Sunday, December 2, 2012

TIẾNG QUÊ - THUẬN NGHIÃ

Hôm mồng một tháng chín năm nay, mình nhận được lời mời của trưởng lớp cũ về hội trường 35 năm của lớp 10K, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập trường cấp 3 Lệ Thủy.

Mình ở xa không về được, nên trong buổi hội lớp đó, mình có gọi điện thoại về. Được nói chuyện với nhiều bạn bè, sau hơn một phần ba thế kỹ xa cách. Mình rất vui và xốn xang nhớ. Sau đó có xin số điện thoại của nhiều người, để có dịp gọi về thăm hỏi.

Người mình gọi về đầu tiên là con Hoàng Thị Lệ, tức là Lệ Hoàng. Lớp cũ của mình có hai Lệ. Là Lệ Hoàng và Cẩm Lệ. Nhưng hồi đó bọn trời đánh tụi mình ít khi gọi theo kiểu Thầy Cô thường gọi, mà bọn mình thường gọi theo cách dân dã là Lệ Cấn và Lệ Đát. Quê mình vậy đó, cứ gọi tên con kèm theo tên Cha cho nó dễ phân biệt con cái nhà ai hehehe....

Trong bọn con gái lớp 10K, con Lệ Hoàng, con Lưu, con Lý Đỗ, con Bé Lư..là những đứa mình thân nhất. Đặc biệt là con Lệ Hoàng. Ngày ấy vì chữ viết không ai đọc ra, nên mình thi tốt nghiệp bị trượt. Bọn cùng lớp thi đậu đi học chuyên nghiệp hết. Mình học lại lớp 10 với tụi thằng Hào Bớt, là Bloger Sao Hồng nổi tiếng bây giờ, được đâu mấy tháng thì bỏ học, vì hoàn cảnh gia đình.

Lúc đó mình về đốt lò gạch và nấu vôi, lặn cát cho HTX thủ công nghiệp Lệ Bình. Được đâu gần một năm sau. Đùng đùng nghe tin con Lệ Hoàng đang dạy học trong Quảng Trị về nghỉ đẻ ở nhà. Mình là đứa còi cọc nhất lớp. Thiệt tình khi nghe tin con Lệ Hoàng lấy chồng đẻ con, mình thấy ngồ ngộ. Vì khi đó mình vẫn như thằng con nít, đi chân đất, mặc quần thủng đít và vẫn con chơi cù, chơi đáo và chơi súng ống bốc làm cây hóp bắn bằng hột chập mầu.
  
Biết tin con Lệ về nghỉ đẻ, nên có ý định đến thăm hắn. Nghĩ nó bi chừ đã làm Mẹ rồi, thì mình cũng phải chững chạc cho ra người lớn, nên cứ loay hoay chọn áo quần mãi mà chả có cái nào còn lành, chỉ duy nhất còn cái quần tà lỏn là không thủng đít mà thôi. Giày dép cũng không có, cho nên mình mượn của Ba mình đôi giày vải Bộ Đội, rồi đóng quần tà lỏn về dưới Quảng Cư thăm con Lệ.

Khi ấy con Lệ mới đẻ con còn trong tháng, nên không ra tiếp mình, mà ngồi trong buồng nói chỏ ra. Mình hỏi hắn, răng mi lấy chồng sớm rứa?. Con Lệ nói, biết mô hè. Mình lại hỏi, lấy chồng bui(vui)không. Lệ nói, biết mô hè. Mình lại hỏi, đẻ dọc(mệt) không?. Lệ trả lời, dọc dưng mà bui. Mình không biết bui ra răng, ngồi gật gù, ừa ừa..bui hè..bui hè...Hồi lâu, con con Lệ khóc, con Lệ ru: „Hò ơi...đã yêu nhau thì yêu cho trót, cho ngọt, cho bùi...cho có tình ơ thương, đừng như con thỏ nọ nó đứng đầu truông, khi vui thôi đà chợn bóng...khi buồn ngắm ơ...ơ...ơ..trăng hò ơ...“. Quê mình rứa đó, là dân sông nước nên ru con cũng hò như chèo đò trên sông.

Mình nghe con Lệ ru con, không biết tại sao lại mũi lòng, nên không chào con Lệ mà lầm lũi ra về. Rồi từ đó biệt tăm cho đến bây giờ không gặp lại con Lệ Hoàng lần nào. Hôm đó mình mũi lòng khi nghe con Lệ ru con, ra gốc cây cừa(cây sanh) trên bến sông nhà anh Hộ. Ngồi vắt vẻo trên một nhánh cừa xõa rễ xuống dòng Kiến Giang, mình ngồi khóc ngon ơ, hu..hu..Mạ ơi, tình thương là răng hả Mạ...ơi.

Hôm gọi điện thoại về cho con Lệ, hỏi hắn, bi chừ mi mần chi. Lệ trả lời, tau nghỉ hưu rồi, chừ ở dzà chự cháu chứ mần chi mô. Xa quê mấy chục năm, nên tiếng quê cũng có phần sao nhãng. Nghe con Lệ trả lời, mình phải chạy bộ nhớ xoành xoạch mới hiểu là con Lệ nói, mình nghỉ hưu rồi, bây giờ chỉ ở nhà giữ cháu chứ không làm gì cả. Mình hỏi, mi có cháu ngoại rồi à. Hắn nói, có lâu rồi, mấy đứa luôn, còn mi thì răng. Mình nói, tau bi chừ mới bập bẹ học yêu hehehehe..... Lệ lại hỏi, hồi học, mi ngu rứa răng chừ mi thơ văn dữ dội rứa hè. Mình nói, nhờ mi đó. Nhờ răng?. Thì nhờ cái hồi tau còn mặc quần lủng đít, đến thăm mi đẻ con, nghe mi hò mái đẩy ru con, nên bi chờ hắn thấm vô máu thành ra thơ ra văn chơ răng. Lệ cười, mi chỉ có cái nói trẹp(bốc phét) thì tài.

Nói thì như nói đùa, nhưng có lẽ là vậy, có lẽ cái điệu hò khoan, hò hụi Lệ Thủy cùng với sông nước Kiến Giang chảy vào trong máu thịt của mình, nên bây giờ tôi mới ghiền Lục Bát như vậy.

