
Ly Cà Phê McDonalds...
Vừa bước ra khỏi phi cơ sau chuyến bay dài hơn mười
tiếng đồng hồ từ Paris đến Los Angeles, tôi đã làm cho cả gia đình phải
ngạc nhiên khi tôi cố tìm cho bằng được một tiệm McDonalds ngay trong
phi trường để mua một ly... cà phê đen. Tôi nhâm nhi ly cà phê còn đang
bốc khói và tận hưởng hương vị thơm tho của ly cà phê như vừa tìm lại
được hương vị của … người yêu sau bao năm trời xa cách. Lúc đó nếu có
ai tình cờ đi ngang qua và biết tôi mới trở về sau chuyến đi đến một đất
nước với thủ đô được mệnh danh là kinh đô ánh sáng, với những cung điện
nguy nga, với con sông Seine êm đềm đã đi vào bao áng thơ văn, với vườn
hoa Luxembourg, và nhất là với những quán cà phê nổi danh khắp thế
giới như Les Deux Magots, Café de Flore, Café de la Paix, v.v., có lẽ họ
sẽ rất ngạc nhiên khi thấy tôi vừa đặt chân xuống phi trường, lại vội
vã đi tìm ly cà phê chỉ đáng giá có hơn một đô la mà thôi!
Có điều gì quyến rũ đằng sau ly cà phê McDonalds
đến như vậy? Những ngày lang thang trong vai khách du lịch trên những
đường phố Paris, tôi nghe bạn bè nói rằng phải vào thử những ly cà phê
"cao sang", danh bất hư truyền, ở những quán cà phê như đã kể trên, tôi
cũng mon men vào uống thử cho biết vì tôi vốn là đệ tử của nữ thần có
hương vị đăng đắng này. Nhưng rồi hết quán này tới tiệm nọ, những ly cà
phê của Paris vẫn không làm thay đổi được tấm lòng chung thủy của tôi
với "nàng cà phê" McDonalds. Hương vị của cà phê Paris cái thì quá đậm
đặc, cái thì quá đắng làm tôi không thể nào thích được. Tôi hy vọng
người dân Pháp sẽ không có thành kiến với tôi vì dù những ly cà phê với
những nhãn hiệu trứ danh vẫn không làm tôi yêu thích nổi hương vị cà phê
của Pháp quốc. Mặc dầu những quán cà phê được xây cất ở những vị trí
thật đẹp với lối kiến trúc thật nên thơ, nhưng tôi vẫn không quen mắt
với cảnh những người Pháp ngồi uống cà phê hàng giờ ngắm ông đi qua bà
đi lại. Người dân Pháp vốn có truyền thống thích hưởng thụ như lời kể
của bạn tôi, nên cứ đến mùa hè là thành phố Paris như vắng vẻ hẳn đi vì
mọi người kéo nhau đi nghỉ hè ở những vùng biển miền Nam nước Pháp.
Người Pháp chỉ đi làm có 32 tiếng đồng hồ một tuần, nên chắc chắn là họ
có nhiều thời gian để ngồi nhẩn nha bên ly cà phê. Nhìn họ mà tôi thấy
thương cho người dân xứ Mỹ của tôi vừa uống cà phê, vừa phải lái xe chạy
bạt mạng đến sở làm vì sợ trễ giờ.
Còn có điều gì nữa không đằng sau ly cà phê
McDonalds mà nó đã làm cho tôi tương tư sau mấy tuần lễ đi xa? Xin thưa
là có. Ly cà phê và tôi đã gắn bó với nhau như những đôi bạn thân từ
những ngày chân ướt chân ráo đến Mỹ. Thời sinh viên lúc tôi còn đi làm
phụ việc ở chợ trời vào những ngày cuối tuần, một hôm tôi được ông chủ
cao hứng mua tặng cho một ly cà phê McDonalds. Rồi từ đó, ly cà phê và
tôi đã trở thành đôi bạn tri kỷ và bản thân tôi cũng bị hương vị của
"nàng" làm cho tôi bị "Mỹ hóa" từ lúc nào cũng không hay. Năm tháng
trôi qua, "nàng" đã có mặt bên tôi từ những ngày còn học ở trường đại
học cộng đồng đến lúc tôi lên trường nha khoa.
Học trò, nhất là học trò Việt Nam tị nạn như bọn
tôi thì luôn luôn bị bệnh thiếu ngủ. Hết vùi đầu vô bài vở ở trường, rồi
ngoài giờ học, tôi lại phải đi làm thêm bán thời gian để có tiền mua
sách vở, nên cơn bệnh thiếu ngủ lúc nào cũng rình rập, hành hạ tôi.
