Thursday, September 6, 2012

VÌ SAO PHÍ TỔN BỆNH VIỆN Ở MỸ QUÁ ĐẮT

·      Nguyệt San Reader’s Digest mở cuộc điều tra tìm hiểu vì sao chúng ta phải trả tiền bệnh viện ở Hoa Kỳ quá đắt, và làm cách nào có thể tiết kiệm bạc ngàn khi gặp giấy tính tiền cắt cổ của bệnh viện.
·      Từ năm 2009 đến năm 2010, tỉ lệ lạm phát chỉ tăng 1.6%, nhưng tiền chữa trị ở phòng cấp cứu của bệnh viện tăng 11%, đi khám bệnh, còn gợi là outpatient visit, tăng 10.1%. Chính vì vậy 62% những vụ phá sản, khánh tận xảy ra vì chi phí y tế quá đắt trả không nổi. Ở Hoa Kỳ mà không có bảo hiểm y tế có thể bị tán gia bại sản.

Khi con trai ông Jeffrey Rice, một chuyên viên quang tuyến, cần giải phẫu bàn chân, gia đình chọn một bác sĩ chuyên khoa về bàn chân ở St. Louis . Ông Ri ce gọi điện thoại cho bệnh viện để lấy hẹn giải phẩu, và hỏi một câu đơn giản: Xin bệnh viện cho biết phí tổn là bao nhiêu? Họ trả lời không biết. Nhưng sau đó, gọi lại, và nói rằng phí tổn khoảng $37,000. Ông Ri ce vô cùng kinh ngạc. Ông Rice là chủ tịch công ty Healthcare Blue Book, một tổ chức bênh vực người tiêu thụ bằng cách so sánh giá cả y tế phí nhiều nơi khác nhau để chọn lưạ. Ông hỏi thăm giá do bệnh viện có được bớt nhờ nằm trong hệ thống- in-network discount- hay không?. Họ nói là không, nhưng sau đó gọi lại với giá điều chỉnh  giữa mức $15,000 và $25,000. Tò mò ông Rice hỏi thăm vị y sĩ giải phẩu chân xem ông ấy có làm ca mổ này ở nơi nào khác, ngoài bệnh viện hay không. Ông bác sĩ đề nghị nên giải phẫu ngay tại “outpatient center”, phòng chữa bệnh ngoại khoa, cùng trong bin đinh văn phòng làm việc của ông, giá sẽ hạ hơn. Quả thực như vậy, tại đây họ chỉ tính ông Rice $1,515. Ông Ri ce kết luận: “Chỉ cần gọi vài ba cú điện thoại tìm hiểu, so sánh giá, tôi có thể giảm được 90% chi phí.”.
Câu chuyện của ông Rice đưa chúng ta đến hai câu hỏi. Trước hết  là không hiểu do đâu mà có phép tính toán như ảo thuật biến con số $37,000 tuột xuống còn $1,515? Thứ hai là tại sao chúng ta thường có thói quen không khảo giá, thăm hỏi khi cần mua một dịch vụ về y tế? Khi chúng ta cần tân trang phòng tắm trong nhà, chúng ta khaỏ giá, so sánh hai ba nhà thầu khác nhau, nhưng khi cần thay thế xương mông, ít khi nào chúng ta chịu khó đi tìm hiểu, so sánh giá cả, trước khi quyết định giải phẫu.