Hôm tuần trước, có một quán Trà Đạo của người Nhật, mới mở ở vườn hoa Dammtor. Mời mình làm việc giới thiệu Trà Việt vào tối thứ Sáu mỗi tuần. Khi ký hợp đồng làm việc, họ không hỏi về gì lý lịch cá nhân cả, chỉ hỏi là thuộc nhóm máu nào. Nghe nói người Nhật nhận người làm chú trọng nhất là nhóm máu. Nghe họ hỏi vậy, mình trả lời là thuộc nhóm máu Lục Bát. Họ hỏi, Lục Bát là nhóm máu gì. Mình cười, ứng khẩu luôn:

Điếu Ngư đài, Điếu Ngư đài
Của ai, ai đã, của ai bây giờ
Ngỡ rằng đạt ngộ ngu ngơ
Mà sao máu bật mím bờ môi căm.

Mấy thằng Nhật, cớ trơ mắt thao láo ra nhìn. Mình cười phơ phớ rồi về, bụng bảo dạ, Trà Đạo cứt gì mà không biết Lục Bát, thì sao là gọi là Trà Đạo được... hehehehe....

MỐI TÌNH TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN THIỆU - TỪ KẾ TƯỜNG

Từ khi còn là một tay Thiếu tá tiểu đoàn trưởng, Thiệu đã có một cuộc tình thi vị, lãng mạn với cô gái quê nghèo khó bên bến sông Cầu – Phú Yên. Vì cuộc tình này mà sau đó, khi biết nàng Oanh ở bến Sông Cầu thành bồ nhí của một tay cấp dưới của mình, Thiệu đã thẳng tay vùi dập công danh của tay cấp dưới dám “trêu gan Tổng thống”.

Nàng Oanh, cô gái lai Tây ở bến sông cầu Phú Yên

Năm 1954, Nguyễn Văn Thiệu lúc đó là Thiếu tá, tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn địa phương quân đóng tại Sông Cầu, Phú Yên. Mỗi ngày vị Thiếu tá tiểu đoàn trưởng bảnh trai, oai vệ đều có dịp đi ngang bến Sông Cầu và trong một lần rất tình cờ, Thiếu tá Thiệu đã gặp một cô gái rất đẹp, có gương mặt lai Tây, da trắng, dáng cao, rõ ràng là một hoa khôi trong vùng.
Ngay lần gặp đầu tiên, Thiếu tá Thiệu đã “kết mô đen” cô gái lai Tây đẹp ngời ngời này. Cất công tìm hiểu gia thế cô gái, Thiệu được biết  cô là con gái của một góa phụ, người địa phương, gia cảnh nghèo khổ. Cô gái tên Oanh nên thường được gọi là nàng Oanh.
Sau vài lần lui tới viếng thăm, Thiếu tá Thiệu chiếm được cảm tình của người đẹp và bà mẹ nghèo lam lũ. Dưới mắt hai mẹ con, viên Thiếu tá tiểu đoàn trưởng oai vệ, đẹp trai, người Phan Rang nói được hai thứ tiếng Pháp, Anh lưu loát là một mẫu đàn ông lý tưởng.
Do đó việc nàng Oanh từ chỗ cảm phục đi đến yêu say đắm viên Thiếu tá đẹp trai chỉ là “một việc phải đến đã đến”.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
                          Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

Ngược lại Thiếu tá Thiệu dù đã có vợ là Mai Anh ở nhà, nhưng là người lính trong thời chiến, rày đây mai đó chẳng biết sống chết thế nào, lại xa vợ con, thiếu thốn tình cảm nên trước một cô gái trẻ trung, xinh đẹp như nàng Oanh chẳng khác nào một thỏi nam châm có sức hút mãnh liệt trái tim hạn hán của chàng lính trẻ xa nhà, thiếu thốn tình cảm.
Và chuyện gì phải đến đã đến, họ trở thành một đôi tình nhân hết sức lãng mạn của những đêm trăng đẹp tại bến Sông Cầu.
Giữa lúc cuộc tình của viên Thiếu tá tiểu đoàn trưởng và cô gái lai Tây tại bến Sông Cầu ngày càng trở nên thắm thiết thì đùng một cái, Thiếu tá Thiệu được lệnh chuyển quân.
Thời gian chia tay ngắn ngủi, nàng Oanh cũng chỉ biết tin theo những lời thề non, hẹn biển của viên Thiếu tá hứa chắc như đinh đóng cột rằng sẽ quay trở lại bến Sông Cầu một ngày không xa.
Nhưng rồi không biết bao nhiêu mùa trăng treo trên bến Sông Cầu, có một người con gái vẫn luôn mong ngóng bóng hình viên Thiếu tá quay trở lại mà hình bóng ấy vẫn mãi mịt mù, chẳng khác nào bóng chim tăm cá.