Những lúc đó, ly cà phê đã trở thành vị thần hộ mệnh cho tôi. Nhiều
lần, tôi lén đem "nàng" vào trong thư viện của trường, nơi cấm kỵ của
"đồ ăn và nước uống". Tuy nhiên, tôi rất khó mà giấu được ly cà phê vì
"nàng" lúc nào cũng toả ra hương thơm làm tỉnh táo bao chàng sinh viên
si... ngủ hơn si tình đang ngồi ở những bàn cạnh bên. Tội nghiệp bà
quản thủ thư viện, sau nhiều lần cảnh cáo tôi về tội mang cà phê vào
trong thư viện, nhưng rồi bà cũng phải lờ đi cho tôi vì chắc bà thà ngửi
mùi cà phê còn hơn phải ái ngại nhìn cảnh tôi ngủ vùi đầu trên quyển
sách.
Cứ thế mà "nàng" và tôi đã đi bên nhau qua bao
nhiêu năm tháng, đã cứu sống tôi với nhiều lần suýt ngủ gục bên tay lái
trên freeway đến chỗ làm hay tới trường. Rồi cho đến ngày tôi ra
trường, "nàng" vẫn là người bạn thuỷ chung. Thật ra, có lần tôi nghe
lời một đứa bạn, bảo tôi thử uống những lon Coke bán trong những vending
machine đặt trong trường vì có nhiều chất caffein trong thứ nước uống
này. Tuy nhiên, tôi không thích uống thứ nước đường có nhiều gas này, và
chúng cũng không làm tôi tỉnh táo được bao nhiêu, nên một thời gian
ngắn sau đó, tôi cũng trở lại với "nàng". "Nàng" vẫn vui vẻ đón nhận
lại tôi mà không chút phàn nàn, không đắng hơn vì hờn dỗi, mà cũng chẳng
ngọt ngào hơn thêm được chút nào.

Ly Cà Phê Tiệm Donuts...
Sau khi ra trường, tôi mở phòng mạch trong một khu
thương mại khá sầm uất, cách không xa khu Little Saigon bao nhiêu. Cũng
như phần lớn các khu thương mại khác, khu này cũng không thể thiếu ba
"cư dân" chính là một tiệm giặt đồ, một tiệm nail và một tiệm bán
donuts. Tôi không muốn lạm bàn về các tiệm nail, phần lớn do người Việt
làm chủ, vì tôi biết đã có nhiều bài viết về sự cần cù, nhẫn nại của
người Việt tị nạn với rất nhiều gương thành công từ những tiệm này. Nếu
có ai đó làm con số thống kê, chắc chắn sẽ có một con số không nhỏ những
kỹ sư, bác sĩ người Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai được nuôi nấng và
thành đạt nhờ vào những bàn tay lao động vất vả, cần cù và hy sinh của
những đấng sinh thành xuất thân từ ngành nghề này.
Trong bài viết này, tôi muốn nói đến tiệm bán
donuts trong khu thương mại vì nó có liên quan đến đề tài "ly cà phê"
của tôi. Thật ra thì tiệm McDonalds cũng cách chỗ phòng mạch của tôi
không xa, và thuận tiện hơn cho tôi vì tôi có thể ung dung đón lấy ly cà
phi để nhâm nhi khi lái xe qua ngõ "drive - thru" mà tôi không cần phải
bước ra khỏi xe để đón "nàng", nhất là trong những ngày mưa gió. Nhưng
từ khi tình cờ ghé vào mua hộp donuts cho nhân viên, tôi gặp người chủ
tiệm, một người phụ nữ Châu Á đã luống tuổi. Bà là người gốc Cambodia và
có thể nói bập bẹ dăm ba câu tiếng Việt để xã giao với tôi. Tiếng Anh
của bà không rành, và tôi thấy bà rất tội nghiệp khi luôn miệng hỏi
khách với mỗi một chữ "And...?" kéo dài sau khi khách hàng hỏi mua một
món gì đó. Ý bà muốn hỏi họ muốn mua thêm gì nữa không. Vài lần trở
lại sau đó, tôi được biết thêm về hoàn cảnh của bà. Cả gia đình bà sống
nhờ vào tiệm donut vì ông chồng đang bị bệnh nặng và hai đứa con vừa mới
bước vào đại học. Nghề bán donut mà phần lớn người Cambodian làm chủ
những cửa tiệm donut cũng cực khổ không thua gì nghề làm nail của người
Việt Nam. Họ phải dậy từ sáng sớm để chuẩn bị nhào bột, làm bánh, nướng
bánh, v.v. Từ khi biết được hoàn cảnh đáng thương của gia đình bà, tôi
đành từ giã ly cà phê McDonalds đã theo tôi trong suốt bao nhiêu năm
tháng từ lúc còn đi học đến khi ra trường, để đến tiệm donut mua ủng hộ
cho bà.
