Sunday, February 17, 2013

CUỘC TÌNH TÔI

Năm 1976 chúng tôi bắt đầu học thần học 2 thì cha bề trên  Giuse Bùi Đức Vượng bị bắt, chủng viện đóng cửa, các chủng sinh phải trở về nguyên quán. Tôi về quê nối nghiệp nông dân của mẹ : nuôi heo và làm rẫy ,trồng rau.
Ngày hai buổi tôi thồ phân heo vào rẫy bón rau. Trẻ em trong làng gặp tôi,  bịt mũi : «  Em chào thày » . Tôi cũng bịt mũi chào lại : « Thày chào em ». Rẫy trồng rau bên bờ suối, cách nhà khoảng chừng cây số. Khi đi thì khỏe, cứ thả dốc là đến nơi. Nhưng khi về là cả một cực hình. Đường dốc ngược như mái nhà. Tôi đẩy xe thồ rau nhích từng bước. Tới đầu dốc may mắn có một cây mít ven đường , tôi dựng xe vào gốc cây, người và xe đều nghỉ mệt . Tôi thực sự biết ơn cây mít, biết ơn người trồng cây mít này. Tôi nhớ đến lời Chúa « Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng » (Mt 11,28). Chỉ nhờ cây mít, tôi đã lấy lại sức rõ rệt, nếu đến với Chúa, tôi còn được bổ sức dường bao.
    Thồ rau về chợ đứng bán, tôi không ngại, nhưng nhiều người lại ái ngại cho tôi. Nhiều lúc tôi phải kéo nón thấp xuống , che bớt khuôn mặt thư  sinh của mình đi.  Nhiều bà, nhiều cô mải lựa rau, ngẩng lên , nhận ra tôi, vội kêu lên : « Giêsu Ma , thày ».
   Ngày làm rẫy, tối về đi dạy giáo lý và tập hát.Thỉnh thoảng phụ cha xứ cho giáo dân rước lễ. Mỗi năm được cha mời ăn cơm một lần vào ngày thứ sáu tuần thánh, ăn cơm chay, vì buổi sáng phải dợt hát Bài thương khó và tập nghi thức phụng vụ tuần thánh. Nói chung là làm việc như một thày giúp xứ,mặc dầu không có bài sai giúp xứ. « Ăn cơm nhà đi thổi tù và hàng …xứ ». Bà ngoại tôi dặn dò : « Nếu con hát mà nó nhả nhớt thì cứ tát vào mặt nó ». Tôi chẳng dám tát con nào , chỉ chu chu chăm chắm, không dám ngó ngang ngó ngược, tập hát xong là về nhà ngay.
  Cuộc sống đôi lúc cũng vui, nhưng thật vất vả và đơn điệu. Nhiều lúc lòng mình cũng xôn xao , khi bạn bè, đứa vượt biên, đứa lập gia đình.
Năm 1984 tôi quyết định ‘ sang ngang’. Chập chững vào đời ở tuổi 33, tuổi mà Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ vụ của ngài.
 
   Trở ngại trước nhất chính là mẹ tôi. Tôi là con một. Bố tôi mất khi tôi mới 2 tuổi, mẹ ở vậy nuôi tôi và sẵn sàng để tôi đi chủng viện.  Có lẽ ước mơ làm bà cố của mẹ không thành, hay mẹ sợ người con gái nào đó chiếm hết tình yêu của đứa con một, nên mẹ phản đối. Mẹ vẫn thường nói :   « Thế gian nó chẳng ra gì đâu con ạ». Có lần cha linh hướng của tôi tới nhà chơi, tôi nhờ ngài nói chuyện với mẹ. Mẹ tôi giận cha : «  Cha lại còn nối giáo cho giặc ! » Nhưng rồi cuối cùng , vì thương tôi và vì thấy tương lai mờ mịt, chủng viện thì đóng cửa, giáo phận thì xa, đức cha cũng chẳng liên lạc được, mẹ đành chiều ý tôi.
 