Cuộc chia tay đầy nước mắt

Thời cuộc biến chuyển, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiệu cũng bị xoay theo những cơn lốc lịch sử và cuộc đời binh nghiệp nay đây mai đó theo những cuộc hành quân vạn dặm mà mỗi ngày mỗi xa hình bóng cô gái ở bến Sông Cầu đã từng khóc hết nước mắt trong ngày chia tay.
Giờ đây, Thiếu tá Thiệu đã thăng Trung tá, có lẽ ông ta cũng chẳng còn nhớ gì đến ánh mắt của nàng Oanh, bom đạn chiến tranh đã xóa nhòa tất cả và trái tim của Trung tá Thiệu giờ là Trung đoàn trưởng chắc cũng không còn khoảng trống để chứa tình cảm của cô gái mà hình bóng đã nhạt nhòa ở tận cuối chân trời.
Huống chi con đường binh nghiệp của Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đang gặp thuận lợi, còn có cơ hội để tiến xa trong tương lai mà đối với Thiệu, công danh sự nghiệp là trên hết, tình cảm chỉ là chuyện gia vị của một bữa ăn đời thường trên bước đường binh nghiệp.
Quả nhiên, thời cuộc biến chuyển rất nhanh sau năm 1954, Bảo Đại bị truất phế, Ngô Đình Diệm từ Thủ tướng lên làm Tổng thống của nền đệ nhất cộng hòa, Nguyễn Văn Thiệu cũng như nhiều sĩ quan binh lính của Pháp chuyển sang lính của Việt Nam Cộng Hòa và năm 1955.
Thiệu thăng cấp Đại tá, giữ chức Chỉ huy trưởng trường Võ bị Đà Lạt, một trường “đại học” chuyên đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp mà sinh viên phải tốt nghiệp tú tài đôi mới được gọi vào học, khi ra trường được móc luôn lon Thiếu úy không qua cấp chuẩn úy như sĩ quan trừ bị Thủ Đức và có thể lên tới cấp Tướng.
Năm 1962, Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Bộ binh. Và chỉ 1 năm sau đó, 1963, Nguyễn Văn Thiệu tham gia vào nhóm tướng lãnh đảo chánh kéo quân về vây Đinh Độc Lập lật đổ Ngô Đình Diệm.
Cuộc đảo chánh thành công, anh em Diệm Nhu bị giết, Nguyễn Văn Thiệu cũng đóng góp công lao vào vụ lật đổ này nên được phong Tướng rồi nhảy luôn vào chính trường và chỉ một thời gian sau, do biến chuyển của thời cuộc, Nguyễn Văn Thiệu lên làm Quốc trưởng của nền đệ nhị cộng hòa.
Nấc thang danh vọng và quyền lực của Thiệu như vậy là đã lên đến tột đỉnh. Lúc này chắc chắn Nguyễn Văn Thiệu chẳng còn nhớ gì đến nàng Oanh ở bến Sông Cầu ngày xưa.

Cơ hội gặp lại nàng Oanh

Khi Nguyễn Văn Thiệu làm Quốc trưởng thì thời đó (1965-1967) tỉnh trưởng Phú Yên là Trung tá Trần Văn Hai, biệt danh Hai “trề”. Trần Văn Hai quê Cần Thơ, được tiếng là một sĩ quan thẳng thắn, không nịnh bợ, hết lòng vì nhiệm vụ.
Phú Yên thuộc vùng 2 chiến thuật mà tư lệnh vùng 2 là Trung tướng Vĩnh Lộc - một sĩ quan thuộc hoàng tộc, anh em với Bảo Đại và rất thân cận với Bảo Đại, khi trở thành sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời Ngô Đình Diệm, cũng là một tướng lãnh thân Diệm và có nhiều thế lực.
Là tư lệnh vùng 2, tức tướng vùng, Vĩnh Lộc chẳng khác nào một ông vua không ngai, chỉ đứng sau Phủ Đầu Rồng và chỉ huy tối cao Nguyễn Văn Thiệu.
Vĩnh Lộc ỷ thế tướng vùng nên khi đi thăm thú đâu đó, nhất là các đơn vị đóng quân ở Tây Nguyên thường biểu lộ tính ngông nghênh không thèm đi ô tô mà… cưỡi voi cho nó “sốc”. Bởi vậy nên khi nói đến Vĩnh Lộc, người ta cũng kêu luôn biệt danh của viên tướng ngông nghênh này là  “Anh cả Trường Sơn”.
Một hôm Vĩnh Lộc bất ngờ gọi cho Trần Văn Hai, tỉnh trưởng Phú Yên đích thân mang “công xa” của tỉnh trưởng ra sân bay đón ca sĩ Minh Hiếu, “người yêu bé nhỏ” của mình rồi đưa về dinh tỉnh trưởng nghỉ ngơi, tiếp đãi trọng hậu để chờ Vĩnh Lộc vào sau do bận việc.
Tỉnh trưởng Hai “trề” dư biết ca sĩ Minh Hiếu là ai, đóng vai trò gì với Trung tướng Vĩnh Lộc, cấp trên trực tiếp của mình. Nhưng Trung tá Hai “trề” cũng ngông nghênh không kém Vĩnh Lộc, khi nhận được lệnh đã nổi máu điên, chỉ chấp hành có một nửa lệnh trên.
Thay vì dùng công xa của tỉnh trưởng ra sân bay đón người đẹp cho hoành tráng, Hai “trề” dùng xe riêng của mình ra đón, và thay vì đưa nàng Minh Hiếu thẳng về dinh tỉnh trưởng cho long trọng, lại cả gan vứt người đẹp ở một khách sạn sang trọng nằm trên đường Lê Thánh Tôn thị xã Tuy Hòa.
Ca sĩ Minh Hiếu lúc đó đang nổi tiếng như cồn, bài tủ của cô ca sĩ này là bài “Quen nhau trên đường về” và là người yêu của ca sĩ Nhật Trường tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Chính vì bị ông tướng vùng 2 Vĩnh Lộc dùng uy quyền “cuỗm” mất người yêu nên Trần Thiện Thanh lúc đó chỉ là một hạ sĩ quan Tâm lý chiến vừa thất tình, vừa oán hận đã sáng tác bài “Hoa trinh nữ” để than thân trách phận, đồng thời trách luôn cả nàng Minh Hiếu đã tham tướng, bỏ lính… vì vậy trong bài “Hoa trinh nữ” đã có câu: “Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường”.
“Vua” ở đây ám chỉ “vua không ngai" Vĩnh Lộc “Anh cả Trường Sơn”. Khi Vĩnh Lộc vào tới Phú Yên, gặp nàng Minh Hiếu, người đẹp liền tỉ tê, trách móc việc bị Hai “trề” xem thường sau đó rồi giận dỗi bỏ về Sài Gòn.
Mất hứng, lại bị bẽ mặt với người đẹp, Vĩnh Lộc đã nổi điên lấy cớ Hai “trề” làm tỉnh trưởng chẳng được cái tích sự gì, để cho Việt Cộng đánh Phú Yên tơi bời rồi… cách chức tỉnh trưởng Phú Yên, chuyển ra đơn vị chiến đấu ngoài mặt trận.
Người thay thế Hai “trề” giữ chức tỉnh trưởng Phú Yên là Trung tá Trần Văn Bá. Và đây là cơ hội để Nguyễn Văn Thiệu tìm lại nàng Oanh, người đẹp ở bến Sông Cầu.