Hơn thế nữa, ngay cả khi chúng ta cẩn thận tìm hiểu giá  cả, nhiều khi chúng ta cũng bị bối rối, không biết chọn lựa ra sao, vì có nhiều biến số (variables) khác nhau. Trị giá của một căn nhà được tính theo thủ tục định giá – assessment- rõ ràng. Trị giá của một món đồ cổ cũng được một chuyên viên đồ cổ ấn định chính xác. Nhưng để giải thích một bản kê khai phí tổn bệnh viện rất khó. Chúng tôi hỏi thăm 18 nơi khác nhau trong kỹ nghệ dịch vụ y tế, từ y sĩ, chuyên gia mã số y tế phí, tổ chức bênh vực người tiêu thụ, kinh tế gia chuyên về y tế, giới lãnh đạo ngành bảo hiểm y tế, Tổng Giám đốc bệnh viện, và cả chủ bút đặc san Consumer Report , kết quả chúng tôi thấy không một ai hiểu tường tận vấn đề từ đầu đến cuối. Một y sĩ ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ nói thủ tục tính tiền y tế phí là một hệ thống phức tạp “khó hiểu như trò ma giáo, qủi thuật.”, một kinh tế gia tốt nghiệp đại học của Ivy League than rằng: “chi phí bệnh viện đặt trên căn bản khó hiểu giống như chuyện trên cung trăng.”, và một vị lãnh đạo bệnh viện bên vùng Đông Bắc thì nói: “Ba cái vụ tính tiền của bệnh viện đáng sợ lắm, chả thế mà họ mới phải thu xếp đền một số tiền rất lớn bên ngoài toà án.”.
Nhưng có một điểm rõ ràng là nếu chúng ta để ý theo dõi việc tính tiền của bệnh viện chắc chắn sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều tiền. Ông Ted Epperly, Bác sĩ giám đốc huấn luyện y sĩ nội trú  ở Idaho nhận thấy: “Thông thường bệnh nhân nhận được giấy tính tiền, họ chỉ biết yên lặng trả tiền, không dám thắc mắc. Trong thực tế, có rất nhiều lý do như sơ suất của con người, hệ thống làm việc trong bệnh viện qúa phức tạp, nếu bệnh nhân sợ hãi không dám hỏi, hay bỏ qua,  nhiều khoản tiền họ phải trả không hề được bệnh viện làm, hay cung cấp. Bệnh nhân phải trả tiền oan mà không hề biết.”.
Có người còn nghĩ rằng việc tò mò tìm hiểu giấy tính tiền của bệnh viện là không cần thiết, đã có hãng bảo hiểm lo. Bà Pat Palmer, sáng lập viên tổ chức Medical Billing Advocates of America, giúp bệnh nhân đối phó với bill của bệnh viện,  noí rằng: “ Không đúng, vì bạn phải trả 20% deductible, và nếu không xem xét lại, bệnh viện tính lầm, khiến bạn phải trả 80% tốn phí.” Ngoài ra, những người mua loại bảo hiểm rẻ tiền, phải trả phần deductible rất cao, nếu không xem xét kỹ, sẽ phải bỏ tiền túi trả rất nhiều trước khi hãng bảo hiểm tiếp tay trả phụ.
Cuộc điều tra của nguyệt san Reader’s Digest cho chúng ta hiểu biết 4 điểm làm chúng ta phải kinh ngạc về lối tính tiền của bệnh viện Hoa Kỳ. Hiểu được nó, chúng ta có thể tiết kiệm được tiền bạc rất nhiều.

