại “cà chớn” và hai là Hoàng Tử Albert tuy không “cà chớn” nhưng lại bị  “cà  lăm” rất nặng.  Ông chính là thân phụ của Nữ Hoàng Elizabeth II. Sau khi ông Hoàng “cà chớn” thoái vị thì ông Hoàng “cà lăm” lên ngôi lấy hiệu là King George VI. Rất nhiều người, kể cà Nữ Hoàng đều tin bệnh “cà lăm” một phần là do bị bắt đổi từ tay trái sang tay phải. Nhớ lại là ông bạn ngày xưa cũng hơi cà lăm, tôi vẫn nghĩ rằng thuận tay trái không phải bất bình thường nhưng khi bị bắt đổi sang tay phải sẽ tạo ra một sự bất bình thường. Có thể đưa tới bệnh cà lăm cho đương sự  nếu chưa có hay làm tăng thêm bịnh cà lăm nếu đã có.
Tin hay không tin ? Mời quí vị cho ý kiến
===========================================
34. Bên trái, lý phải
Bên Úc, xe cộ đều lái bên trái. Như thế lại là một bằng chứng không phải cứ “phải” là “đúng” hay “chuẩn” như tôi đã tưởng. Ở đây đi “trái đường” mới là “đúng”. Tôi cũng thắc mắc nhiều lần không hiểu tục lệ này từ đâu. Có một lần một anh bạn Úc đã giải thích như sau:
Ngày xưa, đa số các “hiệp sĩ” đều “thuận” và  dùng kiếm tay phải. Khi cỡi ngựa đi trên đường mòn, nếu gặp một kỵ mã khác, họ thường có thói quen dạt sang bên trái và sẵn sàng tay phải để rút kiếm, nếu cần. Thói quen này vẫn được duy trì khi có xe ngựa và xe hơi. Lái xe bên trái là phát nguồn từ đây.
À thì ra thế, “trái đường” mới là đúng.
=============================================
35.  Cô hàng xóm tóc vàng
Khi mới sang Úc, tôi được học một khóa dự bị đại học ở trường Đại Học New South Wales, Sydney. Tôi và vài người bạn tìm được một nhà trọ gần trường, đi bộ được. Tạm thời thoải mái để học hành.
Ở được mấy tháng tôi bỗng thấy có một cô hàng xóm, tóc vàng, cũng khá duyên dáng và khêu gợi hay lại gợi chuyện làm quen. Tôi hơi là lạ nhưng cũng thích thú làm bạn với cô học sinh Trung Học này. Cô không ngại tiếng Anh còn dở của tôi.
Có những buổi chiều đi học về thì cô này từ bên kia hàng rào kêu vọng sang cửa sổ. Tôi không thèm chạy ra cửa chính mà mở cửa sổ nhảy ào ra ngoài cho nhanh và “lấy le” với người đẹp. Chúng tôi thường nói chuyện qua hàng rào mà tôi gọi là “dậu mồng tơi” cho tình. Tôi bồi hồi và hãnh diện có một cô hàng xóm tóc vàng sợi nhỏ mà lại chỉ thích tôi thôi. Tôi đoán là dù tiếng Anh của tôi tuy còn dở nhưng vẫn khá trong đám VN ở đây vì hồi đó cũng có học Hội Việt Mỹ đàng hoàng. Cô ấy theo tôi là thế.
Một chiều cuối tuần, bỗng có một người bạn Úc cũng ở trong nhà trọ hỏi tôi:
- Tao thấy mày hay nói chuyện với cô gái nhà kế bên?
Tôi hơi ngạc nhiên và nghĩ rằng tên này ghen tuông với tôi. Tuy nhiên nghĩ lại thì hắn cũng là một người bạn khá tốt mặc dầu mới quen. Hơi ngượng nhưng tôi cũng ậm ừ cho xong:
-   Ừa, tao mới quen. Tự nhiên cô này thích tao một cách lạ lùng.
-   À để cho mày biết, con nhỏ này dưới tuổi vị thành niên đó nghe. Đừng có đùa. Nó dưới 16. Đụng vào là chết đó. (16 là tuổi thành niên ở Úc)
Tôi bỗng rụng rời. Thì ra cô hàng xóm thấy mình người ngoại quốc không biết gì ráo nên giăng một cái “bẫy tình”. Tôi không ngờ con gái Tây Phương lại nẩy nở và bạo dạn sớm thế. Hú vía.
Lần sau gặp lại, tôi hỏi chặn đầu cô hàng xóm xinh đẹp kia:
- Em mới 15 phải không?
Cô ta bẽn lẽn gật đầu. Tôi bồi thêm:
- Có lẽ chúng ta không nên gặp nhau nữa?
Cô ta cũng bẽn lẽn gật đầu.
Từ  đó tôi chấm dứt các buổi nói chuyện với cô hàng xóm tóc vàng kia và cố quên nàng đi nhưng lòng vẫn còn vô cùng luyến tiếc. Phải vài tháng sau tôi mới lấy lại được thăng bằng và năm sau thì tôi không còn ở Sydney để gặp lại cô ta khi nàng đã “thành niên”.
Ai dụ dỗ ai?