Tìm lại người xưa

Trung tá Trần Văn Bá chẳng phải ai xa lạ, lúc Nguyễn Văn Thiệu làm Tiểu đoàn trưởng, đóng quân ở bến Sông Cầu Phú Yên thì Trần Văn Bá mới là Trung úy Tiểu đội phó, thuộc cấp của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thiệu.
Năm 1971, sau khi xích mích với Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu “độc diễn” ứng cử Tổng thống. Màn độc diễn… có một không hai này thành công tốt đẹp, Nguyễn Văn Thiệu “lên ngôi”.
Nhân lúc tỉnh trưởng Phú Yên còn khuyết người, Nguyễn Văn Thiệu đưa luôn Trần Văn Bá bấy giờ là Thiếu tá thăng luôn Trung tá lên ngồi ghế tỉnh trưởng Phú Yên.
Bởi Trần Văn Bá là con của bác sĩ Trần Văn Chẩn - Giám đốc Bệnh viện Mỹ Tho, vừa là thuộc cấp cũ, vừa là họ hàng với bà Mai Anh, vợ của Nguyễn Văn Thiệu, không ai có đủ chuẩn để ngồi vào ghế này hơn Trần Văn Bá.
Sau đó không lâu, Nguyễn Văn Thiệu có chuyến kinh lý Phú Yên. Khỏi phải nói, “đệ tử ruột” Trần Văn Bá đã tổ chức đón tiếp Nguyễn Văn Thiệu long trọng đến cỡ nào.
Tại dinh tỉnh trưởng, đang trong buổi đại tiệc tiếp đón Tổng thống diễn ra tưng bừng, đầy khí thế bỗng dưng Nguyễn Văn Thiệu quay qua hỏi Trần Văn Bá một câu bất ngờ, khó đỡ:
-  Cô Oanh ở bến Sông Cầu bây giờ ra sao, có còn ở chỗ ngày xưa không?
Trần Văn Bá đang nhậu, mặt đỏ như mặt trời mọc bất ngờ nghe câu hỏi trên bỗng dưng tái mét, xanh như đít nhái. Bởi hơn ai hết, khi còn là thuộc cấp của Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thiệu thủa đóng quân tại bến Sông Cầu, Trần Văn Bá biết mối tình thắm thiết giữa Thiệu và cô gái lai Tây thường được gọi thân mật là nàng Oanh.
Nhưng rồi Thiệu chuyển quân ra mặt trận, bỏ nàng Oanh ở bến Sông Cầu vò võ đợi trông, chẳng biết bao giờ người xưa trở lại nên sau đó nàng Oanh đã lấy một anh lính địa phương quân làm chồng. Anh này tên Hoanh, chẳng may anh Hoanh tử trận.
Thực hiện chính sách đối với gia đình thương binh, tử sĩ của chính Nguyễn Văn Thiệu ban hành, Trần Văn Bá tìm nàng Oanh vợ của tử sĩ đưa về dinh tỉnh trưởng làm điện thoại viên, trực điện thoại văn phòng tỉnh trưởng.
Cô gái ở bến Sông Cầu vẫn đẹp rực rỡ, không chỉ là một bông hoa tươi thắm trang trí cho văn phòng tỉnh trưởng mà còn là thư ký riêng, nhân tình của Trung tá Tỉnh trưởng Trần Văn Bá.
Rồi theo thời gian, từ vai trò nhân tình, tiến lên một bước thành “vợ bé”, cuối cùng thì nàng Oanh ở bến Sông Cầu, từng là người yêu của Nguyễn Văn Thiệu đã sinh cho Tỉnh trưởng Trần Văn Bá một cậu con trai kháu khỉnh.
Thế mới rắc rối. Trần Văn Bá lo cuống cuồng, sợ chuyện đổ bể, tới tai bà vợ dữ dằn, máu ghen còn hơn Năm rado vợ của Trung tá Thức công binh tạt axít vũ nữ Cẩm Nhung thì ít mà sợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phát hiện thì nhiều. Bởi nếu Thiệu phát hiện ra chuyện này thì cuộc đời, sự nghiệp của Bá chắc chắn sẽ tan thành mây khói.

Trần Văn Bá cũng tiêu đời như Trần Văn Hai

Nàng Oanh ở bến Sông Cầu lại không ngây thơ, trong lúc Trần Văn Bá muốn ém nhẹm sự việc tày đình thì người đẹp lại muốn công khai hóa chuyện Trần Văn Bá ăn ở với mình để làm áp lực vòi vĩnh tiền bạc và quyền lợi.
Nàng Oanh đi đâu cũng ẵm con theo, công khai nói đó là con của ông tỉnh trưởng và yêu cầu Bá làm khai sinh cho con trai đứng tên cha hẳn hoi.
Ông tỉnh trưởng biết đã “vào tròng” thì đã muộn nên mọi yêu sách của nàng Oanh bến Sông Cầu đều được đáp ứng đầy đủ kể cả việc mua một ngôi biệt thự, đầy đủ tiện nghi cho hai mẹ con nàng Oanh ở chỉ với mục đích nàng Oanh đừng làm ầm ĩ chuyện Bá trót lỡ dại nên gây ra thảm họa khó lường mà thôi.
Nhưng cái mà Bá không lường nổi là Nguyễn Văn Thiệu sau bao nhiêu năm tháng vật đổi sao dời, hoàn cảnh đổi thay, biến cố dồn dập, tưởng rằng khi lên đến tuyệt đỉnh danh vọng và quyền lực, Thiệu không còn tâm trí và thời gian để nhớ chuyện xưa, một mối tình qua đường với cô gái ở bến Sông Cầu xa lắc.
Thế mà Thiệu vẫn nhớ và Trần Văn Bá biết ngày tàn của mình đã tới, nhưng với bản chất xảo trá, ham danh lợi và quyền lực, Trần Văn Bá không thể bó tay ngồi chờ chuyện xảy ra mà phải lật ngược tình thế.
Thiệu đả hỏi thế tức là chưa biết mối quan hệ chết người giữa hắn và nàng Oanh ở bến Sông Cầu nên Bá còn hy vọng để lấp liếm. Thế là Bá tạm yên tâm, tìm cách nói cho qua chuyện với hy vọng trên cương vị Tổng thống, bây giờ Thiệu sẽ không tìm hiểu sâu chuyện này và nhanh chóng bỏ qua.
Suốt những ngày sau đó, Trần Văn Bá cuống cuồng lo tìm đủ mọi cách để che mắt Thiệu và để Thiệu không còn những ý nghĩ bất chợt về nàng Oanh bên bến sông Cầu.
Nhưng Bá đã lầm, câu hỏi của Nguyễn Văn Thiệu không phải một câu hỏi vu vơ. Thiệu cũng không bao giờ bỏ qua những nghi vấn trong đầu mình. Bằng quyền lực và nhiều tai mắt ở tại dinh tỉnh trưởng của Trần Văn Bá, ít lâu sau Thiệu đã biết tỏng mọi chuyện và nổi điên lên vì tay “đệ tử ruột” lại dám cả gan “phỗng tay trên” … đĩa mứt gừng của mình xơi lén.
Bằng nhiều lý do có cơ sở, Nguyễn Văn Thiệu đã lần lượt đánh cho Trần Văn Bá tơi tả và cuối cùng cách chức tỉnh trưởng Phú Yên của Trần Văn Bá khiến hắn ôm hận mà chẳng biết làm sao để rửa hờn, bởi kình địch và tình địch của Bá lại là…Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Cuối cùng Trần Văn Bá chỉ còn cách ngước cổ lên trời bắt chước Chu Du của Đông Ngô mà than ai oán rằng: “Trời đã sinh Bá tại sao còn sinh Thiệu”? Một câu hỏi thậm ngu!.