1.     Giá Tiền Do Bệnh Viện Tính Tiền Vô Cùng Phức Tạp, Khó Hiểu

Khi chuyên gia kỹ nghệ bệnh viện cho rằng việc tính toán giá tiền của bệnh viện  là chuyên quyết, họ tự ấn định lấy, không do luật pháp qui định, chúng ta bèn đặt câu hỏi: Như vậy, họ tính tiền bệnh nhân dựa trên tiêu chuẩn nào? Năm bệnh viện từ chối đưa ra lời bình luận, hay không trả lời. Chỉ có một mình ông Murray Askinazi, Phó Chủ tịch kỳ cựu, và là Sáng Lập Viên bệnh viện Lawrence Hospital Center ở Bronxville , New York đưa ra lời giải thích như sau: “Lấy ví dụ một bệnh nhân cần làm MRI, chụp hình cơ phận trong người để truy tìm căn bệnh, giá cả phí tổn làm MRI tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tiền mua sắm, thuê bao thiết bị, tiền bảo trì thiết bị hao mòn, tiền trả lương nhân viên điều khiển máy, bào trì nhiệt độ thích hợp cho máy móc, tiền chùi dọn nơi đặt máy, tiền so chiếu với các bệnh viện khác trong vùng, tiền chi phí chung của bệnh viện, và tiền mua bảo hiểm trong trường hợp bị kiện cáo (malpractice insurance).
Điều đáng ngạc nhiên là giá tiền phải trả cho cùng một dịch vụ y tế khác nhau kinh khủng giữa bệnh viện này với bệnh viện kia. Ví dụ theo tài liệu Văn Khố Y Khoa Nội Thương- Archives of Internal Medicine giá tiền cắt ruột thừa bị viêm, appendicitis, tại 289 trung tâm y khoa ở Cal i f ornia , có thể ở mức thấp là $1,529 hay thật là cao lên đến $183,000. Riêng tại thành phố San Francisco , sự sai biệt giữ nơi tính gía thấp với nơi tính giá cao là $172,000.
Nhưng giá biểu tính tiền của bệnh viện chỉ trở thành một vấn đề trong một phạm vi nào đó thôi, bởi vì nhiều trường hợp tốn phí đó được công ty bảo hiểm gánh bớt. Những con số tính tiền được thương lượng lại tùy theo loại bảo hiểm được ký kết sẽ bồi hoàn cho bệnh viện là bao nhiêu, nhân danh bệnh nhân. (Ông Askinazi còn cho biết thêm rằng giá biểu Medical và Medicaid trả cho bệnh viện thấp lắm, vì vậy nhiều khi bệnh viện phải đòi giá biểu đắt của các bệnh nhân có bảo hiểm thương mại, trả hậu hĩ hơn, bù đắp cho khoản tiền trả ít của Mediacal, hay Medicaid).
Bây giờ bước sang trường hợp bệnh nhân nằm điều trị trong bệnh viện, tất cả các yếu tố trên được đem ra áp dụng để tính thành tiền. Nó trở nên rối tung như mớ bòng bong. Mọi dịch vụ do nhà thương thực hiện, từ chụp hình quang tuyến sang đến chẩn bệnh đều được tính thành tiền với đủ những yếu tổ kể trên. Mỗi nhà thương tính một kiểu khác nhau. Trong phạm vi của bệnh viện, mỗi phòng chữa bệnh lại có giá biểu khác nhau, phòng gỉai phẫu khác với phòng chăm sóc thường. Cuối cùng, số tiền phí tổn bệnh viện được viết trong bảng chiết tính gửi cho bệnh nhân, và cho công ty bảo hiểm.
Kỹ thuật y khoa ngày càng tiến bộ, tiền phải trả cho bệnh viện càng tăng lên cao. Bà Palmer kể câu chuyện về một bệnh nhân ở Louisville , Kent ucky kinh ngạc khi ông ta nhận giấy tính tiền $45,330 để giải phẫu tuyến tiền liệt (prostate), và hãng bảo hiểm của ông chỉ trả có $4,485 mà thôi. Phòng chiết tính y phí nói với bệnh nhân rằng sở dĩ ông bị tính giá cao vì ông được áp dụng phương pháp giải phẫu mới bằng máy robot, và ông phải trả nhiều hơn để bù đắp chi phí mua thiết bị mới.
·        Làm Cách Nào Để Tiết Kiệm Tiền

Chịu Khó Tìm Hiểu Nhiều Nơi Chữa Bệnh Khác Nh au:  So sánh giá cả giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền. Ông Jeffrey Rice của tổ chức Healthcare Blue Book khuyên chúng ta như sau: “Khi dự tính lấy hẹn chữa bệnh, bạn nên nói với bệnh viện rõ  tôi có loại bảo hiểm như thế này, tôi cần bệnh viện chữa trị một căn bệnh, hay một cuộc giải phẫu sẽ tốn bao nhiêu tiền. Nếu bệnh viện tỏ ra ngần ngại không muốn bàn thêm, đó là dấu hiệu bạn đang gặp một nơi không tốt. Bạn nên hỏi thăm thêm vài ba chỗ, thế nào bạn cũng sẽ tìm ra một nơi rẻ và tốt.”. Muốn biết cơ sở nào có giá hạ vừa phải, bạn có thể vào trong website của healthcarebluebook.com để tham khảo, sẽ biết thế nào là gí a “phải chăng, tùy theo zip code nơi bạn cư ngụ.”. Ngoài ra, bạn cũng có thể vào website của FAIR  Health (fairhealthconsumer.org) để biết giá cả bệnh viện tính theo vùng, và hãng bảo hiểm sẽ bồi hoàn bao nhiêu.

Tìm Hiểu Thêm Về Loại Bảo Hiểm Bạn Đang Có:  Để có thêm dự đoán chính xác về phí tổn, bạn nên tìm hiểu về chính loại bảo hiểm bạn đang có. Bà Nancy Metcalf, chủ bút của Consumer Reports chuyên về phí tổn y tế khuyên chúng ta nên nghiên cứu trong website của công ty bảo hiểm sẽ biết chi phí dành cho hội viên phải trả là bao  nhiêu.

