Mang
nợ khổ lắm. Chính phủ Hoa Kỳ đang nợ nần ngập đầu ngập cổ – 17 ngàn tỷ
Mỹ kim (seventeen trillion dollars), khó ai tin nước Mỹ có thể trả nổi.
Xét cho cùng, chính phủ nào lại không mang nợ, trừ phi chính phủ đó
không phát hành bất cứ hình thức trái phiếu nào. Hoa Kỳ coi thế vẫn có
phần hơn nhiều chính phủ khác, những nước phát hành trái phiếu, in tiền
vô tội vạ, quản lý kinh tế yếu kém, lạm phát phi mã, cuối cùng giá trị
của trái phiếu bốc hơi thảm hại, trở thành một thứ trấn lột, tệ hại hơn
quỵt nợ gấp bội phần.
Với
Uncle Sam, món nợ quốc gia hiện đang là một đề tài nóng. Nhất là trong
những năm gần đây, không ít người tin rằng một phần lớn nguồn năng lượng
của Quốc hội, lẽ ra nên sử dụng vào những kế hoạch phát triển chiến
lược. Nhưng cuối cùng bị tiêu hao bởi những bất đồng với Nhà Trắng, mục
tiêu cuối cùng vẫn chỉ là hai bên kìm nhau mức nợ tối đa chính phủ được
phép vay.
Khi
được hỏi ai là chủ nợ của Uncle Sam, người ta thường nghĩ ngay tới
China, chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ. Thực ra đó chỉ là món nợ bề nổi của
một tảng băng, còn một chủ nợ khác mà Hoa Kỳ phải đau đầu vật lộn, đó là
SSTF (Social Security Trust Fund) còn biết qua một tên gọi khác gần gũi
hơn “Quỹ tiền hưu trí của người dân Mỹ”.
Để
hiểu rõ hơn ai là chủ nợ của Hoa Kỳ, tạm thời chia món nợ khổng lồ 17
ngàn tỷ này thành hai khoản nợ được Bộ Nợ Công (BPD-Bureau of the Public
Debt) của chính phủ phụ trách điều hành. Hai khoản nợ khổng lồ này gồm:
(1) Nợ tài sản và nợ cổ phần nội bộ bên trong chính phủ (IH-Intragovernmental Holdings) khoảng gần 5 ngàn tỷ và
(2)
nợ từ các nguồn bên ngoài DHP (Debt Held by the Public) lên tới hơn 12
ngàn tỷ (tính vào thời điểm ngày 24 tháng 10 năm 2013).
Món nợ IH, chiếm khoảng gần 1/3 số nợ 17 ngàn tỷ, là khoản nợ Hoa Kỳ vay từ số chủ nợ gồm 230 tổ chức Liên bang (Federal agencies). Ở đây là vay nợ từ các tổ chức cấp liên bang (giống như cha mẹ vay nợ các con cái trong nhà). Ví dụ như SSTF là cơ quan thu và quản lý khoản tiền thuế. Mỗi năm số tiền thuế này thu vào nhiều hơn số tiền SSTF chi trả ra cho người hưu trí. Số tiền thặng dư sẽ làm gì đây?
Để
sinh lợi, SSTF đã mua những trái phiếu do chính phủ phát hành, trong
trường hợp này là những U.S.Treasuries. Tới thời điểm các trái phiếu này
đến hạn (matured) cần được thanh toán, chính phủ sẽ phải trả cả vốn lẫn
lời. Chính phủ sẽ có hai lựa chọn:
- Một là tăng thuế (mà điều này rất dễ gặp phản ứng từ dư luận xã hội).
-
Hai là phát hành thêm những khoản nợ (trái phiếu) mới để có tiền thanh
toán cho các trái phiếu tới kỳ hạn (cách này xem ra dễ chấp nhận hơn,
chỉ cần Quốc hội và Nhà trắng thuận thảo, đồng ý với nhau là được).
Sau
đây là danh sách các tổ chức Liên bang mua nhiều trái phiếu nhất (tức
là chủ nợ của Uncle Sam tính đến thời điểm ngày 30 tháng 08 năm 2013):
1. An Sinh Xã Hội (Social Security Trust Fund and Federal Disability Insurance Trust Fund): mua khoảng gần 3 ngàn tỷ Mỹ kim ($2.764 trillion).
2. Văn phòng Quản lý Nhân sự (Office
of Personnel Management gồm Federal Employees Retirement, Life
Insurance, Hospital Insurance Trust Funds, Postal Service Retiree
Contributions): mua khoảng hơn 8 trăm tỷ Mỹ kim ($826.8 billion).
3. Quỹ Hưu Quân Đội (Military Retirement Fund): mua khoảng hơn 4 trăm tỷ Mỹ kim ($419.5 billion).
4. Quỹ Y tế Hưu Quân Đội (Uniformed Services Retiree Health Care Fund): mua 189 tỷ Mỹ kim ($189 billion).
5. Bộ Y Tế và Nhân Sinh (Department
of Health and Human Services – gồm có: Federal Hospital Insurance Trust
Fund, Federal Supplementary Medical Insurance Trust Fund): mua khoảng
260 tỷ Mỹ kim ($260 billion).
