Sunday, June 8, 2014

"NGƯỜI VIỆT NAM KHÔNG BAO GIỜ CHẤP NHẬN"

Báo Nga phản bác Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa

image
Tờ báo này cũng cảnh báo về sai lầm to lớn nếu ai đó quyết định ngả theo Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông.
Ngày 1/6, trên trang mạng của tờ báo Nga “Gazeta.ru” có đăng bài bình luận – phân tích của nhà báo Vladimir Koriaghin về những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc tiến hành việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bài báo có nhan đề “Người Việt Nam không bao giờ chấp nhận”, với hơn 2.500 từ, phân tích khá chi tiết từ cứ liệu lịch sử đến những hành động của Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây... để khẳng định tính phi lý của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông.
Mở đầu, bài báo nêu vấn đề: Bất đồng giữa các quốc gia trong vùng Biển Đông đang gây ra những xung đột về lãnh thổ, trong đó một bên là CHND Trung Hoa. Và “Gazeta.Ru” tìm ra lịch sử các xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam khi lý giải vì sao quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
 
image
Với đề mục “400 năm không Trung Quốc”, bài báo đã dẫn ra một số cứ liệu địa lý, lịch sử để khẳng định rằng, quần đảo Hoàng Sa trong mấy thế kỷ gần đây không có trong bản đồ của Trung Hoa thời cổ lẫn kim. Tác giả nêu vị trí kinh độ, vĩ độ, rồi nêu một điểm đáng ghi nhận trong tập bản đồ cổ của Việt Nam từ Thế kỷ thứ 17, khẳng định trong đó lần đầu tiên nhắc đến tên “Cát Vàng” (tức “Hoàng Sa”) và quần đảo “Spratli”.
 
Theo các cứ liệu lịch sử, vào năm 1721, một Công ty của Việt Nam mang tên “Công ty Hoàng Sa” đã được thành lập nhằm khai thác các đảo trong vùng Biển Đông cũng như cử các đội tàu tới đó. Trong khi đó thì trong tất cả các tư liệu cùng thời của Trung Quốc, không hề có chữ nào nhắc tới Spratli hay Paraseli.
 
image
Bài báo còn đưa ra những tư liệu lịch sử nói về sự có mặt liên tục của Việt Nam qua các thời kỳ và đến tận đầu thế kỷ 19, khi Thực dân Pháp đô hộ và lập từ điển Latin – An Nam thì quần đảo Hoàng Sa vẫn được lấy theo tên gọi “Cát vàng” của Việt Nam. Một câu chuyện được dẫn ra để chứng minh việc Trung Quốc không hề có vai trò gì ở đây là vào cuối thế kỷ 19, trong khu vực Hoàng Sa xảy ra tai nạn với 2 chiếc tàu của Vương Quốc Anh chở nhiều tài sản quý. Người dân Trung Quốc thuộc tỉnh Hải Nam đã chiếm hết số tài sản này, khiến người Anh nổi giận. Nhưng khi đó, người Trung Quốc đã trả lời rằng, Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc, bởi thế Chính quyền nước này không chịu trách nhiệm gì về những việc xảy ra trên quần đảo này.
 
Sau những phân tích đó, tác giả bài báo cho rằng, những hành động của Trung Quốc gây mâu thuẫn và tranh chấp trong khu vực Hoàng Sa là do tư tưởng bá quyền của Trung Quốc. Tác giả tiếp tục đưa ra những cứ liệu lịch sử để vạch ra những hành động sai trái của Trung Quốc khi từng bước “Hán hóa” quần đảo Hoàng Sa.
 
image
Từ chỗ cho ra bản đồ hành chính mới của Trung Quốc năm 1933 gọi quần đảo Spratli và Parasel là Nam Sa và Tây Sa... rồi đến việc vào năm 1947 Trung Quốc chính thức tuyên bố các tên gọi Nam Sa và Tây Sa cho các quần đảo mà Trung Quốc chiếm trước khi người Pháp cùng người Việt Nam ra giải giáp vũ khí của quân Nhật sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.
 
Tiếp đó là nhiều sự kiện khác nữa, trong đó có việc Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm hoàn toàn được tác giả bài báo nhắc lại thông qua sự kiện xảy ra vào tháng 1/1974. Khi đó Trung Quốc đã dùng vũ lực để nắm quyền kiểm soát và bắt đầu chuẩn bị khai thác trong khu vực Spratli.
 
Tác giả bài báo dùng cụm từ “Bắc Kinh đốn củi” để nói về quan điểm không thay đổi của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông. Thời gian đó, khi dầu mỏ và khí đốt được tìm thấy vào đầu những năm 1990 cách không xa quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh đứng ngồi không yên.
Đã xảy ra những va chạm ở phạm vi cục bộ trên vùng Biển Đông trong nhiều năm, nhưng không dẫn đến đụng độ quân sự.
 
image
Rồi đến sự kiện giàn khoan Hải Dương – 981. Tác giả bài báo, Vladimir Kuriaghin khẳng định Trung Quốc đã để xảy ra xung đột trong vùng đặc quyền kinh tế không phải của Trung Quốc. Tác giả dẫn ra những hành động, lời phát biểu của cộng đồng quốc tế cũng như của người dân Việt Nam phản đối việc làm của Trung Quốc và cho rằng, Trung Quốc đã không đưa ra những phản hồi xây dựng đối với những đòi hỏi hợp pháp từ phía các đại diện của cộng đồng thế giới.
 