2.     Việc Ấn Định Mã Số Đầy Bí Ẩn, Bác Sĩ Còn Không Hiểu Nổi

Bác sĩ Epperly cho biết: “Cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều không hiểu cách tính tiền của bệnh viện. Sáng hôm nay tôi mới đặt một ống kính vào bao tử của một bệnh nhân, tôi không biết bà ấy sẽ phải trả bao nhiêu tiền. Tôi chỉ biết làm nhiệm vụ y sĩ  giúp bệnh nhân. Tôi điền vào phiếu công tác, mô tả những gì tôi vừa làm. Sau đó, một chuyên viên ấn định mã số (coder) sẽ ấn định một mã số về việc làm của tôi. Mã số này sẽ diễn dịch thành số tiền bệnh nhân phải trả.”.
Cô Kimberly Hiss, ký giả viết bài báo này, đi tìm người “coder” để hỏi thăm. Người đó là chuyên viên được tổ chức America n Academy of Professional Coder huấn luyện và cấp văn bằng  hành nghề. Người coder giải thích cho chúng tôi rõ thủ tục tính tiền như sau:  Văn phòng tính tiền y tế phí sẽ chạy ra ba bảng chiết tính: Một bản dành cho chi phí chẩn bệnh (mã số ICD-9), một bản dùng để mô tả việc làm của y sĩ (CPT), và một bản tính tiền sản phẩm y khoa, và tiền công đặt bộ phận đó vào trong người bệnh (HCPCS). Đó chính là việc làm của người chỉ định mã số. Người “coder” có thể là một ngưòi làm trong Sở tính tiền- Billing Department- , hay chính quản lý Phòng Tính Tiền kiêm nhiệm luôn vai trò “coder”. Mã số ghi trong giấy tính tiền là danh mục mô tả mọi loại dịch vụ từ bệnh lý, đến thuốc men, cái nạng để đi đứng, cho đến phương pháp trị liệu. Những mã số này hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng đến tất cả những khoản tiền sẽ tiếp diễn sau đó.
Đây là một công tác vô cùng phức tạp. Ví dụ chỉ một mình mã số cho phần CPT, mô tả việc làm của bác sĩ đã dầy như cuốn niên giám điện thoại. Riêng phần làm MRI  cũng có khoảng 60 thể loại –variations-  khác nhau. Một nhân viên làm việc này phải than: “Nhiều lúc tôi cũng bực mình lắm, không biết mình phải chọn code nào cho đúng. Mỗi code có thể diễn dịch thành nhiều thứ khác nhau.”.
Tại  nhiều nơi, nhân viên bệnh viện vẫn tiếp tục ghi chép bằng tay diễn tiến điều trị cho bệnh nhân trên giấy. Bản ghi chép được làm thành 2 bảng copy, rồi chừa khoảng trống ghi code để bác sĩ đánh dấu vào. Bác sĩ Dena Bravata, chuyên lo về ấn định mã số cho tổ chức Castlight Health, một công ty phụ trách việc tính tiền đúng cho bệnh nhân, than rằng: “Nhiều khi bác sĩ, hay nhân viên phụ trách bận quá, họ đánh dấu sai. Chưa kể là các bác sĩ nổi tiếng là viết chữ tháu, khó đọc, khiến cho những code được đánh dấu mâu thuẫn nhau, chẳng ra đâu vào đâu cả.” .
Một số chuyên viên làm trong bệnh viện không nắm vững nội dung của mã số, nên ghi lầm, làm cho bệnh nhân phải trả thêm rất nhiều tiền. Năm 2010, một bệnh nhân 71 tuổi ở Florida bị bệnh ung thư. Ông ta phải trả $10,000 cho tiền chích thuốc, vì hãng bảo hiểm từ chối không trả. Lý do là bà vợ ông bác sĩ, và nhân viên văn phòng ghi sai mã số. Thay vì mã số “chích thuốc để trị liệu”, họ ghi mã số “giải phẩu để đặt máy bơm vào trong người”  10 lần mỗi tháng, trong suốt một năm.
Hệ thống mã số trở nên phức tạp hơn vì khoa học ngày càng tiến bộ. Hiệp Hội Y Khoa Mỹ phải đặt thêm ra nhiều mã số mới. Tháng 10 năm 2014 sắp tới, chính phủ sẽ  qui định một loạt mã số mới cho IDC- 9 đến ICD-10, khiến cho số lượng mã số từ13,600 tăng lên thành 144,000 mã số. Chu yên viên học về mã số đã được gửi đi huấn luyện để dùng bộ luật mã số mới. Nhiều người tiên đoán sẽ xảy ra tình trạng ứ đọng, tắc nghẽn, hay tệ hơn là một “tai hoạ nghề nghiệp lớn” như vụ Ỳ2K trong hệ thống tin học hồi năm 2000.

