Sunday, September 23, 2012

THIỆP CHO NGÀY LỄ MẸ

Trong thời gian làm giáo viên Việt ngữ cho một trường tiểu học của Úc với hơn ba trăm học sinh (*); tôi dạy trường nầy lần đầu, nhưng có lẽ nhờ tướng cao lớn, khuôn mặt đôi lúc lạnh lùng mà làm khớp các học sinh chăng! Các cô cậu đang học lớp năm, lớp sáu đều vào tuổi mười một, mười hai, có tánh phá phách hay đánh nhau hoặc bị tâm thần! Một lần lớp 5/6 có nhiều đứa gây rối làm như không có tôi, đứa bị tâm thần lên cơn, cả lớp như ong vỡ tổ. Tôi hét một tiếng “im (shut up)”. Lớp học chỉ trong vòng mấy giây im lặng như tờ, có thể nghe tiếng bay của con ruồi, đứa nào cũng xanh mặt, lấm lét. Vài đứa cứng đầu không chịu thua, vào mách ông Hiệu Phó về sự lớn tiếng của tôi. Không biết ông nói thế nào mà các giờ sau chúng im re.
Là giáo viên thì cần kiên nhẫn, các đứa trẻ không có tội tình gì, tâm hồn ngây thơ. Chúng làm gì chúng thích mà không hợp hoàn cảnh, không cho phép thì chỉ có nước im mà rút lui. Vào đầu tháng Năm, có học sinh sau khi vào lớp, chào xong và nói:
‘Thưa thầy! Chủ Nhật nầy là ngày lễ mẹ.’
‘Lễ mẹ thì sao?’ Tôi trực tiếp hỏi – Nó là một học sinh hay gây rối, khó dạy nhất.
 ‘Con muốn làm mother day’s card cho mẹ con.’ Nó nói với giọng e dè trong khi cả lớp im như tờ chờ tôi phản ứng.
‘Sao con không đề nghị với giáo viên điều hành đang phụ trách lớp con?’
‘Con không dám!’
‘Tại sao không dám?’ Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng mỉm cười vì biết cô giáo của lớp nầy, nên nghĩ tiếp: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là học sinh nầy mà sợ cô giáo như vậy thì các bạn nó đành chịu phép.”
‘Vâng! Cô giáo con đã có sẵn thủ công (art work) để chúng con làm hay chọn quà cho ngày lễ mẹ rồi.’
‘ Thế thì con muốn gì?’ Tôi nhìn chúng không có không khí vui vẻ, hồn nhiên như những giờ trước.
‘Vẽ trên giấy mang về cho mẹ con.’
‘Con vẽ cái gì?’ Tôi chợt nghĩ những đứa mà tôi cho là cứng đầu nầy mà nói lên được những câu đó thì nó cũng như những đứa bình thường khác, cũng thương yêu, nghĩ về mẹ chúng.
‘Vẽ cái gì con nghĩ.’
‘Được! Giờ nầy thầy không dạy giáo khoa. Các con cứ lấy viết vẽ, viết gì đó tuỳ ý.’
Tôi khoanh tay, đứng im từ bảng nhìn xuống chúng đang ngồi. Một số học sinh e dè. Có lẽ chúng chưa đoán được tôi đang nghĩ gì với gương mặt nghiêm;  cả lớp im phăng phắc. Tôi mới hỏi:
‘Các con cần giấy phải không?’
‘ Vâng! Vâng. Thưa thầy.’ Cả lớp nhao nhao, mặt trông hớn hở, vui vẻ như đã tìm được gì đã thất lạc từ lâu.
Tôi mang giấy màu cứng A4 làm thiệp, cầm một sấp trên tay, lấy một tờ xếp đôi lại làm mẫu và nói:”Thầy chỉ có bao nhiêu thôi, các con chỉ có một tờ A4 xếp đôi như vầy. Còn các lớp khác nữa yêu cầu.” Tôi chia mặt bảng ra làm hai và viết lên những câu ngắn, gọn tiếng Việt, tiếng Anh về mẹ.