Cũng trong bài báo của mình, tác giả Kuriaghin trích dẫn ý kiến của các chuyên gia có uy tín nhất trong lĩnh vực nghiên cứu Biển Đông và quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, thông qua cuộc trao đổi của họ với “Gazeta.Ru”, để lý giải về bản chất của những gì đang diễn ra và triển vọng giải quyết xung đột. Đó là Grigori Locshin, Tiến sỹ Khoa học Lịch sử, chuyên viên Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga; Ivan Melnikov, Phó Chủ tịch Thứ Nhất BCH Trung ương Đảng Cộng sản LB Nga, Phó Chủ tịch Thứ Nhất Duma Quốc gia Nga (tức Hạ Viện); Giáo sư Viện Hàn lâm Quốc phòng Australia Carl Thayer, một trong những chuyên gia uy tín nhất trong nghiên cứu Biển Đông; Nicolai Kolesnic, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tổ chức Xã hội liên vùng các cựu chiến binh Nga tại Việt Nam; Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Peterburg Vladimir Kolotov và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga Ilya Usov....
 
image
Qua các ý kiến này, việc làm của Trung Quốc càng bị khẳng định là sai trái, gây bất ổn trong khu vực. Dư luận chung đều lo ngại diễn biến căng thẳng này và bày tỏ mong muốn các bên giải quyết xung đột bằng thương lượng hòa bình.
 
Đặc biệt, trong ý kiến của mình, nhà nghiên cứu Ilya Usov nêu: “Trung Quốc và Việt Nam là những đối tác chiến lược duy nhất của Nga ở Đông Á. Trước đây đất nước chúng ta giữ quan điểm trung lập trong những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Với sự thay đổi trong đường lối chiến lược của Nga xuất hiện một mối nguy hiểm (đây quả thực là nguy hiểm), rằng Moscow có thể xem xét lại quan hệ của mình trước những quan điểm của các bên trong vùng Biển Đông, thay đổi quan điểm trung lập hoàn toàn bằng ngả về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu điều đó xảy ra thì sẽ là sai lầm”./.

******

Nhật Bản cô lập Trung Cộng

image
Trung Quốc - con rồng châu Á bị buộc chân
Hội nghị Diễn đàn An ninh Châu Á Shangri-la hàng năm kỳ này, năm 2014, vào cuối tháng Năm là ngày các nước Á châu Thái Bình Dương và Mỹ cô lập Trung Cộng, đào huyệt chôn mộng bá quyền, bành trướng của TC.

Đó là cái giá phải trả, hậu quả tất yếu phải chịu của TC, về những hành động không văn minh, không pháp lý, không đạo lý mà TC đã làm lâu nay, nào giành giựt biển đảo của các nước Á châu Thái bình dương; nào ngang ngược lập vùng cấm bay trên không phận của các nước láng giềng; nào tự chuyên đưa ra bản đồ mạo nhận đất biển của các nước trong vùng; nào ngang nhiên tuyên bố 80% biển Đông Nam Á là của Trung Quốc; nào hành xử như đang ở ao nhà, đặt giàn khoan tìm khí đốt, huy động hàng trăm tàu bè trấn áp tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân VN ngay trong vùng đặc quyền kinh tế VN.
 
image
Cái gì đến phải đến. Đây là lúc các nước nạn nhân của TC kết họp lại, liên minh cùng Mỹ đệ nhất, Nhật đệ tam siêu cường kinh tế thế giới cô lập TC, tố cáo TC như tội đồ xâm lược. Trong hội nghị của Diễn Đàn an ninh này, không một nước Á châu nào đứng về phía TC, chưa bao giờ TC “cực kỳ” cô độc như lúc này.
Mỹ đệ nhất siêu cường thế giới đóng vai điều động và hậu thuẫn. Nhật đệ tam siêu cường thế giới đóng vai hành động, kết hợp, điều hợp các nước Á châu Thái bình dương thành liên minh hỗ trợ các quốc gia trong vùng bảo vệ an ninh trên không và trên biển. Trước mặt hăm cả mấy phái đoàn đại diện các nước, trong đó có Mỹ, TC, Nhật, Úc và mười nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Abe với tư cách là khách mời chỉ đạo, long trọng tuyên bố Nhật và Hoa Kỳ đã sẵn sàng thắt chặt hợp tác với Úc và Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Nhật “ủng hộ tối đa” cho các nước Đông Nam Á, trong đó có một số nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc."Chính phủ Nhật ủng hộ mạnh nỗ lực của Philippines và "Chúng tôi cũng ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
 
image
Điều chúng ta ít mong đợi nhất là sợ rằng luật pháp bị thay thế bằng các mối đe dọa, sự hăm dọa chen chân vào luật lệ". TT Nhật còn công bố Nhật viện trợ vô thường, sắp chuyển giao cho Philippines, một trong những quốc gia nghèo trong vùng, 10 tàu tuần duyên để tăng cường khả năng tự vệ. Và Nhật cũng đưa chuyên viên Hải quân đến lo bảo trì. Đó là một bước tiến mới do tình hình mới của Nhật so với hiến pháp hiếu hoà không cho phép Nhật có quân đội và đưa quân ra ngoại quốc. Thủ Tướng Nhật nhấn mạnh “Indonesia cũng sắp nhận được ba tàu tuần duyên tương tự và Việt Nam cũng có thể được hỗ trợ như hai nước.”