6. Bộ Năng Lượng (Department of Energy): mua khoảng hơn 50 tỷ Mỹ kim ($54.8 billion).
7. Tập đoàn Bảo hiểm Ký gởi Liên bang (Federal Deposit Insurance Corporation): mua 33 tỷ Mỹ kim ($33 billion).
8. Bộ Lao Động (Department of Labor – Chủ yếu là Quỹ Thất nghiệp (Unemployment Trust Fund): mua 30 tỷ Mỹ kim ($30 billion).
9. Bộ Ngân Khố (Department of the Treasury): mua 26 tỷ Mỹ kim.
10. Các bộ khác gộp lại (Other Programs and Funds): mua khoảng 260 tỷ Mỹ kim ($260 billion).
Khoản
nợ DHP (do chủ nợ bên ngoài nắm) lên tới hơn 12 ngàn tỷ Mỹ kim. Gần một
nửa trong số khoản nợ DHP do chính phủ các nước ngoài làm chủ như Trung
quốc, Nhật, Nam Hàn… khi họ mua trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ.
Kế
tiếp, 1/5 của món nợ DHP thuộc về chính quyền các tiểu bang (không
thuộc chính quyền liên bang) cùng với Quỹ Dự trữ Liên bang (Federal
Reserve) nắm giữ.
Cần
biết quỹ này không thuộc bộ máy chính phủ liên bang như danh sách các
cơ quan trong nhóm chủ nợ IH nêu ở phần trên. Kế tiếp, gần 15% trong
khoản nợ DHP do các quỹ đầu tư như mutual funds và các quỹ hưu trí tư
nhân, trái phiếu tiết kiệm, trái phiếu cá nhân làm chủ. Nếu bạn có 401K
tại hãng làm, tức bạn được coi là chủ nợ của Uncle Sam vì hãng của bạn
đã mua trái phiếu của chính phủ giùm bạn. Nói khác đi, hãng đầu tư hộ
cho bạn. Phần nợ DHP còn lại do các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các
tập đoàn tài chánh, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư làm chủ.
Phân
tích chi li khoản nợ DHP này: Số nợ Uncle Sam vay mượn của nước ngoài
lên tới 5 ngàn 724 tỷ Mỹ kim. Quỹ Dự trữ Liên bang cho Uncle Sam vay 1
ngàn 794 tỷ Mỹ kim. Chính phủ các cấp tiểu bang và các quỹ hưu trí riêng
của họ cho Uncle Sam vay hơn 700 tỷ Mỹ kim.
Các
quỹ đầu tư mutual fund cho Uncle Sam vay hơn 946 tỷ Mỹ kim. Các quỹ Hưu
Tư nhân cho Uncle Sam vay hơn 457 tỷ Mỹ kim. Các ngân hàng cho Uncle
Sam vay khoảng 341 tỷ Mỹ kim. Uncle Sam vay các công ty bảo hiểm hơn 263
tỷ Mỹ kim. Quỹ Trái phiếu tiết kiệm US cho Uncle Sam nợ gần 182 tỷ Mỹ
kim. Phần còn lại do nhiều tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư cho
Uncle Sam nợ khoảng 1 ngàn 497 tỷ Mỹ kim. Những con số trên thống kê
vào ngày 28 tháng 03 năm 2013 do Federal Reserve cung cấp.
Cần
biết thêm không chỉ có các trái phiếu ở các dạng bills, notes, bonds,
của chính phủ Liên bang (tức Uncle Sam phát hành), song còn có cả những
khoản nợ bảo đảm (securities) vay từ chính phủ các tiểu bang và chính
phủ địa phương. Khi gộp lại, quá nửa khoản nợ tập trung vào các chủ nợ
điều hành An sinh Xã hội và các quỹ hưu trí (gồm cả retirement và
pensions). Vì thế, nếu Uncle Sam mà khai phá sản (default) thì các nước
khác sẽ nhảy dựng lên, nhưng thiệt hại nặng nhất là những công dân tuổi
hưu và những công dân mất sức lao động của Hoa Kỳ.
Bài
toán nợ nần của Uncle Sam là vậy! Chủ nợ của Chú Sam bất luận là ai,
Trung quốc, Nhật, Nam Hàn, hay Quỹ An Sinh xã hội, giới tài phiệt, hay
mỗi người trong chúng ta (những ai có 401K) hay đầu tư mutual fund… sẽ
nghĩ gì về số nợ 17 ngàn tỷ Mỹ kim của chính phủ Hoa Kỳ, nên an tâm hay
lo lắng? Liệu họ có sợ quỵt nợ. Hay nghĩ đơn giản hơn: Bất luận chuyện
gì xảy ra, Uncle Sam cũng sẽ tìm mọi cách để xử lý ổn thỏa, chứ không
chạy làng. Bởi lẽ khoản nợ của Chú Sam là khoản nợ vay mượn vì lợi ích
của người dân và của toàn xã hội, chứ không phải là khoản nợ vô căn cứ.
Nguyễn Thơ Sinh
No comments:
Post a Comment