Đoạn kết của nàng Oanh ở bến sông Cầu

Sau khi Trần Văn Bá bị cách chức tỉnh trưởng Phú Yên, bị Nguyễn Văn Thiệu chơi cho thân bại danh liệt, công danh sự nghiệp, kể cả con đường binh nghiệp cũng tiêu vong thì nàng Oanh ở bến Sông Cầu không còn lý do gì để yêu sách nọ kia với Trần Văn Bá nữa.
Nguyễn Văn Thiệu hạ Trần Văn Bá vì tội dám trêu gan Tổng thống chứ chẳng phải vì mục đích muốn chiếm lại nàng Oanh ở bến Công Cầu.
Bởi lẽ, trong mắt Thiệu, nàng Oanh bây giờ không còn là nàng Oanh ngây thơ, trong sáng của ngày xưa lúc gạt lệ chia tay Thiếu tá Thiệu dưới bóng trăng huyền ảo nơi bến Sông Cầu lãng mạn, đầy tình tứ mà là một phụ nữ đã có con với một anh lính quèn, rồi còn sống “già nhân nghĩa non vợ chồng” với Trần Văn Bá - viên tỉnh trưởng thuộc quyền của mình. Kịch đã hạ màn thì vai diễn cũng chấm dứt.
Chỉ khổ cho nàng Oanh, không còn là bồ nhí của Trần Văn Bá, lại không thể nào nối lại tình xưa nghĩa cũ với Nguyễn Văn Thiệu, cuộc đời nàng Oanh đang sống trong nhung lụa bỗng chốc mất tất cả.
Về sau, nghe đâu nàng Oanh ở bến Sông Cầu lại lấy thêm một đời chồng nữa, đó là ông N.H.T, dân biểu chế độ cũ sống tại Phú Yên. Đến năm 1990, ông dân biểu này cùng nàng Oanh xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO nhưng qua Mỹ rồi thì đường ai nấy đi. Từ đó nàng Oanh ở bến Sông Cầu cũng mất tăm, biệt dạng.
  • Từ Kế Tường

ANH HÙNG THỜI CẬN CHIẾN - THUẬN NGHIÃ

Cuối tuần con Chung từ Giessen đến thăm tôi. Thấy mặt nó buồn xo, tôi hỏi, mi lại có chuyện chi mà ngó buồn rứa. Mắt nó rơm rớm, anh Đô bị kỷ luật rồi. Răng rứa?. Dạ, nghe nói anh không tuân theo chỉ thị của cấp trên, tự chỉ huy tàu mình đụng chạm với tàu Hải Giám của Trung Quốc, nên bị tước danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang chuyển công tác về đồn Biên Phòng ở Lao Bảo rồi. Tôi nghe nó nói, tức không chịu nổi, văng tục, con bà nó, thằng Đô đẻ ra dưới nước, chuyển hắn lên rừng công tác, khác chi chặt tay, chặt chân hắn chớ. Con Chung rầu rầu, rứa đó, rứa đó...chú nờ.

  Con Chung người cùng quê tôi, là chỗ quen biết từ xưa, nên khi nó sang làm Master bên Đức, thì chú cháu thường liên lạc với nhau. Hơn hai năm trước, tôi đọc trên báo mạng, có mẩu tin ngắn nhắc đến chiến công  của trung tá anh hùng lực lượng vũ trang Trần Quang Đô. Tôi gọi điện thoại hỏi con Chung, có phải thằng Đô nhà mình không?. Con Chung tự hào, dạ, đúng eng nớ đó, eng nớ là niềm tự hào của bộ đội Hải Quân trong việc anh dũng kiên cường bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc đó chú nờ. Tôi hả dạ, sướng hè, sướng hè..., thằng ni khá hè, khá hè...

  Miệng thì nói sướng hè, sướng hè...nhưng trong thâm tâm tôi có chút hổ thẹn. Thằng Đô con nhà nghèo, ít học vậy mà có chiến công hiển hách, biết cống hiến cả đời trai cho sự nghiệp bảo vệ biên cương, biển trời của Tổ Quốc. Những thằng có học như tụi tôi, chỉ được cái ăn tục nói phét, chuyên đánh giặc mồm. Đã mang thân tha hương, làm cu ly cho ngoại bang, chẳng có công sức gì trong việc bảo vệ non sông, lại còn dở thói la cà trên mạng, tha hồ chửi đổng, khoa môi múa mép làm kẻ sĩ, ra vẻ như là những nhà ái quốc chí sĩ vĩ đại lắm không bằng.

 Tôi lại cứ hỏi đi hỏi lại con Chung, họ chuyển anh mi lên Lao Bảo à, là chuyển anh mi lên rừng, lên đó thì anh mi mần được cái chi chớ, tước danh hiệu anh hùng thì cũng được, ẻ quẹt vô ba thứ đó, nhưng răng không để cho hắn ở biển chớ, kỷ luật hắn thì hạ cấp bậc hắn được rồi, mắc mớ chi đày hắn lên rừng chớ, con bà chúng chớ, ngu ngu...ngu..ngu...hỏi một thôi một hồi, chửi đổng một thôi một hồi, rồi tôi rưng rưng như ngấn lệ, thở dài, con bà nó, lịch sử lại lặp lại à...