Về nguyên tắc chung, Thủ tướng Nhật kêu gọi các quốc gia trong vùng tôn trọng ba nguyên tắc: tôn trọng chuẩn mực quốc tế về đường phân định biên giới, không dùng biện pháp cưỡng chế, áp đặt và phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Ông không tố cáo đích danh TC nhưng ai cũng biết, Thủ tướng Shinzo Abe lên án TC đã hành động «vi phạm ba nguyên tắc này» cố tình «làm thay đổi nguyên trạng».
 
image
Ông long trọng kêu gọi các nước liên hệ hợp tác chặt chẽ với nhau và với Hoa Kỳ cũng như với Úc ở tận cùng Nam Thái Bình dương, để bảo vệ được nền hòa bình trong khu vực trước những đe dọa của Trung Quốc. Đó là chiến lược Ông gọi là «kế hoạch Phòng vệ Tập thể».

Đề nghị của Nhật được Mỹ hoan nghênh và ủng hộ. Với đề nghị này, Nhật sẽ chia xẻ vai trò với Mỹ trong chiến lược chuyển trục sang Á châu. Nhật và các nước Á châu chủ động, tích cực và sáng tạo hơn thay vì phải chờ và nhờ sức mạnh của Hoa Kỳ. Nhật có thể phát triễn kỹ nghệ quốc phòng làm nhẹ gánh nặng tài chính của Mỹ trong chiến lược chuyển trục. Các nước Đông Nam Á có được một đồng minh gần về quân sự, kinh tế và văn hoá.
image
Còn Mỹ, trong bài diễn văn trong diễn đàn Shangri-la này, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hagel nói Washington nhất định “không ngoảnh mặt làm ngơ” nếu trật tự quốc tế bị đe dọa. Hoa Kỳ sẽ «không điềm nhiên tọa thị» để cho Bắc Kinh gây bất ổn ở biển Đông, hiếp đáp Việt Nam và Philippines. Hoa Kỳ phản đối bất kỳ mưu toan nào nhằm hạn chế quyền bay ngang hoặc quyền tự do hàng hải, bất kể là sự hạn chế đó phát xuất từ tàu bè dân sự hay quân sự của nước lớn hay nước nhỏ. Ông tố cáo Trung Quốc hạn chế quyền tiếp cận của Philippines đối với Bãi cạn Scarborough. Ông tố cáo TQ hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển có tranh chấp với Việt Nam. Ông cam kết hỗ trợ cho các kế hoạch của Nhật Bản nhằm nắm giữ một vai trò lớn hơn trong việc duy trì sự ổn định của khu vực này.

Từ Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston đã trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald, số ra ngày 02/06/2014 và cho biết ông ủng hộ cáo buộc của đồng nhiệm Mỹ Chuck Hagel, theo đó, Trung Quốc có những hành động gây mất ổn định trong khu vực Biển Đông.
image
Indonesia quốc gia nhiều đảo nhất, nên còn có tên Nam dương quần đảo, nhiều dân Hồi Giáo nhất thế giới, là quốc gia Hồi Giáo thân thiện với Mỹ nhất, trước đà xâm lấn biển đảo của TC, đang chạy đua võ trang, có kế hoạch hiện đại hóa quân đội, phát triển lực lượng hải quân, phát triển trực thăng tấn công trên các quần đảo cực nam, thuộc Biển Đông.
image
Trở lại hội nghị Changri-la, tất cả các nước Á châu Thái bình dương có mặt hoan nghinh, ủng hộ đường lối của Nhật đề nghị. Trừ TC là nước duy nhất trong hội nghị phản đối. Theo AFP, bà Phó Oánh, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đảng cử dân bầu của Trung Quốc có mặt tại Singapore, bí quá chỉ tố Nhật khai thác xung khắc biển đảo để sửa đổi chính sách an ninh khu vực và điều này làm các quốc gia trong vùng lo ngại! Đó là luận điệu lâu nay của TC vừa ăn cướp vừa la làng.Thiên hạ chẳng ai nghe./.

******

Chính quyền Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ nào?

image
Bản điều trần của tiến sĩ, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Việt Nam
Tại Tiểu Ban Nhân Quyền thuộc Ủy Ban Thường Trực về Đối Ngoại và Phát triển Quốc Tế của Quốc hội Canada, thông qua Liên Hội Người Việt Canada, vào ngày 29.5.2014
Chưa bao giờ kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Nam - Bắc vào năm 1975, những người lãnh đạo ở Việt Nam lại phải đối mặt với 5 nguy cơ quá lớn như hiện nay:


1. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế:
 
image
Đây là nguy cơ lớn nhất và giải thích vì sao giới lãnh đạo Hà Nội lại quá cần đến Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cuộc suy thoái kinh tế ở Việt Nam kéo dài từ năm 2008 đến nay đã làm kiệt quệ gần như toàn bộ nền kinh tế. GDP giảm đến 50%, tương ứng với các ngành kinh tế chủ chốt như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và du lịch đều suy giảm trầm trọng. Khoảng 50% số doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, giải thể, hoặc tạm ngưng hoạt động. Tỷ lệ thất nghiệp thực tế lên đến khoảng 20%.
 
Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng lên đến ít nhất 500.000 tỷ đồng (khoảng 25 tỷ USD), khoảng 75% nợ xấu tập trung vào thị trường bất động sản. Còn nợ công quốc gia lên đến ít nhất 95% GDP.
Tuy nhiên, đáng chú ý là gần như toàn bộ hậu quả cho đến nay vẫn chưa hề được giải quyết. Nhiều chuyên gia phản biện cho rằng đáy kinh tế vẫn chưa lộ ra, và nền kinh tế vẫn còn tiếp tục lao dốc trong những năm tới. Trong những năm sắp tới, Nhà nước Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ như Argentine vào năm 2001.
 