Nhìn các học sinh tôi chợt nghĩ đến mình, có lẽ con tôi nay đã trải qua hay đang ở bậc trung học sung sướng và may mắn hơn những đứa nầy. Tôi đi qua một vòng, nhìn chúng thừa viết màu vẽ nhiều thứ, ít thấy thiệp nào cho ra hồn nên chợt hỏi:
‘Các con biết là vẽ cái gì không nào?’ Cả lớp lại yên lặng.
‘Các con có muốn hình, bông hoa, trái tim, đầu tóc phụ nữ v.v…không?’
‘Vâng!’ Cả lớp nhốn nháo, ngờ vực sau câu đề nghị đó. Có lẽ trong đầu chúng chỉ nghĩ qua lăng kính người mẹ, nguời chị, các cô giáo giọng trong, thanh, ngọt ngào, nhẹ nhàng, dịu dàng và khéo tay; còn tôi là thầy cùng phái với ông Hiệu Phó mặt luôn nghiêm trang thì làm sao mà biết các thứ thủ công hoa hoè, hoa sói nầy là gì!
‘Được thầy sẽ cắt cho trái tim, bông hướng dương, bông hồng, hình người mẹ cho chúng con dán lên thiệp!’
Chúng tuy ngạc nhiên, nhưng đứng lên và sắp hàng chờ. Thế là các tờ giấy đưa trước, chúng định vất vào sọt rác. Tôi ngăn lại:
‘Các tờ giấy đó để thầy cắt bông, hình, những mảnh lớn như vầy (hơn một inch) giữ lại để cắt bông hoa, không được phí phạm.’ Tôi dùng giấy đỏ cắt hình trái tim, các giấy màu hình các bông, in ra cắt các khuôn mặt bà mẹ để chúng tự ý tô màu tóc vàng, tóc nâu, tóc đen, vẽ mắt, mũi, miệng …gì tuỳ ý.
‘Con muốn trái tim bự như nó!’ Một em học sinh lớp 5/6 giơ tay lên và yêu cầu.
‘Ờ! Nhưng hao giấy lắm, Đứa nào cũng đòi trái tim bự nửa A5 như vầy thì mấy trăm tờ giấy rồi. Quan trọng không phải là lớn mà là con thương mẹ làm sao cho thiệp của con đẹp và có ý nghĩa’
‘Vậy thì thầy cắt cho con mấy trái tim nhỏ để con gắn bốn góc.’
‘Được! Con cắt theo thầy, sau nầy chúng bạn nhờ, con cắt y như vậy.’
Tôi đi lòng vòng, chọn ra những em học sinh có khiếu vẽ, dạy chúng cắt hình trái tim, bông hoa, phụ tôi mà phân phát cho các bạn cùng lớp. Có đứa cắt hình trái tim thon, mập tròn, méo mó, nhưng không sao, tôi cho là rất quý vì chúng tự cắt, cuối cùng thì chúng cũng bỏ mà lấy các trái tim, bông hoa, hình phụ nữ v.v… trong hộp mà tôi và các học sinh khéo tay cắt sẵn. Cả tuần đó tôi không dạy Việt ngữ mà chỉ cho chúng làm thiệp, từ lớp hai cho đến lớp sáu.
Một em lớp năm hỏi tôi:
‘Sao Việt Nam không có ngày Mother Day vậy thầy?’
Tôi luống cuống vì không chuẩn bị. Thoáng một lúc, tôi hỏi lại:
‘Cha mẹ có đưa con đến chùa không?’
‘Có! Vài ba tuần.’
Tôi thở phào nhẹ nhõm:
‘Ngày lễ mẹ trong văn hóa Việt ta chính là rằm tháng Bảy. Con có khi nào được cài bông không?’
‘Có! Năm nào cũng vậy.’
‘Tốt! Có mấy màu bông?
‘Có hai: đỏ và trắng.’
‘Con được cài bông màu gì?’
‘Đỏ!’
‘Vậy thì con phải làm một tấm thiệp rất đẹp cho mẹ con.’
‘Sao vậy thầy?’