 Con Chung tò mò, lịch sử lặp lại là răng hả chú. Cảm thấy con Chung muốn biết điều gì, tôi đánh trống lãng khỏa lấp, thì tau nói rứa thôi, lặp lại là lặp lại chớ răng. Nhưng mà lặp lại cấy chi chơ? Hình như chú có chuyện chi giấu tụi con. Tôi quạu, có chuyện cứt chi mà dấu, tụi mi con nít, lo chuyện học hành đi, nghĩ chi ba cái chuyện tầm phào cho nhọc xác. Con Chung thấy tôi quạu, im re. Còn tôi thì thở dài thườn thượt. Cuốn phim cuộc đời 35 năm trước, từ từ tái hiện lại trước mắt tôi…

... Năm 1977, cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã kết thúc hai năm. Nhưng trên quê tôi, hình như vẫn chưa phai mùi súng đạn và chết chóc. Đồng ruộng làng quê xơ xác điêu tàn, thanh niên trai tráng phần chết trên chiến trường, phần biệt xứ đi nơi khác làm ăn hết. Bão lụt, hạn hán triền miên. Dư âm của cuộc chiến thương đau chưa phai nhạt, thì ám ảnh của sự đói rét lại bắt đầu phủ trùm xuống làng quê nghèo của chúng tôi.

  Nhà tôi neo người, Ba tôi đau yếu triền miên. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy của thời cuộc, tôi đành bỏ học, đi làm xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp, đúc gạch và nấu vôi, phụ giúp gia đình trong cơn bỉ cực.

 Thuở ấu thơ tôi là đứa trẻ ngang tàng, nghịch ngợm, nhưng lại hiếu học, hiếu đọc và rất tự trọng. Buộc phải bỏ học vì hoàn cảnh, tôi đau đớn lắm, nên rút mình vào trong cái vỏ ốc mặc cảm. Tôi không quan hệ với bạn bè cùng trang lứa nữa, mà sống thu lại với thế giới của riêng mình.

 Ban ngày úp mặt xuống dòng sông Kiến Giang, lặn cát, lặn sạn về cho hợp tác xã đúc gạch táp lô. Tối về tôi lại mò mẫm ra đồng bắt cua, nơm cá, đốt lửa giữa đồng nướng ăn chóng đói. Hầu như suốt mùa hè chẳng có đêm nào tôi ngủ ở nhà.

 Gần nhà tôi, phía ngoài đồng, giữa ranh giới hai làng Hoàng Giang và Phan Xá, có một cồn đất cao. Nơi đó trong chiến tranh, có một ụ pháo 12 ly 7, của dân quân, bấy giờ đã thành một cồn hoang. Ban đêm tôi thường ra đó, bẻ cành phi lao lót ổ nằm ngủ, vừa mát mẻ, vừa yên tĩnh, tôi tha hồ chìm đắm vào thế giới mộng mơ của tuổi 17  giữa cánh đồng rì rào biển lúa.

  Một đêm, tôi đang lúi húi, móc buồng chuối lùn mà tôi đầo dú với lá sầu đâu trong hóc đất nơi cồn hoang ấy để đánh chén bữa khuya, thì nghe tiếng hô từ dưới hói (lạch nước) vang lên, ai, đứng yên giơ tay lên, nhúc nhích là bắn. Mặc dầu tiếng hô to, bất chợt, nhưng chẳng làm tôi giật mình. Vì ban đêm, trên cánh đồng này, trên cồn hoang này, tôi là chúa tể. Là chúa tể thì còn sợ ai nữa chứ. Một phần tôi cũng biết tiếng hô ấy là của ai, nên bình thản, hê hê hê...có súng ẻ mô mà bắn. Tiếng nói từ dưới hói lại vọng lên, con cái nhà ai, giờ ni mần chi ngoài ni, đứng đó không được chạy nghe chưa. Tôi lại hê hê hê..., tui không đứng thì eng mần chi tui, eng bay theo à. Tiếng ừng ực uất nghẹn từ dưới hói lại vang lên, mi đứng đó, coi tau nì...

...Xoẹt, xoẹt...tiếng thuyền nan rẽ cỏ ào ào vút tới. Ùm...tiếng người nhảy vội xuống nước. Xoẹt xoẹt..tiếng kéo lê vội vàng trên cỏ. Cuối cùng rồi anh cũng trườn đến được gò đất tôi đang ngồi. Anh quì trên đôi chân cụt của mình, tay dơ cao cái chầm chỉa vào tôi, ai, đứng yên giơ tay lên, không tôi bắn...Tôi vẫn thản nhiên nhồm nhoàm nhai chuối, hì hì...báo cáo đồng chí Đại úy, đồng chí có mô súng mà bắn hì hì....mời đồng chí Lấu ngồi xuống, mần mất trấy chuối đi hè. Anh vẫn còn tức, lầu bàu, mi là con cái nhà ai mà biết tau. Đồng chí không biết tui, chớ cả cái huyện ni không ai là không biết đồng chí Đại úy, đại đội trưởng đặc công nước Trương Quang Lấu cả. Anh, lết lại gần tôi và ngồi xuống, cười, hì hì, là trung úy, đại đội phó thôi. Anh nói. Và không cần biết tôi con cái nhà ai, giờ này ra đồng ngồi làm chi, anh bắt đầu thao thao kể về những trận đánh đầy huyền thoại của anh trong trung đoàn 27 Triệu Hải. Không biết những trận đánh ấy thực hư ra sao, nhưng chuyện anh kể về Đại đội đặc công nước của anh ở Cửa Việt, nghe cực kỳ hấp dẫn và thú vị, nên tôi cứ há hốc mồm ra nghe anh kể, thỉnh thoảng lại thít thà.. rứa à, rứa à….