Làm Thế Nào Để Tiết Kiệm Tiền

            Đặt Câu Hỏi Ngay Từ Đầu    Ông Ri chard Gundling, Phó Chù tịch công ty Health Care Finalcial Management Association nói rằng tuy hệ thống “code” vô cùng phức tạp, Nhưng nếu bạn thận trọng nên hỏi riêng loại code CPT của phương pháp trị liệu bạn cần được giúp. Đem cái code đó đi hỏi công ty bảo hiểm. Họ sẽ giải thích bác sĩ, bệnh viện sẽ phải làm gì, và tốn kém bao nhiêu là đúng.

Thắc Mắc Về Loại Code Được Dùng  Người ấn định mã số có thể lầm. Một sai lầm về mã số có thể làm cho bạn trả bill rất cao. Khi bạn hoài nghi, hãy đem cái code ghi trong bill tìm hiểu xem có đúng với việc trị liệu của bác sĩ hay không.
            Hãy nhớ kỹ một điều là khi nhận được bill tính tiền của bệnh viện đừng dại dột vứt ngay vào sọt rác, giả vờ như chưa hề đọc nó.  Bà Jennifer Jaff cố vấn cho bệnh nhân về y tế phí khuyên rằng việc không đọc cho kỹ bill tính tiền của bệnh viện sẽ dễ khiến chúng ta bị chuyên viên đòi nợ, “collection agent”, chạy theo hành hạ suốt đời. Khi thấy giấy tính tiền của bệnh viện đắt quá, bạn có thể nhờ cậy nhiều tổ chức tư nhân và chính phủ giúp bạn. Ví dụ: The US Department of Health & Human Services, Medical Billing Advocates of America , Patient Advocate Foundation, và Advocacy for Patients with Chronic Illness. Sau đó, lập một kế hoạch trả nợ tùy theo khả năng của bạn.

3.     Theo Dõi Thật Sát Việc Chữa Trị Của Bệnh Viện

Mặc dù có hệ thống hậu kiểm, cũng như nhu liệu điện toán tốt, nhưng việc tính tiền của bệnh viện vẫn có thể nhầm lẫn vì  nhân viên ghi nhập hồ sơ làm lỗi. Một ví dụ thường xảy ra nhất là họ tính tiền những lần hẹn gặp bác sĩ, bị hủy bỏ giờ chót, vì bệnh nhân hay bác sĩ thay đổi buổi hẹn. Trong mười vụ bỏ hẹn gặp bác sĩ, đi chụp CT scan, hay chụp quang tuyến X, thì có đến tám vụ vẫn bị tính tiền. Bà Pa lmer giải thích rằng nhân viên ghi nhận cuộc hẹn trong hồ sơ của bệnh nhân, nhưng quên không lấy ra khi cuộc hẹn bị hủy bỏ.
Sai lầm khác cũng thường xảy ra là vụ tính tiền hai lần. Bà June Morgan kể ra ví dụ trường hợp bệnh nhân được gắn bộ phận thông mạch máu tắc nghẽn. Bộ phận này thường có những bộ phận rời nhỏ (parts) đi kèm theo. Một chuyên viên mã số, coder, trao cho bác sĩ một bộ phận rời, song vì nói nhỏ, hay bác sĩ không nghe rõ, họ ghi nhầm mã số, tính thêm tiền  vào bệnh nhân.
 Nói chung, thân nhân người bệnh cần phải theo dõi chặt chẽ vật dụng tiếp liệu của nhà thương, cũng như việc lấy hẹn trong quá trình chữa trị để tránh trường hợp bệnh viện tính tiền nhiều lần, hay không làm mà vẫn tính tiền.