2014 có thể là năm đầu tiên của một chu kỳ khủng hoảng ngân hàng, bắt đầu từ sự đổ vỡ của vài ngân hàng hạng trung và có thể dẫn đến sụp đổ dây chuyền trong ít nhất 50% số ngân hàng hiện hữu, dẫn đến khủng hoảng gần như toàn bộ nền kinh tế. Chu kỳ khủng hoảng kinh tế có thể lên đến cao điểm vào năm 2016-2017 và trở thành sóng nhấn cuối cùng đối với con thuyền chính trị. Đây là diễn biến quan yếu nhất.

2. Bất ổn xã hội và phản kháng dân chúng:
 
image
Bất ổn xã hội và phản kháng dân chúng đã gia tăng đột ngột từ năm 2011 cho tới nay. Trong những năm tới, phản kháng xã hội sẽ tăng cao về số lượng, quy mô, tạo nên áp lực lớn đối với chính thể và nằm trong giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng xã hội trong những năm sau. Xu hướng này sẽ mau chóng biến thành xu thế ở rất nhiều địa phương, liên quan đến đất đai, môi trường, đình công, quan hệ giữa người dân và nhân viên công lực, nạn tham nhũng…
 
Quy luật khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng xã hội đang ứng nghiệm ở Việt Nam. Nếu hệ thống ngân hàng bị vỡ một phần, tình trạng đó sẽ lập tức ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của số doanh nghiệp còn lại và đẩy cao tình trạng thất nghiệp. Lạm phát cũng được thổi bùng và làm cho đồng tiền mất giá, có thể tái hiện một phần tình trạng lạm phát đến 600% những năm 1985-1986. Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt đến 30-40% và đẩy phần lớn người lao động ra đường. Tình cảnh đó rất có thể làm cho niềm tin chính thể của người dân hoàn toàn tan vỡ và tạo nên làn sóng phản kháng rộng khắp, đặc biệt là trong nông dân và công nhân.
 
Khả năng cạn kiệt ngân sách và kinh phí an sinh xã hội cũng khiến cho nguy cơ vỡ quỹ lương hưu và quỹ bảo hiểm xã hội trở nên rất hiện hữu. Nếu khả năng này xảy ra, phần lớn cán bộ đảng viên về hưu, vốn đã tích tụ bất mãn và bức xúc đối với đảng và chính quyền, sẽ có thể trả thẻ đảng, tạo nên một phong trào thoái đảng trên diện rộng và gia nhập vào làn sóng biểu tình của người dân.

3. Phong trào dân chủ - nhân quyền và sức ép quốc tế:
 
image
Từ năm 1975 đến nay, chưa bao giờ đảng cầm quyền phải đối đầu với một là sóng phản kháng của giới bất đồng chính kiến và dân chủ - nhân quyền trong nước như hiện nay. Từ đầu năm 2013, xã hội dân sự đã chính thức hình thành ở Việt Nam, cho dù không được chính quyền thừa nhận. Vào tháng 4/2014, lần đầu tiên từ năm 1975, Nhà nước Việt Nam phải thỏa hiệp với Hoa Kỳ để thả đến 5 tù nhân chính trị.
 
Cũng chưa bao giờ giới lãnh đạo Việt Nam lại ở thế yếu ớt như hiện thời trong mối tương quan với Hoa Kỳ và phương Tây. Cuộc đi dây của Việt Nam giữa hai quốc gia Trung Quốc và Hoa Kỳ được xem là rất phiêu lưu và không mang lại hiệu quả.

4. Hiểm họa Trung Quốc:
 
image
Việt Nam càng bị phụ thuộc và Trung Quốc và càng bị Trung Quốc lấn ép ở Biển Đông và trong vấn đề nhập khẩu. Trong tương lai gần, nguy cơ từ Trung Quốc là rất tiềm tàng và có thể xảy ra những đột biến, không chỉ ở Biển Đông mà có thể là những can thiệp vào nội trị ngay tại Hà Nội và cả quân sự ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Không loại trừ vào giai đoạn 2016-2017, khi Việt Nam có thể rơi vào khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội và nội bộ phân hóa sâu sắc, Trung Quốc có thể tung ra một chiến dịch tấn công quân sự tổng lực vào Việt Nam.
 
Trước sức ép và hiểm họa liên tục từ Trung Quốc, gần đây đã có vài dấu hiệu cho thấy ngay cả phe bảo thủ nhất trong đảng cũng đang có xu hướng dần chuyển sang quan hệ thỏa hiệp hơn với các đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền của Hoa Kỳ và phương Tây, nhằm đổi lại quan hệ TPP, đầu tư, thương mại đa phương và hợp tác quân sự Biển Đông.

5. Cuộc tranh đoạt không khoan nhượng giữa các nhóm lợi ích:
 
image
Khác với sự thống nhất tạm thời trong quá khứ, hiện thời và tương lai gần của đảng cầm quyền không cho thấy những dấu hiệu khả quan về tính đồng thuận. Ngược lại, mối mâu thuẫn và xung khắc nội bộ ngày càng lớn, chủ yếu xuất phát từ quyền lợi của các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị. Đây là cuộc tranh đoạt ở giai đoạn cuối cùng, không khoan nhượng và cũng là một mối nguy rất lớn mà có thể làm tan vỡ đảng cầm quyền ở Việt Nam, ngay cả trong điều kiện nền kinh tế chưa thật sự rơi vào khủng hoảng.