Nhưng trở ngại tiếp lại chính là tôi. ‘Làm thày’ quen rồi.  Đạo mạo quen rồi. Tôi chẳng dám nói với một người con gái nào « anh yêu em ». Được
người thân giới thiệu mấy đám, tôi cũng liều tiến tới, nhưng không xong vì ‘Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm.
Chỉ biết yêu thôi chả biết gì’.
Hay tại các nàng sợ mang tiếng quyến rũ thày, nên ngại dư luận.
Về sau, mẹ dắt tay tôi đến một nhà trong xóm.
‘Nhà nàng xeo xéo nhà tôi
Dẫu không có dậu mồng tơi
Mà tôi cũng chẳng dám sang chơi nhà nàng’
Không biết mẹ tôi ‘thầm thèo’ thế nào với mẹ nàng. Nhưng tôi chắc bố nàng không biết chuyện này. Ông là ông trùm trong giáo họ. Mỗi khi tôi đến chơi, ông vẫn chỉ một điều ‘thưa thày’ hai điều ‘kính thày’ rồi hỏi chuyện nhà thờ, chuyện dạy giáo lý. Làm sao tôi ngỏ lời được. Tôi thật biết ơn cái bát điếu nhà nàng. Tôi mới tập tành hút thuốc lào khi đi làm rẫy với anh em trong xóm, nhưng lúc này khi nói chuyện với bố nàng, tôi ôm chặt cái bát điếu, hút đến đỏ nõ điếu. Vì có biết làm gì , nói gì đâu.
Ngặt một nỗi, tôi nói chuyện với bố nàng, thì nàng chẳng dám ra tiếp chuyện.Tôi đành ậm ực ra về. Lần khác , bố nàng đi vắng, tôi đến thì chị nàng lại  ra tiếp. Hình như nàng muốn tránh tôi. Hay nàng sợ ‘nhất quỉ , nhì ma, thứ ba tu xuất’. Sau nhiều lần căn me,rồi tôi cũng gặp được nàng. Trước khi ra gặp tôi, tôi thấy nàng chải lại đầu, vuốt lại tóc. Chi tiết này làm tôi thêm can đảm để trở lại những lần sau. Tôi chỉ nắm tay nàng trước khi cưới một tuần và chở nàng bằng xe máy ba ngày trước đám cưới.  Cuối cùng thì chúng tôi cũng nên duyên vợ chồng.
 
Lúc mới cưới nhau , chúng tôi gọi trống không : Có đi làm không ? Vào ăn cơm....Một năm sau, chúng tôi có một cháu gái. Tôi đặt tên cháu là Nguyễn Phan Quỳnh Dao. Với ý cháu là viên ngọc quý của hai họ Nguyễn- Phan. Nhưng cháu có tật hay khóc và khóc to , nên có biệt danh là Tí Gào. Cũng từ đó tôi được gọi là ‘ba Gào’, ‘bố Gào’.
Có người hỏi : « Anh chị không bao giờ gọi nhau là anh em sao ? ».
Tôi trả lời : «  Có chứ. Có một lần ».
-Sao lại một lần ?
-Một lần ở nhà thờ , khi cử hành bí tích hôn phối : Anh nhận em..Em nhận anh…
Tôi thấy nói anh em, nghe cải lương thế nào ấy. Chúng tôi không nói ‘anh yêu em…Em yêu anh’ bằng lời , nhưng bằng mắt, bằng những cử chỉ tế nhị thân thiện , bằng cả một ngày sống chăm sóc cho nhau. Thật thế, chúng tôi đọc được tình yêu nồng nàn trong đôi mắt nhau.
Gần 30 năm chung sống, chúng tôi chưa một lần đánh nhau, cãi nhau, chỉ giận nhau mấy lần. Khi giận nhau , hai đứa không hề nói rằng gì. Việc đứa nào, đứa ấy làm, lặng lẽ như người không quen biết.
Giận nhau nhưng vẫn đọc kinh chung. Lườm nguýt nhau nhưng vẫn thưa kinh, vẫn hát chung.Như ngầm thỏa thuận với nhau tạm gác việc giận ra một bên, đọc kinh đã, rồi giận tiếp. Có lẽ Chúa và Đức mẹ cũng phải cười. Giận nhau đến ngày thứ hai ,thứ ba thì đứa nào cũng muốn làm lành, nhưng tự ái, chẳng đứa nào lên tiếng trước. Tôi mơ giá có cái giường lò xo Hồng Kông như nhà văn Duyên Anh kể : Khi giận nhau  mỗi đứa nằm một mép giường quay lưng lại với nhau, nhưng khi nhún một cái thì hai đứa lại lăn vào giữa. Tôi nghĩ ra một cách, trước khi đi ngủ, tôi ghi giấy : Mai gọi dậy đi làm lúc 6 giờ. Sáng hôm sau, hơn 6 giờ  tôi giật mình thức dậy, thấy tờ giấy ghi : 6 giờ rồi , dậy đi làm. Thế là hai đứa cùng cười , ôm nhau làm hòa. Lần cuối cùng , chúng tôi giận nhau lâu nhất, hơn một tuần. Không biết có phải vì thế mà sau đó chúng tôi sanh cháu út, năm thánh, năm 2000, năm con rồng và tôi đặt tên cháu là Hồng Quỳnh, theo nghĩa cháu là hồng ân Chúa ban. Và cũng từ đó, chúng tôi không dám giận nhau nữa. Trong một lớp học ở Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, giảng viên dành ít phút trước buổi học đầu tiên để chúng tôi tự giới thiệu về thân thế, gia cảnh của nhau, tôi giới thiệu mình có 6 con. Cả lớp ồ lên , ngạc nhiên.
  Nhà 9 miệng ăn : Một mẹ già, hai vợ chồng và sáu đứa con. Cuộc sống đôi lúc cũng chật vật, nhưng chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc.
 
Tưởng như chuyện cổ tích. Nhưng không, đó là chuyện tình tôi, gần 30 năm trước.
 
Phêrô  Nguyễn đức Lân
Cựu Chủng Sinh Kontum lớp 1962

No comments:

Post a Comment