Làm Sao Để Tiết Kiệm Tiền

Ghi xuống tất cả những việc xảy ra cho người bệnh trong lúc điều trị.  Để tránh khỏi bị tính tiền nhầm lẫn, chúng ta nên ghi xuống những gì xảy ra trong thời gian điều trị ở bệnh viện. Trong lúc nằm trên giường bệnh, bạn không nghĩ đến chuyện tiền nong, chi phí. Nhưng bạn, hay gia đình nên ghi vào cuốn sổ nhỏ tất cả những lần gặp bác sĩ, thử nghiệm, và thuốc men cho uống, với ngày giờ rõ rệt.  
Theo dõi cẩn thận số giờ được chữa trị, hay thời gian nằm trong phòng gỉai phẫu.  Có một số dịch vụ trong bệnh viện được tính theo thời gian. Ví dụ trong phòng mổ, mỗi phút tính $200. Bà Pa lmer đề nghị nên dặn người nhà ghi chép giờ nào lên phòng mổ, giờ nào ra khỏi phòng mổ. Ngoài ra, tiền ở trong phòng hồi phục –recovery room-cũng rất cao, nên ghi chép cẩn thận thời gian ở phòng này. Nhiều khi bạn bị giữ lâu trong phòng hồi phục chỉ vì không có người đưa bạn sang phòng bình thường.
Mang theo thức ăn, đồ dùng ở nhà đến bệnh viện nếu được phép.  Có những vật dụng cần dùng hàng ngày, nếu để bệnh viện cung cấp, họ sẽ tính tiền rất cao. Ví dụ  một cái tã tính $10, một tấm lót nệm giường tính $119. Nếu bạn cần những vật dụng này, bạn nên mua ở tiệm thưốc tây đem vào, rẻ hơn rất nhiều.
Đòi cho được bản chiết tính chi tiết giấy tính tiền.  Thông thường bệnh viện gửi cho bệnh nhân bản tính tiền chia làm những phẩn tổng quát: Phòng Thử Nghiệm, Phần quang tuyến, và Phần trị liệu. Họ không cho biết cho tiết làm những gì trong mỗi phần.Thân nhân người bệnh nên đòi bản chi tiết giấy tính tiền để biết rõ bệnh viện đã làm những gì cho bệnh nhân. Nghiên cứu kỹ bản chi tiết, chỗ nào không hiểu nên hỏi lại phòng làm bản chiết tính này.

4.     Không Phải Bác Sĩ Nào Cũng làm Trong Network

Nhiều bác sĩ làm riêng, độc lập. Vì vậy họ tính tiền theo cách riêng của họ, và đòi nhà thương  thu tiền giúp. Vì vậy, không phải bác sĩ nào làm việc trong bệnh viện cũng thuộc trong hệ thống được bảo hiểm đài thọ. Bạn phải hỏi cho rõ người y sĩ giải phẫu hay trị liệu cho bạn có nằm trong network của hợp đồng bảo hiểm bạn có hay không? Thông thường bác sĩ ở trong network tính giá rẻ hơn bác sĩ ở ngoài network.
Một bệnh nhân ở New York bị cưa máy chặt đứt một ngón tay. Ông ta được đưa đến phòng cấp cứu của bệnh viện. Bác sĩ nối lại ngón tay bị chặt đứt, và tính ông $83,000 vì vị y sĩ này không thuộc trong network của bệnh viện.
Bệnh viện chữa trị có thể không biết, và không có nhiệm vụ phải báo cho bệnh nhân biết người bác sĩ có nằm trong network hay không. Vì vậy, trước khi điều trị, bạn nên hỏi cho rõ người y sĩ có thuộc trong network hay không?

Làm Cách Nào Để Tiết Kiệm

            Nên hỏi trước những ai sẽ trực tiếp làm việc điều trị.  Khi lấy hẹn làm một việc gì, như giải phẫu, bạn phải hỏi cho rõ những ai sẽ tham dự vào việc này, từ y sĩ gây mê, đến y sĩ giải phẫu, họ có thuộc trong network hay không? Bà Nancy Metcalf khuyên: “Bạn có thể sắp xếp, yêu cầu trước, chớ nên để mặc cho bệnh viện điều động theo ý của họ.”.
            Viết thêm yêu cầu trước khi nhập viện:  Khi đến bệnh viện bạn nên gắn thêm một tờ giấy vào phiếu nhập viện. Trong đó bạn xác nhận bạn sẽ trả tiền cho non-participating providers, tức là bác sĩ ngoài network, nếu bạn được báo trước. Tờ giấy này giúp mạnh có thế mạnh khi xảy ra tranh tụng sau này.
            Phản đối giấy tính tiền của bệnh viện:  Rủi gặp phải giấy tính tiền đắt vô lý, bạn có thể chống lại. Nhờ tổ chức FAIR Health thương lượng với công ty bảo hiểm. Bà Jennifer Jaff đã dùng phương pháp này tiết kiệm được $1,100 về xét nghiệm soi ruột. Bà Pa lmer còn đề nghị nên nhờ hãng bảo hiểm của bạn thương lượng trả tiền cho bác sĩ ngoài network theo giá biểu của bác sĩ trong network, bớt được khá nhiều tiền.

            Bài phóng sự điều tra của Kimberly Hiss trên Reader’s Digest tháng 9/2012
                        Nguyễn Minh Tâm lược dịch
 

No comments:

Post a Comment