* Kết luận:
 
Một cách đương nhiên, việc xem xét và lượng giá 5 nguy cơ nêu trên có thể bổ túc cho giới chính khách và các nhà đầu tư Canada một cái nhìn đầy đủ hơn về tình hình thực tại và tương lai trung hạn ở Việt Nam, từ đó đưa ra những chính sách đối xử Canada - Việt Nam không nhất thiết phải quá mềm dẻo về thương mại song phương, đầu tư và viện trợ nhân đạo.
Tôi cho rằng chính sách và áp lực về thực thi dân chủ, nhân quyền của phương Tây, chính sách xoay trục về châu Á- Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vẫn còn nguyên giá trị và sẽ phát huy tác dụng lớn trong những năm tới, đặc biệt vào giai đoạn 2016-2017 là thời gian mà nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng đạt đỉnh khủng hoảng kinh tế, dẫn đến những biến loạn xã hội khôn lường và có thể tiếp biến một cuộc khủng hoảng chính trị ghê gớm.
*****

Trung Quốc khoan trúng 'núi lửa' ở Biển Đông

image
Giàn khoan Hải Dương 981 được sử dụng như một hòn đảo di động để giành chủ quyền, nhưng chính giàn khoan này đang lôi Trung Quốc vào một vũng lầy khó thoát.
Mục đích và thực tế
Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc mang đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một giàn khoan nửa chìm, công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới, được người Trung Quốc tung hô là "tượng đài của sức mạnh năng lượng Trung Quốc."

Tuy nhiên, không chỉ sử dụng trong mục đích kinh tế, giàn khoan này còn được Bắc Kinh sử dụng như một hòn đảo di động để áp đặt việc giành giật chủ quyền trên biển. Theo kế hoạch đề ra, Hải Dương 981 sẽ khoan thử nghiệm tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng thực tế, phía Việt Nam cho rằng nơi đây khả năng cao không có dầu. Vậy Trung Quốc muốn khoan cái gì ở đó?
image
Họ muốn khoan thử nghiệm vào phản ứng của thế giới trước sự ngang ngược, bất chấp của họ. Họ muốn khoan thử vào lòng dân Việt Nam, để xem xem sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh, nhiều thế hệ mới ra đời, quen sống trong nhung lụa đầy đủ có còn lòng tự tôn dân tộc như ngày còn chiến tranh, còn nghèo khổ.

Có lẽ, đó mới chính là những mũi khoan mà Trung Quốc muốn thử nghiệm. Tiếc rằng, lần này Trung Quốc đã khoan phải miệng núi lửa chứ không phải mỏ dầu. Giàn khoan Hải Dương 981 đã kích hoạt lòng yêu nước của người dân Việt Nam, và đây cũng là thứ vũ khí mãnh liệt nhất, lợi hại nhất mà dân tộc nhỏ bé này có, từ bao đời nay.
image
Giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và tàu kéo bảo vệ.
Việt Nam cũng nhận thấy rằng cần phải có những sự cẩn trọng hơn với Trung Quốc, từ chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự.... Một giàn khoan Hải Dương 981 như một giọt nước làm tràn ly, Việt Nam đã nhận thấy nhiều điều, cần xem xét nhiều thứ, mà trên hết, chủ quyền đang bị đe doạ.Đồng thời, giàn khoan Hải Dương 981 đã làm Việt Nam tỉnh táo trước những sự hữu nghị viển vông. Như ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nói trong cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông hôm 23/5, khi phóng viên hỏi về vấn đề mối quan hệ hữu nghị và 16 chữ vàng với Trung Quốc: “Xin khẳng định việc chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng với dân tộc Việt Nam, nên không thể đánh đối được. Vàng rất quý, nhưng chủ quyền quốc gia còn quý hơn vàng.”

Còn quốc tế, Bắc Kinh sai lầm lớn hơn trên phương diện này. Họ bày ra những lời biện minh ngây ngô, nào là tàu cá Việt Nam muốn tấn công giàn khoan nên tự chìm, nào là cảnh sát biển Việt Nam đâm lực lượng chấp pháp Trung Quốc 171 lần, nào là tàu kiểm ngư Việt Nam tấn công tàu cá vỏ sắt Trung Quốc...

Bắc Kinh quên rằng thế giới đang ở thế kỷ 21, khi đang ở trong một "thế giới phẳng," bạn sẽ không thể che giấu điều gì. Đây không phải cuộc đấu khẩu giữa Bắc Kinh và Hà Nội, bởi những phóng viên quốc tế đang làm nhiệm vụ tương tự như những quan sát viên Liên Hợp Quốc, và sự thực được phơi bày trước ống kính của họ.
image
Bà Phó Oánh - thiên tài hùng biện của Trung Quốc đã đến Shangri-la quyết đọ thiệt hơn.
Tại hội nghị Shangri-La 2014, phái đoàn của Trung Quốc có một nhân vật rất đáng chú ý là bà Phó Oánh. Nhân vật này được báo chí phương Tây xưng tụng là người phụ nữ có tài hùng biện nhất Trung Quốc, là "nắm đấm thép bọc nhung," là người có khả năng "thổi tung bất kỳ ai ra ngoài Trái Đất bằng lời nói". Nhân vật này đủ cho thấy Trung Quốc muốn hơn thua ở diễn đàn này.

Nhưng thực tế, dù cho có một Phó Oánh hay mười Phó Oánh thì một sự thực mà Bắc Kinh đang phải thừa nhận, chính họ đã tự thổi mình ra khỏi thế giới khi không nhận được bất kỳ một lời ủng hộ nào cho chiến lược, sách lược chủ quyền của họ.