 Chuyện chiến đấu của anh trong Trung đoàn 27 Triệu Hải với chiến dịch 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị là có thật. Chuyện anh xém được đề nghị truy phong anh hùng lực lượng vũ trang là có thật, ai cũng biết, ít nhất là theo lời những người khác kể lại. Nhưng chuyện, vì sao anh bị cụt hai chân, vì sao anh trở thành con ma đồng, vất vưỡng kiếm sống, mà không có một chế độ chính sách đãi ngộ gì thì ít ai biết. Ai hỏi, thì mặt anh dài thườn thượt, bảo đang làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh.

 Mãi sau này, khi quen thân anh, qua những câu chuyện của anh, chắp vá lại, tôi mới biết rõ ràng là vì sao anh ra nông nổi này

 Quảng Trị giải phóng, nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Anh và đại đội của anh, nhận lệnh ở lại bảo vệ Cửa Việt. Thời đó, không những dân đói, mà bộ đội cũng thiếu ăn. Anh thương đồng đội, bày trò chế mìn tự tạo, ném xuống sông bắt cá về cải thiện. Một lần anh cùng một đồng đội đi ném mìn, bị cướp dây cháy chậm, mình nổ trên tay, bạn anh chết tan xác, anh chỉ bị thương, sau đó bị kỷ luật, thuyên chuyển về huyện đội Hướng Hóa.

 Về Hướng Hóa, anh lại bỏ gác, lò mò vác súng đi săn thú cải thiện cho anh em. Lớ ngớ dẫm phải mìn sót lại, bị cụt cả hai chân. Một chân cụt ngang đầu gối, một chân cụt gần đến bẹn. Anh bị tước quân tịch, đuổi về địa phương, nên không được hưởng một chế độ gì cả.

 Anh người làng Hoàng Giang,  nhưng nhờ người mai mối, lấy được chị Diếc, có tật sứt môi, hở hàm ếch ở làng Qui Hậu bên kia sông. Từ ngày lấy vợ, anh chuyển sang ở bên nhà vợ. Vợ anh làm nghề chằm nón, thu nhập thấp. Anh sắm một chiếc thuyền nan, một bộ câu cặm và từ đó gắn bó với cánh đồng Xuân Thủy về đêm.

 Anh di chuyển bằng hai tay chầm với chiếc thuyền nan nhỏ bé của mình. Vậy mà chẳng có nơi nào trên những cánh đồng bao la của Hai Huyện là anh không biết tới. Khi lên bộ, thì anh bó cái chân cụt bằng một cái mo cau. Hai tay anh chống hai bên, phi cái chân cụt bó mo tới trước, rồi quăng mình, lết người theo. Anh di chuyển khó khăn, nhưng khi cần nhanh, cũng nhanh ra phết.

 Trên cạn anh là vậy, nhưng khi xuống nước, dù cụt hai chân, nhưng anh rất xứng danh với hai chữ Thủy Thần. Về lặn lội, tôi cũng liệt vào quái thủ. Có thể lặn chay, tay không bắt cá bống dưới đáy sông được, nhưng so với anh là cái đinh. Nhìn anh, bơi lặn, lườn trượt, toài bò đi vun vút giữa bùn sình, lau sậy mà mê. Không thể nói anh là rái cá được, mà phải nói là Thủy Thần thì mới đúng.

 Rồi từ cái đêm hôm đó, tôi và anh trở thành đôi bạn thân. Dạo tôi quen anh, là vợ anh mới đẻ thằng Đô. Nhà anh túng quẩn lắm. Tôi cũng chẳng khá gì hơn, nên không giúp gì được anh. Chỉ còn cách là hàng đêm, theo giúp anh đi thăm câu. Hàng trăm cái cần câu cặm, cắm khắp các bờ ruộng, bờ kênh. Phải năng đi thăm câu, mới có cơ hội bắt được nhiều cá. Bởi nếu không thăm câu thường, rắn đẻn, rắn nước... chúng tợp hết trước mồi, nên cá chẳng có mà mắc câu.

 Anh thân tôi, mến tôi là vì tôi biết lắng nghe những trận đánh của anh và đồng đội trên mặt trận Quảng Trị mà anh kể đi kể lại hàng trăm lần. Ngược lại anh cũng biết ngồi gật gù nghe tôi đọc thơ. Hồi đó tôi cũng đã biết tý tỏm làm thơ rồi. Nhưng chẳng bao giờ hó hé cho ai biết, sợ chúng cười. Chỉ với anh là tôi mới dám mạnh dạn đọc cho anh nghe. Có lần ngồi trên cồn hoang, dưới anh trăng man mát tỏa xuống đồng lúa rì rào, tôi đọc thơ cho anh nghe, rồi hỏi, hay không?, hay không?...anh gật gù, hay chớ, hay chớ...mi mần mà không hay, thì ai mần hay nữa. Tôi hỏi, hay răng?, hay răng?...Anh cười hì hì...cần ẻ chi biết răng là hay, mần được thơ là hay rồi... Có lẽ anh là đọc giả đầu tiên và cũng là đọc giả cuối cùng hiểu được thơ tôi: „Cần ẻ chi biết răng là hay, mần được là hay rồi“ (...hehehehe...)

Thân vậy, nhưng nhiều khi tôi và anh cũng có giận nhau. Tôi khá kiên nhẫn để ngồi nghe anh kể chuyện chiến đấu của anh. Nhưng cực ghét cái ý tưởng, là anh sẽ nhờ bạn bè đồng đội cũ chứng nhận chiến công của anh để xin lại cái chế độ thương binh. Tôi nói, anh đừng có mơ tưởng chuyện hão huyền, trong chiến tranh dưới mũi tên hòn đạn, cạnh kề bên cái chết, con người mới tỏ ra là vì nhau thôi, chứ thời bình, mạnh thằng nào, thằng nớ sống, ai mà quan tâm chứng nhận cho anh được làm thương binh. Những lúc đó anh đỏ mặt tía tai, sừng sộ quát tôi, mi chưa từng ở trong quân ngũ, thì mi đừng xúc phạm đến tình cảm của người chiến sĩ. Tôi nói, chiến sĩ cái cục cứt. Anh giận tôi.