‘Vì mẹ con có thể chiêm ngưỡng tấm thiệp của con, và nhất là đọc được con viết chữ gì trên thiệp. Con hãy cố gắng viết những dòng chữ Việt nầy.’ Tôi chỉ lên bảng các dòng chữ mà tôi không xoá đi từ đầu tuần.
Đến thứ Hai tuần sau thì tôi quên hẳn. Thông thường thì sau khi chuông báo tan học vào lúc 3 giờ 15 phút chiều. Tôi đưa các học sinh giờ cuối về lớp của chúng và thường lảng vảng ở ngõ sau trông các em đi ra và phụ huynh đón con về cho đến khi không còn ai ngoài thầy cô. Vài phụ huynh gốc Tây Phương nán lại một chút trực tiếp gặp tôi nói:”Thiệp ngày lễ mẹ của con tôi năm nay rất lạ! Tôi cứ tưởng là cô giáo dạy nó cắt các bông, hoa, trái tim… đến chừng biết là thầy làm tôi rất ngạc nhiên, vài dòng Việt ngữ thì tôi không hiểu, nhưng thiệp rất đẹp.”
‘Quan trọng là con mình nghĩ đến mình với tấm lòng của nó. Em đó rất khéo tay. Nó phụ tôi để cắt hình, bông, hoa, khuôn mặt…’
‘Nhưng tờ thiệp nó làm đẹp, xuất sắc được như thế là lần đầu tiên mà tôi thấy. Hôm thứ Sáu, nó về không chơi hay xem TV mà lui cui với các tờ giấy dạy em nó cắt hình. Hỏi ra tôi mới biết.’
‘Đó là tâm tư của các em khi nghĩ về mẹ trong lúc làm thiệp, chúng biết mẹ mình thích màu gì, hình gì.’
Vài phụ huynh gốc Việt thì đến gặp tôi vì học sinh về nhà thắc mắc về lễ Vu Lan sắp đến. Đối với họ thì tôi dùng ngôn ngữ chung, khuyên họ cố gắng nếu có dịp thì nên đưa các em đi lễ Vu Lan, để chúng chứng kiến lễ cài bông và điều quan trọng hơn cả rằm tháng Bảy ngoài việc dạy hiếu hạnh mà còn bố thí nữa cho người sống lẫn người đã qua đời trong đó có tổ tiên mình.
Sau khi tôi tiếp xúc với nhiều phụ huynh nhiều sắc tộc khác nhau, họ chọn ngày lễ mẹ, lễ cha của Úc là chánh, dần dần thay đổi trong sinh hoạt của họ. Tôi không tán đồng các quảng cáo rầm rộ trên TV các quà cáp từ mắc đến rẻ trước các ngày lễ nầy; điều quan trọng ngày đó con cháu nghĩ đến cha mẹ, ông bà họ và những lời chân thành nhất. Bậc  cha mẹ cũng nhân dịp đó mà họp mặt gia đình, họ hàng để con, cháu noi gương sau nầy. Vai trò người mẹ thì hầu hết văn hóa đều đề cao, thiêng liêng, mang nặng, đẻ đau, nuôi nấng, gần gũi, lo cho con nên người. Các em học sinh đặt cả tâm tư của nó vào để làm một tấm thiệp cho ngày lễ mẹ là cũng có ý nghĩa rồi. Khi xưa theo mẹ dự Vu Lan, các lễ cúng xá vong trong các chùa từ rằm tháng Bảy ta cho đến cuối tháng, tôi cũng thắc mắc tương tự:”Sao mà ít nghe ai nhắc đến người cha trong mùa Vu Lan nầy?”
Đầu tháng chín năm đó, tôi nhận được hai, ba cú điện thoại di động từ các em học sinh, một, hai cú từ phụ huynh Tây hỏi thăm. Ngày lễ cha sắp đến, nhưng rất tiếc, duyên tôi đối với trường chỉ có bao thời gian đó. Tôi cảm thấy vui lây và được an ủi vì không còn dạy nữa từ giữa năm mà vài phụ huynh, học sinh vẫn còn nghĩ đến mình – có lẽ nhờ tấm thiệp của con họ trong ngày lễ mẹ.
Đường Sơn
(*) Năm 2004.

No comments:

Post a Comment