Đồng thời, Trung Quốc đã tạo ra một cái cớ để Nhật Bản bất chiến tự nhiên thành. Thay vì chạy đua tiền bạc với Trung Quốc trong những gói đầu tư, những nguồn vốn vay ưu đãi, Nhật Bản bỗng dưng trở thành người nói lời chính nghĩa, là bậc quân tử. Nhật Bản tỏ ra cho ASEAN thấy có đại nạn mới tỏ tình bằng hữu, và ASEAN chắc chắn sẽ nắm lấy bàn tay mà Nhật đang chìa ra. Trong cuộc đua ngoại giao, ảnh hưởng này, Trung Quốc thua rồi.

Bị cô lập đã là tồi tệ, nhưng tự cô lập còn nguy hiểm hơn nhiều. Trung Quốc có cả hai hoàn cảnh này. Cái giàn khoan không có lỗi, lỗi là ở những người áp đặt mục đích lên nó, và Bắc Kinh không chỉ muốn khoan thử dầu mà còn muốn nhiều phép thử khác, và thực tế mọi phép thử đều khiến họ bẽ bàng.
Việt Nam có thể làm gì?
image
Dù biết rằng giàn khoan Hải Dương 981 kéo Trung Quốc vào một bãi lầy, nhưng thói dân tộc chủ nghĩa, quan điểm thiên triều ăn sâu vào tiềm thức những người lãnh đạo Trung Quốc thì khó có thể thay đổi. Họ cho rằng họ đang dư thừa sức mạnh, bãi lầy đang kéo họ xuống kia, họ lại nghĩ rằng đã đặt một chân lên việc hiện thực hoá giấc mơ đẹp về một Đại Trung Hoa.

Việt Nam lên án, thế giới phản đối, cô lập hoàn toàn, nhưng với giàn khoan này, Trung Quốc lâm vào ba trường hợp: hoặc cố đấm ăn xôi, chịu nhiều tốn kém, duy trì đến đúng lộ trình tháng 8 thì rút về. Hoặc rút ngay về nước hay một căn cứ quân sự nào gần đó. Ba là để luôn cái giàn khoan ấy ở lại Hoàng Sa hoặc xa hơn là Trường Sa.

Biện pháp một là thượng sách, hai là trung sách, ba là hạ sách với Trung Quốc. Nhưng nếu Bắc Kinh dùng phương pháp thứ ba, điều này chứng tỏ khát vọng, dã tâm của Trung Quốc là đã không thể kìm chế được nữa.

Trong những hoàn cảnh đó, Việt Nam làm được gì? Điều khả dĩ nhất lúc này là kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế. Nếu kiện, Việt Nam sẽ thắng. Nếu thắng, thì đó cũng chỉ là chiến thắng trên bàn ngoại giao, trên phương diện thủ tục pháp lý. Trung Quốc không phải một kẻ tôn trọng luật pháp cho lắm.
image
Ba tàu Trung Quốc vây đánh tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần một sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị ở đây không chỉ là mua sắm khí tài quân sự hay tăng chi tiêu quốc phòng. Việt Nam cần phải có một sự đầu tư hơn về quan hệ quốc tế, chuẩn bị những đường lùi cho mình khi đối tác chính của nền kinh tế là Trung Quốc có trắc trở…

Và biện pháp tốt nhất vào thời điểm này, đó là quốc tế hóa, đưa vấn đề Biển Đông ra thế giới một cách công khai, Việt Nam có thể hoàn toàn mang những lợi ích kinh tế trên vùng đặc quyền của mình để hợp tác với đa dạng các quốc gia.

Làm được điều này, Trung Quốc có muốn nuốt Biển Đông cũng phải bước qua nhiều cường quốc và Việt Nam bất chiến tự nhiên thành.
Đất Việt

********

Hoa Kỳ kết liễu sự mập mờ của Trung quốc về đường chín đoạn

image
Lần đầu tiên Hoa Kỳ đã bày tỏ một cách rõ ràng rằng đường chín đoạn do Trung quốc và Đài loan vẽ ra trên Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế. Trong buổi tường trình trước Uỷ Ban Đối Ngoại của Quốc hội Hoa Kỳ, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Danny Russel đã nói: “Theo luật pháp quốc tế, các đòi hỏi chủ quyền ở biển Biển Đông phải dựa trên các yếu tố từ đất liền.
Tất cả những tuyên bố chủ quyền từ “đường chín đoạn” của Trung quốc mà không dựa trên các quyền chủ quyền trên đất liền đều trái với luật pháp quốc tế. Cộng đồng thế giới yều cầu Trung quốc phải giải thích, nếu không thì phải điều chỉnh những tuyên bố chủ quyền dựa trên đường chín đoạn, để tuân thủ theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.”
 
image
Với diện tích rộng hơn 1,4 triệu dặm vuông, Biển Đông có hàng trăm các đảo và quần đảo nhỏ, các rặng san hô, mà phần lớn là không có người ở hay không đủ điều kiện sinh sống. Trung quốc thừa hưởng ý tưởng về đường chín đoạn từ chính quyền quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, đó là một đường vẽ mập mờ bao quanh tất cả các hòn đảo ở Biển Đông, mà vùng nước trong đó Trung quốc đòi hỏi chủ quyền. Dựa theo Công Ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (U.N. Convention on the Law of the Sea – UNCLOS), được thương thảo vào những năm 70 và 80, các quốc gia ven biển được yêu sách quyền độc quyền khai thác các nguồn tài nguyên ngư nghiệp và khoáng sản trong “vùng đặc quyền kinh tế” (Exclusive Economic Zones – EEZ), đó là vùng nước rộng 200 hải lý tính từ bờ biển hay xung quanh các hòn đảo có người ở. Không có điều luật nào trong công ước UNCLOS cho phép đòi hỏi quyền chủ quyền mà không dựa vào nguyên tắc tính từ đất liền này. Dựa trên nguyên tắc này của UNCLOS, Hoa Kỳ xem các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà không dựa trên các hòn đảo có người sinh sống là hoàn toàn vô giá trị. Tuyên bố của trợ lý ngoại trưởng Russel đã làm rõ luận điểm này của Hoa Kỳ.
 