 Có lần đang đọc thơ cho anh nghe, anh nói, số mi rồi khổ thôi út ạ, lãng mạn kiểu nớ, lấy chi mà đút vô miệng út ơi. Tôi nói, thơ là thơ, thơ là dành cho tâm hồn, chứ thơ đâu phải dành cho cái dạ dày. Anh nói, tâm hồn cái lỗ khu, đói rã họng ra thì có tâm hồn mần ẻ chi. Tôi giận anh.

 Tôi và anh như hai con ma đồng. Ban ngày thì chẳng thấy mặt đâu. Cứ về khuya thì lại vật vờ trên cồn hoang, cười nói, đùa giỡn với nhau suốt cả đêm.

 Tôi đi lặn cát, lặn sỏi dưới sông. Nhiều người quen biết, nhờ lặn dùm đò cát, đò sạn, rồi biếu lại nắm xôi, cút rượu. Xôi thì tôi ăn, còn rượu thì tôi không uống được, tôi để dành, đêm mang ra cho anh. Bình thường, thì anh vui vẻ cười nói, bất cần đời, coi trời bằng vung. Nhưng khi rượu vào thì anh lại ngồi thở dài và khóc. Những khi ấy, anh hay gọi tên đồng đội và khóc hu hu như trẻ con. Anh hay nói, tau có què có cụt, thì vẫn còn có cái mạng, dù đói rách, tàn phế, vẫn còn có vợ có con, còn tụi bay, Lê ơi, Hiếu ơi, Thành ơi...tụi bay, giờ nằm dưới gò cát Triệu Lăng, dưới đáy sông Thạch Hãn..., có lạnh lắm không, có ai thắp cho tụi bay nắm nhang không...hu..hu...

 Lần khác thì anh đi ăn giỗ, để dành nắm xôi và vài miếng thịt phay mang ra cho tôi. Tôi bày xôi thịt ra, bảo anh cùng ăn. Anh vỗ bụng bành bạch bảo, mi ăn đi, tau mần một bụng căng rồi nì. Tôi ăn, anh ngồi nhìn, nuốt nước miếng ừng ực. Tôi giả vờ no, không ăn nữa, nhường lại cho anh. Lúc đó anh mới ngấu nghiến ăn, như chưa từng biết xôi, biết thịt phay là gì. Những lúc đó, cổ tôi nghèn nghẹn, mắt tôi cay cay... Tôi vỗ vỗ vai anh, có những hạt xôi, những miếng thịt, mà cả một đời người cũng không tận hưởng hết được hương vị ngầy ngậy của nó, là những miếng xôi, miếng thịt này đây. Anh gật gù, mi lại mần thơ à....

 Rồi một ngày đầu thu năm đó, trên cồn hoang giữa cánh đồng, nơi có ụ pháo thời chiến tranh để lại. Chỉ còn lại tôi với nỗi đau xé ruột. Anh Lấu chết rồi. Thủy Thần đã chết đuối trên dòng sông vào mùa mưa lũ.

 Dòng Kiến Giang vốn hiền hòa êm dịu. Nhưng những khi lũ tràn về thì lại cuồn cuộn rất hung dữ. Dòng nước bạc từ dãy Trường Sơn ào đổ xuống, mang theo những mảng cành cây khô, rều, rác..lao vùn vụt về xuôi. Lúc đó vợ anh đang con có bầu con Chưng. Anh sợ vợ nằm nơi vào mùa đông giá buốt, không có củi sưởi, nên lao thuyền nan ra giữa dòng nước bạc vớt cành khô. Một khúc gỗ lớn lao vào thuyền anh. Thuyền lật và anh cũng chìm theo dòng nước cuộn xoáy. Người ta thấy anh chới với giữa dòng bão lũ, nhưng không thể nào cứu anh kịp.

 Khi nước rút, cũng chẳng thể nào tìm được xác anh. Có lẽ dòng nước đã đưa anh về với biển Mẹ bao la. Chị Diếc, mang bụng bầu, dắt thằng Đô mới chập chững biết đi, ra bờ sông ngồi khóc mấy ngày mấy đêm. Tôi đứng bên này sông, nhìn sang lòng quặn thắt từng khúc ruột. Đêm đó tôi ra cồn hoang, đắp một mô đất, cắm mấy que nhang, rồi đứng nghiêm, dơ tay chào theo điều lệnh quân đội, báo cáo đồng chí thương binh, đại úy, đại đội trưởng đại đội ba, tiểu đoàn bốn, trung đoàn anh cả đỏ hai mươi bảy Triệu Hải, anh hùng lực lượng vũ trang quân đội nhân dân Việt Nam, tôi có mặt, chúc đồng chí Thương Binh anh hùng về với đất mẹ và an giấc ngàn thu.

 Trong chiến tranh, anh, dũng cảm kiên cường vì đồng đội. Lúc thời bình, anh vì đồng đội mà bị tàn phế. Lúc trở thành dặt dẹo như con ma đồng, anh cũng chỉ nghĩ về đồng đội. Nhưng lúc anh về với đất, về với nước, chỉ có tôi, một con ma đồng khác gọi anh là đồng chí.....

 Rồi cuối mùa thu năm đó, tôi cũng biệt xứ ra đi, biền biệt cho đến bây giờ, khi gặp được con Chung trên nước Đức. Tôi mới biết thêm về tình hình thằng Đô và chị Diếc. Chị Diếc vẫn còn sống, vẫn làm nghề chằm nón ở làng Qui Hậu. Sau ngày anh Lấu chết, chị đẻ con Chưng, bây giờ đổi thành tên Chung. Thằng Đô, lớn lên học hết lớp chín thì bỏ học, về làm đồng giúp mẹ nuôi con Chung ăn học. Sau đó đi nghĩa vụ quân sự, vào binh chủng Hải Quân.

 Hai năm trước thằng Đô được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, nhờ thành tích bám đảo, bảo vệ biển trời của Tổ Quốc. Vừa rồi, lại nghe con Chung nói, thằng Đô bị kỷ luật, tước mất danh hiệu anh hùng, vì không tuân lệnh cấp trên, chỉ huy tàu mình đụng độ với tàu Trung Quốc. Và bị chuyển lên làm lính biên phòng trên Lao Bảo.

Đúng vậy, tôi lo lắng cho thằng Đô, vì tôi sợ lịch sử lại lặp lại sự tích anh hùng thời cận chiến như cha nó.

15.11.12