Wednesday, October 16, 2013

TOÀN CẢNH CÔNG NỢ MỸ

Trần nợ hiện tại của Mỹ là 16.700 tỷ USD, hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của họ là Trung Quốc - Nhật Bản và quốc gia này chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót nâng trần để tránh vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Trần nợ công là giới hạn được Quốc hội Mỹ đặt ra về số tiền tối đa Chính phủ có thể đi vay, CNN cho biết. Chúng được dùng để trả các phúc lợi xã hội, lương cho quân nhân, lãi suất các khoản nợ công, hoàn thuế và các khoản thanh toán khác.
Quốc hội luôn là cơ quan được quyền thiết lập trần nợ quốc gia. Giới hạn hiện tại là 16.699 tỷ USD. Hai phần ba số nợ của Mỹ thuộc về các cá nhân và tổ chức trong nước. Chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc và Nhật Bản khi nắm giữ tổng cộng gần 2.500 tỷ USD trái phiếu Chính phủ, tính đến cuối tháng 7.
Việc nâng trần được thực hiện rất thường xuyên, trung bình hơn một lần mỗi năm. Kể từ năm 1940, các nhà làm luật nước này đã phải nâng trần 79 lần. Thi thoảng, họ chỉ nâng lên một lượng rất nhỏ.
US-debt-jpeg-3641-1381746385.jpg
Hai phần ba số nợ của Mỹ thuộc về các cá nhân và tổ chức trong nước. Ảnh: RT
Nâng trần nợ không có nghĩa Chính phủ được chi nhiều hơn. Nó chỉ cho phép Bộ Tài chính vay số tiền cần thiết để chi trả đầy đủ và kịp thời cho các hoạt động của Chính phủ. Đây đều là những hoạt động đã được thực hiện, hoặc những chính sách an sinh xã hội được Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, nâng trần nợ luôn là cuộc chiến của các chính trị gia tại Mỹ. Lần gần đây nhất là tháng 8/2011, các nhà làm luật đã mất hàng tháng mới đạt thỏa thuận nâng trần nợ công, chỉ chưa đầy 24 giờ trước khi Mỹ chính thức rơi vào cảnh vỡ nợ. Việc này đã khiến họ lần đầu tiên bị hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ một bậc xếp hạng xuống AA+.
Hiện tại, điều kiện để nâng trần nợ của đảng Cộng hòa là cắt giảm chi tiêu và không cấp vốn hoặc hoãn thực hiện chương trình chăm sóc y tế của Tổng thống Barrack Obama (Obamacare) để giảm thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, ông Obama và các nghị sĩ đảng Dân chủ lại không chấp nhận đàm phán nếu có các điều kiện này.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew cảnh báo Mỹ đã chạm trần nợ từ tháng 5 và họ đã phải thực hiện "hàng loạt biện pháp phi thường" để tiếp tục chi trả cho các hoạt động của đất nước. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/10 tới. Sau ngày này, Mỹ sẽ chỉ còn 30 tỷ USD và một ít doanh thu thuế, không đủ thanh toán cho số chi phí có thể lên tới 60 tỷ USD.
Harry-reid-5234-1381746385.jpg
Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa thống nhất kế hoạch nâng trần nợ. Ảnh: Bloomberg
Dù vậy, sau nhiều ngày đàm phán, các nhà làm luật hai đảng và hai viện vẫn tuyên bố chưa tìm được kế hoạch nào đủ số phiếu để tránh vỡ nợ. Chỉ trong cuối tuần qua, cả ba đề xuất được đưa ra đều bị nghị sĩ đảng kia bác bỏ. Theo tính toán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, nước này sẽ cạn kiệt tiền mặt trong khoảng thời gian 22/10 - 31/10.
Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ và chẳng ai có thể chắc chắn chuyện gì sẽ xảy ra nếu Quốc hội lần này không thể nâng trần đúng hạn. CNN cho rằng, nếu không thể vay tiền, Bộ Tài chính sẽ phải chọn trả một số khoản và trì hoãn các khoản còn lại, hoặc hoãn tất cả cho đến khi có đủ tiền. Phần lớn chuyên gia cho rằng cơ quan này sẽ làm tất cả để ưu tiên trả lãi cho những người nắm giữ trái phiếu Chính phủ, nhằm ngăn thị trường lao dốc và lãi suất tăng vọt.
Theo phương diện kinh tế, để trần nợ quá hạn trong nhiều ngày sẽ là một thảm họa. "Công chức nhà nước, nhà thầu, các chương trình phúc lợi, công ty quốc doanh, chính quyền địa phương sẽ đột ngột thiếu ngân sác và gây hậu quả cộng hưởng cho cả nền kinh tế", Donald Marron – cựu giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội bình luận. Vỡ nợ kéo dài sẽ khiến nhiều người dân bị thất nghiệp, còn các tổ chức và cá nhân thì khó tiếp cận vốn. Việc này có thể đẩy Mỹ vào tình trạng suy thoái.
Thêm vào đó, nếu Mỹ vỡ nợ, hệ thống tài chính thế giới cũng sẽ bắt đầu đóng băng, Christian Science Monitor cho biết. Các ngân hàng giảm cho vay và tham gia các hoạt động rủi ro. Hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ sẽ thiệt hại hàng chục tỷ USD do đôla Mỹ mất giá. Đà phục hồi kinh tế tại Nhật Bản, eurozone và sức tăng trưởng của Trung Quốc cũng bị kéo tụt nếu nội tệ tăng giá và thương mại toàn cầu đóng băng như các chuyên gia từng cảnh báo.
Thùy Linh

No comments:

Post a Comment