image
Có thể thấy rõ sự quan tâm của Hoa Kỳ dưới chính quyền của Tổng thống Obama đến tình hình Biển Đông. Chỉ dấu đầu tiên của sự quan tâm đó là tuyên bố được biết đến rộng rãi của Ngoại trưởng Clinton tại một hội nghị quốc tế tại Hà nội vào năm 2010, trong đó bà nêu ra các nguyên tắc trong chính sách của Hoa Kỳ ở Biển Đông: đó là tôn trọng tự do hàng hải, giải quyết các bất đồng một cách hoà bình, tự do thương mại, thương thuyết để tiến tới thành lập một Bộ Qui Tắc Ứng Xử (Code of Conduct – COC) nhằm giải quyết các bất đồng, và vấn đề liên quan ở đây, là các đòi hỏi chủ quyền vùng ở các vùng biển phải dựa trên các chủ quyền hợp pháp trên đất liền. Tuyên bố của bà Clinton đã đụng chạm đến một chủ đề rất mập mờ mà trước đó ít được nhắc đến, nó làm cho Biển Đông trở thành một điểm nóng về ngoại giao, một chủ đề tranh luận giữa các nhà phân tích và các chuyên gia về an ninh quốc gia, và trong một vài trường hợp, nó làm cơ sở cho các tranh cãi của các bên đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi các nước Đông Nam Á như Việt Nam. Philippines, Malaysia, và Brunei nhiệt liệt ủng hộ, tuyên bố này làm Trung quốc rất tức giận.
 
image
Ngoại trưởng Clinton đã đưa ra tuyên bố này để phản hồi cho những bất an ngày một gia tăng giữa các nước láng giềng của Trung quốc về việc nước này đang ngày càng mạnh bạo hơn trong các đòi hỏi chủ quyền thông qua các phương cách chính trị và quân sự, trong một môi trường thiếu vắng các cơ chế ngoại giao để làm giảm thiểu các căng thẳng. Trong khoảng giữa năm 1994 và 1995, đã có một giai đoạn căng thẳng tương tự khi Trung quốc tiến hành xây dựng các công trình ở rặng san hô Mischief nằm trong quần đảo Trường Sa mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Những đổ vỡ mang tính hệ quả trong mối quan hệ giữa Trung quốc và các nước Đông Nam Á đã làm cho các lãnh đạo Trung quốc khi ấy, mà dẫn đầu là ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham, phải thương thảo với các nước ASIAN một bản Tuyên Bố Ứng Xử (Declaration of Conduct – DOC), và một cam kết rằng các bên sẽ không có những hành động làm thay đổi nguyên trạng. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ tấn công tàu cá do một trong các bên, hoặc một trong những quốc gia liên quan, mà chủ yếu là Việt Nam, cho phép các công ty thăm dò dầu khí trong vùng tranh chấp, những biến cố này đã không châm ngòi cho các cảnh báo chiến tranh.
image
Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, đã có những lo ngại gia tăng trong vùng và ngay tại Hoa Kỳ là Trung quốc đã không còn thích thú với các giải pháp ngoại giao nữa, mà nay đang quay sang sử dụng các phương cách quân sự và luật pháp để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Các tuyên bố nhắm vào giới ngoại giao Hoa Kỳ là Trung quốc xem Biển Đông như một “quyền lợi cốt lõi” mà liên quan nó Trung quốc sẽ không chấp nhận sự can thiệp làm tăng căng thẳng từ bên ngoài. Trong năm 2012, Trung quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi ngư trường truyền thống của họ nằm xung quanh bãi cạn Scarborough, nằm cách các đảo lớn của Philippenes ít hơn 125 dặm, rồi từ đó cho cảnh sát biển liên tục kiểm soát. Cũng trong năm 2012, Trung quốc thiết lập một đơn vị hành chánh và quân sự bao gồm nhiều phần của quần đảo Hoàng sa. Ngay khi vừa thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông vào cuối năm 2013, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung quốc tuyên bố ý định thành lập một vùng nhận dạng phòng không tương tự ở Biển Đông, chắc chắn sẽ chồng lấn với ít nhất vài khu vực đã được thiết lập bởi các nước khác.
image
Biển Đông là một vấn đề phức tạp đối với Hoa kỳ. Chúng ta không có đòi hỏi nào trong vùng đó. Chúng ta đã không, và sẽ không nên ngả theo phe nào trong các tuyên bố chủ quyền. Cho dù bất kỳ nước nào thiết lập được khả năng phát huy sức mạnh từ các đảo ở Biển Đông cũng sẽ khó lòng mà đe doạ được tàu bè và quân đội Hoa kỳ hoạt động trong vùng. Mặc dù có những đánh giá về tiềm năng dầu hoả và khí đốt, khả năng khai thác thương mại là không thể trong tương lai gần.
Tuy nhiên, Hoa kỳ có các mối quan tâm trọng yếu ở biển Biển Đông. Đó là:
• Để bảo đảm tự do hàng hải, không phải vì quyền lợi của bất cứ nước cụ thể nào, mà đó là một quyền quốc tế quan trọng trong một khu vực mà 50% các tàu chở dầu phải đi qua, một hải lộ lớn của kinh tế thế giới, và là nơi mà các tàu hải quân Hoa kỳ được gửi đến và hoạt động thường xuyên theo luật pháp quốc tế.