Mãi đến mấy năm sau đó, khi chồng của bà qua đời và
mấy đứa con ra trường, bà sang lại tiệm cho một người khác. Tiệm thay
đổi chủ và cách tiếp đãi và cách pha cà phê của người chủ mới cũng không
được như bà lúc trước. Mỗi lần vào tiệm, tôi nhớ tiếng "And...?" kéo
dài của bà, nhớ đôi mắt thâm quần vì mất ngủ và sau đó, tôi không còn
trở lại tiệm Donuts đó nữa mà trở lại với ly cà phê McDonalds ngày xưa.
Tất nhiên, "nàng" vẫn chung thủy chờ tôi như ngày xưa tôi đã dám nghe
lời bạn bè cả gan bỏ "nàng" để theo nàng Coke lạnh lùng (vì nằm trong
vending machine).

Ly Cà Phê Việt Nam Trên Đất Mỹ...
Chúng ta đi, mang theo quê hương. Chúng ta mang
theo luôn cả những tập quán và thói quen chỉ người Việt mới có, đến xứ
người. Ly cà phê cũng cùng chung số phận này. Những quán cà phê theo
kiểu Việt Nam được mọc lên khắp nơi, hầu như bất cứ chỗ nào có mặt người
Việt. Dù trưởng thành ở Việt Nam và đến Mỹ ở tuổi gần 20, tôi vẫn
không thể nào quen được cảnh những anh chàng thanh niên trẻ tuổi ngồi
tụm năm tụm bảy bên những ly cà phê hàng giờ đồng hồ, hoặc la ó, cãi vã
bên những bàn cờ tướng. Khói thuốc lá thì nồng nặc dù đã có lệnh cấm
hút thuốc trong những cửa tiệm. Chưa kể những tiệm cà phê Việt Nam với
những cô tiếp viên đã làm tốn bao nhiêu bút mực của những phóng viên
người bản xứ đến lấy tin vì ... thấy lạ mắt và có thành phố đã phải ra
lệnh cấm ăn mặc quá hở hang của những cô tiếp đãi viên vì thiếu thuần
phong mỹ tục. Vì chút lợi lộc trước mắt của một số chủ quán, hình ảnh
của ly cà phê của người Việt tị nạn cũng đã phải chịu ít nhiều tai
tiếng.
Tất nhiên, bên cạnh những tiệm cà phê với lối kinh
doanh "đầy sáng tạo" như vậy, vẫn có những tiệm cà phê rất chuyên
nghiệp. Tuy nhiên, không biết có mấy ai trong chúng ta tự hỏi tại sao
những quán cà phê của người Việt Nam trên đất Mỹ vẫn rất hiếm thấy có
những cặp tình nhân đưa nhau đến làm điểm hẹn hò? Tôi vẫn nhớ lần đầu
tiên khi tôi đưa người bạn đời, lúc đó chúng tôi chưa lập gia đình, vào
trong một quán cà phê Việt Nam. Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào chúng tôi vì
chắc không có ai "dại dột" dẫn bạn gái vào quán cà phê như tôi. Kể từ
đó, chúng tôi không còn hẹn hò trong quán cà phê nữa. Chẳng bù cho
những cửa tiệm cà phê của Mỹ, như Starbucks chẳng hạn, vẫn còn đậm nét
hình ảnh thật dễ thương với những cô cậu học trò bên những chiếc laptop
hay vùi đầu bên những trang sách. Đó đây trong quán, chúng ta thường
bắt gặp những người khách rất lịch sự, từ những công sở ghé đến nhâm nhi
ly cà phê tìm một ít phút thư giản trong giờ nghỉ hay có những người
hẹn nhau đến để bàn công việc làm ăn, v.v. Có lẽ vì cách kinh doanh
trong một khung cảnh lịch sự và ấm cúng như vậy mà cà phê Starbucks đã
trở thành một thương hiệu rất nổi tiếng với nhiều cửa hàng mọc lên trên
khắp nước Mỹ và ở một số quốc gia khác.
Viết đến đây, tôi nghĩ rằng chắc sẽ có người cho
tôi bị "Mỹ hóa", hay theo xu hướng ngoại lai. Nhưng tôi thiết nghĩ, nếu
đó là một điều hay và là một gương thành công, thì cũng đáng cho chúng
ta học hỏi lắm chứ. Gần đây, cũng có những thương hiệu của người Việt
như Lee Sandwiches, có lẽ cũng đã học hỏi được hình thức kinh doanh này,
nên đã rất thành công với nhiều cửa tiệm được mở ra ở nhiều nơi trên
nước Mỹ. Tuy nhiên, tôi chỉ tiếc rằng trong những tiệm này, ly cà phê
vẫn kèm theo những ổ bánh mỳ và những món ăn Việt nam, nên chưa hoàn
toàn tạo ra một nơi để khách dừng chân có thể thưởng thức một ly cà phê
Việt Nam hoàn toàn trong một khung cảnh đầy hương vị...cà phê mà thôi.
Chắc chắn trong tương lai, những ly cà phê của người Việt trên đất Mỹ sẽ
được các thế hệ trẻ tạo cho một chỗ đứng ngang hàng với những cửa tiệm
như Starbucks của Mỹ. Lúc đó biết đâu chừng, tôi sẽ phải một lần nữa
rời xa "nàng" cà phê McDonalds của tôi vì đâu đó trong tôi, chắc chắn
vẫn còn là người Việt Nam và vẫn muốn tìm về những gì gần gũi thân
thương của cội nguồn.

Ly Cà Phê Ở Quê Hương...
Nhắc đến cội nguồn, chúng ta vẫn thấy nhan nhản
những sản phẩm cà phê được bày bán trong các chợ của người Việt với
những nhãn hiệu được chế biến từ trong nước. Tuy nhiên, khi đọc những
bài báo viết về những cách thức sản xuất cũng như chất lượng của những
sản phẩm này, cá nhân tôi rất e ngại mua về dùng dù rằng đó là những sản
phẩm của Việt Nam.
Trong một chuyến đi làm công tác thiện nguyện với
một phái đoàn y nha dược cách đây khoảng sáu năm, tôi tình cờ gặp lại
một người bạn học cũ trên một con đường của thành phố Sài Gòn. Người
bạn mời tôi vào một quán cà phê có tên "Trung Nguyên" với lời giới thiệu
rất tự hào, "Cà phê số một của Việt Nam đó nhe!". Vì tò mò và nể bạn,
tôi cũng vào uống thử cho biết dù tôi không lạ gì với nhãn hiệu này vì
chúng vẫn được bày bán ở khắp các chợ Việt Nam trên đất Mỹ. Cảm giác
của tôi khi nhấp ngụm cà phê đầu tiên dường như thể tôi vừa uống một thứ
nước đắng thật nhạt nhẽo. Có lẽ vì đằng sau ly cà phê đó, tôi thấy cả
một quê hương Việt Nam của tôi vẫn còn đắm chìm trong nghèo khó, với
những em bé bệnh đau, tật nguyền không có mấy ai quan tâm, thương xót.
Những kẻ giàu sang, lắm của nhiều tiền vì có địa vị, chức tước, quyền
thế vẫn ung dung ăn chơi hưởng thụ, và dửng dưng trước những cảnh đời
khó khăn nghèo đói của những người đồng hương của họ đang hiện diện xung
quanh. Những tên con ông cháu cha vẫn ung dung tiêu tiền như nước hàng
đêm ở những vũ trường hay nhà hàng sang trọng trong khi những cô gái từ
miền quê phải bán mình hay cam chịu làm vợ cho những kẻ không cùng
chủng tộc và sống vất vưởng tha hương nơi quê chồng. Vẫn có những em bé
không đủ tiền để đến trường nên phải sống lây lất bên vỉa hè giúp gia
đình tìm kế sinh nhai bằng cách bán những tờ vé số. Và còn biết bao
nhiêu cảnh đời đau khổ và oan ức khác của người dân bị cướp đất, cướp
nhà, và có lẽ cuộc đời của họ còn đen hơn cả ly cà phê mà tôi đang cầm ở
trên tay. Thử hỏi làm sao tôi có thể để lòng mình thanh thản để ngồi
nhâm nhi ly cà phê trong một quán cà phê Trung Nguyên với cái vẻ bề
ngoài sang trọng đầy giả tạo đến trơ trẻn này. Còn bao nhiêu đắng cay
đằng sau những ly cà phê ở quê hương tôi? Từ chuyến đi đó đến nay, tôi
đã nguyện với lòng mình rằng tôi sẽ không bao giờ trở về cho đến khi nào
quê hương Việt Nam không còn bóng ma cộng sản đã gây ra bao nhiêu cảnh
tang tóc đau thương cho quê hương, cho đồng bào của tôi.
Ngày ấy, chắc chắn ly cà phê sẽ ngon hơn và tràn
đầy hương vị nghĩa tình. Riêng tôi, tôi sẽ mãi mãi nhớ ơn đến ly cà phê
McDonalds đã luôn ở bên tôi từ những ngày đầu khi đến Mỹ.
Anthony Cao Minh Hưng
(Viết bên ly cà phê McDonalds trong một ngày cuối tháng Tư buồn)
No comments:
Post a Comment