• Để ngăn chặn việc sử dụng sức mạnh hay áp bức để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay hàng hải.

• Để bảo vệ cho việc tuân thủ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề như vậy.

• Để bảo đảm tất cả các quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, được quyền khai thác các nguồn lợi ngư nghiệp và khoáng sản bên ngoài các vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp.

• Để ngăn chặn một đồng minh của Hoa Kỳ là Phillippenes khỏi bị bắt nạt hay bị tấn công bằng sức mạnh.

• Để đảm bảo rằng quyền lợi của tất cả các quốc gia, chứ không phải chỉ có nước lớn, phải được tôn trọng.
 
image
Có những áp lực giữa các yếu tố khác nhau trong quyền lợi của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không muốn thấy Trung quốc đạt được quyền kiểm soát trong khu vực thông qua việc áp bức. Nhưng cùng lúc, Hoa Kỳ không muốn Biển Đông trở thành nơi đối đầu hay xung đột giữa Mỹ và Trung quốc. Sự thách thức các đòi hỏi của Trung quốc, nếu không tuân theo các thông lệ quốc tế và phù hợp với các nguyên tắc của Hoa Kỳ, có thể kích thích chủ nghĩa dân tộc Trung hoa và sự hoài nghi nhắm vào chủ đích của Hoa Kỳ, và thậm chí kích thích các hành xử hung bạo hơn của Trung quốc trong vùng nhắm vào các bên tranh chấp khác nếu như Hoa Kỳ không có những đáp trả hiệu quả. Mặt khác, một Hoa kỳ thụ động sẽ làm lu mờ các quan tâm kể trên, và sẽ làm cho các bên tranh chấp khác tin rằng Hoa Kỳ bỏ rơi họ và cả những nguyên tắc của mình, qua đó có thể làm cho chính sách “xoay trục” của chính quyền Obama về Châu Á trở thành trò hề, làm mất đi sự đón nhận của khu vực đối với sự hiện diện và ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Qua việc công khai không chấp nhận đường chín đoạn, trợ lý ngoại trưởng Russel và chính quyền Obama đã vạch ra một sự giới hạn đúng chỗ. Họ đã làm rõ là những phản đối của chúng ta dựa trên nguyên tắc, dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải chỉ để nhắm vào Trung quốc. Nếu cách tiếp cận của chúng ta với vấn đề Biển Đông vẫn tiếp tục dựa trên nền tảng của nguyên tắc và luật pháp quốc tế, Hoa Kỳ có thể đạt được những mục tiêu đề ra, bảo vệ quyền lợi của các bên tranh chấp mà không phải đối đầu với Trung quốc trong vấn đề chủ quyền.
image
Những việc gì khác mà Hoa Kỳ nên làm? Rất nhiều thứ:

• Hoa Kỳ nên đảm bảo rằng cách tiếp cận của mình không bị xem là đơn phương. Đôi khi các quốc gia khác ngoài mặt thì im lặng nhưng bên trong vẫn ủng hộ. Chính quyền Hoa Kỳ nên làm rõ với các bên tranh chấp khác, cũng như các nước ASIAN khác như Singapore và Thái Lan, là chúng ta kỳ vọng ở họ một sự phản đối công khai đối với đường chín đoạn theo luật pháp quốc tế.

• Hoa Kỳ nên thảo luận với Đài Loan để làm rõ quan đểm của họ về đường chín đoạn, làm rõ rằng những đòi hỏi của họ phải dựa theo UNCLOS.

• Hoa Kỳ nên tiếp tục nỗ lực cho việc đàm phán để tạo ra một Bộ Qui Tắc Ứng Xử (COC) giữa Trung quốc và các nước ASIAN, như chúng ta đã và đang làm từ lúc ngoại trưởng Clinton thông báo về mục tiêu đó ở Hà nội. Thực tế là, quyết định gần đây của Trung quốc và các nước ASIAN trong việc bắt đầu các cuộc đối thoại về COC là một thắng lợi từ tuyên bố của ngoại trưởng Clinton.
 
image
• Hoa Kỳ nên khuyến cáo Trung quốc không thành lập bất cứ một vùng nhận dạng phòng không mới nào trên Biển Đông. Mặc dù việc làm rõ quan điểm về vấn đề này một cách công khai là cần thiết, các cuộc đối thoại ngoại giao kín dường như có tác dụng ảnh hưởng hơn với Bắc Kinh.

• Hoa Kỳ nên thảo luận với tất cả các bên tranh chấp về những đồng thuận khả thi trong việc khai thác khoáng sản và ngư nghiệp mà không liên quan đến chủ quyền, bao gồm việc hợp tác đầu tư giữa các công ty.
 
image
• Thượng nghị viện nên chuẩn thuận UNCLOS. Điều đó sẽ cho phép Hoa Kỳ có thêm tính chính danh khi tham gia một cách chủ động và hiệu quả vào các quyết định về tương lai Biển Đông. Tất cả các ngoại trưởng tiền nhiệm của Hoa Kỳ đều ủng hộ một quyết định như vậy. Hải quân Hoa Kỳ cũng như các nguyên soái hải quân và tư lệnh Thái Bình Dương, cũng như phần lớn các công ty Hoa Kỳ có liên quan, cũng đều ủng hộ. Thay vì nói, chúng ta hãy bắt tay vào làm thôi.
 
Liêm Nguyên chuyển ngữ

No comments:

Post a Comment